Truyện Minh Hoạ - Giáo Dục

Tôn giáo

Sách đạo Do thái có kể về một nhà chế biến xà bông và một giáo sĩ. Ngày kia, nhà sản xuất xà bông đến với vị giáo sĩ và báo rằng : “Tôi đã hiểu đạo Do thái. Ngài đã nói với chúng tôi rằng mục đích của tôn giáo là mang lại hòa bình, công bằng và bác ái cho thế giới. Nhưng tôn giáo chẳng thực hiện được điều nào cả”.

Vị giáo sĩ bình thản mời anh đi dạo trong công viên. Họ đi ngang qua một đám trẻ đang chơi. Giáo sĩ nói : “Quan sát những trẻ này, anh sẽ kết luận rằng xà bông không có hiệu quả”.

Anh phản đối : “Vô lý. Xà bông bao giờ cũng hiệu quả khi nó được sử dụng”.

 Vị giáo sĩ phản lại : “À, tôn giáo cũng vậy. Nó cũng chỉ có giá trị khi những lời giáo huấn và những điều luật được áp dụng vào cuộc sống”.

Sưu tầm


Xưng tỘi không thành thỰc

Paddy đang hồi phục sau ca mổ, ba bạn thân ghé thăm để khích lệ anh. Ngoài chuyện thăm hỏi, họ kể cho anh về những ca mổ họ nghe biết.

Một người nói : “Tôi nghe có một ca mổ họ để quên cái gạc trong bụng bệnh nhân và phải mổ để lấy ra”.

Người khác kể về ca mổ bác sĩ để quên kéo bên trong và bệnh nhân phải mổ lần nữa để lấy ra. Vừa nói xong, bác sĩ thực hiện ca mổ cho Paddy thò đầu vào cửa gọi lớn : “Có ai thấy mũ của tôi không ?”

Và Paddy ngất đi.

 Một lần xưng thú không chân thành giống như một ca mổ tồi tệ. Một vài thứ bị để quên và phải thực hiện một ca mổ khác để lấy ra.

Sưu tầm


CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC

Một bóng dáng nhỏ khép nép bên cạnh bàn

- Cô mua giùm con đi cô, chú mua giùm con một vé đi chú

- Cô không mua đâu con - câu trả lời thường lệ cho lời mời mua vé số được thốt ra khi mình đang cho 1 muỗng cháo vào miệng.

Con bé đứng tần ngần. Một nhóm khách vào quán & dòng người đẩy con bé tới phía trước. Ngước nhìn lên, bóng dáng con bé lọt thỏm trong nhóm người đứng lố nhố tìm bàn ngồi. Dáng con bé gầy gò, cái quần ngắn tới ống chân, gương mặt trông sáng, nhưng xanh.

Mình chuyển ánh mắt sang con bé nhà mình. Gương mặt bầu bĩnh toát lên vẻ ngây thơ & sự thoải mái sau khi đã ăn ngon lành cái đùi gà luộc chấm nước mắm ở quán cháo gà mà con bé thích nhất.

- Con thấy bạn bán vé số không ?

- Dạ thấy.

- Bạn đó chắc bằng tuổi con

- Nhỏ mà đi bán vé số hả Mami ?

- Ừm. Tội nghiệp lắm đó. Con thì được ăn cháo gà ngon thiệt ngon, bạn đó thì phải cực khổ đi bán. Vì sao con được sung sướng hơn bạn đó vậy ?

- Tại vì con được ăn cháo gà !

- Thì biết là được ăn ngon thì sung sướng rồi, nhưng nhờ đâu mà con được ăn ngon ?
- Nhờ có tiền !

- Tiền ở đâu ra ?

- Papa và Mami đi làm có tiền.

 - Papa & Mami cực lắm đó, phải làm việc suốt ngày mới có tiền để lo cho con ăn ngon, mặc đẹp, có đồ chơi. Con có biết như vậy không ?

- Dạ con biết, mai mốt lớn lên con đi làm có tiền con cho Papa với Mami hén.
- Ừm, giỏi. Maimốt nhớ nuôi tui nghen

Vợ nói nhỏ với chồng : Không biết có nuôi không nữa đây  

- Bé ơi, tới đây cô mua vé số cho !

Sưu tầm


Hợp Tác Là An Toàn

Ngày nay, khi đi trên các nẻo đường của nước Thụy Sĩ, người ta lại nhìn thấy một tấm biển lớn, trên đó trình bày hai chiếc xe hơi, một chiếc màu đỏ, một chiếc màu xanh. Cả hai xe đi cùng chiều, những người ngồi trên hai xe đang chào nhau, cười với nhau. Người lái xe xanh đang ra dấu cám ơn lại bằng cách giở mũ chào.

Ở phần dưới tấm biển có ghi một hàng chữ: "Hợp tác là an toàn". Ðiều này muốn nói lên rằng giúp đỡ lẫn nhau, đối sử với nhau như người cộng sự, bằng tình bằng hữu là một đảm bảo cho một cuộc hành trình không nguy hiểm.

Tinh thần hợp tác không những chỉ đảm bảo cho một cuộc sống bình yên trên các lộ trình, mà cũng còn là một đảm bảo cho một cuộc sống bình yên ở mọi vị trí trong xã hội. Có tinh thần hợp tác là đặt kẻ khác vào chính vị trí của mình, quan tâm tới họ như quan tâm tới chính mình, kính trọng, yêu mến, giúp đỡ họ như kính trọng, yêu mến giúp đỡ chính mình vậy.

Sưu tầm


Những lời nói làm đau lòng con trẻ 

Một số lời trách mắng mà cha mẹ thốt ra trong lúc nóng giận có thể gây nhũng tác hại trên trẻ như đòn roi. Thế mà những lời ấy lại rất thường nghe phải...

“Cha mày là kẻ bất tài, chẳng ra gì”

Bảo với một đứa trẻ rằng cha nó là một kẻ chẳng ra gì cũng hàm ý nó sẽ chịu cùng số phận, vì nó là con của nguời ấy. Nếu lời đã lỡ thốt ra, tốt hơn người mẹ nên trở lại chủ đề, thừa nhận đã nói ra trong lúc giận dữ. Điều cần thiết là tránh hạ thấp giá trị chồng trên cương vị người cha, đừng mắng mỏ “cha mày thế này thế kia” trước con trẻ.

“Nếu con không vâng lời, mẹ sẽ đi và bỏ con lại”

Lời đe dọa kiểu này thường nhắm vào những đứa con nhỏ, dùng dằng không muốn đến trường, hoặc nhăn nhó không muốn rời nhà bạn để về nhà. Lời này thường được thốt ra vào lúc cha mẹ cảm thấy mệt mỏi, bực dọc. Trẻ bị tổn thương ở mức độ nào? Tất cả tùy thuộc số lần đe dọa. Nếu cha mẹ nói thế nhiều lần mỗi ngày, trẻ sẽ buồn, nhưng sau đó trẻ sẽ không còn quá quan tâm, vì nó biết điều đó không xảy ra.

“Con là kẻ vô dụng”

Câu này thường được thốt ra khi trẻ trở về nhà với bảng điểm kém, hay bỏ một ngày học thêm. Đây là một kiểu bạo lực tâm lý rất thường xảy ra, cha mẹ phạm phải mà không lường hậu quả. Trẻ sẽ nhớ lâu rằng nó là “đồ vô dụng” ảnh hưởng xấu đến sự tự tin của trẻ.

Khi bạn muốn nêu một phê phán tiêu cực, đừng nhắm vào con người mà vào hành vi hay một kết quả: “kết quả học kém” khác với “con là kẻ kém cỏi”. Trẻ sẽ không bị tổn thương và có thể thừa nhận sự thật dễ dàng hơn. Đồng thời chuẩn bị chu đáo hơn để tiến bộ.

“Nói thêm tiếng nữa, con sẽ bị ăn đòn”

Thường sự bực bội do bất mãn, phật ý phải chịu trong ngày, lúc về nhà người mẹ trút giận sang con. “Mày sẽ bị một trận đòn”, đó là câu nghe đến nhàm tai, được thốt ra một cách dễ dàng, mà không nhất thiết chuyển sang hành động. Tác động trên trẻ thế nào? Tất cả tùy thuộc số lần đe dọa và những gì xảy ra sau đó.

Đòn hay tát, ngay cả khi chỉ là lời đe dọa, không phải là cách giáo dục hay. Tốt hơn nên hướng sang một giải pháp khác, chẳng hạn thừa nhận: “Mẹ đã giận vô lý”, hay “Mẹ con ta nên tránh mặt một lúc, con vào phòng, còn mẹ ra sân”. Là người lớn, nên biết tránh bạo lực bằng cách đặt ra khoảng cách, tìm một thái độ có trách nhiệm hơn.

Kim Thu


Chuyện Cô Bé và Sói Mẹ

Mỗi buổi chiều Cô Bé đều mang cơm ra cho Ông Nội, hàng ngày trông nom trại chăn nuôi của gia đình nằm bên bìa rừng. Một buổi, sau khi như vậy Cô Bé nhảy chân sáo trở về nhà, bỗng nhìn thấy Con Sói lớn ngồi sừng sững trên đường đất nhỏ trước lối về, hai bên cây cối rậm rì. Sói lớn ngồi yên, chân trước chống thẳng, hướng mặt về Cô Bé. Thoáng chút sợ hãi qua nhanh, nhưng nhìn thấy dáng vẻ hiền lành của Sói, Cô Bé nhẹ nhàng từng bước về phía nó đang ngồi. Cô đưa tay vuốt đầu Sói…Con Sói lớn rên lên khe khẽ, thè lưỡi mềm ấm liếm láp bàn tay Cô Bé. Bé bẻ miếng bánh bao Ông Nội vừa nãy nhường đưa cho mình, ấu yếm đút vào mồm Sói, nó dùng lưỡi đỡ lấy nuốt gọn ngon lành và như chờ đợi được tiếp. Bé cảm thấy thích con Sói lớn này, nhưng chiều xuống rất nhanh, Bé rảo bước về nhà, vừa đi vừa quay đầu lại, vẫy tay mời gọi. Sói đứng dậy hơi ngần ngại rồi bước theo chậm rãi…

Cho đến lối rẽ, từ đó đã nhìn thấy ngôi nhà, nó mới ngồi xuống nhìn mãi theo Cô Bé, rồi mới quay về Rừng.

Hôm sau Cô Bé lại đến trại đưa cơm cho Ông và kể lại chuyện đó. Ông Nội kinh sợ nói: Ôi nguy hiểm cho cháu tôi quá, đó chính là loài Sói lớn rất hung dữ cháu ạ, để Ông tìm cách giết nó đi. Nói rồi xách súng săn đưa Bé qua con đường nhỏ, từ đó đã nhìn thấy ngôi nhà, rồi mới thận trọng trở lại trại chăn nuôi. Bé ngoái đầu lại nhìn nơi hôm trước thì vẫn thấy Sói lớn đi ra khỏi bụi cây, ngồi xuống lặng lẽ trông theo vẻ buồn bã, Bé vẫy tay bước vào nhà, rồi lúc sau khi trời đã nhập nhoạng tối Sói mới biến vào rừng…

Ngày tiếp theo cũng vậy…cho đến một buổi chiều khi Ông Nội dẫn Bé về một quãng an toàn như mọi hôm, thì Bé thốt lên khẽ: Ôi, Ông Nội ơi

Sói đang nằm ngay kia kìa ! Phản xạ của người thợ săn từng trải, Ông Nội lên nòng và giương súng rất nhanh hướng vào chỗ Sói Lớn đang nằm sẵn sàng nhả đạn. Nhưng nhanh hơn thế, Cô Bé chạy về phía Sói lớn ngồi thụp xuống ôm lấy đầu nó vỗ về. Người Ông như đờ ra, hạ súng xuống, chạy đến chỗ đó. Bé ngước lên nhìn Ông: đừng lo Ông ạ, Sói lớn bị thương rất nặng ở chân trước đây này! Ông Nội ngồi xuống, nhìn Sói Lớn nằm trên vũng máu nhỏ đã khô se lại, nó cố nhỏm đầu dậy lấy lưỡi liếm nhẹ lên bàn tay âu yếm của Cô Bé…

Người Ông nhìn vết thương của nó và cũng thấy cảm động với hình ảnh cả đời mình chưa được chứng kiến bao giờ. Cô Bé kêu lên thương xót : Ông Nội ơi hãy giúp chữa vết thương cho Sói Lớn đi! Người Ông nâng chân trước của Sói lên lau những vết bẩn, lấy từ thắt lưng mình một túi thuốc đặc hiệu của những người thợ săn, rắc đều lên chỗ bị thương đó, rồi mới xé vạt áo băng lại cẩn thận cho nó. Kì lạ thay, Sói lớn như tự biết được công đoạn đã xong, nó cố gắng đứng lên loạng choạng, liếm tay Cô Bé lần nữa rồi tập tễnh bước nhanh vào bìa rừng.

Ông Nội nói: Cháu ạ, Ông không hiểu ! Đó là Con Sói Mẹ, vết thương của nó chắc chắn do nó tự dùng răng cắn mà ra. Cháu hãy về trước để Ông đi theo nó xem sao. Cho cháu đi theo với, Cô Bé nói. Ừ, nhưng chúng ta thật nhẹ nhàng và cách nó một đoạn đủ để nó không nhận ra, nếu không nó sẽ không tới chỗ nó cần đâu cháu ạ. Câu nói của Ông Nội càng kích thích tò mò của Cô Bé. Một lát sau, hai ông cháu thấy Con Sói Mẹ đến trước một hốc núi nhỏ. Nó dùng răng kéo ra một Sói con, dưới ánh sáng còn lại của rừng chiều đủ nhìn thấy con Sói Con đó một chân bị thương nặng, máu đông thành cục tại khớp đùi của nó. Sói Mẹ dùng hàm răng sắc khỏe cố xé miếng vải đang bó ở chân mình ra, đưa lưỡi liếm những những lớp thuốc vừa được Ông Nội đắp vào, rồi liếm chậm rãi như miết vào chỗ bị thương của Sói Con, những lớp thuốc vừa bám dính trên lưỡi nó …

Người Ông thở dài quay lại nói nhỏ nhưng rõ từng tiếng với Cô Bé: Ôi, cháu có thấy không, đến như loài Sói hung dữ mà đầy tình mẫu tử cao cả. Hóa ra vài ngày trước nó đã gặp cháu, và như có một điều gì mách bảo nó dám làm cái cách mạo hiểm như thế đấy. Tình Mẫu Tử thật cảm động, nhưng kì diệu hơn cả, cháu ạ là chính Tấm lòng của cháu đã khiến loài Sói có thể nghĩ ra được một cách làm như thế.

Sưu tầm


Hoàng Tử Và Cậu Bé Nghèo

Văn hào Anh Mark Twain cách đây ba thế kỷ, có viết một quyển tiểu thuyết mang tựa đề "Hoàng tử và cậu bé nghèo". Chuyện kể lại tình bạn của hai cậu bé giống hệt nhau khiến người ta tưởng là sinh đôi. Một trong hai cậu bé tên là Edward, hoàng tử xứ Galles. Còn Tom Canty, người bạn của vị hoàng tử, lại là một cậu bé con nhà nghèo.

Một ngày kia, hai cậu bé có một ý nghĩ ngộ nghĩnh là thay đổi địa vị xã hội. Tom vào thế chỗ của vị hoàng tử Edward trong triều đình, còn Edward thì khoác lên mình mảnh áo rách rưới và bắt đầu cuộc phiêu lưu. Cậu lang thang đầu đường xó chợ bên cạnh những người cùng cực nhất trong xã hội.

Thế nhưng một lúc nào đó, hai cậu bé cũng cảm thấy mệt mỏi với trò chơi đầy phiêu lưu này. Edward mới sực tỉnh về ngôi vị hoàng tử của mình. Trong bộ quần áo rách rưới nhơ bẩn, cậu tìm đủ mọi cách để chứng minh rằng mình là hoàng tử nối ngôi của xứ Galles. Nhưng cảnh sát đã không tin... Thế là hoàng tử Edward đành phải lặng lẽ bước vào tù vì tội giả mạo.

Giữa lúc Tom, cậu bé nghèo, sắp sửa được tấn phong làm vua, thì hoàng tử Edward xuất hiện... Không mấy chốc cậu đã được phục hồi trong ngôi vị hoàng tử của cậu. Chính nhờ kinh nghiệm của những tháng ngày làm người ăn xin, lang thang đầu đường xó chợ với những người cùng khổ, mà Edward đã trở thành một vị vua đạo đức và giàu lòng thương người.

Sưu tầm


Lòng dạ

Hằng năm, cứ đến ngày lễ Tạ ơn, những người được hưởng trợ cấp xã hội như bà Tám,đều được cơ quan xã hội phát không một con gà tây để ăn mừng lễ.Từ sáng sớm, con bàTám đã chở bà đến địa điểm phát quà. Mọi người xếp hàng theo thứ tự. Nhân viên phục vụ đóng lên tay mỗi người một dấu đỏ để biết ai đã nhận quà ai chưa.Sau khi cất phần quà của mình, bà Tám âm thầm lấy nước miếng xóa đi dấu đỏ trên tay và lẻn vào giữa hàng người đang đứng chờ, hy vọng lãnh được con gà thứ`hai, nhưng không may cho bà và những người kế tiếp; vì khi đến lượt bà lần thứ hai, gà cũng vừa hết.Để vớt vát, bà vớ lấy một xấp khăn giấy .

Sưu tầm


TÌM ĐÚNG NGƯỜI XỨNG ĐÁNG  

     Người đàn ông nọ sống trong cùng một thị trấn với Rabbi Zusya. Nhận thấy vị rabbi này quá nghèo, mỗi ngày ông đặt 20 đồng cắc trong chiếc túi nhỏ đựng sách của Zusya, để vị rabbi và gia đình có thể trang trải chi phí ăn uống. Kể từ đó, ông trở nên làm ăn khấm khá, giàu lên rất nhanh. Càng có nhiều tiền, ông càng kín đáo tặng cho vị rabbi nhiều hơn; và càng tặng nhiều hơn, ông càng làm ăn khá giả hơn.

     Nhưng một hôm, ông phát hiện ra rằng Zusya là môn đệ của một vị đại sư phụ . Ông tự nhủ nếu mình cống hiến cho môn đệ mà được tưởng thưởng hậu hĩ như vậy, thì khi cống hiến cho vị sư phụ ắt hẳn mình sẽ càng nhận được nhiều hơn. Vì thế, ông đi đến Mezritch và đề nghị biếu Rabbi Baer, sư phụ của Zusya, một món công quả khá lớn. Từ hôm đó, ông làm ăn lụn bại dần. Chẳng bao lâu, tất cả những của cải mà ông kiếm được trước đây đều tiêu tán hết. Vô cùng băn khoăn, ấm ức, ông quyết định đem toàn bộ câu chuyện kể cho Rabbi Zusya nghe. Ông muốn biết tại sao cớ sự trớ trêu này đã xảy ra cho mình. Bởi rõ ràng là chính Zusya đã từng nói với ông rằng Rabbi Baer là vị sư phụ vĩ đại hơn bản thân Zusya một trời một vực kia mà!

     Nghe xong câu chuyện của người đàn ông ấy, Zusya giải thích:

     “Ồ, bao lâu bạn trao tặng mà không hề bận tâm đến chuyện mình đang trao tặng cho ai – cho Zusya hay cho bất cứ ai khác cũng thế thôi – thì Thiên Chúa cũng đáp lại bạn một cách vô điều kiện như vậy. Còn khi bạn cố ý tìm người đặc biệt xứng đáng để trao tặng, thì Thiên Chúa cũng làm y như bạn, thế thôi!”

Sưu tầm


CÁI BONG BÓNG BỂ

Có một chiếc bong bóng màu đỏ rực rỡ trông thật xinh đẹp. Chiếc  bong bóng được bơm hơi no tròn nung núc. Tiết tết đem về muôn vàn niềm vui và làm bừng  lên niềm hạnh phúc khôn tả. Muôn hoa lá lung linh vươn mình khoe màu thắm sắc giúp cho đất trời thêm phần sáng tươi, giúp cho lòng người hân hoan lâng lâng một nỗi niềm thích thú hòa chung với khung cảnh tưng bừng của vạn vật.

Chiếc bong bóng đỏ tươi tròn trịa dễ thương cũng đung đưa lung lay theo gió để chung phần giúp cho mùa xuân thắm sắc hơn, đẹp tươi hơn. Chiếc bong bóng rất hãnh diện bởi vì mọi người khi nhìn thấy chiếc bong bóng thì thấy trong lòng vui tươi, hạnh phúc hơn.

Chiếc bong bóng vui lắm, vui lắm và càng lúc nó càng tự hào, kiêu kỳ hơn. Càng tự hào, kiêu hãnh thì nó càng coi thường, khinh bỉ mọi thứ chung quanh. Nó nghĩ rằng chỉ nhờ có nó cho nên mùa xuân mới đẹp tươi, tết mới vui vẻ và mọi người, mọi vật mới tươi cười được.

Một cậu bé đến bên chiếc bong bóng cầm lấy bóng chơi đùa, vô tình chạm chiếc bong bóng vào cây hương đang cháy … Bùm … !!! … !!! Chiếc bong bóng nổ tung.

Đời bong bóng thế là đi tong. Chiếc bong bóng xinh đẹp tròn trịa trước đây giờ chỉ còn là nhúm cao su nhăm nhúm, bèo nhèo, chẳng còn ai thèm để ý đến nó nữa. Nó chẳng còn ích lợi gì trên trần đời này nữa.

Cuộc đời con người chúng ta cũng có thể giống như chiếc bong bóng kia. Mong rằng cuộc đời chúng ta sẽ mãi mãi hữu ích cho mọi người, nhưng hữu ích trong tâm hồn khiêm nhượng và giúp ích cho hết mọi người mà không so đo tính toán, không đề cao hay tự mãn với mình.

Nguyễn Ngọc Phi . Lm


Ba người thầy vĩ đại

Khi Hasan, một nhà hiền triết Hồi giáo sắp qua đời, có người hỏi ông: "Thưa Hasan, ai là thầy của ngài?"

Hasan đáp: "Những người thầy của ta nhiều vô kể. Nếu điểm lại tên tuổi của các vị ấy hẳn sẽ mất hàng tháng, hàng năm, và như thế lại quá trễ vì thời gian của ta còn rất ít. Nhưng ta có thể kể về ba người thầy sau của ta.

Người đầu tiên là một tên trộm. Có một lần ta đi lạc trong sa mạc, khi ta tìm đến được một khu làng thì trời đã rất khuya, mọi nhà đều đi ngủ cả. Nhưng cuối cùng ta cũng tìm thấy một người, ông ta đang khoét vách một căn nhà trong làng. Ta hỏi ông ta xem có thể tá túc ở đâu, ông ta trả lời: "Khuya khoắt thế này thật khó tìm chỗ nghỉ chân, ông có thể đến ở chỗ tôi nếu ông không ngại ở chung với một tên trộm."

Người đàn ông ấy thật tuyệt vời. Ta đã nán lại đấy hẳn một tháng! Cứ mỗi đêm ông ta lại bảo: "Tôi đi làm đây. Ông ở nhà và cầu nguyện cho tôi nhé!" Mỗi khi ông ta trở về ta đều hỏi: "Có trộm được gì không?" và ông ta đều đáp: "Hôm nay thì chưa, nhưng ngày mai tôi sẽ cố, có thể lắm chứ". Ta chưa bao giờ thấy ông ta trong tình trạng tuyệt vọng, ông ta luôn hạnh phúc.

Có lần ta đã suy ngẫm và suy ngẫm trong nhiều năm ròng để rồi không ngộ ra được một chân lý nào. Ta đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng, tuyệt vọng đến nỗi ta nghĩ mình phải chấm dứt tất cả những điều vô nghĩa này. Ngay sau đấy ta chợt nhớ đến tên trộm, kẻ hằng đêm vẫn quả quyết: "Ngày mai tôi sẽ làm được, có thể lắm chứ!"

Người thầy thứ hai là một con chó. Khi ta ra bờ sông uống nước, có một con chó xuất hiện. Nó cũng khát nước. Nhưng khi nhìn xuống dòng sông, nó thấy cái bóng của mình nhưng lại tưởng đó là một con chó khác. Hoảng sợ, nó tru lên và bỏ chạy. Nhưng rồi khát quá nó bèn quay trở lại. Cuối cùng, mặc nỗi sợ hãi trong lòng, nó nhảy xuống sông và cái bóng biến mất. Ta hiểu đây là một thông điệp đã được gửi đến cho ta: con người phải biết chiến thắng nỗi sợ trong lòng bằng hành động.

Người thầy cuối cùng là một đứa bé. Ta đến một thành phố nọ và thấy một đứa bé trên tay cầm một cây nến dã thắp sáng để đặt trong đền thờ. Ta hỏi đứa bé: "Con tự thắp cây nến này phải không?" Đứa bé đáp: "Thưa phải." Đoạn ta hỏi: "Lúc nãy nến chưa thắp sáng, nhưng chỉ một thoáng sau đã cháy sáng. Vậy con có biết ánh sáng từ đâu đến không?"

Đứa bé cười to, thổi phụt ngọn nến và nói: "Ngài thấy ánh sáng đã biến mất, vậy ngài bảo ánh sáng đã đi đâu?"

Cái tôi ngạo nghễ của ta hoàn toàn sụp đổ, pho kiến thức kim cổ của ta cũng sụp đổ theo. Lúc ấy ta nghiệm ra sự dốt nát của bản thân. Và từ đó ta vất đi tất cả những tự hào về kiến thức của mình.
Đúng là có thể nói ta không có một ai là thầy, nhưng điều này không có nghĩa ta không phải là một học trò. Ta xem vạn vật là thầy. Tinh thần học hỏi của ta luôn rộng mở hơn tất cả các người. Ta học hỏi từ tất cả mọi vật, từ cành cây ngọn cỏ đến đám mây trên trời kia. Ta không có một người thầy vì ta có hàng triệu triệu người thầy mà ta đã học được mỗi khi có thể. Điều thiết yếu trong cuộc sống là luôn làm một học trò. Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là có khả năng học hỏi, luôn sẵn sàng học để biết chấp nhận ý nghĩa của vạn vật.

Sưu tầm