Truyện Minh Hoạ - Gia Đình

Cặp Kính Lão

Tại một viện dưỡng lão nọ, ai ai cũng cảm thấy vui, vì ngày Giáng Sinh sắp đến. Lễ Giáng Sinh không những là lễ của nhận quà, mà còn là của tặng quà nữa. Cho nên, dù không dư dả, các lão ông lão bà cũng cặm cụi suốt ngày để chuẩn bị một món quà gửi tặng cho thân nhân, người quen.
Duy chỉ có một bà lão xem chừng như dửng dưng trước những rộn rịp xung quanh. Bà ngồi trong một góc nhà, gặm nhấm từng nỗi cô đơn của mình. Bà không còn một người thân nào trên trần gian này. Kỳ thực, bà còn một người con trai, nhưng người con ấy kể như đã chết với bà. Từ lâu, anh đã bị giam trong một trại khổ sai chung thân.

Dù vậy, đối với trái tim của một người mẹ, một đứa con, cho dù có đốn mạt đến đâu, vẫn là một người con. Cũng như những lão ông lão bà khác, người đàn bà đáng thương cũng đã có ý nghĩ gửi một món quà cho đứa con bạc phước của mình. Nhưng bà không có một đồng xu dính túi. Tất cả tài sản của bà chỉ là cặp kính lão còn đeo trên mắt... Người đàn bà ước ao được gửi cho người con của mình một gói thuốc lá. Một gói thuốc không là bao, nhưng gói trọn tình thương mà bà vẫn dành cho anh.

Bà đi trao đổi với các cụ già, nhưng không ai có gì để trao tặng bà. Cuối cùng, có một ông lão còn một gói thuốc lá, loại thuốc mà có lẽ con trai bà ưa thích. Nhưng trong viện dưỡng lão này, dường như ai cũng sống theo nguyên tắc "có qua có lại". Lão ông chỉ trao cho bà gói thuốc với điều kiện bà cũng trao tặng cho ông một món quà nào đó.

Người đàn bà đành lấy cặp kính khỏi đôi mắt và trao cho ông lão. Gương mặt người đàn ông sáng rỡ lên vì ông đã có thể đọc được tỏ tường. Cuộc trao đổi chấm dứt. Người đàn bà gói bao thuốc lá lại thành một món quà Giáng Sinh quý giá để gửi tặng cho con.

Trở lại góc phòng của mình, người đàn bà làm một cử chỉ máy móc: bà đưa tay lên mắt để để sửa lại cặp kính lão. Nhưng cặp kính không còn nữa. Dù vậy, người đàn bà cảm thấy vui hơn bao giờ hết: bởi vì người con trai của bà nơi trại khổ sai sẽ vui vì nhận được quà Giáng Sinh, bởi vì lão ông trong viện dưỡng lão sẽ đọc được báo trong những ngày Giáng Sinh.

Sưu tầm


Dậy con

Trong một buổi họp mặt bạn bè cũ, Lan đi cùng chồng và hai con, một bé gái 15 tuổi và bé trai 12 tuổi.

Hai cháu thật xinh và đáng yêu, ai gặp cũng thích. Lan cũng rất tự hào về các con, chỉ cần nghe bạn bè hỏi thăm, là cô có thể kể một thôi, một hồi về sự tài giỏi của con. Trong đó, ấn tượng nhất là điều mà cô cho là "hay lắm, mới tí xíu mà đã không chịu thua ai, lại còn biết tự lo cho mình".

Qua lời kể của Lan, mọi người đều bật ngửa vì điều Lan tự hào "không chịu thua ai" hóa ra là cách tranh đua, giành giật từng món đồ chơi từ khi hai cháu bé xíu, đến bây giờ thì chuyển thành biết ăn diện, đua đòi với bạn bè.

Lúc cậu nhỏ còn bé, mỗi khi muốn cho con uống hết sữa, Lan hay đùa như các bà mẹ khác: "Uống mau lên con, kẻo bạn hết trước bây giờ" là  lập tức cu cậu tu liền một hơi hết sạch. Từ sự hoan nghênh, khuyến khích của mẹ: "Giỏi quá, mới tí xíu mà đã không chịu thua bạn bè, phải vậy chứ, đừng để ai qua mặt nha con". Dần dần, cậu bé trở thành "hung thần" đối với các bạn. Chơi cùng bạn bè, cậu không bao giờ chịu thua, nếu lỡ thua là sẽ khóc lóc, ăn vạ. Lớn lên một tí thì đánh lại bạn bè, cho đến khi nào bạn chịu thua mình.

Cô chị thì có phần "dịu dàng" hơn, không rượt đánh bạn bè để giành phần thắng trong các trò chơi, nhưng cuộc chạy đua để thành người có quần áo đẹp nhất, nơ đẹp nhất...  của cô bé cũng không kém phần "kịch tính". Trong ngày, cô bé được bạn bè khen có cái váy đẹp, giày đẹp thì thôi, nhưng nếu có bạn nào "tranh mất" lời khen đó, thì y như rằng, về nhà cô sẽ mè nheo với ba mẹ để hôm sau xuất hiện ở lớp như một cô công chúa. Lớn hơn một tí, hễ bạn bè có cái gì mới, hay, là hai con của chị liền đòi ba mẹ trang bị những thứ xịn và đẹp hơn. Quen chiều chuộng con từ bé nên nhiều lúc không đồng ý với những đòi hỏi quá đáng  của con, nhưng vợ chồng Lan lại không thể từ chối, vì sợ "tụi nó buồn, khóc rồi bỏ ăn, tội nghiệp". Nói là thế, nhưng phần khác còn là do tính cách của anh chị lúc nào cũng muốn mình phải là người nổi trội hơn người.

Còn niềm tự hào của chị về các con tuy nhỏ đã biết "tự lo cho mình" chính là việc những lúc ở nhà, đi chơi hay tới những đám tiệc, "tụi nó biết tự giành chỗ tốt và lựa những món ăn ngon cho mình, không đợi ba mẹ phải nhắc".

Lúc còn bé, các cháu cũng rất ngoan, muốn ăn uống gì cũng xin phép và đợi ba mẹ gắp cho. Nhưng không hiểu sao, vợ chồng Lan lại dạy các cháu: "Con muốn ăn gì thì cứ lấy, không cần phải đợi ba mẹ. Món nào ngon, cứ ăn kẻo hết". Anh chị đã quen nhường món ngon cho con nên để hai cháu tự tiện giành hết món ăn mình thích. Không hiểu anh chị không để ý hay cố tình không biết đến việc khi ra ngoài xã hội, các con mình lại tiếp tục cư xử như thế? Hay lại vô tư nghĩ "đó là tốt, vì con mình biết tự lo cho bản thân". Vô tình, anh chị đã tạo thói quen xấu, hình thành sự vô phép khi các cháu không biết "ăn trông nồi, ngồi trông hướng".

Đến buổi tiệc hôm nay, các cháu là nhỏ nhất, xung quanh đều là cô chú, có cả thầy cô của ba mẹ mình, nhưng người lớn chưa kịp cầm đũa, thì hai cô cậu đã giành hết những thức ăn ngon. Mọi người vừa muốn trêu ghẹo, vừa muốn nhắc nhở nên đùa: "Các cháu chưa từng ăn những món này hay sao mà lấy nhiều vậy, phải biết mời người lớn chứ". Ai nấy lắc đầu khi nghe hai cô cậu trả lời: "Ba mẹ nói, nếu thấy món nào ngon thì cứ lấy cho nhiều, kẻo mọi người sẽ ăn hết, không thích thì bỏ chứ để hết rồi thì tiếc. Phải biết tự lo cho mình trước".

Nghe con nói, vợ chồng Lan  chỉ còn biết đỏ mặt sượng sùng. Không hiểu họ có rút ra được  điều gì về cách dạy con sau buổi tối này không.

Bích Thuận


Những cái tên của tình yêu 

Gấu ra đời đã là một sự kiện trọng đại và khi đã là một sự “trọng đại” thì không thể nào không kèm theo những rắc rối bủa vây, như “ngôi sao” vẫn luôn kèm theo những scandal vậy.

Việc đầu tiên là chuyện đặt tên cho Gấu, từ khi Gấu 3 tháng nằm trong bụng mẹ đã là những “cuộc chiến tranh” bất thắng bại về cái tên cúng cơm của Gấu. Xét đi xét lại thì có mỗi tên Pooh là hai bố mẹ cùng đồng lòng, nhưng lại là nick name thôi chứ không phải tên “thứ thiệt” và đàng hoàng trong giấy khai sinh.

Thế rồi, sau một thời gian thì cái tên Pu lại bị lãng quên vì bà nội, ông nội, bà ngoại, ông ngoại không thể phát âm được cho đúng cái thứ ngoại ngữ mà toàn là Phu, Bu… nên cái tên Pu lại trở về thành Gấu từ lúc nào không biết…

Ngày Gấu chào đời, bà nội gọi là “ku con”, lúc lại cu anh, lúc là “thằng cu”. Mẹ chau mày “Sao quê thế” nhưng không dám nói, chỉ hậm hực trong lòng “tên nó là Gấu mà”. Rồi lại đến ông nội “à, cu tí của ông”, “cún con của ông”. Mẹ tủi thân “Cháu tên là Gấu mà”… cứ sợ sau này gọi cháu là Gấu mà cháu không thưa thì chết…

Rồi lại đến các bà là anh chị của ông sang chơi thì mới gọi là phức tạp tên, nào Nín con, Ỉn con, Heo con… mẹ cháu chả hiểu ở đâu ra những cái tên ấy… Được một tháng, Gấu về nhà bà ngoại chơi với mẹ. Vừa về nhà thì bà đã gọi ngay cái tên “Tai Mộc Nhĩ” vì đúng là Gấu có cái tai to và quăn như mộc nhĩ thật. Mẹ cháu lại thổn thức “Thôi chết, lại bị đổi tên rồi”. Rồi đến ông bà ở nước ngoài lại gọi tên là bébé… Cứ thế này thì cháu có 100 cái tên chẳng hết.

Mẹ Gấu ấm ức lắm vì tên bố mẹ cháu đặt toàn bị quẳng đi, lại thay bằng những cái tên “từ trên trời rơi xuống”. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, có yêu cháu mới đặt cho cháu nhiều tên thế, bởi các ông các bà có thích tên nào mới đặt cho cháu tên ấy. Âu cũng vì tình yêu với cháu thôi mà. Như thế cháu cũng xin ghi nhận.

Rồi những cái tên mới ra đời không chỉ là một từ để xác nhận một nhân sinh, tên gọi cũng đánh dấu cả những quá trình lớn lên từng ngày của con yêu. Khi con đói, mẹ gọi con là thằng “cuống quýt”. Khi con dỗi, mẹ gọi con là thằng “càu nhàu”, khi con biết cười và hóng hớt, con lại trở thành “thằng Nhắng”… Và cứ thế, mỗi giai đoạn, với mỗi người, Gấu lại được trở thành một nhân vật khác bởi những cung bậc tình cảm yêu thương trìu mến khác nhau.

Gấu dễ tính, chấp nhận hết những yêu thương đong đầy trong từng tên gọi ấy. Còn mẹ, mẹ gọi những cái tên “thêm” đấy là “những cái tên của tình yêu”…

Ngọc Anh


Lo lắng

Trước giờ họp phụ huynh  lớp 8 ở  một trường THCS, các bà mẹ ông bố rôm rả chia sẻ với nhau chuyện con cái. Một bà mẹ than phiền: "Quần áo ném ngổn ngang, sách vở bày bừa, những cái bát đĩa bẩn của  bữa trưa hôm qua còn nằm nguyên trên bàn,  thùng rác đầy ắp... là cảnh thường thấy mỗi chiều tôi đi làm về. Con gái tôi đã 13 tuổi mà vẫn như khách trọ trong nhà. Biết bao nhiêu lần tôi phê bình nó về cái tính bừa bãi, cẩu thả nhưng nó cứ thờ ơ. Cứ đà này đến khi nào con  bé mới trở thành người lớn, làm sao đủ khả năng đối mặt với những trách nhiệm cuộc sống. Tôi không lo sao được!".

Bà mẹ khác: "Tôi lo lắng nhất là thời gian này thằng bé nhà tôi có dấu hiệu lơ là việc học. Ngồi vào bàn một lúc là nó lại bỏ ngang với điện thoại, máy nghe nhạc... Tôi cũng đã phân tích tương lai của nó sẽ như thế nào nếu không chịu học hành đến nơi đến chốn, nó có vẻ nghe ra, nhưng được một hai bữa rồi đâu lại vào đấy. Đúng là không có một chút trách nhiệm nào với bản thân!".

Một ông bố khác góp chuyện: "Chưa bao giờ con tôi nói được một lời cảm ơn những gì bố mẹ làm cho nó. Ngày sinh nhật mẹ cũng không biết mua quà tặng. Ông bà nội ở quê lên thăm, thấy quà cáp là nó chén tì tì, không một lời hỏi han ông bà. Vô trách nhiệm với người khác vậy, con tôi lớn lên sẽ trở thành loại người thế nào?".

Sưu tầm


Mẹ con ta huề 

Mẹ đã mắng và giận con cả ngày chỉ vì con nhất quyết không đụng đến món đùi gà thơm lừng mà mẹ cất công chế biến cả buổi. Các món khác mẹ nấu chung với thịt gà, con cũng lắc đầu nguầy nguậy, mặc cho mẹ và cả nhà năn nỉ hết lời. Bực bội, mẹ quát ầm ĩ, nhất quyết không cho con ăn gì khác ngoài món mà mẹ đã làm cho con.

Con lầm lì với chén cơm trắng, không khóc, cũng không nói thêm lời nào từ "án phạt" của mẹ. Thấy thế, mẹ lại càng giận vì cho rằng "con không sợ mẹ, con không nghe lời mẹ, không biết quý trọng đồng tiền làm ra, không biết quý sức lao động của ba mẹ...".

Mẹ giận đến nỗi không thèm nói chuyện với con, mặc con lẽo đẽo đi theo năn nỉ, xin lỗi. Thật sự mẹ cũng hoang mang không hiểu tại sao mình lại giận dữ đến thế. Giận con hay giận từ chính tuổi thơ của mình? Con không biết, khi ở độ tuổi của con, chỉ cần được cầm cái đùi gà trên tay thôi đã là điều mẹ hằng mơ uớc, bởi với hoàn cảnh gia đình mình lúc đó, không dễ để có được một bữa ăn như bây giờ. Mẹ còn nhớ, có lần được bà ngoại cho một miếng thịt to, mẹ cứ hít hà mãi không dám ăn, sợ ăn rồi sẽ hết, không còn được tận hưởng cái cảm giác háo hức, thèm thuồng, phấn khích của một đứa con nít háu ăn đang có món ngon trước mặt.

Với mẹ là thế, nhưng giờ con lại "chê” cái đùi gà mà mẹ đã từng mơ ước thuở nhỏ nên mẹ nghĩ con đang "chảnh chọe", làm "nư”, đặt điều kiện để vòi vĩnh với mẹ, nên dù xót xa lắm khi thấy vẻ mặt buồn rầu của con, mẹ vẫn phải làm mặt nghiêm, xem đó như là một biện pháp "cứng rắn" để dạy dỗ con.

Cũng vì nghĩ thế nên mẹ bất ngờ khi con òa khóc, nghẹn ngào nói tức tưởi: "Mẹ... đừng giận con, con... buồn lắm, không phải con không nghe lời mẹ, mà là con đang buồn mà”. "Con buồn chuyện gì mà không chịu ăn? Mẹ nấu cho con ăn đã mệt rồi, con còn nhõng nhẽo với mẹ nữa", mẹ tiếp tục quát lên. "Mẹ đã hứa với con là nuôi con gà của ngoại cho mà. Con đã kết bạn với con gà rồi, sao mẹ lại nấu bạn gà, con không muốn ăn thịt bạn, hu hu...".

Mẹ lặng người khi nghe con nói vì mẹ từng dạy con về lòng nhân ái, yêu thương con người, loài vật, cây cỏ quanh mình. Nỗi ân hận trào lên, mẹ khóc theo tiếng nấc của con gái nhỏ. Mẹ giận mình sao lại áp đặt con thế nhỉ? Con cũng có quyền của riêng mình, quyền được bày tỏ ý kiến, quyền từ chối những cái gì mình không thích. Lẽ ra mẹ phải hỏi cho rõ, phải mừng vì con biết suy nghĩ chứ sao lại giận con?

Mẹ thật lòng xin lỗi con, dẫu thật khó thừa nhận sai lầm của mình trước mặt con trẻ, điều mà mẹ chưa từng làm bao giờ. May là lời xin lỗi của mẹ đã kịp đi vào giấc ngủ của con. Trong giấc mơ, mẹ con ta làm huề con nhé...

Nguyễn Hồng Hạnh


Phép trừ của mẹ 

Còn nhớ hồi cấp I mẹ dạy con phép tính trừ. Mười que tính trừ đi ba que chỉ còn bảy que thôi, nhưng con cứ quên, cứ tính thêm ba que đã trừ trong lần làm thêm một phép tính khác sau đó.

Con trưởng thành, không thể quên bài học mẹ dạy từ thưở ấu thơ và cũng bài học đó mẹ sống như thế suốt đời. Mẹ luôn biết trừ đi những điều không nên nhớ, những điều buồn bã trước khi quyết định tiếp tục một điều khác.

Anh Hai làm mẹ buồn vì yêu một chị không tế nhị, lịch sự lúc đến gia đình mình, mẹ lại trừ đi điều đó vì nghĩ đến hoàn cảnh mồ côi của chị ấy. Nếu anh Hai đã thương rồi thì về với mẹ, mẹ sẽ điều chỉnh lại cũng không sao.

Ba thường xuyên uống say và to tiếng làm mẹ khổ sở mỗi tối, nhưng mẹ trừ đi điều đó, vì mẹ và ba là vợ chồng, có phước cùng hưởng có nạn cùng chia, mẹ tin ba sẽ sớm vượt qua thất bại trong công việc.

Ông bà nội có nhiều cô chú giàu có nhưng lại không tròn trách nhiệm với ông bà, việc phụng dưỡng ông bà dồn hết vào ba mẹ, mẹ lại trừ đi điều đó vì ông bà thích ở với ba mẹ, vì ba mẹ là con trưởng của ông bà, vì nhà cô chú tầng cao quá ông bà không lên xuống được, ở nhà mình ông bà vui hơn.

Mẹ luôn trừ hết những điều có thể làm cho mọi người buồn, mọi người không thích trong cuộc sống và nhận lấy phần thiệt về mình. Nhưng, có lúc con thấy mẹ ngồi khóc một mình, con tức giận vì mọi người làm khổ mẹ, con muốn mọi người phải trả giá cho việc họ đã làm khổ mẹ.

Mẹ hiểu điều con nghĩ, mẹ gọi con gái vào phòng bảo, ai cũng có lúc buồn trong cuộc đời, mẹ cũng có lúc buồn, khi buồn mẹ khóc ra cho hết nước mắt. Cuộc sống vốn nhiều khó khăn, mình khó thì người khác cũng khó, nếu trừ được hãy trừ hết đi, trừ hết những điều đau lòng là trừ cho bản thân mình trước, vì chỉ khi thanh thản và tha thứ chúng ta mới tìm được cách vượt qua những nỗi bất hạnh.

Lời mẹ làm mọi điều khó khăn cứ nhẹ như lông hồng. Mẹ giúp con không sợ, không lo lắng, không bế tắc mà biết chấp nhận và vượt lên nghịch cảnh, biết cộng thêm niềm tin và trừ đi những điều không nên nhớ.

Con đang từng ngày học cách trừ của mẹ trong cuộc sống vốn nhiều vất vả này. Con sẽ trừ như mẹ dạy, vì cái trừ trước tiên vẫn luôn là trừ từ chính bản thân mình.

Nguyễn Ánh Tuyết


Con trai và bố:

Con đã quyết định bỏ học, dù nói như bố là cái bằng tốt nghiệp trung học cơ sở của con có vứt đi cũng chẳng ai thèm nhặt. Nhưng, con sẽ không học tiếp nữa. Bố có biết tại sao không? Bố hay kể, ngày xưa bố học giỏi nhất lớp, con là con trai của bố mà chẳng thừa hưởng được chút thông minh nào của bố.

Dù cố đến mấy, con vẫn lẹt đẹt ở mức trung bình. Người lớn trong nhà thỉnh thoảng lại đùa: “Sao thằng Huy là con nhà tông mà chả giống lông, cũng không giống cánh bố Minh vậy?”. Bố cười cười: “Tại vì nó được di truyền cái óc bã đậu của mẹ, nên chỉ số thông minh có thế thôi!”.

Chẳng là mẹ của con chỉ học xong lớp 9 là đi làm công nhân may. Biết là bố đùa nhưng con vẫn buồn. Hoàn cảnh nhà bà ngoại khó khăn nên mẹ phải đi làm sớm. Con nghe mẹ kể, hồi nhỏ con cũng được khen là thông minh. Bằng chứng là suốt những năm tiểu học, con đều được xếp loại xuất sắc. Hồi đó, tối nào mẹ cũng tranh thủ xem bài vở của con. Chỗ nào con không hiểu, mẹ kiên nhẫn chỉ vẽ, giảng giải tận tình. Khi con lên cấp II, mẹ hết “vốn” nên “bàn giao” cho bố. Bố có học vấn cao nhưng lại không có sự kiên nhẫn như mẹ. Mỗi khi có bài tập khó, con mang sách vở đến hỏi bố. Giảng lần , lần 2 mà con chưa “thủng” là bố bắt đầu bực mình, quát mắng ầm ĩ.

Thỉnh thoảng bố kiểm tra bài học tiếng Anh. Con đọc sai hay ngắc ngứ, bố lừ mắt: “Bố đã bảo mà! Con đã dốt lại lười học thế thì học hành gì! Có mà về quê chăn bò!”. Lúc đầu, nghe bố mắng thế, con sợ lắm. Bao nhiêu chữ nghĩa vừa nhét được vào đầu bay mất tiêu. Bị mắng mãi thành chai, con mặc kệ, chả thèm cố gắng nữa. Bao nhiêu lần con đã cố gắng, đã tự giải được những bài tập khó, đã học thuộc các từ vựng... nhưng bố có bao giờ khen con một tiếng đâu. Bố vẫn dọa là sẽ cho con đi chăn bò. Con quyết định xin vào xí nghiệp may vì làm công nhân vẫn hơn đi chăn bò.

Sưu tầm


Con gái và mẹ:

Hôm đó, bạn Trung đến nhà cho con mượn cuốn vở và giảng lại bài tập toán con không hiểu vì hôm trước bị ốm. Vừa đi làm về, chưa kịp hỏi han gì, mẹ đã xoe  xóe: “Con Phương đâu! Nấu cơm chưa mà giờ này còn ngồi đấy tán tỉnh nhau hả?”. Bạn Trung tái mặt, lúng túng đứng lên chào mẹ rồi leo lên xe phóng đi. Chưa xong, đến bữa ăn, con mới cầm đũa, mẹ chỉ tay vào mặt con, xỉa xói: “Mới nứt mắt mà đã biết rủ trai đến nhà nói chuyện! Không cẩn thận nó bỏ bùa mê thuốc lú rồi ễnh bụng ra lúc nào không hay!”. Con nhìn sững mẹ, ngơ ngác. Hôm đó, con nhịn đói đến trường. Suốt buổi học, con đã không thể nghe bài giảng của cô giáo mà chỉ ong ong trong đầu những lời của mẹ...

Đã từ lâu, con không còn hỏi mẹ về cha con. Có lần, mấy bà hàng xóm lắm điều đã cho con biết sự thật: con không có cha. Ngày xưa, mẹ - cô thôn nữ xinh đẹp đã bị một chàng công nhân xây dựng rót vào tai những lời đường mật. Đến khi cái thai là con thành hình thì cha “quất ngựa truy phong”. Mẹ đã vắt kiệt sức mình nuôi con lớn khôn. Con vô cùng cảm ơn mẹ về điều ấy. Nhưng mặt khác, mẹ đã mang cả nỗi nhục nhã của mình vào những bài học và những lời răn đe con từ những ngày con còn thơ bé.

Con biết, mẹ muốn con không trượt vào “vết xe đổ” của mẹ ngày xưa, nhưng sao mẹ không nói với con nhẹ nhàng hơn, chỉ cho con nên làm như thế nào, hơn là mỉa mai và hằn học như thế. Để đến bây giờ, 16 tuổi, con trở thành một người cô độc. Chả ai dám đến nhà mình. Trong lớp, chỉ có duy nhất bạn Trung nói chuyện với con vì bạn ấy là lớp phó học tập, được thầy phân công đến nhà giảng giải bài cho con. Vậy mà hôm nay mẹ đã đuổi bạn ấy, cũng bằng cái cách nói hằn học, bằng những lời cay độc.

Đôi khi con không biết là mẹ thương hay ghét con nữa. Nếu ghét, mẹ đã không vất vả nuôi con. Nhưng, nếu thương con thật lòng, mẹ đã không biến con thành đứa con gái cô độc như thế này.

Con buồn lắm!

Giao Thủy


Về nhà 

Năm học lớp 10, tôi đã có cuộc va chạm trực diện đầu tiên với ba tôi. Sự việc nghiêm trọng đến nỗi tôi phải rời gia  đình lên trú tại nhà một thầy giáo mà tôi rất mến. May mắn là "cuộc chiến ruột thịt" đó sớm chấm dứt.

Mẹ tôi mất khi tôi chưa vào lớp 1, em gái út mới tám tháng tuổi. Ba tôi làm thuê cuốc mướn, gà trống nuôi ba con, khó khăn vạn bề. Việc nuôi dạy và chăm sóc ba đứa con còn quá nhỏ gần như vượt ngoài khả năng của ba tôi. Ba tôi lại là người  sức khỏe chỉ ở mức trung bình nên không chịu đựng lâu được cường độ làm thuê dày đặc hàng tháng. Đồng tiền kiếm được như muối bỏ biển so với nhu cầu sống của bốn cha con, nhất là những lúc chúng tôi ốm đau. Tất cả cộng với nỗi buồn cô đơn khiến ba tôi mượn rượu giải sầu. Sau những cuộc chè chén, ba tôi đem bực dọc về nhà, chửi mắng chúng tôi thậm tệ trong cơn say và cả sau cơn say. Một ngày không chịu đựng nổi, tôi đã tranh cãi với ba. Ba tôi rất ngạc nhiên với phản ứng của tôi. Ông lớn tiếng đuổi tôi ra khỏi nhà. Tôi cảm thấy quá chán ngán bầu không khí ngột ngạt của gia đình nên chẳng cần suy nghĩ nhiều, gom một số áo quần rồi nhanh chóng ra khỏi nhà mà thấy lòng... "phơi phới".

Đến nhà thầy giáo mà tôi chọn ở tạm trong thời gian "đi giang hồ", tôi mới thấy hết những bất tiện khi ở chung nhà với ai đó ngoài gia đình mình. Ngày trước, khi đến nhà thầy chơi (có lúc ở lại qua đêm), tôi thật thoải mái vì thầy đang độc thân, một mình một nhà. Nhưng, khăn gói đến ở luôn, dần dà sự đụng chạm bắt đầu diễn ra. Mới ở chẳng bao lâu tôi đã muốn "bay" khỏi nhà thầy, như từng muốn thoát khỏi nhà tôi. Nhưng đi đâu bây giờ khi tôi mới chỉ là  một cậu nhóc đang học lớp 10?

Giữa lúc đang lúng túng thì em gái tôi tìm đến, báo tin ba tôi bệnh nặng phải chở đi cấp cứu. Em tôi còn nói: "Trước khi nhập viện, ba dặn phải đi tìm anh về để coi nhà”. Đúng là trời cho tôi cơ hội tốt để trở về nhà một cách "danh chính ngôn thuận"!

Đến nhà, em gái đưa lá thư rất dài ba viết cho tôi một ngày trước khi nhập viện. Đọc xong, tôi ứa nước mắt, hiểu được lòng ba đối với con cái cùng sự bất hạnh mà ba đã và đang mang. Tôi nhanh chóng chạy vào bệnh viện để thăm ba. Tiếng gọi "Ba!" của tôi và nụ cười héo hon của ba đã xóa tan tất cả những mâu thuẫn trước đó. Tôi ngồi bên giường bệnh, nghe ba dặn dò công việc cần làm khi ba không có mặt ở nhà. Những việc đó thật bình thường đối với một gia đình nghèo khó như gia đình tôi, nhưng nghe ba dặn dò cẩn thận, tôi thấy mình trở nên hết sức quan trọng.

Sau này, sự việc đã lắng xuống, tôi mới biết ba tôi đã tự làm cho bệnh ba nặng thêm để được  nhập viện. Ba nghĩ, phải làm như vậy mới có cớ đưa tôi về nhà "hợp pháp" mà không "mất mặt" tôi. Lá thư ba viết cho tôi trong những ngày "giông bão" đó ẩn sau các con chữ là cả một tấm lòng thương con bao la, là nỗi niềm khắc khoải của một người cha nhiều bất hạnh. Làm sao chúng ta cảm nhận được  sự hy sinh to lớn của cha mẹ vì cuộc sống của chúng ta khi chúng ta thờ ơ, không quan tâm đến những người yêu quý của đời mình?

Khi hiểu ra ba đã dụng công rất nhiều để lôi kéo đứa con đang "đi hoang" trở về, tôi thấy lòng mình thắt lại, thương ba vì đứa con hư mà tự hại bản thân. Bài học này tôi ghi khắc mãi trong lòng.

Trần Ngọc Quang Trưởng


Chỉ là một thú vui vô hại? 

Hôm đó là ngày sinh nhật lần thứ 17 của bạn con. Con sửa soạn thật kỹ, trang điểm nhẹ nhàng. Mẹ chẳng đã dạy cho con biết chăm chút bản thân từ khi còn rất nhỏ đó sao? Nhìn con mặc quần áo kín đáo, bên ngoài còn khoác một chiếc áo jean, mẹ rất hài lòng.

Nhưng, khi con ra đường, hòa vào dòng xe cộ, đến điểm hẹn với bạn thì con trở thành một con người khác. Chiếc quần jeans mà mẹ cho là rất mẫu mực thực ra là loại lưng xệ. Khi con ngồi sau lưng bạn trai trên chiếc SH, nó trễ xuống qua ngấn mông, chắc chắn để lộ một khoảng da thịt nõn nà, có một hình xăm con bướm uốn lượn. Mỗi một nhịp xe, con bươm bướm ấy nhún nhảy như đang bay bay... Thật tuyệt vời! Sở dĩ con biết rõ như vậy vì con đã một lần nhìn thấy chị bạn sở hữu một hình xăm tương tự và con đã quyết định phải bằng bạn bằng bè.

Chiếc áo jean kín đáo cũng không còn trên người  con nữa, để lộ một bờ vai trần như cầu nối giữa chiếc cổ cao thon và khuôn ngực vun đầy. Không một chỗ da thịt nào hở ra mà con không "diện" một hình xăm ấn tượng. Con thích thú ngắm mình như một bức tranh nghệ thuật. Bạn bè con ai cũng có vài hình xăm như thế để đi bát phố. Rồi chúng con về nhà và trở thành con ngoan, trò giỏi như mọi hôm.

Ba mẹ hài lòng vì con học giỏi, ngoan ngoãn, vâng lời. Con cũng thỏa mãn khi được  giao lưu vui vẻ với bạn bè. Vậy mà vô tình, một người  bạn của mẹ trông thấy con ngoài đường cùng với con gái của bác ấy. Bác ấy thật sự sốc. Khỏi phải nói cũng biết bác ấy đã hành xử thậm tệ với con đến mức nào ngay ngoài đường phố. Hơn thế, bác  gặp mẹ, méc lại mọi chuyện và bảo mẹ cùng phối hợp để dạy dỗ chúng con.

Thế là cấm cửa. Thế là có "vệ sĩ” áp tải đến trường, về nhà. Thế là không điện thoại, không chat, không mail... Cuộc sống trở thành địa ngục.

Một tiếng nói chung giữa ba mẹ và con sao khó quá. Chúng con có làm gì quá đáng, sa đà đâu. Vậy thì có tội tình gì khi vui bạn vui bè, chúng con dán những hình  xăm ấy lên chơi, hôm sau tắm rửa là lại bay biến đi mất. Một thú vui vậy thôi, có thể sẽ không còn khi chúng con lớn hơn. Nó có để lại hậu quả gì đâu. Vậy sao ba mẹ nỡ lòng nào dùng những lời lẽ cay độc, những hành vi cực đoan đối với chúng con?

Nguyễn Thị Ngọc Trâm


Vì con là chị Hai 

Vì mưu sinh ba mẹ phải rời nhà lúc con chuẩn bị đi ngủ và về nhà khi con đã đi học nên phải gửi con sang nhà ông nội để con được chăm sóc, cuối tuần mới đón con về nhà chơi với em. Mới 9 tuổi nhưng con đã sớm biết tự lập và làm gương dạy bảo em Nhi mỗi khi con được về nhà vì “ba mẹ phải làm việc vất vả lắm”. Mỗi khi con về nhà, cả gia đình đều rộn ràng tiếng cười vui.

Sáng chủ nhật, ba mẹ nằm im nghe con dạy em ở phòng bên. "Chị dạy em đọc chữ nhé, em đọc đi, chữ a nè", thế là em đọc theo con “em đọc đi, chữ a nè” - "Không phải, em đọc như vậy là nhái lại chị rồi, em chỉ đọc chữ a thôi, hiểu hông?". Lại nhé, "đây là chữ b", em Nhi lại đọc: "lại nhé, đây là chữ b". Ba mẹ cười muốn thắt ruột, em mới bốn tuổi, chưa biết đọc chữ nhưng con cứ dạy trước để khi em đi học mau giỏi sau này còn nuôi cha mẹ.

Mỗi khi về nhà con đều dọn dẹp đồ chơi của em gọn gàng vào tủ, dạy em học chữ, vẽ tranh. Bao nhiêu lần con dặn em Nhi phải vẽ tranh ra giấy, nhưng khi con đi học là em lại vẽ lên tường, cuối tuần con vừa lấy khăn lau tường vừa mắng em: "Chị đã bảo bé Nhi phải vẽ trên giấy để chị về kiểm tra được rồi, sao em vẽ lên tường hư hết tường, lần sau không được như vậy nữa nghe không?".

Con lại rất thông minh khi em Nhi khăng khăng đòi đắp chiếc chăn nhỏ, không đủ chiều ngang lẫn chiều dọc cho em lúc đi ngủ, con đã đắp chéo chiếc chăn để vừa lòng em vừa ấm cho em vì đường chéo dài hơn đường ngang và dọc, mà em cũng thích thú với sáng kiến của chị.

Có lẽ con rất thích khi em Nhi gọi con là chị Hai. Mỗi lúc em Nhi gọi con là chị Hai thì cái gì con cũng nhường em. Nhà có mảnh vườn nhỏ, con bắt chước bác Lý hàng xóm trồng cây. Nhìn hai đứa lúi húi “để chị Hai tưới cây giùm em nhé, cây của em được mấy tuổi rồi em biết không?". "Bốn tuổi rồi!". "Trời, vậy mà cũng tính, em mới 4 tuổi còn cái cây mới một tháng tuổi thôi, hiểu chưa?". Em Nhi đáp lại: “Chưa hiểu". Con lại giải thích. Càng giải thích em Nhi lại càng hỏi, bao giờ hai chị em cũng kết thúc bằng câu: “Chị mệt quá, không nói nổi nữa rồi”. Hai chị em chơi với nhau suốt cả ngày rồi cùng ru nhau ngủ.

Em Nhi và ba mẹ rất nhớ con khi con đi học, nhưng hoàn cảnh nên tạm thời phải xa con. Mẹ nói với con về chuyện đó, con lại bảo: “Không sao đâu mẹ, con cũng là cháu lớn nhất của ông nội nên con phải có trách nhiệm chăm sóc ông nội thay ba và cũng vì con là chị Hai mà”. Con gái mẹ mới 9 tuổi mà con đã biết sống thế sao, mẹ tự hào về con lắm, con gái ngoan ạ!

Dudannguyenthi