Truyện Minh Hoạ - Giáo Dục

VUA FREDERICK

Kiêu ngạo, nóng giận.

Hồi ấy Frederick, một ông vua nước Đức, tự cho mình là thông minh thượng trí, nhất định đoạt giải vô địch hoàn cầu về kinh tế học. Ông ta lấy bút mực tỉ mỉ tính toán rằng: cứ mỗi năm chim sẻ trời trong nước ăn hao hụt mất hai triệu thùng thóc. Và ông truyền phát động chiến dịch "bài sẻ" trong toàn quốc. Mỗi đầu sẻ là mỗi thưởng! Toàn dân của ông từ gìa đến trẻ, từ phái mạnh cho đến phái yếu, một sáng, một chiều, thảy trở nên những tay thiện xạ.

Thương hại cho đàn chim bé bỏng!... Chẳng bao lâu không còn sót lại một bóng sẻ nào trên đất nước của Federick nữa.

Vụ chiêm năm ấy hẳn đầy hứa hẹn. Ngờ đâu, khi ngày mùa vừa tới, thì những đoàn quân sâu bọ mũ xanh mũ đỏ đủ màu, những đám cào cào châu chấu rùng rùng xuất hiện, tràn ngập khắp lãnh thổ như nước lụt, không binh pháp nào, không quỉ thần nào có thể đàn áp nổi! Mỗi bụi cỏ, mỗi ngọn lúa, dẫu núp ngay bên ngưỡng cửa ra vào, cũng đều được chúng nó tới viếng thăm. Tiếng rên xiết khóc than rộn lên khắp hang cùng ngõ hẻm.

Frederick ngồi trên điện rồng nhìn qua cửa sổ, vuốt mặt hổn hển thở ra, dở cười dở khóc:

"Bây giờ đất thấp trời cao

Ăn làm sao nói làm sao bây giờ?"

Sưu tầm 


LÒNG THÔNG CẢM

Anh lính Pháp nọ đào ngũ khỏi đoàn quân của Napoléon. Anh không gặp may, vì chỉ sau vài giờ, anh bị chính các đồng đội của mình tóm được. Để bảo vệ kỷ cương quân đội và để trấn áp tinh thần những chiến sĩ bị cám dỗ đào tẩu, hình phạt dành cho anh lính kia là hình phạt nặng nhất: Tử hình!

Người mẹ của anh lính này nghe biết về trường hợp của con mình. Bà lặn lội tìm đến gặp Napoléon để khẩn cầu ông tha mạng cho con. Napoléon nghe những lời van xin của bà, rồi giải thích cho bà rằng vì tính chất nghiêm trọng trong hành phạm tội của con trai bà, anh ta không xứng đáng nhận được bất cứ sự thông cảm và khoan hồng nào cả.

“Thưa ngài,” người mẹ trả lời, “Tôi cũng hiểu rằng con trai tôi không xứng đáng được thông cảm và khoan hồng. Nhưng nếu như nó xứng đáng được thông cảm và khoan hồng, thì thiết tưởng đó đâu còn đúng thực là thông cảm và khoan hồng nữa!”

Tác giả Lê Công Đức, Lm. (Dịch)


BỒ CÔNG ANH VÀ CƠN GIÓ

Bồ Công Anh nở ra những đóa hoa vàng tươi rực rỡ xinh đẹp. Ngày ngày, những đóa hoa lung linh vui đùa nhảy múa trong ánh nắng ấm áp nồng say. Chiều chiều, những đóa hoa hát ca réo rắt trong tiếng gió đệm đàn du dương và kể cho nhau nghe những câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa … Đêm đêm, hoa giang rộng đôi tay hứng lấy những giọt sương ngọt ngào mát rượi. Hoa uống sương đêm với niềm say mê rạo rực ngất trời, để rồi càng ngày đóa hoa Bồ Công Anh càng lớn lên càng nở nang, càng xinh đẹp, càng ngát hương thơm phức.

Cuộc đời êm đẹp cứ thế trôi qua trong hạnh phúc ấm êm. Cuộc đời như một khúc ca ngọt ngào lả lướt, như một bức tranh kiều diễm êm đềm. Cuộc đời thật là đẹp ! Cuộc đời thật là xinh !

Một ngày kia, gió bão khủng khiếp bỗng tự nhiên nổi lên, cuồng phong ba đào bỗng tự nhiên ào đến, cuốn lấy những đóa hoa Bồ Công Anh bay đi với những đôi tay hung dữ bạo tàn.

Bồ Công Anh xinh đẹp nõn nà ngày nào, giờ đây rụng hết cánh, áo quần rách nát tả tơi bị gió cuốn bay đi xoay xoay lông lốc ngả nghiêng trên cát. Bồ Công Anh kinh hoàng run rẩy thét lên đau đớn :

- Á! Đau quá ! Đau đớn quá đi thôi ! Buông tôi ra ! Buông tôi ra ! Ai cứu tôi với ! Ai cứu tôi với !!!

Những cơn gió tàn nhẫn vẫn hung dữ quấn chặt lấy đóa hoa nâng bổng lên ném ra xa tít mù.

Đóa hoa Bồ Công Anh hết hồn hết vía la toáng lên :

- Chúa ơi, sao Chúa lại để chuyện đau đớn này xảy ra cho con ??? Sao Chúa không yêu thương bảo vệ cứu giúp con ??? Xin cứu chữa nâng đỡ con, Chúa ơi !!!

Cuối cùng, đóa hoa Bồ Công Anh  rơi xuống một vùng đất ẩm ướt, đau căng cả người nhưng đóa hoa vẫn cố gắng hết sức bám chặt vào đất …

Rồi từ đó nó đâm ra một chồi non Bồ Công Anh. Cây Bồ Công Anh theo thời gian lớn dần lên, lớn dần lên…

Vòng đời lại tiếp tục vần xoay với những đóa hoa Bồ Công Anh đang hé nở đung đưa trong gió, lung linh dưới ánh mặt trời rực rỡ. Bồ Công Anh lại tiếp tục nở ra những đóa hoa vàng tươi rực rỡ xinh đẹp. Ngày ngày, những đóa hoa lung linh vui đùa nhảy múa trong ánh nắng ấm áp nồng say. Chiều chiều, những đóa hoa hát ca réo rắt trong tiếng gió đệm đàn du dương và kể cho nhau nghe những câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa… Đêm đêm, hoa giang rộng đôi tay hứng lấy những giọt sương ngọt ngào mát rượi. Hoa uống sương đêm với niềm say mê rạo rực ngất trời, để rồi càng ngày đóa hoa Bồ Công Anh càng lớn lên càng nở nang, càng xinh đẹp, càng ngát hương thơm nức …

Giờ đây ngẫm nghĩ lại, Bồ Công Anh mới nhận thức rõ ràng rằng nhờ cơn gió bạo tàn khủng khiếp cuốn đi mà nó mới có thể vượt xa cả hàng vạn dặm trường gian nan để đến định cư nơi vùng đất này. Hiểu rõ điều này rồi, những đóa hoa Bồ Công Anh sung sướng rung rinh cất cao giọng hát bài ngợi ca tạ ơn Thiên Chúa đã để cho điều kỳ diệu đó xảy ra.

Ôi, chương trình của Thiên Chúa thật tuyệt vời bao la !

CHÚA MÃI THƯƠNG TÔI

Cho dẫu rằng ngày mai tôi phải chết

Tôi vẫn cười phá nát nổi buồn đau

Dẫu cho rằng đời tôi truân chuyên lắm

Tôi vững tin luôn có Chúa ở cùng

Đời tôi dẫu gặp gian nan hoạn nạn

Tôi an lòng vì Chúa mãi thương tôi

Tác giả Nguyễn Ngọc Phi . Lm


TÌNH YÊU CỨU THẾ

Một vị quan lớn mở tiệc mời nhiều người đến dự. Tất cả các người được mời đều ăn mặc sang trọng và dùng xe đi đến. Trong số ấy có một người khách già. Rủi thay, vì già yếu nên ông cụ này khi xuống xe đã trượt chân té vào vũng bùn. Khách đến dự tiệc thấy vậy phá lên cười.

Xấu hổ và cảm thấy mình không xứng đáng, ông quyết định quay về. Gia nhân nài nỉ cách mấy ông cũng không chịu ở lại dự tiệc. Khi đó vị quan chủ tiệc bước ra sân, đi tới chỗ vũng nước đó, rồi cũng cố tình té ngã vào vũng nước. Thế là áo quần của ông quan cũng dơ dáy y như cụ già kia. Mọi người chung quanh chẳng ai dám cười nhạo nữa. Sau đó, vị quan lớn cầm tay ông cụ đưa vào phòng tiệc. Ông cụ chẳng còn lý do nào để chối từ.

Thiên Phúc


ĐỀN ĐÁP ÂN TÌNH

 Huyền thoại Ấn Độ kể rằng: Thuở trái đất này còn hoang sơ, có một con thỏ tên là Pôlixa rất thương người, ai xin gì cũng cho, không bao giờ từ chối người nào. Ngày kia, một lão ông lom khom chống gậy tới than thở với thỏ Pôlixa:

- Suốt mùa nước lũ vừa qua, lão không có gì để ăn, đói lả người, chắc lão sẽ chết nay mai thôi. Trước khi chết, lão chỉ xin một miếng thịt thỏ mà lão rất thèm thuồng bấy lâu. Vậy thỏ Pôlixa có cho lão được không:

Thỏ Pôlixa nhìn ông lão hom hem yếu đuối, tội nghiệp, liền nói:

- Được rồi, ông chờ cháu một lát.

Thế là Pôlixa vội đi kiếm củi, xếp thành đống, mồi lửa và nói:

- Ông chờ thịt cháu chín, rồi ông lấy mà ăn nhé!

Nói xong, thỏ chụm chân nhảy vào lửa. Bỗng nhiên lửa tắt, ông lão biến mất.

Thì ra đó là một vị thần được sai tới để thử lòng thỏ. Về sau để thưởng công, Thượng Đế đã cho thỏ Pôlixa về vui đùa mãi bên mặt trăng.

Sưu tầm 


Con Công và Con Quạ

Xưa con công với con quạ làm bạn với nhau thân lắm, vì hai con cùng xấu cả. Một hôm công và quạ ngồi nói chuyện với nhau, Quạ bảo Công rằng:

- Thử xem, các giống chim trên rừng, trên núi, giống nào cũng đẹp. Này như: con phượng hoàng, cái mình nó quý giá biết bao, đến nỗi người ta thường khen: "Một cái lông con phượng hoàng bằng cả làng chim chích". Còn như con hạc, cái hình, cái dạng, cái chân, cái tóc nó thanh tao biết bao, để cho người ta phải nói: "Hạc đứng chầu vua nghìn năm tóc bạc", tuổi rùa càng sống thọ hơn. Còn như anh em ta đây! Than ôi! Thân hình thật không còn giống nào xấu bằng nữa.

Công nói:

- Phận xấu đành vậy, chớ biết làm sao bây giờ?

Quạ nghĩ một lúc rồi bàn rằng:

- Xấu mà làm ra đẹp, cũng được chớ gì! Bây giờ hai đứa ta thử tô điểm vẽ vời lẫn cho nhau xem có đẹp hay không?

Công bằng lòng.

Quạ bèn tô điểm, vẽ vời cho Công trước. Quả nhiên cái mình, cái đuôi Công lóng lánh, có bao nhiêu màu sắc đẹp, đẹp hơn những giống chim khác nhiều.

Đến lượt Công ngồi tô điểm, vẽ vời cho quạ, thì chợt nghe tiếng ríu rít, biết bao nhiêu chim con ở phía đông bay lại. Quạ liền hỏi :

- Các bạn đi đâu mà kéo đàn, kéo lũ như thế?

Đàn chim nói:

- Chúng tôi nghe đồn ở dưới phương nam có thật nhiều gạo, nhiều gà, và rất nhiều đồ ăn ngon khác... Chúng tôi rủ nhau đi kiếm ăn đây. Anh làm gì đấy?... Hay ta cùng đi một thể.

Quạ nghe nói, trong lòng háo hức muốn đi theo đàn chim kia ngay lập tức. Quạ mới nói với Công rằng:

- Bây giờ mà tôi ngồi đợi để cho anh tô điểm vẽ vời, thì chưa biết đến bao giờ mới xong. Thôi, hay sẵn cả đĩa mực đây, anh cứ cầm thế mà đổ lên mình tôi để tôi đi theo bọn kia, kẻo lỡ mất một dịp kiếm ăn tốt.

Công thấy quạ bảo thế, chiều ý làm theo, cầm cả đĩa mực dốc vào mình quạ. Thành bao nhiêu lông cánh của quạ toàn một màu đen như mực.

Quạ bay đi kiếm ăn không còn nghĩ gì đến xấu với đẹp nữa. Nhưng đến lúc ăn no trở về, quạ thấy con cò trắng muốt bay qua trông thấy nó mà cười. Quạ tức lắm... bèn ngắm lại mình thì ôi thôi. Quạ thấy mình đen thui thủi, thiệt xấu xí, thẹn quá bèn bay đi trốn..

Từ đó, không ai còn thấy quạ đâu nữa trừ những nơi hoang dã vắng vẻ.

Sưu tầm


Con Chuột và Con Mèo

Đời xưa, chuột vốn là một giống linh thiêng ở trên Trời. Trời giao cho nó giữ chìa khóa kho lúa của Trời. Nhưng chuột không phẳi là một loài đáng tin cẩn, nhân được giữ chìa khóa, cứ tự do đến mở kho rủ nhau vào ăn rả rích hết bao nhiêu là lúạ

Sau Trời biết, lấy làm giận lắm, mới không cho ở trên ấy nữa, mà đuổi xuống dưới hạ giới để săi giữ chìa khóa lẫm thóc của nhân gian.

Nhưng chứng nào tật ây, chuột lại rủ nhau vào lẫm thóc của người rả rích ăn. Đến nỗi người phải có câu than rằng:

 "Chuột kia xưa ở nơi nào ?

Bây giờ ăn lúa nhà tao thế này ?"

Người lấy làm chua sót, mới kêu với vua Bếp. Vua Bếp liền bắt nó đem lên trả Trời và tâu rằng:

- Chuột này vốn chuột của Thiên Đình, sao Thiên Đình lại thả nó xuống hạ giới ?

Trời nói:

- Ừ, trước nó ở trên này giữ chìa khoá kho thóc cho ta. Nhưng bởi nó ăn vụng lúa của ta nhiều lắm nên ta không cho nó ở trên này, ta đuổi nó xuống hạ giới cho nó giữ lúa ở dưới ấy.

Vua Bếp tâu:

- Nó xuống dưới ấy nó lại ăn vụng lúa hại lắm. Bẩm,chúng con thiết nghĩ: luá của Trời nhiều, lúa của người ít, của Trời nó ăn không hết chớ của người nó cứ ăn mãi, thì có ngày hết cả, người đến chết đói mất. Vậy xin bây giờ lại cho nó lên trên Trời là phải.

Trời nghe tâu phán rằng:

- Không được. Ta đã đuổi nó đi cho xa, ta không thể cho nó lại lên đây nữạ Thôi bây giờ có mộ cách: Ta có một con mèo, ta cho chú đem xuống hạ giới để khi nào chuột nó ăn lúa của nhân gian thì thả mèo ra cho nó bắt chuột, rồi gầm gừ ăn chuột đi, còn khi nào nó không muốn bắt chuột, thì chú bảo con mèo cứ kêu với con chuột rằng: "Nghèo, nghèo, nghèo", thì chuột nó cũng sợ mà nó phải bỏ đi.

Vua Bếp lạy tạ, rồi lại đem chuột va đem cả mèo xuống hạ giới. Rồi cứ theo như lời dậy mà làm.

 Thành tự bấy giờ khi nào mèo rình bắt được chuột, rồi mèo cứ "gầm gừ, gầm gừ" và khi nào không bắt được chuột thì mèo ngồi kêu: "nghèo, nghèo, nghèo, nghèo"...

Nhưng lúc ấy, mèo hồi nghĩ lại, mới lấy làm giận vua Bếp, vì tại vua Bếp mèo mới phải xuống dương gian. Nhưng không làm gì nổi vua Bếp, mèo chỉ còn cách thỉnh thoảng vào giữa đống tro bếp mèo để phóng uế.

Sưu tầm


CHÀNG TRAI CÓ TẤM LÒNG VÀNG

Một buổi sáng, tại khu Brúc-lin ( Brooklyn ) của thành phố Niu Yoóc ( New York ), có một cụ già ngã quỵ bên vệ đường, bất tỉnh nhân sự. Cụ được đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu. Khi hồi tỉnh, biết mình không sống được bao lâu nữa, cụ tha thiết mong được gặp mặt người con trai độc nhất là lính thủy, hiện đang đóng quân tại tiểu bang Bắc Kê-rô-lai-na ( North Carolina ), Hoa-kỳ.

Cô y tá trực tiếp chăm sóc cụ già vội điện thoại ngay cho Hội Chữ Thập Đỏ ở Brúc-lin. Hội lại đánh điện tín khẩn cho đơn vị hải quân ở Bắc Kê-rô-lai-na. Đơn vị này liền cho một phi cơ tốc hành mang chàng trai về cho kịp gặp mặt người cha già trước phút lâm phút lâm chung.

Về đến bệnh viện, chàng trai được cô y tá đưa ngay đến bên giường cụ già. Chàng xúc động quá, nhìn sững người bệnh mà không nói nên lời. Cô y tá lay nhẹ để đánh thức cụ già và báo tin con trai cụ đã về. Thế nhưng cụ già mắt đã gần như lòa, chỉ còn biết đưa bàn tay phải run run nắm lấy và cố gắng xiết nhẹ bàn tay cứng cáp của chàng thanh niên một cách thiết tha. Những cảm nhận yêu thương chan chứa như truyền từ tay chàng trai qua cụ già, một bên là lòng hiếu thảo thủy chung, một bên là tình phụ tử đậm đà huyết nhục. Không còn nói được, dù là thì thào, cụ già mãn nguyện nằm yên, hai mắt nhắm nghiền như cố gắng sống thoi thóp càng lâu càng tốt bên cạnh người con yêu dấu.

Cứ thế, chàng trai vốn đã quá căng thẳng tinh thần và mệt nhọc về thể xác sau một chuyến đi dài vội vã, lại chưa kịp ăn uống chút gì lót dạ, anh vẫn cố gượng ngồi đó qua suốt cả một đêm dài đằng đặc của bệnh viện, tay vẫn nắm chặt lấy bàn tay cụ già đáng thương...

Trời tảng sáng, chàng trai mới đặt bàn tay cụ già xuống và chạy đi báo tin cho cô y tá biết là cụ già đã qua đời. Sau khi làm xong các thủ tục bệnh viện dành cho người chết, cô y tá trở về phòng trực, lòng xót xa thay cho chàng trai hiếu thảo. Cô pha một tách cà phê và dọn phần bánh mì nhỏ bé của mình đem ra cho chàng trai lúc này đã lả đi vì mệt và đói. Cô ngỏ lời chia buồn, nhưng anh ta ngắt lời cô với một câu hỏi hoàn toàn bất ngờ: “Cô ơi, cụ già ấy là ai vậy ?”

Quá sửng sốt, cô y tá buột miệng hỏi lại: “Ơ hay, thế chẳng phải đó là ông cụ thân sinh của anh đó sao ?”. Anh lính thủy chậm rãi trả lời: “Không cô ạ, tôi chưa bao giờ biết cụ là ai !”. Cô y tá càng ngạc nhiên: “Thế sao anh lại không nói gì khi tôi dắt anh đến gặp cụ ?”

Đến đây chàng trai trầm ngâm trong giây lát rồi mới từ từ thuật lại đầu đuôi sự thể: “Tôi cũng còn một người cha đã già yếu, khi nghe đơn vị báo, tôi lên đường về ngay, lòng vẫn nơm nớp lo sợ không còn kịp nhìn mặt bố mình. Thế nhưng khi về đây, đến bên giường bệnh, nhìn cụ già là tôi biết ngay người ta đã lầm tôi với một người lính nào khác là con trai thật của cụ. Trong giờ phút nguy kịch ấy, tôi biết sẽ không thể nào lại đi tìm cho ra đúng con trai của cụ về kịp nữa. Chúng ta không nên bắt cụ phải thất vọng và mòn mỏi chờ đợi thêm một lần nữa, cụ sẽ chết mà không xuôi tay nhắm mắt. Cũng may là cụ đã quá yếu, không nhìn không nghe được rõ nữa, tôi đành phải đóng vai con trai cụ để nói những lời an ủi. Vàỉ hình như cu đã tin thật rằng con trai mình đã về thật, đang ở bên mình thật, để cụ có thể mãn nguyện lìa đời...”

Mãi mấy ngày sau, người ta mới tìm được người con ruột của cụ về đưa đám tang. Thì ra anh ta cũng đang đóng quân tại Bắc Kê-rô-lai-na, lại trùng tên với chàng thanh niên có tấm lòng quý báu hơn vàng kia...

Sưu tầm


Câu hỏi

Ngày đầu tiên cô phụ trách một lớp học tình thương đa phần là những trẻ lang thang, không nhà cửa.

Cuối buổi học.

- Cô ơi! Dạy hát cho tụi con đi cô.

- Hát đi cô.

Còn mười phút. Nhìn những cái miệng tròn vo và những đôi mắt chờ đợi , cô dạy cho tụi trẻ bài Đi học về .

- Hát theo cô nè, "Đi học về là đi học về. Con vào nhà con chào ba mẹ. Ba mẹ khen..."

Phía cuối lớp có tiếng xì xào:

- Tao không có ba mẹ thì chào ai?

- ….!

Cô chợt rùng mình, nghe mắt cay cay.

Sưu tầm


Lòng tin

Xe ngừng…

- Mận ngọt đây!...

- Bao nhiêu tiền bịch mận đó?

- Dạ 2000.

- Hổng có tiền lẻ!

- Để con đổi cho!

Cái bóng nhỏ lao đi. Năm phút, mười phút…

- Trời! đồ ranh! Nó cầm 5000 của tui đi luôn rồi!

- Ai mà tin cái lũ đó chứ!

- Bà tin người quá!...

Xe sắp lăn bánh… Cái bóng nhỏ hớt hải:

- Dì ơi! Con gửi ba ngàn. Đợi hoài người ta mới đổi cho!

Sưu tầm


Lãi

Quán rất nghèo, lèo tèo dăm chai nước. Hiếm hoi mới có vài người khách.

Con trai càu nhàu:

- Chín muời năm rồi, chẳng thấy lời lãi gì cả, chỉ tổ nhọc thân. Đã bảo u dẹp quách đi cho rồi. Rõ khổ.

Bà mất vì lao phổi. Con trai dỡ quán bỏ, thấy một cuộn giấy cất kỹ trên hốc kèo. Mở ra, một dòng chữ nghuệch ngoạc: "Lãi của quán, dành cho con". Gần ba triệu. Tờ giấy run bần bật.

Sưu tầm