Truyện Minh Hoạ - Gia Đình

Bầu khí gia đình

Trong quyển sách “Ai chỉ huy ?” tác giả Gianni Rodari ghi lại câu chuyện dí dỏm như sau:

Tôi hỏi một em bé :

- Trong nhà em, ai là người chỉ huy ?

Em bé im lặng nhìn tôi không nói gì. Tôi năn nỉ hỏi thêm :

- Em nói đi mà, trong nhà ai là tướng chỉ huy ? Ba em, hay là má em ?

Một lần nữa, em bé nhìn tôi ngơ ngác như không hiểu gì. Tôi hỏi thêm :

- Em có biết chỉ huy là gì không ? Dĩ nhiên là em biết rồi. Vậy hãy nói đi, ai là người chỉ huy trong nhà em ?

Em vẫn chỉ chăm chú nhìn tôi, làm tôi muốn bực mình, tôi tự hỏi hay là em bị câm chăng ? Nếu vậy thì tội nghiệp em quá ! Thế rồi em quay lưng cắm đầu chạy cách tôi thật xa, rồi quay lại, lè lưỡi nhìn tôi cách đùa cợt chọc ghẹo vừa cười vừa nói:

- Trong nhà em, không có ai chỉ huy cả. Bởi vì chúng tôi thương mến nhau rất nhiều.

Các bạn thân mến, câu trả lời ngây thơ của em bé diễn tả một trực giác rất sâu xa. Vấn đề giáo dục và trưởng thành của tuổi trẻ bắt đầu ngay từ trong bầu khí gia đình. Nó như hơi thở, như cơm ăn, nước uống, thấm nhập vào đời sống con người. Ai lại không hiểu được hậu quả tai hại của những sơ suất và những hành động thiếu khôn ngoan trong đường lối huấn luyện tuổi trẻ. Nó như những vết thương khó chữa lành, và nếu có được chữa lành cũng còn phải mang vết sẹo cả đời. Đó là những vết thẹo được hàn gắn bởi thương của tình thương. Vì thế chỉ có tình thương chân thành mới hàn gắn và chữa lành lại được những vết thương đó.

Trên thực tế, có hai đường lối giáo dục, hoặc là bằng hình phạt, đánh đập để buộc con cái phải thi hành những gì cha mẹ ra lệnh, hoặc là bằng phương pháp đề phòng, tức là dùng lý trí và tình thương thuyết phục để con cái được xác tín về giá trị việc phải làm, việc nên làm, để rồi tự động nó sẽ làm mà không cần phải có người theo dõi hoặc quan sát nó luôn nữa.

Qua nhiều thế kỷ, kinh nghiệm cho thấy phương pháp giáo dục thứ hai là đường lối hữu hiệu hơn cả, và cũng chính là nghệ thuật giáo dục của Don Bosco đối với các bạn trẻ.

Dưới mái gia đình, trong mọi hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống, các phụ huynh cần phải biết chọn một trong hai đường lối giáo dục nói trên, hoặc là dùng áp lực của quyền bính, hoặc là dùng sức mạnh của tình thương.

Bạn thử tưởng tượng đến cảnh trong một gia đình sau đây.

Em Lan ngồi vào bàn cơm, vụng về vướng tay làm rơi đũa xuống đất. Mẹ em giận dữ ra lệnh:

- Lan, cúi xuống nhặt đũa lên ngay !

Em bé nổi ương, xịu mặt, cứ ngồi yên rồi đáp lại:

- Không, con sẽ không nhặt đũa lên.

Mẹ em càng nổi giận quát lớn tiếng:

- Mày lộn xộn, lại còn nổi ương nữa à ?

Một lần nữa với tất cả sự cứng đầu ở tuổi lên ba, nó nhất định trả lời không.

Mẹ em phải làm gì bây giờ đây ? Xem ra bà đã thua cuộc. Nếu bà đánh nó để bắt nó phải vâng lời, bà sẽ cảm thấy nhục hơn nữa, vì đó chỉ là điều vô ích, và sẽ bị chồng khiển trách. Nếu bà nhượng bộ, cúi xuống nhặt đũa lên cho con, em bé sẽ càng lên mặt tự hào và lần sau cũng sẽ tiếp tục như vậy. Dĩ nhiên em sẽ bắt đầu cảm thấy mình là bà chủ con trong nhà. Đó là khởi điểm của những sự xích mích nho nhỏ trong gia đình.

Chắc hẳn mẹ đứa bé sẽ không khỏi phân vân tự hỏi, phải làm sao bây giờ ?

Đây là trường hợp cụ thể cần được áp dụng nguyên tắc đầu tiên của phương pháp đề phòng. Đó là: Trong những xung khắc giữa cha mẹ và con cái, cha mẹ chính là người thua cuộc.

Thật vậy, chúng ta đừng quên rằng, áp đặt ý riêng của cha mẹ trên con cái chỉ là điều vô ích. Hành động của bà mẹ trên đây là khởi điểm của cuộc chiến tranh lạnh trong gia đình, dựa trên một thách đố không lời, nhưng cả hai bên đều có thể hiểu được. Tức là, để xem, ai là người điều khiển, chỉ huy trong nhà ?

Cuộc chiến tranh lạnh đó không đem lại lợi ích gì hơn ngoài những vết thương tâm hồn càng thêm sâu đậm. Chấp nhận gây nên những xung khắc cha mẹ sẽ buộc lòng phải dùng đến hình phạt để sửa trị con cái, vì thế càng làm cho con cái thêm lòng oán hận, và ngấm ngầm tìm cách trả đũa. Cũng đừng quên rằng tuổi trẻ thường rất tinh ranh hơn người lớn. Một khi đã bị thương tổn, chúng rất khôn khéo trong việc tìm mọi mánh lới để trả thù, cả đến những việc khờ dại, thiếu khôn ngoan nữa. Đến nỗi cha mẹ chỉ còn biết lắc đầu than trách không biết phải làm gì với con cái. Đó chính là hoa trái của phương pháp giáo dục dựa trên hình phạt.

Đường lối giáo dục của Don Bosco rất đơn giản. Hình phạt, những lời đe dọa, ra lệnh, được thay thế bằng tình thương, sự tộn trọng nhân vị và tinh thần cộng tác. Tuổi trẻ cần được hướng dẫn trong sự tự do, cần có người lãnh đạo tốt, chứ không muốn có những người kiểm soát luôn đi kèm. Người lãnh đạo tốt là người biết đối thoại chỉ đường, giúp vạch rõ hướng đi, biết đưa ra những đề nghị thích hợp, đồng thời cũng biết thông cảm những yếu đuối và khích lệ những cố gắng, lưu tâm đến những bước tiến nho nhỏ. Đó cũng chính là trách nhiệm của cha mẹ và các bậc thầy dạy.

Tuổi trẻ cần đến sự hướng dẫn của cha mẹ, mặc dù thái độ bên ngoài nhiều lúc tỏ ra như bất cần. Tuy nhiên, các bạn trẻ thường chỉ chấp nhận nếu được tôn trọng và được đối xử như người bằng vai. Trái lại, chúng sẽ cảm thấy nhân vị mình bị tổn thương nặng nề mỗi lần bị đánh đập, quở trách một cách bất công phi lý.

Bà mẹ của Lan trong trường hợp trên đây, có thể tránh được sự xung khắc và sự phát ương cứng đầu của cô bé một cách dễ dàng và ổn thỏa hơn bằng một cái nhìn nhân từ, âu yếm, bằng một nụ cười khích lệ, hoặc bằng một lời nói khôi hài, bằng lời mời cộng tác của đứa bé, thay vì bằng thái độ nóng giận và những lời dọa nạt. Và dĩ nhiên em sẽ tự nhận sự vụng về của mình và sẽ tự cúi xuống nhặt đũa lên mà không cần được ai sai bảo. Sự việc nhỏ bé ấy sẽ được giải quyết một cách tự nhiên nhẹ nhàng, không gây tiếng to tiếng lớn, cũng không là sự thua thắng của ai cả.

Việt Nam có câu: “ Một nhịn, chín lành “. Biết nhịn và thực tình tha thứ đúng chỗ, đúng lúc, không phải là thua cuộc, cũng không hẳn là yếu nhược; trái lại là sức mạnh, là thắng cuộc, bởi vì chiến thắng đầu tiên là tinh thần tự chủ, là khắc phục được tính nóng giận của chính mình.

-----------

Cf * FERRERO Bruno, Quando i genitori perdono, in Genitori Felici con il sistema di Don Bosco , LDC (1997) p. 28 - 30.

Nguồn: donboscoviet  


Cư xử với người sống và kẻ chết

“Kẻ tôn kính cha được xóa lỗi lầm

Và trọng kính mẹ khác gì tích trữ bảo tàng

Kẻ trọng kính cha sẽ được dài ngày

Người an ủi mẹ sẽ được công nơi Chúa”

(Hc 3,3-4.6)

Giu-se và Ni-cô-đê-mô lãnh công việc khiêng xác Chúa Giê-su từ thập giá đến huyệt mộ. Có lẽ trong lòng họ đã có những bứt rứt vì ăn năn và hối tiếc. Hối tiếc vì những năm tháng trôi qua trước đó, họ biết đức Giê-su là Thiên Chúa, nhưng đã không công khai tuyên xưng Người.

Ngày nay, chúng ta cảm phục lòng hy sinh của họ. Họ liều chịu nhạo báng -và có thể cả hiểm nguy nữa- để cung kính đưa xác Chúa đến nơi an nghỉ; họ liệm xác Chúa bằng vải sạch, trải thuốc thơm lên thi thể Người.

Nhưng sự hiếu thảo đối với một xác chết không thể thay thế cho sự hiếu thảo khi người đó còn sống. Phục vụ cho người ấy khi họ còn sống là điều quan trọng hơn! Hình ảnh đáng cho chúng ta suy nghĩ liên quan đến vấn đề này, đã từng diễn ra ở nhiều trường hợp: Một người mẹ, một người cha, một người thân yêu... bị xao lãng, bị bỏ quên ngay khi còn sống sờ sờ! Họ bị con, cháu, anh, em hầu như từ chối, không được một chút tình yêu thương, chăm sóc và biết ơn!

Rồi cái chết của họ, có lẽ đánh thức những người kia! Và, những cỗ áo quan đắt giá, những vòng hoa kềnh càng với một đám táng lin đình! Quả là một sự long trọng vô nghĩa.

Giống như Giu-se và Ni-cô-đê-mô, chúng ta cũng có những ray rứt vì đã xao lãng với những người thân yêu khi họ còn sống."

Sưu tầm


 Bát canh hẹ

 Xưa có một người bị ngờ là kẻ trộm, phải giam ở trong ngục, không ai được vào thăm hỏi. Một hôm, bà mẹ làm cơm nhờ người canh ngục mang vào. Người kia trông thấy mâm cơm, khóc nức nở, không sao ăn được. Người canh ngục hỏi tại làm sao. Người kia nói:

   - Tôi ở nhà hay ăn canh hẹ; mẹ tôi thường rửa từng cái nõn hẹ, ngắt thật đều, nấu cho tôi ăn. Nay trong mâm cơm có bát canh hẹ, chắc là mẹ tôi đã từ xa lặn lội đến đây, không được giáp mặt tôi, tôi lại không được ra ngoài để hầu hạ mẹ tôi, xót xa biết là dường nào.

   Người canh ngục thương tình, vào bẩm chuyện với quan. Quan nghĩ: “Người có hiếu như thế, tất là người tốt”, bèn đem án xét lại thì quả là bị kẻ thù vu cáo. Lập tức, quan làm tờ thân oan ngay cho. Người kia được tha về."

Sưu tầm


Bé mù từ lúc mới sinh

Một bà mẹ kể lại cái kinh nghiệm mà bà đã học được từ đứa con mù loà của mình như sau:

Tôi có đứa con trai bị mù từ lúc mới sinh. Khi cháu được 20 tháng, lần đầu tiên tôi đưa cháu đến một siêu thị gần nhà. Với những bước đi chập chững, nó không ngừng bám vào gấu áo của tôi, và cứ vài ba bước nó lại ngừng lại để lắng nghe những tiếng động chung quanh.

Sáng hôm đó, tôi đã học được nhiều điều. Thật thế, tôi bỗng nhận ra rằng từ tiếng chân người đi bộ đến tiếng xe, tất cả các tiếng ồn đó đều khác nhau. Cách 100 thước chúng tôi đã nghe mùi thơm của một tiệm bánh kẹo. Vừa vào cửa tiệm, đứa con đã dừng lại và mỉm cười. Tôi mua cho cháu một sôcôla rồi tiếp tục đi đến một cửa hàng khác. Một con chim từ đâu bay đến gần bên chúng tôi. Con tôi đứng lại, như đang thưởng thức tiếng chim hót. Một lúc, sau tôi thấy cháu le lưỡi ra và hít thở làn gió mát từ phương bắc thổi tới, cho tới giờ phút này tôi vẫn chưa biết gió đến từ đâu.

Chúng tôi tiếp đi. Vào cửa tiệm bán cá, con tôi liềm ném mẫu sôcôla và đưa tay sờ vào các loại cá.

Trên đường về, con tôi cười vui rộn rã hơn bao giờ hết. Nụ cười của nó nói với tôi rằng hôm ấy là một buổi sáng tuyệt vời của nó vì nó đã khám phá được những điều mới mẻ kỳ diệu. Riêng tôi, tôi đã tự hỏi: tôi với con tôi, ai mới thực sự là kẻ mù loà."

Sưu tầm


Bi kịch của tình mẫu tử

Bà Rosanne Willman đã thật sự trải qua cơn ác mộng của người mẹ trước quyết định sẽ nhường thận của mình để cứu sống hai trong số bốn đứa con đang chờ chết vì một chứng bệnh thận nan y. Thật đau lòng khi việc cứu sống một người con cũng là bản án tử hình cho ba kẻ xấu số còn lại.

Với nét mặt sầu khổ đến cùng tận, người phụ nữ 51 tuổi, sống ở tiểu bang Illinois tâm sự: “Đây là quyết định đau đớn và khó khăn nhất trong đời tôi. Tôi đi hỏi Bác sĩ: có thể cho mỗi đứa con một nửa quả thận được không...nhưng không thể!”

Bốn người con của bà Rosanne bị một chứng bệnh rất hiếm: hội chứng VIIL (von hippel lindau syndrome), di truyền từ người cha. Căn bệnh này gây ra các khối u trong thận, mắt, xương sống, não và hệ thần kinh. Đôi khi khối u biến thành ung thư. Các con bà Rosanne đã trải qua18 lần giải phẫu và hơn 100 lần tiểu phẫu mắt. Steve, con trai đầu, 32 tuổi, đã bị mù một mắt, mắt kia mờ hẳn và bị các khối u khắp cơ thể. Tuy vậy anh vẫn làm việc cho hội từ thiện thành phố với những khả năng hiện có. Kim 31 tuổi, với vẻ đẹp lôi cuốn, từng mơ ước trở thành người mẫu, nhưng giải phẫu mắt đã buộc cô phải chuyển sang nghề y tá. Lisa, 27 tuổi hiện đang hoạt động trong nghề địa ốc. Jeff con trai út, 25 tuổi, ít lận đận hơn vì 1.3 quả thận vẫn còn hoạt động tốt. Bà Rosanne sẽ nhường thận  cho ai trong số họ?

Sau những đắn đo cân nhắc, bà Rosanne họp các con lại để chọn lựa quyết định cuối cùng. Mọi người nhìn nhau, mắt đẫm lệ. Lisa phát biểu: “Theo con, mẹ nên dành cho Steve. Anh ấy là người mang chứng bệnh nặng nhất”. Rosanne đã đồng ý với các con: dành phần sống cho Steve. Anh đã không kìm được xúc động trước sự hy sinh cao cả của mẹ và tình yêu thương của các em. Anh nghẹn ngào: “Làm sao tôi có thể đền đáp được công ơn của người đã sinh ra và cứu mạng sống cho tôi”.

Những người con còn lại trong gia đình Rosanne chỉ còn trông chờ vào những quả thận hiếm hoi do ai đó tự nguyện hiến tặng. Dù hàng ngàn người đã chết trong mòn mỏi đợi chờ, thất vọng vì người cho thận ngày càng ít ỏi, họ vẫn hi vọng. Niềm hy vọng giờ đây là niềm khích lệ họ sống thật trọn vẹn những ngày còn lại.

Cơn ác mộng của bà mẹ Rosanne rồi sẽ qua đi. Vấn đề còn lại là rồi đây con người có mạnh dạn chia sẻ bộ phận cơ thể như “nhường cơm xẻ áo” cho những kẻ bất hạnh? Trong thực tế, những người biếu tặng chỉ cho phép sử dụng bộ phận cơ thể họ khi họ chết. Các giới chuyên môn vẫn đang tranh luận tìm cách khuyến khích thân nhân những người chết đồng ý trao tặng các bộ phận cơ thể ngay cả khi người sở hữu không có ý kiến."

Sưu tầm


Bi kịch ngộ nhận của Albert Camus

   Hai mẹ con cô Martha, chủ một lữ quán ở vùng quê hẻo lánh. Một hôm có một hành khách sang trọng ghé lại quán. Hai mẹ con cho ông này uống một thứ thuốc mê, lấy hết của cải rồi vứt ông xuống sông. Sau đó một thời gian, Jan, con bà chủ quán, sau khi bỏ nhà đi xa 20 năm, nay trở về. Mẹ không nhận ra con, và riêng Jan, vì một lý do riêng chưa tiện nói tên tuổi thật của mình cho mẹ hay. Thế rồi Jan cũng bị một liều thuốc ngủ và bị quẳng xuống sông trôi ra biển như bao khách trọ trước y thị.

   Ngộ nhận là ở chỗ nhiều người tưởng ghé lữ quán nghỉ mệt thì lại bị chết oan; bà chủ quán giết con mà cứ tưởng khách hàng! Thế giới này cũng lắm cảnh đảo điên như thế."

Sưu tầm


Bí quyết thành công

   Nhờ bỏ ăn trưa mà nhà kinh tế học WALTER WILLIAMS  tìm ra được một trong những bí quyết thành công. Ông đã kể lại như  sau:

   “Năm 13 tuổi, tôi đúng là một đứa trẻ lang thang, lêu lổng. Mẹ tôi phải đi nấu nướng thuê để nuôi chúng tôi, và tôi thường đến xin thêm tiền bà để ăn trưa, vì bao nhiêu tiền dành cho việc ăn uống ở trường, tôi đã xài hết sạch.

   Một hôm, mẹ tôi bảo:

   -Con tiêu sạch tiền trong lúc con cũng hiểu rằng phải dành tiền để ăn trưa.

   Và bà không cho tôi một xu nào. Nghĩ mẹ mình là một người tàn ác nhất đời, tôi bỏ luôn bữa ăn trưa trong tuần. Nhưng từ đó, tôi không còn dám xài chi vào tiền ăn nữa. Đó là bước đầu mà tôi đã sống như một con người thực sự văn minh, tức là con người ý thức được trách nhiệm của mình.

   Thật ra mẹ tôi đâu phải là người tàn ác. Bây giờ tôi mới hiểu được mẹ tôi đã đau lòng thế nào biết tôi nhịn đói. Nhưng nếu các bậc cha mẹ không đủ can đảm để bắt buộc con cái mình phải gánh chịu hậu quả về những sự vô trách nhiệm của bản thân chúng nó, thì làm sao họ có thể dậy dỗ cho con cái họ biết sống nên người?"

Sưu tầm


Câu chuyện « Hoa cúc »

   Một em bé nó chỉ có mỗi một người mẹ.  Hai mẹ con đùm bọc nhau sống qua ngày. Ngày kia mẹ em bé bị bệnh nặng, em cố gắng tìm đủ mọi cách có thể được để cứu lấy người mẹ, nhưng càng ngày tình thế càng tuyệt vọng.  Em ra đi tìm thuốc cho mẹ.  Em thấy một bông hoa trắng đẹp bên vệ đường.  Cầm hoa trong tay, em bỗng nghe có tiếng nói:  “Cứ đếm hoa có bao nhiêu cánh thì mẹ còn sống bấy nhiêu ngày.”  Em bé bắt đầu đếm, có 20 cánh hoa cả thảy. Vậy mẹ em chỉ còn sống có 20 ngày nữa thôi ư?  Nhìn trước nhìn sau như sợ có người nào đó bắt gặp, em bé kéo dài và xé các cánh hoa ra để tăng thêm số cánh hoa.  Vì em nghĩ, tăng số cánh hoa tức là tăng tuổi thọ cho mẹ. Thấy em có hiếu như thế, Chúa thương đã cho mẹ em bình phục và sống lâu.

   Hoa trắng đó chính là Hoa Cúc mà hiện nay chúng ta thấy có điểm thêm những cánh hoa có chiều dài, dài hơn những cánh hoa khác.  Hoa nở vào mùa xuân là để nói lên sự sống cùng tâm tình hiếu thảo.

Sưu tầm


Bức thư không địa chỉ

Fred Amstrong là một người hiền lành sống ở tỉnh lẻ miền quê Anh Quốc. Anh đảm nhận một công việc khiêm tốn như con người của mình: chọn lựa, suy đoán để gởi đến tận tay người nhận những bức thư sai địa chỉ. Sống cùng vợ và hai con trong một ngôi nhà cổ kính, thú vui duy nhất buổi tối của anh là hút một tẩu thuốc rồi kể cho hai con nghe việc làm không kém phần hấp dẫn của mình. Nó giống như việc làm của nhà thám tử khi bắt tay điều tra một vụ án. Bỗng dưng, vào một buổi sáng đẹp trời, Peter, cậu con trai út của anh ngã bệnh rồi qua đời.

Tâm hồn tan nát, anh cảm thấy bị hụt hẫng như đang chìm xuống tận cùng địa ngục. Vợ anh cùng Marianne, cô con gái, đã chiến đấu hết sức mình để vượt qua cơn hoạn nạn. Riêng Fred thì không, nỗi đau đã gặm nhấm và đục rỗng tâm hồn anh... Bơ vơ, lạc lõng, anh buông xuôi đời mình trôi dạt như những bức thư không địa chỉ. Anh đến sở làm như kẻ mất hồn, giam mình trong im lặng, trừ khi các đồng nghiệp thăm hỏi. Tối đến, vào bàn, anh ngồi bất động ăn vội vã rồi đi ngủ. Tuy nhiên, vợ anh biết chắc chắn là anh sẽ thao thức suốt đêm để nhớ đến cậu con bé bỏng. Người vợ hiền thục đã nhiều lần nhắc nhở anh quay về với cuộc sống thực tế, đảm nhận lại nghĩa vụ của người chủ gia đình. Nhưng căn bệnh suy nhược tâm lý của anh hình như trầm trọng hơn lên với thời gian.

Giáng sinh đã cận kề. Fred ngồi lặng lẽ trong văn phòng tay mân mê chồng thư mà anh đang cố đoán địa chỉ chính xác để gởi đi. Dù sao đấy cũng là những tình cảm thiêng liêng người ta trao đổi nhau trong ngày Chúa ra đời, Fred không thể lơ là. Giữa chồng thư bề bộn có một chiếc mà chắc chắn anh biết không thể gởi đi được. Trên phong bì vỏn vẹn một hàng chữ vụng về bằng bút chì, ghi một địa chỉ kỳ quặc:  ÔNG GIÀ NOEL-CỰC BẮC ĐỊA CẦU. Anh định vất vào sọt rác, nhưng một mãnh lực vô hình giữ tay anh lại. Anh chậm chạp khẽ bóc thư, lướt mắt trên dòng chữ không được may mắn lắm.

 “Ông già Noel thân mến!

Giáng sinh năm nay gia đình con gặp chuyện rất buồn. Con van ông đừng mang quà cho con nữa. Em trai con đã vội bỏ con về trời vào mùa xuân vừa qua. Con mong ông mang hộ lên cho bé những món đồ chơi mà bé còn bỏ lại: con ngựa gỗ, chiếc tàu hoả và những thứ khác. Bé chắc sẽ cảm thấy rất lạc lõng khi không có chúng. Riêng con, con không dám xin ông một thứ gì, ngoài việc giúp bố hút lại tẩu thuốc và kể chuyện cho con nghe như trước. Một hôm con chợt nghe bố nói với mẹ là chỉ có cõi vĩnh hằng mới giúp được bố lành bệnh. Ông có thể biếu nó cho bố con một ít?

Cháu gái luôn ngoan ngoãn của ông.

Marianne”

Chiều hôm ấy, Fred Amstrong trở về nhà với những bước chân vội hơn thường lệ. Từ khi phố nhận nhịp rộn rã ánh đèn mừng Giáng sinh, anh rẽ vào sân nhà. Dừng lại trong bóng đêm anh đánh diêm để châm tẩu thuốc. Đẩy nhẹ cửa bước vào, anh nhả một làn khói thơm lừng, lượn lờ quanh hai khuôn mặt thân yêu đang chờ đợi.

“Anh ấy đã hút thuốc lại, thật không ngờ” Bà mẹ mừng thầm.

Riêng cô bé gặp trên khuôn mặt cha nụ cười rạng rỡ như lúc cậu em Peter còn sống. Lần đầu tiên, Marianne tìm lại được những ngày êm ả đích thực của mình."

Sưu tầm


Bất nhẫn

   Đời Đường bên Tàu, có gia tộc của quan Trương Công Nghệ, chín đời ông bà con cháu chút chít ở chung với nhau dưới một mái nhà, được danh truyền là “Cửu đại đồng đường”. Danh tiếng này vang đến cả vua Cao Tông, vua đã khen ngợi gia tộc này như một truyện lạ, một mẫu gương hiếm có. Nên chính vua, một hôm đã đích thân tới thăm, để tận mắt thấy được cảnh gia tộc xum họp ấy. Vua đã hỏi quan Trương Công Nghệ làm thế nào mà gia tộc chín đời có thể sống chung được như vậy. Quan Trương Công Nghệ đã bảo con cháu đem giấy bút ra, và ông đã viết 100 chữ NHẪN, tựa để là “BẤT NHẪN” để dâng lên vua Cao Tông. Từ đó truyền lại cho hậu thế gương gia tộc Trương Công Nghệ với danh xưng “BẤT NHẪN”.

Sưu tầm