Truyện Minh Hoạ - Đức Tin

Bà mẹ và cô gái

   Bà mẹ kia có đứa con gái. Nhưng con bà đâm hư hỏng và đi làm chiêu đãi ở những hộp đêm. Bà đâm buồn phiền và ngồi than thân trách phận, cho mình là vô phúc vì sinh ra một đứa con như thế. Nhưng có lần ngồi suy nghĩ lại, bà tự hỏi: nếu ta thực sự tin Chúa, tin vào tình yêu của Ngài đối với mỗi một người, tin vào sự quan phòng của Ngài thì tại sao tại không lên tiếng ca tụng Ngài ở bất cứ mọi hoàn cảnh nào. Vì nếu Ngài muốn thì cái gì cũng có thể tốt cả. Thế rồi từ đó trở đi, bà không buồn phiền mỗi khi nghĩ đến người con, nhưng luôn lên tiếng ca khen Chúa. Lần kia, gặp người bạn đến chơi, bà nói với ông về đứa con gái của bà. ... và ông này, lần nọ vào một snack bar, và vô tình gặp người con của bạn mình. Cô này tiến đến mời mọc ông. Nhưng trước sự ngạc  nhiên của cô này, thay vì nói như bất cứ người đàn ông nào vào trong quán: anh yêu em, em đẹp ... Ông ta nói: Đức Ki tô yêu cô lắm! Nói xong ông này bỏ đi.

   Một câu nói gây ngạc nhiên. Và từ ngạc nhiên làm suy nghĩ. Cô gái sau này đã làm lại cuộc đời và trở nên một tín hữu có đức tin sống động hơn rất nhiều người. Một bông hồng có thể mọc lên từ … một đống phân."

Sưu tầm


Cây đinh oan nghiệt

   Sáng ngày 5 tháng 12 năm 1991 tại thành phố Nivardô thuộc bang California miền tây Hoa kỳ khí hậu nắng ấm dễ chịu. Lợi dụng trời tốt anh Mick Saodi 32 tuổi thợ mộc, muốn hoàn thành ngôi nhà đang xây, cùng với Trovid thợ phụ anh Saodi hăng say làm việc.

   Để đóng nhưng cây đinh dài 8 phân Mick dùng một dụng cụ giống như khẩu súng, anh nạp đinh vào súng và khi cần đóng đinh vào đâu anh chỉ cần bấm cò là đinh ghim ngay vào đó dễ như chơi.

   Buổi sáng hôm đó tay cầm khẩu súng Mick cùng với Trovid chuẩn bị đóng đinh vào một tấm gỗ, bỗng một cơn gió mạnh thổi đến khiến miếng gỗ lung lay và anh Mick bị mất cân bằng. Trong nháy mắt đứa con gái của anh Mick bấm cò và chiếc đinh 8 phân bay vút ra ngoài. Thoạt đầu Mick tưởng mình đã may mắn thoát được vì không thấy đau đớn gì cả. Nhưng rồi kế sau đó anh thấy đau nhói nơi ngực như thể có thanh sắt nhọn đâm thâu anh.

   Đưa mắt nhìn xuống Mick thấy đầu chiếc đinh lòi ra trên áo của anh, đầu chiếc đinh xoắn chặt nơi mảnh áo thun. Vì quá đau Mick vội cởi phăng chiếc áo, và muốn rút cái đinh ra khỏi người. Tuy nhiên chiếc áo bị rách và cây đinh vẫn nằm yên. Trong cơn hốt hoảng Mick cầm chiếc búa định nhổ chiếc định ra, nhưng anh Trovid kịp thời ngăn chặn. Anh la lớn: “Không! Không được làm thế!”

   Trovid nhớ lại luật nền tảng của sự cấp cứu là không bao giờ được tự tay rút bất cứ vật gì, khi vật ấy cắm sâu vào người, phải nhờ đến phương thức giải phẫu. Trovid lấy hết bình tĩnh nói với Mick: “Chúng ta đi ngay đến nhà thương”. Nói xong anh dìu Mick ra xe, Trovid vừa bấm còi vừa cho xe chạy hết tốc lực, phóng tới nhà thương. Trên xe Trovid không ngừng nói với Mick: “Rồi anh sẽ hết bệnh đừng sợ hãi quá vậy”. Trong khi Mick vừa chống trả với cơn đau vừa phải xua đuổi những đen tối.

   Mick từng lãnh chức vô địch về môn trượt tuyết và nhào lộn, anh đã từng đối diện với hiểm nguy và xem cái chết nhẹ như bông gòn và lần nào anh cũng chiến thắng vinh quang. Nhưng lần này liệu anh có chết vì một tai nạn xem ra như trò chơi con nít không?  Vừa miên man nghĩ ngợi Mick vừa buồn bã tự nhủ: “Chắc chắn lần này mình không thoát khỏi lưỡi hái của tử thần”.

   Khi chiếc xe thắng mạnh trước cửa nhà thương, một vài cô y tá bước vội đến bên xe, nhìn thấy anh mặt mũi nhợt nhạt, môi tím thâm và hơi thở đứt quãng. Các y tá hiểu ngay là  phải mang anh đến phòng cấp cứu ngay lập tức. Mick được chụp hình để các Bác sĩ có thể liệu định sự hiểm nguy ở mức độ trầm trọng nào. Và khi hình hiện lên màn ảnh mọi người kinh ngạc vì thấy chiếc đinh vừa lớn vừa dài đã xuyên qua cạnh sườn và đâm thủng trái tim của Mick. Hai Bác sĩ Sasinkô Crockô và Hoqua Bol thực sự lúng túng.

   Nhà thương được trang bị đủ cho các cuộc cấp cứu nhưng chưa được trang bị các máy móc tối tân cần thiết cho các cuộc giải phẫu tim. Thế nhưng trường hợp của Mick đòi buộc phải giải phẫu tại chỗ vì nếu di chuyển sang một nhà thương khác có thể Mick sẽ tắt thở trên đường đi. Bác sĩ Bol nhà phẫu thuật nổi tiếng của bệnh viện quyết định mổ ngay.

   Nằm trên chiếc xe băng ca đẩy vào phòng mổ, Mick thì thào hỏi cô y tá: “Có phải là tôi sắp chết không?” Cố Y tá mỉm cười trấn an: “chắc chắn là không, nếu chúng tôi có thể ngăn chặn được, và ông biết là chúng tôi không bao giờ đầu hàng trước khó khăn”.

   Trong phòng mổ ê kíp Bác sĩ và y tá thật sự đương đầu với một trường hợp nan giải. Khi từ từ mổ ra, mọi người trông thấy rõ ràng tận mắt chiếc đinh xuyên qua xương ức đâm thủng lá phổi bên phải và sau cùng đâm thủng luôn phần bên phải của trái tim. Chiếc đinh còn đâm rách đại động mạch khiến máu đen chảy đầy túi bao tâm, máu đen vì thiếu dưỡng khí. Bác sĩ Bol hết sức kinh ngạc, anh lẩm bẩm: “Thường thì trong những trường hợp tương tự, cơ may sống sót chỉ xảy ra không phải một phần ngàn nhưng là một phần triệu.

   Khi chiếc đinh được lấy ra và khi vết thương được khâu lại kết thúc tốt đẹp cuộc giải phẫu. Bốn ánh mắt của hai Bác sĩ Bol và Crocko cùng giao nhau trong một ý nghĩ: “Giờ cuối cùng của nạn nhân chưa điểm!”

   Riêng Bác sĩ Bol, ông cẩn thận cất giữ chiếc đinh 8 phân, chiếc đinh đã không giết được Mick. Khi mân mê chiếc đinh trong tay, ông nói lớn cho mọi người nghe: “Khoa học không thể nào giải thích được việc thoát chết lạ lùng của Mick Saodi. Chỉ có một điều chắc chắn là thánh thiên thần bản mệnh của Mick đã cẩn thận gìn giữ anh trong ngày xảy ra tai nạn hôm đó”.

   Niềm xác tín của một Bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng vào sự che chở của thánh thiên thần bản mạnh nhắc ta nhớ lại lời Thánh Kinh:

   “Chúa sai thiên thần của Ngài đến dẫn dắt con qua mọi nẻo đường, nâng con trên tay để con khỏi vấp chân vào đá”.

   Có mấy khi ta nhớ đến thiên thần bản mạnh của mình? Nhưng Người vẫn ở đó, bên cạnh ta. Người âm thầm lặng lẽ hướng dẫn chỉ bảo trong mọi sinh hoạt của cuộc sống. Người canh chừng, bảo vệ ta trước mọi hiểm nguy.

   Người bênh vực chống đỡ cho ta trước sức tấn công của thần dữ.

   Điều cần thiết đối với ta là lắng nghe lời Người chỉ bảo tự trong tâm hồn, tin cậy vào ơn Người trợ giúp, sống với Người trong tình thân thiết, mến yêu.

   Và như thánh kinh dạy: “Chớ làm buồn lòng Người”."

Sưu tầm


Cặp mắt người mẹ

Sau quả bom nguyên tử ném xuống Nagasaki, ông Paul Nagai đã trở thành một con người bất hủ, vì sự tận tụy hy sinh vô bờ bến đối với nạn nhân. Ông để lại giòng tâm sự như sau: Từ một kẻ vô thần ông đã trở nên người Kitô hữu như thế nào: Kỳ nghỉ tết đầu năm, lúc tôi học năm thứ hai y khoa, mẹ tôi bị bệnh nặng. Tôi đến bên giường mẹ tôi. Mẹ tôi chỉ còn một chút hơi thở, nhưng cặp mắt vẫn âu yếm nhìn tôi. Cái nhìn cuối cùng của cặp mắt mẹ tôi, người đã sinh thành, dưỡng dục và yêu thương tôi, đã làm cho tôi xúc động và tin chắc chắn: Phải có một linh hồn tồn tại mãi mãi, và từ đó tôi thay đổi nếp sống. Chính cái nhìn của người đã cảm hoá được Paul Nagai."

Sưu tầm


Bốn phát súng

   Tên anh ta là Lohser, mang cấp bậc Trung uý trong quân đội Đức Quốc Xã. Năm 1944, Lohser chỉ huy 1 toán quân Đức Quốc Xã đóng tại thành phố Molina (Ý), anh ta trước đây là người Công giáo, nhưng rồi đã bỏ đạo để gia nhập đảng Quốc Xã Phát Xít.

   Hôm ấy Lohser uống rượu trong quán Graziani, và khi đã quá chén, anh rút súng lục ra, nhắm vào tượng Thánh Giá treo trên tường làm bia để biểu diễn tài nghệ:

   - Phát 1: trúng con mắt phải tượng Chúa.

   - Phát 2 và 3: trúng ngực tượng Chúa.

   - Phát 4: trúng bàn chân trái tượng Chúa.

   Thấy vậy, mọi người hoảng sợ chạy trốn, chỉ còn lại anh tài xế Georgis phải lái xe đưa Lohser về đơn vị. . . Khi xe đang chạy trên đường thì bỗng 1 máy bay địch xuất hiện và nhắm vào xe jeep bắn xuống. Lohser bị trúng đạn, máu ra nhiều, nên viên tài xế phải dừng xe để săn sóc vết thương:

   - mắt phải trúng 1 viên đạn,

   - ngực trúng 2 viên,

   - bàn chân trái trúng 1 viên.

   Nhưng may mắn cuối cùng cho anh ta, là anh ta đã kịp hối lỗi. Anh cầu nguyện với Chúa: “ Lạy Thánh Giá Chúa, lạy Thánh Giá Chúa, trong mấy năm qua, con mắt linh hồ con mù quáng, không nhìn thấy Chúa, không nhìn thấy đời sau, mà chỉ thấy có tiền tài danh vọng. Giờ đây, con được thấy Chúa, thấy sự công bình của Chúa và nhất là lòng yêu thương tha thứ của Chúa”

   Mười phút sau đó anh ta tắt thở.

   Ngày nay tượng Thánh Giá mà Lohser đã dùng làm bia được cất giữ trong 1 chiếc tủ kính tại nhà thờ Molina, và cứ vào ngày 15 tháng 6 hằng năm, giáo dân ở đây lại tổ chức rước kiệu tượng Thánh Giá này chung quanh nhà thờ."

Sưu tầm


Chết

Một thầy Do Thái tên là Meir có hai đứa con, một đứa tên là Gionathan, một đứa là Miriam. Một chiều Thứ Bảy khi đang giảng dạy tại Hội đường thì hai đứa con chết đột ngột vì bệnh thương hàn. Bà mẹ đặt hai thi thể con trên giường và phủ kín. Khi ông Meir về ông hỏi vợ như thói quen: Rachel à, hai con đâu rồi. Chúng đi ngủ chưa? Bà vợ đáp: Trước khi trả lời anh, em hỏi anh một câu. Cách đây không lâu, có người nhờ em giữ dùm một vật quí giá. Bây giờ họ đòi lại em có nên trả lại cho họ không?  Có chứ, em phải trả cho họ ngay. Rachel đáp, “Hôm nay người ta đòi em vật quí giá ấy, nên em đã trả lại cho họ rồi và chưa kịp xin phép anh. Nói xong, Rachel dẫn chồng vào phòng và từ từ gỡ tấm khăn phủ ra và nói. Anh vẫn nói với em rằng những kho tàng người ta nhờ giữ dùm thì phải trả lại ngay cho họ khi họ đòi. Hôm nay Chúa đã đến để đòi lại hai đứa con của Ngài. Meir đã khóc nhưng đầy lòng tin ông thổn thức: Chúa ban cho rồi Chúa lại cất lấy: Tạ ơn Chúa."

Sưu tầm


Chết hãy còn vùng vẫy

Một chàng da đen hộ tống ông chủ da trắng đi săn vịt. Anh này là một ki tô hữu. Nhân dịp nói chuyện về vấn đề tôn giáo, ông chủ đã hỏi anh da đen:

Ta chẳng hiểu tại sao mày cứ thường xuyên nói đến tội, đến chống trả cám dỗ, đến quỉ. Ta chẳng phải chống trả cám dỗ bao giờ. Quỉ nó để ta yên, chẳng bao giờ quấy phá hoặc tấn công chi cả.

Anh chàng người da đen đã trả lời:

Tôi xin phép được cắt nghĩa việc này. Chúng ta đang đi săn vịt. Những con vịt nào bị ông bắn và chết tới khi rơi xuống thì tôi để nằm yên đó. Nhưng con nào chỉ bị thương khi rơi xuống và tìm cách chạy trốn thì tôi phải dùng sào này mà phang cho chết hoặc không nhúc nhích được mới thôi, ông là con vịt đã bị quỷ bắn chết tốt rồi. Nó để ông nằm yên vì nắm chắc rồi. Còn tôi giống như con vịt mới chỉ bị thương và đang tìm cách trốn thoát, do đó nó đang giơ sào và tìm mọi cách đập tôi."

Sưu tầm


Cụ già và chiếc ghế bành

   Câu chuyện của một vị linh mục được gọi đến bên giường hấp hối của một cụ già.

   Khi linh mục sắp ngồi xuống trong chiếc ghế bành đặt cạnh bên giương cụ già; cụ già ngăn cản lại: “Xin cha vui lòng đừng ngồi vào đó”. Vị linh mục bèn lấy một cái ghế đẩu, ngồi xuống cho kẻ liệt xưng tội và ban của ăn đàng.

   Cụ già lấy lại đôi tí sức và nói: “Hãy để con kể lại lịch sử chiếc ghế bành này. Cách đây 50 năm, khi con còn là một thanh niên , vị linh mục Quản xứ hỏi con có thuộc các kinh cầu nguyện không. Con đáp: “không, con không có ai để cầu nguyện, Nếu con hét to đến độ có thể bể cả buồng phổi thì một kẻ đứng ở tầng lầu 3 cũng không nghe con được, vậy thì làm sao Thiên Chúa có thể nghe con từ trời được?” 

   Cha sở trả lời cách nhẹ nhàng: “con đừng thử cố gắng cầu nguyện. Hãy ngồi tự nhiên ở đó buổi sáng với một cái ghế bành khác. Hãy tưởng tượng Đức Yê Su Ki tô đang ngồi ở đó, như Ngài đã từng ngồi trong bao căn nhà ở Palestine. Con sẽ nói gì với Ngài? - Cha sở hỏi con.

   Con trả lời: “nếu con thẳng thắn, con phải nói ngay rằng con không tin ngài:

   - Được, vị linh mục già trả lời, ắt là điều đó nói lên cái gì đang có thực sự trong trí con. Con có thể đi xa hơn nữa và thách thức nữa! Nếu ngài hiện hữu thì tại sao lại không minh chứng điều đó cho con? Hoặc là nếu con không thích cách Thiên Chúa quản trị thế giới, tại sao con không nói với Ngài điều này? Con không phải là người đầu tiên than trách Ngài đau. Vua Đavít và ông Yob đã có lần nói với Chúa là Ngài bất công rồi

   - Có lẽ con ao ước cái gì? Con cứ nói lên điều đó. Nếu Ngài ban cho con, con cám ơn Ngài. Tất cả những trao đổi này là đối tượng của lời cầu nguyện. Con đừng đọc thuộc lòng, máy móc những câu thánh thiện! Hãy nói những gì thực sự trong lòng con.”

   Cụ già hấp hối tiếp tục nói: “Con không tin vào Đức Ki tô, nhưng con tin tưởng vào vị linh mục già kia. Để làm hài lòng vị linh mục này, con ngồi trước ghế bành này và làm như thấy Đức Ki tô. Trong vài ngày đầu, điều này có vẻ như một trò chơi. Rồi con biết là Ngài ở đó. Con nói với một Đức Yê su có thực về những chuyện hiện thực. Con bàn hỏi một lời khuyên và con được nó. Cầu nguyện trở thành đối thoại. 50 năm trôi qua và mỗi một ngày con nói chuyện với Đức Yê su ngồi trong chiếc ghế bành này”.

   Vị linh mục còn ở đó khi cụ già này chết, và cử chỉ cuối cùng của cụ là đưa bàn tay ra về hướng Người Bạn vô hình đang ngồi trong chiếc ghế bành này."

Sưu tầm


Chứng nhân bằng  việc làm

   Đức cha Mesmillod, giáo phận Loisanne, Pháp, là một nhà hùng biện đại tài thế kỷ 19. Một Chúa Nhật, Đức Cha đã giảng về Thánh thể. Lễ xong, ngài quì chăm chú trước Nhà chầu chừng 30 phút như vẫn quen mọi khi.

   Không ngờ có một bà cụ già ngoại giáo, từng nghe về danh tiếng của Ngài, đã tới nhà thờ và nấp kín theo dõi Đức Cha. Sau khi quì cung kính cảm ơn Chúa sau lễ, Ngài kính cẩn bái gối Thánh Thể để ra về. Bà ngoại giáo đã theo ra và gặp Ngài:

   - Thưa Đức cha, con được nghe đồn là Đức Cha giảng thuyết hay, nên, mặc dầu con không là Công giáo, cũng đến đây để nghe xem sao. Bài giảng của Đức Cha không hề đánh động con, vì chỉ là lý lẽ bênh vực một giáo thuyết. Nhưng 30 phút Đức Cha quì cung kính trước Nhà chầu, đã cho con tin thật phải có thật sự Chúa ngự trong đó, mới làm cho Đức cha quì gối tôn thờ lâu giờ và thành tâm được như thế. Vâng con xin tin Chúa như lời Đức Cha giảng."

Sưu tầm


Chứng tá của niềm tin

Đức Cha Helder Camara đã kể lại chính kinh nghiệm của Ngài như sau:

Tôi có một người anh hơn tôi 5 tuổi đã được rửa tội và theo học tại một trường do các cha Dòng Maria điều khiển. Nhưng sau đó, anh tôi tuyên bố là đã hoàn toàn mất đức tin. Sau khi tôi thụ phong Linh Mục. Tôi đã cùng anh về chung sống với một người chị không lập gia đình. Mỗi lần tôi sắp đi giảng hoặc đi dâng thánh lễ, anh tôi thường hỏi:

- Hôm nay chú định giảng gì đó?

Tôi thành thật giải thích cặn kẽ cho anh tôi hiểu những gì tôi đang định giảng cho người khác, anh tôi chú ý lắng nghe, nhưng không đưa ra một lời bình luận nào 8 năm sau, lúc bị bệnh nặng và biết mình sắp chết, anh gọi tôi lại bảo:

- Tôi biết chú là người thông minh và hiểu rộng hơn tôi. Tôi không bao giờ thấy sự cách biệt giữa đức tin và cuộc sống của chú. Vậy tôi xin hỏi chú: Có thể tin thế cho người khác được không? Có thể hưởng nhờ đức tin của một người mà mình tin tưởng không? Tôi tin vào sự chân thành của chú. Tôi đã mất đức tin, nhưng tôi có thể dựa vào đức tin của chú để rước mình thánh Chúa không? Tôi trả lời:

- Tôi tin rằng Chúa sẽ tưởng thưởng thái độ khiêm tốn của anh. Tôi không nghi ngờ gì hết. Tôi sẽ trao mình thánh Chúa cho anh, và tôi tin chắc rằng anh sẽ được Chúa thương:

Trong cơn xúc động, anh tôi nói:

- Bây giờ thì chưa được đâu, tôi còn phải xưng tội đã. Tôi định đi tìm một vị Linh Mục đến để giải tội, nhưng anh tôi dứt khoát đòi xưng tội với tôi. Và anh tôi đã xưng tội, rước lễ một cách sốt sắng. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, tôi đã nghe anh tôi thốt lên:

- Tôi tin, tôi tin! Tôi tin không phải là vì chú, nhưng là vì chính tôi tin.

 ÁNiềmin được tiếp nhận và nuôi dưỡng bằng chính chứng tá của những người chung quanh, nhất là của những người thân trong gia đình! Vợ chồng, cha mẹ, anh em, con cái... Hãy tin rằng chúng ta cần có nhau. Chúng ta được nâng đỡ bằng niềm tin của mỗi người trong gia đình."

Sưu tầm


Chúng ta ở trong tay Chúa

      Một sĩ quan người Anh có đức tin mạnh mẽ được phái đến phục vụ ở một xứ nọ. Ông cùng gia đình xuống thuyền để đi đến đó. Thuyền rời bến được vài ngày thì biển động mạnh, một cơn bão kinh khủng ập đến làm thuyền có nguy cơ bị đắm. Sự lo lắng nỗi sợ hãi xâm chiếm tất cả mọi người trên thuyền. Vợ của viên sĩ quan là người tỏ ra lo sợ hơn cả. Bà trách cứ chồng bà, vì trái với phản ứng sợ hãi của vợ, ông tỏ ra rất bình tĩnh. Thái độ bình tĩnh này bị bà xem như một biểu lộ sự thiếu lo lắng, yêu thương đối với bà và con cái. Sau khi nói vài lời ngắn gọn với vợ, ông rời căn phòng, nhưng liền sau đó ông quay trở lại với thanh kiếm trên tay. Với ánh mắt thảm não, ông tiến về phía người vợ và dí mũi kiếm vào ngực bà. Lúc đầu bà này sợ tái mặt, nhưng sau đó bỗng bà cười lớn tiếng, không hề tỏ vẻ sợ hãi.

   - Làm sao em có thể cười khi em cảm thấy mũi nhọn của lưỡi kiếm trên ngực em? Em không sợ sao? - viên sĩ quan hỏi -

   - Làm sao em sợ được - bà trả lời, - khi em thấy lưỡi kiếm ấy ở trong tay một người thương em.

   - Vậy tại sao em lại muốn anh sợ cơn bão tố này khi anh biết rằng nó ở trong tay của Cha anh là Người hằng yêu mến anh?"

Sưu tầm