Truyện Minh Hoạ - Giáo Dục

cái lưỠi

 Khi còn là nô lệ, triết gia Esope được chủ sai đi mua một thức ăn ngon nhất. Ông mua toàn lưỡi heo đem về làm thức ăn. Người chủ lấy làm lạ hỏi lý do. Ông đáp : “Lưỡi là chìa khóa của tất cả những lý lẽ của sự thật, nhờ nó mà con người được địa vị cao sang, được nhiều người kính nể trọng vọng”.

 Lần khác, người chủ sai ông ra chợ mua thức ăn nào dở nhất. Lần này ông cũng mua toàn lưỡi heo. Ông chủ ngạc nhiên hỏi tại sao. Ông đáp : “Nếu nói về cái quý thì không gì quý hơn lưỡi, nhưng tìm cái xấu thì không gì xấu hơn lưỡi” 

Trích ”Phúc”


dư luẬn

 Hai cha con một bác nhà quê dắt con lừa đi ra tỉnh. Mới đi được một quãng thì gặp một người hỏi : “Chà, sao ông không để cho con ông cỡi con lừa ?” - ” Ô tôi chưa nghĩ tới điều đó”. Nói xong ông bồng con cho ngồi lên lưng lừa. Đi được một lát lại gặp người khác nói : “Sao mầy ngồi trên lưng lừa mà để cho ông già đi bộ ? Mày xuống ngay đi cho cha mầy cỡi.” - ”Phải đấy.” Đứa con vội nhảy xuống đất đỡ cha mình lên lưng lừa. Đi thêm một đỗi nữa họ gặp một mụ bán cá, mụ kêu lên : “Ông không mắc cỡ à, sao lại để thằng bé phải đi bộ dưới trời nắng như thế ?” - ”Chị nói phải đấy.” Ông già tuột xuống khỏi lưng lừa và hai người tiếp tục đi bộ như trước. Khi sắp vào thành phố, có mấy người nhìn chăm chăm và nói : “Sao hai cha con không biết cỡi lên lưng lừa mà đi cho khoẻ ? Hai cha con nghe chí lý liền leo lên. Nhưng con lừa mới đi được mấy bước đã quỵ xuống vì không chịu nổi sức nặng. Hai cha con lại vội vả xuống đi bộ và dắt lừa đi như trước. 

Trích ”Phúc”


giá trỊ cỦa mỘt ngưỜi bẠn trăm năm

Một thanh niên đến gặp Cha Sở để xin học Giáo lý hôn nhân. Cha hỏi : 

- Người vợ sắp cưới của con như thế nào ? 

- Thưa cha, cô ta đẹp lắm. 

Cha sở liền viết một con số không lên tờ giấy trước mặt.

- Rồi thế nào nữa con ?

- Thưa Cha, cô ta thuộc một gia đình giàu có. 

Cha sở viết thêm một con số không nữa.

- Rồi sao nữa con ? 

- Cô ta rất đảm đang cha ạ. 

Lại thêm một con số không nữa. 

- Còn gì nữa không con ? 

- Thưa cha, cô ta thông minh lắm. 

Thêm một con số không khác. 

- Còn gì nữa không con ? 

- Thưa cha, cô ta rất đạo đức. 

Cha sở mỉm cười nhìn anh, và sung sướng viết một con số một trước những con số không vừa rồi, rồi nói : 

- Cha chia vui với con vì con đã chọn được người bạn đời xứng đáng.

 Trích ”Phúc”


lỜi khuyên bẰng vàng

Một Cha sở già kia có nhiều kinh nghiệm thường khuyên các đôi tân hôn như sau : “Khi các con thấy trong nhà sắp xảy ra cãi vã, các con hãy nói với nhau : “Để sáng mai rồi hãy gây gỗ”. Sáng hôm sau các con sẽ thấy rằng việc hôm qua thật là nhỏ nhoi không đáng gây gỗ chút nào. Khi các con sắp có chuyện cãi vã, chúng con hãy ngậm hoài một ngụm nước lạnh cho đến khi ngụm nước nóng lên. Rồi cứ tiếp tục ngậm ngụm nước khác. Làm như thế các con sẽ bớt được những xô xát đổ vỡ trong gia đình.

 Trích ”Phúc”


làm thẾ nào chỊu thẾ Ấy

Một Cha sở ở miền núi trước khi lên giường ngủ quỳ xuống quay mặt về hướng nghĩa địa và cầu nguyện. Đêm yên lặng, những nấm mộ chập chờn trong bóng tối, những cây thánh giá lô nhô trong nghĩa địa. Tất cả những cái đó làm cho ngài cầu nguyện thật sốt sắng. Một đêm kia ngài nghe có tiếng chân người và tiếng đá rơi. Trong bóng tối ngài thấy một hình người đang trèo lên thành nghĩa địa và đi giữa những nấm mồ. Một kẻ trộm ? Một tên điên ? Qua đêm thứ tư, ngài núp sau một cây, ngài thấy rõ người lạ mặt đến quỳ trước ngôi mộ và khóc than thảm thiết : “Cha ơi, cha có tha cho con không ? Cha nói đi, cha nói đi”.

Cha sở nhìn kỹ và biết đó là một người bổn đạo trong họ. Người này đã ngỗ nghịch làm cho người cha phiền muộn quá đến chết đi. 

- Ồ con, con còn bị cắn rứt không thể nào ngủ được sao ?

Người bổn đạo khiếp sợ quá nhưng khi nhận ra tiếng cha sở thì định thần lại nói : 

- Thưa cha, con không được bằng an chút nào cả. Hình ảnh cha con đang tức giận luôn theo dõi con.

- Con biết con đã xử tệ với cha con, con cái của con cũng sẽ xử tệ với con như vậy. Ngày mai con hãy đem con cái đến đây và xin chúng đừng bắt chước gương xấu của con đã làm.

10 năm sau, người bổn đạo đó chết và được chôn cất trong nghĩa địa ấy. Trong khi cha sở đang làm phép mộ, con cái ông ta lên tiếng nhạo báng và chửi rủa. Ôi các bạn trẻ, đừng bao giờ quên truyện này. 

Trích ”Phúc”


rưỢu

Ngày xưa có một con quỷ hiện về báo cho người đàn ông kia biết gã sắp chết. Nhưng nó lại bảo gã rằng nó có thể cứu gã nếu gã chịu làm một trong 3 điều sau : một là giết tên đầy tớ của gã, hai là gã hãy đánh đập vợ, ba là gã hãy uống rượu

Gã kia nghĩ : Ta không thể giết tên đầy tớ trung thành, đánh vợ thì vô lý quá, vậy ta uống rượu. Rồi gã lấy rượu uống. Đến chừng say quá, gã đánh vợ. Tên đầy tớ nhào vô can bị hắn cho một dao chết tốt.

Trích “Phúc”


CHÚA RẤT XẤU HỔ

Tôi cùng một anh bạn đi xem hội chợ. Hội Chợ Thế Giới Của Các Tôn Giáo. Vâng, không phải một hội chợ thương mại, mà đây là một hội chợ tôn giáo. Nhưng, sự cạnh tranh không kém kịch liệt, và sự tuyên truyền không kém ầm ĩ.

Tại gian hàng Do Thái giáo, chúng tôi được trao cho một tập bướm quảng cáo. Nội dung tập bướm cho biết rằng Thiên Chúa là Đấng đầy lòng thương xót và dân Do Thái là dân được Thiên Chúa ưu tuyển. Tập bướm nhấn mạnh rằng không có một dân tộc nào khác được tuyển chọn một cách ưu tiên như dân Do Thái.

Đến gian hàng Hồi giáo, chúng tôi khám phá rằng Thiên Chúa là Đấng vô cùng nhân hậu và Ma-hô-mét là Tiên Tri duy nhất của Ngài. Và người ta đạt được ơn cứu độ nhờ lắng nghe vị tiên tri duy nhất này.

Qua gian hàng Kitô giáo, chúng tôi được biết Thiên Chúa là tình yêu, và không thể có ơn cứu độ bên ngoài Giáo Hội. Bạn hãy theo Giáo Hội, nếu không, bạn sẽ lãnh án phạt đời đời.

Trên đường rời khỏi Hội Chợ, tôi hỏi anh bạn mình:

“Cậu nghĩ gì về Thiên Chúa?” Anh ta trả lời:

“Ngài thật kỳ cục, thật điên khùng và độc ác!”

 Về đến nhà, tôi thưa với Chúa:

“Lạy Chúa, làm sao Ngài chịu đựng được những điều như thế? Ngài không thấy rằng người ta đã xuyên tạc về Ngài hàng bao thế kỷ nay sao?”

Chúa trả lời:

“Đâu phải Ta tổ chức cái Hội Chợ đó! Ta thậm chí xấu hổ không dám đi thăm cái hội Chợ đó nữa là...”

Lê Công Đức, Lm. (Dịch)


Cánh Tay Của Người Ganh Tị Và Tham Lam

 Câu chuyện có tính cách ngụ ngôn sau đây đã xảy ra tại thế kỷ thứ 16 tại Ấn Ðộ. Trong triều đình có hai viên sĩ quan nổi tiếng vì những đam mê của mình. Một người thì ganh tị, một người thì tham lam. 

Ðể chữa trị những tính xấu ấy, vua cho triệu tập hai viên sĩ quan vào giữa triều đình. Vua thông báo sẽ tưởng thưởng hai viên sĩ quan vì những phục vụ của họ trong thời gian qua. Họ có thể xin gì được nấy, tuy nhiên, người mở miệng xin đầu tiên chỉ được những gì mình muốn, còn người thứ hai sẽ được gấp đôi. 

Cả hai viên sĩ quan đều đứng thinh lặng trước mặt mọi người. Người tham lam nghĩ trong lòng: nếu tôi nói trước, tôi sẽ được ít hơn người kia. Còn người ganh tị thì lý luận: thà tôi không được gì còn hơn là mở miệng nói trước để tên kia được gấp đôi... Cứ thế, cả hai đều suy nghĩ trong lòng và không ai muốn lên tiếng trước. Cuối cùng, vua mới quyết định yêu cầu người ganh tị nói trước. Người này lại tiếp tục suy nghĩ: thà không được gì còn hơn để tên tham lam kia được gấp đôi. Nghĩ như thế, hắn mới dõng dạc tuyên bố: "Tôi xin được chặt đứt một cánh tay...". Hắn cảm thấy sung sướng với ý nghĩ là người tham lam sẽ bị chặt hai cánh tay. 

Lắm khi chúng ta không hài lòng về cái mình có và chúng ta cũng không sung sướng khi người khác gặp nhiều may mắn hơn chúng ta. Không bằng lòng về chính mình, chúng ta không được hạnh phúc, mà bất mãn về người khác, chúng ta lại càng đau khổ hơn.

 Msgr. Petrus Nguyển Văn Tài  


Nhà thừa sai và bác nông dân

Dán áp phích, phát bướm, gửi giấy mời qua bưu điện, và ngay cả đến mời trực tiếp tận nhiều nhà..., vị linh mục thừa sai đã làm hết mọi cách có thể cổ động mọi người trong thị trấn để dự khóa giảng tĩnh tâm đặc biệt của mình.

Nhưng, buổi tối khai mạc, chỉ có một người đến - và đó là một bác nông dân già. Không giấu vẻ thất vọng, vị linh mục nói:

“Dù tôi chuẩn bị mọi sự thật kỹ lưỡng, chúng ta cũng không thể bắt đầu vào tối nay được. Bác thấy đó, chỉ vỏn vẹn một mình bác có mặt!”

Nhưng người nông dân trả lời: “Thưa cha, con là kẻ quê mùa ít học, nhưng con biết rằng hễ đến giờ cho đàn xúc vật ăn, dù chỉ một con bò đến, con cũng thể để nó lui về bụng đói!”

Cảm thích trước lời của người nông dân, vị linh mục xúc tiến buổi giảng thuyết y như chương trình đã định. Và thế ngài bước chân lên khán đài, thao thao phun châu nhả ngọc. Hết phần giảng - cũng theo chương trình đã định - đến phần tập hát. Ngài tập cho bác nông dân ấy hát những bài thánh ca dặc biệt chuẩn bị cho ngày lễ hôm sau.

Ba tiếng đồng hồ trôi qua, buổi giảng tĩnh tâm kết thúc. Vị linh yêu cầu người nông dân phát biểu ý kiến về  những gì đã tiếp thu được: “Bác cảm nghĩ gì về sứ điệp tôi trình bày tối nay?”

“Ô kìa, con đã thưa với cha rằng dù chỉ một con bò đến, con cũng sẽ cho nó ăn; nhưng chắc chắn là không bao giờ tọng cho nó tất cả lương thực dự trữ cho nguyên đàn xúc vật trong cả một năm trời!“

Sưu tầm