Truyện Minh Hoạ - Gia Đình

Gia đình

Người cha bị tai nạn lao động, mất hết cả hai bàn tay. Mọi sinh hoạt cá nhân của ông giờ phải dựa vào vợ và hai con, một trai một gái. Cô con gái lên 10 và cậu con trai lên 8. Một buổi tối, trong lúc người cha đang ngồi xem tivi thì cậu con trai sà vào lòng ông. Vừa xoa vào phần còn lại hai cánh tay của người cha, cậu con trai vừa nói với giọng tha thiết: "Bàn tay trước đây cha đã từng ôm ấp, nâng niu chúng con, đã từng kiếm tiền để nuôi nấng chúng con, giờ không còn nữa. Con thương cha quá! Ước gì cha được mọc lại hai bàn tay như xưa!". Người cha cúi xuống, hôn nhẹ lên đầu con, khẽ nói: "Đừng buồn, con trai yêu quý của cha! Cho dù cha mất hai bàn tay này, nhưng cha vẫn còn sáu bàn tay khác".

Cậu con trai giương cặp mắt tròn xoe nhìn cha, lộ vẻ nhạc nhiên. Nở một nụ cười đôn hậu, người cha nói với con bằng một giọng trìu mến: "Để cha nói rõ cho con nghe! Này nhé, hai bàn tay luôn chăm sóc cho cha từ li từ tí; giặt giũ cho cha từ cái áo đến chiếc quần; luôn nấu nướng những món ăn mà cha thích; đấm lưng, xoa bóp cho cha những khi nhức mỏi; luôn vỗ về, xoa dịu những lúc cha chán nản, buồn bực. Đó là hai bàn tay mềm mại, đảm đang của mẹ con.

Hai bàn tay khác lại luôn đút cho cha từng thìa cơm, muỗng cháo, lấy cho cha từng ly nước uống; đơm lại cho cha cái nút áo bị đứt; lật cho cha từng trang sách khi cha đọc; ghi lại những câu thơ bất chợt cha nghĩ ra; luôn nhỏ cho cha từng sợ tóc bạc, tóc ngứa. Đó là hai bàn tay chăm chỉ của chị con. Còn hai bàn tay nữa, cho dù nhỏ bé nhưng cũng biết lấy kính và đeo vào mắt cho cha khi cha đọc sách báo, biết đuổi lũ muỗi cứ chực chích vào da thịt cha khi cha đang xem tivi; biết quạt mát cho cha khi trời nóng, hoặc khoác thêm chiếc áo ấm cho cha những hôm trời trở lạnh; biết lau sạch và mang giúp cha đôi giày mỗi khi cha đi thăm bạn bè; lại biết lấy thuốc uống cho vào miệng cha. Đó là hai bàn tay của con, con trai à!".

Dứt lời, người cha cúi hôn vào trán cậu con trai và hỏi nhỏ: "Vậy có phải cha có tới sáu bàn tay khác không, hả con? Và tất cả sáu bàn tay này đều chăm chút cho cha như chính bàn tay của cha!".

Cậu bé không trả lời, chỉ chúm chím cười và khẽ gật đầu, rồi tiếp tục xoa vào phần còn lại hai cánh tay của người cha.

Sưu tầm


Bài hoc của cha

Nếu phải viết về một người vĩ đại thì tôi sẽ viết về cha tôi. Trên đời này, có lẽ tình mẹ dễ cảm nhận hơn tình cha bởi lẽ đứa con nào cũng được mẹ mang nặng đẻ đau, được mẹ chăm nom từng bữa ăn, tấm áo. Nghĩa mẹ dạt dào như nguồn nước, như trong lời ca dao, song tình cha thì cao vời vợi, chỉ trong hoàn cảnh người con phải ngước mắt lên thì mới nhìn thấy được.

Tôi vẫn nhớ buổi chiều hôm ấy, tìm được một lời giải hay cho đề toán thầy ra và được thầy khen giữa đội tuyển học sinh giỏi toán. Tôi hớn hở ngồi chờ cha tôi trước cổng trường, thầm nghĩ sẽ chạy ù ra khoe với cha khi cha đến đón. Nhưng các bạn tôi đã được mẹ cha đến đón, chỉ còn tôi đứng nép trước cổng trường trong bóng chiều đang xuống. "Chắc cha quên đón mình rồi !" Mắt tôi cay xè, chực khóc. Tôi giận cha tôi lắm. Tính ương ngạnh trẻ con trong lòng trỗi dậy, tôi đứng lên và quyết đi bộ về nhà, qua một quãng đường dài 5 cây số từ trường tôi gần chợ Tân Ðịnh về đến Hàng Xanh, Sài-gòn.

Tôi đã không ăn cơm tối hôm đó dù mẹ tôi cố dỗ dành. Tôi nghe mẹ trách cha tôi sao quên đi đón, còn cha nói: "Tuy là một học sinh giỏi nhưng con trai mình yếu đuối lắm. Anh không hề quên đón con. Anh đã đến trường nhưng không đón mà lặng lẽ theo sau con, xem con ứng xử thế nào. Con mình cần được thử thách, phải tập giải những bài toán khó trong đời". Cha tôi đã dạy tôi những bài học làm người như thế đó.

Ngồi sau lưng cha, cha thường mắng tôi: "Ðừng ngồi cứng đờ, mà phải biết nghiêng người ngược hướng nghiêng của xe thì cha chạy xe mới dễ". Ðể rồi bao năm tháng, ngồi trên chiếc đò tròng trành trên mương rạch cùng các bạn sinh viên, tôi lại nhớ yên xe của cha, biết giữ thăng bằng đò, cũng như thích nghi giữa những tròng trành của cuộc đời.
Cũng trên yên xe ấy, cha đã dạy tôi bài học tình người. Mẹ tôi bị tai biến não và mất trí từ năm tôi lên 11 tuổi. Cha tôi sau giờ làm việc thường đưa tôi đi chợ trưa. Một hôm khi đến chợ nghe tiếng kêu "Giật đồ !", cha bảo tôi ôm chặt rồi phóng xe theo chặn đầu kẻ cắp: thì ra là một thằng bé. Bắt nó trả lại túi xách và xin lỗi người phụ nữ, cha tôi dạt đám đông đang la ó đòi đưa nó lên công an: "Nó hối lỗi rồi".
Ðến dãy hàng ăn, cha tôi hỏi nó muốn ăn gì trước cặp mắt mở to ngạc nhiên của nó. Vừa ăn tôi thắc mắc hỏi cha sao không cho nó tiền mà lại dắt nó đi ăn. Cha tôi trả lời như cho chính cuộc đời này: "Tiền đã biến người bạn ấy thành thằng ăn cắp, con không thấy sao ?"

Tôi dậy rất sớm, chuẩn bị dắt chiếc xe đạp ra cùng "lều chõng" đi thi đại học. Cha đã chờ tôi trước cổng, nhẹ nhàng nói: "Con cất xe đi, cha đưa con đi thi. Sao không cho cha biết hôm nay con đi thi đại học ?" Tôi chỉ biết lặng im vì muốn tự đi thi như chúng bạn.

Cuối buổi thi, cùng cô bạn thi cùng phòng ra đến cổng trường, đã thấy cha tôi từ xa vẫy gọi. Cô bạn mãi từ quê miền Trung vào dự thi nháy mắt nói với tôi: "Bạn sướng thật, có bố đếm từng phút mình làm bài bên cổng trường thi !" Sau này khi nhận giấy báo trúng tuyển, cô bạn ấy hỏi tôi: "Ai sẽ là người thân đầu tiên bạn khoe niềm vui này ? - rồi nói luôn - mình đâu còn bố để khoe".

Ðêm đó rất khuya, tôi rón rén đến bên cha. Người đang ngồi trên ghế bố đọc truyện Thủy hử. Tôi đưa cha giấy báo trúng tuyển đại học. Cha xem rất lâu, khẽ khàng xếp lại rồi nắm chặt bàn tay tôi: "Hãy là một người thầy có trái tim như thầy Mạnh Tử, con nhé "...

Sưu tầm


Con Vẹt Xanh

Lưu Tư Kinh, là con trai duy nhất của bà mẹ quả phụ nghèo sống ở miền quê thưa người, xa lắc. Anh quyết chí lên thành phố mưu cầu tiến thân để sống tốt và giúp được mẹ già nơi quê nhà. Công việc và những lo toan chẳng bao giờ dứt… Lòng đầy nhớ thương, nhưng chẳng về mà thăm mẹ cho được, dù tháng nào anh cũng dành tiền gửi đều đặn về cho bà… Nhưng có lần trong thư mẹ anh gửi: Con trai ơi… đã quên mẹ rồi sao… Anh đọc thư mà nước mắt lã chã.

Rồi anh cũng đã tạm thu xếp mọi việc về quê thăm mẹ. Lòng tràn ngập hân hoan… Mẹ con lâu ngày gặp lại mừng mừng tủi tủi khôn xiết. Sờ nắn bờ vai con, người mẹ rưng rưng: Con ơi, mẹ nhớ con lắm…! Anh ôm lấy người mẹ dường như héo mòn đi qua năm tháng mà nhòa lệ: Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm…! Lần này con về mang cho mẹ Con Vẹt Xanh mua đắt tiền lắm, con đã nuôi dạy nó lâu… Khi con đi xa nó sẽ ở nhà bầu bạn với mẹ cho đỡ cô quạnh và mẹ cũng thấy con bên cạnh hàng ngày. Mẹ nghe chỉ bảo: Con tốn tiền đến vậy thật không thỏa đáng. Mẹ chỉ muốn thấy con hàng ngày… Anh bảo: Mẹ hãy kiên tâm, đến khi con tích lũy đủ tiền sẽ đón mẹ đi cùng.

Ở nhà được vài ngày, Lưu Tư Kinh chia tay mẹ lên đường trở lại thành phố, lại lao vào làm ăn, phấn đấu. Mẹ già ở nhà một bóng. Con Vẹt Xanh bên cạnh bà, thỉnh thoảng nó lại cất tiếng: Mẹ ơi, con Lưu Tư Kinh đây, con nhớ mẹ lắm… Mẹ ơi, mẹ vất vả quá, nghỉ tay một chút đi mẹ… Mẹ ơi mẹ khỏe mạnh nhé… Bà cảm thấy vui vẻ và ấm lòng hơn rất nhiều. Bà thương quý Con Vẹt Xanh vô cùng, tắm rửa, chăm sóc cho nó, trò chuyện hàng ngày như với con trai mình vậy.

Một năm, bà bị trọng bệnh, sau thời gian ngắn đã qua đời. Hàng xóm đã làm đám cho bà và tìm cách báo cho anh biết. Hẫng hụt, đau khổ, Lưu Tư Kinh dứt bỏ mọi công việc, ngay lập tức lên tàu xe trở về… Căn nhà trống không, vẫn còn mùi hương khói. Lọ tro của mẹ được đặt trên bàn hướng chính giữa. Anh nức nở thương xót mẹ và ân hận vô cùng đã không về chăm sóc và đưa được mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Mệt mỏi và suy sụp, anh ôm tấm ảnh mẹ vào lòng thiếp đi lúc nào không biết. Anh mơ thấy mẹ hiền đang ngồi khâu vá bên anh, mỉm cười, quạt cho anh ngủ, thoang thoảng bên tai anh tiếng nói: Con ơi, mẹ nhớ con lắm… Anh sung sướng muốn nhào vào ôm lấy mẹ! Choàng tỉnh, không có ai xung quanh cả, nhưng tiếng nói : Con ơi, con có khỏe không… Mẹ nhớ con lắm… vẫn từ như rất gần đây đấy vọng đến… Anh đi nhẹ gần đến ban công sát vườn. Tiếng nói phát ra từ đó. Dưới ánh nắng hoàng hôn cuối cùng chiếu qua kẽ lá. Anh nhận ra Con Vẹt Xanh đang đậu trên cành cây! Anh đỡ nó lên tay, nó lại hót : Con ơi, con khỏe không? Mẹ nhớ con lắm… Con Vẹt đã gầy và tả tơi đi quá nhiều. Lưu Tư Kinh ôm con Vẹt vào ngực mình nức nở: Mẹ ơi, con thương nhớ mẹ vô cùng…

Ôi! Mẹ anh trước khi qua đời đã mở lồng thả Vẹt Xanh ra. Nhưng nó đã sống bầu bạn bên cạnh bà bao ngày, dường như thấu được tình cảm của Bà mà không bay đi, vẫn ở lại căn nhà nghèo trống trải này như đợi Lưu Tư Kinh trở về mà nhắn nhủ lời yêu thương của Bà với anh ấy…

Sưu tầm


Bát Mì cuối năm

Người Nhật có phong tục đêm cuối năm, trước giờ Giao Thừa, thường cùng gia đình đến một quán mì ưa thích, mỗi người ăn một bát mì truyền thống để cùng nhau ôn cố tri tân.

21h đêm Giao Thừa, quán mì của ông bà Bắc Hải Đình đã hết khách, họ chuẩn bị đóng cửa, chuẩn bị cho lễ Tất Niên của nhà mình… Tiếng chuông gió trước của vang lên, ông ra mở cửa: Một người phụ nữ trung niên với hai cậu bé khoảng 10 và 7 tuổi, trông họ thật lam lũ, ngập ngừng xin phép bước vào. Sau khi xếp cho họ ngồi trước bàn, ông chủ quán chờ đợi. Người phụ nữ bối rối: Ông bà có thể cho ba mẹ con chúng tôi một bát mì được không? Hơi ngạc nhiên, nhưng ông nói vâng, và quay vào dặn bà làm một bát to hơn bình thường đưa lên cho họ. Ba mẹ con cùng chụm đầu vào ăn, xuýt xoa ngon lành. Đứa bé đang ăn ngẩng đầu nhìn mẹ hỏi: Mẹ ơi, liệu năm sau nhà ta có được ăn như thế này nữa không? Người mẹ nhẹ nhàng nói: chúng ta sẽ cùng cố gắng để được như thế nhé! Ăn xong họ lễ phép cảm ơn ra về. Ông bà chủ quán nhìn theo ái ngại...

Một năm qua đi rất nhanh... Lại đến sau 21h Giao Thừa sang năm, ông bà chủ quán dường đã quên, thì lại như năm trước Ba mẹ con líu ríu bước vào như để trốn cái lạnh cắt da bên ngoài. Trông họ tiều tụy hơn, và người mẹ lại xin được phục vụ một bát mì. Ông chủ quán vồn vã, rồi bước vào trong dặn bà làm ba bát mì. Bà phúc hậu nói: Ông ạ, hãy làm một bát như ý họ. Nhưng bà làm để đủ no và ấm lòng cho ba người. Họ ngồi vào chiếc bàn bình dị năm ngoái, ăn rất ngon, vui vẻ dặn dò nhau những việc phải nỗ lực hơn trong năm mới. Xong, người mẹ đứng lên cảm ơn, muốn trả thêm tiền cho bát mì đó, nhưng ông bà ân cần từ chối: Được ba mẹ con đến đây, và nếu quán chúng tôi như là nơi ba mẹ con có thể hưng phấn hơn cho những điều các vị cần cố gắng thì đã là điều thật quý hóa rồi...

Lại thêm một năm nữa. Ông Bà đã đặt lên tấm biển con giữ chỗ trên chiếc bàn đó trong quán, dành cho họ. Nhưng mãi sau 21h không thấy họ quay trở lại... Ông bà có cảm giác buồn trống vắng, khẽ bảo nhau đóng cửa hàng để chuẩn bị Tất Niên... Cứ như thế trong nhiều năm sau đã thành thông lệ, mọi khách hàng cũng biết chuyện mà cảm động, không ai ngồi vào chiếc bàn đó vào đêm Giao Thừa cả và ai cũng có ý vừa nhâm nhi bát mì vừa mong đợi Ba Mẹ Con trở lại…

Rồi lại một cái Tết nữa... Đã quá 21h ông bà chủ quán định nói lời cảm ơn cuối năm với mọi người đang còn trong quán thì tiếng chuông vang lên… Ông ra mở, mọi người nhìn ra theo. Ba người : một phụ nữ lịch lãm và 2 cậu thanh niên tuấn tú khỏe mạnh bước vào. Dường như quen thuộc, họ tiến đến chiếc bàn kia. Ông chủ khiêm nhường nhắc: Thưa, chỗ này đã được dành cho người khác ạ... Họ xin được ngồi ngay bàn sát bên. Ông chủ lễ độ chờ họ gọi. Người phụ nữ ngẩng lên: Xin cho ba chúng tôi Một Bát Mì… Trời ơi… Mọi người đều quay hết về phía họ: Phải chăng các vị là Ba Mẹ Con ngày xưa? Chúng tôi đã mong chờ các vị bấy lâu...

Dạ vâng, là chúng tôi ạ. Chồng và cha chúng tôi bị tai nạn qua đời đã lâu, để lại món nợ rất lớn, chúng tôi đã vô cùng khó khăn nên đã nhiều năm không còn khả năng được ăn mì Tất Niên nữa. Bây giờ mọi điều đã rất tốt đẹp, nên trở lại đây muốn được ăn bát mì như năm xưa, được hưởng tấm lòng của ông bà mà nhờ đó chúng tôi đã thêm được sự ấm lòng để cố gắng vượt qua… Tất cả tràn đầy xúc động đứng lên bước lại quây quần và cung kính cảm tạ lẫn nhau.

Sưu tầm


Đinh Tử

Có một cậu bé trai, nó có cái tật xấu là ưa nổi nóng quạu quọ, vì vậy, cha của nó đã đưa cho nó một túi đinh;

Lại bảo nó, mỗi khi nó có nổi nóng quạu quọ thì hãy đóng một cây đinh lên trên bờ rào phía sau vườn nhà..

Ngày thứ nhất, nó đóng được 37 cây đinh. Và từ từ mỗi ngày số đinh được đóng lên bờ rào mỗi ít đi. Nó cũng đã phát hiện là nó đã khống chế được cái tật xấu của nó cũng như cái việc đóng những cây đinh có hơi dễ dàng,

Cuối cùng, có một ngày kia cậu bé này cũng thấy là mình vẫn đủ nhẫn nại để không nổi lên cái tật xấu nóng nảy quạu quọ nữa, nó báo cho cha nó biết việc này.

Cha nó lại bảo nó, bắt đầu từ nay, mỗi khi nó khống chế được cái tật xấu của nó thì hãy đi nhổ một cây đinh.

Ngày ngày trôi qua, sau cùng thì nó báo cho cha nó hay là, nó đã nhổ hết những cây đinh rồi.
Cha nó nắm tay nó, cùng đi ra sau vườn nhà và nói rằng: Con của cha, con ngoan lắm, con làm rất hay.

Nhưng mà hãy nhìn những cái lỗ đinh trên bờ rào, cái bờ rào này không thể hồi phục được cái nguyên trạng của nó nữa. Một khi con nổi nóng thì những lời nói của con nó cũng giống như những cái lỗ cây đinh này, chúng đã để lại những vết hằn.

Giả dụ như con dùng dao đâm người ta một dao, thì bất luận là con đã nói bao nhiên lần những lời tạ lỗi, cái vết thương đó nó vẫn sẽ vĩnh viễn còn đó.

Những lời nói (xóc óc) nhức nhối cũng ví như sự nhức nhối thực tại, không làm sao chấp nhận được (dù đó chỉ là lời nói).

Ghi chú: Giữa người và người với nhau, thường do sự kiên trì về cố chấp bởi những lỗi lầm giữa đôi bên, đã tạo nên những thương tổn vĩnh viễn cho nhau.

Nếu mọi người trong chúng ta đều có thể tự mình làm, bắt đầu có thái độ khoan dung đối với mọi người, bạn nhất định sẽ nhận được những kết quả tốt mà bạn không hề nghĩ tới... Giúp mở cánh cửa sổ cho người ta, cũng là để cho chính mình nhìn thấy được một không gian hoàn chỉnh hơn.

Sưu tầm


Không còn gia đình

Gần nhà tôi có một gia đình, chồng hơn 50 tuổi làm thủ trưởng một cơ quan lớn, vợ làm giáo viên tiểu học. Họ có 1 đứa con trai 5 tuổi. Ông thủ trưởng có lái xe của cơ quan hàng ngày đến đưa đón đi làm việc. Nhưng hơn cả công việc người lái xe còn phải thường xuyên đưa đón gia đình họ đi chơi. Bản thân anh lái xe có vợ và 2 con nhỏ chạc tuổi đứa con trai của thủ trưởng.

Vào một ngày Chủ Nhật nọ, như thường lệ, người lái xe đánh xe đến nhà thủ trưởng đưa cả gia đình họ đi chơi công viên. Hai vợ chồng thủ trưởng ngồi trên ghế đá quàng vai nhau trò chuyện tình tứ, còn ở góc xa kia anh nô đùa trông nom đứa con trai của họ, rất mực chiều chuộng. Tình cờ hôm đó vợ anh cũng đưa 2 đứa con của mình đi chơi công viên. Từ xa chị nhìn thấy anh như vậy, lặng đi, buồn bã và uất ức, về nhà không nói gì nhiều chị tuyên bố li dị anh và nhận nuôi 2 con nhỏ. Anh không biết nói sao đành chấp nhận.

Một thời gian sau đó, tôi đi ngang qua tình cờ thấy anh ngồi trên bục cửa nhà thủ trưởng anh, chống tay lên cằm, chăm chú nhìn đứa con trai của thủ trưởng đang chạy nhảy vui vẻ. Anh đăm đăm hướng nhìn vào đôi giày rất đẹp của nó đang đi, ánh mắt xa xăm và toát ra một vẻ ai oán, buồn thương khôn tả.

Tôi đi về nhà và cứ bị ám ảnh mãi bởi dáng vẻ, ánh mắt và cuộc sống của anh.

Sưu tầm


Lời chưa nói cùng bố

Mỗi khi bên người thân yêu, hãy luôn nói lời thương yêu nhất bởi có thể đó là lần cuối ta gặp họ.

“Con có sợ độ cao không?”, bố hỏi khi tôi leo lên cái thang hơi bị bấp bênh và chỉ còn hai bậc nữa là lên tới nóc nhà. Tôi trèo lên đó để giúp bố sửa lại cái ăng-ten.

“Không sao, bố ạ!”, tôi trả lời trong khi bố đang leo lên cùng với đồ nghề trong tay.

Tôi chẳng làm gì nhiều trên nóc nhà, hầu như tôi chỉ giúp cho ăng-ten đứng yên và trao cho bố những dụng cụ khi bố cần. Vì thế tôi cứ tiếp tục nói trong khi bố làm.

Tôi nói liên tục. Trông bố giống như một đứa trẻ to xác hơn là một người trưởng thành. Thực tế thì bố tôi trông trẻ hơn nhiều so với cái tuổi 40. Bố có mái tóc thẳng, đen với một hàm râu, chưa có dấu hiệu bị bạc hay hói đầu. Bố tôi cao khoảng 1,82m và có đôi mắt xanh đen dường như luôn cười cùng với những trò đùa bí mật. Thậm chí ngay cả bạn tôi, những đứa từng được bố làm cho cười chảy nước mắt, cũng thích bố nữa. Hầu hết bạn bè tôi đều ngại mỗi khi có bố chúng đi chơi cùng, nhưng tôi thì không. Thực ra, tôi rất tự hào về bố. Không ai có được người cha tuyệt vời như bố của tôi. Tôi tự nhủ.

Sau khi sửa ăng-ten xong, chúng tôi vào nhà và tôi chuẩn bị đi ngủ. Khi về phòng, tôi nhìn quanh và thấy bố đang làm việc say sưa bên chiếc máy tính trong phòng làm việc. Nó nằm nay cạnh phòng tôi. Khi nhìn bố, trong tôi có một sức mạnh vô hình nào đó, nó thúc giục tôi nói với bố rằng tôi yêu bố lắm. Nhưng tôi gạt ý nghĩ ấy đi và bước nhanh vào phòng mình. Tôi không thể nói với bố rằng con yêu bố. Tôi cũng chưa từng nói với bố hay với một người đàn ông nào khác câu nói ấy kể từ khi tôi được bảy tuổi, khi mà bố và mẹ thường vào phòng ôm hôn tôi và chúc tôi ngủ ngon. Đó không phải là điều mà hai người đàn ông lại nói với nhau! Tôi nghĩ thế, bước vào và đóng cánh cửa sau lưng mình. Nhưng cái cảm xúc ấy cứ tiếp tục lớn lên trong tôi. Tôi chần chừ, mở cửa, bước ra, gõ cửa và thò đầu vào gọi khẽ:

- Bố!

- Gì thế con?

- Dạ, con..., tim tôi bắt đầu đập thình thịch, con... chỉ muốn nói... chúc bố ngủ ngon.

- Chúc con ngủ ngon nhé, bố đáp lại.

Tôi quay ra và trở lại phòng mình. Tại sao mình lại không nói với bố điều đó nhỉ? Mình sợ cái gì chứ? Tôi tự an ủi mình rằng có thể lần sau mình sẽ đủ can đảm để nói với bố. Nhưng dù thế, tôi cũng biết rằng điều đó có lẽ sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Vì lý do nào đó, đôi lần tôi cảm nhận đủ gần gũi để tôi có thể nói với bố điều đó, và tôi cảm thấy bối rối và giận chính mình. Trong sâu thẳm trái tim mình, tôi bắt đầu hy vọng bố biết được rằng mỗi khi tôi nói: “Chúc bố ngủ ngon" có nghĩa là tôi muốn nói với bố: “Con yêu bố lắm!”.

Ngày hôm sau, cũng như bao ngày khác, sau khi tan học, tôi đi bộ cùng cậu bạn thân về nhà cậu ấy, như tôi vẫn thường làm. Tuy nhiên, ngay khi thấy tôi cùng cậu ấy ở bãi đậu xe, mẹ cậu thật sự ngạc nhiên và hỏi:

- Cháu định đi đâu đấy?

- Đến nhà cô, tôi trả lời.

Giọng cô ngập ngừng và nói: “Hình như mẹ cháu muốn cháu về nhà ngay sau khi tan học thì phải”. Chẳng nghi ngờ gì, tôi nghĩ chắc cô ấy muốn giải quyết công việc gì của gia đình nên tôi không nên vào.

Khi về đến nhà, tôi thấy rất nhiều xe trước nhà và một số người tôi quen biết đang đứng trước cửa.

Mẹ đón tôi ở cửa. Mặt mẹ giàn giụa nước mắt. Khi đó mẹ nói với tôi, giọng cố giữ bình tĩnh, một tin đau đớn nhất trong đời tôi: "Bố mất rồi con ạ!".

Thoạt tiên, tôi chỉ đứng đó khi mẹ ôm chặt lấy tôi, tôi chết lặng và không phản ứng gì. Trong đầu tôi luôn lặp lại: "Ôi, lạy Chúa, không thể thế được, đó không thể là sự thật, con xin Ngài". Nhưng tôi biết, tôi không bị lừa. Tôi cảm thấy nước mắt bắt đầu rơi khi tôi ghì chặt những người đứng quanh đó, sau đó lên lầu, tôi chạy về phòng mình.

Khi về phòng, tôi ghé nhìn phòng làm việc của bố. Tại sao mình lại không nói điều đó? Con yêu bố! Khi đó tôi nghe đứa em nhỏ 3 tuổi của tôi hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, sao anh con khóc vậy?

- Anh thấy mệt trong người, con ạ - mẹ trả lời em khi tôi đóng cửa phòng lại. Vậy là mẹ chưa nói với em rằng bố sẽ chẳng bao giờ về nhà nữa.

Một mình trong phòng, tôi đau quá đến nỗi toàn thân tôi tê cóng, nằm sóng soài trên nền nhà, tôi thổn thức. Lúc sau, tôi nghe tiếng em khóc thét hỏi: “Tại sao vậy mẹ?”. Mẹ đã nói với em về sự thật đau lòng vừa xảy ra.

Mẹ ẵm em lên phòng và giao cho tôi. Mẹ bảo tôi hãy trả lời những câu hỏi của em để mẹ còn đi tiếp những người đến viếng bố. Tôi thật sự đau đớn và mệt mỏi vì phải giải thích cho em tại sao Chúa Trời lại muốn bố quay về với Ngài. Tôi cũng cố kéo mình gượng dậy.

Sau đó, tôi được cho biết là bố mất vì một tai nạn trên công trường. Bố tôi làm việc tại công trường xây dựng. Và bằng cách nào đó, bố đã bị cần trục nghiến khi bố đang kiểm tra nó. Công nhân ở đó không nghe tiếng bố kêu cứu hay bất cứ điều gì. Nhưng khi họ đến, bố đã nằm bất động trên mặt đất. Bố ra đi lúc 11h sáng hôm đó, ngày 21/4/1993.

Tôi thực sự chưa bao giờ nói rằng: "Con yêu bố" và mãi mãi, sẽ chẳng còn cơ hội nữa. Ước gì tôi đã nói với bố điều đó. Tôi nhớ bố rất nhiều. Nhất định, khi gặp lại bố trên thiên đường, điều đầu tiên tôi nói với bố là: "Con yêu bố" và sau đó mới đến: "Chúc bố ngủ ngon!".

Sưu tầm


Tình yêu của mẹ

Càng lớn con càng cảm nhận sâu sắc tình thương mẹ dành cho con sâu nặng nhường nào. Dẫu tình yêu ấy chẳng được mẹ nói bằng lời...

Đã 0g, con ngủ gật trên bàn học. Cảm giác mệt mỏi xâm chiếm con, làm con chỉ muốn bỏ mặc sách vở, thi cử… Nhưng ngay lập tức con hình dung hình ảnh mẹ. Giờ này, mẹ đang oằn lưng bên chiếc xe rác nặng nề, cô đơn trên đường vắng.

Ngày bé, con vẫn thường cố giấu bạn bè rằng mẹ con là công nhân… Nhớ lại phút thơ dại ấy, con ray rứt lắm mẹ à.

Nhà thiếu bóng cha, một mình mẹ tảo tần nuôi con khôn lớn. Dù chạy ăn từng bữa, mẹ vẫn chiều chuộng con. Những năm tháng tuổi thơ, con chưa bao giờ thật sự quan tâm đến những vất vả của mẹ.

Rồi từ bao giờ, con bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu. Con mê game, học đòi thuốc lá, lô đề. 15 tuổi, con cả gan trộm tiền của mẹ để tiêu xài. Mẹ phát hiện, cho con một trận đòn nhừ tử. Những vết lằn trên cơ thể, những lời mẹ mắng làm con thấy bị... xúc phạm. Con không những không biết hối hận mà còn giận dữ bỏ đi.

Con lang thang lên Hà Nội không một xu dính túi, chỉ có chiếc xe đạp mẹ mua cho hồi đầu năm học ở bên mình. Đói, con mang cầm chiếc xe để có tiền mua đồ ăn. Cắm cúi ăn một mình trong quán lạ, tự nhiên con muốn khóc. Mọi giận hờn vì bị mẹ đánh mắng đều tan biến. 

Con hình dung mẹ đang lo lắng, hoảng hốt đến nhường nào khi không tìm thấy con. Lúc quyết định dạt nhà, con cứ nghĩ mình sẽ hả hê thế nào khi khiến mẹ ân hận, dày vò. Vậy mà lúc bước vô định trên con đường lạ lẫm, con chợt nhận ra chính con mới bị dày vò, đau đớn. 

Đó cũng là lần đầu tiên con biết quý những giây phút yên lành dưới mái nhà thân quen, biết nhớ bữa cơm nghi ngút khói mẹ nấu. Và mẹ ơi, con thật sự sợ hãi khi không có mẹ ở bên.

Con gọi điện về nhà, giọng mẹ lạc đi vì lo lắng. Con ràn rụa nước mắt khi nghe tiếng nói thân thương của mẹ.

Mẹ tất tả đi đón con về. Đó là một đêm mùa hè nóng bức, vậy mà hai mẹ con ôm nhau ngủ. Những lỗi lầm của con mẹ không nhắc lại một lời.

Từ hôm ấy, con đoạn tuyệt với những trò chơi bời vô nghĩa và quyết tâm làm điều gì đó để mẹ vui lòng. Con lao vào học, học ngày học đêm để lấy lại căn bản, theo kịp bạn bè.

Con vào lớp 12, giấc mơ đại học lấp lánh trong tâm trí. Đậu đại học, con sẽ mang lại cho mẹ niềm tự hào, hạnh phúc. Con hình dung ngày con cầm giấy báo trúng tuyển, gương mặt mẹ sẽ rạng ngời thế nào…

Con dốc hết sức học nhưng nhiều khi vẫn thấy "đuối" vô cùng. Nhà mình không giàu nhưng mẹ thuê hẳn gia sư riêng để giúp con ôn thi. Để có tiền trả cho gia sư, mẹ phải làm việc vất vả gấp nhiều lần. Những đêm đi làm về khuya, khi con đã ngủ, mẹ lại đến bên, nhẹ nhàng hôn trán con. Biết bao lần nụ hôn của mẹ đánh thức con, nhưng con vẫn nhắm nghiền mắt vờ như say ngủ. Khoảnh khắc ấy với con dịu ngọt vô cùng…

DUY TUẤN


Nhớ nhà

Giá rét về. Lúc này điều duy nhất khiến lòng con ấm chính là hình ảnh ngôi nhà mình, với bếp củi đỏ lửa và cả tiếng chim kêu khắc khoải. Hẳn ba đang ngồi bên bàn với chén trà nóng và mẹ vẫn bận rộn với những thứ vải vóc trong tay khâu vá.

Con nhớ những mùa đông, đồng quê mình đất cày phơi ải trắng xóa. Trong cái rét căn cắt, mẹ vẫn phải lội mương với chiếc gàu sòng múc từng gàu nước đổ vào những thớ đất khô cằn trắng phớ vì hanh khô. Mùa này, con nghe đài báo nói nước dùng cho nông nghiệp thiếu trầm trọng, chắc mẹ sẽ vất vả hơn để hớt từng vũng nước sót lại đổ vào ruộng.

Con chạnh lòng thương đôi bàn chân nứt nẻ vết chân chim đang ngâm dưới bùn. Cái rét tháng chạp lạnh đến con cua cũng chui vào trong hang, con cá chết phơi mình, chỉ mẹ, với tấm áo bông dày cũ kỹ, đôi chân đất vẫn thoăn thoắt bước trên đồng. Con vẫn nhớ cái áo bông mẹ hay mặc, nó có từ bao giờ con chẳng biết, con lớn lên thấy mẹ mặc nó mỗi mùa rét. Đến giờ mẹ vẫn chưa may tấm áo mới cho mình, dù mỗi đông mẹ lại gửi cho con một cái áo khoác mới.

Ngày con còn bé, mẹ hay cho con theo ra đồng tha thẩn chơi trong khi mẹ làm việc. Để con bớt lạnh, mẹ đốt một đống lửa bên góc bờ, vun vào ít cỏ khô, rạ mục còn mẹ dỡ khoai. Mẹ ném vào bếp cho con dăm củ khoai nho nhỏ. Con vừa nghịch lửa vừa trông những củ khoai nướng. Trong cái lạnh cuối năm, con hớn hở cưới với cái miệng lem nhem tro khoai cháy đen sì. Mẹ gọi con lại gần, lấy vạt áo lau cho con, lúc ấy con mới biết áo mẹ đang thấm mồ hôi âm ẩm.

Năm nào cũng thế, nhà mình thường trồng rất nhiều khoai lang chất đầy gầm để dành cho vụ giáp hạt. Khoai thường được dỡ vào dịp cuối năm, buổi tối có thêm nồi khoai luộc ăn khuya. Trời lạnh, được bốc từng củ khoai còn đang bốc hơi ăn ngấu nghiến thì thật hạnh phúc và ấm áp. Phút chốc, nồi khoai đầy vun đã hết veo dù trước đó bữa tối vừa ăn xong. Cảnh tượng đáng thương ấy nhiều khi khiến ba mẹ nhìn lũ con rồi nhìn nhau chấm nước mắt. Để rồi hôm sau ba mẹ lại phơi mình trong gió bắc hun hút làm việc cật lực.

Những ngày cuối năm, ba mẹ phải lo nghĩ nhiều hơn. Năm hết tết đến, ba mẹ lo làm sao để cả nhà có được cái tết tươm tất, con có manh quần tấm áo mới bằng bạn bằng bè. Có khi cả đêm, ba cứ trằn trọc. Góc nhà, đốm lửa hồng thỉnh thoảng lại đỏ rực lên thao thức trong bóng tối. Những nỗi lo toan của ba mẹ quanh năm suốt tháng liền kề nhau như thế chẳng lúc nào dứt. Dường như trong những đôi mắt luôn trĩu nặng lo âu, đôi mắt ấy chỉ thoáng bừng sáng lên khi con cái đỗ đạt.

Một năm trôi đi, con thì lớn lên và tóc mẹ bạc thêm mãi, màu trắng đã quá nửa đầu. Nhìn những gia đình tay trong tay, đôi khi họ kéo áo khoác cho nhau ấm hơn khiến con càng thương mẹ nhiều. Con muốn trở về nhà ngay lúc này, được sà vào lòng mẹ như những ngày bé bỏng. Con muốn khóc nhưng biết mẹ chẳng vui nếu biết con gái mẹ lại yếu đuối như thế.

Ba mẹ đã đặt niềm tin nơi con, bốn năm qua chưa khi nào con dám ngơi tay khỏi cuốn sách vì biết rằng nơi quê nhà ba mẹ chưa dám ngơi tay cuốc tay gàu. Không biết năm nay, mẹ đã thay cái áo bông cũ bằng tấm áo ấm mới chưa?

Không biết giờ này mẹ có cảm nhận được tấm lòng ám áp con vừa gửi về nhà qua cơn gió lạnh hay không?

HẢI YẾN


Món quà ba để lại

Con chẳng bao giờ còn được nghe giọng ba nói, chẳng bao giờ được nghe ba mắng… và chẳng bao được nghe ba kể chuyện. Nhưng ba mãi ở đây trong trái tim con.

Chuông điện thoại reo: Chị thu xếp học hành về quê gấp, ba mất rồi.

Đó là tất cả những gì đọng lại trong con ngày đó. Con cũng không biết bằng cách nào con có thể vượt hơn 600km để về nhà. Con về, ba đã không thể nói cũng chẳng thể cười… Ba nằm đó bất động. Con đã gọi, đã lay nhưng ba vẫn không ngồi dậy. Con không tin nhưng rồi con phải chấp nhận “tai nạn giao thông đã mang ba đi mãi”.

Con nhớ mỗi năm vào dịp tết, nhà mình lại gói bánh chưng và bà không quên gói cho con một chiếc bánh gù nhỏ “trẻ có phần riêng mới háo hức”. Con mong đợi từng ngày tết để được ăn bánh và được ba chở đi chợ mua áo mới. Đặc biệt chỉ có tết con mới được gần ba, được ba kể chuyện vì ba phải đi công tác thường xuyên.

Con nhớ những ngày lễ thiếu ba là những ngày buồn nhất, ở nhà chỉ có mẹ và con. Nhưng đổi lại những lúc ba về ba giặm lại cho mẹ cái rổ, trồng vài bụi chuối, một khóm xoài… con thấy nhà mình thật hạnh phúc. Những lúc đó, con lại ngồi gần bên ba để được là người sai vặt của ba.

Con cũng nhớ mãi năm con 15 tuổi, một người đàn bà bồng một đứa trẻ tới nhà mình và con có thêm em. Con chỉ muốn hét lớn “con ghét ba”. Người làng nhìn ba, bạn bè chêu chọc con… và từ đó con không còn nghe ba kể chuyện, không còn đứng đợi ba sau mỗi chuyến công tác. Con chỉ biết lặng nhìn đứa trẻ - em con lớn.

Con chọn trường thật xa để học, để xa ba hơn, để không phải nghe những lời chọc ghẹo. Những lúc nhớ con, ba gọi điện con chỉ nói vỏn vẹn một câu “con khỏe” và cúp máy. Mỗi lần con về, ba đứng đợi con trên con đê dài, mái tóc ba điểm bạc. Ba nấu cho con món canh cua con thích, lén nhìn con và giữ khoảng cách thật xa.

Lụt Huế, con tươi cười cùng chúng bạn dầm mưa, lội lụt và được nghỉ học dài ngày… con quên mẹ, quên ba… và quên cả gia đình. Đến khi nước rút, trước cửa phòng con là ba - một người đàn ông hốc hác vì bụi đường. Ba đã khóc khi thấy con khỏe mạnh. Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời con thấy ba khóc. Lúc đó con chỉ biết đứng nhìn ba và im lặng. Hôm sau, ba lại về nhà.

Con biết, trong trái tim ba lúc nào cũng có mẹ và con. Con cũng biết tình yêu ba dành cho con là vô tận. Còn con, cũng bao lần con muốn được nằm bên ba được nghe ba kể chuyện, được đón ba về sau chuyến đi dài. Nhưng sao khó quá ba ơi! Bởi không phải lúc nào con cũng là người hiểu chuyện.

Ba đi đến một miền đất mới, con ở lại với những khoảng trống thiếu ba. Em con đã lớn, học giỏi và rất thương mẹ, với con đó là món quà lớn nhất mà ba để lại.

Con tự hỏi mình sao con không nhận ra điều đó sớm hơn?

THANH TOAN