Truyện Minh Hoạ - Gia Đình

XIN HÃY NÓI YÊU CON

Ông không thể nào quên được cái ngày đứa con trai đầu lòng của ông suýt bị tai nạn nghiêm trọng. Nó chỉ mới biết lái xe nên tay lái chưa vững và chính điều này đã khiến ông thêm lo lắng.

Ngay ngày hôm sau, nó xin phép ông ra ngoài. Ông bảo: “Con lái xe cẩn thận đấy!”. Nó quay lại nhìn cha tỏ vẻ chán nản và hỏi: “Sao cha cứ chỉ nói mỗi một câu thôi?”. “Nói cái gì?”. “Thì lái xe cẩn thận. Cứ như là cha không tin tưởng con vậy”.

Ông giải thích: “Không phải đâu con trai. Không phải như thế đâu. Đó chỉ là cách cha muốn nói “cha yêu con” mà thôi”.

Nhưng nó vẫn không đồng ý: “Vâng, nếu như cha muốn nói cha yêu con, cha cứ nói ra. Cha nói cách đó, con không thể liên tưởng được”.

Ông ngập ngừng: “Nhưng, nếu như lúc ấy có mặt bạn con thì sao? Nếu cha nói “cha yêu con”, có thể con sẽ ngại ngùng”.

“Trong trường hợp này, cha hãy đặt bàn tay lên chỗ tim và con cũng sẽ làm giống như thế”- nó đề nghị.

Ông xúc động vì con trai ông muốn biểu hiện tình yêu của nó. Ông nói: “Cha con mình thỏa thuận thế nhé!”.

Mấy hôm sau, nó lại chuẩn bị đi ra ngoài, lần này có một người bạn đi cùng. Nó hỏi ông: “Cha cho con mượn chìa khóa xe nhé?”.

Ông trả lời: “Được. Con đi đâu vậy?”.

- “Con ra phố”.

Ông đưa chìa khóa xe cho nó và bảo: “Con này, con đi chơi vui vẻ nhé!”. Ông nhẹ nhàng đặt bàn tay lên ngực chỗ gần trái tim. Nó cũng làm như thế. “Chắc chắn rồi cha ơi!”.

Ông nháy mắt với con. Nó quay lại phía ông và thầm thì: “Nháy mắt không nằm trong thỏa thuận giữa cha và con đâu đấy”. Nói rồi, nó nhanh nhẹn quay đi.

Nổ máy xe, nó nói: “Cha ơi, cha hãy nhìn đây”. Và nó nháy mắt...

Sưu tầm


Chuyện người mẹ

Suốt thời thơ ấu và cả khi lớn lên, lúc nào tôi cũng ghét mẹ tôi. Lý do chính có lẽ vì bà chỉ có một con mắt. Bà là đầu đề để bạn bè trong lớp chế giễu, châm chọc tôi.

Mẹ tôi làm nghề nấu ăn để nuôi tôi ăn học. Một lần bà đến trường để kiếm tôi làm tôi phát ngượng. Sao bà lại có thể làm như thế với tôi? Tôi lơ bà đi, ném cho bà một cái nhìn đầy căm ghét rồi chạy biến. Ngày hôm sau, một trong những đứa bạn học trong lớp la lên: “Ê, tao thấy rồi. Mẹ mày chỉ có một mắt!”.

Tôi xấu hổ chỉ muốn chôn mình xuống đất. Tôi chỉ muốn bà biến mất khỏi cuộc đời tôi. Ngày hôm đó đi học về tôi nói thẳng với bà: “Mẹ chỉ muốn biến con thành trò cười!”.

Mẹ tôi không nói gì. Còn tôi, tôi chẳng để ý gì đến những lời nói đó, vì lúc ấy lòng tôi tràn đầy giận dữ. Tôi chẳng để ý gì đến cảm xúc của mẹ. Tôi chỉ muốn thoát ra khỏi nhà, không còn liên hệ gì với mẹ tôi. Vì thế tôi cố gắng học hành thật chăm chỉ, và sau cùng, tôi có được một học bổng để đi học ở Singapore.

Sau đó, tôi lập gia đình, mua nhà và có mấy đứa con. Vợ tôi là con nhà gia thế, tôi giấu nàng về bà mẹ của mình, chỉ nói mình mồ côi từ nhỏ. Tôi hài lòng với cuộc sống, với vợ con và những tiện nghi vật chất tôi có được ở Singapore. Tôi mua cho mẹ một căn nhà nhỏ, thỉnh thoảng lén vợ gởi một ít tiền về biếu bà, tự nhủ thế là đầy đủ bổn phận. Tôi buộc mẹ không được liên hệ gì với tôi.
Một ngày kia, mẹ bất chợt đến thăm. Nhiều năm rồi bà không gặp tôi, thậm chí bà cũng chưa bao giờ nhìn thấy các cháu. Khi thấy một bà già trông có vẻ lam lũ đứng trước cửa, mấy đứa con tôi có đứa cười nhạo, có đứa hoảng sợ. Tôi vừa giận vừa lo vợ tôi biết chuyên, hét lên: “Sao bà dám đến đây làm con tôi sợ thế? Đi khỏi đây ngay!”. Mẹ tôi chỉ nhỏ nhẹ trả lời “Ồ, xin lỗi, tôi nhầm địa chỉ!” và lặng lẽ quay đi. Tôi không thèm liên lạc với bà trong suốt một thời gian dài. Hồi nhỏ, mẹ đã làm con bị chúng bạn trêu chọc nhục nhã, bây giờ mẹ còn định phá hỏng cuộc sống đang có của con hay sao?

Một hôm, nhận được một lá thư mời họp mặt của trường cũ gởi đến tận nhà, tôi nói dối vợ là phải đi công tác. Sau buổi họp mặt, tôi ghé qua căn nhà của mẹ, vì tò mò hơn là muốn thăm mẹ. Mấy người hàng xóm nói rằng mẹ tôi đã mất vài ngày trước đó và do không có thân nhân, sở an sinh xã hội đã lo mai táng chu đáo.
Tôi không nhỏ được lấy một giọt nước mắt. Họ trao lại cho tôi một lá thư mẹ để lại cho tôi:

“Con yêu quý,

Lúc nào mẹ cũng nghĩ đến con. Mẹ xin lỗi về việc đã dám qua Singapore bất ngờ và làm cho các cháu phải sợ hãi. Mẹ rất vui khi nghe nói con sắp về trường tham dự buổi họp mặt, nhưng mẹ sợ mẹ không bước nổi ra khỏi giường để đến đó nhìn con. Mẹ ân hận vì đã làm con xấu hổ với bạn bè trong suốt thời gian con đi học ở đây.

Con biết không, hồi con còn nhỏ xíu, con bị tai nạn và hỏng mất một bên mắt. Mẹ không thể ngồi yên nhìn con lớn lên mà chỉ có một mắt, nên mẹ đã cho con con mắt của mẹ. Mẹ đã bán tất cả những gì mẹ có để bác sĩ có thể thay mắt cho con, nhưng chưa bao giờ mẹ hối hận về việc đó. Mẹ rất hãnh diện vì con đã nên người, và mẹ kiêu hãnh vì những gì mẹ đã làm được cho con. Con đã nhìn thấy cả một thế giới mới, bằng con mắt của mẹ, thay cho mẹ..
Mẹ yêu con lắm,

Mẹ..."

Sưu tầm


Để đọc khi con một mình

Khi tôi 13 tuổi, gia đình dọn đến California. Tôi bước vào tuổi thanh niên trong tinh thần "nổi loạn". Tôi luôn nóng nảy và muốn phản kháng với bất cứ điều nhỏ nhặt nào mà cha mẹ tôi bảo ban. Như những đứa trẻ mới lớn khác, tôi vùng vẫy để thoát khỏi bất kỳ điều gì mà tôi không bằng lòng về thế giới với ý nghĩ mình là đứa trẻ "biết hết mọi chuyện, không cần ai bảo ban". Tôi từ chối tất cả những hành động yêu thương. Thật sự tôi phát cáu khi ai đề cập đến tình thương.

Một tối, sau một ngày đặc biệt chán nản, tôi vùi mình trong phòng riêng, đóng kín cửa và nằm lăn ra giường. Khi vùi đầu trên gối, tôi phát hiện dưới gối có một phong thư. Tôi lấy ra, trên thư ghi rõ "để đọc khi con một mình".

Vì lúc đó chỉ có một mình, không ai có thể biết tôi có đọc hay không nên tôi mở thư ra. Thư viết: "Con ơi, mẹ biết cuộc sống thật khó khăn, mẹ biết con đã thất vọng, chán chường và mẹ biết không phải chúng ta lúc nào cũng làm điều đúng. Mẹ biết rằng mẹ yêu thương con biết bao và dù con làm gì, nói gì cũng không thay đổi được tình thương mẹ dành cho con. Mẹ luôn bên con khi con cần chia sẻ và nếu con không cần cũng ổn thôi. Chỉ cần biết rằng dù con đi đâu, là gì trong đời mình, mẹ luôn yêu con và tự hào con là con trai của mẹ. Mẹ luôn bên cạnh con và yêu con, điều đó không bao giờ thay đổi. Mẹ của con."

Đó là lá thư đầu tiên trong một chuỗi thư "để đọc khi con một mình". Tôi chẳng đá động với ai về chúng mãi đến khi trưởng thành.

Bây giờ tôi đã đi khắp nơi trên thế giới để giúp đỡ mọi người. Một lần khi diễn thuyết ở Sarasota, Florida, cuối ngày học, một quí bà đã tìm đến tôi và tâm sự về những khó khăn của hai mẹ con cảm thông được với nhau. Chúng tôi cùng đi dạo dọc bờ biển và tôi kể cho bà nghe về tình thương bất tử của mẹ tôi, về những lá thư "để đọc khi con một mình" của mẹ. Vài tuần sau đó, tôi nhận được một bưu thiếp bảo rằng bà đã viết lá thư đầu tiên cho con trai bà và để dưới gối.

Tối đó, khi đi ngủ, tôi đặt tay dưới gối và bồi hồi nhớ lại cái cảm giác thanh thản, khuây khỏa mỗi lần tôi nhận được thư của mẹ dưới gối.

Giữa những năm tháng hỗn loạn của tuổi niên thiếu, những lá thư của mẹ là đỉểm tựa vững chắc để tôi luôn tin rằng tôi được yêu thương dù bất cứ điều gì xảy ra. Trước khi ngủ, tôi luôn cám ơn cuộc đời đã ban tặng cho tôi một người mẹ tuyệt vời, biết được tôi, cậu con trai "nổi loạn" bé nhỏ của bà, cần gì.

Ngày nay, khi cuộc đời gặp phong ba bão táp, tôi biết chắc ngay dưới gối nằm của mình là một điểm tựa vững chắc của tình thương của mẹ - kiên định, vĩnh cữu, không điều kiện - sẽ lèo lái cuộc đời tôi.

Sưu tầm


Búp bê và bông hồng trắng

Vào ngày cuối cùng trước Lễ Giáng Sinh tôi vội vã tới siêu thị để mua các món quà tặng còn sót lại mà trước đó chưa kịp mua. Trời ơi, sao mà đông người như thế. Tôi bực bội tự nhủ thầm: "Cả đống người thế này thời bao giờ mới xong việc đây. Còn bao nhiêu nơi phải đi nữa chứ...!"

Mỗi năm lễ Giáng Sinh tới quả thật là gây phiền nhiễu cho tôi vô cùng. Tôi nhiều khi nghĩ lẩn thẩn giá mình được nằm xuống ngủ một giấc dài cho ngon lành và chỉ tỉnh dậy khi ngày lễ đã trôi qua xong xuôi thì hay biết mấy.

Tuy thế tôi vẫn phải len chân vào khu bán đồ chơi. Tại đó nhìn thấy giá cả quá mắc tôi lại lầm bầm rủa thầm. "Không biết tại sao bọn con nít cứ phải chơi các thứ đồ chơi đắt tiền như vậy chứ!" Trong khi loanh quanh tìm kiếm tại khu này tôi bất ngờ nhận thấy một cậu bé chắc khoảng chừng năm tuổi. Nó đang ôm một con búp bê trong ngực. Nó cứ lấy tay vuốt tóc con búp bê mãi. Nét mặt thật buồn bã. Tôi ngạc nhiên tự hỏi không biết nó muốn mua món đồ chơi này cho ai.

 Chợt câu bé quay qua phía bà già đứng bên cạnh khẽ nói: "Bà ơi! Bà có chắc là con chẳng đủ tiền mua cái này không?" Bà già trả lời: "Con ơi! Bà biết mà, con không đủ tiền để mua cái con búp bê đó đâu!" Rồi bà dặn nó cứ đứng nguyên tại chỗ, khoảng năm phút sau bà sẽ trở lại. Bà phải chạy đi kiếm món đồ gì gần khu đó. Dặn dò xong là bà vội vã đi ngay. Cậu bé vẫn khư khư ôm con búp bê trong tay.

Tôi tò mò, bèn đi về phía nó và hỏi là nó muốn mua con búp bê này cho ai. Cậu bé nói: "Đó là đồ chơi mà em gái con ưa thích lắm và luôn ao ước được tặng làm quà vào dịp Giáng Sinh này. Em con cứ tin chắc là ông già No El sẽ cho em con món quà búp bê như vậy đó!" Tôi an ủi: "Thế nào ông già No El cũng sẽ cho em con món quà đó. Con đừng lo lắng làm chi!"

Nhưng cậu bé trả lời tôi, giọng thật buồn: "Không đâu! Ông già No El không thể mang món quà này tới chỗ em của con bây giờ được đâu! Con phải đưa búp bê cho mẹ con để mẹ trao lại cho em con khi mẹ về nơi đó." Mắt cậu bé thật sầu thảm. "Em con đã về với bố con rồi. Bố nói mẹ cũng sẽ về với bố sớm thôi, nên con nghĩ rằng mẹ sẽ có thể mang búp bê theo rồi đưa lại cho em con!"
Tim tôi hầu như ngưng đập. Cậu bé ngước nhìn tôi và nói thêm: "Con đã nói với bố là dặn mẹ đừng bỏ đi vội. Hãy chờ con mua quà ở tiệm này xong và trở về kịp tới nhà đã." Rồi cậu bé móc trong túi ra một tấm hình rất đẹp chụp nó đang cười rất tươi tắn, rất dễ thương. "Con cũng muốn mẹ con mang theo tấm ảnh này để mẹ đừng có quên con! Con yêu mẹ và ước mong rằng mẹ không phải rời xa con nhưng bố nói là mẹ phải đi theo với em gái con!" Nói xong cậu bé lại nhìn vào con búp bê, cặp mắt buồn bã thầm lặng.

Tôi vội thò tay vào túi kín đáo lấy ra vài tờ giấy bạc. Tôi nói với đứa bé: "Con hãy đếm lại tiền của con xem, biết đâu có khi đủ tìền mua quà đấy!" "Vâng!" cậu bé nói "Con mong sao có đủ tiền." Tôi khéo léo lén bỏ chút tiền bạc của tôi nhập vào xấp tiền của cậu bé không để cậu bé thấy và chúng tôi cùng đếm. Bây giờ thì có đủ tiền mua búp bê rồi, ngoài ra lại còn dư thêm một chút nữa chứ!

Cậu bé mừng rỡ ra mặt, la lên: "Cám ơn Trời đã cho con đủ tiền!" Rồi nó ngước nhìn tôi nói thêm: "Hôm qua trước khi đi ngủ con đã cầu Trời cho con đủ tiền mua con búp bê này để mẹ con có thể mang theo mà đưa lại cho em con. Vậy là ông Trời đã nghe thấy lời cầu xin rồi đó!" "Con cũng muốn có đủ tiền để mua thêm một bông hồng tặng mẹ con. Nhưng con đâu dám xin nhiều như thế. May sao Trời thương mà lại cho con đủ tiền mua cả búp bê lẫn hoa hồng!" "Bác biết không, mẹ con thích hoa hồng màu trắng lắm bác ạ!"

Câu chuyện tới đó thời bà già vừa quay lại. Tôi bèn đẩy xe đi qua khu khác để mua hàng. Tôi mua sắm xong xuôi. Ô hay! Sao trong lòng mình lại suy tư khác lúc mới vào trong tiệm như thế này! Tôi cứ nghĩ mãi về đứa bé đó. Không thể nào quên được. Rồi tôi chợt nhớ đến một tin về tai nạn xe cộ đã đăng trên báo địa phương này, khoảng hai ngày trước đó. Tin đề cập tới một kẻ lái xe tải say rượu. Hắn đâm vào một xe hơi trên đó có một bà mẹ trẻ lái xe với cô con gái nhỏ ngồi bên cạnh. Chiếc xe tan nát. Cô bé gái chết ngay tại chỗ. Còn bà mẹ bị thương rất nặng. Gia đình hiện phải quyết định có nên rút các ống thở bằng máy trợ giúp ra hay không vì nạn nhân vẫn mê man bất tỉnh. Khó mà sống nổi. Không rõ đây có phải là gia đình cậu bé nói trên hay chăng?"

Hai ngày sau khi chuyện trò với cậu bé, tôi lại đọc được một tin trên báo chí loan báo rằng bà mẹ trong tai nạn xe hơi trên nay đã qua đời rồi. Tôi bèn quyết định đi mua một bó hoa hồng màu trắng và tìm tới viếng người quá cố theo như địa chỉ nhà quàn ghi trên báo. Tôi tới nơi. Bà mẹ trẻ nằm đó, trong quan tài. Một tay ôm một bông hồng màu trắng tuyệt đẹp cùng con búp bê. Một tay ôm tấm hình một đứa trẻ đặt trên ngực như ấp ủ yêu thương. Đó chính là hình đứa trẻ mà tôi đã gặp trong siêu thị.

Tôi rời nhà quàn. Mắt đẫm lệ. Có cảm tưởng rằng cuộc đời mình từ nay sẽ thay đổi luôn rồi. Tình yêu mà cậu bé kia đã dành cho mẹ và em gái thật tuyệt vời, khó mà tưởng tượng ra nổi. Vậy mà chỉ trong một giây phút ngắn ngủi không đầy chớp mắt một tên say sưa rượu chè lái xe đã cướp đi tất cả khối tình cảm thiêng liêng đó của cậu bé.

Sưu tầm


Ngàn lần xin lỗi mẹ...

Con viết thư này mong mẹ đừng lo lắng thêm. Con chỉ bị dị ứng sơ thôi mà mẹ đã gọi điện bảo con về để mẹ chăm sóc, khiến anh em trong phòng bảo con là sinh viên 28 tuổi rồi vẫn để mẹ chăm như con nít.

Con biết với chúng con dù lớn mấy cũng luôn bé bỏng trong mẹ. Dù đi đâu mẹ cũng luôn canh cánh chăm từng miếng ăn, giấc ngủ, học hành, đừng nói chi bệnh tật…

Mang nặng đẻ đau sinh được bốn anh em con, chưa được hưởng niềm vui khi con cái lớn khôn thì bất chợt bố mẹ ly dị. Cha lấy vợ khác, mẹ còn trẻ nhưng vẫn quyết định ở vậy nuôi các con. Chính sự hi sinh lặng thầm ấy dần kéo hết các con về với mẹ.
Lúc ấy con chỉ lạ vì sao mẹ không như mọi người xui bảo mà vẫn để bố đến thăm các con. Mẹ lại khuyên chúng con thương yêu những đứa em của bố với mẹ kế. Trong khi con biết mẹ rất giận bố và người đàn bà ấy…

Mẹ gắng sức lo cho các con mà anh em con vẫn để mẹ đau lòng. Anh cả không quản được vợ để vợ hay cãi mẹ. Anh hai làm được nhưng ăn chơi phung phí, mẹ khuyên quản mấy cũng không nổi. Em con thì đau ốm hoài...

Còn con lại chán ngán gia đình tan vỡ đi lêu lổng theo bạn, từ học trường chuyên bỗng chốc xuống trường "bình thường". Mẹ hết lời khuyên rồi đến la mắng, nhưng hằng ngày vẫn để phần cơm, hâm lại thức ăn để con đi chơi khuya về có cái lót bụng.
Nhưng con không tỉnh ngộ lại phẫn chí ra đi dẫu chỉ còn 18 ngày nữa đến tết. Tối mẹ lên trường tìm chỉ còn chiếc cặp bỏ không nơi hộc bàn và câu hằn học của bác bảo vệ: “Nó cùng bạn... cuốn xéo vào Nam rồi”!

Mẹ gục xuống giữa sân trường, không phải vì lời miệt thị đó mà lo đứa con nhỏ ra sao trước bao cạm bẫy cuộc đời.

Em ốm nặng. Ngày mẹ đi làm, chăm em trong bênh viện, tối vẫn đến từng nhà những đứa bạn con - nếu có thể nghĩ ra - để hỏi thăm. Tết, mẹ len lỏi hết các đám bắn pháo hoa ở các xã lân cận may ra bắt gặp con ở đó. Trong thâm tâm mẹ luôn nghĩ con ham chơi, đến nhà bạn vài hôm thôi chứ không phải đã vào Nam.

Khi ấy, trong núi rừng Đamrông (Lâm Đồng) con nếm đủ mùi cùng cực để tồn tại. Một ngày, qua người quen mới biết ở nhà mẹ đăng báo, đài tìm con khắp nơi. Đứa em nhỏ bệnh đã mất. Mẹ ốm nặng...

Tình cảm của mẹ làm thức tỉnh thằng phu rừng bất cần. Những đêm lể mụn gai chân đã bưng mủ, nặn phỏng buộc tay để mai phải đi làm, con thấy dại dột nhất trên đời khi bỏ nhà ra đi.
Con về. Mẹ nằm bơ phờ, teo tóp một chỗ nghe tiếng con về bỗng nhiên bật dậy. Con ứa nước mắt hiểu lúc này chính con là căn bệnh và cũng là liều thuốc duy nhất kịp cứu mẹ...

Và cũng trong lá thư này, con xin mẹ đừng gắng làm việc nữa. Từ khi gia đình tan vỡ, sa sút, mẹ đã phải bỏ công việc kế toán về nhà chăm chúng con, hi vọng dùng sự quan tâm của mình nhiều hơn để bù đắp sự thiếu vắng cha trong mái nhà. Đồng lương hưu nghỉ non không đủ cho mấy đứa con tuổi ăn, tuổi học, tuổi chơi. Mẹ xoay ra buôn bán đủ nghề kiếm thêm tiền trang trải, chống đỡ, níu kéo gia đình nghiêng ngả…

Những đồng tiền làm ra con hí hửng đưa cho mẹ, nhưng khi quay đi con kịp nhìn mẹ đau khổ ném đồng tiền xuống giường, ngồi khóc. Mẹ không muốn nhận những đồng tiền con phải vật lộn đủ nghề mới kiếm được ấy.

Ngày con xin đi học lại, mẹ mừng không dám tin vào tai, mắt mình. Hai mẹ con chạy vạy đi xin khắp nhưng không trường nào nhận vì con đã 21 tuổi, quá tuổi học cấp III. Con học bổ túc, mẹ mừng vì dẫu sao cũng còn hi vọng. Mẹ lại gắng làm cật lực để con đạt được ước mơ.

Năm 2006, con đậu Đại học Luật trong Huế, mẹ sung sướng đến rơi nước mắt. Từ khi bố mẹ chia tay, lần đầu tiên khuôn mặt sạm nhăn của mẹ nước mắt lại rơi vì mãn nguyện khi con thành đạt.

Ba tháng không thấy con gọi về xin tiền, chắc mẹ biết được con giấu mẹ đi làm thêm. Mẹ mắng con ham kiếm tiền bỏ bê học hành. Con xin lỗi dù biết mẹ sẽ buồn lắm: kỳ này con không đạt học bổng. Nhưng con không nỡ để mẹ lưng còng thêm vì gánh hàng nặng, không muốn tóc mẹ bạc thêm, da mặt lại sạm đen trải sương dầm nắng.

Lúc này, chắc mẹ không tin vào lời nói suông nhưng con sẽ gắng học giỏi lại như ngày xưa. Và con cũng không bỏ làm thêm để tự lo cho mình, để đỡ đần cho mẹ. Dù biết mẹ không vui nhưng con vẫn phải nói: Ngàn lần xin lỗi mẹ…

Sưu tầm


Câu chuyện về người mẹ vĩ đại

Đây là câu chuyện chân thật về gia đình nghèo khổ,khi đứa con vừa bắt đầu đi học thì người cha qua đời,hai mẹ con cùng nhau dìu dắt nhau đi và dùng đống đất đỏ nhè nhẹ phủ lên để tiễn biệt người cha.

Người mẹ không đi thêm bước nữa mà ở vậy nuôi dưỡng con thơ. Lúc đó trong thôn chưa có điện, mỗi tối thằng bé thắp ngọn đèn dầu bé tí đọc sách, vẽ tranh.Người mẹ thì từng mũi kim sợi chỉ may vá đan áo cho con.Ngày tiếp ngày,năm kế năm những tấm bằng khen cứ đắp lên vách tường đất loang lổ của họ. Đứa con cứ như ngọn trúc xanh của mùa xuân vụt lên phơi phới ,nhìn đứa con cao nhanh hẳn thì đuôi mắt mẹ cũng xuất hiện nhiều nếp nhăn mỗi lần cười khi nhìn thấy con nhận phần thưởng.

Nhưng dường như trời không thương mẹ con họ, khi đứa con vừa thi vào trường trung học của huyện thì mẹ bị bệnh phong thấp nặng.Việc đồng áng làm không nỗi, có khi cơm ngày hai bữa cũng không đủ ăn.Lúc đó học sinh ở trường trung học mỗi tháng phải nộp 30kg gạo. Đứa con biết mẹ không có khả năng nên nói với mẹ: “mẹ, con sẽ nghĩ học để giúp mẹ làm ruộng”. Mẹ vò đầu con , âu yếm nói: “con có lòng thương mẹ như vậy, mẹ rất vui, nhưng không đi học không thể được, yên tâm. Mẹ sinh con mẹ sẽ có cách nuôi con. Con đến trường ghi danh đi, mẹ sẽ mang gạo lên sau. Đứa con ngang bướng cãi lại, không chịu lên trường, người mẹ bực mình tát mạnh lên mặt con, đó là lần đầu tiên 16 tuổi trong đời bị mẹ đánh như vậy.

Đứa con cuối cùng cũng cắp sánh đến trường, nhìn sau lưng con cứ xa xa dần theo con đường mòn, người mẹ vò trán suy nghĩ. Không lâu, bếp của trường cũng nhận được gạo của người mẹ bệnh tật mang đến, Bà khập khễnh bước vào cổng, với hơi thở hổn hểnh từ trên vai thả xuống một bao gạo nặng trĩu. Người phụ trách nhà bếp mở gạo ra xem, hốt một vóc lên xem lập tức cột chặt miệng bao lại nói: “ bậc phụ huynh các người thích làm những việc có lợi cho mình. Bà xem gạo nè, có thóc có sạn có hạt cỏ…làm sao mà ăn”. Người mẹ ngượng ngùng đỏ cả mặt, nói lời xin lỗi. người phụ trách nhà bếp không nói gì thêm mang gạo vào nhà. Người mẹ lại móc trong túi gở ra mấy lớp vãi lấy ra 5 tệ nói với người phụ trách : “đây là tiền phí sinh hoạt của con tôi tháng này làm phiền ông chuyển đến dùm. Ông đùa nói: “thế nào bà nhặt được trên đường đó à” bà mắc cở đỏ mặt nói cám ơn rồi quay lưng đi.

Rồi lại đến một tháng, bà nhọc nhằn vác bao gạo đến nhà bếp, người phụ trách nhà bếp vừa nhìn gạo xong thì cột chặt lại, cũng là thứ gạo đủ màu sắc. Ông nghĩ, có lẽ lần trước do không dặn người này rõ ràng, ông nhẹ nhàng từng chữ nói với bà: “bất cứ thứ gạo gì chúng tôi đều nhận, nhưng làm ơn để riêng ra, cho dù thế nào cũng không được để chung, như vậy chúng tôi không thể nào nấu được, nấu ra thì cơm sẽ bị sượng. Nếu lần sau còn như vậy tôi sẽ không nhận”. Bà hốt hoảng thành khẩn nói: “Thưa ông! gạo nhà tôi đều như vậy cả, phải làm thế nào” ? Người phụ trách đùng đùng nói : “ một sào ruộng nhà bà mà có thể trồng được cả trăm giống lúa như vậy à? thật buồn cười”. Bị la như thế bà không dám nói năng gì, lặng lẽ cúi đầu, người phụ trách cũng làm lơ để bà đi.

Đến tháng thứ ba, bà lại vất vả vác đến một bao gạo, vừa nhìn thấy người đàn ông la bà lần trước, trên mặt bà lại hiện lên nụ cười còn tội hơn là khóc. Ông ta vừa nhìn thấy gạo bỗng giận dữ quát lớn nói: “tôi nói vậy mà bà vẫn cứ như vậy không đổi, sao mà ngoan cố, cũng thứ gạo tạp nhạp này, bà xem đi. Lần này mang đến thế nào thì mang về vậy!

Hình như bà đã dự đoán trước được điều đó, bà liền quỳ xuống trước mặt người phụ trách, hai dòng lệ trào ra trên khóe mắt, buồn bã nói: “ tôi nói thật với ông, gạo này là …tôi đi xin đấy, ông giật bén người, hai mắt tròn xoe nói không nên lời

Bà ngồi phịch xuống đất, lộ ra đôi chân biến dạng, sưng húp… rơi lệ nói: “tôi bị bệnh phong thấp đi lại rất khó, không thể làm ruộng được. Con tôi đòi bỏ học giúp tôi, bị tôi đánh nên trở lại trường học.

Bà cầu xin người phụ trách làm thế nào vừa dấu bà con hàng xóm lại càng sợ đứa con biết được sẽ tổn thương lòng tự trọng của nó. Mỗi ngày trời còn chưa sáng bà len lén cầm cái bao chống gậy đi cách thôn khoảng 10 dặm để van xin lòng thương của những người khác, rồi đợi trời thật tối bà một mình âm thầm về. Gạo bà xin được đều để chung vào. Tháng kế tiếp vừa mang gạo đến trường bà nhìn người phụ trách, chưa nói mà nước mắt lưng tròng. Ông đỡ bà dậy nói: “thật là ngừơi mẹ tốt, tôi sẽ lập tức đi trình với hiệu trưởng, để trường miễn học phí cho con bà”. Bà vừa nghe xong hốt hoảng lắt đầu nói : “đừng…đừng…nếu con tôi mà biết tôi đi xin để nuôi nó đi học sẽ làm nó tổn thương và như thế ảnh hưởng đến sự học của nó. Ông hiểu ý bà nói: “à, thì ra bà muốn tôi dấu kín điều này, được rồi, tôi nhớ”. Bà khập khểnh như người què quay lưng đi.

Cuối cùng thì hiệu trưởng cũng biết được sự việc với nét mặt hiền hoà nói : “vì gia đình bà quá nghèo, trường sẽ miễng học phí và tiền sinh hoạt 3 năm. Ba năm sau , đứa con đã thi đậu vào trường đại học Thanh Hoa. Ngày tốt nghiệp, chiêng trống vang trời, hiệu trưởng đặc biệt chú ý người học sinh có hoàn cảnh khó khăn này và mời cậu ta lên lễ đài. Cậu ta khó chịu nói: “thi đạt điểm cao có rất nhiều, vì sao bảo em lên lễ đài? Lại càng làm mọi người ngạc nhiên hơn là trên lễ đài đổ liên tiếp ba hồi trống vang dội. Lúc đó người phụ trách nhà bếp cầm ba cái bao đựng gạo của người mẹ lên lễ đài kể câu chuyện Người mẹ đi xin gạo để nuôi con ăn học. Dưới lễ đài mọi người im bặt, Hiệu trưởng nhìn ba cái bao giọng hùng hồn nói: “Đây là câu chuyện ba cái bao của người mẹ đi xin, trên đời này đem vàng cũng không mua được những hạt gạo này, sau đây sẽ mời người mẹ vĩ đại đó lên lễ đài.

Đứa con trong lòng nghi nghi ,nhìn lại phía sau xem, thấy ngừời phụ trách dìu mẹ từng bước từng bước tiến lên lễ đài. Lúc đó chúng ta không biết đứa con trong lòng nghĩ gì? Tin tưởng rằng sẽ làm cho cậu ta rung động nhưng không hãi hùng lo sợ. Thế là tuồng kịch tình mẫu tử ấm áp nhất đã được diễn ra. Hai mẹ con nhìn nhau, từ ánh mắt lấp lánh tình yêu thương của người mẹ, vài sợi tóc trắng bay bay trước trán. Đứa con bước đến trước, ôm chầm lấy mẹ và bật khóc , “mẹ…mẹ của con…” trãi qua bao nhiêu năm tháng câu chuyện của mẹ vẫn còn sáng mãi trong truyền thuyết.

Như Nguyện dịch


Bí mật của bố tôi

Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn là trò cười của bạn bè vì tôi rất dở trong khả năng tìm đường. Có lần, cậu bạn tôi hài hước: “Hy vọng lối lên Thiên Đường cũng có bảng chỉ dẫn, nếu không cậu lạc mất”.

Tôi cười:

- Tớ chỉ cần tìm một ngọn đồi có hàng rào nhiều cây hoa giấy - Và khi cậu ta nhíu mày suy nghĩ xem đó là cái gì, thì tôi kể cho cậu ta nghe câu chuyện về bố tôi.

Ông bà nội tôi rất nghèo, bố và 5 anh em trai phải cố gắng ghê gớm để tồn tại. Chính thời thơ ấu đó đã làm cho bố tôi trở thành một người cứng rắn.

Khi anh em chúng tôi nhận ra rằng những đứa cùng lớp đều được bố mẹ cho tiền tiêu vặt, chúng tôi đã hỏi xin bố tiền. Bố bình thản:

- Nếu các con đã đủ lớn để xin tiền thì các con cũng đủ lớn để kiếm tiền.

Và thế là, chúng tôi đi làm đủ các việc vặt cho khu phố, như dọn vườn hoặc lau nhà. Bố không bao giờ hỏi về số tiền mà chúng tôi kiếm được, cũng không bao giờ khen.

Khi chúng tôi lớn lên, đi học khá xa nhà. Không có xe riêng, chúng tôi phải đi xe bus. Dù bến xe bus cách nhà tới gần 2km, cả vào những ngày mưa gió bão bùng, bố tôi cũng chẳng bao giờ lái xe ra đón. Nếu ai đó càu nhàu (anh trai tôi càu nhàu suốt), bố sẽ nói nghiêm khắc:

- Chân các con để làm gì?

Còn tôi thì không ngại đi bộ bằng nỗi sợ đi một mình dọc theo đường cao tốc, vòng một vòng rồi mới có đường đi lên đồi để về nhà. Tôi cũng cảm thấy tủi thân vì dường như bố tôi chẳng quan tâm đến sự an toàn của tôi. Nhưng rồi cảm xúc đó biến mất vào một buổi tối mùa hè.

Đó là một ngày mệt mỏi với những bài thi dài làm tôi kiệt sức. Tôi chỉ muốn về nhà và nằm ngủ. Khi xe bus dừng ở trạm cuối, tôi xốc lại cái balô đầy ụ sách, chuẩn bị đi bộ một chặng dài.

 Tôi đi dọc theo đường cao tốc ở dưới chân đồi, cho đến khi nhìn thấy một hàng rào nhiều hoa giấy chạy dọc theo con đường lên đồi dẫn tới nhà tôi. Lúc nào tôi cũng cảm thấy dễ chịu khi nhìn thấy cái hàng rào ấy, vì như thế có nghĩa là tôi sắp về đến nhà.

Hôm đó, khi tôi vừa nhìn thấy đám hoa giấy thì trời bắt đầu mưa. Tôi ngồi xuống để nhét mấy cuốn sách đang cầm trên tay vào balô, rồi lấy ra cái ô. Khi đứng dậy, tôi chợt nhìn thấy cái gì đó màu xám di chuyển dọc theo hàng rào. Nhíu mắt nhìn kỹ hơn, tôi nhận ra đó chính là cái mũ của bố tôi. Và tôi biết rằng - mỗi ngày tôi về nhà, bố đều đứng trên đồi, sau dãy hàng rào để quan sát, cho đến khi bố biết tôi về nhà an toàn. Tôi lau mắt. Bố đã quan tâm mà tôi đã không bao giờ biết. Hôm đó, khi tôi về đến nhà, tôi thấy bố đang ngồi như không biết gì trên ghế bành, nói giọng thản nhiên:

- Về rồi hả con?

 “Cậu thấy đấy” - Tôi kết thúc câu chuyện kể cho người bạn - “Tớ chẳng lo là không tìm thấy Thiên Đường”.

Có nhiều người nói Thiên Đường là khi bạn nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, hay một chùm sáng trên cao. Nhưng tôi thì nghĩ tôi sẽ nhìn thấy một dãy hàng rào đầy hoa giấy dẫn lên đồi, và bố tôi sẽ đợi ở trên đỉnh đồi, và nói: “Về rồi đấy hả con?”.

Sưu tầm


Đã kịp yêu thương

Đó là những ngày bố tôi rất mệt, bố bị bệnh nặng. Nhưng vào buổi sáng, khi chưa quá kiệt sức, bố vẫn đọc truyện cho tôi nghe, vì biết tôi rất thích. Đó là những giờ phút sáng sủa nhất trong ngày. Rồi một ngày bố bỗng gấp sách lại, và bảo tôi:

- Bánh Quy này. Ngày nào bố cũng đọc truyện cho con nghe. Bây giờ đến lượt con. Con hãy kể cho bố nghe một câu chuyện đi, còn bố sẽ ghi lại.

- Cũng được ạ - Tôi nói sau vài phút suy nghĩ - Con có một chuyện đây rồi. Hè năm ngoái, mẹ cho con về thăm trang trại của bà. Bà và mẹ đi vào nhà, nhưng con thì thích chơi ngoài vườn cơ. Hôm đó trời nóng lắm. Con đi chân đất vì con thích giẫm chân lên cỏ, rất là mát. Bỗng nhiên, con nghe thấy tiếng rất to: "cúc cúc cúc!". Con quay lại và thấy một con gà trống đỏ to tướng, cao gần bằng con, đang đứng ngay bên cạnh. Nó nhìn chằm chằm vào chân con.

Hẳn nó nghĩ các ngón chân con là những con giun có thể ăn được vì nó đột ngột dùng cái mỏ bự mổ vào ngón chân cái của con. Ôi, đau lắm bố ạ! Cứ như là bị dao cứa ấy! Xong rồi nó lại lấy đà định mổ tiếp, nhưng mà con chạy. Nó đuổi theo, cứ mổ vào gót chân con. Con hét: "Mẹ ơi, mẹ ơi!". Mẹ nghe thấy và chạy ra. Mẹ bế bổng con lên ngay trước khi con gà trống kịp mổ vào con cái nữa. Bà thì cầm cái chổi đuổi nó đi. Con thở phào vì mình vẫn còn sống. Mẹ cũng vậy.

Trong khi tôi kể, bố tôi viết lia lịa.

- Thật là một câu chuyện hay, rất rùng rợn đấy!

- Bố nói - Con gà trống đó thật là tồi tệ! Thôi, nhưng nó không ăn thịt con là tốt rồi.

- Con cứ tưởng nó sẽ ăn thịt con rồi đấy - Tôi bình luận thêm.
Ba tuần trôi qua. Một buổi tối, khi bố con tôi lại ngồi dựa lưng vào thành giường, bố tôi bỗng như trở về con người hoạt bát ngày xưa.

- Bố có một điều ngạc nhiên cho con này! - Bố cười rất vui - Con nhắm mắt lại đi.

Tôi làm theo lời bố, và khi mở mắt ra, tôi thấy... một tờ báo, ở một góc có... tên tôi, được in chữ đậm: "Myrtle Cook".

- Chính là câu chuyện của con đấy - Bố nói - Bố đã gửi câu chuyện của con, và người ta đã cho in nó để các bạn khác đều có thể được đọc.

Tôi không tin vào mắt mình. Chính là câu chuyện về chú gà trống đỏ to tướng của tôi được in trên báo. Chưa bao giờ tôi sung sướng đến thế. Chẳng bao lâu sau, bố tôi mất. Đó là khi trái tim tôi muốn vỡ ra nghìn mảnh.

Nhưng rồi tôi lớn dần lên, tôi học chữ để tự đọc truyện. Câu chuyện về chú gà trống đỏ to tướng mà bố chép lại cho tôi đã khiến tôi yêu thích việc viết truyện. Không lâu sau, tôi bắt đầu gửi những câu chuyện của mình tới tờ báo mà bố đã gửi bài cho tôi. Hầu hết các câu chuyện của tôi đều được đăng, và việc viết văn đã trở thành sự nghiệp của tôi sau này.

Bố đã không kịp nói với tôi là bố muốn tôi làm nghề gì, trở thành ai, sống như thế nào, bố đã chỉ kịp yêu thương tôi. Nhưng tôi tin rằng chính vì được yêu thương đúng cách mà một cô bé như tôi đi đúng hướng trong cuộc đời mình.

Sưu tầm


Ước mơ của mẹ

Tôi là giáo viên dạy nhạc bậc tiểu học. Suốt 30 năm trong nghề, ngoài giờ lên lớp ở trường tôi thường nhận dạy piano tại gia cho các em theo yêu cầu của phụ huynh. Thú thực, không phải lúc nào công việc này cũng hứng thú, nhất là khi bạn gặp những “thần đồng" sinh ra từ cao vọng của cha mẹ chúng. Một năm nọ, có cậu bé tên Bobby tự tới nhà tôi xin học. Lúc đó, Bobby đã 11 tuổi. Tôi toan từ chối vì tuổi đó mới bắt đầu học đàn piano là đã muộn. Nhưng Bobby cứ nằn nì… Sau cùng, tôi xiêu lòng khi nghe chú bé nói rắng ước mơ cả đời của mẹ chú là con trai của mình trở thành một nghệ sĩ dương cầm. Bobby trở thành học trò của tôi.

Tuy nhiên, ngay từ buổi học đầu tiên tôi hiểu rằng mình đã vác một gánh nặng vào thân. Bobby rất chăm chỉ nhưng xem ra không có nhiều triển vọng trên con đường âm nhạc. Thụ cảm nhạc và tiết tấu của Bobby quá kém. Thế nhưng, sự chán nản của tôi được xoa dịu phần nào khi thấy chú bé nhẫn nại thực hiện mọi lời chỉ dẫn của tôi. Thỉnh thoảng, tôi không kìm nổi bực bội, buông lời cáu gắt, thậm chí cầm thước khẻ vào tay Bobby. Chú bé chỉ ngước đôi mắt tròn xoe nhìn tôi và rồi tiếp tục cặm cụi trên phím đàn. Mỗi khi Bobby ra về, tôi thấy mình mệt nhừ.

Tháng ngày trôi qua, trái với dự đoán của tôi, Bobby vẫn chăm chỉ dự các buổi học. Mỗi khi bị tôi mắng cậu bé lại lẩm bẩm: “Một ngày kia mẹ sẽ được nghe mình đàn". Bằng kinh nghiệm, tôi biết chắc Bobby không thể trở thành một nhạc công. Tôi thầm trách móc mẹ Bobby. Ép đứa con không có năng khiếu nhạc này học đàn mà làm gì?

Buổi trình diễn cuối khóa, lần lượt các học trò của tôi đã lên sân khấu, nhưng không thấy dáng Bobby đâu. Tôi đương khấp khởi mừng vì bớt đi một tiết mục kém thì Bobby thẫn thờ đi vào, mắt đỏ hoe sưng húp, tóc tai bù xù, quần áo xộc xệch. Tôi không thể hiểu nổi tại sao có người mẹ lại để con mình ăn mặc đầu tóc như thế khi bước lên sân khấu. Nhưng không kịp nữa rồi, đành cứ mặc Bobby, miễn chuyện này qua cho nhanh.

Nhưng kì lạ thay! Hợp âm đầu tiên vang lên đã hút hồn tôi. Bobby chơi một bản nhạc buồn do cậu tự chọn mà tôi cũng chưa từng tập cho cậu. Nó đòi hỏi kỹ thuật cao hơn những gì Bobby đã học. Dẫu vẫn là tiếng đàn của trẻ con, nhưng nó như có hồn, lúc ai oán, khi ào ạt. Khi hợp âm cuối cùng lắng xuống, toàn thể hội trường đứng bật dậy vỗ tay rầm rầm. Bobby lập cập đứng dậy tiến lại gần micro: “Mẹ thích bản nhạc này không"?, cậu bé hỏi. Ai nấy ngơ ngác nhìn quanh cố tìm xem ai là mẹ của Bobby. Sợ cậu bé làm điều thất thố, từ trong cánh gà tôi vội chạy ra kéo tay Bobby. Một người đàn ông – sau này tôi biết đó là nhân viên bảo trợ xã hội có nhiệm vụ tháp tùng cậu bé – len đến bên tôi nói khẽ: “Mẹ Bobby bị điếc. Cả đời bà chỉ mong được nghe tiếng đàn của con. Bà vừa qua đời sáng nay vì bệnh ung thư và không kịp đến xem con trai biểu diễn".

Sưu tầm


Điều kỳ diệu của tình yêu

Như mọi người mẹ chu đáo khác, khi Karen biết mình sắp sinh em bé, cô chuẩn bị tinh thần cho cậu con trai 3 tuổi là Michael. Tối tối Michael áp tai vào bụng mẹ và hát cho em nghe. Rồi kỳ sinh nở cũng đã đến. Sau cơn vật vã, Karen cho ra đời một em bé gái. nhưng đứa bé ở trong tình trạng rất nguy kịch và được cấp tốc đưa vào khu chăm sóc trẻ sơ sinh của bệnh viện . Nhiều ngày trôi qua mà tình hình em gái của Michael không hề có dấu hiệu khả quan. Bác sĩ khoa nhi đã nhiều lần nói với bố mẹ cậu rằng hy vọng rất mỏng manh, rằng cả nhà hãy chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất.

Vợ chồng Karen đã liên hệ với nghĩa trang địa phương một chổ mai táng. Trước đây họ háo hức sắp xếp một căn phòng đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh. Nhưng bây giờ họ thấy mình đang phải chuẩn bị cho một đám tang.

Michael năn nỉ bố mẹ cho cậu vào thăm em gái: "Con cần được trông thấy em mà bố mẹ".

Đã qua tuần thứ hai và có lẽ đám ma sẽ diễn ra vào cuối tuần. Michael vẫn nằng nặc đòi bố mẹ vào thăm em gái mặc dù trẻ em không được phép vào khu chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, Karen vẫn quyết định cho cậu vào dù người ta có đồng ý hay không . Cô mặc cho con trai chiếc áo blouse rộng quá khổ , giả vờ là người đẩy xe tả lót và dẫn cậu vào khu chăm sóc đặc biệt. Nhưng bà y tá trưởng nhận ra ngay cậu bé, bà hét to lên :"Đưa thằng bé ra khỏi đây ngay, khu vực này cấm trẻ con?" Bản năng người mẹ trỗi dậy trong Karen. Người phụ nữ vốn thường ngày rất dịu dàng này trừng mắt nhìn thẳng vào mặt bà y tá trưởng gằn từng tiếng một:" Nó sẽ chỉ ra khỏi đây khi nào gặp được em gái nó!"

Karen dắt Michael đến giường em gái. Cậu nhìn chằm chằm vào đứa trẻ sơ sinh đang dần bất lực trước cuộc tranh đấu gìanh sự sống. Sau một khoảnh khắc cậu cất tiếng hát. Giọng hát trong trẻo và tràn ngập yêu thương của một cậu bé 3 tuổi cất lên " Em là ánh mặt của anh, là ánh mặt trời duy nhất sưởi ấm lòng anh khi bầu trời sám xịt." Ngay lập tức đứa bé có vẻ phản xạ lại. Mạch đập của bé dịu xuống và ổn định dần ." Hãy hát tiếp đi Michael!" Karen động viên con trai mà nước mắt lưng tròng . Cậu bé tiếp tục hát: "Làm sao em hiểu được anh thương em đến nhường nào . Xin đừng mang ánh mặt trời của anh đi mất!"

Khi Michael hát cho em nghe, hơi thở ngắt quãng và khó nhọc của em bé trở nên nhẹ nhàng như một chú mèo con."hát nữa đi con yêu". Karen thì thầm ." Đêm hôm trước khi anh ngủ, anh tưởng như đang được ôm em trong tay" Em gái Michael bắt đầu thư giãn . nước mắt giàn giụa trên má y tá trưởng, bà động viên:"hát tiếp đi Michael".Karen đứng bên cạnh, vừa cười vừa khóc trong kinh ngạc."Em là ánh mặt trời của anh, xin đừng dập tắt tia nắng duy nhất sưởi ấm lòng anh. " Kỳ diệu thay, ngay hôm sau, cô bé được trở về nhà.

Thế đấy đừng bao giờ bỏ cuộc trước người mà bạn yêu quý. Tình yêu luôn có sức mạnh kỳ diệu đến không ngờ

Sưu tầm