Truyện Minh Hoạ - Gia Đình

CÂY PHIỀN MUỘN

   Tôi thuê một người thợ đến chỉnh sửa lại hệ thống điện và một số vật dụng trong nhà . Sau khi kết thúc ngày làm việc đầu tiên đầy mệt nhọc với cả tiếng loay hoay cùng cái bánh xe xì lốp, chiếc máy khoan bị hỏng và cái xe "cổ lỗ sĩ" không chịu nổ máy, anh ấy cũng chịu để tôi chở về nhà . Trông anh ta có vẻ trầm ngâm . Khi về đến cửa nhà, anh dừng lại trước một cái cây nhỏ, lấy hai tay chạm vào phần ngọn của nhánh . Đến lúc mở cửa ra thì trông anh như thay đổi hoàn toàn . Cái gương mặt rám nắng ấy tươi hẳn lên . Anh ôm lấy hai đứa con và ôm hôn vợ mình . Khi anh tiễn tôi về nang qua cây nhỏ ấy, lòng tò mò trong tôi lại nổi lên . Tôi hỏi anh về những gì mình đã thấy lúc nãy .

- Ồ, đó là cây phiền muộn của tôi đấy! - Anh trả lời - Tôi biết mình sẽ không tránh khỏi những rắc rối trong nghề nghiệp, nhưng chúng không phải dành cho gia đình tôi, vợ và con tôi . Cho nên tôi để chúng lên cái cây ấy khi trở vào nhà và bảo Chúa hãy chăm nom chúng giùm . Sáng hôm sau tôi lại lấy chúng ra .

    Điều vui nhất là ... - anh cười hóm hỉnh - lúc đó những thứ khó chịu ấy không bao giờ còn lại nhiều như lúc tôi treo chúng lên hôm trước nữa".

Kiều Nga


NHỮNG CHẬU HOA PHONG LỮ THẢO  

Là con thứ năm trong một gia đình có bảy đứa trẻ, tôi theo học cấp I cùng trường với các anh chị tôi . Mỗi năm, mẹ tôi lại dự cùng một lễ khai giảng, tham dự cuộc họp với cùng những giáo viên, điều khác biệt duy nhất là tên của những đứa con . Và các con của bà đều có dịp tham gia ngày hội hoa truyền thống hằng năm của trường, tổ chức vào đầu tháng năm, đúng dịp lễ Các bà mẹ .

Tôi được tham gia ngày hội hoa khi lên lớp Ba . Tôi muốn dành cho mẹ một điều ngạc nhiên nhưng tôi không có xu nào cả . Tôi tìm đến chị lớn của tôi, cho chị biết dự tính của mình . Chị cho tôi ít tiền, và tôi đến trường tìm một chậu hoa đẹp nhất . Tôi bí mật mang về nhà, và với sự giúp sức của chị tôi, chúng tôi giấu chậu hoa trên cổng nhà hàng xóm . Tôi rất lo mẹ sẽ khám phá ra món quà, nhưng chị tôi trấn an rằng mẹ sẽ không biết đâu và sự thật đúng thế ...

Khi ngày lễ đến, tôi hãnh diện tặng mẹ chậu hoa phong lữ đỏ thắm . Tôi nhớ mãi đôi mắt sáng ngời niềm vui của mẹ khi nhận món quà ...

Năm tôi 15 tuổi, đến lượt em tôi vào lớp 3 . Cũng vào đầu tháng năm, con bé đến thầm thì với tôi rằng nó muốn dành cho mẹ một sự ngạc nhiên . Giống chị tôi đã làm với tôi, tôi cho con bé ít tiền . Em tôi háo hức chạy vụt đi . Từ trường trở về, con bé khoe với tôi chậu hoa phong lữ đỏ thắm bọc trong túi giấy, được giấu dưới áo . "Em đã tìm được chậu hoa đẹp nhất", con bé thì thầm ...

Với niềm vui đang nắm giữ một điều bí mật, tôi giúp em tôi giấu chậu hoa trên cổng của nhà hàng xóm, khẽ trấn an em rằng mẹ sẽ không phát hiện trước khi ngày lễ đến . Khi em tôi trao quà cho mẹ, tôi đang nép sau bờ rào chia sẻ sự hãnh diện của em và niềm vui của mẹ . Nhác trông thấy tôi, mẹ gửi cho tôi một nụ cười đầy ý nghĩa ... Tôi mỉm cười đáp lại, thầm hiểu rằng mẹ đã biết tất cả ... Tôi tự hỏi làm thế nào mẹ có thể ngạc nhiên và thích thú trước cùng một món quà mà mẹ đã biết trước của sáu đứa con . Nhưng nhìn đôi mắt mẹ lấp lánh niềm vui khi nhận quà từ tay đứa em bé bỏng, tôi biết mẹ đã không hề giả vờ ...

Võ Hoàng Lan


HỘP BÚT CHÌ DÀNH CHO MẸ

Chuông điện thoại văn phòng reo vang . Giọng một phụ nữ xa lạ giới thiệu mình là mẹ một cậu bé bảy tuổi và bảo rằng bà đang cận kề với cái chết . Vị bác sĩ chữa bệnh khuyên bà hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định nói sự thật đừng để làm đứa con nhỏ của bà quá đau buồn . Bà ngỏ ý xin những lời khuyên . Tôi nói với bà là trái tim chúng ta thường "sáng suốt" hơn bộ óc và tôi nghĩ bà biết phải làm điều gì đó tốt đẹp nhất cho con bà . Tôi mời bà tham dự buổi diễn thuyết của tôi về đề tài trẻ em đối phó như thế nào khi cảm nhận cái chết của người thân . Bà hứa sẽ đến dự .

Hôm tôi diễn thuyết, tôi trông thấy một người phụ nữ tiều tụy xanh xao được hai người đàn ông dìu vào phòng . Tôi trình bày về sự kiện trẻ em có thể giải quyết sự thật tốt hơn từ chối nó, ngay cả sự khước từ nhằm tránh làm cho chúng tổn thương . Tôn trọng trẻ em nghĩa là không che giấu những buồn thảm trong gia đình mà phải kể hết cho chúng nghe . Vào giờ giải lao, bà loạng choạng bước về phía tôi, mắt đẫm lệ: "Điều đó xuất phát từ tận con tim! Tôi biết là mình phải kể cho con nghe sự thật". Bà nói sẽ làm điều ấy trong đêm đó .

Sáng hôm sau bà gọi điện thoại đến . Tôi có thể biết rõ câu chuyện qua giọng nói nghẹn ngào . Đêm, khi cả hai mẹ con cùng ở nhà bên nhau, bà đã đánh thức thằng bé dậy trước khi nói khẽ vào tai nó: "Derek, mẹ có chuyện muốn nói với con!". Cậu cắt lời bà, nói nhanh: "Ôi! Mẹ yêu, mẹ đính nói là mẹ sắp từ giã cõi đời phải không ?". Bà ôm chặt cậu vào lòng, cả hai cùng nức nở, bà đáp: "Đúng vậy con ạ!". Vài phút sau, cậu bé đòi bước xuống đất . Cậu nói mình đã để dành sẵn cho bà một món đồ. Đằng sau tủ ngăn kéo của cậu là hộp bút chì cũ kỹ . Bên trong chứa bức thư với dòng chữ nguệch ngoạc: "Tạm biệt mẹ thân yêu! Con luôn yêu mẹ".

Tôi không rõ đến bao lâu cậu bé mới hiểu được nỗi lòng người mẹ . Tôi chỉ biết hai ngày sau bà mẹ qua đời . Và hộp bút chì cùng bức thư đã nằm gọn trong hộp nữ trang của bà .

Chicken soup for the grieving soul


NƯỚC MẮT NGƯỜI CHA  

Người cha làm nghề sửa khóa, nuôi đứa con trai bại liệt đã mất mẹ . Năm nào cũng vậy, đến mùa Noel, một công ty dịch vụ thường thuê người cha đóng vai ông già Noel . Đêm lễ, người con nằm một mình trong căn phòng nghèo nàn, trống vắng, người cha phải đến những địa chỉ qui định . Mỗi khi đến những nhà đang sum vầy hạnh phúc, chúc những lời tốt đẹp, miệng ông cười rất tươi nhưng lòng đau nhói . Người cha đang nghĩ đứa con ở nhà một mình ...

Sau đêm lễ, người cha kể cho con nghe vễ ông già Noel . Nào là râu ông bạc trắng, miệng ông cười rất tươi, tay ông lắc chuông vàng, vai mang túi quà, lòng tràn đầy tình thương trẻ thơ ... Và ông sẽ đi bất cứ nơi đâu, đến không thiếu một đứa trẻ nào .

- Thế khi nào ông già Noel đến nhà mình hở ba ?

- Chắc sang năm con ạ!

Một năm nữa lại trôi qua . Người cha đến công ty đăng ký việc làm và đóng lệ phí một suất .

Đêm Noel, người con nằm mong ngóng và tưởng tượng mọi điều . Chợt ông Noel xuất hiện, đúng như hình ảnh người cha đã từng kể . Đến bên cậu, ông già nhẹ nhàng âu yếm:

"Ta biết con rất ngoan, rất yêu cha của con, con rất tốt bụng, con rất dũng cảm . Con rất ... Chúc con một đêm an lành, nhiều hồng phúc ... Chúc con ...".

Ông già Noel đi rồi, lòng cậu tràn ngập hạnh phúc . Cậu nhủ lòng sẽ kể với cha rằng ông già Noel rất nhân từ, rất yêu trẻ thơ và còn khóc với mình nữa cơ!

Nguyễn Đăng Khoa


NHỜ TÌNH THƯƠNG BAO LA CỦA CHA MẸ

Ngày 2-9-1985, bé Leah Marie Church chào đời, giữa niềm vui khôn tả của đôi vợ chồng trẻ Sandy và Tim.

Năm ấy, Tim 36 tuổi và Sandy 20 tuổi. Cả hai sống tại Billings, thuộc bang Montana, Hoa Kỳ.

Leah là đứa con gái đầu lòng, hoa quả của mối tình ”cú sét”!

Thật thế. Tim là thanh niên cao lớn vạm vỡ, làm công trong nông trại nuôi súc vật. Sandy là thiếu nữ thị thành, sống tại New York. Định mệnh an bài, hai người gặp nhau, yêu nhau trong chớp nhoáng và quyết định lấy nhau. Một năm sau ngày cưới, bé Leah Marie Church chào đời. Thế nhưng niềm vui chuyển nhanh thành ác mộng.

Khi giúp bé Leah lọt lòng mẹ, bác sĩ Wood đã buộc miệng thốt lên: “Ồ, không!

Leah dài 46 centimét và cân nặng 3 kílô. Nhưng điều khác lạ là bé có cái đầu to tướng. Các y tá vội bọc bé trong khăn và mang đi tức khắc. Bé Leah được đặt nơi phòng chăm sóc đặc biệt.

Sau khi chụp hình, các bác sĩ thấy trong đầu bé Leah, thay phần não bộ, chỉ toàn là nước. Bé bị bệnh não-thủy-thũng. Ở trung tâm não bộ, nơi điều khiển các cơ quan thính giác, thị giác và tư tưởng, thì trống không. Trong trường hợp này, hoặc là bé sẽ chết, hoặc là bé sẽ lớn lên và sống như loài thảo mộc.

Lời tuyên bố của bác sĩ gieo vào lòng đôi vợ chồng trẻ Sandy và Tim một nỗi thất vọng mênh mông.

Ba ngày sau khi sinh con, Sandy khẩn khoản xin cô y tá đưa mình đến thăm con lần thứ hai. Nàng đau đớn và kinh hãi nhìn đứa con yêu dấu bé bỏng nằm trong lồng kính, với cái đầu dị-dợm to tướng. Nhưng rồi, tình mẫu tử thắng vượt tất cả. Sandy vừa tự nhủ với lòng, vừa thầm thì như thề hứa với con: “Mẹ sẽ không bao giờ bỏ rơi con, Leah ạ!

Sandy rụt rè giơ tay định mở lồng kính, nhưng rồi nàng sợ hãi rút tay lại. Nàng giải thích với Paul Franko, y tá đang săn sóc cho bé Leah: “Tôi sợ làm bé đau đớn.”

Nhưng Franko nói ngay: “Không đâu! Trái lại, bé Leah đang cần sự trìu mến. Bà hãy chạm đến bé và vuốt ve bé.”

Nghe lời khuyên của y tá, Sandy mạnh dạn cho tay vào lồng kính và vuốt ve cái bụng nhỏ xíu đỏ hồng của Leah. Leah phản ứng tức khắc. Bé xoay hướng về phía Sandy như tìm kiếm sự đụng chạm của nàng. Franko tươi cười nói: “Bà thấy chưa! Đúng như tôi nói phải không?

Như bị sức thần thu hút, Sandy giơ ngón tay vuốt ve nắm tay nhỏ xíu của Leah. Nhanh như chớp, bé nắm chặt ngón tay của mẹ. Sandy cảm động thì thầm với con: “Cưng nhận ra mẹ phải không?

Sandy chiêm ngắm con. Bé Leah có cùng màu lông mày của cha. Đôi mắt, cái mũi và cái miệng thật xinh xắn dễ thương. Nếu không có cái đầu dị hình, thì bé Leah trông giống như con búp bê bằng porcelaine duyên dáng. Chưa hết. Leah cử động và xoay chuyển tứ phía trong lồng kính.

Sandy nói với y tá: “Người ta có cảm tưởng bé xin tôi giúp bé chiến đấu để sống còn .. Nhưng các bác sĩ nói là không có hy vọng nào hết!

Paul Franko không đồng ý với tư tưởng này. Với kinh nghiệm của y tá chăm sóc cho Leah, chàng giải thích cho Sandy biết là bé Leah có phản ứng bình thường như mọi trẻ em khác: “Bé có thể nghe, thấy và hiểu những gì đang xảy ra chung quanh.

Sandy hy vọng tràn trề với lời giải thích của người y tá. Thế nhưng khi đối diện với các bác sĩ và nghe giải thích, đôi vợ chồng trẻ Sandy và Tim lại tiêu tan mọi hy vọng.

Đối với các bác sĩ, không có phương thế chữa trị nào hữu hiệu hết. Buông tay đầu hàng là chuyện dĩ nhiên. Nhưng Sandy và Tim phản ứng khác. Cả hai quyết định đưa con về nhà và cả hai thay phiên nhau làm theo lời dạy của bác sĩ, nghĩa là, dùng máy hút nước trong đầu bé ra. Phải bơm máy này 100 lần, cứ mỗi 2 tiếng đồng hồ và liên tục 24 giờ trên 24 giờ.

Tim nói với vợ: “Chúng ta không có chọn lựa nào khác ngoài chọn lựa giúp Leah sống. Leah là con chúng ta. Bé không hề xin sinh ra. Chính chúng ta quyết định đưa bé vào cuộc đời. Vậy thì cả hai chúng ta chịu trách nhiệm trên cuộc đời bé, và chỉ chúng ta mà thôi. Bé chỉ có chúng ta và chúng ta có nhiệm vụ yêu thương chăm sóc bé đến cùng, cho đến khi bé chết!

Lời nói được cả hai vợ chồng Sandy và Tim thi hành từng chữ, từng câu.

Ngoài những lần đem con đến nhà thương tái khám và chữa chạy định kỳ với máy móc tối tân, phần chăm sóc còn lại hoàn toàn thuộc về Sandy và Tim.

Cứ thế trong hơn một năm trời .. Và Tình Thương đã chiến thắng.

Cơn bệnh của Leah bắt đầu thuyên giảm. Não bộ của bé từ từ thành hình. Chiếc đầu của bé trở lại trạng thái bình thường như bao đứa trẻ khác.

Năm 1995 bé Leah lên 10 tuổi. Với mái tóc vàng óng ả phủ bờ vai, Leah là bé gái tinh nghịch và nhanh nhẹn. Ngoài vài khuyết điểm như mắt kém và bị bệnh não bộ nhưng cuộc sống của bé không bị đe dọa.

Đó là nhờ công lao và tình thương vô biên của Cha Mẹ, ông bà Tim và Sandy Church.

... ”Người hèn mọn mà khôn ngoan, vẫn có thể ngẩng đầu, và được ngồi giữa những người làm lớn. Đừng khen một người đàn ông vì người ấy đẹp, và đừng gớm ghét ai vì vẻ bên ngoài. Trong các loài có cánh, ong là bé hơn cả, thế mà nó làm ra chất ngọt hảo hạng. Chớ khoe khoang vì bộ áo bên ngoài, cũng đừng tự cao trong ngày được vinh dự. Công trình của THIÊN CHÚA thật lạ lùng, nhưng vẫn là bí ẩn đối với phàm nhân. Nhiều bậc đế vương phải ngồi xuống đất, còn kẻ không ai ngờ lại được mang vương miện. Lắm người quyền thế bị nhục nhã ê chề, và nhiều kẻ cao sang bị nộp vào tay người khác” (Sách Huấn Ca 11, 1-6).

Minh Nguyệt


Tình mẹ  

Một cậu bé mời mẹ tham dự buổi họp phụ huynh đầu tiên ở trường tiểu học. Điều cậu bé sợ đã thành sự thật, mẹ cậu bé nhận lời. Đây là lần đầu tiên bạn bè và giáo viên chủ nhiệm gặp mẹ cậu bé và cậu rất xấu hổ với vẻ bề ngoài của mẹ mình. Mặc dù cũng là một người phụ nữ đẹp, có một vết sẹo lớn che gần toàn bộ mặt bên phải của cô. Cậu bé không bao giờ muốn hỏi mẹ mình tại sao bị vết sẹo lớn vậy.

Vào buổi họp mặt, mọi người có ấn tượng rất đẹp vì sự dịu dàng và vẻ đẹp tự nhiên của người mẹ mặc cho vết sẹo đập vào mắt, nhưng cậu bé vẫn xấu hổ và giấu mình vào một góc tránh mặt mọi người. Ở đó, cậu bé nghe được mẹ mình nói chuyện với cô giáo.

"Làm sao chị bị vết sẹo như vậy trên mặt?" Cô giáo của cậu hỏi.

Người mẹ trả lời, "Khi con tôi còn bé, nó đang ở trong phòng thì lửa bốc lên. Mọi người đều sợ không dám vào vì ngọn lửa đã bốc lên quá cao, và thế là tôi chạy vào. Khi tôi chạy đến chỗ nó, tôi thấy một xà nhà đang rơi xuống người nó và tôi vội vàng lấy mình che cho nó. Tôi bị đánh đến ngất xỉu nhưng thật là may mắn là có một anh lính cứu hỏa đã vào và cứu cả hai mẹ con tôi." Người mẹ chạm vào vết sẹo nhăn nhúm trên mặt. "Vết sẹo này không chữa được nữa, nhưng cho tới ngày hôm nay, tôi chưa hề hối tiếc về điều mình đã làm."

đến đây, cậu bé chạy ra khỏi chỗ nấp của mình về phía mẹ, nước mắt lưng tròng. Cậu bé ôm lấy mẹ mình và cảm nhận được sự hy sinh của mẹ dành cho mình. Cậu bé nắm chặt tay mẹ suốt cả ngày hôm đó.

Sưu tầm


Sinh nhật bố

Sinh nhật năm mươi tuổi của bố, con, mẹ và em Bin bí mật bàn bạc làm một bữa tiệc sinh nhật thật ý nghĩa dành cho bố…

Mẹ sẽ chuẩn bị một chiếc bánh gatô thật xinh xắn cắm cây nến số 50 tượng trưng cho tuổi của bố. Chiếc bánh đuợc trộn đều giữa tình yêu mẹ dành cho bố, và lòng khoan dung cho những lỗi lầm đáng yêu của bố. Con tin là bố sẽ cảm động…

Con sẽ cắm những bông hoa vào lọ. Những bông hoa như tình yêu còn dành cho bố. Lòng biết ơn sự yêu thương bố tặng con gần hai mươi năm qua. Những năm ấu thơ được bố cõng trên lưng mỗi sáng đi học, được bố an ủi, vỗ về những khi đau ốm, được bố dạy những điều tuyệt vời trong cuộc sống...

Em Bin sẽ tự tay làm món cá kho mà bố vẫn thích. Em Bin nhà mình chưa biết nấu ăn, nhưng để chuẩn bị cho ngày trọng đại này, em đã tự tìm hiểu, tự đi chợ chọn con cá to nhất, tươi nhất về làm món ăn tặng cho bố. Con lặng lẽ ngắm nhìn em loay hoay trong bếp, mồ hôi nhỏ giọt. Con thấy vui vì em Bin cũng giống con, luôn cảm nhận được tình thương của bố dành cho hai chị em con to lớn thế nào…

Tối nay, khi bố đi làm về. Bố sẽ thấy nhà mình thật khác. Bố sẽ thấy chiếc bánh của mẹ, những bông hoa con cắm và món cá kho ngon tuyệt do em Bin tự tay làm. Nhưng con biết, vui hơn cả, là bố sẽ cảm nhận được tình yêu của mọi thành viên trong gia đình dành cho bố, phải thế không bố?

Chúc mừng sinh nhật bố, siêu nhân của chúng con …

Tiểu San


Đồng hồ báo thức của ba

Bây giờ con hết đi học rồi, buổi sáng không phải dậy thật sớm để đến trường.

Con đã đi làm, vì thế mà thời gian về nhà cũng ít hẳn đi. Con chợt nhận ra rằng, thời gian một ngày trôi đi rất nhanh.

Hồi đó con đi học xa, ba sợ con dậy muộn trễ giờ xe buýt, nên mua hẳn cho con một chiếc đồng hồ báo thức hình gấu đen. Với con đó là món qùa tuyệt vời nhất, không chỉ vì nó đánh thức con mỗi sáng, mà nó còn cho con biết rằng ba rất yêu con gái.

Mỗi sáng, cứ 5h, chiếc đồng hồ lại kêu lên âm thanh dễ thương và quen thuộc “tới giờ rồi, dậy đi, dậy đi”. Con muốn nướng thêm vài phút nên với tay tắt bụp, nó lại kêu “ngủ thêm, ngủ thêm”. Đến lúc này thì nhiệm vụ gọi con dậy lại chuyển sang ba. Ba thế nào cũng gọi con “Tới giờ rồi, dậy chuẩn bị đi học đi con”.

Con lên thành phố học, thời gian của con cũng trở nên hạn hẹp hơn. Nhưng con không dùng chiếc đồng hồ của ba nữa, mà chuyển sang dùng điện thoại để báo thức.

Điện thoại của con không có những âm thanh đáng yêu, cũng không có những câu từ vuốt ve “ngủ thêm, ngủ thêm”.

Vẫn thói quen cũ, con sẽ tắt báo thức để tiếp tục nướng, nhưng chờ hoài cũng không thấy ba gọi dậy. Phải rồi, con đã xa gia đình, đâu có ba bên cạnh để đánh thức con mỗi sáng. Vậy là sáng nào con cũng phải chạy té khói mới kịp đến cơ quan. Cũng tại vì buổi tối không có ba nhắc con đi ngủ sớm.

Nhớ hồi con vào lớp 7 ba cũng mua cho con một chiếc đồng hồ đeo tay. Ba luôn tặng con thời gian để nhắc nhở con phải biết quý trọng từng giây từng phút trôi qua trong cuộc đời. Nhiều lúc suy ngẫm, con chợt nhận ra mình đã phí phạm rất nhiều thời gian. Một trong số đó chính là thời gian với gia đình. Con đi làm, con ít về nhà hơn, con cũng không thường gọi về nhà. Bao lâu rồi, con không nhớ rõ, những bữa cơm nóng hổi do mẹ nấu cùng những câu chuyện kể của ba.

Con cứ mãi vô tư sống với niềm vui của một đứa con bay nhảy, con tìm đến bạn bè, blog để trút tâm sự trong khi con chưa hề tâm sự với ba mẹ. Con quên hay con không thể.

Hằng ngày đi làm con vẫn hay nhìn đồng hồ hay bên đường, con phát hiện ra rằng mỗi chiếc đồng hồ đều chạy không giống nhau, mỗi chiếc đều chênh nhau vài giây thậm chí vài phút. Đi làm con cũng nhìn mãi vào góc phải màn hình để xem đã hết giờ chưa, còn kịp chạy đi làm việc khác. Cuộc sống thật quay cuồng và ngắn ngủi với ngần ấy thời gian. Vì thế có đôi lúc con trở nên lãng trí và cáu gắt.

Những lúc như thế con chỉ muốn được về nhà, ngắm vườn hoa kiểng của ba. Cả đời ba vất vả vì các con, giờ ba an nhàn với cây cỏ, vì ba biết dành thời gian của mình cho mọi việc. Còn con sao cứ vẫn mãi xoay như chong chóng trong mớ thời gian của mình.

Con nhớ lắm, chiếc đồng hồ của ba.

Phù Vân


Kỉ vật của bà ngoại...  

Tôi vẫn còn nhớ kí ức năm tôi tròn bảy tuổi, bà ngoại tôi có một chiếc xe đạp rất đẹp, màu nâu.

Chiếc xe đó tuy cũ, nhưng bà ngoại vẫn giữ nó luôn mới, không hề xây xước chút nào. Bà bảo, đó là chiếc xe ông ngoại mua tặng bà trước khi ông mất không lâu, nên bà coi đó như kỉ vật vô cùng quý giá. Thậm chí, tôi chẳng thấy bà đi nó bao giờ, bà toàn đi bộ. Có ai hỏi, bà bảo bà đi bộ cho khỏe chân..

 Rồi một ngày, đám trẻ con khu tôi được bố mẹ tập cho đi xe đạp. Đứa nào cũng có một chiếc xe bé bé rất đáng yêu. Chỉ cần ngồi lên rồi nhấn bàn đạp, sẽ đi được khắp nơi quanh sân bóng, mà chẳng cần chạy đến ướt đẫm lưng. Tôi đứng ngoài sân bóng, nhìn ngắm lũ bạn tung tăng đạp xe mà thòm thèm. Tôi có đòi bố mẹ mua xe đạp cho tôi, nhưng bố mẹ nhất định không mua. Mẹ bảo tôi là con gái, lại nhỏ con hơn các bạn, mẹ sẽ không yên tâm khi tôi đạp xe ra đường. Mặc cho tôi nhịn cơm, khóc lóc hay vùng vằng, bố mẹ vẫn mặc kệ, không mảy may động lòng, dù chỉ là một chút…

Tôi vẫn ngày ngày đứng nhìn lũ bạn đạp xe hì hục ngoài sân bóng một cách thèm thuồng và bực tức. Thỉnh thoảng lũ bạn mệt, chúng nhường xe cho tôi đi vài vòng, nên tôi cũng nhanh chóng biết đi xe đạp…

Cái khó ló cái khôn, tôi bắt đầu để ý đến chiếc xe đạp màu nâu dựng trong góc nhà của bà ngoại. Chiếc xe so với tôi thì khá to, nhưng nếu không ngồi lên yên, tôi vẫn có thể đạp nó một cách ngon lành. Thế là buổi trưa khi cả nhà đã ngủ say, tôi lại lén lấy chiếc xe màu nâu ấy, hì hục đạp vòng quanh sân bóng vài chục vòng, rồi sau đó lại để chiếc xe đạp vào chỗ cũ…

Mọi chuyện bại lộ khi buổi trưa hôm đó, tôi vấp ngã và tay phải bị gãy. Tôi khóc vì đau thì ít, mà khóc vì chiếc xe bị xây xước thì nhiều. Bà mà biết, nhất định sẽ đánh đòn tôi đến chết mất. Đó là kỉ niệm của ông mà…

Khi những người hàng xóm gọi bà và bố mẹ đưa tôi đi bệnh viện, tất cả mọi người đều xúm xít quanh tôi. Chiếc xe đạp màu nâu nằm chỏng chơ giữa đường mà chẳng ai quan tâm đến nó, kể cả bà ngoại. Bà chỉ hỏi tôi có đau không, rồi khóc lặng lẽ. Tôi chợt nhận ra bà quan tâm đến tôi hơn là chiếc xe màu nâu kỉ vật kia…

Sau này khi ra viện, tôi hỏi bà về điều đó, bà nói :

- Chiếc xe đó là do ông để lại, tuy quý giá nhưng chỉ là kỉ niệm. Ông luôn nằm trong trái tim bà, dù chiếc xe có còn hay mất. Cánh tay của con còn quan trọng gấp nghìn lần chiếc xe đạp, con à…

Cánh tay tôi không còn đau nữa, mà sao nước mắt cứ lã chã rơi…

Tiểu San


Mẹ và con gái  

 18 tuổi, con gái xem mẹ như bạn, và mẹ cũng vui khi con gái cởi mở với mẹ hơn...

Con gái thi đại học không tốt

Những ngày luyện thi, con gái luôn thức khuya dậy sớm, không phải để ôn bài mà để...online, để làm những công việc linh tinh lặt vặt. Mẹ không cấm, cũng chẳng nhắc việc thi cử. Mẹ để con gái chịu trách nhiệm trước tương lai của mình.

Con gái thi đại học không tốt, chỉ than vắn thở dài. Mẹ nói đi nói lại: "Không đậu NV1 thì học NV2. Không đậu NV2 thì học cao đẳng. Cuộc đời còn dài, chẳng việc gì phải lo. Thi xong là quên hết. Khả năng con tới đâu thì chấp nhận tới đó. 18 tuổi, phải bản lĩnh và tự tin để bước vào đời."

Con gái như vui hơn...Thời buổi hiện đại, nhưng cũng hiếm có người mẹ nào suy nghĩ dễ chịu như mẹ của con gái...

Con gái chia tay bạn trai

Vừa tắt PC xong, con gái dù cố kiềm nén cũng rơi vài giọt nước mắt. Con gái ăn cơm mà cúi gằm mặt. Mẹ hỏi. Con gái lắc đầu mãi. Mẹ hỏi lần nữa. Con gái không cất nên lời. Mẹ bực mình, nói to: "Không được ăn cơm nữa. Khóc cho đã đi. Khóc hết rồi, bình tĩnh lại rồi thì nói cho mẹ nghe có chuyện gì!"

Đến tối, mẹ vẫn lo lắng khi con gái nhốt mình trong phòng. Nhẹ nhàng mở khóa, mẹ vào ngồi và im lặng...

Con gái trút hết tâm sự của mình vào tối đó...

Mẹ hiểu ra, thở dài. Hóa ra con gái vẫn chưa lớn. Con gái còn yếu đuối và còn cần mẹ chở che...

"Chia tay đâu phải là thế giới chấm dứt sự sống. Còn nhiều cơ hội khác cho con, con gái ạ. Hãy tha hồ tìm hiểu những cậu bạn thú vị khác và người yêu cũ của con sẽ cảm thấy rằng, mất con là điều đáng tiếc nhất trong cuộc đời cậu ta..."

Con gái cứ tưởng rằng mẹ sẽ la mắng vì sự ngốc nghếch của con gái, nhưng không ngờ khi nói ra sự thật, con gái thấy mẹ tâm lí quá chừng!

Con gái không được đi chơi

Thi xong, con gái muốn được đi chơi mê mải để "bù đắp" cho 12 năm cực khổ. Nhưng chỉ được vài ngày, mẹ đã "cấm túc" con gái. Đi uống nước với cô bạn tí xíu, mẹ cũng không cho.

Con gái ấm ức, con gái chạy vào phòng khóc hu hu, trên người vẫn còn mặc bộ đồ đẹp.

Mẹ biết, con gái không hề đi chơi với bạn. Con gái đi chơi với một anh chàng "không hề là bạn".

"Vừa chia tay xong, chưa gì đã tìm hiểu người khác à? Con chưa nghiêm túc đâu. Còn người yêu cũ, hẳn cậu ấy cũng đang đau lắm. Hãy để thời gian chứng minh tất cả, hãy để số phận quyết định mọi điều. Con đừng làm những gì mà mình không muốn. Sai lầm đôi lúc khó sửa chữa lắm con ạ"

Con gái im lặng. Con gái đã hiểu mình nên làm gì...

Mẹ để con gái quyết định

Con gái nhuộm tóc vàng hoe, mẹ không la mắng gì, chỉ bình luận: "Chẳng hợp với gương mặt con chút nào". Một thời gian sau, tóc khô, con gái nhuộm đen lại, cắt tóc, dưỡng tóc. Mẹ gật gù: "Như vầy có phải trẻ hơn không!"

Con gái ăn mặc mát mẻ khi đi chơi với bạn. Mẹ nói: "Không sợ cảm lạnh à?". Con gái nghe cũng hơi "nhột". Đi chơi với bạn, nhiều người dòm ngó, bình luận, xì xầm, con gái khó chịu...

Con gái đã tự biết cách ăn mặc phù hợp...

Mẹ quan tâm bạn bè của con gái

Bạn con gái đến nhà, mẹ quan tâm tận tình. Mẹ còn hỏi cô bạn ấy thi tốt không, có bạn trai chưa, thậm chí còn trò chuyện như bạn...

Khi cô ấy về nhà, mẹ hỏi con gái: "Bạn thân của con đấy à? Tốt. Cô bé ấy dễ thương và lễ phép lắm."

Con gái thấy vui vui...

Mẹ lắng nghe tất cả những gì con gái tâm sự

"Sao mẹ không cấm cản con mọi thứ, như khi con còn nhỏ?"

"Vì bây giờ con đã 18, con có quyền quyết định mình sẽ là ai, mình sẽ làm gì."

"Lỡ con sai bước thì sao?"

"Hãy vấp phải sai lầm càng nhiều càng tốt, con à..."

Con gái ôm chầm lấy mẹ. Có được người mẹ như mẹ, con gái hãnh diện quá chừng.

Từ nay về sau, con gái sẵn sàng tâm sự với mẹ, bất cứ chuyện gì.

Sưu tầm