Truyện Minh Hoạ - Gia Đình

"Tiếng gáy" đầu đời 

Hôm nay, khi nhìn thấy cậu thanh niên cầm gậy trong tay đang lao vào ẩu đả với một nhóm khác, ba không thể tin đó là con trai mình.

Ba chỉ dạy con những điều hay, lẽ phải, biết kính trên nhường dưới và hòa thuận với bạn bè mà quên mất là con đang lớn, đang cái tuổi rất dễ bị bạn bè xúi giục làm những điều sai trái. Nếu hôm nay ba không kịp thời ngăn những hành động xốc nổi đó lại, có thể con đã làm cho ai đó bị thương.

Con từng nói với ba, thà ba cứ đánh, cứ mắng con còn hơn là phạt bắt con đứng quay mặt vào tường. Nhưng con có biết, khi ba đánh con cũng là lúc trái tim ba rướm máu. Ba nghĩ, đòn roi không thể là phương tiện giáo dục con người. Mỗi lần phạt con đứng quay mặt vào tường là ba muốn con có thời gian để nghĩ về những lỗi lầm đã gây ra. Đó là cách để con bình tâm lại và ba cũng có thời gian suy nghĩ về trách nhiệm của mình trong những lỗi lầm của con. Con đứng đó cũng chính là ba đang tự phạt mình.

Con trai của ba, có phải con đang khóc? Ba có thể nghe tiếng con nấc từng hồi trong lồng ngực. Hãy khóc đi. Nước mắt sẽ giúp tâm hồn con trở nên trong sạch hơn, thể hiện sự hối lỗi chứ không làm con trai của ba yếu đuối.

Con trai của ba, con đã 17 tuổi. Ba biết con đang lớn và con muốn được đương đầu, được thử thách để chứng tỏ bản lĩnh của mình. Một chú trống choai trước khi có thể cất được tiếng gáy "ò ó o..." dõng dạc đã phải mất một thời gian với tiếng "kéc ke ke e...e...e..." nghèn nghẹn, nhưng không ai cười những tiếng gáy đầu đời ấy cả. Cũng như thế, những hành động bồng bột nhất thời của con đáng được tha thứ. Vấn đề là phải biết dừng lại trước những sai lầm không thể sửa chữa.

Ba nghĩ, khoảng thời gian vừa rồi đã đủ để con suy nghĩ về lỗi lầm của mình. Giờ ba muốn con ngồi xuống đây, đối diện với ba, chúng ta sẽ nói chuyện với nhau như hai người đàn ông.

Vũ Mạnh


"Trước khi dạy con phải dạy chính mình..."

"Dạy con làm người: dễ hay khó?", không chỉ là một câu hỏi mà còn là một vấn đề, nỗi trăn trở lớn của những bậc cha mẹ. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự xâm nhập của các luồng văn hóa mới... đã khiến môi trường nuôi dạy con ngày càng phức tạp và càng làm gia tăng khoảng cách giữa các thế hệ. Nếu những kinh nghiệm dưỡng dục con cái trước đây được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thì bây giờ, không ít cha mẹ phải thở dài vì không thể hiểu và dạy con mình.

Nhà văn Nguyên Ngọc cho biết: "Ở thời kỳ chiến tranh, cha mẹ thường không lo con mình bị hư mà sợ bị chết do bom đạn. Giờ hết chiến tranh, con cái mới vào mẫu giáo là bố mẹ đã rất lo vì sợ ra xã hội không an toàn về đạo đức. Khi đứa trẻ lớn lên, bố mẹ sống không đàng hoàng thì đừng hy vọng gì  dạy con cái tốt. Trước khi dạy con phải dạy chính mình. Tôi có một đứa con, hằng ngày nó nhìn mình, ảnh hưởng mình ghê lắm. Mình không trung thực, không biết kiềm chế sẽ khiến con cái học theo cái xấu đó”.

Đồng tình với nhà văn Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn  nhận định: "Dạy con sẽ dễ dàng hơn khi cha mẹ hiểu sâu sắc những thay đổi của xã hội, những giá trị quan trọng cần giữ gìn, những giá trị cần tạo dựng, hướng tới cho con mình. Theo tôi, nên xây dựng nền tảng gia đình không có bạo lực, dùng lý lẽ thuyết phục để cảm hóa con trẻ. Tạo thói quen cho trẻ yêu mến sự hoàn hảo, có trách nhiệm. Bên cạnh đó, phải dạy trẻ yêu thiên nhiên, có ý thức bảo vệ môi trường sống".

Đạo diễn Việt Linh dí dỏm chia sẻ kinh nghiệm: "Tôi thỉnh thoảng vẫn đánh đòn con, nhưng chỉ đánh nhẹ khi cháu đã năm tuổi và thấy rất hiệu quả.  Dạy con cũng phải có lộ trình, khi trò chuyện với con, tôi luôn dạy cháu "đừng bao giờ làm những gì mà  mình không muốn người khác làm cho mình". Tôi thường xuyên tập cho con ba "tự": tự trọng, tự lập và tự do suy nghĩ. Đừng bao giờ nói xấu người khác trước mặt con, dù người đó thật xấu xa hay đáng lên án".

Chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung cho rằng: "Người ta thường nói "cha mẹ sinh con, trời sinh tính" nhưng theo tôi, nên thay đổi, trở thành "Cha mẹ sinh con, người sinh tính". Một trong những người quyết định tính cách con trẻ chính là cha mẹ  chúng".

Buổi tọa đàm "nóng" lên khi các diễn giả đưa ra những sai lầm và ngộ nhận trong cách nuôi dạy con của các  bậc cha mẹ.

Nhà văn Nguyên Ngọc bức xúc: "Có nhiều cha mẹ kỳ vọng vào những điều không thể xảy ra. Cha mẹ nào cũng áp đặt, muốn con mình trở thành thiên tài, nhưng thực tế, 99% trẻ con chỉ trở thành những người bình thường. Theo tôi, hãy cố gắng giúp con trở thành một người tốt, làm cho chúng cảm thấy hạnh phúc chứ không phải áp lực".

Tham gia ý kiến tại hội thảo, một vị phụ huynh nói: "Ngày nay có rất nhiều phụ huynh có xu hướng phục vụ tận răng mọi nhu cầu của con mà không biết rằng chính điều này đã làm hại con mình. Bọn trẻ sẽ không biết tự làm, trở nên vụng về, và không hiểu được giá trị của lao động. Dạy chúng tự làm mọi việc không có nghĩa là bạn thương con mình ít đi, mà là bạn muốn chúng ngày càng tốt hơn".

Quỳnh Mai


Điều bí mật của con 

Đã 19g mà Thảo Vi (con gái tôi) đi học vẫn chưa về, trễ hơn mọi ngày đến hai tiếng đồng hồ. Tôi sốt ruột, đạp xe đến trường, cổng trường đã khóa. Tôi hốt hoảng quay về, định nhờ người giúp đi tìm con. Thấy cổng mở, biết con gái đã về rồi, bao nhiêu lo lắng tiêu biến mất nhưng tức giận lại trào lên, tôi nghĩ: Phải cho nó trận đòn!

Thảo Vi chạy ra, cười hớn hở: “Con chào mẹ, xin lỗi mẹ, hôm nay con về trễ ”. Tôi sa sầm mặt, gắt: “Không lỗi phải gì hết, con để mẹ phải tìm hết cả hơi !”.

Thảo Vi vẫn hồn nhiên: “Mẹ! Con xin lỗi rồi mà, con có điều bí mật, tối nay con cho mẹ biết!”. Tôi vẫn chưa nguôi cơn giận, dằn từng tiếng: “Con giỏi lắm rồi, tan học không về nhà, đi chơi biệt tăm. Mới 13 tuổi đã bày đặt bí với mật. Con cứ ôm lấy điều bí mật ấy, mẹ không cần biết! Ăn cơm xong lên phòng đứng chịu phạt!”.

Thảo Vi xịu mặt như muốn khóc. Suốt bữa cơm, nó không líu lo như mọi khi... Ăn cơm xong, tôi đi tắm.

Trong nhà tắm ra, tôi thấy chóa mắt, đèn phòng khách sáng choang, giữa bàn là lẵng hoa hồng nhung rực rỡ, hai bên có hai hàng nến cháy đỏ lung linh. Tôi bước đến, tò mò muốn biết con gái bày trò gì thì nhìn thấy tấm thiệp, bên ngoài ghi dòng chữ: “Tặng mẹ kính yêu!”. Tôi sửng sốt, mở ra xem: “Mẹ! Hôm nay là sinh nhật của mẹ, con cảm ơn mẹ 13 năm vất vả nuôi con. 13 bông hồng này là 13 tuổi hồng, con muốn đặt trong vòng tay yêu thương của mẹ!”.

Như có luồng điện chạy suốt sống lưng, tôi sững sờ, cổ nghẹn cứng! Đã 10 năm nay, từ khi chồng tôi mất, tôi không có quà sinh nhật. Sống cảnh “mẹ góa con côi ”, tôi như quên ngày sinh nhật của mình! Nước mắt tôi cứ tràn ra...

Tôi chạy vội lên phòng Thảo Vi, nó đang đứng tựa lưng vào tường chịu phạt, khóc thút thít. Tôi ôm chầm lấy con, nghẹn ngào: “Con gái của mẹ, mẹ cảm ơn con! Mẹ xin lỗi con".

Phạm Thị Minh Trang


Con gái "quậy" 

Từ khi còn nhỏ, bố đã biết con là một cô bé rất nghịch ngợm. Ít khi nào con chịu ngồi yên chơi đồ hàng như các bé gái khác. Khi chơi với các bạn cùng xóm, con luôn là người  bày trò, thích được chỉ huy hơn là nghe theo các bạn.

Nhiều lúc nghe mẹ phàn nàn về cá tính của con, bố cười xòa, tại con mình có tố chất của người  lãnh đạo. Mẹ lắc đầu chịu thua.

Sáu tuổi, con vào lớp 1, nghĩ rằng trong môi trường mới, lạ lẫm, con sẽ hiền hơn và đằm tính lại, không ngờ chỉ sau một tuần là con đã thích nghi và bố mẹ tiếp tục... mệt. Cứ cách vài hôm, bố lại nhận được  phiếu liên lạc kèm theo lời than phiền của cô giáo về những trò quậy phá mà con luôn là người đầu têu. Lúc thì con lấy phấn viết bảng vẽ đầy lên bàn ghế. Lúc thì con leo lên ghế giáo viên làm... ca sĩ. Lúc thì con mang snack vào lớp chia cho các bạn... ăn vụng. Ôi! Toàn những chuyện động trời mà có mơ bố cũng không dám nghĩ là con gái lớp 1 của bố đã làm. Tất nhiên, con luôn bị mẹ phạt sau những lần quậy phá như thế nhưng chỉ vài bữa là con sẽ quên hết, rồi đâu lại vào đó.

Cái lần đáng nhớ nhất đối với bố là ngày nhận được  điện thoại của cô giáo gọi bố lên trường gấp vì con... đánh nhau với bạn trai trong lớp. Trong lúc làm việc với cô giáo, bố lặng lẽ quan sát cả hai đứa nhỏ. Trong khi gương mặt cậu bạn đánh nhau với con vẫn chưa hết sợ, nước mắt đầm đìa, đầu tóc xơ xác thì con vẫn bình tĩnh, chỉ thỉnh thoảng đưa mắt nhìn bố. Về đến nhà, mẹ giao con cho bố xử lý vì mẹ đã hết cách. Bố cũng chẳng biết làm thế nào, nên nói con xuống rửa mặt rồi chuẩn bị ăn cơm. Tối, tập viết xong, con không xem hoạt hình như mọi khi mà bỏ ra phòng khách ngồi ôm búp bê chơi. Thấy vậy, bố nhẹ nhàng ngồi xuống và ôm con vào lòng. Một lúc sau, thấy con có vẻ vui hơn, bố mới hỏi nguyên nhân tại sao con đánh nhau với bạn. Chỉ chờ có thế, con òa khóc, nói là bạn chọc con không có... răng ăn cơm.

À! Ra là vậy. Con gái của bố đang thay răng nên bị sún hai cái răng cửa cộng thêm hai cái răng hàm dưới. Là con gái, dù hiếu động cỡ nào thì con vẫn rất xem trọng vẻ bề ngoài. Sún răng đã mắc cỡ, lại còn bị bạn chọc nên con phản ứng lại bằng... sức mạnh. Thương con ngày thường mạnh mẽ mà giờ vẫn bị tổn thương bởi những câu châm chọc, bố chỉ biết... an ủi. Con là con gái xinh đẹp nhất của bố mẹ, nhưng con sẽ đẹp hơn nếu không đánh bạn và quậy phá. Mẹ đứng gần đó, lại lắc đầu với cả hai bố con.

Blog Bút Nam


Niềm vui... cúp điện 

"Nhà cúp điện rồi mẹ ơi!" - cậu con trai năm tuổi ỉu xìu thông báo khi tôi vừa về đến nhà.

Tôi thật sự rất lo vì cơm chưa nấu, đồ dơ chưa giặt, cúp điện thì làm sao mà bơm nước lên bồn rồi cả đêm chắc khỏi ngủ vì nóng...

Mới gần 5 giờ chiều mà trong bếp tối thui, trong khi ngoài đường nắng chỉ mới dịu xuống. "Nhà ở đô thị, nơi tấc đất tấc vàng mà” - tôi tự an ủi.

Chờ có điện thì biết đến bao giờ? Vừa làm thức ăn, tôi vừa loay hoay xoay trở nồi cơm trên bếp gas. Không khéo thì cơm sống hoặc khê như chơi. Lâu rồi, toàn nấu bằng nồi cơm điện, giờ phải đánh vật với nồi cơm trên bếp gas thật không dễ chút nào!

Chồng tôi về đến nhà cũng là lúc cơm canh đã nấu xong. Cả nhà dọn cơm bên ánh nến.

Xới cơm cho cả nhà xong, nhìn đáy nồi có cơm cháy, tôi hỏi chồng tôi ăn không, anh gật đầu cái rụp. Chan một tí nước thịt ba rọi kho khô vào chén cơm cháy vàng ruộm, anh ăn một cách ngon lành. "Ngon quá! Hơn 10 năm ở Sài Gòn mới được ăn miếng cơm cháy ngon như vậy! Nấu cơm điện thì làm gì có cơm cháy mà ăn. Mà nhà mình giống như đang ăn cơm ở nhà hàng vậy, nến lung linh, lãng mạn quá chừng!".

Tôi liếc xéo chồng: "Cúp điện cực muốn chết mà anh vui dữ vậy sao. Thiệt là vô tâm!".

Chồng tôi vỗ về: "Tại lâu rồi mới được ăn cơm cháy nên anh thích. Nhớ hồi còn ở quê, anh luôn giành phần vét nồi để được ăn cơm cháy với nước cá kho. Em nấu bếp gas mà cơm ngon không thua gì bếp củi. Nhờ cúp điện mà anh phát hiện ra vợ mình thật đảm đang. Hôm nay anh xung phong rửa chén, xong chở hai mẹ con ra công viên hóng mát, chịu không?".

Cu Bi khoái chí: "Hoan hô ba!".

Bi vui cũng phải thôi, vì mỗi khi xong bữa tối, trong lúc tôi dọn dẹp nhà cửa thì chồng tôi hướng dẫn Bi tô màu và viết chữ. Tôi xong việc nhà cũng là lúc hai cha con hoàn thành nhiệm vụ sau một lúc con khóc nhè vì lười tô, lười viết, ba thì gào lên vì không đủ kiên nhẫn với ông con. Sau đó, Bi mới được xem tivi, vệ sinh, thay đồ xong thì đi ngủ... Sau khi Bi ngủ thì ba lướt web hoặc coi đá bóng, mẹ cặm cụi chấm bài, soạn bài. Thỉnh thoảng Bi mới được đi chơi vào ngày cuối tuần nếu ba không bận tăng ca và mẹ không có lịch dạy.

Ra công viên, Bi như chú chim được sổ lồng, vừa chạy nhảy vừa luôn miệng: "Ba ơi, cái cây này tên gì vậy ba? Mẹ ơi, màu xanh tiếng Anh nói sao hả mẹ?... Ba à, cho Bi chơi thêm năm phút nữa nghen...".

Hơn 8 giờ tối Bi mới phụng phịu chịu ngồi lên xe để về nhà. Rồi đột nhiên Bi hỏi: "Khi nào cúp điện nữa hả mẹ?". Tôi thật thà: "Mẹ không biết. Cúp điện tối tăm nên con sợ, phải không?". Bi nhanh nhảu: "Không, Bi đâu có sợ! Cúp điện có ba, có mẹ cho Bi đi chơi, Bi còn thích nữa. Cúp điện  Bi không phải viết chữ, tô màu. Bi ước gì cúp điện hoài!".

Ba chen vào: "Vậy là ba sẽ được ăn cơm cháy mệt nghỉ luôn đó Bi. Thích quá há!"

Thiệt hết biết cha con nhà Bi. Không biết tôi nên buồn hay vui vì cúp điện nữa đây?

Nguyễn Thanh


Hãy mở lòng với con 

Tôi là giáo viên, nên trong việc giáo dục con cái tôi rất nghiêm khắc. Tôi luôn bắt các con theo khuôn phép do tôi đặt ra, một phần tôi sợ bị đánh giá là "con nhà giáo mà không có giáo dục". Tôi không cần biết con mình có vừa lòng hay không.

Khoảng cách giữa các con và tôi luôn là đạo đức và sự áp đặt, không bao giờ có những cuộc trò chuyện tâm lý hay những câu chuyện phiếm. Các con luôn giấu diếm tôi về các mối quan hệ bạn bè, may lắm chỉ nói về chuyện học hành, đó mới là vấn đề tôi quan tâm nhất.

Theo linh cảm của một người mẹ, tôi biết con gái tôi đã có bạn trai (nó đã 21 tuổi, điều đó là lẽ đương nhiên), nhưng khi tôi đặt vấn đề thì con gái tôi luôn trả lời là không có. Tôi biết rằng nó sợ tôi ngăn cấm, sợ tôi la mắng, và sẽ đặt ra những "điều luật" khác. Đó là một sai lầm của tôi, cái gì càng cấm, chúng càng thích khám phá, và muốn bứt ra khỏi cái vòng kim cô kiểm soát của cha mẹ.

Có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết được bí mật của con gái tôi, nếu không phải vô tình trong một lần dọn phòng cho con gái, dưới cái hộc tủ là một mớ giấy lộn, tôi định đem bỏ sọt rác thì một tờ giấy siêu âm rơi ra, nó mang tên con gái tôi với nội dung "thai bốn tuần tuổi", "phá thai"... Những con chữ nhảy múa trước mắt tôi, tôi choáng váng, không tin đó là sự thật. Tôi đã quản con rất chặt chẽ, khi con đi với ai cũng phải có người đó đến xin phép, không được đi quá giờ quy định (là 21 giờ). Thường thì con gái tôi hay đi với bạn gái, còn những bạn trai chỉ đến nhà và ngồi ngoài sân trò chuyện. Vậy con tôi có thai với ai? Bao giờ? Ở đâu? Con bé không có biểu hiện gì, hay tại tôi không quan tâm? Dường như sự quản lý và giáo dục của tôi đang bị xúc phạm, bị coi thường nặng nề. Tôi giận con đến cực độ, nhưng phải nói với nó thế nào đây?

Tôi bóng gió: "Con luôn nói dối mẹ, con đã lớn, có đủ lông đủ cánh rồi, con coi thường mẹ, không coi mẹ ra gì nữa phải không? Tại sao con nói dối mẹ?". Tôi nghĩ rằng con gái tôi sẽ sợ hãi, tái mặt đi vì tôi đã phát hiện ra một điều bí mật kinh khủng của nó. Nhưng không, ngược lại, con bé rất bình tĩnh: "Mẹ biết tại sao con nói dối mà, mẹ luôn áp đặt, mẹ không cần biết con nghĩ gì, mẹ không bao giờ mở lòng để con được tâm sự, con rất sợ điều đó, vì thế con luôn phải nói dối".

Con gái nhìn tôi không chớp mắt, còn tôi, rơi tỏm vào đúng khoảng lặng của chính mình. Con tôi nói quá đúng, chưa bao giờ tôi mở lòng ra với con, chưa bao giờ mẹ con tôi gần gũi ngồi với nhau tâm sự kiểu hai người "phụ nữ" với nhau. Tôi và con gái không ngủ chung giường từ khi nó cai sữa. Cũng chẳng bao giờ có chuyện con được sờ "tí” mẹ như những đứa trẻ khác mà tôi vẫn nghe kể. Tôi muốn con biết tự lập ngay từ nhỏ. Khi con gái tôi đến tuổi dậy thì, tôi đã không quan tâm, hướng dẫn con ra sao khi ngày đầu con trở thành người lớn, nhưng con bé đã tự biết xử lý...

Đến lúc này, tôi mới ngộ ra được nhiều điệp khúc "không" và "chưa bao giờ", trong trách nhiệm và cũng là thiên chức của một người mẹ. Thay vì làm bạn với con, tôi lại áp đặt con vào khuôn khổ. Tôi giáo dục con theo kiểu "gia giáo", học làm người, nhưng lại thiếu điều quan trọng nhất là giáo dục con về sự phát triển của con người, về giới tính cho con, nên mới gây ra hậu quả đáng tiếc này.

Tôi đã sai trong cách giáo dục con, tôi rất đau lòng, nhưng thiệt thòi nhất vẫn là con gái tôi.

Ly Ly


Con trai của mẹ 

Sau bữa cơm tối, con trai nói với mẹ để con trai rửa chén phụ mẹ, mẹ tròn mắt ngạc nhiên:

- Con làm được không?

- Được mà mẹ, hôm qua bà ngoại dạy con rồi!

Mẹ không sợ bể chén đĩa, chỉ lo con trai 10 tuổi chưa làm được thôi. Con trai cầm chiếc chén thủy tinh làm như rất thành thục, hướng dẫn cho mẹ.

- Mẹ biết không, rửa chén phải rửa dưới đáy này nè, vì dầu mỡ rất dễ bám dưới đó... còn rửa ly là mình rửa vòng cái miệng ly vì miệng mình uống quanh quanh đó...

Mẹ nhìn con vừa xoay xoay chén vừa nói trông rất thương.

- Bà ngoại bảo con, vì mẹ chỉ sinh được hai anh em trai nên con phải phụ mẹ việc nhà, mai mốt mẹ sinh em gái nữa thì mới có em gái làm.

- Vậy, nếu mẹ không sinh em gái nữa thì sao?

Có vẻ suy nghĩ, một lúc sau con nói:

- Thế thì... con làm cũng được.

Đến bữa cơm, con hỏi em Tí:

- Tí có muốn lớn như anh Hai không?

- Dạ có!

- Vậy Tí tự xúc cơm ăn một mình đi là lớn như anh Hai nè, để mẹ đút hoài không hành người lớn được đâu.

Hai anh em lui cui với cái chén và đôi đũa vì em Tí mới 3 tuổi, đôi tay nhỏ xíu cầm đũa lóng ngóng là... xoảng! Cái chén rơi xuống sàn bể làm đôi. Hai anh em im lặng chờ... mẹ mắng. Nhìn ánh mắt các con lo lắng, mẹ thương quá.

- Mẹ nghĩ lần sau mình nên cho em Tí ăn chén nhựa, Gôn nhỉ!

- Dạ!

Con trai cười hớn hở. Những ngày sau đó, con chủ động giúp mẹ quét nhà dù chưa sạch, cất quần áo dù chưa gọn gàng, dọn cơm dù có lúc bể chén đĩa... Mẹ rất hạnh phúc và càng thương các con trai của mẹ. Mẹ tự hào vì Gôn của mẹ đã sớm biết chia sẻ cùng mẹ và sống rất tình cảm.

Cuối tuần này ba mẹ sẽ về để cảm ơn bà ngoại thôi, phải không con trai?

An Hạ Châu


Lời xin lỗi 

Quá trưa, trường học đã vắng ngắt. Đi tìm ngược xuôi, bố bạn con đã lo lắng đến mức quát cho mấy đứa một trận. Chẳng ai có thể ngờ là ngay chiều đấy, bác ấy mất. Nhồi máu cơ tim. Quá bất ngờ và xót xa. Đó là lý do vì sao con về muộn và khóc bên đường. Bố biết con đã cảm nhận được sự sống và cái chết mong manh đến nhường nào, và con đã tự học được cách nói lời xin lỗi trước khi quá muộn.

Tóc bò liếm, trán dô cao, con thường lấy lý do ấy giải thích vì sao con bướng bỉnh như thế.

Con chưa bao giờ nói "xin lỗi" ngay cả khi biết mình sai. Cũng chưa bao giờ bố mẹ đánh con vì bố mẹ không cho rằng roi vọt có thể đem lại kết quả. Đòn duy nhất mà con nhận được là khi năm tuổi, từ cô giáo. Con tranh đồ chơi của bạn. Cô hỏi: "Tại sao con lấy đồ chơi của bạn?". Con cãi: "Đấy là đồ chơi của cả lớp, Nhím cũng phải được chơi chứ". "Nhưng bạn đang chơi, con không được tranh". "Bạn chơi trước rồi thì phải đến lượt Nhím chứ". Cô giáo nói một câu, con cãi một câu nên cô giáo bực mình, vặt mông con một cái. Con hét: Cô là phù thủy. Cô giận quá, vặt thêm mấy cái. Con nằm lăn ra nhà... cười. Khi bố đến đón con, cô còn bảo: "Em đánh cháu mà cuối cùng em khóc chứ không phải cháu!".

Bố mẹ đã áp dụng nhiều "chiến thuật" để con học cách "xin lỗi". Nói nhẹ nhàng, đe nẹt, dọa dẫm. Cho con đọc sách báo thiếu nhi có những câu chuyện, những bài học... Vẫn không được. Một tối bố vắng nhà. Con không cho chị ngủ cùng bên mẹ. Mẹ nói thế nào con cũng đẩy chị ra, thậm chí cắn cả chị. Mẹ giận quá, lôi con ra ngõ, khóa cổng lại, bắt con ở đó đến khi con thật sự "xin lỗi" mới cho vào. Đêm tối, đom đóm lập lòe, mẹ và chị dọa ma. Bảy tuổi, tất nhiên con sợ ma chết khiếp. Mẹ kể lại với bố, cuối cùng, sau hai tiếng đồng hồ thi gan, mẹ đành mở cổng cho con. Lúc đó, người con sưng vù vết muỗi cắn, lạnh buốt, tái đi. Mẹ cuống lên lấy dầu xoa cho con, chẳng còn nhớ bắt con phải xin lỗi nữa.

Lớp bốn, con học xa nhà hơn 5km, bạn bè ở lại trường, cuối tuần mới về nhà nhưng con không thích. Cuối cùng, như bao lần khác, bố mẹ đành nhượng bộ, để con đạp xe, sáng đi chiều về, trưa con nghỉ ở nhà một người bạn gần đấy.

Một tối mùa đông, đã 7g mà con chưa về. Bố mẹ hết sức lo lắng. Mẹ ra ngõ ngóng. Bố đạp xe dọc đường con đi học. Tim bố thót lại khi thấy con co ro bên đường giữa mù mịt gió mưa. Bố đã đến ôm chặt lấy con, nước mắt con thấm vào tim bố, lạnh buốt. Con thì thầm: "Bố ơi, con xin lỗi". Con biết lúc ấy bố "sốc" thế nào không? Lời "xin lỗi" đầu tiên của con! Bố đã mong nó biết bao nhiêu, nhưng chắc chắn không phải trong trường hợp thế này. Chuyện gì đã xảy ra với con?

Hôm đó, khi tan học buổi sáng, con cùng người bạn thân đạp xe trong sân trường. Thầy hiệu phó bắt gọn cả nhóm. Dĩ nhiên, thầy yêu cầu viết kiểm điểm và mời phụ huynh đến (trường con cấm học sinh đi xe trong sân). Cả nhóm sợ quá, chui vào phòng học, ôm nhau khóc.

Quá trưa, trường học đã vắng ngắt. Đi tìm ngược xuôi, bố bạn con đã lo lắng đến mức quát cho mấy đứa một trận. Chẳng ai có thể ngờ là ngay chiều đấy, bác ấy mất. Nhồi máu cơ tim. Quá bất ngờ và xót xa. Đó là lý do vì sao con về muộn và khóc bên đường. Bố biết con đã cảm nhận được sự sống và cái chết mong manh đến nhường nào, và con đã tự học được cách nói lời xin lỗi trước khi quá muộn.

Một lời xin lỗi khiến bố đau xót.

Nhưng cũng là lời xin lỗi khiến bố tự hào về con.

Minh Vũ


Lòng trung thực 

Chủ nhật, mẹ và con mới có dịp rảnh rỗi để đi nhà sách, vừa thư giãn, vừa chọn mua sách và đồ dùng học tập.

Sau một hồi so sánh, cân nhắc, hai mẹ con cũng tìm được kha khá dụng cụ học tập, đủ cho con cả một học kỳ. Quầy tính tiền đông đúc hơn vào cuối tuần, trời cũng đã tối nên ai cũng muốn nhanh chóng thanh toán xong để ra về. Cô thu ngân toát mồ hôi với một loạt yêu cầu từ khách hàng. Ai cũng muốn mình là người được giải quyết trước.

Vất vả chen khỏi đám đông từ quầy tính tiền, mẹ và con lỉnh kỉnh những món đồ trên tay, nhanh bước ra cổng. Theo thường lệ, mẹ không quên kiểm tra lại phiếu thanh toán, chỉ là để chắc chắn không mua thiếu đồ. Mẹ nhẩm tính và chợt nhận ra cô thu ngân đã bỏ sót không tính tiền năm đồ chuốt bút chì, có lẽ do con tinh nghịch bỏ vào trong hộp viết, trong lúc thanh toán đông đúc, cô ấy đã không kiểm tra lại.

Hơi lưỡng lự khi nghĩ đến cảnh phải chen trở lại vào đám đông kia, con lại kéo mẹ đi nhanh vì biết ba đang nóng lòng chờ trước cổng. Mẹ nhẩm tính: "Trị giá của năm đồ chuốt bút chì là 10.000đ, không lớn lắm, các cô ấy nếu có bù vào cũng chẳng là bao". Nghĩ vậy, mẹ mạnh dạn bước đi, nhưng... ngẫu nhiên lúc ấy gương mặt trong sáng của con ngước lên nhìn như định nói điều gì, mẹ lại hơi chột dạ.

Quyết định nhanh chóng, mẹ kéo con quay trở lại quầy thanh toán, trả thêm tiền cho cô thu ngân trước ánh mắt ngơ ngác của con và cả sự khó chịu của vài người đứng sau làm họ phải đợi thêm. Không muốn con thắc mắc, mẹ nói ngay: "Do cô ấy tính nhầm. Số tiền tuy không lớn nhưng lại là một phần tiền công cả ngày làm việc của cô ấy. Nếu chẳng may cô ấy thối nhầm nhiều người mà không ai trả lại hết, chắc cô ấy buồn lắm. Con nghĩ sao nếu ngược lại, mẹ con mình trả nhầm mà cô ấy không gửi lại?".

"À con biết rồi, cái này giống như chuyện nhặt được của rơi trả người đánh mất, cô có dạy con mà”. Nhìn ánh mắt lấp lánh của con, mẹ hơi xấu hổ, vì trước đó đã do dự không muốn quay lại. May là mẹ đã kịp quyết định đúng và nhờ vậy, con sẽ hiểu ý nghĩa của sự việc vừa rồi. Tuy hai mẹ con về trễ hơn một chút, ba đợi lâu hơn một chút, nhưng đó là bài học đáng để mẹ con ta phải suy nghĩ: sự trung thực, dẫu nhỏ thôi, nhưng là vô giá.

Nguyễn Thị Hiếu Hạnh


Trái tim người mẹ 

Sách Ngữ văn 6 có truyện Mẹ hiền dạy con. Truyện kể về một người mẹ rất thương con, đặc biệt có phương pháp dạy con tuyệt vời. Đó là Mạnh Mẫu.

Chính nhờ mẹ, Mạnh Tử đã trở thành một bậc vĩ nhân.

Thử đặt giả thiết, nếu Mạnh Mẫu không có ý thức dạy con ngay từ thuở ban đầu, có thể Mạnh Tử đã trở thành người phu đào huyệt, kẻ khóc thuê? Hoặc một kẻ buôn bán điên đảo? Nếu Mạnh Mẫu không dọn nhà đến cạnh trường học, Mạnh Tử biết bắt chước ai để “học tập lễ phép, cắp sách vở”? Nếu Mạnh Mẫu không cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, Mạnh Tử có quyết tâm học tập để trở nên “bậc đại hiền”? Hóa ra, người mẹ đóng vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách của con, quyết định cả cuộc đời con!

Cũng dễ hiểu. Bởi chín tháng mười ngày mẹ cưu mang con. Con chính là máu thịt của mẹ. Rồi mẹ sinh ra con, nâng niu ấp ủ con, cho con bú mớm. Mẹ hát ru con ngủ… kể chuyện con nghe… dạy bảo con …. Mầm sống của con nhú lên từ trong lòng mẹ và con cũng bắt đầu cuộc sống từ dòng sữa ngọt lành trong bầu vú mẹ. Từ một hình hài bé xíu, con dần dần lớn lên, quấn quít, lẫm chẫm bên chân mẹ. Lời mẹ nói, việc mẹ làm; con nghe, con thấy… Cho nên mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến con. Chị Hai tôi tính nết dịu hiền, ăn ở có nhân có nghĩa, có ý thức dạy con nên người; các con của chị đều ngoan ngoãn, hiếu thuận.

Dĩ nhiên môi trường có ảnh hưởng tới con, vì nhà gần nghĩa địa nên Mạnh Tử mới bắt chước “đào, chôn, lăn, khóc”, vì ở gần chợ nên bắt chước nô nghịch, “buôn bán điên đảo”, rồi nhờ ở gần trường học mà bắt chước học tập lễ phép… Nhưng nếu không có tình yêu thương con; sự chủ động, ý thức quyết tâm dạy con nên người của Mạnh Mẫu qua chính hành động của mình thì liệu Mạnh Tử có trở thành bậc hiền triết?

Chị hàng xóm tôi là người mẹ mẫu mực, nhưng con trai chị lại bị bạn bè lôi kéo vào con đường nghiện hút. Nhờ luôn sát sao con, chị đã phát hiện kịp thời và với tấm lòng người mẹ, chị đã giúp con cai nghiện. Con chị đã trở lại cuộc sống bình thường.

Dì Tám bán vịt lộn, chân chất hiền lành, cả đời nhọc nhằn tần tảo nuôi đứa con trai duy nhất, mong nó nên người, đâu ngờ, nó theo bọn xấu đi cướp giật. Biết được, dì bỏ tất cả, lăn lội tìm con. Dì khóc dưới chân con. Nước mắt dì đã cảm hóa được con, nó quay về làm ăn lương thiện.

Nói vậy không có nghĩa là tuyệt đối hóa vai trò của người mẹ và vô hiệu hóa những quan hệ khác. Bên cạnh mẹ, đứa trẻ còn có cha, có đại gia đình, họ hàng gần xa, có nhà trường, bạn bè.... Cha là tấm chắn, là chỗ dựa vững chắc cho con trước phong ba bão táp ở đời: “Con có cha như nhà có nóc”, “Còn cha gót đỏ như son”… Tấm lòng nhân hậu, đạo đức của ông bà là tấm gương trong sáng cho con cháu… Nhà trường, nơi giáo dục đào tạo con người…

Tóm lại, gia đình là cái nôi hình thành nhân cách của con trẻ. Nhưng có lẽ, đặc biệt quan trọng hơn hết thảy là vai trò của người mẹ: Trái tim người mẹ là trường học của con (danh ngôn phương Tây), hoặc: Phúc đức tại mẫu (danh ngôn phương Đông).

Vì vậy, con cái nên người, phần không nhỏ là nhờ tình yêu thương, công lao biển trời của mẹ - của trái tim người mẹ.

Kim Chi