Truyện Minh Hoạ - Giáo Dục

Những người bạn nên có !

Bạn thấy những người gần gũi nhất với mình như thế nào? Họ tốt bụng? Hài hước? Dễ đồng cảm? Thân thiện? Họ có thể có một trong những phẩm chất trên nhưng lý do thực sự khiến bạn làm thân với họ là vì họ có được những phẩm chất mà bạn mong mình có. Sau đây là 10 người bạn mà chúng ta cần có trong cuộc sống:

- Một người thầy, người cố vấn. Đây là người cho bạn những lời khuyên.

- Một người nuôi dưỡng - để bạn có thể tin tưởng trông cậy vào người đó.

- Một người bạn đồng minh - người luôn luôn ủng hộ bạn.

- Một người bạn tâm hồn - người luôn có chung quan điểm với bạn.

- Một người bạn đồng nghiệp - bạn có thể trò chuyện thân mật, chia sẻ mọi điều với người đó ở nơi làm việc.

- Một người bạn thuở ấu thơ - giúp bạn nhớ lại một tuổi thơ êm đềm.

- Một người bạn trong cùng một hội - đó là người mà ta thân nhất trong cùng một hội nhóm cùng tham gia, ví dụ như hội yêu thơ, hội cầu lông, hội các nữ doanh nhân.... để vui chơi, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm.

- Bạn đồng cảnh - đó là những người có cùng cảnh ngộ với bạn, ví dụ đang mang thai như bạn, đang có chồng đi vắng dài ngày.... Người ấy sẽ có những cảm giác giống như bạn.

- Một người bạn cùng trong cơn khủng hoảng - người ấy sẽ chia sẻ nỗi đau đớn chung với bạn.

- Người đối lập với bạn - đó là người mà những điểm mạnh của người ấy lại là điểm yếu của bạn. Người đó sẽ giúp bạn khám phá những niềm vui mới trong cuộc sống.

Một người bạn có thể cùng lúc đảm nhiệm vài vai trò nhưng nên nhớ rằng không có một người nào có thể đáp ứng được tất cả mọi mong muốn trên của bạn. Nếu bạn cứ đòi hỏi điều đó thì mối quan hệ của bạn với người đó sẽ rất căng thẳng. Vì vậy, bạn chớ vội đi kiếm tìm những người bạn mới mà bằng cách nào đó chứng tỏ cho những người bạn cũ của bạn thấy bạn đánh giá họ cao như thế nào.

Sưu tầm


Cho đi

Tại một tiệm bán thực phẩm cho các loài chim kia, vì muốn thu hút khách hàng, nên ông chủ tiệm bắt được con phượng hoàng đem nhốt vào cái lồng lớn đặt trong tiệm.

Một hôm, có hai ông cháu từ miền núi xuống thành phố mua đồ. Khi đi ngang qua tiệm, vừa trông thấy con chim phượng hoàng bị nhốt trong lồng, ông ta động lòng thương hại, liền ngỏ ý với ông chủ tiệm xin mua con chim ấy.

Không để mất cơ hội, ông chủ tiệm đòi giá tiền thật cao.

Không một lời trả giá, người khách hàng đi thẳng tới nhà ngân hàng, rút số tiền cần thiết và trở lại tiệm mua chim phượng phoàng. Ông ta vui mừng ẵm con chim trên tay bước ra khỏi tiệm. Vừa bước chân tới quãng đường vắng, ông ta liền mở tay ra để chim được tự do bay bổng giữa bầu trời mênh mông của nó.

Ngạc nhiên trước việc làm của ông, đứa cháu nhỏ tò mò lên tiếng hỏi:

Thưa ông nội, tại sao ông lại sẵn sàng hy sinh một số tiền lớn như vậy để chuộc trả tự do cho con chim phượng hoàng ấy.

Ông vui vẻ đáp:

Cháu hãy ghi lòng tạc dạ điều này: trên đời, giàu sang không chỉ căn cứ trên những gì mình có thể chiếm đoạt được mà thôi, nhưng chính là trên những gì mình cần phải cho đi, để có thể thực hiện được điều tốt lành cần phải làm.

Sưu tầm


Không Vương Bụi Trần

Zengetsu, một thiền sư Trung hoa vào đời nhà Đường, đã viết những lời khuyên này cho môn đồ:

Sống giữa hồng trần nhưng giử không bị vướng mắc vào bụi trần là chánh đạo của kẻ tu Thiền.

Khi nhìn thấy ai làm lành, hãy bắt chước. Khi nghe điều ác nên tránh.

Ngay khi ở trong phòng tối, cư xử như mình đối diện với khách quý.

Bộc lộ cảm quan, nhưng không nên vượt quá cái thật tánh của mình.

Nghèo khổ là kho báu của người, không nên đánh đổi nó cho một cuộc sống dễ dãi.

Một người có thể trông giống kẻ khùng, nhưng chưa hẳn đã thế. Biết đâu rằng y đang cẩn thận che dấu sự thông thái của mình.

Đức hạnh là thành quả của sự tự chế. Đừng đánh rơi chúng từ từng trời như là mưa hay tuyết.

Lòng khiêm tốn là nền tảng của mọi đức hạnh. Hãy để cho mọi người sống gần tự biết đến bạn trước khi bạn làm cho họ biết đến.

Một tấm lòng cao thượng không bao giờ trưng ra lộ liễu. Lời của nó như ngọc quý, vô giá, ít khi được bày biện.

Đối với một người thiền sinh chân thật, mỗi ngày là một ngày may mắn. Thời gian trôi qua nhưng y không bị lùi lại. Chẳng có sự vinh quang hay nhục nhả nào làm chùn ý.

Nên khắt khe với chính mình, chứ không phải với người khác. Không nên bàn cãi chuyện đúng hay sai.

Có vài điều, dù đúng, vẫn bị xem như là sai hằng bao nhiêu đời. Giá trị của điều phải, có thể được biết đến sau nhiều thế kỷ, cho nên không việc gì phải vội đòi hỏi có sự biết ơn tức thì.

Hãy sống với nhân duyên và dành kết quả cho luật tối thượng của vũ trụ. Hãy sống qua một ngày trong an nhiên tự tại.

Sưu tầm


Biết chỉ để... đi thi

Con hỏi ba: Tháp Pisa nghiêng bao nhiêu độ?

Ba mới hỏi: Con hỏi để làm chi?

Con trả lời để con đi thi “Ai là tỉ phú”.

Con gái ơi! Ba sẽ vui hơn nếu con biết độ nghiêng để con nghiệm ra rằng trên đời này vẫn còn rất nhiều điều chông chênh, sai trái nhưng nếu trong tâm mình vẫn còn nằm trong vòng tay của gia đình thì dù có nghiêng nhưng nó sẽ không thể nào ngã.

Con hỏi ba: Ý nghĩa câu “qua cầu rút ván”?

Ba mới hỏi: Con hỏi để làm chi?

Con trả lời để con đi thi “Trúc xanh”.

Con gái ơi! Ba sẽ vui hơn nếu con muốn biết ý nghĩa câu đó để con nghiệm ra rằng mình sống ở đời phải có trước có sau.

Con hỏi ba: Đèn xanh đỏ có tự khi nào?

Ba mới hỏi: Con hỏi để làm chi?

Con trả lời để con đi thi “Rồng vàng”.

Con gái ơi! Ba sẽ vui hơn nếu con muốn biết để con nghiệm ra rằng cho đến lúc nào người đời mới hiểu được một quy luật hết sức đơn giản. Sống ở đời phải biết nhường nhau để có kết quả tốt hơn.

Con hỏi ba: Cái máy giặt giá bao nhiêu?

Ba mới hỏi: Con hỏi để làm chi?

Con trả lời để con đi thi “Hãy chọn giá đúng”.

Con gái ơi! Ba sẽ vui hơn nếu con muốn biết giá để con nghiệm ra rằng phải mất rất lâu mình mới dành dụm đủ tiền để mua cho mẹ cái máy giặt hoặc mặc giữ kỹ đồ hơn cho mẹ đỡ phải nhọc nhằn.

Kiến thức là một tài nguyên quý giá, biết nhiều là một điều tốt. Nhưng biết nhiều đó mới chỉ là người có trí nhớ tốt mà trí nhớ con người hiện đã thua xa những thiết bị nhớ của máy vi tính, điện thoại di động.

Còn việc nghiệm ra những điều từ những gì mình biết thì đó mới là những người có học thức uyên thâm mà việc nghiệm ra thì chưa và sẽ không có con CPU nào qua được bộ óc con người. 

Lý Quốc Nam   


Trải nghiệm

Tôi là người có trái tim không được nhạy cảm cho lắm.

Nói đơn giản là, tôi không thể biết được cảm giác của người khác ra làm sao nếu như tôi chưa từng trải qua điều tương tự với họ. Giống như, nếu một đứa bạn tâm sự với tôi về chuyện nó bị thất tình, tôi sẽ ngồi im như thóc, không biết nên nói gì để an ủi nó vì tôi chưa bị thất tình lần nào. Cách chia sẻ hay nhất mà tôi vẫn làm là xiết nhẹ tay nó hoặc ôm nó vào lòng như một cách đồng cảm, cảm thông. Nhưng có những việc không thể thực hiện đơn giản theo kiểu ấy được.

Ví như chuyện “Đói”. Bạn đã bao giờ đói chưa ?

Tôi sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hoà bình và ấm no. Tôi chưa bao giờ biết cảm giác đói là thế nào. Ừ, thì nếu có đói bụng , tôi chỉ cần vào bếp réo một tiếng : “Mẹ, cơm”. Đơn giản vậy thôi. Nhưng còn cái đói của những con người khốn khổ, không có cả miếng cơm bỏ bụng thì sao nhỉ ? Tôi vẫn nghe mẹ kể về cái thời đói khát lúc tôi mới chào đời, những năm bảy mươi mấy tám mươi. Thời mà người Sài Gòn phải ăn bo bo, bắp thay cơm hay phải trộn củ mì vào nấu chung với gạo. Thế nhưng, đối với tôi lúc ấy, những câu chuyện mẹ kể chẳng khác gì chuyện cổ tích của bà. Đó giống như chuyện xảy ra ở một thế giới không phải thế giới của tôi !!

Rồi, từ một chuyện tình cờ, tôi đã có thắc mắc : “Đói” là thế nào ? Và tôi quyết định tự mình tìm hiểu. Tôi nhịn ăn được có 2 ngày. Đến lúc suýt chút nữa thì xỉu trong sở làm, tôi mới dừng việc ấy lại. Tuy nhiên , tôi cũng đã biết được ( dù không nhiều ) cái cảm giác hoa mắt , ù tai, tay chân run rẩy , cảm giác không còn đủ sức lực để cầm một cây chổi lông gà ; hậu quả của việc bị “đói”. Và mới thấy “cơm” ngon đến dường nào. Sau này tôi không bao giờ kén chọn, không bao giờ phàn nàn tại sao thức ăn hôm nay không ngon miệng nữa. Và tôi còn nghiệm ra một điều : “Thực phẩm là quý giá và mình nên biết hạnh phúc với những gì mình đang có”.

Còn bạn, bạn đã bao giờ trải nghiệm điều gì chưa ?

Châu Nguyễn   


Bài học từ loài ngỗng

Vào mùa thu, khi bạn thấy đàn ngỗng bay về phương Nam để tránh đông theo hình chữ V, bạn có tự hỏi những lý lẽ khoa học nào đó có thể rút ra từ đó? Mỗi khi một con ngỗng vỗ đôi cánh của mình, nó tạo ra một lực đẫy cho con ngỗng bay sau nó. Bằng cách bay theo hình chữ V, đàn ngỗng tiết kiệm được 71% sức lực so với khi chúng bay từng con một.

 Khi là thành viên của một nhóm, ta cùng chia sẻ những mục tiêu chung, ta sẽ đi đến nói ta muốn nhanh hơn và dễ dàng hơn, vì ta đang đi dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.

Mỗi khi con ngỗng bay lạc hỏi hình chữ V của đàn, nó nhanh chóng cảm thấy sức trì kéo và những khó khăn của việc bay một mình. Nó nhanh chóng trở lại đàn để bay theo hình chữ V như cũ và được hưởng những ưu thế của sức mạnh bầy đàn.

Nếu chúng ta cũng cảm nhận sự tinh tế của loài ngỗng, chúng ta sẽ chia sẻ thông tin với những người cũng đang cùng một mục tiêu như chúng ta.

Khi con ngỗng đầu đàn mệt mỏi, nó sẽ chuyển sang vị trí bên cạnh và một con ngỗng khác sẽ dẫn đầu.

Chia sẻ vị trí lãnh đạo sẽ đem lại lợi ích cho tất cả và những công việc khó khăn nên được thay phiên nhau đảm nhận.

Tiếng kêu của đàn ngỗng từ đằng sau sẽ động viên những con đi đầu giữ được tốc độ của chúng. Những lời động viên sẽ tạo nên sức mạnh cho những người đang ở đầu con sóng, giúp họ giữ vững tốc độ, thay vì để họ mỗi ngày phải chịu đựng áp lực công việc và sự mệt mỏi triền miên.

Cuối cùng khi một con ngỗng bị bệnh hay bị thương rơi xuống, hai con ngỗng khác sẽ rời khỏi bầy để cùng xuống với con ngỗng bị thương và bảo vệ nó. Chúng sẽ ở lại cho đến khi nào con ngỗng bị thương có thể bay lại được hoặc là chết và khi đó chúng sẽ nhập vào một đàn khác và bay về Phương Nam.

Nếu chúng ta có tinh thần của loài ngỗng, chúng ta sẽ sát cánh bên nhau khi có khó khắn. Lần sau có cơ hội thấy một đàn Ngỗng bay bạn hãy nhớ....Bạn đang hưởng một đặc ân khi là thành viên của một nhóm.

Nguyễn Minh Châu


Sinh viên loay hoay tìm đích

Sau khi đậu đại học, một số sinh viên rơi vào cảnh loay hoay tìm đích. Nguyên nhân lớn nhất chính là các bạn đã chọn sai đường để đi.

Ván bài cược tương lai

Có khi nào bạn nhớ lại lúc xưa chọn ngành đã không vì mình yêu thích và không hoàn toàn nghiêm túc?

Bạn đã chọn ngành này vì tin rằng sẽ kiếm được thu nhập cao hay dễ dàng xin việc khi ra trường?

Vì nghe lời bạn bè bàn hay gia đình khuyên, vì cả nhà ai cũng làm giáo viên nên bạn cũng sẽ trở thành một thầy giáo?

Vì nó là ngành thời thượng, vì bây giờ ai ai cũng học thiết kế, hay ai ai cũng làm kinh doanh?

Còn là vì bạn cũng không biết mình…thích gì hay muốn gì nữa. Nó chung chung kiểu như chỉ muốn ngồi văn phòng cho mát, hay chỉ thích nổi tiếng cho sướng và thành ngôi sao?

Vì ngành này ít người thi, và dễ đậu mà chẳng biết chương trình đào tạo sẽ ra sao và sau này công việc sẽ như thế nào?

Hoặc vì bạn đã rớt nguyện vọng kia và vớt được nguyện vọng này?

Nhiều lắm, nhưng không có lý do nào mang tên vì bạn thích hay vì bạn đam mê nó?

Một sự đánh đổi và mang tính đặt cược cao cuộc sống của chính mình.

Đem ước mơ vùi trong bóng tối

Đến lúc, bạn phân vân khi cảm thấy ngành học này có vẻ như không phải như mình mong ước, khi những bước chân của mình có vẻ như chông chênh và không thât với chính mình, cảm thấy sợ hãi khi lo không đủ sức để đi theo đến đích cuối, và thấy ước mơ hay niềm đam mê cuả mình lẽ ra nên khác đi?

Có khi nào bạn cảm thấy chán ngấy những môn học ở trường ở lớp, ngán ngẩm khi xem thời khoá biểu cuả ngày mai, không mặn mà với tất cả những kiến thức chuyên ngành và đến lớp bằng vẻ cam chịu nhất có thể.

Và khi không thể chịu đựng nổi, bạn tự giải thoát cho mình bằng cách cúp học liên miên, thay giờ đến lớp bằng thời gian la cà quán xá hay ngủ vùi ở phòng trọ?

Có khi nào từ lẽ đó, điểm số bạn tụt dốc thảm thương, khi số môn nợ nhiều và cao như núi, khi bạn không còn muốn phấn đấu mà chỉ cầu mong vừa đủ năm điểm để qua và chạy hụt hơi cho những môn thi lại?

Rồi một ngày bạn cảm thấy mình bị thu hút vào một ngành học khác, lại có vẻ như lúc này sự yêu thích và đam mê mới tìm đến bạn, và cái ý nghĩ chuyển ngành ngày một nhiều xuất hiện trong đầu làm bạn lúng túng?

Vậy thì đi tiếp, hay dừng lại?

Đi tiếp?

Bạn vẫn đang an ủi mình là đó chỉ là suy nghĩ nhất thời, là thiếu gì người học một đằng ra làm một nẻo và tin tấm bằng không có giá trị với nghề nghiệp sau này, bạn hoàn toàn có thể làm công việc yêu thích của mình sau khi ra trường, vậy thì học làm gì cho tốn sức tốn công?

Bạn an ủi mình là kệ cố gắng, ra trường có tấm bằng này lận lưng rồi tính tiếp. Nhưng thời gian không chờ mình, và nếu như bạn cứ đến lớp với sự chán nản và học hành chểnh mảng thế này thì tấm bằng này cũng chẳng thể bảo đảm, nói gì tới cái phương án kia!

Dừng lại?

Khi bạn đã cân nhắc hoàn toàn kỹ lưỡng, khi bạn tin sự lựa chọn này không còn là sai lầm và chắc chắn là mình có đủ sức để vượt qua mọi khó khăn và chấp nhận cả những thất bại. Khi bạn biết rằng những suy nghĩ này không do bất mãn điểm số hay vì chương trình học quá nặng, không phải là bức xúc nhất thời hay nông nổi.

Không bao giờ trễ để bắt đầu một cuộc sống mới. Bạn phải suy nghĩ kỹ và tự tin quyết định cuộc sống chính mình. Chỉ bạn biết mình muốn gì mà thôi.

Đổi ngành học, nên hay không?

Bạn nghĩ gì về câu hỏi đó, hãy nói ra để được sẻ chia nhé!

Sưu tầm


Một mai khi ta già

"Mẹ chị bây giờ lú lẫn, hay quên quá. Chán lắm!". Đó là lời than thở của các anh chị con bá tôi (bá là chị gái cả của bố tôi). Bá tôi năm nay ngòai 70, người vẫn còn nhanh nhẹn, khỏe mạnh nhưng "bệnh"... nan y khó chữa nhất là tính hay quên và cả hay dỗi.

Sự hay quên của bá thì kể cả ngày cũng không hết. Một câu chuyện bá kể đi kể lại hàng chục lần trong ngày mà lúc nào cũng nghĩ là đang kể lần đầu; có lúc ăn cơm rồi thì bá nghĩ chưa ăn, và ngược lại. Bá cho người hàng xóm mượn cái thang, sau đó không nhớ là đã cho ai mượn đến nỗi phải nhờ loa của làng phát lên là ai mượn thang thì đem trả cho bá...

Bá ra nhà tôi chơi, vì mọi người nhiệt tình gắp thức ăn mời bá khiến bá... dỗi, buông bát xuống và nước mắt ngắn dài.

Sự lẩm cẩm, hay quên của bá khiến nhiều lúc con cháu phải bực mình.

Không phải tôi đang "kể tội" bá tôi đâu. Hay quên, tủi thân vô cớ... đâu phải là lỗi của bá tôi. Người già nói chung đều như vậy. Đó là quy luật tất yếu của tạo hóa.

Không thể trách bá tôi vì tính lẩn thẩn, hay quên mà có trách thì trách những người trẻ đã thiếu đi sự cảm thông, chia sẻ. Những người trẻ đang sung sức vẫn thường tự hào vì trí nhớ minh mẫn như máy tính đã được lập trình nhưng chắc chắn cũng không tránh khỏi những lúc đầu óc "chập điện" quên quên nhớ nhớ, huống chi như người già đã bị tuổi tác, thời gian làm suy giảm trí nhớ.

Không ai có thể trẻ mãi và luôn tự hào về trí nhớ của mình. Rồi sẽ đến lúc những người trẻ hôm nay cũng phải đối mặt với tuổi già, với " căn bệnh" hay quên.

Vậy thì khi hôm nay ta còn trẻ, hãy biết cảm thông, chia sẻ với người già. Một mai khi ta già, ta cũng sẽ vậy thôi!

Sưu tầm


Tết này con không về

Thi xong môn cuối cùng, bạn bè đứa nào cũng háo hức chuẩn bị ba lô về quê. Đi đâu cũng nghe câu chúc "Về quê ăn Tết vui vẻ, năm sau gặp lại". Con cười mà cảm thấy nhói lòng. Tết này con không về đón giao thừa với mẹ...

Chiều qua, cả phòng con rủ nhau đi ăn chè chia tay cuối năm, nhỏ bạn ôm vai con chia sẻ: "Mèo con ở lại cố gắng đừng khóc nhé. Tụi mình sẽ lên sớm vào mùng 4 Tết, sẽ mang quà quê lên cùng ăn Tết muộn với Mèo con". Con bật khóc trước những yêu thương của bạn bè. Mỗi đứa một quê, đứa nào cũng mong được về nhà, nhưng thương con còn ở lại.

Không có con, mẹ nhớ tuốt lá mai để kịp trổ hoa vào sáng mùng 1 Tết. Mâm cơm chiều cuối năm, mẹ đừng nhìn chiếc ghế trống phía con ngồi mà thở dài buồn bã. Hãy vẫn cứ nghĩ rằng có con về cho ngày sum họp, mẹ nha!

Biết con ở lại, bà chủ nhà có khuôn mặt dịu dàng như mẹ bảo con cùng ăn Tết với bà. "Nhà cũng chỉ có hai mẹ con, thêm con nữa là thêm một tiếng cười". Con chợt thấy ấm lòng. Con còn được đón năm mới - dẫu ở quê người - là vẫn còn hạnh phúc, phải không mẹ?

Mẹ ơi!

Năm mới rồi, mẹ nhớ may một chiếc áo mới. Cái áo bà ba màu xám bạc đã cũ sờn rồi. Mẹ đừng quá lo cho con. Tết này người ta hứa sẽ trả lương gấp đôi ngày thường cho con đấy.

Sáng nay ra chợ cùng bà chủ nhà trọ, con chợt thấy sao giống năm trước con cùng mẹ đi chợ Tết. Chỉ khác chợ quê mình không rực rỡ như chợ phố. Con cố níu kéo cảm giác bình yên ấy. Đôi lúc sự thay thế cũng có thể mang đến cho ta cảm giác hạnh phúc, dù không trọn vẹn. Con còn có thể đi chợ Tết để hòa vào không khí ngày cuối năm, là con còn may mắn phải không mẹ?

Những ngày cuối năm, con luôn tự nhủ mình còn hạnh phúc để đừng bao giờ khóc. Con nhớ ngày xưa mẹ bảo rằng chỉ muốn nhìn thấy con cười. Đêm giao thừa, con sẽ hướng về nơi có mẹ mà cầu nguyện. Mẹ cũng hãy nghĩ rằng có Mèo con bên cạnh cùng mẹ nấu bánh chưng và đón đợi thời khắc giao thừa, như những mùa xưa. Thương chúc mẹ một mùa dài hạnh phúc. Nơi này Mèo con nhớ mẹ thật nhiều...

Sưu tầm


Về Nhà

Trong khi đợi bạn tôi ở sân bay, tôi đã chứng kiến những khoảnh khắc đáng quí nhất đời mình. Và chuyện đó xảy ra chỉ cách nhà tôi khoảng nửa mét. Tôi thấy một người đàn ông sách 2 chiếc túi nhỏ. Anh ta dừng lại ngay cạnh tôi, nói người nhà anh đang chờ. Đầu tiên anh ta cúi xuống đứa con trai nhỏ nhất chỉ khoảng 5 hay 6 tuổi, hôn nó thật thắm thiết. Hai cha con ôm chặt lấy nhau trông thật tình cảm. Rồi người ta lùi lại một bước, nhìn vào mắt cậu bé và nói: "Gặp lại con thật vui quá, bố nhớ con lắm!". Cậu bé bẽn lẽn cười, cúi xuống và nói:

"Con cũng thế ạ!". Người đàn ông đứng thẳng dậy nhìn câu bé lớn hơn và nói: "Con đã thực sự trưởng thành rồi đấy chàng trai trẻ, cha yêu con lắm!". Rồi anh ôm cậu bé thật lâu, còn khẽ cà râu vào má nó nữa. Một bé gái, nhắm chỉ khoảng 1 tuổi nắm tay mẹ đứng gần đó, cứ nhìn theo cha vẻ rất hào hứng. Người đàn ông bế cô bé lên và nói: "Chào bé yêu của bố!", rồi áp chặt cô bé vào ngực mình rất lâu. Rồi người đàn ông nói tiếp: "Bao giờ cũng phải để dành người quan trọng nhất cho người cuối cùng!", nói xong anh choàng tay ôm hôn vợ mình thật chặt. Họ cầm tay nhau cười thật hạnh phúc. Lúc đầu tôi ngỡ rằng đây là cặp vợ chồng mới cưới, nhưng không thể bởi cậu con trai lớn đã hơn 10 tuổi rồi. Đột nhiên tôi như bị "say" trước tình yêu của một gia đình, và tôi thấy giọng mình cất lên không hề chủ ý:

- Xin chào, anh chị cưới nhau bao lâu rồi?

- Chúng tôi quen nhau 14 năm và đã cưới nhau 12 năm nay - Người đàn ông trả lời, vẫn nắm chặt tay vợ.

- Vậy anh xa nhà bao lâu rồi?- Tôi hỏi tiếp.

Anh ta cười, lắc đẩu vẻ hối lỗi: - Đã 2 ngày chẵn rồi đấy.

Hai ngày? Tôi thật sửng sốt! Nhìn họ mừng rỡ thế nào khi gặp nhau, tôi đã nghĩ họ phải xa nhau nhiều tuần liền, nếu không nói là nhiều tháng hay nhiều năm. Tuy nhiên để tỏ sự trân trọng, tôi kết thúc câu chuyện:

- Hy vọng mai kia sau khi kết hôn, tôi cũng được như anh chị!

Người đàn ông nhìn vào mặt tôi với tia nhìn quả quyết nhất:

- Đừng hi vọng. Hãy tự mình quyết định!

Rồi anh mỉm cười: Chúc may mắn!

Sau đó gia đình anh cùng hướng ra cửa sân bay. Tôi nhìn theo đến khi họ đi khuất, đúng lúc đó bạn tôi hỏi:

"Cậu đang nhìn gì thế?". Tôi cười: "Tương lai!".

Sưu tầm