Truyện Minh Hoạ - Gia Đình

Cái bát gỗ

Tôi cam đoan bạn sẽ nhớ được câu chuyện của cái bát gỗ này vào ngày mai, tuần tới, tháng tới hay năm tới nữa.

 Một ông già gầy yếu phải dọn đến ở chung với con trai, con dâu và một đứa cháu nội lên 4 tuổi. Ông già hai tay run rẩy, mắt đã mờ, chân bước không vững. Cả gia đình ngồi ăn chung nơi bàn ăn.

 Nhưng người ông lớn tuổi với hai tay lụng cụng và đôi mắt kèm nhèm khiến cho việc ăn uống rất khó khăn. Những hạt đậu rớt từ muỗng xuống sàn nhà. Khi ông với tay lấy ly sữa thì sữa đổ tóe ra khăn bàn.

 Người con trai và con dâu rất bực mình vì phải lau chùi dọn dẹp cho ông. Người con trai nói: “Chúng mình phải làm một cái gì để giải quyết vấn đề này. Anh chán ngấy cái vụ ông đánh đổ sữa, ăn uống nhồm nhoàm, và đánh đổ thức ăn trên sàn nhà.”

 Do đó hay vợ chồng bàn nhau đặt một cái bàn trong góc phòng. Ở đó, người ông phải ngồi ăn một mình trong khi cả gia đình ăn uống vui vẻ. Vì ông cụ đã đánh vỡ mấy cái đĩa, thức ăn của ông được bỏ vào một cái bát gỗ.

 Khi cả gia đình liếc nhìn về phía ông cụ, đôi khi thấy ông chảy nước mắt khi phải ngồi một mình. Vậy mà, mỗi khi ông đánh rơi muỗng nĩa hay đánh đổ thức ăn, hai vợ chồng vẫn còn la rầy ông.

 Đứa cháu 4 tuổi quan sát mọi sự trong thinh lặng.

 Một tối kia, ngay trước bữa ăn, người cha thấy đứa con nghịch với mấy khúc gỗ vụn trên sàn. Anh ta dịu dàng hỏi: “Con đang làm gì vậy?”

 Đứa bé cũng trả lời dịu dàng không kém: “Ồ con đang làm một cái bát nhỏ cho ba và mẹ ăn khi con lớn lên.” Nó cười và tiếp tục làm việc.

 Những lời nói của đứa trẻ làm cho cặp vợ chồng sững sờ không nói nên lời. Rồi những giọt nước mắt tuôn rơi trên mặt họ.  Dù không nói ra lời, cả hai đều hiểu phải làm cái gì.

 Tối hôm ấy, người con trai, cầm tay bố và dịu dàng dắt ông cụ trở về bàn ăn của gia đình. Và trong suốt những ngày còn lại của cuộc đời ông cụ được ngồi ăn chung với gia đình.  Và từ đó cả chồng lẫn vợ dường như không còn chú ý đến những lúc muỗng nĩa rơi, sữa bị đổ tràn hay khăn bàn bị dính bẩn.

Bùi Hữu Thư dịch  


Nhảy Múa dưới cơn mưa

Lúc đó khoảng 8;30 sáng, phòng cấp cứu rất bận rộn. Một ông cụ khoảng trên 80 tuổi bước vào phòng và yêu cầu được cắt chỉ khâu ở ngón tay cái. Ông cu nói ông rất vội vì ông có một cuộc hẹn vào lúc 9 giờ. Tôi bắt mạch, đo huyết áp cho ông cụ xong, tôi bảo ông ngôi chờ vì tôi biết phài hơn một tiếng đồng hồ nữa mới có người đến cắt chỉ khâu cho ông. Tôi thấy ông nôn nóng nhìn đồng hồ nên tôi quyết định sẽ đích thân khám vết thương ở ngón tay cái của ông cụ. vì lúc đó tôi cũng không bận với một bịnh nhân nào khác cả. 

Khi khám tôi nhận thấy vết thương đã lành tốt vì vậy tôi đi lấy dụng cụ để tháo chỉ khâu ra và bôi thuốc vào vết thương cho ông cụ. Trong khi săn sóc vết thương cho ông cụ tôi hỏi ông là ông vội như vậy chắc là ông có môt cuộc hẹn với một bác sĩ khác sáng hôm nay phài không. 

Ông nói không phải vậy nhưng ông cần phải đi đến nhà dưỡng lão để ăn điểm tâm với bà cụ vợ của ông ở đó.

Tôi hỏi thăm sức khỏe của bà cụ thì ông cho biết là bà đã ở viện dưỡng lão một thời gian khá lâu rồi và bà bị bệnh Alzheimer (bệnh mất trí nhớ ở người lớn tuổi). Khi nói chuyện tôi có hỏi ông cụ là liệu bà cụ có buồn không nếu ông đến trể một chút. Ông cụ nói bà ấy không còn biết ông là ai nữa và đã 5 năm nay rồi bà không còn nhận ra ông nữa. Tôi ngạc nhiên quá và hỏi ông cụ, ' và Bác vẫn đến ăn sáng với Bác gái mỗi buồi sáng mặc dù Bác gái không còn biết Bác là ai nữa?' Ông cụ mĩm cười, vỗ nhẹ vào tay tôi rồi nói 'Bà ấy không còn  biết tôi nữa nhưng tôi vẫn còn biết bà ấy là ai.' 

Khi ông cụ bước ra khỏi phòng, tôi phải cố gắng lắm để khỏi bật khóc. Tôi vô cùng xúc động và thầm nghĩ, 'Ước gì đời mình có được một tình yêu như thế!'  

Sưu tầm


Bức tranh đẹp nhất

Mt ha sĩ sut đời mơ ước mt bc tranh đẹp nht trn gian. Ông đến hi v giáo sư để biết điu gì đẹp nht. V giáo sư tr li: "Tôi nghĩ điu đẹp nht trn gian là nim tin, vì nim tin nâng cao giá tr con người."

Người họa sĩ cũng đặt câu hỏi tương tự với một cô gái và được trả lời: "tình yêu" là điều đẹp nhất trần gian, bởi tình yêu làm cho cay đắng trở nên ngọt ngào, mang đến nụ cười cho kẻ đang than khóc, làm cho điều bé nhỏ trở nên cao quý, cuộc sống sẽ nhàm chán biết bao nếu không có tình yêu"

Cuối cùng, người họa sĩ gặp một người lính mới trở về từ mặt trận, khi được hỏi, người lính trả lời: "hòa bình" là cái đẹp nhất trần gian, ở đâu có hòa bình, ở đó có cái đẹp."

Khi trở về nhà, người họa sĩ nhận ra niềm tin trong ánh mắt các con, tình yêu trong cái hôn của người vợ. Chính những điều đó khiến tâm hồn ông ngập tràn hạnh phúc và bình an. Bây giờ thì ông đã hiểu thế nào là điều đẹp nhất trần gian. Sau khi tác phẩm của mình hoàn thành, người họa sĩ đặt tên cho bức tranh của mình là: "gia đình"

Thật vậy, gia đình là nơi đầy ấp tiếng cười của trẻ thơ, tiếng hát của người mẹ và sức mạnh của người cha. Nơi đó có hơi ấm của những con tim biết yêu, là ánh sáng của đôi mắt tràn đầy hạnh phúc, là sự ân cần, là lòng chung thủy. Gia đình là ngôi thánh đường đầu tiên cho tuổi thơ học những điều hay lẽ phải, niềm tin và lý tưởng sống.

- Đó là nơi chúng ta tìm về để được an ủi, nâng đỡ

- Đó là nơi những món ăn đơn sơ cũng trở thành mỹ vị

- Đó là nơi tiền bạc không quí bằng tình yêu

- Đó là nơi ngay cả nước sôi cũng reo lên niềm vui và hạnh phúc.

Sưu tầm


Câu Chuyện Cát Đá

Một cô gái nọ vì buồn phiền chuyện gia đình nên đem hai đứa con nhỏ về nhà cha mẹ để ở. Cô ta khóc kể than thở với mẹ:

- Con thực sự hết sống nổi với hắn ta rồi. Thà là sống một mình như vậy nuôi hai đứa con còn sướng hơn. Lúc nào trong nhà cũng có chuyện gây gổ. Cứ như thế thì hai đứa bé ngày nào cũng chứng kiến những điều không tốt, lớn lên sẽ bị ảnh hưởng xấu.

Người mẹ nhìn cô con gái nhẹ nhàng nói:

- Con à. Gia đình nào mà không có những chuyện xích mích bất hòa. Trời còn có mưa có nắng huống gì con người lúc giận lúc vui. Nếu con sợ mấy cháu bị ảnh hưởng không tốt thì hai vợ chồng nên thông cảm và nhẫn nhịn nhau chứ đâu phải giải quyết như thế. Hãy nhớ lại xem, cha mẹ đâu có ép duyên con đâu. Chính con đã từng yêu thương nhung nhớ, chính con đã từng thề non hẹn biển. Còn nhớ không con?

Cô con gái vừa khóc vừa trả lời với giọng bực mình:

- Hồi đó con bị lầm vì chưa có kinh nghiệm. Bây giờ con đã khôn hơn và trưởng thành rồi. Trên đời này đâu phải chỉ mình hắn là đàn ông.

Người mẹ vẫn nhẫn nại khuyên con:

- Con ơi. Con cho rằng hai đứa cháu ngoại của mẹ sống không cha là tốt và không bị ảnh hưởng xấu sao con? Ngày xưa cha mẹ mà có những suy nghĩ như con hôm nay thì con đã không biết cha hay mẹ mình là ai đó con ơi. Vợ hoặc chồng thì ai cũng có thể tìm người khác, nhưng hai đứa con của con suốt đời cũng chỉ có một người cha và một người mẹ mà thôi con ạ. Trẻ thơ mà phải chịu cuộc sống mồ côi, dù mồ côi cha hay mẹ. Đó là một điều bất hạnh lớn đối với trẻ thơ. Chỉ vì những tự ái nhỏ nhen của mình mà con đành bắt hai đứa con của chính mình gánh chịu sự bất hạnh này hay sao?

Nhân lúc ngoài trời đang cơn mưa nặng hạt. Người mẹ chỉ cho cô con gái:

- Con gái của mẹ hãy nhìn xem. Nơi vườn cà ngoài kia, con gà mái đang xòe rộng hai cánh hứng chịu cơn mưa gió bão bùng để ấp ủ cho đàn con. Một con gà mẹ mà còn sẵn sàng chịu đựng những gió mưa cuộc đời cho đàn con được yên ấm. Mà con gái của mẹ chẳng chịu đựng nổi những bất hòa giữa vợ chồng để bắt hai đứa con của chính mình phải hứng chịu bất hạnh cuộc đời sao con. Những xích mích phiền muộn trong cuộc sống vợ chồng chưa đáng để gọi là gió bão cuộc đời và nhẫn chịu những điều đó cũng chưa đáng để gọi là sự hy sinh cao cả của lòng mẹ thương con đâu con ạ. Hãy bình tâm suy nghĩ kỹ lại đi con gái yêu thương của mẹ.

Nghe lời mẹ khuyên cùng nhìn hình ảnh gà mẹ chịu đựng cơn mưa gió che chở cho đàn con, cô con gái vui vẻ đem hai đứa con trở về với gia đình. Và từ đó gia đình cô ta, vợ chồng con cái sống yên vui hạnh phúc trong yêu thương và thông cảm.

Sưu tầm


Học cách lắng nghe

Nửa đêm. Chuông điện thoại reo vang làm người mẹ thức giấc. Như chúng ta biết, ai nghe điện thoại reo lúc nửa đêm cũng bực mình nhìn đồng hồ và lẩm bẩm… Nhưng buổi đêm đó thì khác, người mẹ ấy cũng khác.

Nửa đêm. Những ý nghĩ lo lắng bỗng tràn đầy trong đầu óc của người mẹ. Và người mẹ nhấc máy “Alô ?”. Bỗng bà nghĩ đến con gái mình. Bà nắm ống nghe chặt hơn và nhìn về phía người bố, lúc này đã tỉnh dậy xem ai đã gọi điện cho vợ mình.

- Mẹ đấy ạ? - Giọng nói trên điện thoại cất lên, như đang thì thầm, rất khó đoán là người gọi bao nhiêu tuổi, nhưng chắc chắn là cô gái đó đang khóc. Rất rõ. Giọng thì thầm tiếp tục:

- Mẹ, con biết là muộn rồi. Nhưng đừng nói … đừng nói gì, để con nói đã. Mẹ không cần tra hỏi đâu, đúng con vừa uống rượu. Con mới ra khỏi đường cao tốc và…

Có cái gì đó không ổn. Người mẹ cố im lặng…

- Con sợ lắm. Con chỉ vừa mới nghĩ là mẹ có thấy đau lòng không nếu một cảnh sát đến cửa nhà mình và bảo con đã chết vì tai nạn. Con muốn… về nhà. Con biết, một đứa con gái bỏ nhà đi quả thật là hư hỏng. Con biết có thể mẹ lo lắng. Lẽ ra con nên gọi cho mẹ từ mấy ngày trước, nhưng con sợ… con sợ…

Người mẹ nắm chặt ống nghe, nuốt tiếng nấc. Người mẹ nén những cái nhói lên đau đớn tận trong tim. Khuôn mặt con gái bà hiện rõ ràng ngay trước mặt bà. Bà cũng thì thầm: “Mẹ nghĩ…”.

- Không! Mẹ để con nói hết đã! Đi mẹ!

Giọng cô gái năn nỉ, lúc này giọng cô gái như một đứa trẻ không được che chở và đang tuyệt vọng. Người mẹ đành dừng lại, và bà cũng đang nghĩ xem nên nói gì với con. Giọng cô gái tiếp:

- Con là đứa hư hỏng, mẹ ạ! Con trốn nhà! Con biết con không nên uống rượu say thế này, nhưng con sợ lắm, mẹ ơi! Sợ lắm…

Giọng nói bên kia lại ngắt quãng bởi những tiếng nấc. Người mẹ che miệng, mắt đầy nước. Tay người mẹ chạm vào ống nghe điện thoại làm vang lên tiếng “cạch”, nghe như tiếng đặt máy, cô gái vội kêu lên:

- Mẹ còn nghe con không ? Con xin mẹ đừng đặt máy!

- Con cần mẹ, con thấy cô đơn lắm!

- Mẹ đây, mẹ sẽ không đặt máy đâu – Người mẹ nói.

- Mẹ ơi, con lẽ ra phải nói với mẹ. Con biết lẽ ra con phải nói với mẹ. Nhưng khi mẹ nói chuyện với con, mẹ chỉ luôn bảo con là phải làm gì. Mẹ nói mẹ đã đọc hết quyển sách tâm lý và biết cách dạy con, nhưng tất cả những gì mẹ làm là chỉ bắt con nghe thôi. Mẹ không nghe con. Mẹ không bao giờ để con nói với mẹ là con cảm thấy ra sao. Cứ như là cảm giác của con chẳng quan trọng gì vậy. Có phải vì mẹ nghĩ mẹ là mẹ của con và mẹ biết hết mọi lời giải đáp không ? Nhưng đôi khi con không cần những lời giải đáp. Con chỉ cần một người lắng nghe con…

Người mẹ lặng đi. Bà nhìn những quyển sách tâm lý bà để ở đầu giường.
- Mẹ đang nghe con – Người mẹ thì thầm.

- Mẹ ơi, khi ở trên đường cao tốc, con không điều khiển nổi xe nữa. Con nhìn thấy một cái cây to lắm chắn đường con. Con muốn đâm vào nó. Nhưng con cảm thấy như con đang nghe mẹ dạy rằng không thể lái xe khi vừa uống rượu. Cho nên con dừng lại đây. Mẹ ơi, vì con vẫn còn… muốn về nhà – Cô gái dừng lại một chút – con đi về nhà đây, mẹ, cho con về, mẹ nhé?

- Không – người mẹ vội ngắt lời, cảm thấy cơ thể như đông cứng lại – con ở yên đó! Mẹ sẽ gọi một chiếc taxi đến đón con. Đừng tắt máy, hãy nói chuyện với mẹ trong khi chờ taxi đến.

- Nhưng con muốn về ngay, mẹ ơi…

- Nhưng hãy làm điều này vì mẹ, hãy chờ taxi đi, mẹ xin con.

Người mẹ thấy cô gái im lặng. Thật đáng sợ. Không nghe cô trả lời. Người mẹ nhắm mắt, thầm cầu nguyện trong khi người bố đi gọi một chiếc taxi.

Cô gái im lặng rất lâu nhưng cô không tắt máy và người mẹ cũng vậy.

- Có taxi rồi mẹ ạ! - Tiếng cô gái bỗng vang lên và có tiếng xe ôtô dừng lại. Người mẹ bỗng thấy nhẹ nhõm hơn. - Con về nhà ngay đây, mẹ nhé!

Có tiếng “tích”, có lẽ là tiếng tắt máy điện thoại di động. Rồi im lặng.

Người mẹ đứng dậy, mắt nhòe nước. Bà đi vào phòng cô con gái 16 tuổi. Người bố đi theo, và hỏi:

- Em có nghĩ là cô bé đó sẽ biết là cô đã gọi nhầm số điện thoại ?

Người mẹ nhìn đứa con gái đang ngủ ngon trên giường, và trả lời:

- Có lẽ cô bé đã không gọi nhầm…

- Bố mẹ làm gì thế ? - Giọng ngái ngủ của cô con gái cất lên khi cô mở mắt và thấy bố mẹ đứng cạnh giường mình.

- Bố mẹ đang tập… - Người mẹ trả lời.

- Tập gì ạ ? – Cô bé lẩm bẩm, gần như lại chìm vào giấc ngủ.

- Tập lắng nghe – Người mẹ nói thầm và vuốt tóc cô con gái.

Sưu tầm


CANH RAU MỒNG TƠI

Có lẽ với ai đó khi nghĩ về mẹ, về những món ăn mẹ nấu sẽ nhớ nhiều đến thứ ngon vật lạ, còn tôi đơn giản chỉ là món canh rau mồng tơi thuở ấy.
Ngày đó bố mất, mẹ một mình nuôi ba anh em ăn học, bữa cơm của mấy mẹ con chẳng bao giờ có đủ thịt cá. Cơm dọn ra chỉ bát nước mắm, vài quả cà với nồi canh rau mồng tơi, gần như là ngày nào cũng vậy. Rau mẹ hái ở ngoài vườn rửa sạch, nước đổ vào nồi nổi lửa, đợi sôi lên thì thả rau, thêm ít muối trắng, bắc xuống thế là thành canh.

Bữa nào mẹ đi chợ mua ít thịt bỏ vào nồi canh trở nên ngọt lạ, hôm đó tôi ăn nhiều hơn, đưa bát liên tục. Mẹ bảo: “Nấu canh có thịt dễ ăn hơn phải không con?”. Tôi ngoan ngoãn gật đầu. Thế là từ bữa đó nồi canh rau mồng tơi thay vì chỉ có nước lã đã có thêm thịt. Tôi lớn dần bên mẹ cùng với món sở trường là canh rau mồng tơi, ăn hoài thành nghiền. Mà lạ một nỗi vườn nhà tôi trồng rau gì cũng không thể phát triển được trừ rau này.

Ngày tôi vào đại học mẹ cũng ăn mừng bằng nồi canh rau mồng tơi, nhưng lần này là nấu bằng nước luộc gà. Trước hôm tôi đi mẹ dặn đủ điều sợ con điều gì cũng không biết. Lúc mẹ tiễn ra xe, tôi chẳng dám ngoái lại nhìn nhưng qua gương chiếu hậu tôi thấy mẹ khóc. Hình ảnh mẹ gầy ốm, đứng lẻ loi cuối con đường cứ bám riết lấy tôi suốt chặng đường dài...

Vào Sài Gòn chỉ có một mình, lạ lẫm và cô đơn tôi nhớ mẹ vô cùng. Bữa cơm đầu ăn ở quán theo thói quen gọi canh rau mồng tơi, nhưng người ta không bán, thế là tôi nhịn đói luôn. Lúc ấy tôi ước gì mình có đôi cánh bay về với mẹ để lại được ăn với mẹ bữa cơm chiều, được húp bát canh rau mồng tơi, được ngủ chung với mẹ và để lại được rúc mặt vào bộ ngực không còn căng đầy của mẹ mà say nồng tới sáng.

Thời gian trôi nhanh quá! Giờ ngồi nhớ lại tất cả tôi không nghĩ gia đình mình đã trải qua những tháng ngày vất vả như thế. Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi lúc này là hằng ngày đi làm về nhìn thấy mẹ, cất tiếng gọi "mẹ ơi" và để tôi có thời gian bù đắp vào khoảng thời gian trước đó - khoảng thời gian mà tôi biết mẹ đã thắt lưng buộc bụng nuôi các con thành người.

Tác giả: Đoàn Xuân


BÓNG MẸ

Con nhổ thêm cho mẹ mấy sợi tóc bạc nữa thôi vì nó ngứa quá”! “Con mới nhổ cho mẹ tuần trước mà, sao tóc mẹ nhanh bạc thế, con nhổ mỏi hết cả tay rồi”... Bọn con càng lớn lên mẹ càng gầy yếu, tóc càng thêm sợi bạc, vậy mà hồi đó, mỗi lần mẹ nhờ nhổ mấy sợi tóc bạc con lại than mỏi.

Chiều nay cơn mưa lại rả rích, Sài Gòn nhộn nhịp là thế nhưng mỗi lần mưa con lại cảm thấy cô đơn khủng khiếp. Chắc giờ này ở quê một mình mẹ thui thủi trong căn nhà gỗ. Mỗi lần mưa nước tràn vào nhà, mẹ lại nhẫn nại lấy thau tát nước. Mấy lần anh hai bảo mẹ nâng nền nhà lên cho nước khỏi tràn vào nhưng mẹ nói chờ con Út ra trường rồi tính .

Con vào Sài Gòn học. Mẹ vẫn cặm cụi phơi bắp dưới cái nắng khắc nghiệt của miền Trung, nhưng chưa một lần than thở khi con gọi điện bảo mẹ gửi tiền cho con.

Đã hai mùa phượng nở mà con vẫn chưa về thăm mẹ, chị hai đi lấy chồng, anh hai đi tàu ngoài biển không biết khi nào mới về.

Giờ này lại một mình mẹ bên mâm cơm chiều. Bạn con gọi điện nói mỗi lần nó đến chơi, nhìn mẹ một mình bên mâm cơm vẫn để bốn cái chén như thuở tụi con còn ở nhà mà nó rơi nước mắt.



Sáng nay con nghe bài hát Mừng tuổi mẹ con đã khóc, con thấy sợ! Một nỗi sợ mơ hồ mà con không thể gọi thành tên. Và con ước giờ này có mẹ bên cạnh để sà vào lòng mẹ như ngày còn bé.

Hè này, con đã đặt vé tàu về quê. Con sẽ nhổ tóc sâu cho mẹ thật nhiều và con chỉ muốn nói “con yêu mẹ”. Chỉ có ba từ thôi mà sao khó thốt lên lời, nhưng lần này con sẽ không đánh mất thời gian để sau này chỉ còn tiếc nuối… Đợi con về mẹ nhé!

NGUYỄN THÙY NỮ


Đơn giản hãy gọi người là Mẹ

Có một đứa bé sắp chào đời. Nó bèn hỏi Thượng Đế:

- Họ nói ngày mai Người sẽ đưa con xuống trần gian, nhưng làm sao con sống nổi ở đó khi mà con quá nhỏ bé và bất lực như thế này?

Thượng Đế đáp:

- Trong số những thiên thần, ta đã chọn cho con một người. Thiên thần của con sẽ đợi con và săn sóc con chu đáo.

Đứa bé lại nài nì:

- Nhưng này con không phải làm việc gì ngoài ca hát và vui cười hạnh phúc chứ?

Thượng Đế đáp:

- Thiên thần của con sẽ hát cho con nghe và cũng sẽ tươi cười với con mỗi ngày. Con sẽ cảm nhận được tình thương của người dành cho con và con sẽ thấy rất hạnh phúc.

Đứa bé lại hỏi:

- Và làm sao con có thể hiểu được khi họ nói chuyện với con bằng một ngôn ngữ mà con chưa hề biết đến?

Thượng Đế trả lời:

- Thiên thần của con sẽ nói với con bằng những ngôn từ nhẹ nhàng và đẹp đẽ nhất mà con chưa từng được nghe, đồng thời với sự nhẫn nại và cẩn trọng, thiên thần của con sẽ dạy con biết nói.

- Con nghe nói chốn trần gian lắm kẻ xấu xa. Ai sẽ bảo vệ con?

- Thiên thần của con sẽ hộ trì con ngay cả khi điều đó đe dọa đến tính mạng của người.

- Nhưng con sẽ rất buồn vì không còn được nhìn thấy Ngài nữa.

- Thiên thần của con sẽ luôn nói với con về Ta, và dạy con cách thức quay về với Ta dù rằng Ta luôn cận kề con.

Vào giây phút đó, ở nơi thiên đường ngâp tràn an lạc nhưng người ta vẫn có thể nghe thấy những tiếng gọi vang vọng từ cõi thế, và đứa bé vội vàng hỏi Thượng Đế:

- Thưa Ngài, nếu con phải đi ngay bây giờ, xin hãy cho con biết tên thiên thần hộ mạng của con.

- Tên của người không quan trọng, con chỉ đơn giản gọi người là "Mẹ".

Sưu tầm


Trang cuối cùng của mẹ tôi

Enricô ơi! Thế là năm học hết rồi! Con sắp phải từ giã thầy con, bạn con. Nhân tiện mẹ cho con biết một tin buồn: cuộc từ biệt ấy không phải chỉ trong hai tháng rưỡi đâu, mà là suốt đời!

Cha con vì nghề nghiệp bó buộc phải rời Tôrinô, lẽ tất nhiên, gia đình ta phải theo cha con. Sang thu, ta sẽ dọn nhà. Con sẽ theo học trường mới. Điều đó có phần làm cho con buồn, phải không?

Mẹ chắc con quyến luyến trường cũ, ở đấy ròng rã bốn năm, con đã vui vẻ làm việc mỗi ngày hai buổi, ở đây ngày nào con cũng trông thấy thầy ấy, bạn ấy, cũng trông thấy cha mẹ con đứng chỗ ấy đón con. Con sẽ nhớ trường cũ, ở đấy trí tuệ con đã được mở mang, ở đấy con đã kết giao được nhiều bạn tốt và ở đấy mỗi một lời nói là một điều ích lợi cho con.

Hãy đem cái kỷ niệm ấy đi với con và để lời từ biệt chúng bạn với một mối nhiệt tình phát tự đáy lòng.

Rồi ra, bạn con bất hạnh cũng có người gặp sự không may, bị cha hay mẹ mất sớm, cũng có người mệnh yểu, cũng có người đem bầu máu anh dũng tưới trên bãi chiến trường, nhưng hầu hết bạn con sẽ là những người thợ chính trực trung hậu, những người cha gia đình cần mẫn đảm đang đáng trọng, và biết đâu trong đám bạn con sau này lại không có người ra gánh vác việc nước và lừng lẫy tiếng tăm!

Hãy từ biệt bạn con một cách yêu dấu thiết tha, hãy để lại một chút tâm hồn vào chốn đại gia đình ấy là nơi lúc con vào hãy còn thơ ấu, lúc con ra thì đã lớn khôn, là nơi mẹ con vẫn có cảm tình vì nơi ấy con được lòng thương mến của mọi người.

Enricô ơi! Trường học ví như người mẹ, người mẹ đã dứt con ở tay ta khi con nói chưa sõi để trả lại ta một đứa con khỏe mạnh, tử tế và siêng năng. Lạy Thượng Đế giáng phúc cho người mẹ khoan từ ấy! Này con! Con đừng quên vị ân nhân ấy, con ơi! Mai sau con nên người, con sẽ du lịch trong thế giới con sẽ trông thấy những thị thành hoa lệ, những lâu đài nguy nga, nhưng con phải nhớ luôn luôn đến nếp nhà trắng tầm thường kia với cửa chớp khép, với vườn cây xanh vì đấy là nơi bông hoa trí tuệ đầu tiên của con đã nảy nở. Mẹ tin rằng hình ảnh trường cũ của con sẽ in vào ký ức cho đến lúc tàn hơi thở cũng như không bao giờ mẹ quên được bóng dáng cái nhà của kỹ mà ở đấy mẹ đã nghe tiếng nói ban đầu của con.

Mẹ con.

Sưu tầm