Truyện Minh Hoạ - Gia Đình

Gói xôi của mẹ  

Khi tôi còn bé, vì điều kiện gia đình rất khó khăn nên mẹ tôi vừa phải làm việc đồng áng lại vừa kiêm luôn cả nghề bán xôi.

Xôi của mẹ chỉ bán vào buổi sáng, chủ yếu dành cho những cô, cậu học sinh lót dạ trước những tiết học căng thẳng và mệt nhọc nên giá chỉ khoảng 500 - 1000đồng/ gói. 

 Tuy nhiên không phải vì thế mà những gói xôi này kém chất lượng, ngược lại, đó là những gói xôi được mẹ chuẩn bị kỹ càng từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu đồ chín rồi đem đi bán. Mẹ bán nhiều loại xôi lắm, hôm thì xôi đậu, xôi gấc; có hôm xôi lạc, xôi vừng…mỗi lần gánh xôi đi kiểu gì mẹ cũng dành sẵn một gói xôi to tướng nóng hôi hổi để tôi ngủ dậy có cái ăn sáng rồi đi học. Tôi rất thích thú với những gói xôi của mẹ, không biết có phải do tôi ham ăn xôi hay bởi với tôi xôi mẹ đồ luôn là ngon nhất nên hôm nào tôi cũng đánh chén một cách ngon lành.

Thế nhưng sáng nào cũng điệp khúc xôi lại xôi khiến tôi thấy đâm ra thấy ngan ngán, dầu vậy tôi cũng không làm sao mở miệng nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi con không ăn xôi nữa đâu, mẹ đừng để lại cho con nữa” bởi tôi sợ mẹ buồn. Vả lại nhiều khi mẹ gói lại một phần xôi cho tôi trước khi mẹ đem đi bán giống như một thói quen gần gụi, thân thương không thể nào khác được, hiểu vậy nên tôi lại càng chẳng muốn nói với mẹ làm gì. Thế là tôi nghĩ ra một kế sách mà theo tôi hồi ấy “vẹn cả đôi đường”, khi tôi tỉnh dậy thì đồng nghĩa với việc mẹ đã đi làm rồi nên mẹ sẽ không có ở nhà để trông thấy hành động “đen tối” của mình, còn gói xôi để trên bàn tôi quăng cho con chó Milu ăn, vậy là xong. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì xảy ra, cho đến một hôm…

Tôi vừa ném gói xôi ra một góc cho Milu thì mẹ đột nhiên quay về, hình như mẹ quên đem theo vá múc xôi thì phải, thấy gói xôi còn nguyên vẹn đang từ từ vơi dần trên miệng con Milu thì mẹ đã hiểu ngay toàn bộ sự việc. Mẹ chẳng quát mắng gì tôi cả, chỉ khẽ nói (giọng nói mẹ khi ấy buồn thật buồn): “Con làm thế này bao lâu rồi! Con có biết gói xôi mẹ để lại cho con là mồ hôi, công sức của mẹ không? Nếu con không thích thì hãy nói với mẹ một tiếng, mẹ không trách con đâu”.

Tôi chỉ biết cúi gằm mặt, lặng im nghe mẹ nói. Mỗi lời nói của mẹ như từng tiếng chuông ngân vang làm thức tỉnh lòng tôi, khiến tôi thấy thật hối hận bởi hành động dại dột của mình. Để có được gói xôi cho tôi ăn mẹ đã phải thức dậy rất sớm trong khi tôi còn đang say giấc nồng, biết bao mệt nhọc, lo toan bộn bề vậy mà mẹ chẳng than thở lấy một lời. Còn tôi, chỉ vì nỗi sợ hãi vẩn vơ đã khiến mẹ thêm buồn.

Khi đã lớn lên, tôi hiểu mẹ không trách mình về chuyện gói xôi, mà sâu xa hơn mẹ muốn tôi hiểu rằng: làm người cần có tính chân thực, thẳng thắn; từ đó giúp tôi nhận ra một bài học vô cùng thấm thía và càng cảm thấy thương mẹ nhiều hơn.

Giờ đây gia đình tôi đỡ vất vả nhiều nên mẹ không còn phải đi bán xôi vào mỗi buổi sáng nữa nhưng mỗi khi nghe tiếng rao: “Ai xôi đi, xôi đi…” lại khiến tôi nhớ tới mẹ và gói xôi năm nào.

Phạm Thị Hồng


Ba...  

Ba vừa đến, dúi cho con mấy con cua để con ăn. Ba biết con thích hải sản nên mỗi lần có người quen ở quê xách vô cho ba con mực, con cá, con tôm, con cua, ba đều đem qua gởi con một ít. Con còn nhớ ngày còn nhỏ, lâu lâu ghé qua nhà, ba thường mua 1 hộp 3, 4 cái càng cua rang me vì con thích món đó nhất. Dù rằng lúc đó giá cua mắc kinh khủng. Nhưng vì con, ba chẳng tiếc gì cả.

Ba không còn ở với con từ ngày con học cấp 1. Suốt đời này con vẫn không quên có một đêm ba và mẹ nói chuyện với nhau, con không biết ba nói gì, chỉ nghe mẹ nói ba đừng đi, đừng bỏ con. Nhưng rồi thì ba vẫn đi. Lúc đó, con còn quá non nớt để hiểu lý do vì sao ba đành lòng dứt áo ra đi như vậy. Đâu phải vì con không ngoan hay ngỗ nghịch gì đâu. Con tuy là con gái, nhưng con vẫn có thể đóng vai 1 thằng con trai nếu ba muốn cơ mà. Con cũng ngoan và học giỏi đủ để ba tự hào với bạn bè và mọi người xung quanh mà. Nhưng vì sao, cho đến giờ con vẫn không hiểu vì sao ba lại bỏ con mà đi hả ba?

Con không tủi thân khi nhìn nhà con và mẹ ở nhỏ xíu, xuống cấp dữ dội mà không sửa được, mưa là nước ngập lênh láng, trong khi nhà ba và gia đình mới của ba thì cao to, bề thế như một biệt thự. Nhưng con tủi thân khi thấy ba đưa đón những đứa con riêng của ba đi học, đều đặn mỗi ngày, còn con ngày trước bị ba cho "leo cây" không biết bao nhiêu lần. Mẹ nói con khờ khi ba nói là tin, nhưng có những thứ giống như là một sự mặc định, muốn đổi cũng không đổi được. Con vẫn luôn ngoảnh đầu nhìn lại mỗi khi ra đường nhìn thấy những đứa trẻ một tay ba nắm, một tay mẹ nắm. Con vẫn đau đáu mỗi khi lật giở lại những tấm hình cũ, con bé xíu trong vòng tay thô ráp của ba. Có những thứ giản dị như thế, nhưng sao là quá xa xỉ với con...

Con biết ba đã cố bù đắp cho con bằng vật chất. Ngày xưa, con hứng lên đòi ba mua bộ trò chơi điện tử, ba mua không chút đắn đo. Ngày ba sắm bộ máy vi tính, cứ tới hè là con đòi ba cho con mượn chơi game, ba cũng gác lại công việc và nhờ người đem qua lắm cho con. Rồi tới cái CPU, cái mp3, sợi dây chuyền bạch kim, những bộ quần áo, những chuyến đi du lịch đắt tiền, chỉ cần con thích là ba chiều hết. Nhưng ba ơi, có nhiều thứ tiền không thể mua được ba có biết không ba?

Từ ngày con sống cùng mẹ, con đã tự hứa với lòng là sẽ trở thành 1 đứa con lý tưởng, sẽ học thật giỏi để ba không coi con như một đứa bỏ đi. Con muốn chứng tỏ, chứng tỏ rằng gạt con qua một bên là sai lầm của ba. Rằng mỗi khi ba cần 1 đứa con để khoe với bạn bè, dòng họ, ba chỉ có DUY NHẤT 1 mình con. Bởi vậy mà con ráng học để vào LHP, ráng vào Y. Con còn tập coi đá banh, để có thể tự tin đứng trước mặt ba mà nói chuyện, con gái ba không phải là đứa ngốc. Con học vì mối hận năm xưa ba đã bỏ con. Nhưng càng hận ba, con càng biết mình vẫn còn nhớ đến ba, nhiều, nhiều lắm.

Nếu nhà còn ba, mẹ đã không quản giáo con nghiêm đến vậy, không bắt con từ bỏ những thứ con thích nhiều đến vậy. Tự trong thâm tâm con vẫn biết mẹ muốn tốt cho con, nhưng vì mẹ phải đóng vai trò của người mẹ và người cha nên lòng yêu thương đó trở nên rất cực đoan. Con phải từ bỏ những sở thích của mình và sống theo ý mẹ, chỉ cần muốn thoát ra một chút là sẽ bị chửi ngay. Con ngột ngạt, khó thở trong chính ngôi nhà của mình. Cách đây vài năm, con hỏi mẹ "Sao con vẫn không được lắp internet trong khi con không ham chơi, con học giỏi hơn đứa em nhà bên cạnh, mà nhà nó có internet, có truyền hình cáp rồi?", mẹ bực mình xẵng giọng "Vì nó có ba má nó quản lý, còn mình tao, tao không canh nổi mày". Lời nói của mẹ như vết dao cứa vào lòng con. Thì ra, không có ba thì con bị chịu thiệt thòi nhiều như vậy ...

Bây giờ ba làm lớn, ba có những việc trọng đại cần phải lo, nhưng bất cứ khi nào ba có một phút rảnh rỗi, hãy nhớ là vẫn có một đứa con gái vẫn luôn mong ba tới thăm, nha ba ...

Phan Minh Phương


Ba mẹ ơi, con về đây!

 Một năm học lại qua đi nhanh chóng, nó chuẩn bị sắp xếp lại chồng sách vở để tới dự buổi liên hoan cuối cùng của lớp - kết thúc một năm 2 sôi nổi thời sinh viên.

Với tâm trạng háo hức, nó không muốn dành cả mùa hè chỉ để về nhà cùng ba mẹ, dù rất nhớ…Hè trong nó là phải “ngao du thiên hạ”, phải đến những vùng đất mới, khám phá nhiều điều mới, để “sống” và cháy hết mình cùng ngọn lửa tuổi trẻ đang hừng hực sáng trong tim.

Mẹ gọi điện cho nó bảo: “Con à, về nhà nghỉ ngơi đi, học hành nhiều chắc cũng vất vả rồi!”, nó lắc đầu nguầy nguậy từ chối: “Thôi mẹ à, con đi sinh viên tình nguyện, sau đó làm thêm, học thêm, bận lắm, con không về đâu!”; mẹ lại nhắn nhủ nó nghe buồn thật buồn: “Ừ,thế thì con ở trong đó nhớ phải biết tự chăm sóc mình nha! Ba mẹ nhớ con lắm, dù sao cũng muốn con về...”.

Buông máy xuống, nó thinh lặng hồi lâu…thực ra nó cũng muốn về, đã lâu lắm rồi nó không được mân mê bàn tay chai sần của ba mỗi khi ba đóng lại cánh cửa nhà cho chắc chắn, khi ba cần mẫn cày cuốc ngoài vườn để trồng luống rau bán tăng thêm thu nhập cho gia đình; hay những phút giây yên bình nó ngồi bên thềm hè nhổ tóc sâu cho mẹ và nghe mẹ thủ thỉ chuyện nhà cửa, họ hàng, chợ búa, bán buôn…Nhưng rồi một thoáng mềm lòng lại nhường chỗ cho sự cứng cỏi đang bừng bừng trong nó, nếu về thăm ba mẹ nó chỉ còn có hơn 1 tháng để làm thêm, vả lại từ Sài Gòn trở ra quê hương nó cũng tốn biết bao nhiêu tiền tàu xe, ăn uống…Điều này khiến nó thấy bứt rứt không yên.

1 ngày…2 ngày…5 ngày…nhiều ngày trôi qua, ba mẹ thay nhau gọi điện hỏi thăm sức khỏe, tình hình học hành của nó. Nó thấy lòng chộn rộn, quả thật chẳng ổn chút nào vì bạn bè hầu như ai cũng về quê hết, chỉ còn mình nó trong căn phòng trọ buồn thiu, nó lại thèm món canh chua mẹ nấu, lại muốn về nhà chỉ để đỡ đần ba mẹ những công việc mà nó có thể làm. Cuộc sống mưu sinh khiến nó vô tình quên mất rằng chỉ có ở bên gia đình mới khiến cho lòng mình bình yên thực sự. Nó có thể cố gắng học thật tốt để săn được nhiều học bổng. Nó có thể kiếm tiền trang trải cho việc học hành, sinh hoạt bằng nhiều cách khác nhau, chứ không nhất thiết phải dành cả mùa hè với những đồng lương làm thêm ít ỏi. Giật mình ngoảnh nhìn lại con đường đã đi qua, 2 năm rồi nó chưa về nhà, 2 năm nó mê mải làm thêm, kiếm tiền, mê mải với những dự định tương lai dài dằng dặc, mà quên mất nơi quê nhà yêu dấu ngày càng hằn dần trong đôi mắt ba mẹ nỗi mong nhớ nó trông chờ....Nó chợt nhận ra mình thật vô tâm.

Phải rồi, mình phải về nhà, là để ngụp lặn trong dòng suối mát trong tình thương ấm áp gia đình, là để thấy mình trưởng thành hơn từ nơi mình sinh ra, gắn bó. Nó sắp xếp lại căn phòng cho ngăn nắp, khoác ba lô trên vai, khẽ thầm thì: “Ba mẹ ơi, con về đây…”

Phạm Thị Hồng


Chiếc bánh nhân yêu thương...  

Sinh nhật năm nào của tôi, bà cũng làm một chiếc bánh ga tô thật to để dành tặng cho đứa cháu gái bé bỏng.

Chiếc bánh ga tô không nhiều màu sắc sặc sỡ như ở cửa hàng, nhưng rất thơm ngọt làm tôi mê mẩn đến nỗi ăn no căng cả bụng. Cả năm bà mới làm loại bánh đó một lần, bà bảo cái gì ăn ít thì mới muốn ăn nữa, ăn nhiều quá dần dần sẽ mất đi vị ngon. Và cứ thế, năm nào tôi cũng háo hức chờ đến sinh nhật để được ăn no căng chiếc bánh đặc biệt bà làm riêng cho tôi…

Năm nay, tôi tròn mười tám tuổi, thời khắc đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời. Bố mẹ cho phép tôi được tổ chức sinh nhật thật to, mời thật nhiều bạn bè…

Tôi háo hức cả tuần để chờ đến sinh nhật quan trọng này. Bước sang tuổi mới nhiều thay đổi, cuộc đời đang chào đón, nghĩ đến đó lòng tôi vui sướng lạ lùng. Cả nhà cũng vui mừng lây với tôi, ông bà, bố mẹ và cu Tũn cứ chạy đi chạy lại dọn dẹp nhà cửa…

Đêm sinh nhật cuối cùng cũng đến, tôi mặc váy trắng như công chúa và điểm một nụ cười thật tươi trên khuôn mặt, nhận thật nhiều hoa, quà, lời chúc của bạn bè. Những ngọn nến lung linh cắm trên chiếc bánh ga tô ba tầng bạn bè mua tặng, khiến tôi hân hoan đến nghẹn ngào...

Sau khi thổi nến và thầm thì những điều ước, tôi háo hức thưởng thức bữa tiệc sinh nhật của mình. Nếm một miếng bánh ga tô bạn bè mua tặng, vẫn vị ngọt ngào béo ngậy đặc trưng của loại bánh cao cấp, nhưng sao không thể ngon ngọt như chiếc bánh tôi thường ăn trong những sinh nhật đã qua. Tôi chạy loanh quanh tìm bà để hỏi về chiếc bánh ga tô mọi năm bà dành tặng tôi đâu, thì bà trả lời vì bận bịu chuẩn bị cho buổi tiệc sinh nhật long trọng của tôi mà bà không thể làm kịp. Chẳng hiểu sao hai hàng nước mắt lã chã, bỗng cảm thấy thiếu hụt đi một điều gì ngọt ngào, thân thuộc lắm. Bánh của bà cũng giống như bánh đi mua, thậm chí đơn giản hơn nhiều, nhưng sao không có thì cảm giác buồn bã, trống trải đến thế. Có lẽ, bánh của bà được rắc thêm rất nhiều gia vị tình yêu mà bà luôn muốn dành cho tôi…

Khi bạn bè đã về hết, tôi phụng phịu đòi bà làm cho tôi một chiếc bánh, một chiếc bánh không đủ trứng, sữa hay bơ, vì bà không kịp chuẩn bị, nhưng có sao đâu, bởi bà đã bỏ thật nhiều nhiều gia vị yêu thương vào trong đó. Sự yêu thương và mong mỏi cho mỗi sinh nhật qua, cô cháu gái của bà sẽ lớn khôn hơn, biết quan tâm và mến yêu những điều đơn giản nhất…

Tiểu San


Vườn cây ba, vườn rau mẹ  

Lúc nhỏ, tôi vẫn thường nghêu ngao câu hát “má trồng toàn những cây dễ thương, nào là hoa là rau là lúa, còn ba trồng toàn những cây dễ sợ, cây sù sì, cây lại có gai…”. Chỉ là hát theo bài nhạc trên ti vi nhưng thấy cũng đúng lắm, ba thì luôn nghiêm nghị, nên cứng cáp và khỏe mạnh giống như những cây có gai, còn mẹ thì hiền dịu như hoa. ...

Nhưng ngày đó, cả ba và mẹ tôi đều là những người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, làm gì còn thời gian trồng hoa cỏ. Tôi lớn lên như thế, những đêm ở cùng ngoài đồng, những ngày cùng mẹ chăm đàn heo.

Lớn lên, đi xa nhà rồi, tôi không còn dịp để nghêu ngao bài hát ấy, bởi cuộc sống đã cuốn tôi theo một guồng máy của nó. Tôi cũng dường như quên hẳn bài hát này. Bây giờ cứ nhìn lũ trẻ thành phố đứa nào đứa nấy vác cặp kính to đùng trên mặt, mặt mày lúc nào cùng xanh xao mệt mỏi vì học mà thấy thương. Ngày nhỏ, tôi không có những ngày hè tưng bừng khám phá như trong “Kính vạn hoa”, hay sôi động và bổ ích như “Ngày hè sôi động”, cũng không được đi học thêm như các cô cậu trong “Giấc mơ biển”. Ngày hè của tôi là những cánh đồng bắp ngút ngàn, những đàn trâu mập mạp, tiếng chim kêu véo von và cả những cuộc chơi trong cơn mưa chiều. lúc đó tôi vẫn chưa ý thức được hết ý nghĩa của mùa hè, trong trí óc non nớt của mình tôi vẫn cho rằng, mùa hè tôi sẽ được đi chơi thỏa thích. Tôi ganh tỵ với những đứa trẻ được cha mẹ cho đi di lịch mà không nhìn thấy những giọt mồ hôi đang rơi trên ánh mắt cương nghị của cha, khuôn mặt gầy của mẹ.

Bây giờ ba mẹ tôi đã lớn tuổi, ông bà chỉ quẩn quanh với vườn rau, cây kiểng. Tôi cũng đã lớn, không còn niềm khao khát về những mùa hè thỏa thuê. Với tôi, mùa hè là khoảng thời gian được chạy ù về với ba mẹ, được làm những chuyến đi thiện nguyện.

Đó là khi tôi còn là sinh viên, đến lúc tôi sắp ra trường, đồng nghĩa với việc tôi không còn mùa hè. Tôi sẽ còn ít thời gian được về nhà hơn, ít thời gian được vi vu trên những cánh đồng tuổi thơ.

Con người ta lớn thì kèm đi bao nhiêu đổi khác, tóc ba mẹ giờ đã bạc hơn trước rất nhiều, tôi chợt thấy tiếc vì khoảng thời gian tôi trốn ba mẹ đi chơi lúc xưa. Nếu có thể, tôi muốn dành trọn những ngày hè ấy để giúp ba mẹ làm đồng. Ba tôi là nông dân, mẹ tôi cũng là nông dân, họ mãi mãi là những người nông dân, nhưng họ là những người cha mẹ tuyệt vời nhất cuộc đời này.

Phong Vân


CÁCH GIÁO DỤC CỦA NGƯỜI MẸ 

Hồi đó tôi học lớp ba. Tôi được chọn đóng vai công chúa trong một vở kịch ở trường, và mẹ tôi, trong nhiều tuần liền không nề hà công lao, đã cùng tôi tập những câu đối thoại. Nhưng bất kể việc tôi có thể đọc vanh vách những câu đối thoại ở nhà như thế nào, ngay khi bước lên sân khấu tôi không còn nhớ một chữ nào. Cuối cùng, cô giáo gọi riêng tôi ra, cô giải thích là đã viết một vai thuyết minh cho vở kịch và bảo tôi đổi vai diễn. Những lời của cô, dù dịu dàng đã làm tôi nhức buốt, nhất là tôi thấy vai mình được giao cho đứa khác. Bữa ăn trưa hôm ấy tôi không kể cho mẹ nghe việc gì đã xẩy ra, nhưng mẹ đã cảm nhận được nỗi khổ tâm của tôi, và thay vì kêu tôi tập lại, mẹ hỏi có thích đi dạo trong vườn không. Hôm đó là một ngày xuân đáng yêu và dây hồng xanh mơn-mởn leo đầy trên giàn. Dưới tàn lá của những cây du khổng lồ, những chùm bồ Interpolh vàng trồi lên cỏ xanh làm cho cảnh vật trong vườn tựa hồ được một tay họa  sĩ chấm phá bằng những nét cọ dát vàng. Tôi ngắm nhìn mẹ bất chợt cúi xuống một chùm hoa. Mẹ nói: “Mẹ nhổ những cây bông dại này”, và đưa tay nhổ một cây cả hoa lẫn rễ, “từ nay trở đi trong vườn ta chỉ có hoa hồng mà thôi”. Tôi phản đối: “Nhưng con cũng thích hoa bồ Interpolh nữa. Mỗi loài hoa đều đẹp kể cả bồ Interpolh”. Mẹ nhìn tôi một cách nghiêm nghị: “Phải rồi, mỗi loài hoa đều mang lại sự thích thú cho ta, theo kiểu của chúng phải không?” Tôi gật đầu lấy làm sung sướng vì được lòng mẹ, “vậy đối với người cũng thế”, mẹ tiếp, “không phải ai cũng là công chúa, và việc đó không có gì phải xấu hổ”. Nhẹ nhõm vì mẹ đoán được nỗi khổ tâm của mình, tôi vừa khóc vừa kể có mẹ nghe sự việc xẩy ra. Mẹ lắng nghe và mỉm cười trấn an tôi: “Vậy thì con sẽ là người thuyết minh xinh đẹp”. Mẹ nói và nhắc đi nhắc lại việc tự tôi thích đọc to những truyện ngắn cho mẹ nghe như thế nào. Vai người thuyết minh cũng quan trọng như vai công chúa.

Trong những tuần lễ kế tiếp, với sự khích lệ thường xuyên của mẹ tôi cảm thấy tự hào trong vai thuyết minh của mình. Giờ ăn trưa, tôi sẽ trang phục ra sao. Đêm diễn, đứng ở cánh gà sân khấu, tôi bỗng thấy bồn chồn. Ít phút trước khi vở kịch bắt đầu, cô giáo đến gần tôi. Cô nói: “Mẹ em nhờ cô trao cho em vật này” và đưa cho tôi một đoá bồ Interpolh. Mép cánh hoa bắt đầu cong và đoá hoa đã rũ xuống. Nhìn hoa và nhớ lại câu chuyện với mẹ ở bữa cơm trưa, biết rằng mẹ đang ở ngoài kia khiến tôi rất tự tin. Diễn kịch xong, tôi nhét cánh hoa vào ngực áo và mang về nhà. Mẹ đem ép nó vào giữa hai mảnh giấy lụa để trong quyển tự điển. Vừa làm, mẹ vừa cười vì có lẽ chỉ có hai mẹ con tôi mới đem ép một cánh hoa dại héo úa như thế."

Sưu tầm


CÁCH THU THUẾ CỦA ÔNG PHOCION

Có một lần, Phocion được lệnh đến những đảo Hi-Lạp để thu thuế. Ông ta được nhà chức trách cho 20 tàu để lo sứ mạng này.

Phocion nói: “Nếu ta đi đánh giặc thì số tàu này quá ít. Nếu ta đi tìm bạn đồng minh thì cần gì phải nhiều tàu như vậy”.

Phocion chỉ xin đem một chiếc tàu. Đến Hi-Lạp, ông đi thăm các đô thị chẳng có vẻ gì doạ nạt mà cũng chẳng phô trương thanh thế. Ông bày tỏ cho dân ở đó biết sứ mạng của mình, ông trò chuyện với các quan một cách nhã nhặn và thành thật. Kết quả, ông đã thành công và lại đem thêm được nhiều tàu về nước. Đó là những tàu của các nước đồng minh dâng cho ông để ông chở tiền thuế vậy.

Truyện này nhắc chúng ta nhớ tới chuyện Phùng Hoan đi mua nhân nghĩa cho Mạnh Thường Quân: tiền có thể hết, nhưng nhân nghĩa thì còn mãi mãi. Cũng như tiền, bạo lực không đưa tới kết quả quyết định."

Sưu tầm


CÁI HỌA BIẾN THÀNH CÁI PHƯỚC!

Trong số bạn thân của tôi - Luine Rinser - có một cặp vợ chồng nọ hoàn toàn sung sướng cho tới khi sanh đứa con thứ 3. Em gái này trí tuệ trì độn, bị chứng giật gân, động kinh, nguyên Do tại óc, nói không được mà đi cũng không được.  Thật là não lòng cho cha mẹ. Mới đầu, hai ông bà còn cố bám lấy cái hy vọng trị được bệnh cho con, chẳng hết hẳn thì cũng đỡ được ít nhiều.  Sau ba năm, hy vọng tiêu tan và họ như ngã quị xuống, chịu không nổi, sống cô độc, không giao thiệp với ai hết.

Một năm sau nữa, tôi nhận được một bức thư: “Chúng tôi mới trải qua một kinh nghiệm kỳ thú làm sao: cái hoạ của chúng tôi đã biến thành cái phước, chị ạ.  Phải gặp cái cảnh bi thảm đó, vợ chồng tôi mới thực là đoàn kết chặt chẽ với nhau; đứa cháu tội nghiệp đã thành trung tâm của cuộc đời chúng tôi, bảo vật của chúng tôi, hạnh phúc của chúng tôi. Chính vợ chồng tôi cũng khổ mà hiểu nỗi rằng cái hoạ đó đồng thời lại là cái phước cho chúng tôi... Chúng tôi nói vậy không phải để tự an ủi hoặc lừa dối người khác về cảnh bi thảm của chúng tôi đâu, không, chúng tôi quả là sung sướng.”

- Hạnh phúc của cặp vợ chồng đó là ở chỗ họ đã có thể vui vẻ chấp nhận chiếc thập giá nặng nề của họ."

Sưu tầm


Sẻ con đáng yêu  

Có một chú Sẻ con sống cùng với mẹ trong cái tỏ xinh xắn trên cành cây bàng. Hằng ngày, Sẻ mẹ đi kiếm thức ăn về mớm mồi cho Sẻ con.

Khi mùa đông đến, những chiếc lá vàng thi nhau rơi xuống đất, cành cây trơ trụi. Những đợt gió lạnh buốt giá ùa về, chiếc tổ xinh xắn giờ đây nằm hiu quạnh giữa khoảng trời bao la.

Hôm ấy, cũng như thường lệ, Sẻ mẹ phải bay xa hơn để kiếm mồi, Sẻ con ở nhà. Chờ mãi không thấy mẹ về, Sẻ con cứ ngó đầu ra ngoài tìm kiếm mẹ. Bỗng Sẻ con nghĩ ra điều gì đó, nó bèn can đảm dồn hết sức vào đôi cánh bé nhỏ để bay xuống đất.

Một lát sau, Sẻ con mang về những cành cây khô, một ít rơm và bắt chước mẹ lót tổ.

Chiều tối, Sẻ mẹ bay về, mỏ cắp một miếng mồi. Nhưng vừa vào tổ, Sẻ mẹ đã quỵ xuống và run lên vì lạnh. Thấy vậy, Sẻ con dang vội đôi cánh nhỏ bé của mình che gió và ủ ấm cho mẹ.

Lát sau, Sẻ mẹ tỉnh dậy và cảm thấy ấm áp vô cùng. Sẻ mẹ hết sức ngạc nhiên vì thấy chiếc tổ đã được lót lại. Sẻ mẹ nhìn Sẻ con, trong lòng lâng lâng hạnh phúc. Sẻ mẹ khẽ ôm con vào lòng và nói: “Con của mẹ thật đáng yêu!”.

Sưu tầm


Bà ấy cũng đóng góp vinh dự  

Người đàn ông trang hoàng lại căn phòng mới của mình và quyết định trưng bày tất cả những huân chương mà ông và đứa con trai đạt được trong nhiều cuộc thi đấu thể thao.

Khi đã treo lên cá hai bên vách tường, ông nói với vợ rằng thật xấu hổ, bà chẳng có thành tích nào đóng góp vào đây.

Hôm sau, bà vợ đưa ra một khung ảnh thật xinh xắn có lộng sẵn mấy tờ khai sanh hai đứa con trai của họ để thêm vào phần trưng bày.

Sưu tầm


Gia đình phúc đức

Đứa trẻ hàng xóm vừa mới đánh bạn với một đứa trẻ khác 7 tuổi ở nhà bên cạnh. Nó hỏi:

-Nhà cậu có mấy đứa con nít?

Đứa kia đáp:

-Tám.

-Ồ! Nhà tớ không cần đi mua con nít đâu. Nhà tớ làm được con nít mà.

Sưu tầm