Truyện Minh Hoạ - Đức Tin

ĐỨC TIN

Một linh mục mới được bổ nhiệm về một nhà thờ tọa lạc ở cạnh một khu rừng già. Bữa nọ, khi đi ngang khu rừng để đến nhà thờ, ông bị một con gấu to đuổi theo. Sau khi chạy một trối chết, ông thấy mình ở trên một bờ vực cao. Tấn thối lưỡng nan, ngài quì xuống, giang hai tay ra và nói:

- Lạy Chúa lòng lành vô cùng, xin Chúa ban cho con gấu này một chút đức tin nơi Chúa.

Trời đất bỗng tối sầm và sấm chớp bỗng nổi lên. Con gấu đột nhiên dừng lại, nhìn quanh, bối rối. Bỗng nó nhìn lên trời cao và nói:

- Tạ ơn Chúa cho bữa ăn ngon con sắp được hưởng…

Hạnh Nguyễn


ALPHONSE D'ARAGON VÀ HIỆP SĨ TÂY BAN NHA

Alphonse, nhà hiền triết, vua xứ Ara-gon, nổi tiếng bởi lòng đạo đức và lối sống Ki tô hữu, ngày nọ, trước lễ Giáng sinh ít ngày, đến thăm một hiệp sĩ Tây Ban Nha. Hiệp sĩ này đã dành cho ngài một sự tiếp đón nồng hậu, chu đáo.  Tuy nhiên, hiệp sĩ này mang tiếng xấu vì lối sống sa đoạ của ông.  Trước khi chia tay ra về, vua Alphonse mới nói những lời đầy ý nghĩa sau đây:

“Hỡi hiệp sĩ quí phái! Người đã dành cho ta một sự đón tiếp đầy vinh dự và huy hoàng.  Nhưng, trong vài ngày nữa, Vua các vua sẽ đến, và Người muốn cử hành Lễ Giáng sinh ở nhà ngươi.  Chính vì thế mà khi đón tiếp Người, hãy cố gắng Trang trí tâm hồn ngươi như ngươi đã Trang hoàng lâu đài của ngươi hôm nay để đón tiếp ta!”

Và vị hiệp sĩ này đã nghe theo lời khuyên của vị vua khôn ngoan. Giáng sinh trở thành lễ đón tiếp cuộc viếng thăm của Thiên Chúa.

Hãy làm như vị hiệp sĩ này để Đấng Thiên Sai đến ở trong chúng ta."

Sưu tầm


ÁNH SÁNG TRẦN GIAN

Thời đó, Arthur Jones được gọi nhập ngũ phục vụ trong không lực hoàng gia và sống trong một trại lính cùng với 30 binh sĩ khác. Ngay đêm đầu tiên, anh đã phải cân nhắc về một quyết định quan trọng: Trước đây anh vẫn luôn luôn quì gối đọc kinh, liệu bây giờ vào quân ngũ rồi có nên tiếp tục quì gối không?

Lúc đầu anh cảm thấy ngường ngượng nhưng rồi anh tự nhủ: “Tại sao chỉ vì sợ những kẻ khác dòm ngó mà mình lại thay đổi cách sống? Bộ mình vừa khởi đầu cuộc sống xa nhà là đã để cho thiên hạ sai bảo phải nên làm và không nên làm điều này điều nọ sao?

Nghĩ thế, anh liền quyết định cứ tiếp tục thói quen quì gối xuống đọc kinh. Khi vừa đọc kinh xong, lập tức anh nhận ra mọi người đang để ý anh, và khi làm dấu thánh giá, anh chợt nhận ra lúc ấy họ mới biết anh là một người công giáo. Và xảy ra là trong toàn tại lính chỉ có một mình anh là người Công giáo. Tuy nhiên, hằng đêm, anh vẫn quì gối cầu nguyện. Anh nói rằng mười phút cầu nguyện ấy thường dẫn đến những cuộc tranh cãi kéo dài hàng giờ.

Vào ngày cuối cùng của khóa  huấn luyện, có người đến nói với anh:

- Anh là người Kitô  hữu tốt nhất mà tôi gặp.

Anh liền đáp lại:

- Có thể tôi là người Kitô  hữu dám công khai biểu lộ đức tin của mình, nhưng tôi không cho rằng tôi là người Kitô  hữu tốt nhất đâu. Dầu vậy tôi cũng xin cám ơn bạn về điều bạn vừa nói.

Suy diễn: Câu chuyện trên nhắc nhớ chúng ta rằng:  dấn thân theo Chúa Giêsu tức là chấp nhận kiên định về một số sự việc, và đôi khi sự kiên định này giúp chúng ta có cơ hội làm chứng cho lời Chúa dạy khi Ngài nói:

“Con con là sánh sáng thế gian, một thành xây trên núi không thể giấu được. Không ai đốt đèn rồi lại đặt dưới đáy thùng, nhưng đặt trên giá đèn để soi sáng cho cả nhà. Ánh sáng của các con cũng phải chiếu toả trước mặt mọi người như thế, ngõ hầu họ có thể nhìn thấy việc thiện các con làm mà ngợi khen Cha các con trên trời” (Mt 5:14-16)

Đội khi vì dấn thân theo Chúa Giêsu mà chúng ta phải chịu bắt bớ. Đôi khi vì dấn thân theo Chúa mà chúng ta phải chiến đấu gian khổ. Và đôi khi vì theo Chúa là chúng ta phải can đảm lướt thắng chính bản thân mình để dạn dĩ biểu lộ và sống niềm tin, để không sợ hãi cũng không hổ thẹn vì mình là Kitô  hữu."

Sưu tầm


ÁNH SÁNG TRÊN ĐOẠN ĐẦU ĐÀI

Trước mặt Thiên Chúa không ai là kẻ hư mất, ngay cả người đó có bị xã hội kết án đi nữa. Đức Hông Y J.M. Lustiger tổng giám mục Paris đã nói như trên khi đề cập đến hồ sơ xin phong chân phước cho anh Jacques Flesh, do chính tay ngài ký và gởi về bộ phong thánh tại Rôma trong năm vừa qua.

Jacques Flesh là một tên tội phạm đã bị kết án tử hình và đã lên máy chém ngày 2-10-1957 vì tội giết chết một cảnh sát viên. Tuy nhiên, trong những ngày tù tội anh được ơn thánh Chúa đánh động tấm lòng đã hoán cải trở về với Chúa và sống kinh nghiệm lòng tin sâu xa.

Jacques Flesh là một thanh niên con nhà giầu nhưng vì được cha mẹ quá nuông chiều nên chàng chơi bời, phóng đãng và trở thành người hư đốn. Là con một ông chủ ngân hàng người Bỉ giầu sụ, Jacques muốn gì được nấy và cho đến lúc 24 tuổi chàng không hề thiếu thốn sự gì. Nhưng chàng đã phung phí tuổi thanh xuân trong ăn chơi, lười biếng và ương ngạnh. Học trường nào cũng chỉ được vài hôm hoặc một tuần là bị đuổi. Do đó Jacques đã không bao giờ học hết chương trình trung học. Tính tình ngang bướng và kiểu sống độc lập ấy đã biến chàng trở thành người vô dụng nhất thế giới. Tệ hơn nữa nó đã biến chàng thành kẻ sát nhân.

Đầu năm 1954 Jacques nổi hứng ăn chơi thích mua chiếc thuyền buồm hiệu Philimoska dài 10 mét trị giá hai triệu quan Pháp. Nhưng cha mẹ chàng từ chối không cho chàng số tiền khổng lồ ấy, mặc dù cho tới lúc đó hai ông bà đã không bao giờ từ chối chàng điều gì.

Thế là để có tiền mua thuyền buồm, Jacques quyết định đi đánh cướp nhà băng.

Nội vụ xảy ra cách đây bốn mươi năm nơi giữa lòng thủ đô Paris tráng lệ, ngày 25 tháng 2 năm 1954 Jacques Flesh đã dùng súng cướp ngân hàng, bắn trọng thương một nhân viên nhà băng. Sau đó bắn chết một viên cảnh sát và làm một số người qua đường bị thương.

Nhưng cuối cùng Jacques bị tóm cổ và tống ngục.

Theo các bài tường thuật của báo chí Paris thời đó, trong phiên xử Jacques đã lạnh lùng và ngạo mạn khiêu khích mọi người. Chuyên viên bệnh tâm thần do toà án chỉ định trắc nghiệm Jacques đã mô tả chàng như là một người trẻ ăn chơi, hoang đàng, lười biếng và là một tên tội phạm ngẫu nhiên đã không hề mảy may tỏ ra hối hận vì tội giết người, trái lại còn vô liêm sỉ một cách trơ trẽn và bình thản chấp nhận bản án tử hình. Sau khi nghe toà tuyên án Jácques dõng dạc tuyên bố: “Cho mày đáng đời! Tôi đã đáng tội lên máy chém và tôi sẽ biết tỏ ra can đảm”.

Thế là chỉ vì để thoả mãn ước muốn có một chiếc thuyền buồm mà Jacques đã trở thành một tên sát nhân. Chàng thanh niên con nhà giầu ấy giống như một hình múa rối bị các ham muốn không đâu của mình giật dây điều khiển đến độ cằm súng giết người.

Tuy nhiên điều đáng nói ở đây không phải là cái đam mê, hư đốn, liều lĩnh của Jácques mà là cuộc hoán cải đổi đời của chàng. Sau ngày bị kết án tử hình, trong ba năm nằm tù để chờ ngày lên máy chém Jacques đã say sưa học Kinh Thánh và đã khám phá ra những chân trời mới mà trong những năm ăn chơi chàng đã không bao giờ biết tới.

Trong mỗi lá thơ Jacques viết cho người vợ trẻ người ta đều nhận thấy chiều sâu tinh thần toả phát ra từ một tâm hồn đã gặp Chúa là đều nói lên kinh nghiệm thiêng liêng cao vời. Hơn ai hết Jacques ý thức được mình là một tội phạm đang phải đền tội nhưng sung sướng vì cuộc đời đổi mới, và chàng cảm thấy ba năm trong ngục tù chờ chết là ba năm duy nhất chưa từng có trong đời.

Trong một lá thư viết cho người vợ trẻ chàng tâm sự: “Em à, trước kia anh chỉ là một cái xác sống, nhưng nay anh thâm tín rằng đây là lần đầu tiên trong đời anh thực sự sống”.

Các thư mà Jacques viết cho vợ được in và xuất bản trong cuốn sách có tựa đề: “Ánh sáng trên đoạn đầu đài”. Một ngày trước khi bước lên máy chém Jacques viết trong thơ vĩnh biệt vợ như sau: “Cuộc hành quyết sẽ xảy ra ngày mai lúc 4 giờ sáng. Xin cho ý Chúa được trọn vẹn. Em yêu, trong 5 tiếng đồng hồ nữa anh sẽ được trông thấy Chúa Giêsu”.

Nhật báo Rạng Đông tại Paris tường thuật lại cuộc hành quyết như sau: “Đội lính canh đứng xung quanh đoạn đầu đài buổi sáng thứ năm hôm đó đã cho biết họ chưa từng thấy một tội nhân nào bước lên máy chém với tất cả lòng can đảm và bền vững như Jacques Flesh”.

Sau khi chịu Mình Thánh Chúa từ tay Linh mục tuyên úy nhà tù Jacques hiên ngang bước đi trong hành lang dẫn tới máy chém. Năm đó anh vừa tròn 27 tuổi. Con đường bí nhiệm nào đã khiến cho Jacques là một kẻ sát nhân biến thành một người sám hối đền tội và một tâm hồn thánh thiện như vậy? Câu chuyện về cuộc hoán cải đổi đời của anh làm chấn động giới luật sư, trí thức và tôn giáo.

Khi ký vào đơn xin phong chân phước cho kẻ sát nhân đã được gặp Chúa đó, Đức Hồng Y Lustiger cầu mong anh trở thành niềm hy vọng cho tất cả những ai tự khinh rẻ mình và thất vọng, coi mình là đã tự hư mất. Không, trước mặt Chúa không ai là kẻ hư mất ngay cha khi người đó có bị xã hội kết án đi nữa."

Sưu tầm


BA CÁI NHÌN

Một người bao nhiêu năm đã vui vẻ chấp nhận cuộc sống với những thiếu thốn tiền bạc và rắc rối trong gia đình. Người ta hỏi ông:

- Làm sao mà có thể an vui như thế?

- Tôi biết sử dụng, ông trả lời, với đôi mắt sáng suốt.

- Như thế có nghĩa là gì?

- Trước hết, tôi nhìn lên trời và nhớ rằng công việc chính yếu của tôi là đạt tới trời. Rồi tôi nhìn xuống đất và cố hình dung một nắm đất tôi sẽ nằm xuống sau khi chết, nó thật bé nhỏ. Và sau cùng tôi nhìn đến biết bao nhiêu người đàn ông, đàn bà, cũng như trẻ thơ ở bên cạnh tôi trên khắp trái đất này có khi còn cực khổ hơn tôi nhiều... Ba cái nhìn đó làm tôi sung sướng và bằng lòng, nó khử trừ mọi than vãn trách móc."

Sưu tầm


BA MƯƠI BA NĂM SAU ĐÓ

Vị vua già có dáng vẻ trầm tư và tự hỏi :

- Điều gì đã xảy ra cho em bé năm nào?

Suốt đời mình ông không thể nào quên được cuộc hành trình cách đây khoảng 33 năm để dõi theo ánh sao dẫn đến hang đá Belem.

Câu hỏi: “Liệu em bé ấy hiện giờ có trị vì dân Do Thái hay không?” đã làm nhà vua bồn chồn , để rồi một lần nữa ông quyết định đi đến đất Do Thái.

Tại Jérusalem, những vị bô lão còn nhớ đến ánh sao lạ, nhưng không ai biết gì đến em bé được sinh hạ dưới ánh sao đó. Còn tại Belem mọi người đều lắc đầu ngoại trừ có một cụ già, cụ bảo ông:

- Làm gì có ông Giêsu Belem, chỉ có ông Giêsu Nazareth, một người nói phạm thượng khi xưng mình là Thiên Chúa, nên cách đây mấy tuần đã bị xử án thập hình.

Với tâm hồn đầy thất vọng, nhà vua nhập đoàn khách hành hương trở lại Jérusalem vào đúng ngày lễ ngũ tuần. Chen lẫn vào đoàn người đang tạ ơn sau mùa gặt, nhà vua chú ý đến những người đang bao quanh một nhóm người. Tò mò, ông tiến lại gần và nghe có kẻ nói: “Tưởng gì chứ lại gặp mấy tên say rượu nói tầm phào”. Nhưng  tai nhà vua lại nghe một người trong nhóm họ nói ông Giêsu Nazareth đã bị đóng đinh thập giá và đã được Thiên

Chúa phục sinh từ cõi chết.

Như bị thúc đẩy bởi sức mạnh vô hình, nhà vua lên tiếng nói:

- Vậy bây giờ ông Giêsu đó ở đâu?

Đại diện nhóm người, Simon Phêrô trả lời:

Ngài đang ở giữa chúng tôi, ở trong chúng tôi, chúng tôi là tai, mắt, môi, miệng của Ngài.

Trong lúc Phêrô đang nói, bỗng có một luồng gió mạnh, và hình Lưỡi Lửa một lần nữa đổ xuống mọi người. Nhà vua bỗng thấy lại ánh sao Belem, nhưng lần này ánh sao ấy chia thành nhiều ánh sao khác rơi xuống từng người. Trong tâm hồn, nhà vua chợt hiểu: “Mỗi người phải trở thành hang Belem, mỗi người phải trở nên máng cỏ cho Hài nhi Giêsu nằm, mỗi người phải mang Ngài đến cho tha nhân”.

Sưu tầm


BÀ EVÀ VÀ ĐÊM GIÁNG SINH

Chuyện xảy ra ở Belem vào lúc trời vừa rạng sáng, sao vừa biến và người khách hành hương cuối cùng vừa từ giã chuồng bò. Đức Maria xếp lại đống rơm và Hài nhi sắp ngủ... thì cánh cửa nhẹ nhàng mở ra. Một người đàn bà xuất hiện ở cửa, áo rách rưới, rất già và nhăn nheo đến độ trên khuôn mặt màu đất, người ta có cảm tưởng cái miệng của bà cũng chỉ là một vết nhăn mà thôi.

Thấy bà, Maria sợ như thể một bà tiên mang xui xẻo nào đến. Nhưng may thay Hài nhi đang ngủ. Chú lừa và chú bò nhai rơm cách yên lành, và nhìn người đàn bà lạ tiến vào mà không lấy làm ngạc nhiên y như chúng đã biết bà từ lâu. Trái lại Maria không ngừng đưa mắt dõi theo. Mỗi bước chân của bà đối với Maria hình như dài băng cả thế kỷ. Bà già tiếp tục bước và bây giờ thì bà ở cạnh bên máng cỏ. Bé Yêsu vẫn ngủ.

Bất chợt Yêsu mở đôi mắt và Mẹ Ngài ngạc nhiên khi thấy đôi mắt của con Mẹ và đôi mắt của người đàn bà hoàn toàn giống nhau và chiếu lên cùng một niềm hy vọng. Bà già cúi mình trên đống rơm trong khi bàn tay bà lục soạn trong mớ áo quần rách một vật gì mà như thể bà ta bỏ cả hàng thế kỷ để tìm. Maria luôn nhìn bà ta cách lo lắng. Các con vật cũng nhìn, nhưng chúng không có vẻ gì ngạc nhiên như thể đã biết cái gì sẽ xảy ra.

Cuối cùng bà già tìm được và kéo ra từ bộ quần áo cũ của bà một vật được giấu trong bàn tay, và bà đưa cho Hài Nhi.

Sau các kho tàng của ba vua và các lễ vật của các mục đồng, thì quà tặng này là cái gì thế? Bà này từ đâu đến, Maria không được biết. Nàng chỉ thấy cái lưng cong với số tuổi của bà còn còng hơn nữa khi cúi xuống trên nôi. Nhưng chú bò và chú lừa thấy mà vẫn không ngạc nhiên tí nào. Và như thế kéo dài khá lâu. Rồi bà già đứng thẳng người lại như được trút khỏi một vật gì nặng kéo bà xuống đất. Đôi vai của bà không còn cong, đầu bà gần như đụng mái tranh, khuôn mặt bà đã tìm lại được cách kỳ diệu vẻ trẻ đẹp. Và khi bà rời cái nôi để ra cửa và biến mất trong đêm tối từ đó bà đã đến, cuối cùng, thì Maria thấy được món quà tặng kỳ diệu của Bà.

EVA (chính là bà già) vừa trao lại cho Hài nhi một trái táo nhỏ, trái táo của tội đầu tiên (và của bao nhiêu tội tiếp theo) - và trái táo nhỏ đó rạng sáng ở đôi tay em bé sơ sinh như quả địa cầu của một thế giới mới vừa mới sinh ra với em."

Sưu tầm


BÀ LÀ AI  2

Cha xứ Châu Bình, Thủ đức muốn cho giáo dân nức lòng kính mến Đức Mẹ, thường hay mở nhạc trên loa phóng thanh chung quanh nhà thờ vào trước giờ lễ ngày kính Đức Mẹ. Hôm ấy, một bà lão thở hổn hển vào phòng áo cúi chào cha:

Lạy cha, cha gọi con phải không?

Không, tôi gọi bà gì đâu

Dạ con nghe loa nói.

Bà nghe loa nói sao?

Con nghe loa nói kìa bà là ai?

Cha xứ cười cười hỏi thêm:

Bà nghe sao nữa?

Con nghe loa nói bà đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời mà con thì tội lỗi khốn nạn dốt nát.

Cha xứ cười lớn:

Không phải bà đâu bà ơi, đấy là bản nhạc ca ngợi Đức Mẹ đấy. Hội Legio mỗi khi hội họp họ hát bản này. Vậy bà vào hội nào?

Dạ con vào hội Thánh Giuse phù trợ các kẻ làm ăn.

Thảo nào…!!!"

Sưu tầm


BÀ LA-REN ĐÁNH CỌP

Câu chuyện sau đây xảy ra vào ngày 3 tháng 7 năm 1991 tại Biluet, một làng của nước Canada, nằm trên bờ sông Phơrat cách thành phố Vancôvơ 200 cây số về hướng đông bắc.

Chung quanh làng Biluet có núi rừng bao bọc. Phong cảnh nơi đây trông thật nên thơ.  Vì tính chất hoang dại của nó nên dân cư còn thưa thớt.  Trái lại vùng này là một địa bàn hoạt động của đoàn quân trên dưới ba ngàn con cọp rừng.

Buổi sáng hôm đó trời thật đẹp, nên bà La-ren Lếch 44 tuổi quyết định đưa năm em nhỏ mà bà nhận nuôi tại nhà ra ngoài trời để vừa chơi vừa vẽ.

Đã từ rất lâu bà ấp ủ mộng ước mở một nhà trẻ nhận chăm sóc các trẻ em ngay trong nhà của bà.  Đây là một việc làm thoải mái rất phù hợp với tấm lòng yêu thương trẻ em tràn trề của bà.  Sau khi trải qua tất cả các cuộc khảo hạch.  Bà La-ren nhận được đầy đủ văn bằng cần thiết để mở nhà trẻ.  Lần đầu tiên bà thu nhận được 5 trẻ tuổi từ 2 đến 5, gồm 4 gái 1 trai.  Cho đến ngày hôm đó mọi sự đều dễ dàng trôi chảy như ý bà.  Cuộc đời như tươi cười trước đôi mắt sáng ngời tự tin của bà.

Đang trông coi các em bỗng bà có ý nghĩ dẫn các em đi hái trái dâu dại mọc theo hàng dài dọc bờ sông.  Mọi người hăng hái lên đường.  Bà không quên mang theo ba con chó bergiê giống Đức đã được 1 tuổi.  Sau khi hái dâu bà lại quyết định đưa các bé ra bãi cát của bờ sông để chơi trò tương tự như trò tìm khăn của trẻ em Việt nam.

Vừa dự tính bắt đầu trò chơi bà La-ren chợt nhận ra sự im lặng lạ lùng của các em.  Ngước mắt lên bà trông thấy Jang đứng trước mặt Nikê, bé trai 2 tuổi, một con cọp to bằng con chó bergiê của bà.  Đầu con cọp cúi xuống trên mặt bé Nikê.  Trong nháy mắt bà La-ren như chết điếng tại chỗ.  Bỗng bà nói với con cọp như thể nói với con mèo trong nhà: Thôi đi! Đừng liếm mặt bé Nikê nữa! Bà không biết Nikê có bị cọp cắn không vì cậu bé cứ ngồi yên bất động.

Không một chút do dự bà nhảy bổ đến bên con cọp và định kéo đuôi có.  Nhưng rồi bà đổi ý ngay.  Bà dùng hết sức mình lấy tay túm cổ con cọp và lay nó thật mạnh.  Tức khắc cọp con quay phắt ra sau hùng hổ giơ các nanh vuốt nhọn của hai cẳng trước ra.  Bằng một động tác bất ngờ nó cào rách mặt hai bé đứng gần đó,  rồi nhảy bổ lại giơ hai cẳng trước để túm lấy đầu bà La-ren.

Mặc dầu còn nhỏ cọp con cũng đã đủ sức để có thể giết chết một nạn nhân to lớn hơn nó gấp ba lần.  Chỉ vào lúc bấy giờ các cô cậu bé mới ý thức được nguy hiểm đang diễn ra. Các bé chạy núp sang bên bà La-ren và không ngừng la hét.  Bà La-ren càng ý thức rõ ràng mình đang đối đầu với một con vật vô cùng nguy hiểm.  Nhưng bà không có lựa chọn nào khác hơn là phải ăn thua với con vật để bảo vệ đến cùng năm đứa trẻ mà bà có bổn phận phải coi sóc.

Vừa đối diện với cọp con bà vừa ra lệnh cho các bé: Các con đứng tất cả sau lưng cô.  Bà dùng hết sức mạnh túm lấy hai cẳng trước của con cọp và tìm cách đẩy nó đi xa.  Bà quyết một sống chết với con cọp.  Cuộc chiến diễn ra vô cùng khốc liệt.  Bà bị cọp cấu rách đầy mình.  Vừa chống trả bà La-ren vừa la hét ra lệnh cho con chó bẹc bergiê: Pan! Nhảy vào cắn cọp đi!  Nhưng con chó kinh hãi lùi ra xa, không dám phản ứng gì.

Thấy mình quá yếu sức lại không biết cầu cứu cùng ai bà La-ren dùng phương pháp cuối cùng, bà tha thiết thầm xin Chúa cứu giúp vừa hét vào mõm con cọp: Mày hãy cút đi và để tụi tao được yên, vừa đẩy nó về phía con chó.  Bà nói như van lơn con chó: Cắn nó đi! Cắn nó đi!.   Cọp con bị đẩy quá mạnh liền lăn nhào xuống và cắm cổ chạy vào rừng.

Lúc đó bà mới hoàn hồn.  Không ngờ trong phút cực kỳ nguy hiểm, ngoài lòng tin cậy Chúa bà La-ren đã dùng đúng chiến thuật phải dùng để đẩy lui địch thủ.  Trước tiên bà đã lên tiếng kịp thời để ngăn chặn không cho cọp con ghé mõm ngậm đầu bé Nikê và mang đi.  Sau đó bà không ngừng la hét bà tỏ thái độ dữ tợn quyết một sống một chết với cọp.  Theo các chuyên viên thì cọp thường mất tính chất hung hăng của nó trước tiếng la hét dữ dằn của đối thủ.  Bà La-ren và năm trẻ nhỏ của bà đã thoát khỏi hiểm nguy nhờ lòng tin cậy Chúa, cùng với sự can đảm và thật tình yêu thương trẻ của bà.

Lòng yêu thương lớn lao và tinh thần trách nhiệm cao độ đã khiến bà La-ren dám liều mạng để cứu những kẻ mình yêu là một phản ảnh trung thực của Đấng đã thể hiện cách hoàn hảo điều Ngài răn dậy: Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ liều mạng vì người mình yêu.

Gương bà La-ren cũng là một lời mời gọi chúng ta diễn tả lại nơi bản thân mình lời dậy và gương mẫu của Chúa Giêsu, đối với những người chúng ta yêu thương và có trách nhiệm."

Sưu tầm


BÀI THƠ VỀ CÂY VĨ CẦM

Có bài thơ nói về một cây đàn vĩ cầm cũ kỹ . Nó là hình ảnh câu chuyện của bạn, của tôi và của tình yêu Chúa dành cho chúng ta nữa.  Bài thơ ấy như sau:

“Cây vĩ cầm bị nứt bể rồi lại được dán lại.  Người bán đấu giá nghĩ  rằng chẳng nên phí thì giờ chăm chút cho nó làm gì.  Nhưng ông ta vẫn tươi cười cầm nó lên và rao bán:

- Nào, thưa quí vị, ai sẽ trả giá đầu tiên đây?  Một đồng, một đồng, rồi tới hai đồng, chỉ có hai đồng thôi sao? Ai sẽ trả nó ba đồng đây?  À, một người trả ba đồng, rồi hai người trả ba đồng, không còn ai nữa sao?

Bỗng nhiên từ cuối phòng, một người đàn ông tóc hoa râm bước lên cầm lấy cây đàn, ông lau bụi chiếc đàn cũ kỹ rồi siết lại những sợi dây lỏng. Sau đó ông tấu lên một bản nhạc êm dịu, ngọt ngào, y như những bài ca của các thiên thần. Tiếng nhạc dừng lại, người bán đấu giá chậm rãi nói:

- Tôi sẽ ra giá bao nhiêu cho chiếc vĩ cầm cũ kỹ này đây?

Rồi ông vừa cầm cây đàn lên vừa nói:

- Một ngàn đồng, và ai sẽ tăng lên 2000? Hai ngàn rồi! Có ai chịu tăng lên ba ngàn không?  Một người chịu giá 3,000, hai người chịu giá 3,000 và còn nữa!!

Đám đông hồ hởi reo vui nhưng có vài người trong họ lạ lên:

- Chúng tôi hoàn toàn chẳng hiểu cái gì đã làm thay đổi giá trị cây vĩ cầm ấy?

Lập tức có tiếng đáp lại:

- Chính nhờ đôi tay ông nhạc sĩ chạm vào đấy!

Quả thế, nhiều người trong chúng ta đã từng đi sai đường lạc lối, bị bầm dập vì tội lỗi và bị đám đông vô tâm rẻ rúng, khác nào cây vĩ cầm cũ mèm kia.  Chỉ một tô cháo, một ly rượu, một cuộc chơi là đã đưa chúng ta sa chân hết lần này đến lần khác, và cuối cùng chúng ta hầu như bị hư hoại luôn.

Nhưng vị Minh Sư đã đến, và lũ dân chúng khờ khạo hoàn toàn không thể hiểu nổi giá trị của linh hồn và sự đổi thay của nó, sau khi linh hồn đã được đôi tay của vị Minh Sư chạm đến”.

Sưu tầm