Truyện Minh Hoạ - Giáo Dục

Cuộc trò chuyện giữa bụt và cô bé bán hàng rong

Cô bé: Con khóc vì không được bán hàng.

Bụt: Ôi , con ơi!

Cô bé: Ngày xưa , mỗi lần có cô bé nhà nghèo khóc bụt lại hiện ra.

Bụt: Bây giờ cũng vậy mà

Cô bé: Nhưng ngày xưa bụt thường quả quyết.

Bụt: Con ơi ngày xưa ta chỉ cần đưa cho cô bé một bộ quần áo mới hoặc một đôi giầy mới. Nhưng lúc này không phải như vậy . Những thứ đó không giải quyết được gì.

Cô bé: Vâng , nhưng con cũng đâu cần giầy. Con chỉ cần được bán trên đường phố mà thôi.

Bụt : Con yêu dấu. Chính cái việc bán hàng đó khiến ta bất lực. Ta không bênh con được .

Cô bé: Tại sao?

Bụt: Tại vì ta phải chọn giữa con và sự văn minh . Và dù đau lòng ta cũng phải để cho văn minh chiến thắng.

Cô bé: Thưa bụt, con tưởng văn minh nhất của bụt là nghĩ đến người nghèo?

Bụt: Đã có thời ta tưởng như thế. Nhưng bây giờ ta nghĩ ra , văn minh nhất là nghĩ đến người nghèo biết phấn đấu. Còn những người nghèo chỉ biết ngồi khóc , đôi lúc ta , phải bỏ qua.

Cô bé: Ôi , như vậy thì bụt không thương con.

Bụt: Khi ta là Bụt , ta có thể thương đơn giản , thương tràn lan. Điều ấy chả có làm sao cả. Nhưng khi ta là Bụt cầm trong tay thành phần lãnh đạo, ta phải thương cái đúng chứ không phải là cái đáng thương.
Cô bé: À.

Bụt: Bản lĩnh của ta , sự kì vọng của bao nhiêu người đặt vào ta nằm ở chỗ đó. Ta là Bụt quản lý. Ta không chỉ an ủi và phân phát qùa khi cô bé khóc. Ta còn phải nghĩ đến bao nhiêu già trẻ không khóc nhưng đang trăn trở đêm ngày.

Cô bé: Nghĩa là?

Bụt: Nghĩa là ta nhấn mạnh, làm lãnh đạo không phải chỉ làm Bụt , mà rất lắm khi phải làm cả quan tòa.

Cô bé: Bụt ơi , con không phải bị cáo.

Bụt: Quan tòa đâu phải lúc nào cũng xử bị cáo , mà xem xử ai tốt ít, ai tốt nhiều mà thôi. Con là một cô bé bán hàng rong tốt, nhưng sự phát triển của một thành phố còn tốt hơn con. Cho nên ta không thể bênh con được.

Cô bé: Trời ơi

Bụt: Không có Bụt cho tất cả mọi người. Giờ phút này con hãy chấp nhận điều đó.

Cô bé: Nghe đau xót quá.

Bụt: Con tưởng rằng ta không đau xót hay sao? Nhưng đã tới thời kì mọi người cần hiểu rằng không còn chỗ cho ai ngồi khóc, dù ai đó có đáng thương và tội nghiệp đáng thương, phải đứng lên đi con.

Cô bé: Con biết làm việc gì hả Bụt? Khi con chỉ gánh vác hàng rong mỗi ngày. Con không có kiến thức và không có vốn liếng.

Bụt: Những chi tiết đó rất đáng thương, nhưng con ơi , không thể đáng thương mãi mãi. Nếu cứ băn khoăn về con, ta sẽ không bao giờ giải quyết tận gốc một số việc. Ta sẽ suốt đời chỉ thành một ông Bụt Nhờ nhờ, làm cho xã hội nhờ nhờ theo.

Cô bé: Tóm lại, bụt từ chối giúp con?

Bụt: Nếu giúp theo kiểu tặng quà thì con ơi, ta từ chối. Thời kì giúp kiểu đó đã qua lâu rồi. Ta chỉ có thể giúp bằng cách chỉ cho con rằng càng ngày càng ít chỗ cho những ai bám vào văn minh mà không xây dựng nó. Dù ai đó là một cô bé đáng yêu được như con.

Lê Thị Liên Hoan


19 tuổi, lăn xe đi học lớp 5

- Dù nắng dù mưa, hay cả những ngày lụt bão, người ta vẫn thấy Huỳnh Thị Vân (xóm 8, thôn Triều Thủy, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) mồ hôi nhễ nhại, nhoài mình lăn xe đến lớp.

Căn bệnh liệt nửa người đã cướp đi đôi chân lành lặn của em từ khi lọt lòng, nhưng không vì thế mà Vân đánh rơi con chữ...

Tuổi thơ bệnh tật

Vân nói ngây thơ: “Khi thấy các bạn cùng tuổi đến trường, em cũng thích đi lắm. Nhưng mẹ nói chân con liệt như ri làm răng đi? Em đã khóc rất nhiều”. Vân bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời bất hạnh của mình.
Sinh năm 1990, Vân không may mang trên mình nhiều căn bệnh hiểm nghèo: liệt nửa người, u dị dạng và viêm thận nặng. Hôm nào trở trời, những căn bệnh quái ác lại thi nhau hành hạ em, bắt em vật lộn đến teo tóp thân xác. Nhưng khi cơn đau qua, Vân lại lấy bút màu ra để hí hoáy tập viết, vẽ ước mơ của mình.

Càng lớn khối u ở lưng em càng to ra, Vân không thể nằm ngửa hay ngồi, với đôi chân liệt em chỉ biết lết từ góc nhà này sang góc nhà khác làm bạn với đống giấy lộn mẹ xin về. Và càng lớn thì mong ước được đến trường của Vân thêm mãnh liệt. Em nằng nặc đòi mẹ cho đi học. Nhưng nhà nghèo, mẹ đi làm thuê, bố chài lưới bắt cá không đủ ăn, lấy tiền đâu chữa bệnh cho em? Nhà có bốn người con thì ba anh chị em của Vân đã bỏ học, bươn chải mưu sinh.

Năm 2003, dựa vào đồng tiền bố mẹ tích cóp cộng với khoản tiền từ thiện, Vân lần đầu tiên được phẫu thuật cắt bỏ khối u. Sau gần một tháng điều trị, đôi chân liệt của em vẫn không có cảm giác nhưng từ đây Vân đã có thể tự ngồi. Nhờ được mọi người giúp đỡ, em đã có được đôi chân “thép” - xe lăn. Khi tự lăn xe đi, “yêu sách” đầu tiên của Vân là: “Mẹ ơi cho con đi học”.

Vượt lên nỗi đau

Tự lăn xe với quãng đường lô nhô đất đá hơn 1km đã mệt, Vân còn phải “nếm” biết bao trò chọc ghẹo của bạn bè. Nhưng thời gian qua đi, các bạn bè cùng lớp dần cảm phục trước ý thức học tập, vượt qua bản thân của Vân nên từ sự kỳ thị các bạn chuyển sang giúp đỡ. Em Vân Anh, người thường xuyên đẩy xe lăn vào lớp giúp Vân, cho biết: “Chị Vân ham học lắm, bất kể thời tiết thế nào chị cũng đến lớp”.

Hiện Vân đang học lớp 5A Trường PTCS Phú An 2, với một thành tích đáng nể: năm năm liền là học sinh xuất sắc, trong công tác Đội em luôn là người đi đầu. Thầy giáo Trần Văn A, phụ trách Đội, nhận xét: “Dù đi lại khó khăn nhưng em Vân luôn năng nổ trong công tác Đội, các hoạt động văn nghệ em luôn tham gia tích cực”.

Vì là người lớn tuổi nhất lớp - 19 tuổi nên Vân luôn được các bạn cùng lớp gọi là chị Vân. Em không thấy đó là sự xấu hổ mà chỉ thấy đó là niềm tự hào khi vượt qua bệnh tật để được mọi người yêu quý. Ước mơ lớn nhất của em là trở thành một họa sĩ để được vẽ cuộc sống, vẽ ước mong của đời mình. Em khoe đã vẽ hơn 1.000 bức tranh rồi. “Em vẽ đôi chân lành lặn của mình trong tương lai” - mắt Vân ánh lên hi vọng.

Tan giờ học, chúng tôi cùng em về nhà, tới nơi chỉ thấy một căn nhà cấp bốn lọt thỏm giữa những ngôi nhà kiên cố. Ông Huỳnh Vị tay cầm xâu cá vừa bắt được mắt ngấn nước: “Nó ước mơ nhiều lắm nhưng không biết tui có nuôi nó đến nơi đến chốn được không”.

Nói điều ước với chúng tôi, Vân buồn buồn: “Em chỉ mong có sức khỏe để đi học, mong mẹ đừng bắt em bỏ học”.

TRIỆU PHONG


Nuôi con !

Nhà có cháu, bố mẹ đi làm cả ngày nên muốn thuê người ngoài. Bà nội muốn tự tay mình chăm sóc.

Mẹ làm ngành y rất kỹ lưỡng về vệ sinh, có ý không thích để bà nuôi. Một hôm mẹ làm về sớm thấy bà mớm cho cháu, không bằng lòng nên nói với bố. Đến tối, bố nói: bà nuôi theo kiểu dân gian, mất vệ sinh lắm nên cháu bệnh hoài, thôi để con thuê người chăm cho cháu.

Bà ngỡ ngàng, chống chế yếu ớt: con cũng lớn, mạnh khỏe mà có sao đâu!

Sưu tầm


Mẹ va con

Con lên ba, chơi bên nhà dì, bị xe đạp ngã, trúng đầu chảy máu. Mẹ đang nấu cơm, hốt hoảng bế con chạy ngay đến bệnh viện. Hú vía. Vết thương chỉ nhẹ bên ngoài thôi. Hoàn hồn, mẹ nhìn lại mình: chân không dép, quần ống cao ống thấp, áo loang lổ vết máu. Chả giống ai! Mẹ cười.

Con lớn, mẹ bỗng bị chứng điếc đột ngột. Lần lữa mãi, mẹ mới nhờ con đưa đi khám bệnh. Bác sĩ bảo: Để quá lâu, hồi phục thính lực cũng khó. Nhìn mặt mẹ ngơ ngẩn, con khóc.

Sưu tầm


Cãi nhau

        Bố mẹ cãi nhau. Bố mua con chim sáo, nhốt trong lồng, treo ngoài vườn. Mẹ mua con mèo, thả trong bếp. Trưa, chẳng hiểu thế nào, khi bố về, con sáo không còn trong lồng, con mèo của mẹ đang phơi nắng ngoài sân. Bố đổ cho con mèo. Mẹ bảo không phải. Lại cãi nhau. Bố bỏ đến cơ quan. Mẹ về bà ngoại, mang theo nó, đang thút thít khóc. Chiều, người hàng xóm mang con sáo bay lạc sang trả, nhà chỉ còn bà vú già.

Sưu tầm


Nhớ mẹ

Mẹ tôi bị chứng lở miệng. Mỗi lần bị lở mẹ ăn rất khó khăn. Khi ấy mẹ chỉ thích có tô cháo hành hoa cho dễ nuốt nhưng tôi thường tìm cớ né tránh để khỏi phải nấu. Thấm thoát mẹ mất cũng đã gần 10 năm.

Mấy hôm nay nuốt thức ăn thấy đau đau. Soi gương thấy hóa ra miệng có vết lở giống như mẹ ngày trước. Cầm tô cháo hành mà nước mắt tôi cứ lăn dài.

Sưu tầm


CHUYỆN VUI NHÀ ĐẠO        

Trước khi ban phép lành và chúc cộng đoàn ra về bình an, tôi nán lại chừng một phút để thông báo cho mọi người biết: Tôi sẽ đi RÔ-MA vào ngày mai và trên đường về tôi sẽ ghé hành hương đất Thánh. Trong thời gian tôi vắng mặt, sẽ có cha khách đến cử hành Thánh Lễ thay tôi.

Thật không ngờ! Khi tôi vừa thay áo lễ xong, bước ra cửa phòng áo đã thấy giáo dân tụ tập khá đông.

Mọi người xôn xao lên vì tin tôi vừa thông báo, nhất là việc ghé thăm đất Thánh. Họ xin tôi hãy đem về giáo xứ một Thánh Tích để thoả lòng tôn kính. Trước sự háo hức và phấn khởi của giáo dân, tôi đã buột miệng hứa liều một cách ngu ngốc:

-              Nhất định tôi sẽ làm điều đó!

-              Khi mọi người đã giải tán, tôi mới hối hận thì đã muộn!

Trong suốt cuộc hành trình, lời hứa với giáo dân cứ dày vò tôi mãi. Tôi không thể nào thực hiện lời hứa được; bởi vì Thánh Tích không chỉ là tài sản quý của quốc gia, mà còn là gia sản chung của cả thế giới.

Chết tôi chưa! Càng gần đến ngày về, ruột gan tôi càng nẫu ra… Tôi cầu cứu Chúa và bỗng nhiên một câu chuyện vui tôi đã nghe ở đâu đó chợt hiện lên trong đầu tôi, tôi phác nhanh ra một giải pháp:

- Thứ nhất, có thể giáo dân của tôi chưa biết câu chuyện này.

- Thứ hai,  thứ này thì ở đâu mà không có, lại nhiều vô khối, với tài miệng lưỡi của tôi sẽ không khó để thuyết phục và biện bác… Vậy là vấn đề đã được giải quyết! Tôi chọn một “Thánh Tích” khá đẹp có nguồn gốc tại Do Thái, cũng có gốc gác trong Phúc Âm đàng hoàng, chỉ phải cái tội nặng quá!

Về đến giáo xứ, tôi phải nghỉ ngơi bù lại vất vả dọc đường. Hôm sau, cuối Thánh Lễ, khi ban phép lành và chúc bình an xong, tôi mời mọi người vào nhà xứ để thực hiện lời tôi đã hứa. Trước mặt giáo dân đang háo hức chờ xem Thánh Tích, tôi khệ nệ khiêng “Thánh Tích” đặt lên bàn:

- Anh chị em thân mến, tôi đã hứa sẽ đem về một Thánh Tích nơi đất Thánh cho anh chị em, vậy thì, “nó” đây! Chính là hòn đá mà Chúa Giê-Su đã nói: “Ta bảo thật với các ngươi, Thiên Chúa có thể khiến những viên đá này trở nên con cái Abraham...”

Sưu tầm


Hòn đá không cô đơn

Lớp 12 – Năm học mà ai cũng nghĩ mọi học sinh đều chăm chỉ ôn luyện cho kì thi sắp đến. Nhưng không, có một số “nhân” VIP không vậy. Tâm thở dài, ngao ngán nhìn cái lớp mà hai phần ba là con ông cháu cha, học cứ như chơi.

Như Khiêm chẳng hạn, bất chợt nhìn sang cậu bạn, Khiêm thoáng buồn. Hồi lớp 10, nó có đến nỗi nào đâu, vậy mà…Chỉ mới qua hè mà giờ nhìn nó khác hẳn, tóc hoe hoe, lên lớp là ngồi im một chỗ, lại còn tập tành hút thuốc nữa chứ. Tâm thở dài, xót xa cho gánh nặng đang đè lên nó…

Chiều. Lên nghe phổ biến công tác tuyển sinh xong, lững thững về thì Tâm gặp cô chủ nhiệm. Sau vài câu xã giao, cô như chợt nhớ ra:

- À, em có biết vì sao Khiêm lớp mình giờ lại học hành sa sút thế không?

+ Em không biết cô ạ! – Tâm đáp, ngao ngán.

- Vậy, cô nhờ em một việc nhé! Em kèm bạn Khiêm học được không?

Tâm nghe như sấm đánh lùng bùng lỗ tai, hỏi lại để chắc mình không lầm: “Thật hả cô?”

- Vì em là lớp trưởng mà! – Cô nói, đầy tin tưởng.

Tâm “Dạ” cay đắng, trong lòng như muốn vò nát hai chữ “Lớp trưởng” rồi vứt đến một chỗ xa xăm nào…

 Tối. Đi học thêm về, Tâm thấy Khiêm đang gác nghễnh chân trong một quán cà phê ven đường. Thấy cô nhóc, hắn lờ đi còn Tâm vì “trọng trách” cao cả cô chủ nhiệm “ban” nên không thể. Gác xe, đến gần chỗ Khiêm, Tâm nghiêm mặt:

- Sao chiều nay ông không đến lớp?

+ Không thích.

- Không thích? - Tâm trố mắt ngạc nhiên, trong khi Khiêm hờ hững: “Còn lớp trưởng, đến tận quán cà phê này chắc không chỉ để hỏi tôi như thế đâu nhỉ?”

Chợt nhớ đây là quán café “nối tiếng” của các đàn anh trong trường, Tâm lúng búng phân bua:

- Kết quả dạo này của ông sa sút, nên cô chủ nhiệm bảo tôi kèm ông…

+ Thôi đi. Đừng có mở miệng ra là học với hành, vứt cả đi.

- Nhưng…

+ Nhưng nhị gì. - Khiêm liếc Tâm sắc lẻm, cười khẩy: “Hay vờ như thế để moi tôi ít tiền...”

BỐP!

Khiếm bật ngã sang một bên, choáng váng đưa tay ôm mặt. Trong khi Tâm giận run lên: “Sao ông dám…”. Nói rồi Tâm bỏ chạy tức thì, nước mắt rơi lã chã. Lần đầu tiên nó bị một sự xúc phạm như vậy.

Trưa hôm sau, Tâm đến trường sớm như mọi lần, xem lại bài vở, tận hưởng cái cảm giác thong dong hiếm hoi của ban trưa. Làm một lớp trưởng nghĩa là phải có trách nhiệm và biết gương mẫu. Đấy là lí do Tâm luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi thứ, từ công việc lớp đến học hành. Vừa đặt chân đến cửa, Tâm đã thấy Khiêm đến từ khi nào, hắn ngồi vắt vẻo lên thành cửa sổ, phì phèo điếu thuốc trông đến là ghét! Thấy Tâm, hắn dập điếu thuốc, nhìn như muốn một điều gì nhưng lại thôi. Tâm vờ như không biết sự tồn tại của hắn, cặm cụi đọc sách.

Vài cơn gió lao xao thổi, đẩy đưa ít nắng nhẹ heo hắt. Một phút, hai phút… trôi qua thật chậm. Nắng gắt dần, sân trường vẫn im ắng thậm chí đến lá rơi cũng khiến Tâm nghe rõ từng tiếng ‘xào xạc”...

+ Xin Lỗi.

... Tâm sửng sốt quay lại, tự hỏi hai câu đó là do Khiêm thốt ra?

+ Hôm qua tôi lỡ lời, thật sự xin lỗi.

- Chẳng có lỗi gì cả, không cần phải xin. - Tâm đã hết tức những vẫn bực chuyện tối qua.

+ Tôi phải làm gì để thay lời xin lỗi?

Một ý nghĩ nảy lên trong đầu Tâm:

- Được. Vậy thì học nhóm với tôi, coi như lời xin lỗi của ông, được chứ?

+ Ha ha. Khiêm cười một mình, vẫn cái điệu bộ bất cần như mọi lần: “Một đứa sắp chết như tôi, học thêm nữa thì ích lợi gì chứ”.

Tâm sững người. “Sắp chết? Khiêm ư?”

+ Đừng nhìn tôi thương hại như thế. Một khối u không thể chữa trị. Đành chờ chết, thế thôi.

Nói rồi, hắn lặng lẽ đi về phía cầu thang heo hút. Nước mắt khẽ khàng rơi. Giờ, cuối cùng Tâm đã hiểu sao Khiêm lại thay đổi nhiều đến thế. Quệt nước mắt, cô nhóc chạy theo, nói như hét: Khiêm! Dù thế, hãy cứ để tôi giúp đi. Đừng buông xuôi được không?

Đôi mắt Khiêm nhìn Tâm đầy lạ lẫm, khó đoán, rồi bỗng cười: "Là bạn “tự chuốc” đấy nhé?"

   Từ hôm đó, Khiêm đến lớp đều hơn vì một thoả thuận bất đắc dĩ, vị trí của hai đứa cũng được xếp gần nhau hơn. Tâm gần như dành toàn bộ thời gian tóm lại kiến thức sáu môn tốt nghiệp cho Khiêm. Đáp lại sự nhiệt tình của Tâm, Khiêm chịu ôn lại, nắm kiến thức rất nhanh như bù lại khoảng thời gian chới với khi biết mình bị u não. Cũng từ dạo ấy, Tâm thân với Khiêm hơn, đủ để cậu nhóc có thể giãi bày mọi chuyện buồn vui bấy lâu găm trong lòng.

Nhuộm lại tóc đen, bỏ thuốc lá, trở lại một cậu-học-sinh-đúng-nghĩa, sổ điểm danh chẳng còn chi chít tên vắng nghỉ. Cô giáo mừng, lớp mừng, chỉ có Tâm mang niềm xót xa vô hạn, Khiêm còn sống bao lâu để học, để sống, để yêu thương và được quan tâm? Một lần, Khiêm thủ thỉ:

+ Khiêm muốn thi vào Nhạc viện quá, chẳng biết còn thời gian để thực hiện điều đó không?

Nghe xong, Tâm lặng lẽ khóc, chẳng dám bật lên thành tiếng, thầm ước mình có thể làm gì đó ngoài khuyên những lời vô vị.

Cuối kì một, Khiêm leo từ học lực Trung bình yếu lên Khá. Khiêm mừng, không vì kết quả mà vì những gì cậu làm cũng đền đáp công sức của cô lớp trưởng tận tâm.

Chiều, nhận lời đi mua sách với Khiêm, Tâm lần đầu tiên đến nhà cậu, một căn biệt thự bốn tầng xây toàn bằng gỗ bóng loáng. Tâm e dè bấm chuông, một người phụ nữ dáng vẻ mệt mỏi bước ra:

+ Hỏi ai con?

- Dạ, cho con gặp Khiêm ạ.

+ Con là ai? - Người phụ nữ, đoán chừng mẹ Khiêm, hỏi.

- Dạ, con là Tâm, bạn cùng lớp.

Đôi mắt bà sáng lên, mở nụ cười, chào đón nó: "Con vào đi, Khiêm nhắc mãi con với dì."

Tâm theo chân mẹ Khiêm lên trên phòng, nghe loáng thoáng lời bà “Con giúp nó, dì biết ơn lắm…”. Cửa phòng mở, Khiêm nằm trên giường truyền thuốc, cô bác sĩ ngồi kề bên lặng lẽ nhìn từng giọt dung dịch chảy cạn. Khiêm nói: "Chờ chút nhé, truyền thuốc sắp xong rồi."

Tâm đáp lại bằng nụ cười tươi và cái gật đầu, nhìn quanh căn phòng Khiêm, chỉ thấy toàn đĩa nhạc, sách vở xếp rất gọn gàng với sáu cây guitar đủ kiểu xếp thành một góc gây một sự chú ý khá lớn với Tâm. Đoán chừng, Khiêm chậm rãi kể: "Ước mơ từ năm lớp 1 của Khiêm đấy, giờ thì xếp xó cũng gần nửa năm rồi."

Tâm không dám đáp lại nên khéo léo chuyển chủ đề:

- Một tháng nữa trường mình đi trại, Tâm định chiều nay đi mua sách rồi tiện thể đi coi đặt áo cho lớp mình luôn.

+ Ồ, hay quá, áo trại à? Tâm chọn được kiểu chưa?

- Chưa, thế nên mới nhờ sự giúp đỡ của Khiêm đây.

Hội trại trường diễn ra tưng bừng, mỗi lớp chia thành từng khu vực nhỏ để “đóng đô”. Tối, khu vực trung tâm đốt đuốc, cả lớp ngồi quây quần bên nhau. Lớp phó đề nghị bổ sung âm nhạc làm ai cũng la oái oải, đến lượt Khiêm, cả lớp hò reo:

- Guitar đê Khiêm ơi!

Khiêm ngạc nhiên: “Ủa, sao mọi người biết vậy?” Cả lớp cười nhìn nhau, Khiêm nhìn sang Tâm, bắt gặp cô nhóc đang cười toe. Hiểu ra, cậu khịt khịt mũi: “Chẳng mấy dịp được cả lớp đề nghị, Khiêm sẽ tặng mọi người bài “Hòn đá cô đơn” nhé.”

Bài hát đã ngưng từ khi nào, nhưng dư âm của nó khiến không khí chung quanh lặng hẳn đi một lúc, tiếng vỗ tay rào rào. Tâm chợt thấy trong lòng dấy liên một nỗi niềm gì đó rất riêng, khó tả. Tên con trai cách đây mấy tháng nó còn ghét cay đắng trong lòng, vậy mà giờ đây...

   Trại vừa kết thúc là Valentine hối hả đến, sáng 14/2 Tâm nhận được SMS của Khiêm: “Đến nhà K ngay nhé, đang đợi.” Tâm đạp xe qua, thấy Khiêm đợi từ bao giờ:

- Chìa tay ra nào.

Tâm tròn xoe mắt, hộp chocolate hình trái tim gói cẩn thận được đặt vào tay nó. Khiêm lúng túng: “Tặng ấy đấy” rồi giành tay lái đạp thẳng một hơi, để lại sau lưng là nụ cười ấm áp của Tâm..

Một ngày trước khi thi, hai đứa không gặp nhau được vì khác địa điểm thi. Tâm gửi SMS: “Cố lên nhé, vì tất cả”.

Ngày thi cuối cùng kết thúc, tất cả các môn thành công mĩ mãn, Tâm sướng rơn, thở phào nhẹ nhõm: “Vậy là xong, chỉ còn thi Đại học nữa thôi” Phóng bay đến nhà Khiêm nhưng đáp lại nó, chỉ là cánh cửa đóng im lìm. Nhấc điện thoại phone, không có trả lời.

Một ngày sau, Tâm nghe tin: Khiêm sắp mất. Chạy như bay đến bệnh viện, khuôn mặt trắng bệch của Khiêm bị áp vào ống truyền khí. Khiêm ngắm nghiền mắt, đờ đẫn. Mẹ Khiêm và cô chủ nhiệm đều đang khóc. Loáng thoáng vài tiếng thầm thì: “Đang ở phòng thi tự dưng khó thở..”, “giai đoạn cuối rồi..”. Tâm nắm chặt tay Khiêm, nức nở: “Bọn mình còn cá cược chưa thực hiện cơ mà…”. Tay nắm chặt tay. Khiêm khẽ mở mắt, thì thào: “Cám ơn nhé, lớp trưởng..”

Một thời gian sau, nỗi đau về sự ra đi của Khiêm mới nhẹ dần đi. Chưa đầy 1 tháng nữa là thi đại học, Tâm không muốn để bố mẹ chứng kiến mình xuống dốc mãi. Check mail, ngỡ ngàng, bức thư Khiêm gửi đến từ lâu lắm rồi. Một bản nhạc demo được attrach, giọng Khiêm như vẳng lại từ nơi xa: “Tặng cho cô lớp trưởng của tôi. Nếu sau này mình không còn nữa, hãy thi luôn phần cho Khiêm nhé”. Đệm kèm tiếng guitar của beat “Hòn đá cô đơn”: “Có câu chuyện một gã lang thang, tìm cho mình trong vòng xoáy cuộc đời, nàng đã là một vầng sáng, tìm cho ta một con đường để đi, và có thành cát bụi xin mãi theo chân nàng, như mây và gió..”

Tâm vốn không muốn mình yếu đuối, nhưng nước mắt lại rơi. Khẽ đưa tay gạt nhẹ, cô nhóc tự nhủ: “Sẽ yếu đuối nốt hôm nay thôi. Ngày mai, mình sẽ lại mạnh mẽ…”

Sưu tầm


Danh Dự Cho Ai

Văn sĩ Pháp Alexandre Piron qua đời năm 1773, thường có thói quen đi dạo trong khu rừng Boulogne giữa thủ đô Paris. Một ngày nọ, ông ngồi nghỉ trên một ghế đá tựa vào một bức tường.

Chỉ một lát sau, ông ngạc nhiên vô cùng, vì trong đám đông những người đang đi dạo trong khu rừng, một vài người đến gần ông, ngả nón chào. Cũng có một vài người bái cả gối nữa. Nhà văn mỉm cười đáp lễ cảm tình mà khách qua lại dành cho ông. Ông không ngờ rằng ông được nhiều người mến mộ đến như thế. Ông mong sao một số bạn bè trong văn giới chứng kiến được cảnh tượng này để thấy được vinh quang mà ông đã đạt được...

Nhà văn đang say với bã vinh hoa thì chợt trong đám người đang bái chào ông, một lão bà để lộ một thái độ khác thường. Cũng giống như mọi người khác, bà lão cúi chào, rồi tiến đến gần ghế đá. Bà thì thầm nói trong miệng mà nhà văn không hiểu được, rồi ngước mắt nhìn lên cao. Ngạc nhiên trước cử chỉ khác thường của bà lão, nhà văn cũng đưa mắt nhìn lên cao phía trên tường. Lúc bấy giờ ông mới khám phá ra rằng trên đầu ông có một tượng thánh giá... Thì ra, những người đi dạo trong khu rừng Boulogne này dừng lại không phải để tỏ lòng mộ mến đối với ông, mà chính là tỏ lòng cung kính đối với Chúa Giêsu trên thập giá.

Hổ thẹn vì sự khám phá ấy, Alexandre Piron đứng dậy bỏ đi nơi khác.

Sở dĩ Chúa Giêsu đã có thái độ gay gắt đối với những người biệt phái giả hình, là bởi vì họ muốn chiếm đoạt chính Vinh dự của Thiên Chúa. Họ cũng giống như văn sĩ Alexandre Piron trong câu chuyện trên đây: người ta đến bái chào Chúa Giêsu trên thập giá, nhưng ông lại muốn dành cho mình vinh dự ấy. Những người biệt phái giả hình cũng giống như con lừa mà Chúa Giêsu dùng để cưỡi vào thành Giêrusalem. Giữa những tiếng reo hò dân chúng dành cho Chúa Giêsu, con lừa cứ nghĩ rằng nó là một anh hùng oai phong lẫm liệt...

Khao khát danh vọng, quyền bính là đam mê chung của mọi người. Ai cũng thích xuất hiện trước công chúng, ai cũng thích được người đời ca tụng, ai cũng thích được phục vụ. Một cách nào đó, người tham vọng không những dùng người khác như bàn đạp, mà còn tước đoạt chính Vinh quang của Chúa...

Chúa Giêsu là con người đã sống trọn vẹn cho tha nhân và do đó cũng quy mọi vinh dự về cho Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nói với chúng ta rằng: là Thiên Chúa, Ngài đã không đòi cho được đồng hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hủy bỏ mình đi để mặc lấy thân phận con người và vâng phục cho đến chết.

Chúa Giêsu đã vạch cho chúng ta con đường được sống trọn vẹn ơn gọi làm người: đó là sống cho Thiên Chúa. Chỉ khi nào con người sống cho Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa trong tất cả mọi sự, con người mới đạt được chính cùng đích của mình. Sống cho Thiên Chúa là luôn tìm thấy Thánh ý của Ngài, là hoạt động cho vinh quang của Ngài, là trở thành khí cụ trong bàn tay của Ngài...

Sưu tầm


Ði Một Ngày Ðàng, Học Một Sàng Khôn

Cách đây không lâu, một cặp thanh niên người Pháp đã đến Phi Luật Tân bằng chiếc xe đạp riêng của họ. Nước Phi là quốc gia thứ 31 họ dùng xe đạp để đi tham quan. Trong vòng 7 năm qua, họ đã không ngừng di chuyển một cách thích thú trên hầu hết các nước và đã học hỏi nhiều kinh nghiệm khác nhau. Họ đã bỏ ra 3 năm để đạp từ Pháp xuyên qua đến Thái Lan. Họ dành một năm làm việc trong các trại tị nạn dọc biên giới Thái, chín tháng để đi xuyên qua Trung Hoa Lục Ðịa, sáu tháng để tham quan Nhật Bản, Ðại Hàn và Ðài Loan.

Người con gái tên là Claude đã giải thích mục đích của cuộc mạo hiểm như sau: "Kể từ thời của Marco Polo, con người không ngừng đi thám hiểm thế giới với nhiều lý do và với nhiều phương tiện khác nhau. Trong thời đại du hành vũ trụ này, việc đi vòng quanh thế giới bằng phương tiện thô hiển như xe đạp vẫn không ngừng thu hút nhiều người... Mạo hiểm như thế để giúp thay đổi cuộc sống của chúng tôi, để cùng trải qua một kinh nghiệm quá lớn lao".

Cuộc mạo hiểm nào cũng thích thú và nguy hiểm. Claude kể lại rằng tại Thái Lan, họ đã bị hai tên cướp chận đường toan hành hung. Tại Trung Ðông, họ đã chứng kiến cảnh chết chóc hằng ngày. Và nhất là tại Ấn Ðộ, sau khi đã trải qua vài tuần lễ tại một vài trại cùi, họ đã ghi lại trong các sổ ghi niệm của các trung tâm này như sau: "Sau khi đã đến đây, chúng tôi cảm thấy không còn gì để than phiền trong cuộc sống này nữa".

Có lẽ đó là kinh nghiệm lớn lao nhất mà những người trẻ này đã cảm nhận được trong cuộc sống. Chạm chán với bao nguy hiểm, sờ được từng nỗi đau khổ, cảm nghiệm được niềm vui của từng dân tộc khác nhau... Tất cả những kinh nghiệm ấy cho họ thấy rằng: người ta có thể vượt qua được tất cả mọi hàng rào ngăn cách để đến với nhau và nơi nào con người cảm thấy mình đang sống trong gia đình, thì đó là nhà của họ, là quê hương của họ.

Ðời là một chuyến đi... Không những đi một ngày đàng, học một sàng khôn, mà đi để tiến gần đến mục đích của cuộc sống.

Tổ phụ Abraham đã được Chúa gọi để bỏ quê hương, bỏ tất cả mọi sự và lên đường đến một nơi vô định. Dân Do thái đã được Chúa mời gọi rời bỏ Ai Cập để tiến về đất hứa.

Ra đi là chết trong lòng một ít. Cuộc ra đi nào cũng đòi hỏi con người phải dứt khoát, có khi phải từ bỏ những gì mình yêu thích nhất trong cuộc đời. Abraham đã từ bỏ quê hương. Có gì quý giá và thân yêu bằng nơi chôn nhau cắt rún... Tiên tri Êlisê đã phải giết bò và dùng cày để nướng thịt bò trước khi lên đường theo tiên tri Elia... Các môn đệ của Chúa Giêsu đã bỏ nghề nghiệp, vợ con, tất cả mọi sự để lưu lạc nay đây mai đó với Chúa Giêsu. Cuộc ra đi nào cũng là một mất mát... Nhưng có mất mát mới tìm lại được những gì quý hóa hơn.

Giáo Hội đã được định nghĩa như dân Chúa trên đường lữ thứ trần gian hướng về Thiên Quốc. Mỗi người Kitô được mời gọi để tham dự vào cuộc lữ hành này.

Họ không trẩy đi cô độc một mình. Nhưng bên cạnh họ, từng đoàn người tiến bước trong hân hoan. Người ta không tiến bước trong buồn bã bởi vì đích điểm đang chờ đợi họ là cả một khung trời của an vui, hạnh phúc...

Cuộc lữ hành nào cũng đầy cam go. Nhưng người Kitô không tiến bước với đôi tay trơ trọi. Hành trang của họ chính là Sức Sống mà Ðức Kitô hằng thông ban cho họ. Cũng giống như người Do Thái trên đường trở về đất hứa luôn được nuôi dưỡng bằng manna và được hướng dẫn bởi cột lửa giữa đêm thâu, người Kitô cũng tiến bước bằng sức mạnh của Chúa Kitô.

Sưu tầm