Truyện Minh Hoạ - Đức Tin

Alpha và Omêga

Đến thăm Rôma, nếu được vào bên trong Vatican, du khách không thể bỏ qua một tác phẩm nghệ thuật mà người ta thường gọi là 'viên ngọc quý' của nghệ thuật thời văn nghệ phục hưng ở Âu Châu:  Đó là nguyện đường SIXTINA bởi vì đã được xây cất và dâng tặng cho ĐGH Sixtô IV vào những thập niên cuối thế kỷ XV. Được gọi là “viên ngọc quý” của nền nghệ thuật văn nghệ phục hưng, bởi vì bốn bức tường và trần nhà là bộ tranh có nội dung Kinh Thánh, do các hoạ sĩ thời danh thực hiện. Nổi tiếng hơn cả là các bức tranh trên trần nhà do chính danh hoạ Michael Angelo thực hiện.

Trong suốt 7 năm ròng rã ngày đêm, Michel Angelo nằm trên những chiếc giàn gỗ, mắt nhìn lên trần, để vẽ lại những chương đầu trong sách Sáng Thế Ký. Thông thường, sau khi hoàn thành 1 tác phẩm, nhà nghệ sĩ nào cũng ký tên lên tác phẩm để tên tuổi của mình lưu truyền cho hậu thế. Thế nhưng, nhìn kỹ những bức tranh trên trần nhà nguyện Sixtina, không ai có thể tìm thấy bất cứ 1 dấu vết nào của danh hoạ M.Angelo. Thay vào đó, người ta chỉ đọc được 2 chữ ALPHA và OMEGA, nghĩa là Nguyên Thuỷ và Cùng Đích. Qua 2 chữ này, M.Angelo muốn dành tất cả danh dự và vinh quang cho Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, Đấng là Nguyên Thuỷ và là Cùng Đích của mọi sự. Tất cả cho Thiên Chúa. Tất cả vì Thiên Chúa!"

Sưu tầm


Ánh sáng trần gian

   Thời đó, Arthur Jones được gọi nhập ngũ phục vụ trong không lực hoàng gia và sống trong một trại lính cùng với 30 binh sĩ khác. Ngay đêm đầu tiên, anh đã phải cân nhắc về một quyết định quan trọng: Trước đây anh vẫn luôn luôn quì gối đọc kinh, liệu bây giờ vào quân ngũ rồi có nên tiếp tục quì gối không?

   Lúc đầu anh cảm thấy ngường ngượng nhưng rồi anh tự nhủ: “Tại sao chỉ vì sợ những kẻ khác dòm ngó mà mình lại thay đổi cách sống? Bộ mình vừa khởi đầu cuộc sống xa nhà là đã để cho thiên hạ sai bảo phải nên làm và không nên làm điều này điều nọ sao?

   Nghĩ thế, anh liền quyết định cứ tiếp tục thói quen quì gối xuống đọc kinh. Khi vừa đọc kinh xong, lập tức anh nhận ra mọi người đang để ý anh, và khi làm dấu thánh giá, anh chợt nhận ra lúc ấy họ mới biết anh là một người công giáo. Và xảy ra là trong toàn trại lính chỉ có một mình anh là người Công giáo. Tuy nhiên, hằng đêm, anh vẫn quì gối cầu nguyện. Anh nói rằng mười phút cầu nguyện ấy thường dẫn đến những cuộc tranh cãi kéo dài hàng giờ.

   Vào ngày cuối cùng của khóa  huấn luyện, có người đến nói với anh:

   - Anh là người Kitô  hữu tốt nhất mà tôi gặp.

   Anh liền đáp lại:

   - Có thể tôi là người Kitô  hữu dám công khai biểu lộ đức tin của mình, nhưng tôi không cho rằng tôi là người Kitô  hữu tốt nhất đâu. Dầu vậy tôi cũng xin cám ơn bạn về điều bạn vừa nói.

   Suy diễn: Câu chuyện trên nhắc nhớ chúng ta rằng: dấn thân theo Chúa Giêsu tức là chấp nhận kiên định về một số sự việc, và đôi khi sự kiên định này giúp chúng ta có cơ hội làm chứng cho lời Chúa dạy khi Ngài nói:

   “Con con là sánh sáng thế gian, một thành xây trên núi không thể giấu được. Không ai đốt đèn rồi lại đặt dưới đáy thùng, nhưng đặt trên giá đèn để soi sáng cho cả nhà. Ánh sáng của các con cũng phải chiếu toả trước mặt mọi người như thế, ngõ hầu họ có thể nhìn thấy việc thiện các con làm mà ngợi khen Cha các con trên trời” (Mt 5:14-16)

   Đội khi vì dấn thân theo Chúa Giêsu mà chúng ta phải chịu bắt bớ. Đôi khi vì dấn thân theo Chúa mà chúng ta phải chiến đấu gian khổ. Và đôi khi vì theo Chúa là chúng ta phải can đảm lướt thắng chính bản thân mình để dạn dĩ biểu lộ và sống niềm tin, để không sợ hãi cũng không hổ thẹn vì mình là Kitô  hữu."

Sưu tầm


Sống đạo

          Một người mới gia nhập đạo công giáo gặp một người bạn cũ không có đạo. Người bạn này hỏi:

          Thế nào? Anh đã vào đạo và tin Chúa Giêsu rồi à?

          Phải, tôi đã tin vào Chúa Giêsu.

          Vậy là anh biết Ngài rõ lắm phải không? Anh cho tôi biết Ngài xinh ra ở nước nào?

          Rất tiếc tôi không biết điều đó.

          Vậy Ngài chết hồi mấy tuổi?

          Rất tiếc tôi không biết điều đó.

          Anh không biết về thân thế Ngài, vậy cho tôi hỏi xem Ngài giảng được mấy bài giảng?

          Cái đó, xin lỗi, tôi lại càng không biết nữa.

          Như thế anh biết rất ít về Chúa Giêsu, mà anh bảo anh tin vào Ngài và theo Ngài.

          Anh nói đúng tôi cũng cảm thấy xấu hổ khi tôi biết rất ít về Ngài. Nhưng có điều này tôi nhận thấy rõ ràng nhất là ba năm trước tôi rượu chè say sưa, tôi mắc nợ đủ chỗ, gia đình tôi tan nát, vợ con tôi buồn và không muốn thấy mặt tôi khi tôi về nhà. Nhưng bây giờ tôi đã bỏ rượu, trả xong nợ, gia đình tôi hạnh phúc. Tất cả những cái đó Chúa Giêsu đã làm cho tôi. Tôi biết chắc điều đó.

          Quí vị và các bạn thân mến!

          Tạ ơn Chúa, chúng ta là những người tin Chúa. Chúng ta tự hào mình biết Chúa rất rõ nhờ cha mẹ đạo dòng đạo gốc, nhờ học giáo lý từ nhỏ, Ít nhất mỗi lần nhận lãnh Bí Tích là mỗi lần học giáo: Giáo Lý Rước Lễ, Giáo Lý Thêm Sức, giáo lý Hôn Phối,v.v… có người còn mai mắn được học thêm Kinh Thánh. Biết rõ Chúa, biết rõ những lời giảng dạy của Chúa, có thể thuộc lòng các kinh, trích đọc từng câu Phúc âm. Nhưng trong thực tế, sự hiểu biết Chúa đó đã giúp được gì cho chúng ta chưa?

          Nhiều khi chúng ta sống như không biết Chúa, hoặc biết Chúa như biết một nhân vật lịch sử, nghiên cứu những lời giảng dạy của Chúa như một môn học, chứ chua sống sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời và thực hành những điều Chúa dạy.

          Chúng ta tưởng rằng mình biết Chúa, nhưng thật ra trong đời sống hằng ngày Chúa còn rất xa lạ với chúng ta.

          Mỗi người chúng ta hãy cầu xin Chúa, cho chúng ta hiểu được rằng khi chúng ta biết Chúa chính là lúc phải để Chúa thay đổi đời sống chúng ta, để mỗi người sống đúng với điều mình tin và phù hợp với điều mình tuyên xưng.

          Lạy Chúa.

          Chúa là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống. Con tạ ơn Chúa đã cho con nhận biết Chúa và tôn thờ yêu mến Chúa.

          Hôm nay con xin Chúa ban ơn giúp con biết Chúa cách sâu xa hơn, để con không những tìm biết Chúa phần nào như là đối tượng của lý trí Chúa ban cho con, của tìm tòi của học hỏi, mà cần thiết nhất là biết Chúa như một nguyên lý sống trong con, hướng dẫn đời con, để con sống trong con đường mà Chúa tự hiến mình cho con để dẫn con đến sự thật duy nhất và sự sống vững bền.

          Chúa là nguồn hốc của Chân, Thiện Mỹ. Xin Chúa hãy là nguồn gốc duy nhất của mọi hoạt động đời con, từ tư tưởng, lời nói, việc làm, cho tất cả được luôn phù hợp với thánh ý Chúa, để con được phần nào là chứng nhân của sự thánh thiện của Chúa, của tình yêu thương của Chúa đối với anh chị em chung quanh con, để mọi người nhận biết Chúa là Đấng ban ơn cứu thoát cho tất cả loài người.

          Con hết lòng cầu xin Chúa.

          Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Sưu tầm


Lên thiên đàng cùng ngày với Đức Mẹ

“Nếu nó nghe ngươi thì ngươi đã lợi được một người anh em” (Mt 18,15)

Một cha sở kể lại cách đây ít năm, một gia đình gặp khó khăn đến xin ở nhà xứ ít ngày, vì họ mới bị cháy nhà và người cha đang đau nặng. Nhưng, cha cũng biết gia đình này khô khan, từ lâu không ai xưng tôi rước lễ! Lúc đầu, cha từ chối! Nhưng sau nghĩ lại, cha bằng lòng cho họ tá túc ít bữa... Hôm lễ Đức Mẹ lên trời, giáo dân từ các họ lẻ kéo về mừng lễ đông nghịt. Đột ngột, ông già ở trọ bệnh nguy kịch, cha sở phải bỏ ăn sáng, lo liệu các phép cho ông. Lát sau, ông lão qua đời...

Mệt nhoài vì công việc mục vụ, giải tội quá lâu, làm hai lễ liền, tiếp bao nhiêu người mới đến, với đủ thứ rắc rối phải giải quyết; lại thêm cái chết của ông già này trong nhà xứ, cha có vẻ khó chịu. Cha thầm nghĩ: “Rối tinh rối hẹ lên như thế này, mà lại còn thêm chuyện nữa. Chúa tính làm sao chẳng biết? Chọn ngay lúc này mà chết!”

Đang lúc bực dọc như vậy, một người giáo dân lại nói: “Chà, ông già này thật tốt phước, lên thiên đàng cùng ngày với Đức Mẹ!”

Sau đám tang, con trai và con dâu ông xưng tội rước lễ lại.

(Lợi được người anh em còn hơn được cả thế giới, thì một chút nhọc công có đáng gì!)"

Sưu tầm


Trong cơn hấp hối

Khi nhà triết học Đức nổi tiếng Sô-pân-hau-ơ hấp hối, trong cơn đau đớn, người không tin vào Chúa này đã la lên:

-”Ôi, Chúa ơi!”

Vị bác sĩ hỏi:

-”Có chỗ của Chúa trong triết lý của ngài không?”

Triết gia trả lời:

-”Khi mà ông đau đớn, nếu không có Chúa, triết học chẳng tích sự gì cả!”"

Sưu tầm


Cha ta kia rồi

“Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa”

(Kn 3,1)

Theo Cựu Ước, ông Tô-bi-a con sống tới 99 tuổi. Bên giường bệnh, lúc ông hấp hối, người con là A-da-ri-a đứng khóc lóc, thương cha mình đang phải chịu những cơn đau quằn quại. Nhưng Tô-bi-a không một lời rên rỉ. Ông bình tỉnh lạ lùng!

A-da-ri-a ngạc nhiên hỏi:

-”Sao cha có thể thản nhiên đến thế, trong khi thể xác cha đau đớn và cái chết đã gần kề?”

Tô-bi-a trả lời:

-”Cha đã từng kể cho con nghe cuộc hành trình từ Ni-ni-vê về đất Mê-đi-a của cha, cuộc hành trình mà ông nội con muốn cha thi hành, khi ấy cha còn là thanh niên. Sau khi cha đã làm theo ý ông nội, Chúa thương cha nhiều lắm. Nhưng cuộc hành hồi hương quá vất vả. Cha phải vượt qua sa mạc nóng bỏng và leo những dốc núi cao lởm chởm. Lúc đó, ý nghĩ về ông nội và về quê hương đã làm cha phấn khởi, đôi chân rã rời của cha như rắn chắn lại, cha đã về đến nhà, ngả vào vòng tay ông nội”...

Cơn đau làm ông phải ngừng nói một lúc. Rồi, ông mỉm cười nhìn A-da-ri-a:

-”Người cha trần gian có nghĩa gì so với cha trên trời. Chúa đã chẳng hướng dẫn cha cả đời và gởi thiên thần đến với cha khi cha gặp gian nan, thử thách đó sao? Lẽ nào Người lại bỏ cha ở chặng đường cuối này? Không! Cuộc hành trình của cha sắp hoàn tất, cha sắp về đến nhà rồi!”

“Tôi đã đi hết quãng đời của tôi...” (2Tm 4,7)"

Sưu tầm


Anh mù tự phụ

   Có người kia sinh ra đã bị mù. Anh sống trong một gian phòng, nhưng bởi vì không nhìn thấy gì hết, nên anh phủ nhận tất cả những gì người chung quanh anh quả quyết là có: “Tôi không tin, vì tôi có thấy đâu nào!”

   Một vị lương y đem lòng thương hại, đi tìm cho ra một thứ biệt dược trên Hy mã Lạp Sơn đem về chữa anh lành. Anh ta sung sướng tự phụ bảo: “Giờ đây tôi thấy được tất cả sự thật chung quanh tôi rồi”.

   Nhưng có người nói với anh:

   - Bạn ơi, bạn chỉ thấy được những vật chung quanh bạn trong căn phòng này thôi. Như thế có là bao! Ngoài kia, người ta còn thấy được mặt trời, mặt trăng cùng các vì tinh tú hằng hà sa số. Còn biết bao vật xấu, đẹp, lộng lẫy, màu sắc huy hoàng mà bạn chưa thấy.

   - Làm gì có được những cái đó -anh chàng tỏ vẻ không tin, nói-. Cái gì có thể thấy được, tôi đã thấy tất cả rồi.

   Một vị y sĩ khác lên tận núi cao, gặp được Sơn thần chỉ cho 1 thứ linh dược khác đem về giúp cho anh ta được cặp mắt sáng hơn và thấy xa hơn những vật chung quanh trong căn phòng của anh. Bây giờ, anh ta thấy được mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú trên không trung. Mừng quá, và lòng tự phụ tự đắc lại tăng thêm:

   - Trước đây, tôi không tin, nhưng giờ tôi thấy, tôi tin. Như thế, giờ đây không còn có gì mà tôi chẳng thấy chẳng biết.  Đâu còn ai hơn tôi được nữa?

   Nhưng, lại có một hiền giả có đôi mắt thần, nói với anh ta:

   - Cậu ơi, cậu vừa hết mù, nhưng cậu vẫn cũng chưa biết gì cả. Tại sao lại quá tự phụ như thế? Cũng như khi cậu ở trong phòng và tầm mắt cậu không vượt khỏi 4 bức tường, cậu không tin có vật gì ngoài căn phòng của cậu. Giờ đây, tầm mắt câu vượt khỏi 4 bức tường, thấy được nhiều vật xa hơn. Nhưng với chừng mực của tầm mắt và lỗ tai của cậu, cậu làm gì biết có những vật ngoài ngàn dặm mà tai mắt cậu không làm sao nghe, thấy được. Cậu có thấy được những nguyên nhân nào đã cấu tạo ra cậu khi cậu đang còn nằm trong bào thai của mẹ cậu chăng? Ngoài cái vũ trụ nhỏ bé mà cậu đang sống đây, còn có không biết bao nhiêu vũ trụ khác vô cùng to lớn và nhiều không kể hết như cát ở sông Hằng. Tại sao cậu dám tự phụ bảo rằng “Tôi thấy cả, tôi biết cả”? Cậu vẫn còn là một anh mù, cậu vẫn còn lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối!

   Sahharma Pundurika


Dám nhận lỗi

George Washington, tổng thống đầu tiên của Hiệp chủng quốc Hoa kỳ, người có công đưa nước Mỹ đến độc lập, tự do và phồn thịnh. George cũng nổi tiếng là người luôn biết phục thiện và yêu sự thanh liêm.

Ngày kia, khi còn nhỏ, cậu George ra vườn làm cỏ vô tình chặt đứt cây anh đào mà mẹ rất quý. Khi cha cậu thấy cây anh đào bị chặt, liền hỏi:
Con có biết ai là người chặt cây anh đào không?
George suy nghĩ rồi trả lời:
Chính con là người chặt cây anh đào, xin cha cứ phạt con!
Và George rất ngạc nhiên khi nghe cha nói:
Điều con làm là một điều lỗi, nhưng con đã chữa được điều lỗi đó là khi con dám nhận lỗi.

Sưu tầm


Chứng nhân bằng việc làm
 
Đức cha Mesmillod, giáo phận Loisanne, Pháp, là một nhà hùng biện đại tài thế kỷ 19. Một Chúa Nhật, Đức Cha đã giảng về Thánh thể. Lễ xong, ngài quì chăm chú trước Nhà chầu chừng 30 phút như vẫn quen mọi khi. Không ngờ có một bà cụ già ngoại giáo, từng nghe về danh tiếng của Ngài, đã tới nhà thờ và nấp kín theo dõi Đức Cha. Sau khi quì cung kính cảm ơn Chúa sau lễ, Ngài kính cẩn bái gối Thánh Thể để ra về. Bà ngoại giáo đã theo ra và gặp Ngài: - Thưa Đức cha, con được nghe đồn là Đức Cha giảng thuyết hay, nên, mặc dầu con không là Công giáo, cũng đến đây để nghe xem sao. Bài giảng của Đức Cha không hề đánh động con, vì chỉ là lý lẽ bênh vực một giáo thuyết. Nhưng 30 phút Đức Cha quì cung kính trước Nhà chầu, đã cho con tin thật phải có thật sự Chúa ngự trong đó, mới làm cho Đức cha quì gối tôn thờ lâu giờ và thành tâm được như thế. Vâng con xin tin Chúa như lời Đức Cha giảng."

Sưu tầm


Chứng tá đức tin

Đức Cha Helder Camara đã kể lại chính kinh nghiệm của Ngài như sau: Tôi có một người anh hơn tô i 5 tuổi đã được rửa tội và theo học tại một trường do các cha Dòng Maria điều khiển. Nhưng sau đó, anh tôi tuyên bố là đã hoàn toàn mất đức tin. Sau khi tôi thụ phong Linh Mục. Tôi đã cùng anh về chung sống với một người chị không lập gia đình. Mỗi lần tôi sắp đi giảng hoặc đi dâng thánh lễ, anh tôi thường hỏi: - Hôm nay chú định giảng gì đó? Tôi thành h thật giải thích cặn kẽ cho anh tôi hiểu những gì tôi đang định giảng cho người khác, anh tôi chú ý lắng nghe, nhưng không đưa ra một lời bình luận nào 8 năm sau, lúc bị bệnh nặng và biết mình sắp chết, anh gọi tôi lại bảo: - Tôi biết chú là người thông minh và hiểu rộng hơn tôi. Tôi không bao giờ thấy sự cách biệt giữa đức tin và cuộc sống của chú. Vậy tôi xin hỏi chú: Có thể tin thế cho người khác được không? Có thể hưởng nhờ đức tin của một người mà mình tin tưởng không? Tôi tin vào sự chân thành của chú. Tôi đã mất đức tin, nhưng tôi có thể dựa vào đức tin của chú để rước mình thánh Chúa không? Tôi trả lời: - Tôi tin rằng Chúa sẽ tưởng thưởng thái độ khiêm tốn của anh. Tôi không nghi ngờ gì hết. Tôi sẽ trao mình thánh Chúa cho anh, và tôi tin chắc rằng anh sẽ được Chúa thương: Trong cơn xúc động, anh tôi nói: - Bây giờ thì chưa được đâu, tôi còn phải xưng tội đã. Tôi định đi tìm một vị Linh Mục đến để giải tội, nhưng anh tôi dứt khoát đòi xưng tội với tôi. Và anh tôi đã xưng tội, rước lễ một cách sốt sắng. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, tôi đã nghe anh tôi thốt lên: - Tôi tin, tôi tin! Tôi tin không phải là vì chú, nhưng là vì chính tôi tin. Niềm tin được tiếp nhận và nuôi dưỡng bằng chính chứng tá của những người chung quanh, nhất là của những người thân trong gia đình! Vợ chồng, cha mẹ, anh em, con cái... Hãy tin rằng chúng ta cần có nhau. Chúng ta được nâng đỡ bằng niềm tin của mỗi người trong gia đình."

Sưu tầm