Truyện Minh Hoạ - Giáo Dục

Tính lầm

Một hôm, bác Voi đi qua, chẳng may đụng nhẹ vào làm đổ mái nhà anh Sói.

- Xin lỗi anh bạn! - Bác Voi nói với Sói - Tôi sẽ sửa ngay cho anh.

Bác Voi vốn là người giỏi giang, cái gì cũng biết và không sợ công việc. Bác liền lấy búa, đinh, sửa ngay mái nhà cho Sói. Mái nhà trở nên chắc chắn hơn trước...

"Ô hô ! - Anh Sói bụng bảo dạ - Rõ ràng là lão ta sợ mình! Thoạt đầu đã phải xin lỗi, sau đó còn sửa lại cả mái nhà. Mình phải bắt lão ta làm cho mình một cái nhà mới mới được! Lão sợ, ắt phải nghe theo!"

- Này, đứng lại! - Sói quát bảo Voi - Mày làm cái thói gì thế? Mày tưởng có thể bỏ đi một cách dễ dàng thế chắc? Làm đổ nhà người ta, đóng qua loa được mấy cái đinh rồi định chuồn à? Biết điều thì đi mà làm cho ta một cái nhà mới! Đồ súc sinh! Bằng không ta sẽ cho một bài học, đừng hòng mong thấy lại bà con thân thích! Nhanh lên!

Nghe Sói nói những lời ấy, bác Voi không nói gì cả. Bác lẳng lặng quắp ngang bụng Sói ném xuống hố nước bẩn. Rồi đè bẹp dí nhà Sói.

- Này, nhà mới này! - Bác Voi nói rồi đi thẳng.

Tỉnh dậy, Sói ngạc nhiên tự hỏi:

"Mình thật không hiểu gì cả! Lúc đầu lão có vẻ sợ mình đã xin lỗi tử tế, thế mà sau đó lại hành động thế này... Thật không sao hiểu nổi!"

- Chú mày ngu lắm! - Nhìn thấy hết mọi chuyện, bác Quạ già nói - Chú mày đã không hiểu sự khác nhau giữa người hèn nhát và người được giáo dục tốt!

Sưu tầm


Cuộc kiểm nghiệm

Có một anh Vẹt sau khi học được vài ba tiếng Người thì lấy làm hãnh diện và tự phụ lắm. Anh ta tuyên bố:

- Ta biết nói tiếng Người. Từ nay các người sẽ không bao giờ nghe ta nói một lời nào bằng tiếng chim nữa !

- Ồ, ồ ! - Mấy chị chim Chìa Vôi thốt lên – Thông minh làm sao ! Anh ta chỉ nói bằng tiếng Người ! Anh ta khinh rẻ tiếng chim !

- Anh ta biết nói tiếng Người ư? – Bác Quạ già hỏi – Thì đã sao ! Thế càng tốt ! Nhưng như thế không có nghĩa là anh ta thông minh hơn tất cả những kẻ khác. Tôi cũng biết nói tiếng Người nhưng chưa bao giờ tôi cho mình là một nhà thông thái.

- Thế thì bác nói đi, nói với anh ta bằng tiếng Người đi ! Mấy chị chim Chìa Vôi năn nỉ - Chúng em cam đoan là anh ta chẳng bao giờ nói với bác bằng tiếng chim đâu. Đấy, rồi bác sẽ thấy !

- Nào, để tôi thử xem ! – Bác Quạ nói rồi nhảy sang cành cây, nơi anh Vẹt đang ngồi với vẻ quan trọng.

- Chào anh Vẹt ! – Bác Quạ cất tiếng chào và tự giới thiệu bằng tiếng Người rất rành rẽ - Tôi là Quạ !

- Vẹt là thằng ngu ! Vẹt là thằng ngu ! – Anh Vẹt cũng đáp lại bằng tiếng Người rất trịnh trọng - Vẹt là thằng ngu !

- Bác nghe thấy chưa ? - Mấy chị Chìa Vôi thán phục reo lên – Anh ta đã làm cho bác tin rồi chứ ? Anh ta nói toàn bằng tiếng Người, bác tin rồi chứ ?

- Vâng, tôi tin ! Và tôi công nhận là anh ta nói rất đúng !

Sưu tầm


Nghệ thuật tiếp nhận những kiến thức mới

Có một giáo sư, lúc còn trẻ rất chăm chú đi sâu nghiên cứu học thuật. Nhưng về sau vẫn cảm thấy mình đang đi theo đường mòn lối cũ, bao năm chẳng làm nên được Ngược lại, mấy học trò vừa rời ghế nhà trường đã thành đạt trên con đường sự nghiệp với nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế. Ông cảm thấy cuộc đời khoa học của mình như sắp lụi tàn. Ông rất đau buồn, nhưng không tìm ra được nguyên nhân vì sao. Và ông bắt đầu nghi ngờ cả chính mình. Một lần, ông đem điều này hỏi một vị thiền sư, song vị thiền sư chẳng nói gì mà lặng lẽ lấy cái cốc đặt trước mặt ông giáo sư, rồi rót nước vào. Cốc đầy nước, mà vị thiền sư vẫn cứ rót mãi. Ông giáo sư mới nhắc nhở: Cốc đầy nước rồi kìa, vị thiền sư vẫn không ngừng tay và nói với ông giáo sư:

- Chả lẽ ông không nghĩ ra được điều gì sao? Thật ra mọi sự buồn phiền của ông là ở chỗ cái cốc của ông đã quá đầy.

Bấy giờ ông giáo sư mới bừng tỉnh.

Đó là câu chuyện ngụ ngôn dân gian hiện đại của Nhật Bản. Kỳ thực hiện tượng lão hoá ở người không phải bắt đầu từ thể xác, mà bắt đầu từ tinh thần, tâm linh đã chai cứng. Khi một người đã không tiếp thu được sự vật mới nữa, có nghĩa là ở họ đã bắt đầu lão hóa. Không phải vì họ không có nhu cầu, mà là do chiếc cốc ở trên tay họ đã chứa đầy nước. Dù có đưa bất kỳ một cái gì mới lạ vào, liền bị cái vốn có ở trong làm làm tan biến đi, hoặc bị tràn đẩy ra ngoài.

Thường nhiều khi ta vô tình đổ các thứ vào chiếc cốc của mình. Lâu dần, chiếc cốc không còn chỗ để dung nạp những cái mới nữa. Đầy thì tràn đó là cái lý đương nhiên. Đối với cuộc đời, sao ta không thường xuyên rửa sạch "cái cốc" của mình, tạo ra một không gian sạch, trước khi sẵn sàng tiếp thu cái mới. Có như vậy, "cái cốc" của mình mới ngày càng thêm phong phú và tốt đẹp.

Sưu tầm


Đích đến

Đó là một buổi sáng sương mù phủ kín, ngày 4-7-1952 khi Florence Chadwick bước xuống nước bơi vượt eo biển từ đảo Catalina đến bờ biển California. Bơi đường trường không phải là một điều mới lạ đối với Florence, bởi cô từng vượt biển Manche (giữa nước Anh và Pháp) ở cả hai chiều.

Buổi sáng hôm đó nước lạnh cóng, còn sương mù thì dày đến nỗi cô khó có thể nhìn thấy chiếc thuyền trong đoàn. Sau khi đã bơi hơn 15 tiếng đồng hồ, cô yêu cầu mọi người kéo cô lên thuyền. Huấn luyện viên của Florence ráng hết sức để động viên cô bởi họ đã rất gần bờ, nhưng cô chỉ nhìn thấy sương mù và sương mù. Vì thế cô bỏ cuộc... khi cách đích không tới nửa dặm.

Sau đó cô tâm sự: "Không phải tôi biện hộ cho mình, nhưng nếu tôi nhìn thấy bờ, tôi đã có thể bơi đến đích". Không phải cái lạnh hay sự sợ hãi, hay sự kiệt sức đã khiến cho Florence Chadwick thất bại, mà chính là sương mù.

Hai tháng sau cũng chính tại eo biển đó, cũng là khoảng cách đó, Florence Chadwick đã lập một kỷ lục mới, bởi vì giờ đây cô có thể nhìn thấy đất liền.

Nhiều lúc chúng ta cũng thất bại, không phải vì chúng ta sợ hay bởi áp lực của những người xung quanh hay tại bất cứ điều gì, mà chỉ vì chúng ta không nhìn thấy đích của mình.

Sưu tầm


Quan sát và lắng nghe

Một người thì thầm: "Cuộc sống ơi, sao không nói gì với tôi?". Và một chú sáo cất tiếng hót. Đó chẳng phải là tiếng nói của cuộc sống sao? Nhưng anh ta không nghe thấy.

Một người thì thầm: "Cuộc sống ơi, hãy nói gì với tôi đi chứ!". Và một tiếng sấm nổ vang trời. Đó chẳng phải là tiếng nói của cuộc sống sao? Nhưng anh ta không nghe thấy.

Một người nhìn quanh và nói: "Cuộc sống ơi, sao tôi không bao giờ nhìn thấy cuộc sống?". Và một vì sao sáng hơn. Đó chẳng phải là ánh sáng của cuộc sống hay sao? Nhưng anh ta không để ý thấy.

Một người kêu lên: "Cuộc sống ơi, tôi muốn có một điều kì diệu!". Và một đứa trẻ được sinh ra đời. Đó chẳng phải là một điều kì diệu sao? Nhưng anh ta không hay biết.

Một người kêu lên trong thất vọng: "Cuộc sống, hãy chạm vào tôi. Hãy cho tôi biết là người vẫn ở đâu đây và có thể bảo vệ tôi". Một giọt nước trên lá cây rơi xuống vai anh ta. Đó chẳng phải là cuộc sống đã nhẹ nhàng chạm vào anh ta đó sao? Nhưng anh ta lau giọt nước và bỏ đi.

Hạnh phúc không được đóng gói gửi cho mọi người. Nó đến từ cuộc sống, từ thiên nhiên, từ những gì tưởng như vô tình. Hạnh phúc đến, nhưng nó thường không đến theo cách mà bạn muốn.

Sưu tầm


Làm gương

Nauy, một chiều đông, tuyết rơi nặng hạt. Một người đàn ông say rượu đang lảo đảo bước đi trên tuyết. Cậu con trai 14 tuổi của ông sau khi ngồi chờ cha mình ngoài quán rượu cũng lẽo đẽo theo cha về nhà. Cậu đặt bàn chân nhỏ bé của mình lên những dấu chân hằn sâu trên tuyết mà cha cậu để lại. Những bước chân ngả nghiêng chao đảo. Bất chợt người đàn ông quay lại, nhìn thấy con mình bước thấp bước cao, dáng vẻ như người say rượu, ông gắt gỏng hỏi nó với giọng lè nhè :

- Mày đi kiểu gì vậy ?

Cậu bé trả lời:

- Dạ con đi theo bước chân của cha!

Sự gương mẫu đối với trẻ em là yếu tố quan trọng nhất trong giáo dục. Chúng ta có thể huyên thuyên giảng giải trong hàng giờ đồng hồ song chúng chẳng nhớ bao nhiêu, thế nhưng những gì chúng nhìn thấy sẽ để lại những ấn tượng rất sâu đậm. Rồi đến một ngày, chúng ta nhìn thấy con em chúng ta nói những lời giống hệt như ta, giận dữ hệt ta, hống hách hệt ta, lười biếng hệt ta … Và chúng sẽ trả lời với ta rằng :”Con đang bước theo bước chân của ba mẹ!”.

Sưu tầm


Thanh âm diệu kỳ

Ðó là câu chuyện của Jimmy Durante, một diễn viên hài được mời tham gia một buổi trình diễn phục vụ những cựu chiến binh trong thế chiến thứ hai. Ông báo với ban tổ chức rằng lịch diễn của mình rất khít nên chỉ có thể tham gia diễn trong vài phút. Nhưng nếu họ cho phép, ông sẽ độc diễn một đoạn rồi đi ngay. Dĩ nhiên là ban tổ chức đồng ý.

Nhưng khi Jimmy lên sân khấu, điều thú vị đã xảy ra. Ðộc diễn xong ông vẫn đứng lại, tiếng hoan hô càng lúc càng lớn hơn và ông cứ đứng đấy trên sân khấu. 15, 20 phút rồi cả nửa tiếng. Cuối cùng ông cũng cúi đầu chào lần cuối và rời sân khấu.

Tại hậu trường, một người hỏi ông :

- Tôi ngỡ là ông sẽ đi sau vài phút, chuyện gì thế ?

Jimmy trả lời :

- Ðúng là tôi phải đi nhưng tôi sẽ chỉ cho anh thấy tại sao tôi lại ở lại. Hãy nhìn vào hàng ghế trước.

Ðó là 2 người đàn ông đều bị cụt mất một cánh tay. Một người mất cánh tay mặt, người còn lại mất cánh tay trái. Cùng với nhau, họ mới có thể vỗ tay được và họ làm điều đó một cách hết sức nhiệt tình.

Sưu tầm


Cà phê và tách

Một nhóm bạn học nay thành đạt rủ nhau về thăm thầy cũ. Sau một hồi trò chuyện, họ bắt đầu kể lể, than phiền về những sức ép trong công việc cũng như trong cuộc sống. Nghe vậy, người thầy vào bếp lấy cà phê mời học trò cũ của mình.

Ông đem ra rất nhiều những chiếc tách khác loại: chiếc bằng sứ, chiếc bằng nhựa, chiếc thủy tinh, chiếc thì bằng pha lê, một vài chiếc trông rất đơn sơ, vài chiếc đắt tiền, vài chiếc khác lại được chế tác cực kỳ tinh xảo. Người thầy bảo những “người thành đạt” tự chọn tách và rót cà phê cho mình.

Sau khi mỗi người đều đã có một tách cà phê, người thầy đáng kính mới bắt đầu từ tốn:
- Nếu các em chú ý thì sẽ nhận ra điều này: ai cũng chọn những chiếc tách đắt tiền, chẳng ai thèm màng đến những chiếc tách nhựa giá rẻ cả. Có lẽ các em sẽ cảm thấy điều này thật bình thường vì ai chẳng muốn chọn cho mình cái tốt nhất, nhưng điều ấy lại chính là nguồn cơn của mọi vấn đề rắc rối trong cuộc sống của các em.
Các em à, những chiếc tách kia đâu có làm ảnh hưởng đến chất lượng của cà phê. Tất cả những gì các em cần là cà phê chứ không phải là tách. Thế mà thường thì các em chỉ chăm chăm lo kiếm những chiếc tách tốt nhất, rồi sau đó còn liếc mắt qua người bên cạnh để xem tách của họ có đẹp hơn tách của mình không.

Món quà mà Thượng đế ban tặng cho con người là cà phê chứ không phải tách. Vậy thì cứ thoải mái nhâm nhi cà phê của mình và tận hưởng cuộc sống tươi đẹp.

Hoathuytinh.com


Đôi tay cô...

"Một người thầy. Nắm lấy bàn tay và mở mang một khối óc. Làm rung cảm một trái tim. Và định hình nên cả một tương lai."

Buổi học đầu tiên tại trường mẫu giáo, con đã khóc hết nước mắt vì lần đầu tiên trong đời phải xa mẹ. Ngay lúc ấy chính đôi bàn tay cô dã lau dòng nước mắt đầm đìa trên mạt con, đã vuốt lại mái tóc lòa xòa trên trán con. Cô đã làm cho con cảm thấy vững tâm và thấy rằng cuộc sống xa mẹ không phải là một điều quá tệ.

Đôi bàn tay ấy dịu dàng ôm lấy con để chào mừng con bước vào lớp một. Rất kiên nhẫn và cũng tràn đấy yêu thương, cô dạy con biết có những việc quan trọng phải làm, rằng con phải hoàn thành bài tập viết cô cho, rằng con phải biết giữ gìn quần áo sạch sẽ để mẹ khỏi phải nhọc công giặt ủi. Cô dạy con về kỷ luật, tính công bằng và sự kiên nhẫn, nhưng con vẫn được thỏa thuê sáng tạo và phát minh mọi thứ mà một đứa trẻ sáu tuổi có thể nghĩ ra.

Đôi bàn tay cô đã chỉ cho con biết cách gói một món quà để tặng cha nhân Ngày của Cha, và cả những bông hoa cẩm chướng bằng giấy dùng riêng cho Mẹ vào ngày Quốc tế phụ nữ. Con vẫn còn nhớ nụ cười thật tươi của cha và những giọt nước mắt lấp lánh trong mắt mẹ khi nhận được những món quà ấy. Cho đến tận bây giờ, cha mẹ con vẫn còn giữ đồng hai xu được gói cẩn thận và những bông hoa than nhã ấy.
Chính đôi bàn tay cô đã chỉ cho con những hiểu biết đầu tiên về môn địa lý năm lớp ba bằng cách lần theo trên bản đồ những vùng đất mà cô đã đi qua. Những câu chuyện lý thú về các chuyến du lịch và khám phá của chính cô đã khơi dậy trong lòng con khát vọng được đi khắp nơi trên thế giới, được ngắm nhìn những thắng cảnh xinh đẹp và gặp gỡ nhiều người. Cô đã làm thế giới của con trở nên rộng lớn hơn.
Lên lớp bốn, đôi bàn tay cô đã làm cho những con số trở nên thật thần kỳ. Cô dã chia sẻ cho con niềm đam mê số học và cho con thấy rằng toán học được sử dụng rộng rãi trong tất cả mọi lĩnh vực của cuộc sống . Cô đã thách thức trí tuệ của con và tập cho con thói quen tư duy logic.

Lớp năm, đôi tay cô dã cho con biết rằng khoa học kỹ thuật chính là một con tàu cao tốc và con cần phải tham gia chuyến tàu ấy. Chính cô đặt con ngồi trước máy vi tính lần đầu tiên trong đời để khám phá ra đó là một công cụ thân thiện và hữu dụng với con người dường nào. Cũng từ ấy, con biết được những chân trời khoa học mới. Cô gieo vào trong con lòng tự tin và khao khát nắm bắt tri thức để bước vào một tương lai tươi sáng.

Vâng, trong suốt quãng đời thơ trẻ của con, đôi tay cô đã âu yếm vỗ về trong những lúc con buồn tủi, đã lau khô những giọt nước mắt trên khuôn mặt con khi con thấy dường như cả thế giói đang chống lại mình. Đôi tay ấy đã hân hoan vỗ vai con khi con được giải thưởng " Học sinh gương mẫu của tháng". Cũng chính đôi tay ấy đã ghi những lời phê bình và sổ học bạ khi kết quả học tập của con sut kém; đã đưa lên vẫy chào để con yên lòng trong buổi diễn kịch mừng giáng sinh ở trường; đã băng bó vết thương trên đầu gối con sau khi con tranh chấp quyết liệt một pha bóng trong giải đấu thể thao nhà trường;dãddeo cho con giải ruy băng "Chúc mừng sinh nhật" trong ngày vui đặc biệt của con; và cũng bàn tay ấy đã đưa lên miệng để ra hiệu nhắc con rằng thư viện là nơi cần được tôn trọng sự yên tĩnh.

Và giờ đây, đôi tay cô đang nắm lấy tay con, cầu chúc cho con may mắn và hướng cho con bước đi tiếp theo trên con đường học tập. Cảm ơn cô. Cảm ơn cô vì sự chăm sóc bao năm qua, vì đã đúc nặn nên tuơng lai con. Cảm ơn cô và cảm ơn đôi bàn tay đã và sẽ theo con suốt cuộc đời.

Hoathuytinh.com