Truyện Minh Hoạ - Gia Đình

Con gái của mẹ,

Mẹ viết những dòng này cho con trong căn nhà còn nồng mùi sơn mới.

Căn nhà này mẹ mua cho con có chỗ cư ngụ trong thời gian học đại học xa nhà. Người chủ cũ để lại nhiều đồ đạc, từ tủ bếp đến kệ sách, máy nước nóng...

Mẹ suy nghĩ nhiều lắm mới có một quyết định tạm gọi là mạo hiểm khi mua nhà. Tại sao lại là mạo hiểm?

Con dọn nhà, mẹ rất vui khi thấy đồ đạc (của con và của chủ nhà để lại) đã khá đầy đủ, từ cái chén ăn cơm đến bếp ga, nồi cơm điện, thậm chí miếng nhấc nồi cũng có sẵn. Sửa nhà xong, mẹ gần như chẳng phải sắm thêm cho con thứ gì...

Nhìn ngôi nhà mới, bên cạnh sự vui sướng vì con có một chỗ ở xinh xắn, gần trường, trong mẹ lại dấy lên nỗi lo lắng mơ hồ. Bởi con là con gái, lại sống xa nhà một mình.

Cuối cùng, mẹ quyết định gọi thêm em họ của con đến ở cùng cho có chị có em. Mẹ biết, có thêm người khác vào nhà, sự thoải mái sẽ giảm đi, nhưng dù sao như vậy mẹ sẽ đỡ lo lắng hơn.

Trong danh sách những thứ cần chú ý như điện, nước, điện thoại, internet... mẹ còn ghi chú thêm một câu rất đậm nét: "Không được tiếp bạn trai ở nhà”. Mẹ biết câu nhắc nhở này sẽ khiến con khó chịu nếu một mai con hay em họ con có bạn trai, nhưng mẹ vẫn phải nhắc nhở.

Mẹ biết thế hệ của con khác xa  thế hệ mẹ ngày xưa, nhưng mẹ rất sợ con không biết gìn giữ.

Như tất cả những người mẹ khác trên đời, mẹ mong muốn con gái mình có được một đám cưới đàng hoàng, rạng rỡ với người con yêu. Do đó, mẹ không muốn con có bạn trai trước khi tốt nghiệp. Mẹ vẫn quan niệm, thế gian này có rất nhiều người cho mình lựa chọn, đừng vội vàng hay quá lụy một người nào để rồi phải ôm lấy tuyệt vọng.

Như vậy con nhé, hãy hiểu cho mẹ và cố gắng nghe lời mẹ.

Cuối cùng, mẹ viết thêm dòng chữ nữa vào cái danh sách dài đó: "Đừng để những cố gắng của mẹ trở thành vô nghĩa".

Mẹ hy vọng nơi con,

Sưu tầm


Ba ơi, con nhớ... 

Tự nhiên một ngày thức dậy con thấy mình ở Mỹ, trong một căn nhà kiểu Mỹ sạch sẽ tiện nghi… Con đi học, đi làm. Bận rộn đủ thứ chuyện trên đời. Và con bỗng phát hiện ra một điều vô lý là con không có ba yêu bên cạnh!

Con chợt muốn khóc…

Ba ơi! …

Hồi nhỏ con đã từng mơ hồ lo sợ phải sống xa ba, từng muốn được bé bỏng hoài trong vòng tay ba. Thật ra, nói vậy con thấy mình ích kỷ, làm biếng và cả yếu đuối nữa. Đâu ai trốn mãi được trong sự bảo bọc của người cha, phải không ba? Rồi từ khi xa nhà, không có ba bên cạnh, con đã phải tự học cách sống và lớn lên một mình. Con mới thấm thía rằng để tồn tại trên đời nầy thật chẳng đơn giản tí nào!

Ba ơi, con nhớ… Cuốn tập ngày xưa ba tỉ mỉ chép toán để dạy cho con. Không biết ba sưu tầm những bài toán đó ở đâu mà khó quá trời. Con nhớ nhiều lúc con đã ngán ngẩm, thua cuộc nhưng ba luôn động viên con bằng cách chọc con cười. Gợi ý cho con cách làm. Thật sung sướng khi cuối cùng con đã tìm được đáp số. Và nhận ra rằng, hễ bài toán càng khó, càng đau đầu thì khi giải được, niềm hạnh phúc càng nhân lên bội phần.

Có lẽ nhờ vậy mà suốt quãng đường học tập, con không bao giờ chán nản, lùi bước. Bởi con luôn tin rằng niềm vui chiến thắng đang dang tay đón chào ở phía trước. Con thích tới trường, thích nghe thầy cô giảng, thích những cuộc thi. Con cũng thấy rằng hễ mình thích ngành gì thì mình sẽ học rất thú vị, rất nhẹ nhàng và đạt hiệu quả cao.

Ba ơi, con nhớ… Hồi đó, mỗi chiều đi làm về, ba thường mua quà cho bọn con: xoài, ổi, bưởi, … Sao ba “tâm lý” quá chừng! Thấu hiểu cái miệng thèm ăn vặt của hai cô con gái cưng. Bây giờ con được ăn đủ thứ thức ăn ngon: cam, táo, pizza,  hamburger… Đặc biệt là chocolate từ các xứ Pháp, Hawaii… nhưng tất cả không thể nào ngon bằng những thứ ba đã mua cho bọn con ngày nhỏ.

Ba ơi, con nhớ… Quà sinh nhật 16 tuổi của con là sợi dây chuyền với cái mặt có tên con. Đó là món trang sức đầu tiên trong đời con. Bây giờ con có nhiều thứ lắm, có thể mắc tiền hơn nhiều nhưng con vẫn nâng niu nhất món quà của ba. Đó là kỷ vật thiêng liêng nhất của đời con.

Ở đây, mấy đứa bạn con rất ngạc nhiên khi nghe con kể về gia đình mình, một gia đình Á Đông mà ba là trưởng nam, chỉ có hai đứa con gái nhưng ba không hề phàn nàn, thậm chí còn rất cưng chiều!

Ba ơi! Nơi đây khí hậu khá khắc nghiệt. Mùa lạnh thì rất lạnh, lạnh buốt xương. Mùa nóng thì rất nóng, nóng như cái lò lửa. Gió lại nhiều. Những cơn gió có thể thổi tung đứa con gái vốn mơ mộng của ba, nếu nó mở cửa xe bước ra ngoài ngắm trời ngắm đất, ngắm cái mầm cây xanh biếc mỏng manh hay nụ hoa dại tím tím bé xíu nhú lên giữa các khe băng. Nơi đây con sợ nhất mùa đông, cảnh vật lạnh lẽo càng làm con nhớ ba thêm…

Vài tuần nay con đi thực  tập. Ngày ngày con đứng khều khều mấy viên thuốc, giống như… chơi đồ hàng! Dễ ợt hà! Hihi… Nói cho ba cười chơi. Thật ra có nhiều thứ con phải học trong tiệm thuốc: Phải thuộc tên thuốc, sử dụng các chương trình để đánh nhãn thuốc, hướng dẫn bệnh nhân…

Lễ Tạ ơn năm rồi, con làm bò bía đãi nhóm bạn quốc tế trong lớp, các bạn khen con nức nở. Mai, nhỏ bạn người Việt gật gù bảo rằng ăn xong sẽ viết bằng khen, phong tặng con danh hiệu “Đệ nhất bò bía”. Còn anh chàng Pantea người Trung Đông vốn chảnh, hình như chàng ta là “hoàng tử” của một ông vua dầu lửa, vậy mà cũng phải cúi đầu chắp tay đồng ý món ăn con làm quá ngon!

Ba ơi, lần nọ, ngày của cha (Father’s Day), tới chỗ làm, con vô ý hỏi bà sếp rằng ba của bà khỏe không. Sắc mặt bà đang vui bỗng lặng buồn. Bà bảo ba của bà mất lâu lắm rồi, làm con thấy ray rứt và ngại quá, không biết nói gì thêm. Rồi con chợt nhận ra mình quá diễm phúc. Tuy phải ở xa ba nhưng con còn có ba trên đời này!

Ba ơi! Con nhớ .…

Pha Lê


Người mẹ đến sau 

Mẹ mất hơn ba năm, chị Hai đi lấy chồng xa, gia đình chỉ còn lại ba cha con nhưng cũng có lúc con và ba đi làm về muộn, mình em Tin phải tự nấu mì gói ăn. Dẫu biết gia đình mình ít người cũng buồn và mọi người ngày càng xa cách nhau, nhưng sao con vẫn không muốn ba bước thêm bước nữa, có lẽ vì ích kỷ và vì không biết người ấy có làm cho gia đình ta vui hơn được không.

Thế mà trước Tết hai tháng, ba dẫn dì ấy về nhà. Con chợt thấy có điều gì đau nhói. Con lén lên thắp nhang cho mẹ, nhìn ánh mắt mẹ hiền từ như muốn nói với con, rồi con đi lấy chồng ai sẽ lo cho ba và Tin? Dì Hoa không đến một mình, dì ấy còn có một đứa con gái nhỏ hơn Tin vài tuổi. Điều đó càng làm con e ngại hơn. Rồi dì sẽ thương ai hơn?

Dì với ba không làm đám cưới, chỉ có bữa cơm gia đình, ông bà nội từ dưới quê lên. Ba cũng không nói riêng gì với con, có phải vì ba ngại hay vì chúng ta không còn thói quen trò chuyện từ lâu? Hai chị em con không dám phản đối nhưng thật sự không vui mà lo sợ và e ngại.

Thế nhưng từ ngày có dì Hoa, gia đình mình tươm tất hẳn lên, thằng Tin được ăn  uống điều độ nên tròn vo, lại rất vui vì có bạn chơi cùng nhà là con bé Tí Nị. Nó cũng gọi dì Hoa là mẹ. Dì Hoa chinh phục ba và thằng Tin rất nhanh nhưng với con thì không, vì lúc nào nhìn thấy dì con cũng nhớ đến mẹ. Dì đứng nấu cơm trong bếp, dì ngồi chải tóc trước gương đều phảng phất bóng dáng mẹ. Có lúc, con còn có cảm tưởng dì giành mất ba và thằng Tin khỏi tay con.

Cho đến một ngày...

Đó là cái thời khắc kinh khủng nhất, khi con phát hiện con bị người yêu phản bội - anh ấy đã bắt cá hai tay. Con lên sân thượng, ngồi khóc một mình trong tức giận. Con ghét sự không chung thủy, ghét kẻ đến sau phá hoại và tự dưng ghét luôn dì. Có lẽ dì biết, ba biết, vì con không chịu ăn uống mà lại khóc sưng mắt.

Dì hẹn con đi dạo công viên cùng dì sau bữa cơm tối. Dì bảo ngày xưa ở tuổi con dì cũng đã từng bị người yêu lừa dối như thế, dì đã khóc rất nhiều nên hiểu được tâm trạng của con lúc này, bởi thế dì muốn con cứ khóc hết ra, cứ nói hết uất ức trong lòng ra thì mới mau chóng nhẹ nhõm và quên đi những điều đau lòng.

Thật lạ kỳ, con ngồi khóc ngon lành và dì Hoa cứ ngồi im lặng bên cạnh. Suốt những ngày sau đó, dì luôn bên con, quan sát con rất kỹ, luôn tìm cách làm con vui. Dì còn huy động cả gia đình giúp con vượt qua khó khăn. Cảm động nhất là hộp sữa của Tí Nị, lén giấu dì không uống để đưa cho con với lời nói ngộ nghĩnh “Chị Ba uống cái này là vui liền nè”. Thằng Tin cũng chủ động nhường truyện tranh cho con. Ba thì dẫn mọi người đi xem hài kịch. Dì Hoa nấu nhiều món ăn cho tất cả mọi người. Chị Hai cũng điện thoại về chia sẻ cùng con.

Lâu rồi, con mới cảm nhận được không khí gia đình mà chúng ta bị thiếu thốn rất lâu, nỗi buồn tan biến dần, không biết tự lúc nào con đã cười, đã vui vẻ, thoải mái hơn.

Bây giờ con đã hiểu, quan trọng không phải chúng ta là ai mà chúng ta đã sống và yêu thương nhau như thế nào. Nếu không có dì Hoa, chắc con không vượt qua được nỗi buồn này và càng không hiểu giá trị của mình đối với sự yêu thương của gia đình. Con thật tình cảm ơn dì đã đến với gia đình con.

Cảm ơn người mẹ đến sau của con.

Ngọc Anh


"Mít ướt" ơi! 

Mẹ nhớ mãi cảm giác lần đầu tiên con khóc khi mẹ không đồng ý cho tổ chức một cuộc sinh nhật hoành tráng ở nhà hàng. Nhìn con vừa đẩy cửa vào phòng riêng vừa lau nước mắt, mẹ cứ muốn gọi con lại, thay đổi quyết định.

Mẹ biết, đây là một sinh nhật đáng nhớ để con giã từ thời học sinh phổ thông cơ sở, bước vào thời kỳ phổ thông trung học. Nhưng tổ chức một sinh nhật ở nhà với bữa cơm do bà và mẹ nấu, mẹ nghĩ cũng ấm cúng lắm chứ. Nghe mẹ nói vậy con chỉ biết phản ứng lại bằng tiếng khóc. Mẹ theo con vào phòng riêng, ôm con vào lòng thủ thỉ. Mẹ thấy thương con quá. Muốn những ngày sau này sẽ cố gắng làm việc nhiều hơn nữa để bù đắp cho con, để con không còn phải buồn thế này.

Trước khi sang Singapore công tác, bố hứa sẽ mua cho con món quà đặc biệt. Công việc gấp rút mãi hôm về, nhìn thấy con ở sân bay, bố mới nhớ ra lời hứa chưa kịp thực hiện. Bố vừa nói lời xin lỗi thì con quay mặt đi, òa khóc. Taxi đến trung tâm thành phố, bố bảo dừng lại, cả gia đình cùng đi chọn quà cho con.

Những giọt nước mắt của con quả có sức mạnh lay động trái tim bố, mẹ. Mỗi lần con khóc, bố, mẹ lại cuống quýt, muốn làm ngay việc gì đó để ngăn dòng nước mắt. Hình như con cũng ý thức được việc này nên càng về sau, mỗi khi không được thỏa mãn chuyện gì, con... lại khóc. Bố mẹ đi làm về muộn, khóc. Bố hứa dẫn đi xem phim, trời mưa không đi được, khóc. Bà mắng, khóc. Không mua được chiếc áo yêu thích, khóc... Cùng những tiếng khóc là những lời buộc tội: “Bố không hiểu con”, “Mẹ không thương con”, “Bà ghét con”... khiến cả nhà vô cùng lúng túng, không biết dỗ dành, giải thích thế nào cho con hiểu.

Đến một ngày, mọi người nhận ra khóc chính là vũ khí của con.

Con đã lạm dụng những giọt nước mắt đến nỗi mỗi lần thấy con quay mặt đi, hai mắt đỏ hoe, là ai nấy đều... sợ. Không phải bà và bố mẹ không yêu thương con nữa, không muốn chiều chuộng con nữa, nhưng những nức nở của con đã trở thành áp lực với mọi người.

Con gái à, mít ướt một chút có khi lại đáng yêu, nhưng quá nhiều sẽ gây cảm giác mệt mỏi cho những người xung quanh. Nếu con không điều chỉnh lại, nó sẽ là cản trở với con mai này ra đời, bước vào cuộc sống tự lập. Cuộc sống vốn nhiều khó khăn, dùng nước mắt chỉ làm mọi người thương hại chứ không giải quyết được gì đâu. Giọt nước mắt chỉ có ý nghĩa khi rơi đúng lúc... Mạnh mẽ lên con nhé!

Thu Hà


Thương nhớ chị Hai

Chị à, sáng nay ra thăm chị mà lòng em nhớ chị vô cùng. Cỏ đã phủ kín mộ chị. Những ký ức ít ỏi về chị lại bồi hồi trở về trong em...

Ngày ấy... Chú để chị và em ngồi chơi trên tấm bạt với các bạn ngoài sân chùa. Một người tài xế mới tập lái đã lùi xe mà không quan sát kỹ. Em bị xe kéo đi, chị lao đến lôi em ra. Em thoát khỏi bàn tay tử thần còn chị nằm dưới gầm xe và mãi mãi không tỉnh dậy.

Mọi người bàng hoàng vì tin ấy và còn ngạc nhiên hơn khi biết chị mới hơn ba tuổi mà đã biết cứu em - lúc này chỉ mười tháng tuổi. 

Má vẫn hay kể chị thường líu lo hát ru em ngủ và dành phần đút cơm cho em ăn. Mỗi lần như vậy chị hay nói: “Trung ăn nhiều vào, mau lớn chị dẫn đi chơi nghen”. Nhưng chị ơi, em chưa kịp lớn để đi chơi với chị thì chị đã xa em mãi rồi. Điều cuối cùng chị kịp cho em chính là cuộc sống quý giá này.

Mọi người vẫn hay nói về chị, về hành động chị cứu em của hai mươi năm trước. Thời gian không xóa mờ hình ảnh của chị trong ký ức bao người. Em chỉ ước giá như đừng có ngày hôm ấy. Giá như chị đừng chạy vào cứu em, giá như chị đừng thương em nhiều như vậy thì hôm nay chắc khác lắm chị nhỉ. Nhưng cuộc đời này đâu có chỗ cho hai chữ “giá như”.

Em biết tuy lắm lúc không như mong muốn, nhưng cuộc sống là món quà quý giá nhất chị cho em mà không cần lời cảm ơn. Em vào đời với bao khó khăn chồng chất. Những lúc đau khổ, tuyệt vọng em biết chị vẫn ở bên cạnh cổ vũ, động viên em. Em hiểu rằng em phải sống cho cả phần chị.

Chiều nay em quay lại thành phố học. Nén hương rồi sẽ tàn nhưng mãi mãi trong tim em luôn có hình bóng chị. Trong những hình dung, em biết chị đẹp hơn bất cứ người con gái nào em từng gặp... 

TINH CA


Ba ơi, con xin lỗi!

Kính gửi ba thương yêu

Ba ơi, đã hơn ba năm rồi con không được gặp ba. Không được ba chở đi học, không được nghe ba nói: “Ăn cơm đi con!”, “Ngủ đi con!”…

Tháng trước, con một mình ngồi ngoài cửa phòng mổ chờ mẹ suốt hơn 24 tiếng. Bên trong phòng mổ, các bác sĩ đang chiến đấu với bệnh tật để bảo vệ mẹ. Nhìn cảnh những người quanh con quây quần, thăm hỏi, động viên nhau..., con càng nhớ ba da diết. Ba ơi, giá như có ba bên con lúc đó.

Ba năm trước, cũng khung cảnh gần như thế, mẹ và con ngồi chờ ba ngoài phòng mổ. Hai mẹ con không dám đi xa cánh cửa phòng mổ quá 5m. Con và mẹ không ngừng quan sát chuyển động của cánh cửa đó rồi tự động viên, an ủi nhau từng giờ từng phút. Khi được tin ca phẫu thuật của ba kết thúc nhưng chưa biết ba vượt qua được hay không, con và mẹ thấy trời đất như đảo lộn. Con đã rất sợ.

Ngày hôm sau người ta chuyển ba sang phòng săn sóc đặc biệt. Con và mẹ vẫn chờ ngoài hành lang và không rời mắt khỏi cánh cửa phòng bệnh. Mỗi lần có ai đó ra vào phòng, hai mẹ con lập tức chạy đến mong sao có thế ghé mắt giây lát qua khe cửa để tìm ba. Hôm sau nữa bác sĩ cho người nhà được phép vào thăm với thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 2 phút. Mẹ là người vào đầu tiên.

Con nghe mẹ kể ba chưa nói chuyện được, tay chân ba bị trói vào thành giường, thân thể đầy dây nhợ… Mẹ vừa kể vừa rưng rưng nước mắt. Mẹ hỏi con có muốn vào thăm ba không. Con muốn, rất muốn nhưng… không dám. Ba ơi, con sợ nhìn thấy mấy cái ống họ đặt vào người ba, sợ cả mớ dây cắm vào người ba nữa!

Ngày tiếp theo, mấy dì và cô vào phòng thăm ba. Con chỉ biết đứng nhìn bên ngoài mà thèm khát có sức mạnh nào đó giúp con bước qua cánh cửa kia để đến với ba. Nhưng con vẫn không thể! Mẹ nói là ba tìm con, ba chảy nước mắt nhiều lắm.

Ngày tiếp theo nữa con tự hứa sẽ vào thăm ba. Nhưng quá trễ rồi. Sáng hôm đó ba ra đi mãi mãi, vĩnh viễn rời xa mẹ và con.

Ba ơi! Sao ba không chờ con thêm chút nữa. Nếu ba cho con thêm một ít thời gian nữa thôi thì con đã gặp được ba rồi… Con xin lỗi ba! Ba ơi! Con nhớ ba nhiều lắm…

Trần Thị Ngọc Mai


Nói với yêu thương

Từ khi ra đời con là yêu thương của nhà mình. Ông bà nội ngoại, các bác, cô dì... đều quan tâm, chờ đợi nụ cười của con. Con gái của ba đã mang lại sự gắn kết yêu thương cho nhiều người.

Ngày mẹ về với ba cũng qua nhiều khó khăn, đến với nhau rồi ba mẹ mong con từng ngày. Khi mới chào đời con đã được mọi người yêu thương bởi vẻ kháu khỉnh đáng yêu. Hơn thế, con là kết quả ba mẹ có được sau những trắc trở, gian nan. Mọi người vui mừng vì từ khi có con một gia đình mới ra đời với đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng của nó. Ngày con tròn tháng, cả nhà xúm xít vui mừng, nụ cười con sáng bừng lên trong ánh mắt vui mừng của mọi người. Ba hạnh phúc vì có con, yêu thương của ba.

Ba đã nói rất thật rằng chính con gái của ba đã dạy ba biết quan tâm đến người khác. Một niềm vui mà trước khi có con ba không nghĩ đến là được chăm sóc hai mẹ con khi ở cữ. Vui lắm con gái ạ! Tiếng con đạp chân, tiếng khóc oe oe đòi mẹ của con cũng đủ gợi cho ba một niềm vui. Công việc nấu cơm giặt giũ ba làm đều có hình ảnh yêu thương của ba. Từ đó ba nhận ra rằng chăm sóc người mình yêu thương cũng là niềm hạnh phúc lớn. Ba đã làm tất cả công việc có thể làm được để mang lại niềm vui cho cả nhà và cho riêng ba. Yêu thương của ba có biết không, đó là điều ba học được từ khi có con đấy.

Còn nhớ lúc đưa con đi tiêm ngừa, bác sĩ đã bảo thuốc có thể gây sốt cho con. Vậy mà mũi tiêm đó đã gây sốt cho cả nhà mình. Con nóng hầm hập, không cười, không đòi làm ai cũng lo lắng. Ông bà đi làm không yên, cậu dì đi học cũng nôn nao được về bên con. Ba mẹ rất lo lắng nhưng cũng vui vì yêu thương của ba mẹ nhận được rất nhiều yêu thương của cả nhà. Cứ như vậy con lớn lên trong ăm ắp yêu thương không chỉ của ba mẹ. Đó là hạnh phúc vô cùng của ba.

Cũng như bao bậc cha mẹ khác, ba mong con gái lớn lên vẫn luôn là yêu thương của ba. Con luôn nhớ rằng con lớn lên đâu chỉ bằng cơm áo mà bằng tình cảm thiết tha của cả nhà mình. Khi trưởng thành con gái của ba sẽ là con hiếu cháu thảo, xứng đáng với những gì cả nhà dành cho con hôm nay. Nhớ nhé, yêu thương của ba.

Lê Quang Thọ


Ngày có con

Mẹ về làm dâu nhà bà nội được hơn chín tháng thì sinh con. Từ khi có con, bố mẹ sống vất vả hơn nhưng cũng hạnh phúc hơn rất nhiều.

Con biết không, ngày sinh con là một ngày thật đáng nhớ. Suốt ba ngày mẹ nằm chờ ở bệnh viện với những cơn đau đẻ quằn quại. Bác sĩ bảo đầu con to quá khổ, thai nhi lại nằm ngược nên rất khó sinh. Mẹ đau đớn đến rã rời trong nỗ lực sinh con. Mẹ rất sợ nếu con bị ra muộn sẽ xảy ra sự cố gì đó…

Thế nên dù mệt, dù đau đớn, mẹ vẫn bắt mình phải cố gắng. Ông bà nội, ngoại, và bố con đều sốt ruột chờ đợi bên ngoài. Thế rồi, khi con cất tiếng “Oa…oa” báo hiệu sự chào đời cũng là lúc mẹ ngất xỉu vì kiệt sức và mất máu quá nhiều. Bác sĩ phải đưa mẹ vào nằm phòng hồi sức. Lúc tỉnh dậy, điều đầu tiên mẹ nhớ đến chính là con. Hoảng hốt, mẹ đưa tay sang bên cạnh. Hóa ra con đang say giấc ngủ thiên thần ngay cạnh mẹ.

Khẽ trở mình trong nỗi đau như bị ngàn vạn mũi tiêm đâm, mẹ cố gắng nhích lên để được nhìn rõ mặt con trai yêu quý của mẹ. Khuôn mặt thiên thần của con giống hệt bố, chỉ có mỗi cái trán cao ráo, thông minh là giống ông ngoại. Khóe miệng con xinh xinh. Nhìn con ngủ lúc ấy, lòng mẹ trào dâng niềm hạnh phúc. Tình mẫu tử thiêng liêng trào dâng trong mẹ. Mẹ yêu con thật nhiều.

Ba tháng mười ngày, con thường hay khóc ngặt trong vòng tay mẹ. Mẹ vừa đặt tay xuống là con đã khóc ré lên đòi bế. Suốt ngày đêm mẹ hầu như không ngủ. Giấc ngủ thường đến chập chờn và mệt mỏi. Đã có lúc con làm mẹ cáu bẳn vì kiệt sức, nhưng sau đó tình yêu thương con lại trỗi dậy trong mẹ, xoa dịu… vỗ về. Nhìn con bé bỏng say giấc nồng, mẹ thấy lòng mình dịu lại.

Ngày mai là sinh nhật con tròn 2 tuổi - tuổi tập nói bi bô với những từ ngắt quãng nhiều lúc làm cả nhà cười ngặt nghẽo. Mặc dù nhỏ con nhưng con khá cứng cáp. Bố hay tự hào bảo con giống bố ở tính hiếu động. Con hoạt động luôn tay luôn chân với mọi thứ ở xung quanh. Cái gì trong mắt con cũng thật lạ lẫm, mới mẻ. Nhiều lúc nhìn ánh mắt ngây thơ trong sáng của con, mẹ thấy mình thật hạnh phúc - hạnh phúc vì mẹ có con. 

Con yêu của mẹ, hãy lớn thật nhanh con nhé. Thế giới này còn rất nhiều thứ chờ đợi con tìm hiểu, khám phá. Hãy luôn là niềm tự hào của bố mẹ, con yêu!

Moonlight


kỷ niệm tuổi thơ

Ba mẹ tôi li dị năm tôi 6 tuổi,và không bao lâu sau,cả hai đều đi bước nữa.

Sự buồn phiền,tủi thân càng tăng thêm khi ba tôi có thêm đứa em nhỏ.Tôi thấy mình thật sự là một kẻ bất hạnh,và như để trả thù,tôi luôn tỏ ra bất cần,lì lợm trước mặt ông.

 Cho đến một hôm tôi tìm đến ông. Ông đi nhậu với bạn bè về rất khuya.Vừa thấy tôi ở ngưỡng cửa ông đã reo lên vui mừng, cái vui quá lố của người say : “ A,con gái!Con gái của ba đã tới lâu chưa?”.Mặc dù lúc đó trong thâm tâm tôi nghĩ ông đã say nên mới vui vẻ như vậy, nhưng tôi cũng cảm thấy rất hạnh phúc vì câu nói âu yếm hiếm hoi của ông.Tôi dìu ông vào nhà, lấy khăn lau mặt và pha cho ông một ly nước chanh, rồi nằm dài trên chiếc ghế salon gần giường ông để trò chuyện.Cha con tôi nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Rồi ông kể tôi nghe một câu chuyện.Câu chuyện đã làm tan biến sự u uất, mặc cảm trong tâm hồn tôi bấy lâu.
“Lúc đó,con khỏang một, hai tuổi gì đó, ba chở con băng qua rừng bằng chiếc xe đạp có cái ghế mây nhỏ ở đằng trước. Trời tối thui mà cái đèn pin thì quá yếu, hai cha con đang đi thì bỗng sụp xuống một cái hố, té lăn chiêng. Cú té khá nặng nên ba hỏang hồn tìm đèn pin rọi tìm con, ba hỏi : “Miu ơi! Có sao không?”.Ba nghĩ con sẽ khóc dữ lắm, ai dè con lồm cồm ngồi dậy xoa xoa cái đầu rồi tỉnh bơ : “Hổng sao,hổng sao!”.Sáng ra, một bên má của con bầm tím, ba bị mẹ la cho một trận tơi bời.Tôi nghe ông cười thành tiếng một cách thích thú rồi cả hai cùng im lặng.

 Chỉ là những khỏanh khắc ngắn ngủi, một câu chuyện rất nhỏ về thời thơ ấu nhưng đã làm cho tôi hạnh phúc vô cùng.Tôi không còn mặc cảm với bạn bè, với đứa em nhỏ của ba và những người xung quanh nữa.Tôi tự hào vì ba rất yêu thương tôi, bằng chứng là ông đã nhớ những kỷ niệm ngộ nghĩnh về tôi. Và rồi cha con tôi thường xuyên gặp và nói chuyện với nhau, ngay cả khi ông không say.Tôi dần hiểu những nỗi buồn và những khó khăn của ông; và ông cũng biết là tôi bực bội với thầy thể dục thế nào, giày tôi mang số mấy, biết nhà bạn trai tôi đang ở đâu, làm vì…

 Ngay cả khi ông mất rồi tôi cũng vẫn thường xuyên nói chuyện với ông, tôi tin là ông nghe được lời tôi nói.Và bạn, nếu bạn có đứa con gái nhỏ nghĩ rằng bạn không yêu thương nó thì đừng ngần ngại, hãy kể cho nó nghe những kỷ niệm ngộ nghĩnh về thời thơ ấu của nó, nó sẽ hiểu rằng bạn yêu thương nó biết chừng nào…

Sưu tầm


NGƯỜI YÊU VALENTINE

“Bài viết như chia sẻ với những ai không còn cha hay mất mẹ, và như lời mời gọi với những ai đang hanh phúc khi còn đủ song thân: Hãy sống cho đúng cách sống…”

Cha tôi chọn ngày Valentine để biểu lộ tình yêu dành cho những người đặc biệt trong cuộc đời mình. Trong nhiều năm, tôi âu yếm xem cha mình là người yêu Valentine của tôi.

Hồi ức đầu tiên của tôi về điều kỳ diệu mà cha tạo ra vào Ngày tình yêu là vào năm tôi sáu tuổi. Tôi đã cặm cụi ngồi suốt mấy ngày cắt những tấm thiệp Valenitne cho các bạn học. Mỗi đứa chúng tôi phải làm một "hộp thư" và đặt lên bàn để bạn bè trong lớp bỏ thiệp Valentine vào. Chiếc hộp ấy cùng với những gì chứa trong hộp gợi ra một chuỗi những kỷ niệm vui buồn ngày tôi bước vào thế giới của những cuộc ganh đua xem ai được nhiều người yêu mến nhất thể hiện qua số thiệp nhận được, những lời chọc ghẹo về "bồ bịch", và sự nâng niu tôi dành cho tấm thiệp tôi nhận được từ anh bạn có duyên nhất trong lớp.

Sáng hôm ấy tại bàn điểm tâm, tôi nhìn thấy một tấm thiệp và một gói quà ở chỗ ngồi của mình. Tấm thiệp ghi: "Yêu con, bố", và món quà là một chiếc nhẫn hột thuỷ tinh đỏ, tượng trưng cho hồng ngọc - tháng sinh của tôi. Với một đứa trẻ lên sáu, thuỷ tinh đỏ và hồng ngọc chẳng khác nhau là bao, và tôi nhớ mình đã đeo chiếc nhẫn với một niềm tự hào mà không tấm thiệp nào trên thế giới này có thể mang lại cho tôi.

 Những năm sau đó, quà cho tôi là những hộp hình trái tim chứa loại sôcôla tôi thích nhất và luôn có tấm thiệp đặc biệt kèm theo với hàng chữ: "Yêu con, bố". Những năm đó, càng ngày lời cảm ơn của tôi với bố càng mang tính chiếu lệ. Cánh tấm thiệp dường như bớt phần quan trọng, và tôi quan niệm quà Valentine bố tặng tôi là điều đương nhiên phải có. Sau nhiều năm đặt "hộp thư" trên bàn học, tôi bắt đầu hy vọng và ước ao nhận được thiệp và quà từ những anh chàng tôi để ý. Hàng chữ " Yêu con, bố" chưa đủ với tôi. Chẳng biết cha tôi có hay rằng mình đã bị "ra rìa" hay không, nhưng ông không bao giờ biểu lộ nét mặt. Khi nhận thấy niềm thất vọng của tôi do không nhận được những món quà Valentine như đã mong đợi, cha tôi lại càng cố tạo ra một không khí vui tươi hơn bằng cách ôm chặt tôi thêm và làm những gì ông có thể làm để giúp cho ngày Valentine của tôi sáng sủa hơn chút đỉnh.

Cuối cùng thì hộp thư của tôi cũng có được một địa chỉ ở một vùng thôn quê. Việc gởi bánh kẹo và thiệp mừng được nhường lại cho dịch vụ bưu điện. Suốt mười năm, chưa bao giờ bưu phẩm của cha tôi đến trễ, kể cả ngày lễ valentine cách đây tám năm khi tôi tìm thấy trong hộp thư một tấm thiệp mà địa chỉ được ghi bằng nét chữ của mẹ tôi.

Đó là loại thiệp mua của một cậu bé bán dạo đi đến từng nhà để kiếm tiền trang trải chi phí thực hiện một đề tài học tập tại trường. Đó là loại thiệp mà trước đây bạn thường nhận được từ một người bà, một người cô lớn tuổi, hoặc trong trường hợp của tôi, từ một người cha đang hấp hối. Đó là loại thiệp làm cho cổ họng tôi nghẹn ngào và đôi mắt ngấn lệ vì ta biết rằng người gửi sẽ không còn ra ngoài để mua quà Valentine cho bạn nữa. Đó là loại thiệp báo hiệu đây là lần cuối cùng ta nhận được từ người ấy.

Mặt ngoài của tấm thiệp là hình chụp những đoá hoa tulip, và mặt trong mẹ tôi đã ghi: "Chúc mừng lễ valentine", bên dưới là dòng chữ của bố tôi: "Yêu con, bố".Tấm thiệp cuối cùng của cha hiện tôi vẫn lưu giữ ở hộp thư trong máy vi tính của mình. Đó là lời nhắc nhở tôi rằng người cha có ý nghĩa đến như thế nào, rằng qua nhiều năm tôi không thể quên mình đã có một người cha tiếp nối truyền thống yêu thương bằng một tấm lòng rộng lượng, bằng những hành động đơn giản thể hiện thái độ cảm thông và bằng một khả năng biểu lộ niềm hạnh phúc với người thân yêu.

Sưu tầm