Truyện Minh Hoạ - Giáo Dục

Xương rồng bé nhỏ

 Nơi hoang mạc kia có một gia đình xương rồng nọ gồm xương rồng bố mẹ và một cô "xương rồng bé nhỏ " rất đáng yêu. Một hôm đang tấm táp cho bộ gai của mình dưới con nắng rực rỡ bỗng cơn gió bay qua và dừng lại chỗ "xương rồng nhỏ".

- Chào xương rồng!

- Chào gió! Chị vừa đi đâu về thế?

- Ta vừa thổi qua một thảo nguyên nơi phương Bắc xa xôi. Nơi ấy có rất nhiều hoa thơm cỏ lạ. Những bông hồng lộng lẫy với bộ cánh đỏ rực thơm dịu nhẹ, những đóa hoa cúc mảnh mai và ngây thơ như những cô bé mới lớn, cả những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi lá to như cái quạt. Thôi ta đi đây, còn rất nhiều thứ ta muốn ngắm nhìn!

Thế rồi làn gió bay đi để lại sau lưng xương rồng nhỏ đang trầm ngâm suy nghĩ:

- Ôi ta ước gì mình cũng trở nên xinh đẹp như những bông hoa kia. Mình cũng là cây nhưng nhìn xem những gì mình có chỉ là một thân hình mọng nước và những cái gai xấu xí.

Rồi cô bé cứ rầu rĩ mãi và ngày càng gầy đi khiến cho bố mẹ xương rồng vô cùng lo lắng. Thấy thế Mặt Trời liền xuống hỏi:

- Này xương rồng nhỏ! Sao con lại buồn như thế?

Cô bé kể chuyện của mình cho Mặt Trời nghe và cầu xin:

- Ông ơi! hãy giúp cháu có được sắc đẹp như những loài hoa kia, cháu không thích mình xấu xí như thế này.

- Nhưng cháu sẽ phải trả giá rất đắt đấy bởi ta biết    chúng không hợp với cháu ở nơi sa mạc này đâu.

 Nhưng xương rồng cứ một mực cầu xin. Thế là Mặt Trời phải đồng ý. Một ánh sáng chói lọi loé lên khiến thân hình xương rồng bé lại như hoa cúc, những cái gai biến mất thay vào đó là những chiếc lá to như lá cổ thụ, trên ngọn mọc ra một bông hoa đỏ rực như hoa hồng. Xương rồng nhỏ sung sướng cảm ơn ông Mặt Trời, vẫy những cành lá mới của mình.

Từ đó cô bé trở thành sinh vật rực rỡ nhất trong sa mạc khiến những cơn gío bay ngang phải dừng lại để ngắm nhìn.

Nhưng rồi ngày qua ngày những cánh hoa xinh đẹp bắt đầu héo úa, những chiếc lá vàng vọt đi, thân cây bé nhỏ rũ xuống. Dưới cái nắng thiêu đốt của sa mạc khiến cô bé thấy khát cháy. Cô bé nhận ra sự sống đang cạn dần. Với những hơi thở cuối cùng cô bé thì thào gọi ông Mặt Trời. Ông Mặt Trời đỏ gay gắt hiện ra:

- Giờ thì cháu đã nhận ra sai lầm của mình chưa nào. Tạo hóa đã ban cho cháu một hình hài giúp cháu có thể sinh tồn và đây là cái giá mà cháu phải trả khi trái lại tạo hóa.

Khi Mặt Trời vừa dứt lời cũng là lúc cô bé trút hơi thở cuối cùng trong nỗi ân hận muộn màng...

Sưu tầm


Tình bạn

 Trong sách chuyện cổ tích Phi Châu có kể câu chuyện như sau:
Một người cha tặng cho con trai mình một con bò để cậu đem tặng nó lại cho một người bạn thân nhất, người con cám ơn cha và bắt đầu suy nghĩ xem phải tặng con bò ấy cho ai, sau ít hôm người con thân thưa với cha rằng: ''Thưa cha, con có hai người bạn thân và bây giờ con biết rõ nên tặng cho ai rồi ". Cha cậu trả lời, trước khi con nói cho cha nghe con sẽ tặng con bò đó cho ai, con hãy cho cha biết mối liên hệ của con với mỗi người bạn ấy như thế nào trước đã. Cậu trả lời: Con rất yêu mến người bạn thứ nhất và con thường hay nghĩ đến người bạn này, nói cho thật, con không thương mến người thứ hai như vậy, nhưng con biết người ấy thương con và lo lắng cho con rất nhiều. Cha cậu hỏi thêm: ''Vậy con định tặng con bò đó cho ai ?''. ''-Con định tặng cho người thứ nhất''. Cha cậu nói: ''Lúc này trời đang mưa và cũng đã tối, con hãy cầm lấy con dao này nhúng vào chậu máu heo, đến gõ cửa nhà bạn với tất cả nỗi sợ hãi lo lắng trên gương mặt, con hãy nói với mỗi người bạn rằng: ''Này bạn ơi! Tôi đã trót dại phạm tội giết người, cảnh sát đang lùng bắt tôi, nhà anh có chỗ nào kín cho tôi trốn không, người ta đang muốn trả thù tôi, anh là người bạn thân duy nhất có thể bảo vệ tôi lúc này, tôi không còn biết nương nhờ vào ai nữa, thử xem mỗi người bạn con trả lời như thế nào? "Người con ra đi thi hành đúng như lời cha truyền dạy. Đến nhà người bạn thứ nhất, người mà cậu thương mến hơn cả, người bạn vừa thấy cây dao dính đầy máu, liền đóng xập cửa lại và nói: ''Anh hãy đi đi, anh muốn tôi bị bắt đồng lõa với anh hay sao?'' Cậu lại cầm dao chạy đến nhà người bạn thứ hai, chưa kịp phân trần hết đầu đuôi câu chuyện người bạn thứ hai này ân cần trả lời: ''Mau lên chúng ta cần phải rời khỏi nơi này ngay, khi tới nơi an toàn rồi anh có thể kể lại tất cả mọi sự việc cho tôi nghe cũng được, tôi không thể nỡ lòng để nhìn thấy anh phải băn khoăn lo lắng như thế này. Dọc đường người con thành thật tỏ lộ mưu kế của mình cho người bạn nghe rồi cả hai cùng trở về nhà. Người cha biểu con mình đem con bò tặng cho người bạn trung tín và dặn con mình: ''Con ơi, hãy khôn ngoan chọn bạn mà chơi, đừng để cho người đời lường gạt con''.

R. Veritas


Cám ơn

Trong ánh sáng mờ ảo của ba cây nến và chiếc đèn chùm treo trên trần, không khí căn phòng ăn thật êm đềm và ấm cúng. Cha mẹ và năm người con quây quần chung quanh chiếc bàn ăn hình bầu dục với chén, bát, đũa, thức ăn... bầy biện thật thịnh soạn.

Nhưng nồi cơm hôm nay có mùi khê, và khi mỗi người gắp thức ăn thử miếng đầu tiên, họ đều đặt bát xuống, nhăn mặt, nhìn nhau.

Người con lớn nhất hỏi mẹ:

- Sao gà xào xả ớt hôm nay mặn quá vậy mẹ?

- Mẹ vừa mua muối, nên lỡ tay đổ cả nửa bịch muối vào nồi thịt đó con!

Cô gái út nói:

- Thế còn món canh cải, sao mà chua lèo à!

- Ấy! Mẹ quên nên đổ cả một gallon dấm vào đó.

Có tiếng cậu con trai thêm vào:

- Món cá sao tanh quá, mẹ ơi!

- Ừ! Cá đó chưa chín đâu, con ơi!

Mọi người đều hết sức ngạc nhiên về cách thức nấu nướng khác thường của người nội trợ này. Ông chồng hỏi:

- Sao hôm nay em làm bữa ăn kỳ cục vậy. Món gì ăn cũng không được?

Tới lúc này bà mẹ mới ôn tồn giải thích:

- Đã gần 30 năm làm vợ và làm mẹ trong gia đình này, mỗi ngày em phải sửa soạn ba bữa ăn. Một tuần nấu nướng đủ bẩy ngày. Chừng ấy năm trời bố con ăn uống mà chẳng biết có vừa miệng không, nên hôm nay em thử làm khác đi chút xíu để xem tài thưởng thức các món ăn của bố con anh ra sao?

Tiến Sĩ TRẦN AN BÀI


 Bóng cả

Đêm qua trong giấc mơ của mình, tôi lại mơ thấy bố tôi còng lưng trên cánh rừng bạt ngàn màu xanh trù phú. Bố trồng thêm rất nhiều loài cây giống mới vào những nơi đất vừa được khai hoang.

 Rồi bố cười, mồ hôi ướt đầm lưng áo. Suốt bao nhiêu năm rồi hình ấy mãi còn trong tâm trí tôi để mỗi lần gặp lại trong giấc mơ bình yên và day dứt, tôi lại thấy yêu cuộc sống này hơn, yêu gia đình, bè bạn và tin yêu nhiều hơn ngay chính bản thân mình. Bởi tôi luôn tâm niệm rằng tôi là một hình hài được bố mẹ đắp bồi bằng tình yêu thương vô bờ bến. Tôi nhớ khi tôi tám tuổi, cuộc sống còn bộn bề khó khăn sau một thời gian đại hạn kéo dài ở làng quê nhỏ bé của tôi. Lúc này bố tôi đưa ra một quyết định đầy khó khăn: bố sẽ làm lều trên rừng để tiện việc khai hoang, lấy đất trồng trọt. Cả nhà tôi đã can ngăn, vì biết tính bố ham công tiếc việc, nếu để bố làm lều trên ấy thì bố sẽ làm quần quật suốt ngày đến ốm mất. Nhưng bố vẫn nhất quyết lên rừng.

Công việc của tôi hàng ngày là mang cơm cho bố. Do ngày ấy rất đói lên nồi cơm chủ yếu là độn sắn, thấy mấy anh em tôi nhìn hau hau vào nồi cơm mẹ lại cười buồn bảo:

- Có sắn mà ăn vẫn là tốt rồi các con nhỉ? Rồi cũng sắp đến ngày các con được ăn ngon, mặc ấm. Cứ lo học hành cho tốt vào, đừng phụ công bố mẹ.

Mẹ thương bố vất vả cả ngày trên cánh rừng bạc màu nắng cháy nên bới phần bố chỗ cơm ít độn sắn nhất. Nhưng khi tôi mang cơm lên rừng, bố đã nhìn trân trân vào nắm cơm và bảo:

-Con về bảo mẹ là bố không thích ăn phần cơm ít sắn. Bố ăn sắn từ bé quen rồi, bố thích cái mùi thơm của nó. Hơn nữa ăn sắn còn no lâu chứ ăn mấy nắm cơm bố ra kia bổ mấy nhát cuốc là hết veo đấy mà.

Rồi bố xoa đầu tôi cười, bố bảo:

- Hôm nay bố đào được củ sắn rừng sót lại rất to, bố nướng ăn nên bây giờ vẫn còn no. Vì thế hai nắm cơm này con ăn một còn mang về cho em cu tí một nắm nhé. Tối nhớ mang thật nhiều sắn hấp lên cho bố. Bây giờ con ăn xong rồi về đi không nắng.

Tôi bé bỏng đến vô tâm nên không hiểu được rằng bố đã nhường những nắm cơm ngon nhất cho chúng tôi để rồi bố phải nhịn đói cả một ngày dài vất vả. Thế nên tôi hí hửng cầm nắm cơm ăn một cách ngon lành, vừa ăn vừa cười với bố. Đến lúc đi về kể lại cho mẹ về những lời bố nói chỉ thấy mẹ quay đi lau nước mắt. Lúc ấy thật sự tôi đã không hiểu vì sao mà tự nhiên mẹ khóc…

Chiều ấy mẹ tạm dừng công việc đồng áng rồi vác rá chạy đâu đó quanh xóm một lúc, rồi mẹ trở về nhà thổi cơm sớm hơn mọi khi. Mẹ nắm vội hai nắm sắn rõ to bảo tôi mang nhanh lên cho bố rồi về ăn cơm sau, khi tôi chạy đi được một quãng, mẹ còn dặn với theo:

- Con lên rừng không được ăn phần cơm của bố. Về nhà ăn, hôm nay mẹ thổi cơm rất nhiều.

Khi tôi lên rừng đưa cơm cho bố, thấy bố đón tôi bằng nụ cười đã mỏi mệt hơn. Tôi hỏi:

- Bố mệt và đói lắm phải không bố?

Bố lắc đầu rồi bảo tôi ăn cùng với bố. Chắc là do mẹ đã dặn lên tôi phải giả vờ ưỡn bụng rồi bảo:

- Con đã ăn rồi, con ăn no từng này rồi bố này. Bố tôi cười hiền hậu, chắc do đói quá nên bố ăn vội ăn vàng, bố nhai ngồm ngoàm hai nắm sắn đến nỗi bố lên cơn nấc cục. Bố nấc đến nỗi nước mắt, nước mũi chảy ra. Tôi hốt hoảng tưởng bố làm sao, tôi khóc. Bố ôm tôi vào lòng trong tiếng nấc, bố bảo bố không sao: “Con gái bố đừng sợ. Tại bố ăn no quá, rồi bố sẽ không sao đâu mà”. Phải mãi một lúc sau khi bố pha trò cho tôi không khóc nữa thì bố mới thôi cơn nấc cục. Lúc ấy mặt bố đỏ bừng, nước mắt bố chảy ra như khóc. Tôi vừa sợ vừa thương bố quá. Tôi ôm ghì lấy bố. Sau này tôi chứng kiến nhiều những cơn nấc của bố khi bố ăn vội, ăn vàng rồi lại tiếp tục chiến đấu với cái nắng, cái gió hầm hập nóng để khai hoang, nhích từng mét đất. Để rồi sau này nhìn cánh rừng hun hút một màu xanh trù phú tôi vẫn đắng lòng vì nhìn đâu cũng thấy từng giọt mồ hôi của bố vẫn rơi và như thấy bố vẫn ngồi trong túp lều lợp tạm bằng lá cọ, ăn vội vàng rồi lại bị nấc cục. Bố tôi - một người đàn ông khoẻ nhất làng nhưng gần hai mươi năm nay do phải vất vả vì gánh nặng gia đình nên bố đã già đi rất nhiều so với tuổi, bố gầy xọp đi, lưng gù hơn, mắt bố cũng đã mờ không còn đọc được những lá thư mà tôi viết gửi về. Mẹ vẫn dặn mấy anh em tôi rằng: - Các con có ngày hôm nay là nhờ bố đã hy sinh cho các con rất nhiều, các con đừng bao giờ nói câu gì, làm việc gì để bố phải buồn. Tôi lớn khôn, xa gia đình đi tìm cho mình một con đường riêng đã không ít lần làm hao gầy mắt bố, mỏi mòn dáng mẹ. Nhưng trước bao cám dỗ của cuộc đời tôi bao giờ cũng nhớ đến tiếng nấc của bố để tự dăn mình rằng: “Muốn thành công thì phải bắt đầu từ công sức lao động, từ sự phấn đấu không ngừng nghỉ và một hy vọng, một tình yêu lớn vào cuộc sống”. Có nhiều lúc ngồi ăn cơm với bạn bè tôi bất chợt lên cơn nấc cục, những lúc như thế thấy nhớ bố lắm, một nỗi nhớ thương rất lạ ùa về. Để rồi mỗi lần đáp chuyến tàu chiều về quê, ăn với bố mẹ một bữa cơm đầm ấm tôi cứ nơm nớp lo sợ rằng trong bữa cơm ấy bố lại nấc lên để rồi phải bỏ bữa dở chừng. Bất chợt thấy nhói đau khi nhận ra rằng sau mỗi chuyến đi rồi trở về lại thấy bố già hơn nhiều quá, lưng bố lại còng thêm, mắt bố lại mờ…Chúng tôi lại ra đi lâu hơn nữa… Cầu cho mái ấm của tôi luôn bình yên trước sóng gió cuộc đời, cầu cho cha mẹ tôi manh khoẻ, cầu cho những con đường còn xa hun hút của mấy anh em tôi rồi cũng đưa những đứa con trở về bên vòng tay cha mẹ. Nhớ thương thật nhiều “bóng cả” của riêng tôi.

Vũ Thị Huyền Trang (ĐH Văn Hoá Hà Nội)


Ngày thêm đặc biệt

Con gái hôm nay lại muốn cùng mẹ đi chợ, xách phụ mẹ và về với mẹ dù trời có nắng gắt. Nó muốn thay mẹ làm những công việc mẹ thường làm, để đỡ đần cho mẹ. Để rồi, nó chợt nhận thấy, những công việc nó tưởng chừng dễ dàng ấy lại vất vả biết bao. Sáng nay...nó thức dậy từ rất sớm, cố chuẩn bị bữa ăn sáng cho gia đình. Nó muốn nó giống mẹ "nêm yêu thương đong đầy cho tất cả". Ngày nào nó cũng nhìn ánh bình minh lúc sáng sớm rồi hít một hơi dài mà đón chào ngày mới đến, hôm nay nó cảm thấy là một ngày mới nhiều niềm vui hơn khi nó biết quan tâm đến mẹ, đến mọi người hơn. Những giây phút đứng đợi mẹ giữa trưa nắng gắt, nó thấy bản thân trưởng thành hơn, ngày hôm đó với nó là ngày của tình yêu thương, ngày đặc biệt của nó dành cho mẹ.

Những bữa cơm sáng nó làm mặc dù không ngon chút nào, nhưng cũng đủ cho nó thấy ngày mới của nó được khởi đầu rất đặc biệt - khởi đầu bằng tình yêu thương của nó dành cho mọi người. Những ánh bình minh tưởng chừng quá đỗi quen thuộc với nó, thế nhưng khi nhìn ngắm bình minh mỗi sáng sớm nó lại thấy ngày mới của nó tràn đầy sức sống và đặc biệt cả trong tâm hồn... Cuộc sống có những ngày rất bình thường nhưng nếu có những yêu thương thì những ngày ấy lại trở nên đặc biệt....

Trịnh Hiếu Tâm (Vĩnh Long)


Có khi nào trở lại...

Mùa thu! Khi chiếc lá xanh đỏm dáng nhất trên cây bàng già cũng hậm hực thay áo vàng. Suối nằm im ngẫm nghĩ và lo lắng. Suối sợ rồi mùa thu sẽ qua, có nghĩa là mùa đông sẽ đến. Mùa đông không có mưa. Và lòng suối sẽ cạn dần rồi ẩn mình vào hẻm núi. Khi đó Sỏi sẽ không chịu đựng được thêm nữa. Sỏi sẽ ra đi. Sỏi là viên sỏi đẹp nhất dưới lòng Suối. Từ khi Suối mới sinh ra róc rách từ vách đá đã thấy Sỏi kiêu hãnh nằm ở đó rồi. Suối chảy tràn trên mặt đất, tạo thành dòng và ôm lấy Sỏi, tắm sạch cho Sỏi. Qua làn nước trong, Sỏi càng trở nên rực rỡ dưới ánh Mặt trời. Tất cả các cư dân dưới lòng Suối đều trầm trồ khen Sỏi. Ai cũng muốn lượn lờ quanh Sỏi mà ngắm nghía. Rồi đàn Cá nhỏ truyền tin đi khắp nơi. Cả Ốc, Cua và Tôm cũng theo làn nước mà tìm đến. Những viên đá xung quanh ghen tị, nhưng cây rong rêu bên cạnh cũng né mình. Những dòng Suối khác cũng muốn cắt dòng về phía Sỏi. Sỏi sung sướng và hạnh phúc là nhờ Suối. Vì thế Sỏi yêu Suối lắm. Bao nhiêu đêm Sỏi tự hào kể cho Suối nghe tất cả những gì đã xảy ra trong ngày, khi mà Suối trải lòng đi khắp nên không kịp biết. Sau một ngày mệt nhoài chảy đi dọc hai bờ, Suối lặng yên nghe tiếng Sỏi thì thầm. Và Sỏi cũng trải hết lòng mình ra với Suối.Sáng, khi Mặt trời lại lượn vòng khắp nhân gian, Suối lại lặng lẽ lách mình qua những thân cây bụi cỏ. Chảy dài về Sông. Suối không đẹp như Sỏi. Cũng như Sỏi, Suối được sinh ra từ núi. Nhưng Suối không được nằm yên mà long lanh. Suối phải lặn lội trong rừng rậm, qua bao nhiêu mỏm đá, bờ đất. Nên lòng Suối ghồ ghề. Thỉnh thoảng có những bụi Cỏ dại hay Thân cây còn chặn ngang mình Suối. Hay những bãi bồi cố vươn lên khỏi mặt nước làm lòng Suối bị tách ra, đau buốt. Sau tất cả, Suối vẫn lẳng lặng chảy về Sông vì Suối tự hào có Sỏi. Suối nổi tiếng khắp vùng cũng nhờ Sỏi, nhờ được ôm trong lòng thân Sỏi. Suối và Sỏi hạnh phúc bên nhau.

Mùa xuân đến. Hai bên bờ Suối như rực rỡ sắc màu. Cây cối cũng xanh tươi. Muôn loài dưới lòng Suối cũng thay áo mới xinh đẹp. Sỏi cũng lộng lẫy hơn. Càng ngày Sỏi càng thêm lấp lánh sắc màu. Và dưới nắng xuân dìu dịu, Sỏi còn mang vẻ kiêu sa. Suối gồng mình, trong hơn.

Mùa hạ. Mưa hào phóng hơn với Suối. Suối được cấp thêm nguồn nước từ lưu vực. Suối trở nên mạnh mẽ chảy băng băng. Vượt qua những chướng ngại trên đường đi và lấp đầy những bãi tràn. Nhưng không đêm nào Suối không lặng im nghe tiếng thì thầm của Sỏi. Tiếng thì thầm tự hào, sung sướng, hạnh phúc và đôi khi pha lẫn những nỗi buồn vu vơ. Suối lắng nghe và hòa tan vào lòng Suối. Và sau đó Sỏi lại là Sỏi đáng yêu của ngày mới.

Nhưng thu đến. Mưa thưa đi. Lá đổ vàng rớt vào lòng Suối. Suối lững lờ và cặn đục. Nắng thu vàng cũng không thể len lỏi được xuống mà chiếu vào mình Sỏi được. Sỏi biết buồn.

Mùa đông. Trời khô hanh, lòng Suối dần dần cạn. Các sinh vật thi nhau chạy trốn. Cây cỏ khô khốc. Sỏi trơ trọi giữa lòng Suối ghồ ghề. Sỏi khó chịu. Sỏi muốn ra đi. Suối muốn ra Sông. Suối thở dài không nói. Hẹn khi mưa xuống sẽ mang Sỏi theo dòng nước ra Sông.

Một năm sau. Sau khi trải qua mùa xuân và hạ vui vẻ bên nhau. Thu cũng đến vô tình. Suối cố giữ Sỏi lại từng ngày từng ngày. Rồi cũng kiệt dần, Suối đành để Sỏi ra đi.

Suối mang Sỏi đi khắp lòng mình rồi đổ ra Sông. Sông hùng dũng và to lớn dang tay chào đón Sỏi. Sỏi sung sướng nhảy xuống lòng sông mà quên quay lại nhìn Suối. Suối lững thững ra về và sẽ bắt đầu một chuyến đường mới. Tuy cuối thu, nước cạn dần nhưng Suối luôn muốn chạy nhanh ra Sông để nhìn thấy Sỏi. Suối nhớ Sỏi. Sỏi thì vẫn đẹp, vẫn lung linh và kiêu hãnh dưới lòng Sông. Không hề hay lòng Suối cạn dần.

Thời gian lại trôi như một chu trình khắc nghiệt. Suối thẫn thờ buồn bã mỗi lần ra Sông thăm Sỏi. Sỏi càng ngày càng lộng lẫy khoe mình giữa lòng Sông rộng lớn, là nơi mọi loài sinh vật phải dừng lại trầm trồ. Sỏi tận hưởng những ngày tháng trong hạnh phúc.


Mùa hạ năm đó Mưa giận dỗi Nắng. Mưa khóc mãi, khóc mãi. Nước chảy tràn xuống lưu vực ngày càng nhiều. Suối bắt đầu lo lắng. Suối nhớ có lần nghe Sông kể khi Mưa khóc thì lòng Sông sẽ sinh Lũ. Mà Lũ thì vô cùng tàn nhẫn, cuốn phăng và nghiền nát những gì nó muốn. Suối lo lắng chạy thật nhanh ra Sông. Va đập vào bao nhiêu thân cây, bao nhiêu tảng đá trên đường làm lòng Suối rách nát. Suối tảng lờ chỉ mong thật nhanh đến Sông.

Suối không dừng kịp, đâm sầm vào Sông. Suối ngơ ngác, Sông không còn là Sông nữa. Sông đã biến mình thành Lũ. Suối dáo dác tìm Sỏi trong vô vọng. Bao nhiêu lần Suối xuyên sâu vào lòng Lũ đều bị hất ra. Suối gục mình bất lực. Sáng hôm đó Sỏi đang chuẩn bị thay áo mới thì Lũ ùa đến cướp hồn Sông. Sỏi kêu khóc nhưng Lũ vô tình. Sỏi lăn dài dưới đáy Sông. Va đập vào Đá, trầy xước. Cho đến khi rơi từ trên vai Thác xuống, Sỏi vỡ tan. Sỏi tan thành Cát, những hạt Cát vẫn lung linh lấp lánh trôi xuôi về Biển. Sỏi lịm đi và chết.

Cát trôi ra Biển, mỗi hạt Cát mang một mảnh hồn của Sỏi, không chịu được cái mặn chát của Biển, nên cứ nhờ Sóng đưa vào bờ. Cát muốn trở lại làm Sỏi để có thể trở về với Suối. Cứ thế đến ngàn năm mà hình thành bãi Cát vàng.

Suối thì muôn đời vẫn cứ chảy ra Sông tìm Sỏi. Đến mỏi cả mắt và bạc cả đầu. Suối vẫn trông chờ đến một ngày nào đó, Sỏi sẽ trở về lòng Suối. Để hằng đêm, Suối nằm im nghe những tiếng thì thầm...

Ks. Bụi Đời's Blog


Giấy chứng nhận ...NGƯỜI

 Trên đoàn tàu, cô soát vé hết sức xinh đẹp cứ nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi áng chừng đi làm thuê, hạch sách: -Vé tàu!

Người đàn ông lớn tuổi lục khắp người từ trên xuống dưới một thôi một hồi, cuối cùng tìm thấy vé, nhưng cứ cầm trong tay không muốn chìa ra.

Cô soát vé liếc nhìn vào tay anh, cười trách móc:

- Đây là vé trẻ em.

Người đàn ông đứng tuổi đỏ bằng mặt, nhỏ nhẹ đáp:

-Vé trẻ em chẳng phải ngang giá vé người tàn tật hay sao?

Giá vé trẻ em và người tàn tật đều bằng một nửa vé, đương nhiên cô soát vé biết. Cô nhìn kỹ người đàn ông một lúc rồi hỏi:

-Anh là người tàn tật?

-Vâng, tôi là người tàn tật.

-Vậy anh cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.

Người đàn ông tỏ ra căng thẳng. Anh đáp:

-Tôi... không có giấy tờ. Khi mua vé cô bán vé bảo tôi đưa giấy chứng nhận tàn tật, không biết làm thế nào, tôi đã mua vé trẻ em

Cô soát vé cười gằn:

-Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được anh là người tàn tật?

Người đàn ông đứng tuổi im lặng, khe khẽ tháo giầy, rồi vén ống quần lên - Anh chỉ còn một nửa bàn chân.

Cô soát vé liếc nhìn, bảo:

- Tôi cần xem chừng từ, tức là quyển sổ có in mấy chữ "Giấy chứng nhận tàn tật", có đóng con dấu bằng thép của Hội người tàn tật!

Người đàn ông đứng tuổi có khuôn mặt quả dưa đắng, giải thích:

- Tôi không có hộ khẩu của địa phương, người ta không cấp sổ tàn tật cho tôi. Hơn nữa, tôi làm việc trên công trường của tư nhân. Sau khi xảy ra sự cố ông chủ bỏ chạy, tôi cũng không có tiền đến bệnh viện giám định...

Trưởng tàu nghe tin, đến hỏi tình hình.

Người đàn ông đứng tuổi một lần nữa trình bày với trưởng tàu, mình là người tàn tật, đã mua một chiếc vé có giá trị bằng vé của người tàn tật ...

Trưởng tàu cũng hỏi:

- Giấy chứng nhận tàn tật của anh đâu?

Người đàn ông đứng tuổi trả lời anh không có giấy chứng nhận tàn tật, sau đó anh cho Trưởng tàu xem nửa bàn chân của mình.

Trưởng tàu ngay đến nhìn cũng không thèm nhìn, cứ nhất quyết nói:

- Chúng tôi chỉ xem giấy chứng nhận, không xem người. Có giấy chứng nhận tàn tật chính là người tàn tật, có giấy chứng nhận tàn tật mới được hưởng chế độ ưu đãi vé người tàn tật. Anh mau mau mua vé bổ sung.

Người đứng tuổi bỗng thẫn thờ. Anh lục khắp lượt các túi trên người và hành lý, chỉ có bốn đồng, hoàn toàn không đủ mua vé bổ sung. Anh nhăn nhó và nói với trưởng tàu như khóc:

- Sau khi bàn chân tôi bị máy cán đứt một nửa, không bao giờ còn đi làm được nữa. Không có tiền, ngay đến về quê cũng không về nổi. Nửa vé này cũng do bà con đồng hương góp mỗi người một ít để mua giùm, xin ông mở lượng hải hà, giơ cao đánh khẽ, nương bàn tay cao quý, tha cho tôi.

Trưởng tàu nói kiên quyết:

- Không được.

Thừa dịp, cô soát vé nói với Trưởng tàu:

- Bắt anh ta lên đầu tàu xúc than, coi như làm lao động nghĩa vụ.

Nghĩ một lát, trưởng tàu đồng ý:

- Cũng được.

Một đồng chí lão thành ngồi đối diện với người đàn ông đứng tuổi tỏ ra chướng tai gai mắt, đứng phắt lên nhìn chằm chằm vào mắt vị trưởng tàu, hỏi:

- Anh có phải đàn ông không?

Vị trưởng tàu không hiểu, hỏi lại:

- Chuyện này có liên quan gì đến tôi có là đàn ông hay không?

- Anh hãy trả lời tôi, anh có phải đàn ông hay không?

- Đương nhiên tôi là đàn ông!

- Anh dùng cái gì để chứng minh anh là đàn ông? Anh đưa giấy chứng nhận đàn ông của mình cho mọi người xem xem?

Mọi người chung quanh cười rộ lên.

Thừ người ra một lát, vị truởng tàu nói:

- Một người đàn ông to lớn như tôi đang đứng đây, lẽ nào lại là đàn ông giả?

Đồng chí lão thành lắc lắc đầu, nói:

- Tôi cũng giống anh chị, chỉ xem chứng từ, không xem người, có giấy chứng nhận đàn ông sẽ là đàn ông, không có giấy chứng nhận đàn ông không phải đàn ông.

Vị trưởng tàu tịt ngóp, ngay một lúc không biết ứng phó ra sao.

Cô soát vé đứng ra giải vây cho Trưởng tàu. Cô nói với đồng chí lão thành:

- Tôi không phải đàn ông, có chuyện gì ông cứ nói với tôi.

Đồng chí lão thành chỉ vào mặt chị ta, nói thẳng thừng:

- Cô hoàn toàn không phải người!

- Cô soát vé bỗng nổi cơn tam bành, nói the thé:

- Ông ăn nói sạch sẽ một chút. Tôi không là người thì là gì?

Đồng chí lão thành vẫn bình tĩnh, cười ranh mãnh, ông nói:

Cô là người ư? Cô đưa giấy chứng nhận "người" của cô ra xem nào...

Mọi hành khách chung quanh lại cười ầm lên một lần nữa.

Chỉ có một người không cười.

Vũ Công Hoan dịch


Hãy chiếu sáng!

Sau một ngày tham dự hội nghị, tôi về phòng khi trời đã tối. Bóng đèn trên đầu bên ngoài cửa đã bị cháy nên khó khăn lắm tôi mới dò được lỗ khóa. Khi mở cửa được rồi, tôi mò trên tường để tìm công tắc đèn. Tôi tìm thấy hộp gắn công tắc nhưng lại... không có công tắc.

Không dễ nản lòng, tôi nhớ có đặt một cái đèn bên cạnh giường khi sắp xếp đồ đạc sáng sớm hôm đó. Thế rồi, tôi cũng đến được giường và quơ tay trong bóng tối tìm cái đèn, nhưng khi tôi bật công tắc thì đèn không sáng. Làm sao bây giờ?

Biết rằng bên ngoài cửa sổ phòng cũng tối đen bởi vì bóng đèn ngoài cửa đã bị bể, nhưng tôi nghĩ bụng nếu như tôi mở màn cửa ra, tôi sẽ có thể tận dụng được ánh sáng từ ngoài phố hắt vào để tìm một cái đèn khác. Thế là tôi từ từ đi đến chỗ treo màn cửa, nhưng... không có dây để kéo!

Tôi quờ quạng và cuối cùng đã tìm được một cái đèn bàn còn sử dụng được. Tối hôm ấy, tôi chợt khám phá rằng thế giới này có thể tối đen mù mịt và ánh sáng cần thiết biết bao.

Thế nhưng, cần thiết hơn thứ ánh sáng vật chất nhiều lần là ánh sáng chiếu ra từ chính con người – loại ánh sáng soi sáng nơi tăm tối của tâm hồn và sưởi ấm con tim. Đó là ánh sáng của tình yêu, lòng thương và niềm tin. Bởi đối với nhiều người, cuộc đời này là nơi chốn tối tăm và cô đơn.

Tôi nảy ra ý nghĩ: Cuộc sống chúng ta có đang chiếu sáng vào màn đêm lạnh lẽo như bóng đèn ngoài đường kia, không cần biết có ai nhìn thấy hay không nhìn thấy? Thật là vui khi có người nhận biết chúng ta và cổ vũ, khích lệ chúng ta. Nhưng, phải chăng tự chiếu sáng mới là điều quan trọng nhất?

Hãy để cho ánh sáng của bạn chiếu rọi. Dù gì đi nữa, đó vẫn có thể là ánh sáng của hy vọng và khích lệ soi sáng cho một người nào đó đang ở trong bóng tối. Và nếu như bạn cảm thấy rằng ánh sáng của bạn không hơn gì một ngọn nến trong cánh rừng, hãy ghi nhớ điều này: Bóng tối của cả thế giới này không đủ để loại bỏ ánh sáng của một ngọn nến nhỏ bé.

Bạn sẽ để cho ánh sáng của bạn chiếu soi chứ?

BÁT NGÁT (Theo http://www.nld.com.vn)


Món quà vô giá

Tôi rất thích việc cho và nhận quà; luôn luôn chúng đem lại nhiều điều vui thú lẫn hồi hộp khi mở gói quà ra. Một ngày kia, cháu trai Justin của tôi gởi cho tôi 6 đô và 30 xen...

Nhưng dù đã suy nghĩ nát óc tôi vẫn không tìm được lý do của món quà này.

Tôi tiếp tục suy nghĩ trong vài ngày nữa và sau cùng phải gọi cho Justin để biết nguyên nhân của món tiền đã nhận được: “Cháu gởi cho bà 6 đô và 30 xen ấy để làm gì vậy?”

Và Justin đáp rằng tôi đã luôn lo lắng, quan tâm đến nó, vì thế nó muốn dành tặng ngược lại cho tôi tất cả những gì nó có.

Đặt máy xuống, tôi đã bật khóc – những giọt nước mắt hạnh phúc và ấm áp. Tôi biết rằng trước đây và cả sau này, chẳng bao giờ tôi nhận được món quà chứa đựng tình yêu tinh khiết và ngây thơ như thế.

BÙI NGUYỄN QUÝ ANH (Theo http://www.tuoitre.com.vn)


Hãy nghe những lời thầy nói, đừng - nhìn...

 Đi học về, con tôi vào phòng thưa chuyện với tôi:

- Ba ơi! Giờ chủ nhiệm lớp hôm nay, thầy giáo bảo: “Các em biết không, hút thuốc, uống rượu rất nguy hại cho sức khoẻ lại tốn kém tiền bạc vô lối. Nếu say rượu thì còn làm mất cả tư cách một con người nữa đó. Cho nên các em không nên hút thuốc, uống rượu để giữ gìn sức khoẻ, giữ gìn tư cách của mình”.

 - Thầy giáo khuyên dạy như thế là rất đúng đó con ạ!

 Hôm sau, đi học về, con tôi lại vào phòng thỏ thẻ:

- Ba nè, khi nãy, con thấy mấy thầy giáo ở trường con ngồi uống rượu, hút thuốc ở quán trước trường học, con còn nghe mấy thầy hô “dô dô” to lắm. Sao mấy thầy không sợ nguy hại cho sức khoẻ cũng như không sợ mất tư cách của mình hả ba?

Tôi... ngọng, không biết trả lời thế nào với con.

 NGUYỄN ĐÌNH BÙI THỊ (Theo Kiến Thức Ngày Nay 564)