Truyện Minh Hoạ - Gia Đình

Giá như, mẹ đừng quên…

Cô giáo chỉ cho con 7 điểm. Mặc dù con đã phân biệt đúng các đặc điểm khác nhau của 3 loại cây này. Vì cây của con chuẩn bị chưa thể hiện sự tìm tòi công phu.

Hôm nay lớp con học môn Tự nhiên – Xã hội. Hôm trước cô giáo giao bài tập về nhà: hôm sau tới giờ học, mỗi bạn mang theo 3 loại cây: cây sống trên cạn, cây sống dưới nước, cây sống trên không.

Tuần trước, đi học về, con đã nhắc mẹ ngay: “Tuần sau, mẹ chuẩn bị cho con ba loại cây nhé…”. Tối hôm qua chuẩn bị đi ngủ, con hỏi mẹ, mẹ lại trách sao con không nhắc mẹ sớm. Chắc tại mẹ nhiều việc quá nên mới quên cây của con ạ? Mai không có 3 loại cây mang đến lớp, con sẽ bị cô giáo cho điểm kém.

Hai mẹ con tìm mãi cũng chỉ đủ có 2 loại cây. Cây sống ở trên cạn, mẹ lấy tạm cây cần tây mẹ mua về xào thịt bò ở trong tủ lạnh. May quá, hôm nay mẹ chưa kịp nhặt sạch, nên cây vẫn còn cả rễ. Cây sống dưới nước ư? Cũng không khó lắm. Mượn tạm mấy cây rong ở trong bể cá của ông bà. Học xong, con sẽ mang về trả bể cá.

Còn loại cây sống trên không nữa. Nghĩ mãi, bà mách nước cho mẹ: “Sáng mai sang xin nhánh cây vạn niên thanh của nhà cô Chi”. Thế cũng tạm. Con phục mẹ quá! Chỉ trong một chốc, mẹ tìm cho con đủ 3 loại cây. Con vui lắm, yên tâm đi ngủ sớm để mai còn đi học.

Giá như mẹ giúp con chuẩn bị các loại cây một cách chu đáo hơn…   Sáng hôm sau, mẹ chở con tới trường. Từ sáng sớm, các bạn con đã xách những túi nilông khá to, bên trong là những cây xanh mướt.   Bố mẹ bạn Bi còn chở tới cả cây đu đủ con con, đặt ngang yên xe. Một  bên là gốc cây còn bám đầy đất, rơi lả tả, một bên là ngọn cây đủ đủ với những chiếc lá xòe ra như chiếc quạt.   Bạn Hà mang cây sen - loại cây sống dưới nước, lá to như cái mâm… Con nhìn cây của các bạn mà thèm quá, vội giấu những túi cây của mình ra sau lưng, lặng lẽ vào lớp học.

Suốt cả buổi học hôm nay, con cứ giấu giếm những cái cây bé nhỏ, teo tóp của mình, chẳng dám khoe với các bạn. Con cũng chẳng dám xung phong giơ tay phát biểu như mọi ngày. Cô giáo chỉ cho con 7 điểm. Mặc dù con đã phân biệt đúng các đặc điểm khác nhau của 3 loại cây này. Vì cây của con chuẩn bị chưa thể hiện sự tìm tòi công phu, chuẩn bị một cách chu đáo.

Giá như mẹ đã nhớ, dành một chút thời gian, giúp con tìm những loại cây một cách chu đáo và kỹ lưỡng hơn. Có lẽ, con đã tự tin và giành lấy điểm 10 cho môn Tự nhiên - Xã hội ngày hôm nay.

Con của mẹ


Mẹ phải học con 

Chiều mẹ đi làm về, con sà vào lòng ôm lấy mặt mẹ hôn lấy hôn để, nũng nịu nói: "Hôm nay lúc ngủ trưa ở trường con nhớ mẹ quá hà!". Nghe cô "công chúa" lên năm bộc lộ tình cảm, bao mệt nhọc trong ngày của mẹ như tan biến hết...

Buổi tối, khi cả nhà quây quần, con bảo: "Con muốn tắm". Như mọi hôm, ba hoặc mẹ sẽ tắm cho con nhưng hôm nay cả ba và mẹ có ý "nhường" nhau. Biết tính con rất thích ba, chuyện gì con cũng muốn được ba can thiệp vào, nên mẹ giả vờ "gài" ba: "Con gái thích ai nhất, con nhờ người đó nhé”. Con nhanh nhảu: "Con thích ba và mẹ”. "Nhưng... người con yêu nhất là ai?". Con vẫn giữ vững lập trường: "Con yêu ba và mẹ”. Ba thích thú cười vang, mắt hấp háy trêu mẹ...  

Lời yêu thương của con dành cho ba mẹ sao dễ dàng và khéo léo quá. Vậy mà với mẹ, suốt gần 40 năm qua, chưa một lần mẹ thể hiện được điều đó với bà ngoại của con, dù thâm tâm mẹ trăm nghìn lần thôi thúc mẹ làm việc ấy. Con biết không, ông ngoại con mất rất sớm, mình bà ngoại tảo tần nuôi dưỡng đàn con nheo nhóc sáu đứa, mà mẹ là con gái út. Khi các dì của con đến tuổi phải đi học xa nhà, chỉ còn mẹ là người gần gũi với bà. Có thể các dì của con chưa từng bắt gặp cảnh hàng ngày bà làm lụng vất vả, chắt mót từng đồng bạc lẻ để có tiền gửi cho các dì chi tiêu, nhưng mẹ thì thường xuyên chứng kiến cảnh ấy. Quanh quẩn, cuối tuần này lại bắt đầu một tuần mới, bà chưa có một ngày thanh thản. Mẹ thương bà lắm! Giá như ngày ấy mẹ cũng như con bây giờ thốt lên được câu: "Con thương má quá!", có lẽ nỗi cô đơn, nhọc nhằn của bà sẽ vơi bớt phần nào...

Lớn hơn một chút, mẹ đi học xa. Những ngày đầu sống xa vòng tay bà, mẹ nhớ bà da diết. Buổi chiều trên đường từ trường về căn gác trọ, nếu vô tình bắt gặp cảnh mấy mẹ con của một gia đình nào đó xúm xít bên nhau là mẹ lại rơi nước mắt, chỉ mong chóng được về nhà để ôm lấy bà hôn cho thỏa lòng thương nhớ. Vậy mà cuối tuần về nhà, mẹ chỉ khẽ khàng được câu: "Con nhớ nhà quá!"... Mới đây thôi, khi căn bệnh nan y của bà tái phát, khiến sức khỏe bà ngày càng suy kiệt, tưởng đã không thể qua khỏi. Được tin mẹ lo lắng, chạy ngay về quê, định ôm chầm lấy bà khi gặp bà nhưng... mẹ vẫn không thể, chỉ làm được mỗi việc là nắm lấy bàn tay gầy guộc xanh xao của bà, nghẹn ngào nói: "Má bệnh lại con lo quá!"...  

Con cái học hỏi cha mẹ là chuyện thường tình, nhưng riêng việc "nói lời yêu thương" có lẽ mẹ sẽ xung phong làm chuyện ngược đời là học từ con. Mẹ phải học, học đến khi nào việc này trở thành phản xạ, để những năm tháng còn lại, bà có thể nghe những lời yêu thương từ con gái mình.

Mẹ Hòa


Điều tuyệt vời

Chiều Sài Gòn nắng quá, con vẫn phải rong ruổi trên những tuyến đường để hoàn thành nhiệm vụ được giao, con đang đi thực tập cuối khóa mà. Đi ngang qua một ngã đường, con chợt nhìn thấy những người đàn ông gánh trên đầu mình mâm bánh, họ đi bán dạo. Và con chợt nghĩ, họ cũng là những người cha, như cha của con vẫn tần tảo với cái nắng khét người nơi đồng ruộng.

  Cuộc sống tự lập, học hành, bè bạn dường như đã chiếm hết quỹ thời gian của con. Con cứ xoay vòng trong mớ suy nghĩ mà con cho rằng còn nhiều khó khăn phức tạp mà quên mất mình có chổ dựa thật vững chắc là gia đình.

Và những cơn mưa đầu mùa dần ập đến. Mưa xóa đi cái nắng gay gắt của ngày hè, mưa làm dịu mát con tim nóng bức và mưa cũng làm sụt sùi bao trái tim đa cảm.

Cũng vì bận việc thực tập mà con chỉ toàn ăn cơm bụi, con nhớ bữa cơm gia đình da diết. Con thèm được ăn chén cơm trắng với canh rau của mẹ, muốn được nghe ba kể chuyện ngày xưa biết bao. Tự dưng con cảm thấy nhớ nhà, cái cảm giác mà từ lâu con đã quen và đã quên. Mái nhà một nơi bình yên, con có thể sẽ không còn áp lực từ học hành, từ cơm áo gạo tiền, con đắm chìm vào khoảng không mát mẻ của buổi chiều quê. Hương nhè nhẹ của làn khói trên cây nhang ba thắp cho ông bà nội thật yên ả biết bao.

Chiều con đạp xe ra bờ sông ngồi ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, lòng cứ nghĩ vẫn vơ về một điều gì đó. Con đang lo lắng biết bao, kỳ thực tập còn chưa kết thúc, kỳ thi tốt nghiệp lại đang đến gần và sau khi tốt nghiệp liệu con có được một công việc ổn định?

Có quá nhiều điều làm con mệt mỏi nơi thành phố xa hoa này, con ước gì mình được chạy ngay về nhà, hôn lên má đứa cháu cưng, buổi tối cùng má đi chùa đọc kinh, được cãi nhau với nhỏ em út. Còn ở đây, trong căn phòng trọ nhỏ bé này, con như lạc lõng với mọi thứ, không phải con tự kiêu hãnh muốn nhốt mình sống riêng, mà tâm hồn con quá nhạy cảm với mọi điều.

Đôi khi con nghĩ mình qua xa lạ với gia đình, con thậm chí không nhớ ngày giỗ của ông bà nội, và người ta gọi đó là sự vô tâm. Con thừa nhận, người trẻ thường ích kỷ như thế, chỉ biết sống cho bản thân mình. Con luôn yêu gia đình mình đấy chứ, chỉ là con không biết thể hiện nó như thế nào, con không ngụy biện mà đó là con một đứa ngốc nghếch và luôn bướng bỉnh.

Con nhặt một chú mèo con từ công viên về nuôi, chỉ cốt để con có cảm giác mình đang ở nhà, nhà mình có tới hai chú mèo lận mà. Vậy mà chỉ độ vài ngày, chú mèo đã đi lạc khi con không có nhà, con buồn lắm, con lại trở lại với việc ăn cơm bụi mà không phải quan tâm đến chú mèo đang ăn gì.

Con vẫn nhớ mỗi lần về nhà, con chó vàng “bánh mì” (tên con đặt cho nó) liền nhận ra ngay mùi của con mà không sủa tiếng nào, rồi nhất định má sẽ hỏi con ăn gì chưa, ở nhà má có để phần cơm đó. Con cũng sẽ được ngủ thả ga, được chạy khắp nhà, được tự tay nấu ăn cho gia đình. Đối với con điều ấy thật tuyệt vời.

Gia đình ơi, con yêu gia đình lắm.

Sưu tầm


Ước nguyện đầu năm gửi đến ba!

Năm mới con không có quá nhiều ước vọng mà con chỉ mong mỏi một điều 'ba sẽ bớt uống rượu một tí - chỉ một tí thôi ba à'.

Châu Ngọc

Con biết như thế là con không công bằng đối với ba! Nhưng trên đời này đâu có gì được gọi là công bằng đâu ba nhỉ? Con biết con cứ như thế này thì con thật ích kỷ. Ba đã vất vả, hy sinh cả cuộc đời để nuôi dạy bốn anh em con thật tốt. Ngoài niềm vui được chăm sóc vườn cây ăn trái; mỗi ngày nhìn chúng con trưởng thành và vững vàng hơn trong sự nghiệp thì ba chỉ còn có niềm vui cùng bạn bè.

Con thích nghe ba trò chuyện về cách dạy con cái với các chú bên tách trà nóng và những ly cà phê hơn là bên mâm rượu. Ba có biết không, con gái yêu ba và thương ba nhiều lắm! Mặc dù con vẫn biết, ba thương chị nhiều hơn. Ngoài miệng con thường so bì hay nói ba bất công nhưng thật tâm, con không trách đâu. Vì tình thương của ba mẹ dành cho con cái từ xưa đến nay luôn có sự chênh lệch mà, con cũng rất yêu quý các anh, chị em của con nên khi nhìn thấy mọi người luôn mỉm cười tươi, con thấy hạnh phúc rồi.

 Con không quá tham lam là mong ba sẽ bỏ hẳn rượu, con chỉ dám hy vọng ba sẽ uống ít đi một tí, chỉ một tí thôi ba à! Ba có nhớ lời hứa hẹn giữa con và ba không? "Nếu con đậu vào đại học, ba sẽ không uống rượu nữa". Con đã tốt nghiệp và đi làm hơn 3 năm vậy mà, ba vẫn uống. Thậm chí con thấy ba uống nhiều hơn nữa.

Bây giờ, tâm trạng ba thoải mái, không còn lo lắng chuyện tiền nong để nuôi chúng con ăn học. Ba có nhiều thời gian bên bạn bè và tâm sự bên ly rượu. Bình thường ba rất kiệm lời. Con thích ba như thế hơn là ba sau khi đã có men vào người. Mỗi khi say, ba nói rất nhiều, nhiều lắm và khi tỉnh dậy, ba không còn nhớ, mình đã nói gì.

Do tính chất công việc, mỗi năm chúng con chỉ về nhà vào dịp 30/4 và ngày Tết. Khi cả nhà quay vần bên nhau, nhìn giọt nước mắt buồn tủi phận của mẹ âm thầm rơi con thấy buồn và xót xa lắm. Mẹ khóc vì những lời nói mất kiểm soát của ba, những lời nói do men rượu. Mẹ cũng đã vất vả cả đời vì làm dâu và nuôi dạy chúng con. Cuộc sống khó khăn đã đi qua, con mong mẹ sẽ được sống quãng đời còn lại thật vui vẻ bên con cháu.

Ba à! Ba uống ít đi một tí ba nhé! Nếu được như thế không những chúng con hạnh phúc mà mẹ cũng sẽ có được niềm vui mãn nguyện ba à!

Con gái yêu gửi đến ba!

Sưu tầm


Nhớ nhà

Ba mẹ đã về Việt Nam hơn nửa tháng, bên này trời vẫn lạnh và tuyết đóng dày sau trận bão tuyết tuần rồi. Con vẫn đi học, đi làm bình thường.

Con đã cố gắng mạnh mẽ hơn, đã cố gắng cười thật tươi khi có ai đó hỏi: "Có nhớ ba mẹ không?", "Tết này không về Việt Nam à...", nhưng sao vào những khoảnh khắc chỉ có con trong căn phòng mà lúc trước 3 người ở con thấy chật chội thì nay chỉ có một mình, con chơi vơi trong nỗi nhớ nhà thênh thang.

Mẹ ơi, chưa bao giờ con cảm thấy thèm được rúc vào người mẹ, hít hà hương thơm quen thuộc của mẹ và được mẹ ủ ấm cho ngủ như lúc này. Đêm con nằm dù có mở lò sửa lớn con vẫn cứ thấy lạnh. Hình như là lạnh trong tâm mẹ ạ... Hôm kia con ăn ké canh dưa chua ở nhà ông bà ngoại, con thấy nhớ mẹ đến lặng người, không hiểu sao mẹ ạ.

Bố ơi, con đi học được 1 tuần rồi, thầy giảng nhanh quá, con nghe không kịp bố ạ, nhưng con sẽ cố gắng. Ngày đầu tiên ở trường, có một người bạn được bố dắt vào tận lớp, rồi bác ấy hỏi cô giáo mấy giờ hết lớp để ông đến đón con. Lớp con ai cũng cười, tự dưng con lại thấy tủi thân, thấy nhớ bố. Con nhớ khi còn ở Việt Nam bố thường chở con đi học, đi thi rồi ngồi đợi cho đến giờ con về. Lúc bố ở đây con hay lười, ham chơi ít khi chở bố đi đâu. Chỉ khi nào cần lắm con mới có mặt lại hay cằn nhằn bố. Vậy mà giờ, đi xe một mình con thấy mình thèm có bố để trò chuyện, để tỉ tê biết chừng nào.

 Anh hai ơi, Tết về rồi anh nhỉ! Anh hai lại chở mẹ đi biếu quà, chở bố đi mua hoa, sắm chậu mai phải không anh. Năm nay em hết được nhõng nhẽo xin anh mua quần áo mới rồi.

Còn anh ba sẽ phụ trang hoàng lại nhà cửa, sắp bộ salon, bàn, ấm nước để chuẩn bị cho bố mẹ đón khách mấy ngày Tết phải không anh ba? Nhớ năm nào cả nhà mình có hai chiếc xe máy, chồng chất nhau đi chúc Tết mọi người. Bây giờ em hết ngồi được ở yên trước rồi.

Anh tư có còn phải lên trường không hay được nghỉ Tết rồi? Trường college của em bên này rộng lắm, đi mỏi cả chân mà không hết thế nên em càng thấy cô đơn, trống trải hơn mỗi khi di chuyển từ lớp này sang lớp khác. Có lúc em nghĩ ước gì em được học cùng trường đại học với anh tư, rồi trưa anh tư sẽ dẫn em đi ăn giống như lần trước em về. Em sẽ khoe với đám bạn "anh tao là thầy giáo ở trường này nè", để em không bị ăn hiếp như ở đây.

Chị hai với chị ba năm nay phụ trách nấu đồ ăn Tết dùm mẹ phải không? Em nhớ có năm đến trưa 30 mà mẹ với em vẫn còn vật lộn với nồi trứng kho thịt nè, nồi măng khô nấu giò heo... Tết năm nay chắc còn xôm tụ hơn mọi năm... Nhà mình đặc biệt năm nào cũng có món nem bắc với lá sung, lá ổi... Mọi người nhớ không?

Năm nay ai đảm nhận phần bóc bánh chưng của con nhỉ?

Bố mẹ ơi, có lẽ bây giờ con mới hiểu được cái cảm giác của những sinh viên sống xa nhà mà Tết đến không thể về quây quần cùng gia đình.

Cũng bánh chưng xanh, mứt gừng, mứt bí, vậy mà sao con không thấy cái không khí náo nhiệt của Tết. 3 năm với 3 cái Tết xa nhà vậy mà dường như con vẫn chưa quen được.

Tết này con sẽ mặc chiếc áo dài đẹp nhất, chụp một tấm hình thật tươi. Con sẽ gửi về nhà coi như chung vui với gia đình... mặc dù con khao khát được trở về biết bao.

Hôn mọi người và gửi đến mọi người tình yêu thương với cả tấm lòng. 

Út ít


Tôi cũng thiên vị 

Tôi từng đối xử thiên vị với con bởi nghĩ đơn giản là đứa nhỏ cần sự chăm sóc hơn. Cũng may là tôi kịp thời sửa chữa, nếu không hậu quả thật khó lường.

Tôi nhận ra điều ấy khi tình cờ nghe được cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa con trai và cậu bạn thân của nó. Trước đây, tôi không bao giờ để ý, vì nghĩ con gọi điện cho bạn chỉ để hỏi về bài học. Nhưng hôm đó, tôi nghe con trai thì thầm: "Tớ buồn lắm! Ở nhà tớ bị mẹ ghét, bị mắng suốt. Mẹ tớ chỉ yêu bé Ti thôi. Vài bữa nữa tớ sẽ đi khỏi nhà. Tớ đang để dành tiền ăn sáng. Sắp đủ rồi!". Tôi đã bất ngờ đến sững sờ. Và chợt nhớ lại...

Khi tôi sinh cháu thứ hai, con trai tôi khi đó mới bốn tuổi, lập tức bị "ra rìa". Cháu không còn được mẹ gần gũi và quan tâm như trước. Tôi giao cháu hàng loạt nhiệm vụ khá nặng nề. Đầu tiên là việc phải tự chăm sóc bản thân mỗi ngày: buổi sáng tự dậy đánh răng, rửa mặt rồi ăn sáng. Sau đó thay quần áo, soạn sách vở cho vào cặp rồi tự đến trường mẫu giáo cách nhà chừng 500m. Chiều về, cháu có nhiệm vụ trông em cho mẹ nấu cơm. Bốn tuổi, thằng bé còn ham chơi. Còn tôi, do quá bận rộn nên hay cáu kỉnh, rất dễ nổi xung vì những lý do đôi khi rất nhỏ nhặt. Ví dụ, mỗi lần thấy con đi dép trái, tôi lại mắng cháu té tát: "Con ăn cái gì mà chậm tiêu dữ vậy? Có mang dép mà nói hoài cũng không biết phải trái là sao?".

Mỗi buổi sáng, mẹ gọi mãi mà cháu không chịu rời khỏi giường, thế nào tôi cũng phát vài cái vào mông cháu: "Nướng vừa thôi ông! Nhanh lên không trễ giờ học!". Khi trông em mà để em khóc hay có khi "ị”, tè dầm là cháu sẽ bị đét đít cùng những câu "ca". Lúc đầu, mỗi khi bị mẹ đánh, cháu tỏ ra rất ngạc nhiên, buồn tủi và còn khóc lóc xin mẹ tha. Nhưng sau đó, cháu trở nên chai lì, mặt cứ câng câng.

Khi vào cấp I, con trai tôi phải tự đi bộ đến trường, cách nhà hơn hai cây số. Buổi trưa, cháu đi bộ về. Nắng chang chang cũng như mưa dầm gió rét, tôi không còn thời gian để ý xem cháu đi học lúc nào, có bị mưa ướt, nắng hun hay không.

Về nhà, cháu phải tự tắm rửa, tự giặt quần áo... Tắm thì tắm qua loa cho xong nên người cháu vẫn hôi rình. Giặt thì cháu cứ nhúng đại quần áo vào thau nước, nhồi lên nhồi xuống vài lần, giũ giũ rồi đem phơi nên quần áo còn nguyên vết bẩn. Mỗi khi con tới gần, tôi lại xua: "Hôi quá! Đi chỗ khác!". Từ đó, con tôi không đến gần mẹ nữa. Đi học về, nếu không bị giao việc gì, nó sẽ lỉnh ngay sang hàng xóm hoặc lang thang chơi ngoài đường. 

Ngược lại, con gái tôi lúc nào cũng thơm tho, được bồng ẵm, hôn hít. Tôi nhớ lại ánh mắt con trai mỗi lần nhìn mẹ bế em gái. Đó là một cái nhìn khao khát, đôi khi căm phẫn. 

Lớn hơn một chút, con gái tôi nhận ngay ra sự thiên vị để hành tội anh. Bé luôn giành những thứ đồ chơi đẹp nhất, món ăn ngon nhất. Nhiều khi bé còn đòi cái bánh, cây kẹo của anh sau khi đã ăn hết phần mình. Nếu đòi không được bé lại mách mẹ và tôi luôn mắng con trai: "Mày lớn hơn thì phải nhường em chứ!".

...Hôm đó, tôi đã ngồi rất lâu, nhớ lại sự thiên vị của mình và quyết định sẽ sửa chữa. Tôi có cuộc trò chuyện thẳng thắn với con trai. Tôi nhận lỗi vì đã tỏ ra không công bằng. Nhưng tôi vẫn rất yêu con chứ không ghét bỏ như cháu nghĩ. Tôi hứa sẽ dành thời gian quan tâm đến con. Thằng bé mở to đôi mắt trong veo nhìn mẹ, cười sung sướng. Tôi nhận ra, đã lâu rồi, tôi mới nhìn thấy nụ cười như thế trên mặt con.

Thảo Duy


Mẹ và internet

Mẹ nó làm y sĩ trong một bệnh viện nhỏ ven ngoại ô cách xa thành phố chừng 4 tiếng chạy xe. Công việc của mẹ xoay quanh việc kê đơn, bốc thuốc, tổng hợp sổ sách cho mỗi đợt kiểm tra bệnh nhân hàng tháng. Nó đi học xa, thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Lần nào về nó cũng tót đi chơi với tụi bạn cùng xóm, chẳng để ý gì đến việc nhà cửa giúp đỡ cha mẹ.

 Mẹ thì bận đi làm mãi tối mịt mới về, bởi bệnh xá lúc nào cũng đông nghịt người… Còn nó suốt ngày lang thang bên nhà con bạn hàng xóm buôn “dưa lê dưa chuột”, thấy vậy mẹ la inh ỏi: “Về ngay, con gái lớn mà còn lười biếng thế thì sau này làm sao lấy chồng được hả con”. Nó chạy lẹ về không quên khều nhỏ bạn ngày mai buôn tiếp.

Ở nhà chỉ có mỗi nó là con gái bên cạnh hai ông anh trai cao lớn vạm vỡ nên nó luôn được cưng chiều, hầu như mọi việc nó chẳng phải động tay động chân tẹo nào. Nhưng cũng chính bởi thế mà nó luôn bị mẹ cằn nhằn nhiều nhất…và lần này cũng không phải là ngoại lệ. Ba đỡ lời giùm nó: “Thôi mà em, con nó vừa đi học xa về, để nó nghỉ ngơi”. Nhưng lời ba chưa kịp dứt thì ngay sau đó là một tràng “dân ca và nhạc cổ truyền”: “ Lớn rồi mà chẳng biết làm cái gì cả, con hư tại mẹ hay là tại ba hả? Anh cứ chiều nó quá rồi nó đâm hư, mau vào đây nấu ăn xem nào”…kèm theo là khuôn mặt ỉu xìu như cái” bánh đa nhúng nước” của nó.

Một ngày trong gia đình nó thường diễn ra như vậy đấy. Bởi thế mà dù rất thích về nhà nhưng mỗi lần nghe mẹ ca “cải lương” thì nó chỉ muốn ở quách trường cho xong. Trong nhà mỗi ba là thương nó nhất, chẳng mấy khi nói nặng nó lấy một câu, chỉ có mẹ, đụng cái là bị mẹ mắng, sao mẹ không nghĩ nó cũng lớn rồi chứ bộ, 19 tuổi chứ ít ỏi nỗi gì. Lần này, nó được nghỉ học gần 1 tuần liền, vừa biết tin thì dì nó đã đánh điện cho mẹ và ngay lập tức buổi chiều nó đã có mặt tại nhà…

Vừa bước vào tới cổng nó đã mắt chữ o mồm chữ a khi thấy dàn máy vi tính mới cáu nối mạng internet hẳn hoi. Mẹ tươi cười bảo:

- Tuần này Út ở nhà dạy mẹ Worl, Excel và lập nick chat với nghe!

Mắt nó lại càng tròn xoe hơn, nó lắp bắp:

- Gì vậy mẹ, sao tự dưng mẹ muốn học mấy thứ này làm chi vậy?

Nó thấy mẹ có gì đó khang khác so với mọi ngày, mẹ thủ thỉ: “ Xã hội ngày càng tiến bộ mà mẹ không biết gì về công nghệ thông tin thì lạc hậu lắm, công việc đòi hỏi ngày càng cao, cái gì cũng phải học con à, với lại có mạng rồi thỉnh thoảng ba mẹ chat với con chứ bắt con về nhiều cũng tội!”. Nó ngồi suy nghĩ một lúc lâu, mẹ đi làm gần nửa đời người rồi nhưng luôn muốn phấn đấu vì công việc, vả lại mẹ cũng rất thương nó, thế mà nó cứ tưởng mẹ chỉ biết mỗi gắt gỏng nó thôi. Nhưng…nó vẫn chứng nào tật nấy, mẹ vừa nói câu trước thì câu sau nó lại quên béng mất. Vừa chỉ cho mẹ được một lát thì buổi chiều nó chạy đi chơi đến tối khuya mới về.

Mẹ vẫn cặm cụi bên ánh đèn nhỏ gõ từng chữ một, thấy mẹ miệt mài nó thương mẹ vô cùng. Mẹ nuôi nó ngần ấy năm, lo cho nó đầy đủ, lo cho nó được tiếp cận công nghệ thông tin để không bị thua thiệt với bạn bè, không bị lỗi thời với xã hội...Vậy mà chỉ có mỗi việc cỏn con mẹ nhờ nó mà nó cũng không nhớ. Nó thật là vô tâm. Hai ông anh đi du học rồi, nếu mà biết nó như vậy chắc bực nó lắm.

Nó rón rén bước vào phòng, lí nhí xin lỗi mẹ, mẹ buồn buồn nhìn nó: “Mẹ già rồi con à! Nhìn chữ mờ mờ không được rõ, lại gõ chậm quá! ”…Lòng nó bỗng dưng trĩu nặng, khóe mắt cay cay.

Mấy ngày còn lại, đêm nào nó cũng chỉ cho mẹ thật cặn kẽ, giờ mẹ cũng đã nhìn quen với những con chữ trên màn hình, không còn thấy khó đọc như hôm trước nữa.

Dần dần, internet trở thành công cụ đắc lực để thỉnh thoảng hai mẹ con chat với nhau, và nhờ có nó mẹ cũng đỡ vất vả hơn với công việc soạn sổ sách.

Bây giờ, nó thấy mình lớn hơn nhiều, nó không còn lười biếng như ngày trước mà đã thành một cô nàng siêng năng chăm chỉ, mẹ cũng ít rầy la nó . Có gì mẹ lại chat, nhắc nhỡ và cũng đôi điều tâm sự với nó. Nó thấy thấm thía và đã biết suy nghĩ nhiều hơn...Cảm ơn mẹ, cảm ơn...cái máy vi tính nữa nhé!

Phạm Thị Hồng


Ngày của mẹ

Ngày còn là một cô học trò trên ghế nhà trường, mỗi độ tháng 5 về con lại thấy lòng rộn rã. Tháng 5 về là một mùa hè sắp đến gần.

Những chùm phượng vĩ vươn mình trong nắng ấm. Những tà áo dài đi chầm chậm trong sân trường như chờ ai kịp bước theo. Con cũng từng nôn nao với những ngày của tháng 5. Bao nhiêu bài vở phải chạy nước rút để chuẩn bị ôn thi học kì hai. Mà con luôn muốn mang về cho mẹ những điểm 10 đỏ chót và bằng khen loại giỏi. Mẹ sẽ hôn lên trán con và khen rằng con mẹ giỏi quá.

Rồi những tháng 5 cũng trôi qua. Con bước chân vào giảng đường đại học. Nhà gần trường nên tháng 5 đối với con cũng không có gì đặc biệt. Con vẫn là một cô bé tung tẩy đến trường, đi chơi và đi về... Nhưng muộn hơn trước. Con hay gọi điện về nhà và bảo rằng: "Mẹ ơi, mẹ ăn cơm trước đi, con đi chút xíu lại về..." Con để mẹ ăn cơm một mình trong căn nhà lạnh lẽo một thời chỉ có tiếng cười của con và mẹ.

Rồi con cũng ra trường, đi làm, có chồng, có con. Tháng 5 đối với con cũng bình thường thôi. Thời gian vùn vụt như thoi. Để đến hôm nay, con đọc một bài báo và biết rằng tháng 5 có một ngày rất đặc biệt: Ngày của mẹ, ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5!

Đã lâu rồi con không còn nhớ đến những ngày kỉ niệm quan trọng nữa. Dòng xoáy cuộc đời đã cuốn con đi xa mẹ. Mà cũng lâu rồi con chưa về thăm mẹ. Một tháng, hai tháng, rồi sáu tháng. Con vẫn hay cười hề hề: "Để Tết cho cháu về với bà luôn, con bận lắm".

Mẹ ơi, khi viết những dòng chữ này, nước mắt con rơi. Con khóc thật nhiều. Con đã quá vô tâm với mẹ, người yêu con nhất cuộc đời này. Mẹ có gì cũng gọi điện tỉ tê với con. Ừ, vì mẹ chỉ có con là con gái mà. Có thứ chi ngon mẹ cũng bảo con sang lấy mà ăn. Con bận quá, chẳng sang mà cũng không hồi âm cho mẹ. Mẹ bảo nhớ cháu lắm. Con lại viện cớ bận làm, bé đi học. Những ngày chủ nhật chỉ là thời gian để giải quyết những việc tồn đọng trong tuần.

Tháng 5 này có một ngày đặc biệt, con sẽ về với mẹ. Dù có bận gì con cũng sẽ hoãn lại hết để về nhà.Ngôi nhà ấy đã cho con một cảm giác thật đặc biệt, cảm giác của sự yêu thương và an toàn. Con không thể trì hoãn thêm nữa vì con biết rằng, nếu tiếp tục như thế, con sợ có một ngày sẽ chẳng thể làm cái việc nhỏ nhoi là nắm lấy bàn tay mẹ mà nói rằng: Con yêu mẹ!

Tháng 5 này có một ngày rất đặc biệt: ngày của mẹ tôi! 

Hoàng Oanh


KHÔN NGOAN

Một ký giả, khi được thực hiện một thiên phóng sự về lễ Kim Khánh hôn phối của một đôi vợ chồng già sống rất hạnh phúc, đã đến hỏi người chồng về bí quyết đã giúp cho ông giữ được niềm vui và sự an hoà trong gia đạo. Ông lão đã trả lời đại khái như sau:

“Giản dị lắm cậu ơi!  Tôi mồ côi cha mẹ từ tấm bé và đã tự mình chống chọi với đời để mưu sinh ngay từ thuở nhỏ. Tôi không còn thời giờ để nghĩ đến việc khác, cũng chẳng có thời giờ để phạm vào một vài lỗi lầm của tuổi trẻ. Lúc đã gần đến tuổi lấy vợ, tôi mới để ý đến Kiều Giang. . . Sau khi hôn lễ và những tiệc tùng đã chấm dứt, ông nhạc tôi kêu tôi ra riêng một nơi, trao cho tôi một gói nhỏ mà bảo tôi: “ Đây là tất cả những gì con cần biết để cho vợ con được hạnh phúc và mang hạnh phúc đến cho con”.  Trong cái gói nhỏ ấy chỉ có một cái đồng hồ quả quít. Đây, chiếc đồng hồ ấy đây!  Đây là chiếc đồng hồ vàng đã cũ nhưng chạy vẫn còn tốt lắm. Cậu thấy không ? Chỉ cần ấn vào cái nút nhỏ này là đồng hồ mở ra. Bây giờ mời cậu hãy nhìn vào hàng chữ khắc trên mặt đồng hồ. Tôi đọc đi đọc lại câu ấy mỗi ngày 10 lần. Đó là tất cả bí quyết của tôi! “

Ký giả đọc câu ấy như sau: “ Hãy nói vài lời dễ thương với vợ con! “

Những lời tử tế tạo được nhiều phép lạ!"

Sưu tầm


Mẹ, con và những chuyến đi!

Con yêu thương,

Mẹ viết thư này cho con từ cách xa hàng nghìn km, nhưng con biết không mẹ dường như vẫn cảm nhận được hơi thở, được tiếng cười khúc khích của con, cảm nhận được đôi bàn tay vương đầy mực tím. Mẹ nhớ con, nhớ em con, nhớ bố con... nhớ mọi thứ ở căn hộ nhỏ bé của nhà mình.

TÔM và TÉP

Con còn nhớ không, những ngày con chưa phải đến trường ấy, những ngày hai mẹ con mình cùng rong ruổi nhiều nơi, nhiều vùng miền của đất nước. Con đi cùng mẹ, mẹ cắp theo con, lúc thì đi du lịch, lúc thì đi công tác... rong ruổi... lang thang... nhiều khi chỉ có hai mẹ con ở vùng đất xa lạ cảm giác nhớ nhà, cô độc lại xâm chiếm trái tim mẹ. Nhiều lúc nghĩ lại, mẹ thấy xúc động và cảm ơn con bé nhỏ biết bao, con đã đi cùng mẹ những hành trình, con đã ngoan ngoãn ở bên mẹ, xoa dịu mẹ...

Bất chợt mẹ nhớ, đôi tay nhỏ nằm trong lòng bàn tay mẹ, xiết chặt mỗi khi mẹ gặp khó khăn. Mẹ nhớ những câu hỏi của con về mọi sự việc ở vùng đất lạ, mẹ chợt nhớ cái dáng nhỏ bé nằm ôm mẹ, mẹ nhớ cả những lúc con ngoan ngoãn ở khách sạn một mình với bút chì, bút màu để vẽ tranh, để luyện chữ khi mẹ đi làm... nhớ xiết bao là nhớ.

Đợt đi này, chẳng có ai bên cạnh mẹ ngoài một cô đồng nghiệp. Chẳng có con, không có em con và đương nhiên không có bố con. Mẹ lại đi một hành trình cũ mà mẹ con mình từng đi. Cuộc hành trình đáng nhớ của ba mẹ con mình và ông bà ngoại con có nhớ không? Mẹ vô tình đi đúng vào những nơi mà mẹ con mình đã đến, nôn nao nhớ con và em Tép đến lạ lẫm, đến xôn xao và bần thần.

Con nhớ chuyến đi Tây Nguyên cùng mẹ không nhỉ? Suốt một tuần với những buổi chiều lang thang ở phố núi tràn ngập bướm và hoa... Hai mẹ con đi xe ôm vào chợ mua đồ, con ngồi trước ông xe ôm, mẹ nhìn thấy hoa đẹp quá nên yêu cầu dừng lại đúng ngã ba chợ tắc đường, cứ đinh ninh ông xe ôm và con đứng chờ, ai ngờ ông ấy phóng lên trước và vòng lại vì sợ nghẽn đường. Mẹ mua nắm hoa cúc vàng xong, quay lại thẫn thờ rơi mất bó hoa, tìm kiếm con bằng ánh mắt hoảng sợ và tim chợt nở tung ra khi ông xe ôm cười hiền lành cùng con tiến về phía mẹ. Ôm con thật chặt, nắm lấy bàn tay nhỏ mà nước mắt mẹ chan hoà, con hỏi: "Sao mẹ khóc nhè thế?", "Không phải đâu, tại mẹ bị con dĩn chui vào mắt". Nhớ đời!!! Và rồi mẹ con mình di chuyển từ vùng núi Tây Nguyên xuống vùng biển Nha Trang để gặp em Tép và bố, cả nhà lại đoàn tụ, lại gần nhau trong một kỳ nghỉ tuyệt vời và hiếm hoi. Một chuyến đi ấn tượng và đáng nhớ phải không con.

Tối hôm qua con hỏi mẹ là mẹ đang ở đâu, mẹ kể cho con nghe những niềm vui, nỗi buồn của chuyến đi, rằng mẹ nhớ các con làm sao, rằng ở đây thế nào, nơi mẹ con mình từng đến, từng đi dọc sông nước... Con nói với mẹ rằng: "Mẹ ơi con không nhớ chuyến đi ấy". Ôi, điều ấy cũng làm mẹ hơi buồn một chút đấy nhé nhưng có sao đâu, con còn nhỏ mà. Con tiếp thu mọi thứ nhanh nhưng cũng lại quên nhanh nhưng quan trọng là mẹ, mẹ ngày càng già đi, cảm xúc trong lòng cứ ngày càng cô đọng, sâu sắc hơn. Mọi kỷ niệm được mẹ xếp kỹ vào tim, vào đầu và kỷ niệm giống như lọ ô mai chua ngọt thỉnh thoảng mẹ lại lấy ra để nhâm nhi và thổn thức. Mẹ sẽ luôn gìn giữ trân trọng những chuyến đi cùng con, những hành trình của mẹ con mình...

Cho phép mẹ nhắc lại chuyện này nhé và cảm nhận... mọi xúc cảm hỗn độn của mẹ trong lúc xa con và em Tép.

Sưu tầm