Truyện Minh Hoạ - Giáo Dục

Câu chuyện con lừa

Một ngày nọ, con lừa của một ông chủ trang trại sảy chân rơi xuống một cái giếng. Lừa kêu la tội nghiệp hàng giờ liền. Người chủ trang trại cố nghĩ xem nên làm gì. Cuối cùng ông quyết định: con lừa đã già, dù sao thì cái giếng cũng cần được lấp lại và không ích lợi gì trong việc cứu con lừa lên cả. Ông nhờ vài người hàng xóm sang giúp mình. Họ xúc đất và đổ vào giếng. Ngay từ đầu, lừa đã hiểu chuyện gì đang xảy ra và nó kêu la thảm thiết. Nhưng sau đó lừa trở nên im lặng. Sau một vài xẻng đất, ông chủ trang trại nhìn xuống giếng và vô cùng sửng sốt. Mỗi khi bị một xẻng đất đổ lên lưng, lừa lắc mình cho đất rơi xuống và bước chân lên trên. Cứ như vậy, đất đổ xuống, lừa lại bước lên cao hơn. Chỉ một lúc sau mọi người nhìn thấy chú lừa xuất hiện trên miệng giếng và lóc cóc chạy ra ngoài.

Cuôc sống sẽ đổ rất nhiều thứ khó chịu lên người bạn. Hãy xem mỗi vấn đề bạn gặp phải là một hòn đá để bạn bước lên cao hơn. Chúng ta có thể thoát khỏi cái giếng sâu nhất chỉ đơn giản bằng cách đừng bao giờ đầu hàng.

Sưu tầm


Phải, Bạn Có Thể

Kinh nghiệm không phải là điều xảy ra với một con người. Mà nó là điều mà người đó làm với những gì đã xảy ra với anh ta. Aldous Huxley

Bạn sẽ làm gì nếu vào tuổi 46 bạn bị phỏng đến độ không còn nhận ra nổi vì một vụ tai nạn xe hơi khủng khiếp, và 4 năm sau bạn lại bị liệt nửa thân dưới sau một vụ rớt máy bay? Và rồi bạn có tưởng tượng rằng trong tình trạng đó bạn có thể trở thành nhà triệu phú, một nhà diễn thuyết được nhiều người kính trọng, thành một người chồng hạnh phúc và một nhà kinh doanh thành công? Bạn có hình dung bạn có thể đi bè? Nhảy rơi tự do từ máy bay? Hoạt động chính trị?

W. Mitchell đã làm được tất cả những điều trên và còn hơn nữa là sau hai tai nạn khủng khiếp đã khiến mặt của ông trở thành một mảng các miếng da đắp vá nhiều màu, bàn tay mất ngón và đôi chân teo liệt trên một xe đẩy.

Sau một loạt 16 cuộc giải phẫu ngay sau khi ông bị tai nạn xe hơi làm cho ông có một cơ thể bị phỏng hơn 65%, không thể nhấc dù chỉ là muỗng thức ăn, không thể quay số điện thoại hay đi vào nhà tắm mà không có người giúp. Nhưng Mitchell, nguyên là lính thủy, không bao giờ tin là ông đã bị đánh bại. "Tôi phải chịu trách nhiệm về con tàu của mình," ông nói. "Nó là sự thành bại của tôi. Tôi có thể nhìn tình thế như là sự khởi đầu lại từ điểm xuất phát." Sáu tháng sau ông đã lái máy bay được.

Mitchell mua một căn nhà lớn tại Colorado, vài mảnh đất, một chiếc máy bay và một quán bar. Sau đó kết hợp với 2 người bạn, ông mở một công ty sản xuất đồ gốm với số nhân công lớn thứ nhì Vermont. Và 4 năm sau ngày bị tai nạn xe hơi, cái máy bay mà Mitchell lái đã bị rớt xuống đường băng khi vừa cất cánh, làm gãy 12 đốt xương sống vùng ngực và làm ông liệt hẳn nửa người bên dưới. "Tôi không hiểu chuyện quái quỉ gì đã xảy ra. Tôi đã làm gì mà phải lãnh kết quả như vậy?"

Nhưng rồi, không nản lòng, Mitchell làm việc ngày và đêm để có thể lấy lại được sự độc lập cho mình càng nhiều càng tốt. Ông được bầu làm thị trưởng của Crested Butte, Colorado, để đấu tranh giữ cho thành phố thoát khỏi nguy cơ bị ô nhiễm và bị tàn phá vẻ đẹp bởi một mỏ quặng sắp được xây dựng. Mitchell còn ứng cử vào Quốc hội, chuyển cái vẻ bề ngoài khó coi của ông thành một sức mạnh qua câu khẩu hiệu "Not just another pretty face" - Không chỉ là một khuôn mặt đẹp nữa (vào Quốc hội).

Mặc cho vẻ bề ngoài khó coi và khả năng hoạt động giới hạn, Mitchell vẫn tham gia đi bè, yêu và lập gia đình, lấy được bằng cao học về công tác xã hội (public administration) và tiếp tục bay, tích cực bảo vệ môi trường và diễn thuyết.

Tinh thần mạnh mẽ tích cực đập vào mắt mọi người của Mitchell đã làm ông được mời vào các chương trình "Chương trình hôm nay" và "Chào nước Mỹ" cũng như nhiều bài viết về ông đã được đăng trong các báo, tạp chí Parade, Time, The New York Times...

"Trước khi tôi bị tai nạn, tôi có thể làm được 10,000 việc," Mitchell nói. "Bây giờ chỉ còn là 9,000. Tôi có thể cứ nghĩ đến 1,000 điều bị mất hay tập trung vào 9,000 điều tôi còn? tôi biết mình phải làm gì. Tôi vẫn nói với người ta rằng tôi có 2 cú đập của số phận. Tôi đã chọn việc không dùng điều đó như là lời bào chữa cho đào ngũ, thì những kinh nghiệm đau đớn có thể được nhìn với một góc độ mới. Bạn có thể dừng lại, nhìn một cách toàn diện hơn và có thể nói rằng "Có cũng không tệ lắm."

Xin nhớ rằng "Quan trọng không phải điều gì xảy ra với bạn, mà là điều gì bạn làm sau đó."

Sưu tầm


Người Bạn

Người chủ tiệm treo tấm bảng "Bán Chó Con" lên cánh cửa. Những tấm biển kiểu như vậy luôn hấp dẫn các khách hàng nhỏ tuổi. Ngay sau đo, ù có một cậu bé xuất hiện. "Chú bán mấy con chó này với giá bao nhiêu vậy?" cậu bé hỏi.

Ông chủ trả lời "Khoảng từ $30 cho tới $50."

Cậu bé móc trong túi ra một ít tiền lẻ. "Cháu có $2.37," cậu nói, "cháu có thể coi chúng được không?"

Người chủ tiệm mỉm cười và huýt sáo. Từ trong cũi chạy ra chó mẹ Lady cùng với năm cái nắm lông be bé xinh xinh chạy theo. Một con chó con chạy cà nhắc lết theo sau. Ngay lập tức, cậu bé chỉ vào con chó nhỏ bị liệt chân đó "Con chó con này bị làm sao vậy?" Người chủ giải thích rằng bác sĩ thú y đã coi và nói rằng con chó con bị tật ở phần hông. Nó sẽ bị đi khập khiễng mãi mãi. Nó sẽ bị què mãi mãi. Đứa bé rất xúc động. "Cháu muốn mua con chó con đó." Người chủ nói rằng "Chắc là cháu không muốn mua con chó đó đâu, còn nếu cháu muốn nó thì chú sẽ cho cháu luôn."

Cậu bé nổi giận. Cậu nhìn thẳng vào mắt của người chủ, và nói rằng "Cháu không muốn chú cho cháu con chó con đó. Nó xứng đáng như bất kỳ con nào khác và cháu sẽ trả cho chú đủ giá tiền cho nó. Thật ra, cháu sẽ đưa cho chú $2.37 bây giờ và 50cent mỗi tháng cho đến khi cháu trả đủ số tiền."

Người chủ phản đối "Cháu đâu có muốn mua con chó đó. Nó sẽ chẳng bao giờ có thể chạy được và chơi với cháu như những con chó con khác."

Nghe vậy, cậu bé cúi xuống và kéo ống quần lên để lộ ra một chân bị vặn vẹo, teo quắt và phải có hệ thống thanh giằng chống đỡ. Cậu nhìn lên người chủ và nói rất khẽ "Vâng, cháu cũng không có chạy được, và con chó nhỏ đó cần một người có thể hiểu được nó!"

 Dan Clark


Giấc Mơ

Đó là một cuộc chạy đua tại địa phương - cuộc đua mà chúng tôi đã phải tập luyện gian khổ để được tham dự. Vết thương mới nhất ở chân của tôi vẫn chưa kịp lành. Thật sự tôi đã phải tự đấu tranh xem tôi có nên tham gia cuộc đua không. Nhưng cuối cùng thì tôi cũng đang chuẩn bị tham dự vòng chạy 3,200m.

 "Chuẩn bị... sẵn sàng..." Tiếng súng lệnh vang lên và chúng tôi xuất phát. Những đứa con gái khác đều chạy trước tôi. Tôi nhận ra rằng tôi đang cà nhắc một cách đáng xấu hổ ở đằng sau mọi người và tôi càng ngày càng xa ở sau.

Người chạy đầu tiên đã về đích trước tôi đến hai vòng chạy. "Hoan hô!" Đám đông hét lớn. Đó là tiếng hoan hô lớn nhất mà tôi từng nghe ở một cuộc đua.

"Có lẽ mình nên bỏ cuộc," tôi thầm nghĩ khi tôi cà nhắc tiếp. "Những người kia không muốn chờ để mình chạy tới đích." Nhưng cuối cùng thì tôi cũng quyết định chạy tiếp. Hai vòng chạy cuối cùng tôi đã chạy trong đau đớn. Tôi quyết định không tham gia chạy vào năm tới. Thật không đáng, dù cho chân của tôi có khỏi hay không. Tôi cũng không thể thắng nổi cái cô bé đã thắng tôi đến hai lần.

Khi tới đích, tôi nghe tiếng hoan hô - cũng lớn như lần trước khi cô bé kia tới đích. "Có gì vậy?" Tôi tự hỏi. Tôi quay lại nhìn và thấy bọn con trai đang chuẩn bị vào vòng chạy. "Đúng rồi, họ đang hoan hô mấy đứa con trai."

Tôi đang chạy thẳng vào nhà tắm thì có một cô gái đâm sầm vào tôi. "Oa, bạn thiệt là có lòng dũng cảm!" cô gái đó nói với tôi.
Tôi nghĩ thầm "Lòng dũng cảm? Cô này chắc nhầm mình với ai rồi. Tôi thua mà!"

"Nếu tôi thì đã không thể chạy nổi hai dặm như bạn vừa làm. Tôi chắc sẽ bỏ cuộc ngay từ vòng đầu tiên. Chân bạn có sao không? Chúng tôi đã hoan hô cổ vũ bạn đó. Bạn có nghe không?"
Tôi không thể tin nổi. Một người lạ hoắc lại hoan hô tôi - không phải vì cô ấy muốn tôi thắng, mà vì cô ấy muốn tôi tiếp tục mà không bỏ cuộc. Tôi lại lấy lại được niềm hy vọng. Tôi quyết định sẽ tham gia kỳ thi đấu năm tới. Một cô gái đã lấy lại cho tôi ước mơ của mình.

Vào hôm đó tôi học được hai điều:

Thứ nhất, một chút thân ái và tin tưởng vào người khác có thể làm thay đổi người đó rất nhiều.

Thứ hai, sức mạnh và dũng khí không phải luôn được đo bằng những huy chương và những chiến thắng. Chúng được đo bằng những vật lộn mà chúng ta vượt qua được. Những người mạnh nhất không phải lúc nào cũng là những người thắng cuộc mà là những người không bỏ cuộc khi họ đã thua.

Tôi chỉ có một ước mơ vào ngày đó - có lẽ là khi cuối cấp - tôi có thể thắng cuộc đua này với tiếng hoan hô vang dội như khi tôi được hoan hô ngày hôm nay.

Ashley Hodgeson


Bài học đáng giá

        Tôi vẫn thường bay tới Dallas để gặp một khách hàng của mình. Thời gian đối với tôi rất quan trọng và kế hoạch của tôi là xuống máy bay, chạy tới gặp khách hàng, sau đó quay về sân bay rồi bay về. Một chiếc taxi đón tôi. Người tài xế chạy vội mở cửa cho tôi và chờ cho tôi ngồi thoải mái trong xe rồi mới đóng cửa lại. Khi anh ta vào chỗ ngồi, anh ta nhắc tôi rằng có tờ Wall Street Journal bên cạnh tôi nếu tôi muốn đọc. Anh ta lại còn đưa ra một loạt các băng nhạc khác nhau cho tôi chọn loại nhạc tôi thích. Trời ạ, tôi nhìn quanh xem có phải tôi ở trên xe của trong chương trình Candid Camera không (chương trình được quay lén để lừa người không biết). Tôi không thể tin nổi vào dịch vụ mà tôi đang được phục vụ. "Chắc là anh tự hào về công việc của mình," tôi hỏi người lái xe. "Anh chắc phải có một câu chuyện kể về mình."

"Tôi từng làm việc cho Corporate America," anh ta bắt đầu. "Nhưng tôi mệt mỏi khi nghĩ rằng những sau cố gắng của mình, tôi vẫn chưa được coi là đủ tốt, đủ nhanh, và không được đánh giá đúng mức. Tôi quyết định kiếm cho tôi một chỗ thích hợp để tôi có thể cảm thấy tự hào vì những gì mình làm được. Tôi biết tôi không phải là nhà khoa học giỏi hay gì ghê gớm, nhưng tôi thích lái xe, phục vụ người khác và cảm thấy mình đã làm việc cả ngày bận rộn và đã làm tốt công việc của mình.

Sau khi xem xét khả năng của mình, anh ta quyết định trở thành tài xế taxi. "Không phải chỉ trở thành người tài xế thuê mướn mà còn trở thành lái xe taxi chuyên nghiệp," anh ta nói. "Một điều mà tôi biết chắc chắn là để có thể thành công trong công việc, tôi phải vượt lên trên mọi sự chờ đợi của hành khách. Tôi muốn trở thành tuyệt vời chứ không phải chỉ trung bình mà thôi."

Tôi tin chắc anh ta sẽ thành công.

Petey Parker


Một câu chuyện cảm động

Tại Thế Vận Hội đặc biệt Seatte (dành cho những người tàn tật) có chín vận động viên đều bị tổn thương về thể chất hoặc tinh thần, cùng tập trung trước vạch xuất phát để tham dự cuộc đua 100m.

Khi súng hiệu nổ, tất cả đều lao đi với quyết tâm chiến thắng. Trừ một cậu bé. Cậu cứ bị vấp té liên tục trên đường đua. Và cậu bật khóc. Tám người kia nghe tiếng khóc, giảm tốc độ và ngoái lại nhìn. Rồi họ quay trở lại.

Tất cả, không trừ một ai! Một cô gái bị hội chứng Down dịu dàng cúi xuống hôn cậu bé:

- Như thế này, em sẽ thấy tốt hơn.

Cô gái nói xong, cả chín người cùng khoác tay nhau sánh bước về vạch đích.

Khán giả trong sân vận động đồng loạt đứng dậy. Tiếng vỗ tay hoan hô vang dội nhiều phút liền. Mãi về sau, những người chứng kiến vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện cảm động này.

Tận trong sâu thẳm, chúng ta luôn ý thức chiến thắng không phải là tất cả, mà ý nghĩa thật sự của cuộc sống là ở chỗ ta giúp đỡ người khác cùng chiến thắng dù ta có phải chậm một bước.

Sưu tầm


Ước mơ

Mẹ nghèo đi ở mướn. Con nhỏ chạy chơi với "cậu chủ" cùng lứa. Chơi trò cưỡi ngựa: nó luôn làm ngựa, cậu chủ cưỡi lên lưng. Ngựa phi, ngựa phi vòng vòng, tấm lưng nhỏ oằn cong. Mẹ nhìn rưng rưng nước mắt. Đêm về, thoa lưng con, mẹ hỏi: - Sao con không đổi làm chủ ấy ? Đứa trẻ bảo: - Con thích cưỡi ngựa thật chứ không thích cưỡi ngựa người. Mẹ ừ mà lòng chạnh xót xa....

Sưu tầm


Những chiếc bao lì xì

Ba mẹ làm lớn, tết đến tôi được nhận nhiều bao lì xì đỏ thật đẹp với lời chúc học giỏi và chóng lớn. Những bao lì xì xé ra tôi mua đồ chơi và bỏ đầy con heo đất. Chiều, thấy thằng con dì Ba cầm thật nhiều bao lì xì. Tôi hỏi: “Mày được bao nhiêu?” Nó đáp: “Em nhặt ở sọt rác nhà anh 50 caí”

Sưu tầm


ANH ...

Năm 18 tuổi, anh quyết định nghỉ học đi phụ hồ. Bố Mẹ giận dữ, mắng “ sanh ra.. giờ cãi lời bố mẹ… phải chi nó ngoan, siêng học như bé Út…” Anh lặng thinh không nói năng gì… Bố mẹ mắng mãi rồi cũng thôi. Anh đã quyết thế! Ngày bé Út vào Đại Học, phải xa nhà, lên Thành Phố ở trọ. Anh tự ý bán đi con bò sữa – gia tài duy nhất của gia đình, gom tiền đưa cho bé Út. Biết chuyện, bố thở dài, mẹ lặng lẽ, bé Út khóc thút thít… anh cười, “ Út ráng học ngoan…” Miệt mài 4 năm DH, Út tốt nghiệp loại giỏi, được nhận ngay vào công ty nước ngoài, lương khá cao… Út hớn hở đón xe về quê… Vừa bước vào nhà, Út sững người trước tấm ảnh của anh trên bàn thờ nghi ngút khói… Mẹ khóc, “ Tháng trước, nó bị tai nạn khi đang phụ hồ…lúc hấp hối, biết con đang thi tốt nghiệp, nó dặn đừng nói con biết…” Anh ơi… ôi, người anh của Út…!

Sưu tầm


MẤT XE

Nhà có hai chiếc xe đạp. Mẹ đi dạy hàng ngày phải chạy một chiếc. Còn lại một chiếc cho nó đi học đại học. Hơn hai năm đại học trôi qua, lối sống nhộn nhịp ở thành phố đã cuốn hút nó. Những quán nhậu, quán cà phê, quán bi da trở nên quen thuộc đối với nó. Một buổi tối nó đi bộ về nhà trọ. Mặt buồn xo. Hai đứa bạn cùng phòng đang học bài bật dậỵ “Xe mày đâu?”. “Mất rồi”. Để giáo trình lên bàn, nó nằm úp mặt vào gối, chẳng buồn nói chuyện. Hai đứa bạn lại gần vỗ về, an ủi. Cuối tháng nó về quê. Ba mẹ không mắng, chỉ buồn. Ngày đi, ba cho tiền. Nó nhét tiền vào bóp. Một tờ giấy mỏng chợt rơi xuống đất. Mẹ nhặt vội tờ giấy và trả lời thắc mắc của ba :”Hóa đơn thuốc của em, tháng trước em cho con tiền vô tình cái hóa đơn bị kẹp vào giữa xấp tiền, may mà còn”. Nó nhìn mẹ, hai dòng nước mắt lăn dài trên má. Ba đâu biết rằng, cái hóa đơn thuốc mà mẹ nói chính là giấy biên lai cầm chiếc xe đạp của nó.

Sưu tầm


XE HỎNG

Một cô bé đi học về nhà rất muộn .Bố mẹ cô rất bực mình và hỏi cô đã đi đâu và làm gì .Cô bé đã thưa với bố mẹ : - Con phải dừng lại một lát để giúp đỡ bạn con ạ .Xe đạp của bạn ấy bị hỏng ! - Nhưng con có biết sửa xe đạp đâu ? – Bố cô bé hỏi vẻ nghi ngờ - Đúng ạ ,nhưng con dừng lại để giúp bạn ấy khóc . Cũng như cô bé đó ,ko phải ai trong chúng ta cũng biết sửa xe đạp .Nhưng chúng ta biết chia sẻ những nỗi lo âu và sợ hãi. Cuộc sống là một con đường rất dài, sẽ còn nhều lần gặp cảnh ‘Hỏng xe’ lắm , Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ và an ủi.

Sưu tầm


Một buổi sáng

Thằng bé mặc bộ quần áo rách phong phanh bước chân sáo trên đường mặc gió lạnh. Nó ghé vào một hàng phở nhỏ, nghèo nàn bên góc phố, đường hoàng nói lớn: - Dì bán cho con tô phở ba ngàn đem về! Bà hàng phở nhìn nó, nhưng rồi lại cụp đầu xuống. Tưởng bà không nghe, nó nói càng to hơn. Nào ngờ, bà mắng xối xả: - Tao không bán. Mới sáng mà mày đã tới ám tao hả thằng ăn mày! Mua ít vậy sao tao bán? Nó cúi gằm mặt, nắm chặt mấy tờ bạc lẻ nhàu nát trong tay rồi lầm lũi bước đi. Nó chỉ muốn mua cho mẹ một tô phở nóng, nên để dành mãi từ số tiền ít ỏi bán vé số hàng ngày. Mẹ nó đau.

Sưu tầm


Lòng tốt..........

Ăn rau không chú ơi?

Một giọng khàn khàn, run run làm gã giật mình. Trước mắt gã, một bà cụ già yếu, lưng còng cố ngước lên nhìn gã, bên cạnh là mẹt rau chỉ có vài mớ rau muống xấu mà có lẽ có cho cũng không ai thèm lấy

- Ăn hộ tôi mớ rau...!

Giọng bà cụ vẫn khẩn khoản. Bà cụ nhìn gã ánh mắt gần như van lơn. Gã cụp mắt, rồi liếc xuống nhìn lại bộ đồ công sở đang khoác trên người, vừa mới buổi sáng sớm. Bần thần một lát rồi gã chợt quay đi, đáp nhanh: Dạ cháu không bà ạ! Gã nhấn ga phóng nhanh như kẻ chạy trốn. Gã chợt cảm thấy có lỗi, nhưng rồi cái cảm giác ấy gã quên rất nhanh. "Mình thương người thì ai thương mình" - cái suy nghĩ ích kỷ ấy lại nhen lên trong đầu gã.

- Ăn hộ tôi mớ rau cô ơi! Tiếng bà cụ yếu ớt.

- Rau thế này mà bán cho người ăn à? Bà mang về mà cho lợn!
Tiếng chan chát của một cô gái đáp lại lời bà cụ.

Gã ngoái lại, một cô gái cũng tầm tuổi gã. Cau mày đợi cô gái đi khuất, gã đi đến nói với bà:

- Rau này bà bán bao nhiêu?

- Hai nghìn một mớ - Bà cụ mừng rỡ.

Gã rút tờ mười nghìn đưa cho bà cụ.

- Sao chú mua nhiều thế?

- Con mua cho cả bạn con. Bây giờ con phải đi làm, bà cho con gửi đến chiều con về qua con lấy!

Rồi gã cũng nhấn ga lao vút đi như sợ sệt ai nhìn thấy hành động vừa rồi của gã. Nhưng lần này có khác, gã cảm thấy vui vui.
Chiều hôm ấy mưa to, mưa xối xả. Gã đứng trong phòng làm việc ngắm nhìn những hạt mưa lăn qua ô cửa kính và theo đuổi nhưng suy nghĩ mông lung. Gã thích ngắm mưa, gã thích ngắm những tia chớp xé ngang trời, gã thích thả trí tưởng tượng theo những hình thù kỳ quái ấy. Chợt gã nhìn xuống hàng cây đang oằn mình trong gió, gã nghĩ đến những phận người, gã nghĩ đến bà cụ...

-Nghỉ thế đủ rồi đấy!

Giọng người trưởng phòng làm gián đoạn dòng suy tưởng của gã. Gã ngồi xuống, dán mắt vào màn hình máy tính, gã bắt đầu di chuột và quên hẳn bà cụ.

Mấy tuần liền gã không thấy bà cụ, gã cũng không để ý lắm. Gã đang bận với những bản thiết kế chưa hoàn thiện, gã đang cuống cuồng lo công trình của gã chậm tiến độ. Gã quên hẳn bà cụ.
Chiều chủ nhật gã xách xe máy chạy loanh quanh, gã vẫn thường làm như vậy và có lẽ gã cũng thích thế.

Gã ghé qua quán trà đá ven đường, nơi có mấy bà rỗi việc đang buôn chuyện.

Chưa kịp châm điếu thuốc, gã chợt giật mình bởi giọng oang oang của một bà béo:

- Bà bán rau chết rồi.

- Bà cụ hay đi qua đây hả chị? - chị bán nước khẽ hỏi.

- Tội nghiệp bà cụ! một giọng người đàn bà khác.

- Cách đây mấy tuần bà cụ giở chứng cứ ngồi dưới mưa bên mấy mớ rau. Có người thấy thương hỏi mua giúp nhưng nhất quyết không bán, rồi nghe đâu bà cụ bị cảm lạnh.

Nghe đến đây mắt gã chợt nhòa đi, điếu thuốc chợt rơi khỏi môi.

Bên tai gã vẫn ù ù giọng người đàn bà béo kia. Gã không ngờ...!

Sưu tầm