Truyện Minh Hoạ - Đức Tin

Hai thiên thần

Hai thiên thần đi chu du dưới hình dạng của những người nghèo khó, dừng chân ở một ngôi nhà khá giả. Hai thiên thần xin gia đình kia cho ở lại nhờ qua đêm nhưng gia đình đó rất khiếm nhã, tỏ vẻ khó chịu và bảo hai thiên thần vào nhà kho mà ở. Khi hai thiên thần dọn dẹp chỗ ngủ trên sàn lạnh, thiên thần lớn tuổi hơn trông thấy một lỗ trên sàn nhà và ra tay sửa lại nó. Thiên thần nhỏ tuổi hỏi tại sao, thiên thần lớn trả lời: Mọi việc không phải luôn luôn như chúng ta thấy!

Đêm hôm sau, hai thiên thần lại dừng chân ở một gia đình nghèo và xin ở lại qua đêm. Hai vợ chồng bác nông dân túng thiếu về tài sản nhưng có thừa lòng hiếu khách nên đã mời hai thiên thần bữa ăn đạm bạc và mời họ ngủ trên giường.

Sáng sớm hôm sau, hai thiên thần thấy hai vợ chồng bác nông dân buồn rười rượi. Con bò duy nhất cung cấp sữa cho gia đình họ đã chết. Thiên thần nhỏ tuổi hết sức sửng sốt về việc đó và kết tội: "Gia đình thứ nhất rất giàu có thì người lại giúp họ. Gia đình này nghèo khó và hiếu khách thì ngài lại bắt con bò của họ phải chết".
"Mọi việc không phải luôn như chúng ta thấy" - Thiên thần lớn chỉ nói vậy.

Khi hai thiên thần lại tiếp tục lên đuờng, thiên thần lớn mới nói: "Khi chúng ta ở trong nhà kho của gia đình giàu có, ta để ý thấy có một kho vàng dưới cái lỗ ở nền nhà kho, nhưng chủ nhà lại thô lỗ và keo kiệt nên ta hàn cái lỗ đó lại, họ sẽ không bao giờ tìm được vàng. Còn tối qua, khi chúng ta đang ngủ trên giường nhà bác nông dân nghèo, thần chết đã tới và nói phải đem vợ bác nông dân đi. Ta đã đưa con bò của nhà bác nông dân ra thay thế, và may mắn là thần chết đã chấp nhận con bò. Mọi thứ không phải luôn như chúng ta thấy!"

Sưu tầm


Sao Chúa bỏ rơi con?

Dòng sông Mississippi đang trong mùa lũ. Hai bên bờ, nước bắt đầu dâng lên cao. Dần dần, nước tràn vào khu vực nhà của Clem. Nước dâng lên ngập vỉa hè nơi Clem đang đứng. Từ xa, có một người đàn ông đang chèo trên một chiếc thuyền đang tiến về phía Clem "Nhảy lên đây và tôi sẽ đưa anh đến nơi cao hơn".

"Không cần đâu, Chúa của tôi sẽ cứu tôi" Clem trả lời.

Nước sông vẫn tiếp tục dâng lên đến cửa sổ tầng hai ngôi nhà của Clem. Clem nhìn ra ngoài, thấy một chiếc xuồng máy đang tiến về phía mình.

"Nhảy lên đây, tôi sẽ đưa anh đến nơi cao hơn," người đàn ông trên thuyền kêu to.

"Không đâu, Chúa của tôi sẽ cứu tôi" Clem lại trả lời.

Nước sông càng ngày càng dâng cao. Nước đã dâng lên tới mái nhà của Clem rồi. Bây giờ, Clem đã phải leo lên và ngồi trên nóc nhà để tránh bị dòng nước cuốn trôi. Dòng nước rất mạnh, đang xoáy cuồn cuộn quanh chân Clem. Bất ngờ, Clem thấy một chiếc trực thăng đang lượn trên đầu mình. Những người trên chiếc trực thăng đang có gắng gào thật to bằng một chiếc loa "Nắm sợi dây thừng và leo lên trên đây, chúng tôi sẽ đưa anh đến nơi cao hơn.

"Không cần đâu, Chúa của tôi sẽ cứu tôi" Clem vẫn trả lời.

Nước sông ngày một dâng cao và cuối cùng nó đã nhận chìm ngôi nhà cùng với Clem trong đó.

Và rồi Clem nhận ra là anh ta đang đứng trước mặt Chúa. Clem giận dữ hỏi Chúa "Con đã đặt trọn niềm tin của mình vào Chúa, tại sao Chúa lại bỏ rơi con?"

Và Chúa đã trả lời "Vậy thì con muốn ta làm gì cho con? Ta đã đem một chiếc thuyền, chiếc xuồng máy và cả chiếc trực thăng đên cứu con đó."

Trong cuộc sống theo Chúa đôi lúc chúng ta đặt niềm tin của mình nơi Chúa, nhưng vẫn mong Chúa trả lời theo cách chúng ta nghĩ.

Sưu tầm


Chiếc dù đỏ

Hạn hán kéo dài dường như không có ngày chấm dứt khiến cho những nông dân ở một làng quê nọ rất lo lắng. Họ không biết phải làm gì để cải thiện tình hình. Giờ đây, mưa là điều vô cùng quý báu với những nông dân nghèo khổ này, vì chỉ có như vậy họ mới giữ được vụ mùa, cũng có nghĩa là có thể duy trì sự sống cho cả ngôi làng.

Vì nắng nóng kéo dài, tình hình dường như ngày một trầm trọng. Trong hoàn cảnh ấy, ông mục sư của làng mới kêu gọi toàn thể mọi người hãy đến nhà thờ để cùng dự một buổi nhóm cầu nguyện đặc biệt xin Chúa ban mưa xuống đất, cứu hoa màu khỏi bị cháy khô.

Rất nhiều người đã đến. Vị mục sư đứng ở cổng nhà thờ, chào đón tất cả mọi người khi họ bước vào bên trong. Khi nhà thờ đông đảo dần, ông mục sư bước về phía tòa giảng để chuẩn bị mở đầu buổi nhóm. Mục sư nhìn quanh và thấy ai nấy vẫn đang bàn tán rôm rả dọc các dãy ghế, một số người đang chào hỏi nhau. Ông bước đến bục giảng và nghĩ đến việc phải giữ mọi người yên lặng để bắt đầu buổi nhóm.

Mắt ông lướt nhìn khắp ngôi nhà thờ trong khi ông cất tiếng đề nghị mọi người giữ yên lặng. Bất ngờ, mắt ông dừng lại ở hàng ghế đầu, nơi ông chú ý thấy một cô bé 11 tuổi đang ngồi im lặng. Khuôn mặt cô bé ánh lên một vẻ hồi hộp, vui thích. Bên cạnh cô bé, một chiếc dù màu đỏ dựng thẳng, như sẵn sàng để được sử dụng. Vẻ đẹp và nét ngây thơ trên khuôn mặt cô bé khiến vị mục sư mỉm cười, và ông chợt nhận ra đức tin lớn của cô bé kia. Không ai khác trong nhà thờ hôm ấy mang dù.

Tất cả mọi người đến để cầu nguyện xin Chúa cho mưa xuống, tuy nhiên, chỉ có một mình cô bé nhỏ đến với lòng mong đợi Chúa sẽ trả lời mà thôi.

Sưu tầm


Mòn Mi Ði Trông

Ngày kia, một hoàng đế nọ tập trung lại tất cả các nghệ sĩ trong mọi lãnh thổ của đế quốc, để tổ chức một cuộc thi đua. Ðề tài của cuộc thi đua là: mô tả dung mạo của hoàng đế...Các nghệ sĩ Ấn Ðộ đến với đầy đủ dụng cụ và các thứ đá hoa cương qúy giá. Các nghệ sĩ người Armêni mang đến một thứ đất sét mà chỉ có họ mới biết được giá trị của nó. Những người Ai Cập thì mang đến đủ thứ dụng cụ và một khối cẩm thạch qúy giá.

Sau cùng, người ta thấy xuất hiện một phái đoàn Hy Lạp. Mọi người đều ngạc nhiên, bởi vì họ chỉ mang đến vỏn vẹn một gói thuốc đánh bóng...

Người ta giam các nghệ sĩ vào trong các khu nội cấm trong cung điện. Khi thời hạn ấn định đã đến, hoàng đế cho trưng bày tất cả các tác phẩm của các nghệ sĩ. Ông trầm trồ ca ngợi bức chân dung của chính mình do các họa sĩ Ấn Ðộ vẽ. Sang đến các pho tượng của người Ai Cập và các mô hình của người Armêni, ông càng tỏ ra thán phục hơn.

Sau cùng, khi đến gian hàng của người Hy Lạp, ông chỉ thấy vỏn vẹn bức tường bằng cẩm thạch của phòng khách, nhưng mặt tường được đánh bóng đến độ khi nhìn vào ông thấy nguyên khuôn mặt của mình hiện ra từng nét...

Và dĩ nhiên, phái đoàn đã đoạt giải chính là những người Hy Lạp, bởi vì họ đã hiểu rằng chỉ có hoàng đế mới họa được chính khuôn mặt của mình.

Họa lại khuôn mặt của Ðức Kitô: đó là mục đích của Giáo Hội. Và nói như danh họa kiêm điêu khắc gia Michelangelo: "Ðể tạc một bức tượng, điều quan trọng chính là những gì phải được gọt bỏ".

Muốn họa lại khuôn mặt của Ðức Kitô, Giáo hội phải đánh bóng bức tường khuôn mặt của mình bằng cách gọt bỏ, đục đẽo tất cả những gì còn sần sùi, thừa thãi...

Mùa Vọng là mùa của mong đợi... Hai chữ mong đợi trong ngôn ngữ Việt Nam thường được đi kèm với hai chữ khác: mòn mỏi. Mong đợi nào cũng làm cho con người ta mòn mỏi. Nhưng chính sự hao mòn đó càng làm cho giây phút gặp nhau thêm đậm đà, thắm thiết hơn.

Mùa Vọng là trường dạy chúng ta mong đợi. Ðức Kitô đến với chúng ta qua từng biến cố, từng phút giây trong cuộc sống. Ngài chỉ đựơc nhận diện, Ngài chỉ được họa lên nguyên hình nếu chúng ta chấp nhận đánh bóng bức tường thành rong rêu hoặc sần sùi của con người chúng ta. Càng mòn mỏi, càng được gọt đẽo, chúng ta càng thấy được Ðức Kitô và càng họa lại được Ðức Kitô cho người khác...

Thật ra, không phải chúng ta là người họa lại khuôn mặt của Ðức Kitô, mà chính Ngài đến với chúng ta với những đường nét mà chỉ có Ngài mới biết đích thực là của Ngài. Bổn phận của người Kitô chính là chấp nhận cho Ðức Kitô dùng con người của mình để nhìn thấy khuôn mặt của Ngài. Phiến đá cẩm thạch của con người chúng ta càng bóng láng, khuôn mặt của Ðức Kitô càng hiện rõ...

Thiên Uyên


Ông Già Noel

Tháng 9 năm 1897, một bé gái 8 tuổi tên là Virginia đã viết cho tờ báo Công Giáo Hoa Kỳ để hỏi về ông già Noel. Câu hỏi của cô bé là: Ông già Noel có thật không?Vài ngày sau, trên một quan điểm của tờ báo, người ta đọc được câu trả lời của ông chủ nhiệm kiêm chủ bút như sau:"Virginia yêu dấu của bác. Ðiều trước tiên bác muốn nói với cháu là: các bạn của cháu thật là sai lầm khi bảo rằng không có ông già Noel. Các bạn của cháu bị tiêm nhiễm bởi trào lưu hoài nghi.

Họ nghĩ rằng chỉ có thể tin được những gì họ thấy tận mắt. Họ nghĩ rằng không gì có thể có được nếu trí khôn nhỏ bé của họ không hiểu được.

Virginia yêu dấu, tất cả mọi trí khôn của loài người, dù là của trẻ em, dù là của người lớn, tất cả đều nhỏ bé. Trong cái vũ trụ bao la này, con người chỉ là một con kiến nhỏ bé.

 Virginia ạ, ông già Noel có thực. Ông có thực cũng như tình yêu và lòng quảng đại nhờ đó cuộc sống của cháu trở thành vui tươi và xinh đẹp. Bé ơi, nếu không có ông già Noel thì thế giới của chúng ta sẽ như thế nào? Không có những tâm hồn ngây thơ trong trắng của những trẻ thơ như cháu thì thế giới của chúng ta sẽ như thế nào? Không có một niềm tin của trẻ thơ như cháu thì không có một áng văn, một dòng thơ nào có thể làm cho cuộc sống của chúng ta đáng sống nữa. Không có một niềm tin của trẻ thơ thì ánh sáng vĩnh cửu đang lấp đầy thế giới cũng sẽ tắt dần.

 Virginia, nếu cháu không còn tin ở ông già Noel nữa, thì cháu cũng chẳng còn tin ở chuyện thần tiên nữa. Có thể cháu sẽ yêu cầu bố cho người ngồi canh ở lò sưởi, ở cuối giường để bắt cho được ông già Noel... Nhưng dù cháu không bắt được ông già Noel đi nữa, điều đó ý nghĩa gì? Chưa có ai thấy ông già Noel, nhưng cũng không ai chứng minh được là không có ông già Noel. Những điều có thực nhất trong thế giới của chúng ta đó là những điều mà trẻ con và ngay cả người lớn cũng chưa từng thấy.

 Cháu đã bao giờ thấy các nàng tiên nhảy múa trên thảm cỏ chưa? Dĩ nhiên là chưa. Nhưng có ai chứng thực được các nàng tiên không có không? Không ai có thể có khái niệm hay tưởng tượng được bao điều kỳ diệu chưa thấy hoặc không thể thấy được trong thế giới của chúng ta.

 Chỉ có Ðức Tin, chỉ có tình yêu mới có thể vén mở được bức màn bí mật của thế giới chúng ta.

 Nhờ ơn Chúa, ông già Noel vẫn sống và tiếp tục sống, cháu Virginia ạ. Ông già Noel sẽ tiếp tục làm cho tâm hồn trẻ thơ được tràn đầy hoan lạc".

 Lá thư gửi cho cô bé Virginia trên đây đưa chúng ta vào trung tâm điểm của ngày Giáng Sinh: Giáng Sinh là lễ của nhi đồng, bởi vì nhân vật chính của ngày lễ là một Em Bé. Một Em Bé cũng như muôn nghìn em bé sinh ra trên cõi đời này. Em Bé đó chính là niềm vui và hy vọng cho tất cả mọi người.

 Thiên Uyên


Ngc Nhiên

Tại miền Provence thuộc miền Nam nước Pháp, có một máng cỏ khá nổi tiếng. Ða số các nhân vật trong máng cỏ, du khách thường để ý đến một con người nhỏ bé với hai bàn tay mở ra trống trơn, nhưng gương mặt lại để lộ một vẻ ngạc nhiên khó tả. Chính vì thế mà người ta đặt tên cho nhân vật này là "ngạc nhiên".Người địa phương thường giải thích về sự ngạc nhiên trên gương mặt của nhân vật này bằng một câu chuyện như sau:

Một hôm tất cả các nhân vật trong máng cỏ, kể cả mấy chú bò lừa, đều tỏ ra khó chịu đối với nhân vật có tên là "ngạc nhiên" này, bởi vì anh ta không có gì để mang tặng cho Chúa Hài Nhi, ngoài hai bàn tay trắng của anh. Họ sỉ vả anh như sau: "Mày không biết xấu hổ sao? Mày đến chầu Hài Nhi Giêsu mà không mang theo gì cả?".

Nhưng con người có tên là "ngạc nhiên" ấy không để lộ một phản ứng nào, đôi mắt của anh vẫn mở to và chăm chú nhìn vào Hài Nhi Giêsu.

Những lời rủa sả cứ tiếp tục trút xuống trên anh, đến độ Ðức Maria phải lên tiếng để biện hộ cho anh như sau: "Quả thực anh "ngạc nhiên" đã đến với Hài Nhi Giêsu với hai bàn tay trắng. Nhưng anh đã mang đến món quà cao đẹp nhất: đó là sự ngạc nhiên của anh! Ðiều này có nghĩa là Tình Yêu bao la của Thiên Chúa đã chiếm trọn tâm tư của anh".

Và Ðức Mẹ kết luận như sau: "Thế giới này sẽ kỳ diệu biết bao nếu luôn có những con người như anh "ngạc nhiên", biết ngây ngất vì ngạc nhiên".

Thiên Uyên


Bài thuyết ging

Tại một ngôi làng nhỏ, có một vị giáo sư thường đến nói chuyện về cuộc sống, về cộng đồng vào mỗi ngày chủ nhật. Ngoài ra, ông còn tổ chức nhiều hoạt động cho những cậu bé trong làng cùng chơi.

Nhưng đến một ngày chủ nhật nọ, một cậu bé, vốn rất chăm đến nghe nói chuyện bỗng nhiên không đến nữa. Nghe nói cậu ta không muốn nghe những bài nói chuyện tầm xàm và cũng chẳng muốn chơi với những cô cậu bé khác nữa.

Sau hai tuần, vị giáo sư quyết định đến thăm nhà cậu bé. Cậu bé đang ở nhà một mình, ngồi trước bếp lửa.

Đoán được lí do chuyến viếng thăm, cậu bé mời vị giáo sư vào nhà và lấy cho ông một chiếc ghế ngồi bên bếp lửa cho ấm.

Vị giáo sư ngồi xuống nhưng vẫn không nói gì. Trong im lặng, hai người cùng ngồi nhìn những ngọn lửa nhảy múa.

 Sau vài phút, vị giáo sư lấy cái kẹp, cẩn thận nhặt một mẩu than hồng đang cháy sáng ra và đặt riêng nó sang bên cạnh lò sưởi.

Rồi ông ngồi lại xuống ghế, vẫn im lặng. Cậu bé cũng im lặng quan sát mọi việc.

Cục than đơn lẻ cháy nhỏ dần, cuối cùng cháy thêm được một vài giây nữa rồi tắt hẳn, không còn đốm lửa nào nữa. Nó trở nên lạnh lẽo và không còn sức sống.

Vị giáo sư nhìn đồng hồ và nhận ra đã đến giờ ông phải đến thăm một người khác. Ông chậm rãi đứng dậy, nhặt cục than lạnh lẽo và đặt lại vào giữa bếp lửa. Ngay lập tức, nó lại bắt đầu cháy, tỏa sáng, lại một lần nữa với ánh sáng và hơi ấm của những cục than xung quanh nó.

Khi vị giáo sư đi ra cửa, cậu bé chủ nhà nắm tay ông và nói:

- Cảm ơn bác đã đến thăm, và đặc biệt cảm ơn bài nói chuyện của bác. Tuần sau cháu sẽ lại đến chỗ bác cùng mọi người.

Sưu tầm


VƯỢT NÚI BĂNG RNG ĐN THAM D THÁNH L

Sáng hôm ấy là Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống. Tại một nhà thờ Công Giáo mất hút giữa một làng quê hẻo lánh Trung Quốc, sau Thánh Lễ, mọi người tuốn ra trước thềm nhà thờ chào thăm và nói chuyện vui vẻ. Tôi bỗng chú ý đến một phụ nữ trẻ tuổi có thân hình rắn chắc và khuôn mặt rạng rỡ nhưng rám nắng. Cô ăn mặc thật giản dị, nếu không muốn nói là khá nghèo nàn.

Nữ trang duy nhất trên người cô là sợi dây chuyền trên ấy nổi bật ảnh Thánh Giá nhỏ với tượng Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Cô tươi cười chào hỏi từng người. Một cái gì reo vui nhí nhảnh như phát xuất từ chính con người cô. Tôi mon men đến gần và gợi chuyện. Ban đầu cô có vẽ kín đáo dè dặt. Nhưng sau đó cô lấy lại bình tĩnh. Với dáng điệu thật tự nhiên và ngôn từ giản dị, cô kể cho tôi nghe về cô và về gia đình thân yêu của cô.

Gia đình cô sống ở vùng núi cách xa nhà thờ. Để có thể đến kịp giờ tham dự Thánh Lễ, cô thức dậy từ nửa đêm và một mình băng rừng đi bộ đến đây. Vùng đất mà gia đình cô sinh sống và canh tác thì quá khô cằn. Cần phải bỏ ra không biết bao công sức lao động mới thu hoạch chút ít hoa trái rau cỏ đủ nuôi sống trọn gia đình. Nói tắt một lời, gia đình cô nghèo thật nghèo.

Buổi sáng Chúa Nhật hôm đó, có Đức Giám Mục giáo phận đến cử hành Thánh Lễ. Ngài quả là vị Chủ Chăn thật tuyệt vời. Tuyệt vời trong khung cảnh nghèo nàn khốn khổ. Mọi người bao quanh ngài. Ai ai cũng muốn chạm đến ngài, được ngài ban phép lành hoặc xin ngài cầu nguyện cho. Cảnh tượng vô cùng cảm động. Vị Giám Mục giản dị trong y phục đàn ông thôn quê Trung Quốc. Thoạt nhìn không ai có thể nhận ra ngài là Giám Mục. Nhưng lòng nhân hậu tỏa sáng nơi khuôn mặt và trong cung cách nói năng thăm hỏi của ngài.

Nửa giờ sau Thánh Lễ, mọi người vào phòng hội giáo xứ để chính thức chào thăm Đức Giám Mục. Ngài nhận ra và gọi tên từng người. Ngài chú ý đến từng vấn đề riêng của mỗi người. Bỗng nhiên, phụ nữ trẻ tuổi mà tôi có dịp nói tới trên đây, xuất hiện. Mọi người gọi cô là Rosa. Đức Giám Mục tức khắc nhận ra cô. Ngài giơ tay ban phép lành cho Rosa và lớn tiếng bảo cô giơ tay làm dấu Thánh Giá. Tôi ngạc nhiên chờ đợi. Rosa bắt đầu chậm rãi đọc: Nhân danh CHA và CON .. nhưng tay cô lúng túng không biết bỏ trên vai phải trước hay trên vai trái trước. Cô ngập ngừng do dự. Vị Giám Mục hiền từ chỉ dẫn cô cách thức phải làm dấu Thánh Giá như thế nào. Rosa chú ý làm theo và sung sướng vì được Đức Giám Mục chỉ dẫn cách đặc biệt.

Quang cảnh vừa xảy ra khiến tôi vô cùng nghĩ ngợi. Một Đức Tin mạnh mẽ như Rosa, biểu lộ bằng sự kiện thức dậy từ nửa đêm, một mình băng rừng núi xuống đồng bằng tham dự Thánh Lễ, mà lại không biết làm dấu Thánh Giá sao???

Tôi đem thắc mắc trình bày với Đức Giám Mục thì ngài giải thích cho tôi hiểu:

- Rosa thuộc một gia đình hoàn toàn ngoại giáo. Nơi làng cô không hề có tín hữu Công Giáo nào. Chỉ duy nhất cô nhận biết Đức Chúa GIÊSU KITÔ là Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Cô xin lãnh nhận bí tích Rửa Tội và gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

Tôi rời Trung Quốc mang theo hình ảnh tươi đẹp về Đức Tin của cô Rosa, phụ nữ Công Giáo của miền rừng núi Trung Quốc. Sự kiện cô xin theo Đạo Công Giáo khiến tôi liên tưởng đến câu nói thời danh của Thánh Giám Mục Tiến Sĩ Âu-cơ-tinh (354-430):

- Chúa dựng nên chúng con vì Ngài, lạy Chúa, do đó tâm lòng chúng con sẽ khắc khoải khôn nguôi cho đến khi nào được an nghỉ trong Chúa.

Chứng từ của Kitô hữu Thomas Gahan.