Truyện Minh Hoạ - Gia Đình

Cho một khởi đầu mới

“..Bất kỳ thời điểm nào cũng có thể là điểm khởi đầu tốt nhất cho bạn..”

Con yêu quý của mẹ,

Vậy là con đã tốt nghiệp và bắt đầu bước vào cuộc hành trình mới. Mẹ biết giờ đây trong con đang có rất nhiều cảm xúc. Dù cuộc sống có thế nào đi nữa, con hãy giữ cho tâm hồn mình luôn đầy những cảm xúc như thế, vì chính những cảm xúc ấy sẽ giúp con biết trân trọng những khoảnh khắc hạnh phúc cũng như giúp con vượt qua khó khăn, thử thách.

Mẹ đã suy nghĩ rất nhiều, đã cân nhắc điều gì nên nói và điều gì nên để tự con khám phá. Sẽ có những câu hỏi mà chính những trải nghiệm cuộc sống mới có thể giúp con nhận ra đâu là câu trả lời hoàn thiện nhất. Và mẹ sẽ cùng đi tìm, chia sẻ với con lời giải cho những câu hỏi ấy.

“Tôi là ai trong cuộc sống này?” - Thời gian sẽ giúp con khám phá ra con là ai và tìm thấy con người thật của mình. Hãy sống chân thành với mọi người, tôn trọng những cảm xúc của mình và tận hưởng niềm hạnh phúc thật sự. Khi con hòa hợp với chính bản thân mình, mọi thứ dần dần hoàn thiện. Hãy luôn là chính mình, đừng cố gắng bằng một lớp vỏ bọc hoàn hảo khác. Hãy vươn lên, trưởng thành và thay đổi. Hãy nhớ rằng con không đơn độc trên suốt cuộc hành trình này – gia đình, bạn bè và những người yêu mến con luôn bên cạnh mỗi khi con cần.

“Mục tiêu của tôi là gì?” – Khi con hiểu được những mục tiêu và ước mơ của mình, mẹ mong con hãy mạnh dạn tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ đó. Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ. Hãy cố gắng bằng mọi cách để biến ước mơ thành hiện thực, con nhé. Niềm vui khi đạt được mục tiêu sẽ giúp con tiếp tục vững bước trong những khó khăn, trở ngại của cuộc sống.

 “Khi nào tôi nên bắt đầu?” – Nên bắt đầu mọi thứ khi có thể, nhưng đợi khi sự đắn đo có thể sẽ hiệu quả hơn. Tất cả mọi thứ đều có thời điểm bắt đầu thích hợp của nó. Con cần phải nhận thức để thực hiện. Và mọi thứ trở nên khó khăn, con hãy đặt tất cả sang một bên, nghỉ ngơi, tận hưởng những điều kỳ diệu của cuộc sống mà đôi khi con chưa kịp cảm nhận. Mỗi ngày đều là những khoảnh khắc thật ý nghĩa.

“Tôi sẽ đi về đâu trong cuộc sống này?” – Luôn hướng về nguồn cội và gia đình, vì đó là chiếc nôi đã cho con cuộc sống. Hãy sống tích cực với mọi người và khám phá từng ngày những điều kỳ diệu xung quanh con. Đôi khi một cử chỉ đẹp, một nụ cưới, hay một cái ôm thật chặt – những điều tưởng chừng như đơn giản nhất – cũng có thể đem lại sự khác biệt lớn lao và làm thay đổi mọi thứ.
“ Tôi phải bắt đầu như thế nào ?” – Đây là câu hỏi mẹ muốn con tự mình tìm câu trả lới. Trong những năm tháng qua, có những lúc mẹ không thể ở bên con nhiều nhưng con đã làm rất tốt. Con hãy tin vào bản thân mình. Hãy nhớ rằng những bước trưởng thành nhất chỉ đến sau những trăn trở, vất vả. Và hãy nhớ mẹ luôn yêu con.

Chúc con thành công trong cuộc hành trình mới!!!!

Sưu tầm


Nhật ký của 1 em bé chưa chào đời

Ngày 5-10 - Hôm nay, mình bắt đầu xuất hiện. Ba mẹ chắc là chưa biết điều này đâu vì mình còn nhỏ xíu như một hạt táo mà, nhưng sự thật là mình đã có rồi.

Và mình sắp là một bé gái. Mình sẽ có tóc vàng và mắt xanh. Tất cả mọi thứ đã được sắp xếp hết cả, thậm chí ngay việc mình rất thích ngắm hoa nữa cơ!

Ngày 19-10 - Một số người nói mình chưa phải là một con người hoàn chỉnh, rằng mới chỉ có mẹ mình thật sự tồn tại mà thôi. Nhưng mình là người mà, cũng giống như mẩu ruột bánh mì nho nhỏ chưa phải là bánh mì thật sự. Mẹ là người, vậy thì mình cũng thế.

Ngày 23-10 - Mới rồi mình vừa mở hé đôi môi. Chà, để nghĩ coi cỡ một năm nữa, mình sẽ nở nụ cười và sau đó biết nói. Chắc chắn tiếng đầu tiên mình thốt ra sẽ là: Mẹ... mẹ...ơi!

Ngày 25-10 - Hôm nay, tim của mình bắt đầu tự đập lấy. Từ giờ trở đi nó sẽ nhảy múa nhẹ nhàng cho đến phút cuối đời của mình mà không nghỉ chút nào! Sau nhiều năm chắc nó phải mệt mỏi. Nó sẽ dừng khi mình chết đi, chắc thế!

Ngày 2-11 - Mình lớn lên một chút từng ngày. Tay chân mình bắt đầu hình thành. Nhưng chắc chắn mình phải đợi một thời gian khá dài trước khi đôi chân có thể giơ cao để chạm vào tay mẹ, trước khi lòng bàn tay bé nhỏ có thể cầm được hoa và ôm lấy ba.

Ngày 12-11 - Những ngón tay nhỏ xíu bắt đầu mọc ra trên bàn tay của mình. Ồ, trông chúng nhỏ nhắn mà dễ thương làm sao! Mình sẽ được vuốt tóc mẹ nhờ chúng đấy nhé!

Ngày 20-11 - Hôm nay, bác sĩ nói với mẹ rằng mình đang sống ở đây, bên dưới trái tim của mẹ. Ồ, chắc mẹ phải vui mừng biết bao! Mẹ có vui không hở mẹ?

Ngày 25-11 - Có lẽ ba mẹ đang đặt tên cho mình. Nhưng chắc ba mẹ vẫn chưa biết mình là con gái đâu. Bí mật đấy nhé! Mình muốn được người khác gọi là bé May. À, mình đang lớn dần lên đây!

Ngày 10-12 - Mình đang mọc tóc! Sao nó mượt mà và tỏa sáng quá. Mình tự hỏi tóc của mẹ có giống thế không?

Ngày 13-12 - Mình vừa chớp mắt. Bóng tối bao phủ xung quanh mình. Khi mẹ sinh mình ra, chắc là thế giới sẽ nhiều hoa và nắng ấm lắm. Nhưng điều mình muốn hơn cả là trông thấy mẹ. Mẹ ơi, mẹ có đẹp không hở mẹ? Con muốn nhìn thấy mẹ ghê!

Ngày 24-12 - Mình tự hỏi liệu mẹ có nghe thấy tiếng thì thầm của trái tim mình? Một số bạn của mình ra đời hơi bị yếu một chút. Nhưng trái tim mình rất khỏe mạnh. Nó đập đều đặn: tup-tup, tup-tup. Mẹ sẽ có một đứa con gái thật khỏe mạnh đó nghe mẹ!

Ngày 28-12 - Hôm nay, mẹ mình giết mình...

Sưu tầm


Ôm ấp

Chiều muộn, tôi đã phải dừng lại để nhường đường cho một người phụ nữ đang vội vã đẩy một chiếc xe chất đầy những túi lớn và một cô bé con. Vừa lúc, một bánh của chiếc xe đẩy bị mắt kẹt, khiến cho chiếc xe bị đổ, mấy cái túi đổ tung toé, người phụ nữ cũng bị ngã, cả cô bé con cũng rơi khỏi xe, hoảng hốt tột độ.

Đúng theo bản năng của một người làm cha, phản ứng đầu tiên của tôi là lao đến bế cô bé sốc lên vai mình, vỗ lưng để dỗ dành nó. Và cảm giác đầu tiên của tôi là ngạc nhiên khi cô bé không hề nhìn quanh tìm mẹ. Cô bé chỉ khóc và nhìn thẳng vào bức tường, cuống cuồng nắm chặt lấy áo và cổ tôi. Cô bé cũng không trả lời khi tôi nựng nịu, mà chỉ vùi mặt vào ngực tôi.

Chỉ vài dây sau, người mẹ trẻ chạy lại phía con, nhưng cô bé không chịu rời tay ra khỏi vai tôi. Tôi đành nói người mẹ cứ sắp xếp lại những chiếc túi, để tôi bế cô bé giúp.

Nghe thấy tôi vỗ về cô bé, chị bỗng nói:

- Nó chỉ có thể nghe anh nếu anh áp tai nó vào ngực anh, vì nó còn bị điếc nữa.

"Còn?"

Tôi cuối xuống nhìn vào đôi mắt xanh rất đẹp. Và tôi nhìn thấy... không gì cả. Không phản ứng. Không định hướng. Không cảm xúc. Cô bé mong manh và hoảng hốt này vừa bị mù vừa bị điếc. Cửa sổ duy nhất của cô bé để hướng ra thế giới là nhờ sự ôm ấp.

Tôi vuốt má cô bé và thấy một nụ cười yên tâm qua làn nước mắt. Tôi cù vào phía dưới cằm, cô bé cười khúc khích rồi ngả đầu vào vai tôi. Tôi cảm thấy trái tim mình như rạn nứt khi nghĩ đến cô con gái 2 tuổi rưỡi của mình - Christina. Đã hàng tháng nay tôi không kể chuyện cho nó nghe trước khi đi ngủ, vì tôi phải làm việc buổi đêm. Đã cả năm nay rồi tôi không chơi trò cù vào bụng để nó cười rộ lên thích thú. và có lẽ cũng cả tuần nay rồi tôi chỉ "Ngủ đi, bố yêu con" mà không hề ôm hay hôn Christina.

Christina!

Liệu cô bé tôi đang bế trên tay có biết rằng tôi là một người xa lạ? Và liệu cô bé có phân biệt được những người khác nhau? Liệu cô bé có biết đâu là mẹ mình và đâu là những người phụ nữ khác? Và tất cả những câu hỏi của tôi được trả lời trong một giây sau đó. Khi mẹ cô bé ôm lấy con mình thật chặt, dụi vào má và hôn lên trán cô.

Vẻ mặt cô bé đã trả lời tất cả: Tất nhiên là cô có thể nhận biết được mọi người.

Tôi đã cố gắng để không khóc khi nhìn hai mẹ con họ đi khuất sau góc phố. Có một điều tôi muốn làm ngay lập tức: Về nhà và ôm lấy bé Christina, để nó nghe được cả trái tim tôi cũng nói "Bố yêu con".

Sưu tầm


Gánh vợ trên vai 30 năm

Trên đại lộ thị trấn Tân Tạo huyện Phiên Ngung (Quảng Đông – Trung Quốc) thỉnh thoảng lại xuất hiện một đám đông những người hiếu kỳ tụ tập ở một góc đường. Họ chăm chú nhìn vào cái giỏ mây đặt bên đường. Nằm trong giỏ dài hơn 90cm, ngang nhỏ hơn 60cm, là một người dị dạng: tứ chi hoàn toàn bị gấp khúc, xương sống cong gập, toàn thân chỉ còn da bao lấy đầu xương. Người ấy nằm bất động, chỉ có hai con mắt và miệng là cử động được.

Ông lão Triệu Hiền Thành ngồi bên cạnh cái giỏ mây cho biết người nằm trong giỏ là vợ ông – bà Đường Kim Tú. Ông nói: “Ngày trước, bà ấy cao 1m69, nặng 54kg. Giờ đây chỉ còn 24kg rưỡi, cao không tới 0.7m."
Thật khó mà hình dung được bà lão đang cuộn tròn kia đã từng là một phụ nữ cao ráo, cân đối. Ông Thành kể: “Năm 1963, vợ tôi mới 27 tuổi. Một hôm đi làm đồng bà ấy than đau mắt cá. Qua hôm sau, đầu gối cũng bắt đầu đau nhức. Sau đó, cả chân, tay, vai đều đau thốn như bị ai rút gân vậy. Chỗ nào đau thì chỗ đó bắt đầu co rút lại. Bà ấy đau đến nỗi cứ khóc suốt. Tôi đã đưa bà ấy đi khám nhiều bác sĩ."

Hầu hết đều cho rằng bà mắc bệnh phong thấp. Nhưng càng uống thuốc, bệnh tình bà càng nặng, thân thể ngày càng teo lại. Các khớp xương bị phù gây đau nhức rồi biến dạng. Đến lúc này ông Thành biết vợ mình mắc phải bệnh nan y.

“... Lỗi tại tôi cả. Vợ vừa mới sinh chưa đầy một tháng đã phải ra đồng làm việc, cứ ngâm mình trong nước mãi... Rồi tôi lại không đủ tiền cho bà ấy chữa bệnh. Mỗi lần khám tốn những 30 đồng."

Vào những năm ấy, 30 đồng đối với một nông dân Trung Quốc là một số tiền rất lớn. Thời kỳ đầu mới phát bệnh, Đường Kim Tú không ra đồng làm việc được nhưng có thể nửa nằm nửa ngồi bế con. Ba năm sau bà bị căn bệnh quái ác làm cho biến dạng, toàn thân không thể duỗi thẳng, không thể cử động được nữa. Chỉ có cái đầu là còn động đậy. Từ đó, bà sống nửa đời còn lại trong cái giỏ mây của ông chồng. Ăn uống, tiêu tiểu... thảy đều do chồng săn sóc.

“Trước đây con gái giúp tôi một tay", ông nói. Nhưng đến năm 23 tuổi, Triệu Kim Hoa, con gái ông, mắc bệnh viêm màng não rồi qua đời. Cái chết của Kim Hoa là một cú sốc cho vợ chồng ông. Tinh thần của bà Kim Tú ngày càng suy sụp...

Năm 1993, ông Thành quyết định rời quê nhà đi tìm cuộc sống mới. Ông đặt vợ vào một cái giỏ mây, tự mình gánh đi. Một người đồng hương viết lại hoàn cảnh khốn khổ của họ và bệnh của bà Kim Tú lên một tấm giấy lớn cho họ mang theo qua khắp các tỉnh thành của Trung Quốc.
Bà Kim Tú kể: “Chúng tôi đã qua 8 tỉnh rồi: Hồ Nam, Giang Tây, Triết Giang, Phúc Kiến... hôm nay mới đến được Phiên Ngung này". Tuy thân thể bị teo nhỏ nhưng giọng của bà vẫn còn trong trẻo, đầu óc hãy còn minh mẫn.

“Đi khắp nơi để kiếm sống đương nhiên là không dễ chịu rồi. Nhưng buồn nhất là phải chịu đựng ánh mắt soi mói của mọi người." Hồi ở Quý Châu, có một tạp chí bảo tôi mang vợ ra cho người ta chụp ảnh chung, họ sẽ cho tôi tiền nhưng tôi từ chối. Tôi thà đi ăn xin chứ nhất quyết không làm chuyện ấy. Có thời gian, mỗi ngày chúng tôi kiếm được bảy, tám chục tệ. Hôm nào may mắn, được hơn cả trăm tệ..."

Qua bao gian khó, ông Thành vẫn cứ gánh vợ bên mình, như là một bảo vật ông phải gìn giữ.

“Chúng tôi hai người cùng khổ, nhất định phải ở bên nhau rồi" – ông Thành vừa vắt khăn lau cho vợ, vừa tiếp tục câu chuyện. “Năm tôi lên 6 gặp cảnh mất mùa, cha mẹ đem tôi bỏ ngoài đường. Tôi phải đi làm thuê, chăn bò... để kiếm miếng ăn. Sau có người mai mối tôi với vợ tôi bây giờ. Còn vợ tôi, mới lên 3 thì cha mất, mẹ cải giá, dượng ghẻ đối với bà ấy không tốt lắm..." Ông nhìn vợ trìu mến: “Tôi không thể bỏ vợ được! Nếu bà ấy mà chết trước tôi không biết sẽ ra sao nữa!" Bà Kim Tú nằm trong giỏ nghe được câu nói tình cảm của chồng cũng bật cười: “Đúng vậy! Nếu chẳng may ông ấy mà chết trước tôi cũng không thiết sống nữa!"
Bà nói tiếp: “Nhiều năm trước tôi từng nghĩ đến cái chết. Nhưng tôi chạnh nghĩ đến chồng, đến chị và em trai tôi còn ở quê nhà, tôi lại không muốn chết nữa. Ông ấy gánh tôi trên vai ba mươi năm, vất vả vô cùng. Tôi biết mình thật vô dụng. Những gì ông ấy đối với tôi, không thể một câu là kể hết được!"

Nói đến đây, bà khóc. Ông Thành lau nước mắt cho vợ, vỗ về: “Đừng khóc nữa, mai chúng ta về quê..."

Họ ra bến xe Quảng Châu. Chuyến xe chiều ấy sẽ đưa họ về lại cố hương Tứ Xuyên. Nhìn cảnh ông già 60 tuổi gánh trên vai bà vợ 61 tuổi, lẻ loi ở bậc cửa xe, không ai mà không thấy xót xa...

Sưu tầm


Giờ trái đất của gia đình

 “Vào học bài!”. Nghe tiếng bố, đang chơi bóng ngoài sân con vội chạy ngay vào nhà ngồi vào bàn học. Bỗng “phụp”! Con hét lên vui sướng: “Mất điện rồi!”. Ngoài sân, tiếng em Bi: “Không phải, không mất điện”. Con vội vàng chạy ra sân, đúng là vẫn sáng vằng vặc. Ánh sáng dịu mát, dễ chịu chứ không gay gắt như mọi ngày con vẫn thấy. Bố và mẹ cùng bước ra sân, mẹ cũng ngỡ ngàng: “Hôm nay rằm”.

Cả nhà mình cùng ngồi bệt ngay ở thềm cùng tỉ tê chuyện trò. Không có quạt mà vẫn mát rười rượi vì gió từ đâu thổi tới. Mẹ kể trung thu hồi nhỏ, mẹ cùng bạn bè trong xóm cầm đèn ông sao chạy thật nhanh nhưng không sao chạy kịp ông trăng. Lâu lắm rồi mẹ cũng không nhìn thấy trăng. Còn con, trung thu con cũng đi rước đèn nhưng chưa nhìn thấy trăng bao giờ.

Bố cũng “góp chuyện” về trung thu xưa. Bà mua cho bố một chiếc đèn ông sao giá 1.000 đồng nhưng không có nến, thế mà vẫn rước được đèn chạy khắp nơi. Còn bây giờ, đồ chơi của con, cả đèn ông sao chỉ cần bật nút công tắc là sáng trưng. Nhưng đổi lại, con chẳng nhìn thấy ánh sáng của đêm răng rằm.

Lâu lắm rồi nhà mình mới có một buổi ngồi trò chuyện thế này. Ngọn gió mát rượi đã ru em Bi ngáy khò khò trong lòng mẹ từ lúc nào. Hàng ngày con sợ bố và ngại mẹ mà giờ thấy bố mẹ thật gần. Con kể cho bố mẹ chuyện thầy cô, bạn bè ở lớp. Con còn dám nói với bố mẹ bí mật “con quý bạn Hà lớp trưởng vì bạn ấy rất xinh”.

 Mất điện mới nhìn thấy được trăng. Con sẽ không phải ngồi vật vờ trước bàn học, vì một ngày con đã học hai buổi ở lớp là quá đủ rồi. Bố mẹ sẽ không ngồi “ôm” lấy máy tính. Gia đình chúng ta sẽ có nhiều thời gian để trò chuyện, chia sẻ với nhau như thế này hơn.

Bố nhắc chuẩn bị có chiến dịch “Giờ trái đất”. Nhưng bố nói từ giờ mỗi tuần một lần gia đình mình sẽ tắt toàn bộ hệ thống điện. Bố mẹ sẽ không ngồi máy tính, con sẽ không phải học bài để cùng ra ngồi trước thềm như hôm nay. Những giây phút như thế chính là “giờ trái đất” của gia đình mình!

Sưu tầm


Bức thông điệp yêu thương thầm lặng

Thời gian đầu khi mới làm mẹ, tôi đã khám phá ra một điều thú vị mà sau này nó đã trở thành một bí mật nhỏ của gia đình tôi, đó là sức mạnh của những lời yêu thương.

Lúc mới chập chững tập đi, cũng giống như những đứa trẻ khác, bé con của tôi thường hay níu lấy tôi. Nó sợ ngã. Những lúc như vậy, tôi thường nắm chặt bàn tay nhỏ xíu của bé trong tay mình, khẽ vân vê và thì thầm: "Mẹ yêu con". Trẻ con thường thấy thích thú với những gì có vẻ bí mật. Thế nên, hành động này vô tình đã trở thành một dấu hiệu riêng của hai mẹ con tôi.

Năm tháng trôi qua, bé con của tôi đến tuổi đi học. Nó giờ đã là một cô gái, có lẽ nó không cần những dấu hiệu riêng ngày xưa nữa... Tôi nghĩ vậy.

Hôm đó, trường mẫu giáo của bé con tổ chức hội diễn văn nghệ. Con bé sẽ tham gia trong một vở kịch ngắn cùng các bạn cùng lớp. Trong vở kịch ấy, bé con chỉ đóng một vai nhỏ, nhưng điều đó cũng trở thành một sự kiện đối với con bé và gia đình tôi. Từ hàng ghế khán giả, tôi nhìn thấy con bé cứ lấp ló bên cánh gà, mặt mày ra chiều "căng thẳng" lắm. Tôi muốn trấn an nó, nhưng tôi biết những lời tôi nói lúc này chỉ làm con bé cảm thấy lo lắng hơn thôi. Chợt nhớ đến dấu hiệu bí mật, tôi rời chỗ ngồi của mình và bước đến chỗ con bé. Chẳng nói gì cả, tôi nhẹ nhàng cầm lấy bàn tay đang run lên của nó và vân vê. Mắt bé con chạm vào mắt tôi. Và tôi biết, con bé đã nhận ra... Ngày hôm đó, bé con và các bạn của nó đã trình diễn thật xuất xắc.

Ba năm trước, "bé con" kết hôn với một chàng trai rất tuyệt. Gần đến giờ làm lễ, nhìn quanh, tôi chẳng thấy "bé con" đâu cả. Thì ra, cô gái nhỏ của tôi đang đứng khóc thút thít bên hông nhà thờ: một sự thay đổi lớn trong cuộc đời. Tôi rất muốn chạy đến ôm lấy con bé, nói cho nó biết nó là một cô gái dễ thương như thế nào, rằng hai đứa thật xứng đôi, và rằng có cả một tương lai rộng mở đang chờ chúng phía trước. Hơn hết thảy, tôi muốn nói cho nó biết, tôi yêu nó biết nhường nào! Nhưng... Khẽ bước đến và cầm lấy đôi bàn tay của cô dâu bé nhỏ. Một lần nữa, tôi muốn nói lời yêu thương với "bé con" theo cách của mình. Tôi gọi đấy là bức thông điệp yêu thương thầm lặng.

Phương Thi


Ngày Của Mẹ

Ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng năm, tại nhiều nước trên thế giới, được gọi là ngày của Mẹ, ngày dành riêng để tỏ lòng báo hiếu đối với Mẹ...

Sáng kiến dành ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng năm làm ngày của mẹ được gán cho một thiếu nữ người Hoa Kỳ tên là Anna M.Jarvis qua đời khoảng năm 1948. Mẹ của cô qua đời tháng năm năm 1905. Trong những năm kế tiếp, cô thường tổ chức giỗ mẹ một cách trọng thể như mời bạn bè đến cầu nguyện tại gia đình. Cô viết thư gửi tới các nhân vật quan trọng trong nước Mỹ để xin lập một ngày tưởng nhớ các bà Mẹ. Tiểu bang nơi cô đang sống đã chấp nhận đề nghị năm 1913. Và ngày 10 tháng 5 ấy, quốc hội Hoa Kỳ cũng thông qua đề nghị nhận ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng 5 như một ngày để ghi ơn các bà mẹ. Tổng thống Wilson của Hoa Kỳ đã công bố quyết định này ngày 09/5/1914. Tục lệ này đã lan rộng sang nhiều quốc gia trên thế giới... Trong ngày nhớ mẹ, người con thường cài trên áo một bông hoa cẩm chướng màu trắng nếu mẹ đã quá cố và màu hồng dành cho những ai còn mẹ.

Trong các tước hiệu Giáo Hội dùng để gọi Ðức Maria, có lẽ xứng hợp với tâm tình con người hơn cả vẫn là tước hiệu Mẹ. Chúng ta có thể gọi Ðức Maria là Mẹ với tất cả tâm tình trìu mến như khi chúng ta gọi người mẹ của chúng ta. Do lời trăn trối của chính Chúa Giêsu con Mẹ, Mẹ đã trở thành Mẹ của Giáo Hội. Qua muôn thế hệ, Mẹ không ngừng cưu mang, sinh ra và dưỡng dục các tín hữu trong Ðức tin.
Niềm hạnh phúc của bất cứ người mẹ nào vẫn là thấy con mình được nên người. Mẹ Maria chăm chú theo dõi và lo lắng cho từng người chúng ta. Niềm vui của Mẹ chính là thấy mỗi người chúng ta được lớn lên theo hình ảnh của Chúa Giêsu con Mẹ...

Chúng ta mang đến cho Mẹ những bó hoa trong suốt tháng 5, tháng 10 và trong từng lời Kinh dâng lên Mẹ. Nhưng có lẽ Mẹ sẽ sung sướng hơn mỗi lần nhìn thấy sự trưởng thành nơi chúng ta. Mỗi lần chúng ta lớn lên trong ân phúc, trong bác ái yêu thương, trong hy vọng tin yêu: đó là những bó hoa tốt đẹp nhất mà chúng ta dâng lên Mẹ...

Sưu tầm


Tôi làm dâu

Người xưa vẫn thường nói: 'Thật thà cũng thể lái trâu. Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng'. Thế mới biết từ muôn đời xưa mối quan hệ nàng dâu, mẹ chồng đã được đóng khung là 'khó mà hoà hợp'. Nhưng chỉ 'khó' thôi chứ không hẳn là không thể.

Bản thân là con dâu mới vừa về nhà chồng chưa tròn năm, tôi cảm thấy mình thay đổi nhiều trong cách nhìn nhận về mẹ chồng. Trong suốt những tháng ngày làm dâu, tôi vui có, buồn có, tủi có, giận có, thương có... đủ cả! Dù đã được nhiều người cảnh báo trước về cảnh làm dâu nhưng tôi thật sự không tưởng tượng được nó sẽ như thế nào cho đến ngày... đám cưới!

24 tuổi, tôi còn hơi trẻ để đương đầu với cuộc sống gia đình. Vì yêu anh, tôi nghĩ mình có thể làm tất cả, kể cả việc chiều mẹ anh. Những ngày đầu làm dâu thật không dễ như tôi tưởng. Mẹ chồng tôi là người Bắc chính gốc nên tính tình rất hay để ý việc này việc nọ, tiết kiệm từng li dù hoàn cảnh nhà cũng không eo hẹp lắm, và nhất là tư tưởng con mình luôn luôn đúng! Mỗi bữa cơm là tôi phải ngồi gần nồi cơm xới cho cả nhà rồi mời từng người, mời hết mới được cầm đũa. Ăn xong thì phải ngồi chờ người cuối cùng ăn xong để dọn bàn. Đến lúc rửa chén, ánh mắt soi mói của mẹ thật sự làm tôi khó chịu. Mẹ bảo nước sạch rất quý.

Ngày xưa mẹ làm giao liên sống trong rừng, nước rửa mặt còn không có nên không được lãng phí nước. Mẹ bảo tôi lấy nước vo gạo để rửa rau, rồi lấy nước rửa rau để ngâm chén dĩa dơ. Khi rửa chỉ được xả hai thau nước, dù có nhiều chén đi nữa. Nước rửa chén thì mẹ chỉ mua loại bình lớn 2, 3 lít không rõ nguồn gốc nên nhớt vô cùng. Với cách rửa chén đó, tôi thật sự thấy kinh hãi!

Đến lúc lau nhà thì mẹ bảo nên ngồi xuống lau mới sạch, dù nhà có 3, 4 cây lau nhà để sẵn. Nấu ăn cũng là lúc mẹ thể hiện quan điểm tiết kiệm tuyệt đối. Dầu ăn phải chiên xào mấy lần mới bỏ đi. Nước tương, nước mắm ăn dở cũng phải để lại ăn cho bữa sau đến khi hết mới thôi. Nhà có máy giặt đời mới do chồng tôi mua lúc mới cưới nhưng chưa khi nào mẹ cho dùng vì cho rằng giặt máy tốn nước hơn giặt tay!

Và còn rất nhiều, nhiều nữa những cái mà mẹ chồng dạy bảo nhưng tôi chẳng thể nào... nuốt vô! Thế nhưng, tôi vẫn làm theo. Tôi biết rằng khó chịu với mẹ chồng chỉ khiến cho gia đình lục đục, rồi người khổ sẽ là chồng tôi. Anh ấy hàng ngày đi làm đã rất vất vả, tôi không thể đem chuyện trong nhà ra kể lể với anh. Thế rồi, tôi có thai. Những tưởng đứa con trong bụng sẽ là thần hộ mạng cho tôi sống thoải mái hơn. Thật không ngờ từ ngày có bé, tôi lại càng tủi thân hơn. Mẹ ít khi hỏi thăm tôi thích ăn gì, uống gì, chỉ căn dặn đi đứng cho cẩn thận và siêng làm việc nhà hơn để em bé khoẻ mạnh?

Có lần, mẹ tôi gửi vào cho tôi vài con cá chép, mấy kí thịt bò, chục trứng ngỗng để tẩm bổ. Mẹ đi chợ về, không biết những thứ ấy do bà sui gửi, nên liền lời ra tiếng vào rằng mua nhiều đồ ăn thế chỉ tổ đem đi đổ chứ sao ăn hết. Chỉ duy nhất đến một ngày nọ, trời mưa rất to, mẹ lấy hết thau ra hứng rồi chất đầy trong nhà tắm để xài dần. Tôi không biết nên khi bước vào bị vấp té, suýt động thai thì tức nước vỡ bờ, tôi nói hết với chồng những bức xúc trong lòng và kiên quyết ra riêng.

Tôi thật không ngờ anh ấy lại phản ứng mạnh với mẹ mình và cũng tán thành việc ra riêng. Tôi hiểu anh không phải là đứa con quá nghe lời mẹ. Vả lại, anh rất yêu vợ. Mẹ anh chỉ ngồi nghe mà không nói gì, dù biết mẹ luôn cưng chiều anh nhưng sao lúc này, tôi thấy mẹ anh thật tội nghiệp. Xét cho cùng cũng do quá khứ quá cực khổ nên hôm nay tính mẹ mới thế. Mẹ cũng chưa hề mắng mỏ hay nặng nhẹ tôi bao giờ. Từ hôm đó, tôi thấy mẹ hơi khác. Mẹ quan tâm tôi hơn. Tôi có làm gì sai mẹ cũng ít cằn nhằn hơn. Có lần mẹ nói với tôi khuyên chồng đừng ra riêng. Mẹ chỉ có mình anh, nếu hai vợ chồng ra riêng thì mẹ ở với ai? Bây giờ tôi mới cảm thấy thương bà thật sự.

Tôi cũng có phần lỗi khi cứ nhẫn nhịn một cách vô thức chứ không thật tâm làm vì mẹ, vì chồng! Tôi bắt đầu thay đổi cách sống và cách suy nghĩ. Khi có việc gì cảm thấy không hài hòng, tôi thật lòng góp ý với mẹ chồng. Tôi chủ động đi chợ thường xuyên với mẹ, mua những món quà nhỏ tặng mẹ vào những dịp kỉ niệm, việc mà trước đây tôi chưa từng làm.

Quan trọng nhất là tôi làm những việc đó với tất cả tấm lòng của mình, dù mẹ có thích hay không. Dần dà mối quan hệ giữa tôi và mẹ chồng đã khá hơn hẳn. Những lúc giận chồng, tôi lại tỉ tê để tìm đồng minh từ phía mẹ chồng. Ngày tôi trở dạ, tôi đã bật khóc khi thấy mẹ chồng tất bật cơm nước và chăm cháu cho tôi được nghỉ ngơi để lại sức. Đứa bé chính là sợi dây thắt chặt thêm tình cảm giữa tôi và mẹ. Mẹ đã không còn quá tiết kiệm như trước. Bây giờ tôi cảm thấy mình đang hạnh phúc với vai trò con dâu. Hơn ai hết tôi hiểu mẹ cũng muốn có thêm một đứa con gái chứ không phải là mất đi một người con trai. Và tôi cũng nhận ra rằng nếu bản thân nàng dâu không thay đổi thì đừng mong sự thay đổi của mẹ chồng.

Sống là phải biết dung hoà và thật tâm, đây là bài học lớn nhất mà tôi học được kể từ ngày làm dâu!

Phạm Thị Hoàng Oanh


Và con đã quen

Bố kính yêu của con,

Bố có thấy rằng ngoài đời hay trên báo chí người ta hay nhắc đến chuyện mẹ chồng nàng dâu, từ chuyện đối nhân xử thế, đến những tình huống va chạm nhưng ít ai đề cập đến quan hệ giữa con dâu và bố chồng bố nhỉ. Phải chăng mối quan hệ này không có nhiều sóng gió, hay vì con dâu và bố chồng hiểu nhau hơn?

Vì những lí do gì đi nữa thì con vẫn nằm trong số may mắn đấy. Con về làm dâu nhà mình được ba năm rồi. Đó là thay đổi lớn nhất cuộc đời con. Nhớ lần đầu tiên sang nhà mình chơi, con sợ sệt và hơi hồi hộp nữa bố ạ. Bố không vồn vã quá, khuôn mặt bố còn lạnh lùng nữa nhưng bố lại là người đầu tiên và duy nhất quan tâm đến con, giúp con rút ngắn khoảng cách với gia đình mình.

Khi về làm dâu, bố kể con nghe nhiều lắm từ chuyện ở quê, chuyện hàng xóm, từ tuổi thơ nhọc nhằn của bố với tám đứa em rồi đến những chuyện bươn chải ngoài cuộc sống. Tất cả bố đều nói một cách cởi mở và chân tình. Có hôm nói chuyện thật khuya rồi hai bố con mới đi ngủ. Hôm sau con than vãn: "Tối qua con nằm tới 3h đêm mới ngủ được". Bố bảo: "Tao cũng vậy, tại uống nước chè nhiều quá đấy". Lúc đấy con mới ngớ người nhận ra. Đúng rồi bố ạ, nói chuyện nhiều nên con cũng chẳng để ý đâu.

Rồi nhà con đi công tác bên Nhật, mới cưới được 1 tháng thôi mà con đã phải xa chồng. 3 tháng đối với con dài đằng đẵng, con đếm từng ngày, từng ngày bố ạ. Con thấy xa lạ với cuộc sống làm dâu ở nhà mình. Ban ngày đi làm tối mới về nhà. Nhà mình lại đông người từ ông nội, đến bố mẹ, vợ chồng anh, vợ chồng em, rồi chị em họ, thợ thuyền đều ở chung và ăn chung nữa. Hồi yêu nhà con, dù đã sang nhà mình chơi và biết về cuộc sống nhà mình nhưng lúc về rồi con vẫn bị sốc lắm. Con không hiểu mình sẽ sống ra sao khi sinh hoạt với một tập thể 20 người đủ các thế hệ.

Con đã đấu tranh với nhà con vì con muốn ở riêng, vì con sợ nhiều thứ lắm bố ạ. Con sợ mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, quan hệ giữa chị em dâu, con sợ mọi người soi mói và nhận xét. Con sợ những toan tính về vật chất, con sợ nấu ăn không hợp khẩu vị mọi người trong khi ông nội thì ăn mặn, mẹ con thì ăn nhạt.. Làm sao để hài hòa tất cả mọi người đây... Con đã đàm phán với nhà con, nhẹ nhàng cũng có, quyết liệt cũng có. Nhưng cuối cùng con vẫn đồng ý ở cùng với đại gia đình vì những lí do nhà con đưa ra thuyết phục và hoàn toàn chính đáng. Chúng con đều là con trưởng cơ mà, khi mà cuộc sống ở Việt Nam mình vẫn còn nặng nề và phong kiến lắm. Mọi người và họ hàng sẽ nghĩ ra sao nếu vợ chồng con không ở cùng bố mẹ. Rồi chúng con sẽ phải giải thích, phải thanh minh... và nhiều thứ khác nữa.

Thấm thoắt đã 3 năm trôi qua, nhìn lại con thấy mọi chuyện không quá khó khăn như con nghĩ. Giờ đây con nhận ra rằng nếu mình quan trọng hóa mọi vấn đề thì nó sẽ càng phức tạp hơn. Mình suy nghĩ thoáng hơn, cởi mở hơn thì không có gì là không giải quyết được. Bây giờ nếu có ai đó hỏi con rằng "sống ở gia đình chồng đông đúc như vậy thì có phức tạp không", con sẽ trả lời: "Mình đã quen rồi".

Và con đã quen...

Với cuộc sống của một tập thể 20 người.

Con đã quen rồi một đại gia đình và 4 thế hệ.

Con đã quen rồi với những bữa ăn 2 đến 3 mâm cơm.

Và con đã quen rồi với tiếng khóc, tiếng cười của 3 đứa trẻ.

Và con thấy lạ...

Con thấy trông vắng nếu nhà mình chỉ có 10 người.

Con thấy trống vắng nếu nhà mình chỉ còn 3 thế hệ.

Con thấy trống vắng nếu nhà mình chỉ có 1 mâm cơm.

Và con thấy trông vắng nếu thiếu tiếng cười, tiếng khóc đánh nhau um tỏi của bọn trẻ.

Khi bài viết Tự sự 18 tháng tuổi của con được đăng trên báo Ngoisao.net mọi người bảo con rằng: "T sướng thế, ông nội chăm cháu khéo quá, ít người đàn ông nào được như vậy lắm". Lúc đó con thấy mình thật may mắn bố ạ. Quả đúng là bố yêu và chăm cháu hơn bao giờ hết. Bố học từ cách massage cho trẻ trên ti vi, rồi cách tắm, cách cho trẻ ăn uống và hấp thụ dinh dưỡng như thế nào cho tốt nhất. Bây giờ với 3 đứa cháu, bố vất vả và tất bật như người nuôi con mọn ấy, nhiều đêm bố mất ngủ nhưng chẳng bao giờ con thấy bố phàn nàn hay kêu ca gì. Điều đó làm cho con càng kính trọng và nể phục bố hơn.

Không giống như nhiều bà mẹ trẻ khác khi phải tất bật tìm người trông con, lo lắng không biết người giúp việc có cho con ăn đầy đủ không thì con may mắn vì có bố. Bố mà đi đâu một hai ngày là ở nhà mình cứ loạn cả lên. Thế mới biết bố quan trọng thế nào với con, với cháu và với gia đình mình đến nhường nào.

Bố bị bệnh tiểu đường cũng được 10 năm rồi, ngày trước bố chỉ phải uống thuốc thôi, nhưng vài tháng nay bố phải tiêm rồi. Lần đầu tiên nhìn bố tự cầm kim tiêm mà cả nhà thấy ghê quá. Mọi người bảo hay bố bảo ai đó biết tiêm, tiêm hộ. Bố bảo rằng "bệnh này phải tiêm đến suốt đời, có bảo được tiêm hộ suốt đời không". Chúng con nhìn bố rồi nhìn nhau... và im lặng.

Chúng con thương bố thật nhiều. Dù có bệnh nhưng bố vẫn chăm cháu, các cháu cũng quấn bố vô cùng. Bố vẫn hay bảo rằng chẳng còn sống được bao lâu nữa nên cứ phục vụ con cháu thôi. Con nhìn bố và chẳng nói điều được gì nhưng từ sâu thẳm trong lòng con biết ơn bố nhiều lắm bố ạ.

Bố hãy mãi là điểm tựa, là chỗ dựa cho chúng con và các cháu bố nhé.

Nguyễn Thị Thanh Thảo


Con biết tìm lại hạnh phúc gia đình ở đâu?

Bố à, trong 3 năm qua con đã chứng kiến rất nhiều thay đổi của bố. Bố không còn là bố trước đây của con. Thay vào đó là những ngày tháng con nhìn thấy bố say xỉn, về đến nhà là mắng chửi tụi con. Ngày tháng đó con vô cùng sợ hãi, sợ hãi làm chân tay con tê lạnh, sợ hãi làm con khóc từng đêm.

Bố à, vậy là ngày 1 tháng 5 nữa lại đến. 3 năm đã trôi qua rồi bố nhỉ? Hạnh phúc gia đình vỡ tan cũng 3 năm rồi! Con vẫn không quên được 18 giờ 55 phút, ngày 1 tháng 5 năm 2007, kể từ giớ phút đó trở đi, con hiểu rằng hạnh phúc gia đình mình không còn nữa.

Bố à, trong 3 năm qua, con đã chứng kiến rất nhiều sự thay đổi của bố. Bố không còn là người bố trước đây của con. Thay vào đó là những ngày tháng con nhìn thấy bố say xỉn, về đến nhà là mắng chửi tụi con. Ngày tháng đó con vô cùng sợ hãi, sợ hãi làm chân tay con tê lạnh, sợ hãi làm con khóc từng đêm đến nỗi thiếp đi trong giấc ngủ lúc nào không hay.

Và, những ngày tháng sau đó, con liên tục chấp nhận những sự thật ngay trước mắt con. Con không chấp nhận cũng không được, vì con không biết làm sao khi vô tình nhìn thấy bao cao su trong túi áo bố... Bố à, lúc đó con mới 16 tuổi, bố có biết con đã ngỡ ngàng đến thế nào không?
Bố à, bố biết không, từ sau ngày 1 tháng 5 đó, cách bố cư xử với con cũng khác đi. Những thứ bố mua cho con như điện thoại, xe đạp... thì tất cả đều lần lượt trở về với bố. Cũng đúng thôi bố ạ, vật về chủ nhân mà bố. Bố mua thì là của bố, con không trách gì, con cũng tự nói với mình "của mình thì không ai lấy đi được, không phải là của mình có cố giữ cũng không giữ được". Nhưng thật sự con rất buồn, rất buồn bố à!

Bố còn nhớ, có một chuyện xảy ra cách đây 4 năm không? Khi ấy, con rất muốn học nghề may, nhưng không có điều kiện, bác Sáu muốn cho con tiền để học. Nhưng sau đó đột nhiên bác Sáu thay đổi ý định, con không biết do đâu. Rồi có một ngày, bác Sáu nói với con rằng: ''Cha mày khoe với tao có vợ bé. Có vợ bé thì có gì hay mà đi rêu rao khắp nơi. Mày thử nghĩ đi, nhà không có gì đáng giá mà còn đèo bòng vợ lớn vợ nhỏ. Thôi, nếu như cha mày nghĩ dư dả để cho vợ bé thì để cha mày lo cho mày đi''.

Bố có biết, con bị dội nguyên một gáo nước lạnh vào mặt không? Bố có biết con hy vọng học được nghề để đi làm đến thế nào không? Chắc bố không biết đâu. Bố đã thay đổi, không còn là người bố lo lắng cho con nữa. Con đã chờ, chờ đợi bố trở lại là bố của con ngày trước. Vậy mà gần 3 năm nay, sự chờ đợi của con là vô vọng.

Khi chiếc đồng hồ bố mua cho con ngày nào đột nhiên dừng lại, không chạy nữa thì cũng là lúc con nhận ra rất nhiều điều. Đó là món đồ bố mua mà con giữ, những thứ khác con đã trả lại bố hết rồi. Con nhận ra gần 3 năm qua con đã mệt mỏi, và con đã bắt bản thân mình dừng lại không chờ, không đợi nữa. Con xin lỗi, vì con không muốn bản thân con mệt mỏi thêm nữa, và cũng là không muốn trái tim con bị thương nữa.

Bố biết không, khi biết bố đã tiêu hết số tiền bồi thường giải tỏa nhà của mình khiến cho anh em tụi con phải đối mặt với cuộc sống không nhà, cũng từ chỗ đó mà tình cảm giữa con và anh hai có khoảng cách. Anh hai cho rằng con ích kỷ, không biết ngăn cản bố để bây giờ anh phải bỏ đi ý nghĩ lấy vợ để lo cho gia đình.

Bố à, bố đã làm gì vậy? Bố qua mặt con, nói thế này thế khác để lấy tiền ăn nhậu, chơi số đề. Con tự dằn vặt bản thân con suốt thời gian qua, tại sao con ngu ngốc tin bố đến vậy? Nhưng rồi một ngày kia con tình cờ hiểu rằng thì ra suốt thời gian đó chính con đang tự cầm dao đâm vào trái tim con, chính con tự làm mình bị tổn thương. Rồi con hiểu được rằng, nếu lúc đó con biết mọi chuyện bố làm, rồi con ngăn cản bố thì bố có nghe con không?

Lâu nay bố luôn là người tự mình làm mọi việc có nghe ai bao giờ đâu, nếu con ngăn cản chưa chắc bố đã nghe con. Âu cũng là do số trời đã định, không thể thay đổi nữa rồi. Con cũng học cách tha thứ cho chính mình, vì con đã hiểu chỉ có tha thứ cho chính mình thì con mới bớt đi những đêm không ngủ, bớt đi những giọt nước mắt, bớt đi những vết thương lòng và vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình.

Giờ đây, gánh nặng đang đè trên vai con, cái trách nhiệm làm việc để có tiền mua nhà đang ở trên vai con. Đôi lúc con cũng tự hỏi mình, đến bao giờ con mới mua được nhà? Rồi lúc đó tuổi xuân của con có còn để tìm cho mình một bờ vai để nương tựa không? Chắc là không đâu bố ạ, vì con hiểu không phải ngày một, ngày hai mà có thể mua được nhà. Chỉ con mới hiểu rằng con phải vứt bỏ hạnh phúc của mình, con phải bỏ đi tất cả những gì con từng mơ ước mà bước đi trên một con đường chông gai trước mặt con. Có nhiều lúc con cũng muốn buông xuôi, nhưng nếu con làm vậy thì con là một đứa ích kỷ, biết sống cho mình, không biết người khác.

''Đời cha ăn mặn đời con khát nước'' con chắc bố từng nghe câu nói này. Con mong mọi khó khăn, vất vả hãy để con chịu, đừng để bé út phải chịu bố ạ, nó còn nhỏ lắm. Con mãi mãi chỉ là một đứa im lặng chấp nhận, chịu đựng, chưa nói với bố câu nào. Con mong trên đời này có những người bố thương yêu, lo lắng cho con mình để bớt đi những hoàn cảnh giống con, và cũng là bớt đi những giọt nước mắt.

Cầu mong bố bình yên vượt mọi dông bão trong nửa quãng đời còn lại.

Con gái của bố!

Theo Nguyễn Trúc