Truyện Minh Hoạ - Giáo Dục

Người giầu và người nghèo

Một câu chuyện kể rằng có một người nghèo, rất nghèo và một người giàu nhìn thấy anh ta đáng thương đã sinh lòng từ tâm muốn giúp anh ta làm giàu.

Anh nhà giàu đưa tới cho anh nhà nghèo một con bò dặn phải khai hoang chờ tới vụ mùa xuân sẽ gieo hạt, mùa thu sẽ hết nghèo. Chàng nghèo lòng tràn đầy hy vọng bắt đầu phấn đấu. Nhưng chỉ được vài ngày, bò cần ăn cỏ, người cần ăn cơm, cuộc sống ngày càng khó khăn. Chàng nghèo nghĩ, nếu bán con bò sẽ mua được vài con dê, giết một con dê để ăn, những con còn lại sẽ sinh con đẻ cái, chờ chúng lớn sẽ mang bán sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.

Anh chàng thực hiện kế hoạch của mình thật, sau khi ăn hết một con dê, vẫn chẳng có con dê con nào được sinh ra cả, cuộc sống lại càng khó khăn chịu không nổi, anh ta lại giết tiếp một con dê nữa. Anh ta nghĩ, cứ thế này mãi sẽ không ổn, chẳng thà bán dê mua gà, gà đẻ trứng nhanh hơn, bán kiếm tiền nhanh hơn, chắc cuộc sống sẽ khá hơn.

Anh ta làm đúng như vậy, nhưng cuộc sống hàng ngày vẫn không thay đổi được, càng ngày càng khó hơn, cuối cùng, khi chỉ còn một con gà cuối cùng, lý tưởng của người nghèo hoàn toàn tan vỡ. Anh ta nghĩ, không còn hy vọng làm giàu nữa, chẳng thà bán quách con gà đi mua một bình rượu, ba chén vào bụng là quên hết sầu đau.

Mùa xuân đã đến, anh nhà giàu phấn khởi mang hạt giống đi gieo, anh ta phát hiện anh nhà nghèo đang ngồi uống rượu, bò chẳng còn nữa, trong nhà cũng sạch trơn chẳng còn thứ gì bèn quay lưng bỏ đi.

Người nghèo đương nhiên vẫn nghèo mãi!

Rất nhiều người nghèo đã từng có ước mơ, thậm chí còn có cơ hội và đã có hành động, nhưng kiên trì được đến cùng là điều rất khó.

sưu tầm


Người thợ bạc

Xưa có một người thợ bạc sau nhiều năm học việc thành tài, khăn gói quay về cố hương dự định mở một tiệm nhỏ mưu sinh.

Lộ trình về quê xa thẳm, dọc đường anh hành nghề lai rai để kiếm sống qua ngày. Anh gặp gì làm đó, việc khá nhọc nhằn mà thu nhập rất thấp, song cũng kiếm đủ ba bữa qua ngày.

Một hôm, anh đang hành nghề tai một làng quê nọ, thì có một vị quan tìm tới, tay cầm cái mũ vua, bảo:

- Hoàng thượng cưỡi ngựa đi săn gần đây, sơ ý làm rơi mũ, ngọc trên mũ bị tróc, ngươi có thể chỉnh lại chăng?

Anh thợ đáp:

- Thuở giờ tôi chưa từng thấy qua mũ vua, chưa từng làm việc này, nhưng chắc là không khó, để tôi thử xem sao?

Thế là anh thợ đón lấy cái mũ từ tay vị quan, chưa đầy mươi phút đã sửa xong, không những đã khéo mà còn đẹp như mới. Vị quan mừng lắm, thưởng vàng bạc cho anh thật hậu rồi cáo từ ra về.

Anh thợ được món tiền lớn, ngẩn ngơ nhìn theo quan một lúc lâu rồi mới sực tỉnh tiếp tục lên đường. Anh lại làm tiếp những việc tạp, tất nhiên, tiền lương thu được chẳng bằng một

góc số tiền anh sửa mũ vua. Nhẩm tính xong anh tự nhủ: Về đến quê, ta mở tiệm chỉ sửa mũ vua thôi, chẳng cần làm gì khác.

Lòng hân hoan, anh vừa đi vừa huýt sáo, khi đi ngang qua khu rừng, anh bỗng nghe có tiếng rên rỉ thật to, nhìn quanh quất thì phát hiện có con cọp già đang ngồi bưng miệng nhăn nhó coi bộ đau đớn lắm.

Vừa thấy cọp, anh sợ đến hồn vía lên mây, chực co giò bỏ chạy.

Nhưng con cọp kêu anh lại, hiền lành bảo:

- Này bạn, xin hãy cứu tôi! Răng tôi bị sâu ăn thủng một lỗ đau quá trời, anh làm ơn trám hay nhổ cho tôi có được không? Nếu như anh chịu giúp, tôi rất mang ơn và nguyện báo đáp trọng hậu.

Anh thợ nói:

- Tôi sợ giúp xong, ông quay lại xơi tái tôi thì nguy to!

Cọp lắc đầu nguầy nguậy:

- Không! Không có chuyện đó đâu, tôi xin hứa danh dự với anh đấy! Không những tôi chẳng hại mà còn tặng anh nhiều châu báu nữa! Anh thợ nghe nói bùi tai, dốc sức nhổ răng cho cọp.

Con cọp giữ đúng lời hứa, tặng cho anh thợ nhiều thức ăn và châu báu thu thập được bao năm.

Anh thợ từ giã cọp lên đường, lòng vui khôn xiết, nghĩ thầm: Có ai dè nhổ răng cho cọp dễ dàng và lãi to đến vậy? Nhất định về quê ta chỉ cần l àm hai việc này là đủ phát tài.
Về đến quê, anh thợ đem tiền vị quan và con cọp cho, tậu được cái tiệm nhỏ, cho đề bảng thiệt to: “Chuyên sửa mũ vua, nhổ răng cọp”.

Hàng ngày anh thợ ngồi trước cửa tiệm đợi quan và cọp đến, thế nhưng đợi cả năm, cũng không thấy bóng dáng một vị khách nào. Cuối cùng, anh đành phải đóng cửa tiệm, giải nghệ.

Sưu tầm


Số phận và bản lĩnh

Trong một trận đánh quan trọng chống lại đội quân hùng mạnh của kẻ thù với số lượng đông gấp bội, vị tướng cầm quân cảm nhận được sự lo lắng và cả sự sợ hãi ẩn chứa trên gương mặt và ánh mắt những người lính của mình.

Đêm đó, họ dừng chân cắm trại trong một ngôi đền trong vùng. Sau bữa ăn, ông đề nghị những thuộc hạ và binh lính của mình cùng cầu nguyện trước đền. Sau đó ông lấy ra một đồng xu và nói:

- Ta đã cầu xin thần linh báo ứng trước cho kết quả của trận đánh quan trọng này. Bây giờ ta sẽ tung đồng tiền này lên, nếu là mặt sấp, chúng ta sẽ chiến thắng. Còn nếu là mặt ngửa, chúng ta sẽ thua.

Vị tướng quân tung đồng tiền lên cao. Mọi người đều căng thẳng chăm chú chờ đồng tiền rơi xuống. Mặt sấp! Tất cả binh lính vô cùng phấn khởi trong lòng và vững tin đến mức họ bước vào trận chiến đấu bằng tất cả sự dũng mãnh và niềm tin có được. Và họ đã chiến thắng oanh liệt.

Trong buổi liên hoan mừng thắng trận, các binh lính reo hò và nói với vị tướng:

- Chúng ta đã làm nên một kỳ tích! Đúng là không ai có thể làm thay đổi số phận được.

- Đúng vậy! Không ai có thể! Trừ chúng ta.

Viên tướng đồng tình và sau đó im lặng lấy đồng xu đưa cho mọi người cùng xem.

Cả hai mặt đồng tiền đều là sấp!

Suu tầm


Hoa Violet

Trong khu vườn nọ, có một bông hoa Violet xinh xắn, luôn tỏa ngát hương thơm. Nàng sống hạnh phúc cùng với những người bạn láng giềng.

Một ngày nọ, ngắm nhìn chị Hoa Hồng kiêu sa với sắc đẹp rực rỡ làm sáng cả khu vườn, nàng Violet chợt thấy mình thật nhỏ bé. Nàng than thở : " So với chị Hoa Hồng may mắn kia, mình chẳng là gì cả. Giá như mình đuợc làm Hoa Hồng một lần trong đời nhỉ, một lần thôi để không phải nằm sát mặt đất thế này, mình cũng mãn nguyện lắm rồi".
Có một bà tiên tình cờ biết được sự tình bèn hỏi bông hoa bé nhỏ :

- Chuyện gì xãy ra với con vậy ?

Nàng Violet cất giọng tha thiết :

- Con biết Bà luôn nhân từ và đầy lòng yêu thương. Con cầu xin Bà hãy biến con thành Hoa Hồng !

Bà tiên chăm chú nhìn bông hoa :

- Con có biết mình đang đòi hỏi điều gì không ? Một ngày nào đó con sẽ hối hận đấy.
Nhưng Violet vẫn một mực nài nĩ. Động lòng trước khát khao của nàng, cuối cùng bà tiên đồng ý. Bà chạm ngón tay thần kỳ của mình vào thân Violet, và ngay lập tức Violet biến thành một cây hoa hồng xinh tươi, kiêu hãnh vươn cao với những bông hoa đỏ rực trên cành.

Một hôm, Giông Bão đi qua khu vườn, giật gãy các nhánh cây,làm bật gốc cả những cây cao to. Cả khu vườn bị vùi dập tơi tả trong gió bão, trừ những lòai hoa nhỏ bé nằm sát mặt đất như Violet.

Bão tan. Bầu trời lại trong xanh. Các nàng Violet vẫy cành hoa tím, vui đùa bên nhau. Một nàng nhìn Hoa Hồng - là Violet ngày nào - thương xót :

- Các bạn nhìn kìa, cô ấy đang phải trả giá cho mong muốn nhất thời của mình đấy !
Nàng Hoa Hồng nằm quật dưới đất, thân hình gãy nát, hoa lá tả tơi, cố gắng dùng chút hơi thở cuối cùng thều thào:

-Tôi chưa bao giờ biết sợ Giông Bão. Khi còn là một cành Violet bé nhỏ, đã có những lúc tôi cảm thấy thoãi mái và hài lòng với mình. Nhưng khi cứ mãi như vậy tôi chợt thấy mình nhỏ bé, nhàm chán và nhạt nhẽo. Tôi không muốn sống một cuộc đời mà quanh năm chỉ biết bám mình vào đất với vẻ sợ sệt, yếu đuối, và khi mùa đông đến sẽ vùi lấp dưới lớp tuyết trắng xóa.

Hôm nay, tuy sắp phải từ giã các bạn nhưng tôi rất vui sướng và mãn nguyện vì đã biết thế nào là thế giới muôn màu trên cao. Tôi đã sống như một Hoa Hồng đích thực, đãn ngẫng cao nhìn ánh Mặt Trời, nghe đuợc lời thì thầm của chị gió và vui đùa với các chị Sương Mai. Tôi có thể chạm vào nếp áo của Thần Ánh Sáng bằng cánh hồng thơm ngát. Tôi sẽ chết nhưng tôi đã được đi đến tận cùng của khát vọng sống. Tôi đã thực hiện đuợc ứơc mơ của mình. Đó là điều ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi.

Nói xong, nàng từ từ khép những cánh hồng héo úa lại và trút hơi thở cuối cùng với nụ cười mãn nguyện trên môi.

Sưu tầm


Chuyện buồn một ngày đẹp trời

Hầu như chiều nào đẹp trời anh tôi cũng đi dạo một vòng, khi xuống bờ sông Hương, khi lên Nam Giao và thường mang về một câu chuyện vui làm quà: “Chà! Phải nói sông Hương đẹp thật!”. “Một đĩa bánh cuốn, có lát chả nữa mà chỉ hai ngàn! Rẻ quá...”. Vậy nhưng chiều nay anh đi dạo về, lẳng lặng vào phòng, đến lúc ngồi bên mâm cơm mới thở dài và nói nhỏ:

- Mình buồn quá! Buồn đến thúi ruột…

Rồi anh kể, mặt nhăn lại đầy vẻ đau khổ:

- Mình đi, suýt vấp phải một hòn đá to giữa đường. Không biết chiếc xe nào vô ý đánh rơi hay là một “anh tài” dùng chèn bánh xe, khi xong việc “vô tư” để lại. Mình cúi bê hòn đá ném sang bên lề, chưa kịp phủi tay thì nghe tiếng bước chân mấy đứa trẻ chạy vượt lên...

Anh dừng lời, cổ như bị nghẹn. Anh không có ý “khoe” cử chỉ của mình đã đành (nhiều người cũng đã xử sự như vậy; đó là chưa kể đến công việc thầm lặng của một người dân bên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ngày ngày đạp xe với chiếc gậy gắn nam châm để lượm đinh do bọn “đinh tặc” rải mà VTV đã nêu gương); hình như anh cũng không quá giận “anh tài” đã “vô tư” để lại hòn đá ấy - trong cảnh sống bon chen, chụp giật đang diễn ra hằng ngày, loại hành vi chỉ biết lo công việc của mình mà chẳng quan tâm đến ai như “anh tài” nọ không hiếm.

Anh nghẹn giọng vì sự việc diễn ra tiếp theo nhìn qua như một trò đùa con trẻ, nhưng ngẫm ra thì nó kỳ quái, ngạo ngược; càng ngẫm nghĩ càng thấy buồn đau. Giọng anh nhỏ hẳn, chắc là không muốn để âm thanh vang to khuấy động thêm nỗi “đau thúi ruột”:


- Ba đứa nhỏ chạy vượt lên, một đứa cúi đặt một hòn đá khác giữa đường rồi cả bọn quay nhìn mình, cười… Làm sao diễn tả được kiểu cười và ánh mắt lũ trẻ? Chế nhạo, khiêu khích… cả phởn chí nữa! Mình buồn quá!...

Là người cầm bút, điều kiêng kỵ trước hết là tránh trùng lắp, vậy mà tôi cứ phải lặp lại mấy lần từ “buồn đau”. Ôi chao! Không buồn đau sao được khi một cử chỉ phải lẽ - cũng có thể gọi là hành động tốt đẹp, nêu gương - lại là đối tượng của sự chế nhạo khinh khi, lại của chính lứa tuổi đang ngày ngày được dạy dỗ trong nhà trường. Biết trách ai bây giờ? Vì gia đình thiếu giáo dục, hay vì những bài học đạo đức trong nhà trường khô cứng, vì xã hội ô nhiễm…?

Những câu hỏi có thể khoét sâu thêm nỗi đau nhưng biết làm sao được!

Sưu tầm


Chuyện giáo dục

TTCN - Chúng ta sẽ tuân giữ một số qui tắc học đường để lớp học có tổ chức hơn, hiệu quả hơn, mọi học sinh đều chăm chỉ học tập. Để thực hiện việc này, chúng ta sẽ có hai qui định về nói và di chuyển trong lớp.

A. Học sinh không được rời khỏi chỗ nếu không được phép. Ngoại trừ trường hợp sau: nếu bị bệnh, em hãy lập tức rời khỏi lớp.

B. Học sinh không được nói chuyện, ngoại trừ:

1. Giơ tay xin phát biểu và thầy cho phép.

2. Thầy hỏi và trò trả lời thầy.

3. Giờ giải lao hay ăn trưa.

4. Thầy trao đổi riêng với trò (chẳng hạn như khi làm việc theo nhóm).

Thầy hiểu những qui định trên có thể khá nghiêm khắc, nhưng khi ta làm việc với một nhóm trẻ còn chưa có một nền nếp nào hay chưa có một thái độ tranh luận và một không khí học tập nghiêm túc, thì cần thiết phải bắt đầu càng nghiêm khắc càng tốt và rồi sau đó sẽ nới lỏng dần trong năm học.

Khi bắt đầu năm học, thầy thậm chí còn không cho phép học sinh tự ý đứng dậy gọt bút chì mà không xin phép. Học sinh không được đứng dậy và đi bất cứ đâu trong lớp vì bất cứ lý do gì nếu không giơ tay xin phép. Tùy theo thời gian và mức độ lớp đi vào khuôn phép nhiều hay ít mà thầy sẽ nói với học sinh biết chúng có thể đứng lên gọt bút chì mà không cần phải xin phép trong lúc thầy không giảng bài. Chỉ một người được phép đứng lên mỗi lần. Nếu nhìn thấy bạn khác còn đang gọt bút chì, các bạn khác phải chờ cho đến khi bạn mình ngồi xuống lúc đó mới được đứng lên.

Khi nghe qui định này, thầy hi vọng là em đừng có cảm giác cho rằng lớp học của thầy chắc là kém hào hứng, bởi vì ngay lúc này đây lớp học đang là một nơi vui thích và hấp dẫn nhất. Đã từng có những lộn xộn và những chỉ trích, nhưng thầy biết rằng nếu như thầy cần đưa bọn trẻ trở vào tổ chức và học hành nghiêm túc thì tất cả những gì thầy cần làm là kiên trì đi theo những qui định ấy.

Lý do mà thầy không cho học sinh nói là vì đa số các lớp không làm được việc này ngoại trừ việc giơ tay. Có thể những học sinh của thầy thuộc vào loại dư “năng lượng” hay có thể là vì sĩ số trong lớp quá đông như lúc này thầy có 40 chú nhóc phải "chăn dắt" suốt một ngày trời. Ngoài ra, để học sinh tập trung và chăm chỉ học tập, thầy phải lấy đi của chúng những đặc quyền nói trừ phi lớp đang giờ thảo luận, học sinh nêu câu hỏi hay thầy gọi học sinh phát biểu.

Thường chỉ sau vài tháng là thầy giảm bớt tính nghiêm khắc của qui định này. Một khi đã tạo được thứ kiểm soát này trên bọn trẻ, ta có thể thực hiện được nhiều dự án thú vị. Rất nhiều lần cả lớp đã cùng thực hiện những đề án chung và cần dùng đến những thứ như keo dán, dải băng, những quả bóng và nhiều thức linh tinh khác, nhưng bọn trẻ vẫn rất tập trung và làm có tổ chức. Thầy gọi đó là sự “lộn xộn có tổ chức”.

Ta có thể làm việc tập thể và không khí cũng rất vui nhộn nhưng cũng vẫn rất trật tự và lại còn làm được nhiều việc hơn. Nếu không có một thiết chế như thế trong lớp học thì chắc ta sẽ có một... cái chợ.

sưu tầm


Hiểu lầm

Chuyện xảy ra ở một vùng ngoại ô nước Mỹ. Có đôi vợ chồng trẻ vừa kết hôn, sống với nhau rất hạnh phúc. Nhưng niềm vui thật ngắn ngủi, ít lâu sau người vợ qua đời do sinh nở khó, để lại cho chồng một mụn con gái.

Từ đó, người chồng vừa làm mẹ vừa làm cha, vừa bận bịu với công việc bên ngoài vừa phải coi sóc việc nhà. Công việc buộc ông phải ra ngoài suốt ngày. Vì thương con gái không có ai bầu bạn, ông mua chú chó về huấn luyện, một mặt để nó làm bạn với con gái, mặt khác có người trông nom con trong nhửng lúc ông vắng nhà.

Chú chó rất thông minh, vâng lời chủ răm rắp, biết cách chăm sóc đứa trẻ, biết cả ngậm bình sữa mang đến cho cô chủ uống. Hàng ngày ông chủ ra ngoài làm việc, chú chó ở nhà chăm lo cô chủ rất chu đáo.

Một hôm có việc phải đi xa, ông chủ kêu chú chó tới, ra hiệu cho nó ở nhà phải chăm sóc cô chủ nhỏ cẩn thận . “Dặn dò” xong xuôi, ông lên đường sang thôn khác. Hôm ấy trời nổi cơn bão tuyết, ông không thể quay về trong ngày được, lòng nống như lửa đốt, không biết con gái ở nhà ra sao.

Về đến nơi ông thấy con chó vui mừng chạy xộc ra đón, vừa vẫy đuôi vừa sủa ủng oẳng như muốn nói điều gì. Đẩy cửa bước vào, một cảnh tượng hãi hùng bày ra trước mắt: vết máu loang khắp nhà, cả trên giường lẫn dưới đất. Ông hốt hoảng nhìn quanh, chẳng thấy con gái đâu, nhìn sang con chó đứng bên cạnh, mồm mép vẫn còn dính đầy máu tươi. Trong cơn đau đớn, ông phẫn uất nghĩ rằng trong lúc mình vắng nhà, bản năng dã thú trỗi dậy khiến con chó bất nghĩa đã ăn thịt đứa con gái bé bỏng mất rồi. Cơn giận bốc lên ngùn ngụt, ông vớ lấy con dao dài… Một nhát oan nghiệt đã kết thúc đời con chó.

Ngay sau đó, ông bỗng nghe thấy tiếng khóc, cô con gái nhỏ đang lồm cồm bò ra từ gầm giường. Ông chạy vội lại ôm chầm lấy con. Trên người con gái có vết máu, nhưng không hề bị thương tích.

Ông lấy làm ngạc nhiên, không hiểu đã xảy ra chuyện gì. Tại sao trên người con chó lại bê bết máu, trong khi con gái còn nguyên lành? Ông nhìn một lượt thi thể con chó, bắp chân nó đã mất đi một mảng thịt lớn, còn trơ ra khúc xương. Đảo mắt nhìn quanh nhà, ông phát hiện ra ở góc nhà lù lù xác một con chó sói, trong miệng vẫn còn ngậm mảng thịt của chú chó nhà đáng thương. Thôi rồi! Chính con chó trung thành của ông đã xả thân cứu cô chủ nhỏ, thế mà lại bị chủ nhân xuống tay giết chết chỉ vì hiểu lầm…

Một sự hiểu lầm trầm trọng và bi thương nhất trong thiên hạ.

Con người do không tìm hiểu ngọn nguồn sự việc, thiếu sự nhẫn nại để bình tĩnh suy nghĩ, thiếu khả năng xét đoán, lại không thông cảm cho đối phương… dẫn đến sự hiểu lầm nghiêm trọng. Nhất là khi tình cảm bị kích động mãnh liệt, không thể kềm chế bản thân, thì càng dễ mắc phải sai lầm hơn nữa. Một khi đã có sự hiểu lầm, người ta cứ một mực cho rằng đối phương là người trăm sai nghìn sai, khiến cho sự hiểu lầm càng lún sâu, dẫn đến hậu quả khó lường.

Sưu tầm


Ba thứ không bao giờ qay lại

Chuyện kể rằng có một chàng hoàng tử rất đẹp trai, nhưng không may chàng ta bị một bà phù thủy phù phép nên mỗi năm chàng hoàng tử chỉ nói được một từ duy nhất.

Vì thế chàng rất buồn vì không nói chuyện được với ai.

Và cũng như mọi câu chuyện cổ tích, có hoàng tử thì sẽ có một nàng công chúa. Nàng cũng sống trong lâu đài nọ, nàng xinh đẹp vô cùng, đẹp như những nàng công chúa trong truyện cổ tích. Và thế là chuyện gì xảy ra các bạn cũng có thể đoán được, hoàng tử đem lòng yêu nàng công chúa.

Nhưng oái oăm thay, chàng không nói được, mỗi năm chàng chỉ có cơ hội thốt lên một tiếng và phải im lặng cả năm. Làm thế nào để tỏ tình đây? Chàng suy nghĩ và quyết định rằng hay là ta im lặng trong 3 năm để được nói với nàng 3 từ: I LOVE YOU!

Và chàng ta bắt đầu chờ đợi, 3 năm trôi qua. Thời gian cũng đã đến, nhưng chàng chợt nhận ra rằng nói với nàng 3 từ đó chẳng có tác dụng gì, thế là chàng nghĩ hay là ta tiếp tục chờ đợi thêm 5 năm nữa để nói với nàng thêm 5 từ nữa: “EM LÀM VỢ ANH NHÉ!”.

Chàng ta tiếp tục chờ đợi... Thời gian trôi qua...

Tám năm trôi qua kể từ ngày chàng quyết định chờ đợi, 8 năm trong im lặng để được nói với nàng một câu duy nhất. Và rồi cái ngày định mệnh đó cũng đã tới, nàng công chúa vẫn xinh đẹp như ngày nào. Nàng đang đứng trên lan can sân thượng của tòa lâu đài, miệng lẩm nhẩm hát có vẻ rất yêu đời.

Chàng hoàng tử tiến tới trước mặt nàng, quỳ xuống, cầm lấy bàn tay nàng nhìn sâu vào mắt nàng và thốt lên 8 tiếng yêu thương: “I LOVE YOU, EM LÀM VỢ ANH NHÉ???".

Bạn có biết chuyện gì xảy ra không? Như mọi chuyện cổ tích ngày xưa thì có lẽ mọi chuyện sẽ kết thúc có hậu là chàng hoàng tử sẽ cưới công chúa và lời nguyền được hóa giải. Nhưng câu chuyện cổ tích này không kết thúc như thế.

Nàng công chúa sau khi nghe xong vẻ mặt rất ngạc nhiên. Nàng từ từ rút từ lỗ tai mình 2 cái tai nghe của chiếc headphone và hỏi lại: “ANH NÓI GÌ CƠ, EM NGHE KHÔNG RÕ?”.

Câu chuyện kết thúc ở đây, số phận hoàng tử như thế nào cũng không biết nữa. nhưng từ câu chuyện này chúng ta có thể rút ra một bài học: Có 3 thứ trên đời này đã đi qua không bao giờ trở lại:

1. Thời gian đã qua không bao giờ trở lại.

2. Lời nói đã nói ra khó có cơ hội để nói lần nữa.

3. Hãy chớp lấy cơ hội vì cơ hội chỉ có một lần.

Sưu tầm


Hai người bạn

Ở một xứ kia, rất xa... có một ngọn núi rất cao. Trên miền núi, có những đường suối chảy rất trong ban đêm cũng còn thấy nhấp nhô ánh sáng dưới đáy...

Cái trạng thái đặc biệt ấy làm cho hai lữ khách đi lạc vào khu vực ấy để ý.

Muốn khám phá cái trạng thái huyền bí ấy, hai người lấy tay mò dưới đáy và bốc lên một bụm cát để xem.

Một người la lên:

- Ý... vàng đây anh.

- Phải, vàng.

- Rồi, anh sau này, vẫn ngồi lẳng lặng suy nghĩ.

Anh trước, thì lo hốt lên đổ xuống, chơi một hồi cho đã, đứng dậy, chùi tay và thở ra, than:
- Thật vậy, đấy là chất vàng. Nhưng mà, nó có lợi gì cho mình. Anh không thấy, vàng ở

đấy, chỉ là những cái mạt rất nhỏ, có thấm vào đâu mà để ý tới nó cho tốn công vô ích.
Anh ngồi suy nghĩ trả lời:

- Không. Mình phải thủng thỉnh mà bòn từ chút, rồi hiệp lại mới nên một thỏi chứ.
- Thôi anh! Tôi không phải đem cái đời của tôi chôn nơi chốn hoang sơn cùng thuỷ cốc này. Tôi muốn làm giàu một cách nhanh chóng kìa. Người ta quyết chắc với tôi rằng ở ngoài những miền biển kia có rất nhiều giống thú lạ, da nó rất quí. Anh cũng dư biết tôi là một tay thiện xạ, bá phát bá trúng. Tôi sẽ bắt đầu đi vào con đường tôi đã nói.

- Tôi cũng biết như anh vậy. Nhưng mà, tôi cũng biết cái phần số dành sẵn cho những thợ săn mạo hiểm và khinh suất, lơ đễnh đi vào chỗ đầy nguy hiểm mà không dè trước. Anh nên biết, nơi đấy là một chỗ đồng hoang cỏ cháy: không có một cái suối, có một bóng cây. Và dầu anh có thể thâu thập đặng rất nhiều tấm da quí giá đến thiên kim vạn lượng đi nữa, trước khi anh bị sự đói, khát nó vật ngã anh, anh liệu có thể một mình chở cả kho tàng ấy đi về tới quê hương xứ sở anh không?

- Tôi đây, cũng là một tay thiện xạ như anh. Tôi đây, tôi cũng biết ham muốn cách làm giàu nhanh chóng như anh. Nhưng mà, anh sẽ thấy, tôi vui lòng ở lại đây, đi bòn từ miếng vàng vụn, nhất định không đem tấm thân này xông pha trong cuộc nguy hiểm, mà tôi biết trước, sẽ đem lại cho ta toàn là những điều bất lợi.

- Anh là một người nhát gan.

- Không, tôi là người điềm đạm, tôi biết suy nghĩ sâu xa.

- Còn tôi, tôi là một người can đảm, tôi không cần suy nghĩ đắn đo gì cả.

- Anh lầm. Anh chỉ là một người nhiệt hứng nhất thời, nghĩa là một người táo bạo mà thôi.
- Vậy, thì anh không chịu theo tôi phải không? Anh sẽ hối hận khi thấy tôi sau này đầy dẫy của quí.

- Than ôi! Tôi vẫn sợ sẽ không còn thấy được mặt nhau nữa, vì tôi đã thấy trước, anh đã lăn mình vào hố sâu vực thẳm...

Ở lại một mình, sau khi đã hết sức trầm tư mặc tưởng, anh đứng dậy, một cách quả quyết, tự bảo: "Thôi! Bây giờ là tới thời kỳ hành động".

Anh đốn cây, bẻ lá về làm một cái chòi tạm, và kiếm những cách để nuôi sống bằng hoa quả... Anh đan rổ và rây để đãi vàng.

Mỗi ngày anh làm việc một cách nhẫn nại, từ sớm tới trưa, từ trưa tới chiều... không chút sờn lòng.

Nay một chút, mai một chút... và cứ mãi thế. Vàng của anh góp lại, vừa đủ cho anh mang đi, anh mới lần mò trở về quê cũ.

Ba ngày ròng rã, sớm đi tối nghỉ, anh đi gần tới ven biển. Bỗng xa xa, anh thấy dạng một vật sù sù... Phát nghi, anh lần đến... thì ra một đống xương người giữa những tấm da thú lạ. Nhìn kỹ những mảnh áo quần, cung tên, anh quả quyết là của người bạn cũ.
Có lẽ anh ấy đã không thể chịu nổi với những giày vò thống khổ của đói, khát, nóng, lạnh, với những trường hợp thú dữ nó vây quanh anh, nó rình rập từng chặng đường rong ruổi của anh, những cái mà người bạn điềm tĩnh của anh trước kia, đã suy nghĩ biết trước.
Trái lại người bạn của anh, ngày nay đã là một người giàu có vì đã biết điềm tĩnh, nhẫn nại.

Rời ra, mỗi một miếng vụn không đáng kể là gì; nhưng nếu hiệp lại muôn vàn miếng ấy, nó là một thế lực, một sức mạnh không còn ai là dám xem thường.

Sưu tầm