Truyện Minh Hoạ - Cầu Nguyện

Bé Anne de guignes

     Một hôm Anne de Guignes hỏi Mẹ:

   - Thưa mẹ, mẹ có thể cho phép con cầu nguyện mà không dùng sách khi dự lễ không?

   - Để làm gì?

   - Bởi vì con thuộc hết các kinh và con thường chia trí. Còn khi con nói chuyện với Chúa Giêsu con không lo ra tí nào cả. Mẹ ạ! Giống như khi nói chuyện với một người nào, mình biết rõ điều mình nói.”

   - Thế con nói gì với Chúa Yêsu nào?

   - Con nói rằng con yêu mến Ngài. Rồi con nói với Chúa về Mẹ, về nhưng người khác, để xin Chúa biến tất cả nên trọn lành. Con nói với Ngài nhất là về những người tội lỗi.

   Rồi, đỏ mặt một chút cô bé nói thêm: “Rồi, con nói với Ngài con muốn được gặp Ngài lắm!”"

Sưu tầm


Thầy gọi các con là bạn hữu

Các nhà tu đức nói mỗi người trong chúng ta đều có 4 người bạn:

1. Người bạn mà ta gắn bó nhất, vất vả vì bạn nhất, đó là tiền bạc, của cải vật chất. “Đồng tiền liền khúc ruột”!

Nhưng, đó lại là kẻ phản bội ta trước nhất!

Vừa nhắm mắt là nó lìa xa ta. Ta chẳng đem theo gì được, dù có vàng muôn bạc tỷ.

2. Người bạn thứ hai trung thành hơn với ta một bước: đó là thân nhân, bạn bè. Nhưng cùng lắm họ cũng chỉ đưa ta đến huyệt mà thôi!

3. Người bạn thứ ba, có khi ta ít lưu tâm gắn bó, nhưng trung thành với ta đến cùng, sẽ cùng ta đến trước tòa phán xét: đó là những việc lành phúc đức, các nhân đức ta thi hành ở trần gian.

“Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc 16,9).

Tuy nhiên, cạnh người bạn này luôn có tên sát thủ cũng theo ta như hình với bóng, đó là những lỗi lầm, những điều xấu, điều ác ta đã phạm trong cả đời mình. Lúc này, Xa-tan làm công tố viên! Thánh Gio-an trong sách Khải Huyền đã viết: “Vì Xa-tan, kẻ tố cáo anh em của ta ngày đêm tố cáo họ trước tòa Thiên Chúa”.

4. Người bạn thứ tư cũng ít khi ta lưu tâm tới, nhưng lúc nào cũng trung thành ở bên ta, cả khi sống cả khi chết, và sẽ dẫn đưa ta tới tòa Chúa, làm trạng sư cho bênh vực ta và đón ta vào thiên đàng, đó là thiên thần bản mệnh, là Đức Ma-ri-a và các thánh nam nữ, nhất là thánh bổn mạng ta.

Trong nghi thức an táng có bài ca tiễn biệt như sau: “Xin các thánh trên trời phù giúp người tín hữu Chúa đây, và xin các thiên thần đón gặp người lìa cõi thế này. Xin thần thánh giờ đây tiếp nhận và đem trình diện Đấng Tối cao. Và xin các thiên thần dẫn đến chốn an bình bên tổ phụ Ap-ra-ham”.

Hình ảnh xinh động trình bày giáo lý tứ chung đơn sơ, sâu sắc, đó là bức ảnh “chết lành và chết dữ”.

Kẻ chết dữ thì quay mặt vào tường, từ chối lời yêu cầu sám hối của linh mục, trong khi quỉ gợi lại những hình ảnh tội lỗi của anh. Cuối giường bệnh thì vợ cả quì khóc, thiên thần bản mệnh thì bưng mặt bay đi, còn lũ quỉ thì kéo cả chăn nệm cùng với kẻ vừa chết xuống địa ngục.

Kẻ chết lành thì đang lãnh các phép bí tích sau hết do linh mục ban. Vợ con đứng xung quanh lần hạt cầu nguyện. Thiên thần bản mệnh cầm gươm đuổi quỉ chạy xa. Và trên tầng mây có Chúa Giê-su và các thần thánh đang chờ rước hồn anh về trời.

Người tín hữu sống đạo Chúa dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội qua các linh mục, biết chăm làm việc lành cùng với sự trợ giúp của Đức Mẹ và các thánh, chắc chắn sẽ được chết lành như vậy.

Sống lành ắt chết lành."

Sưu tầm


Sự cầu nguyện

Các thính giả của nhà triết học Peter Wust ngày nay chắc còn giữ lại trong ký ức một cách sống động bài thuyết trình cuối cùng của ông tại Đại học Munster. Ông này đang trèo lên bậc thang hiển hách trên đường sự nghiệp, thì thình lình bị chứng ung thư chí tử chận đứng lại. Bác sĩ cho ông biết trước ngày chết, và ông đã bình tĩnh đọc bài diễn văn từ biệt để ra đi không hẹn ngày về. Những lời cuối cùng của ông thật đã gây một niềm xúc động không tả. Chính vì thế chúng đã là một chúc thư vô cùng quí báu cho chúng ta.

Ông nói:

- Bây giờ nếu các bạn hỏi tôi, trước khi tôi ra đi vĩnh viễn xa biệt hẳn các bạn thì tôi có biết chiếc chìa khóa bùa bả nào nó mở ra cho nhân loại cái cửa cuối cùng để dẫn đưa vào sự khôn ngoan của cuộc sống, thì tôi không ngần ngại trả lời: “Có chứ, tôi biết, và đương nhiên các bạn sẽ nghĩ ngay đến một tư tưởng triết học nào đó. Nhưng tôi xin thưa ngay với các bạn rằng: chiếc chìa khóa bùa bả đó chính là sự cầu nguyện."

Sưu tầm


Cầu nguyện

   - Thánh Columban, Ái nhĩ lan.

   Ngày kia, trên Đường trở về lại xứ Ái Nhĩ Lan thánh Columban gặp một cơn bão lớn. Nhiều cây sóng lớn quét ngang boong tàu và hầm tàu bắt đầu ngập nước. Thánh Columban muốn giúp các thuỷ thủ tát nước, nhưng họ từ chối và nói với ngài:

   - Cha làm mất thì giờ của cha, tốt hơn hết, cha hãy cầu nguyện cho những người sắp mất.

   Ngài lên lại trên boong và ở đó ngài quì giang tay cầu nguyện. Tức thì gió yên , biển lặng."

Cầu Nguyện

Đức Tổng Thuận khi ra khỏi tù, có nhiều người tưởng rằng ngài có nhiều thời giờ cầu nguyện! Theo lời Đức Tổng Thuận thì không phải như vậy. Chúa cho ngài thấy sự yếu đuối tinh thần và thể xác. Thời gian biệt giam của ngài là một thời gian vô tận. Đã có ngày ngài không thể đọc được một kinh nào. Ngài thường lặp lại: “Giêsu hỡi, Phanxicô Thuận đây.” Khi đọc như vậy ngài liên cảm thấy được an ủi và biết chắc là Chúa đang đáp lại: “Phanxicô Thuận, Giêsu đây.”

Trong sách đường hy vọng của ngài có nói: “Cầu nguyện là hiện diện với Chúa, là ở với Chúa Giêsu.” “Tại sao có những khủng hoảng trong Giáo hội? Chỉ vì người ta không còn chú trọng đến việc cầu nguyện nữa.” (DHV 134)"

Sưu tầm


Cầu nguyện dễ lắm 

   Ngày kia khi cỡi ngựa đi ngang qua một ngôi làng, thánh Benardo giúp một nông dân đang đi bộ trên đường. Thấy ngài, người nông dân nói:

   - Ông đã chọn một nghề thật an nhàn. Tại sao tôi lại không trở nên một người tối ngày chỉ biết cầu nguyện để cũng có một con ngựa để cỡi?

   Nghe nói vậy, thánh Benardo bình tĩnh hỏi:  

   - Thế anh tưởng cầu nguyện dễ lắm sao? Này, tôi đánh cuộc với anh, nếu anh đọc được một kinh lạy cha từ đầu đến cuối mà không lo ra, tôi sẽ tặng anh con ngựa này.

   Người nông dân tỏ vẻ ngạc nhiên đến tột độ, và hỏi:

   - Thật không?

   Thấy thánh Benardo gật đầu tái xác nhận lời hứa, người nông dân vội vàng nhắm mắt chắp tay đọc to:

   - Lạy cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước  Cha trị đến...

   Vừa đọc đến đây, bỗng anh ta chia trí, ngừng lại và hỏi:

   ...Vậy là tôi có thể lấy cả yên ngựa và dây cương nữa chứ?

     Chẳng  có ngựa cũng chẳng có cương cho anh, anh chia trí rồi  đấy!

   Suy diễn: Linh mục Romano Gacđini, một nhà thần học nổi tiếng đã viết: “Chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho chúng ta mọi sự, cho những nhu cầu vật chất của đời sống. Nhưng cũng xin ơn sức mạnh để chu toàn bổn phận. Xin sự năng đỡ khi tâm hồn cảm thấy yếu đuối. Xin ơn can đảm Để chiến đấu trong trận chiến thiêng liêng. Xin ơn chắp nhận sự thật, ơn thăng tiến trong tình mến Chúa yêu người. Bởi lẽ trong cuộc sống chúng ta luôn thấy có những nhu cầu vượt quá tầm tay chúng ta... “"

Sưu tầm


Cầu nguyện và cố gắng

   Báo Life có kể một chuyện. Hai em bé gái đi học trễ, lo sợ bị phạt. Một em nói:

   -Thôi mình dừng lại một lát cầu xin Chúa cho chúng ta đến trường đúng giờ

Em bé kia đáp:

Đừng đứng lại, nhưng chúng mình chạy thật nhanh hết sức mình và cầu xin Chúa giúp khi mình chạy.

Để cầu xin có hiệu quả, chúng ta hãy thành tâm cố gắng với điều mình cầu xin, và ý nguyện cầu phải hợp với lẽ phải. Nếu ta cố gắng, sự trợ giúp của Chúa sẽ giúp chúng ta.

Sưu tầm


Cầu nguyện và làm việc

Đức Cha Thiad, diễn giả nổi tiếng người Hungari, đã nói về sự liên kết giữa cầu nguyện và hoạt động bằng mẩu chuyện như sau:

   Một ngư phủ lão thành và đạo đức nọ mời một người bạn trẻ cùng ra khơi với ông. Chiếc ghe nhỏ được trang bị bằng 2 mái chèo. Trên một mái chèo,  người ta đọc thấy hai chữ “Cầu nguyện,” còn mái chèo kia ghi hai chữ “Làm việc”. Thấy vậy, người thanh niên thắc mắc: “Tại sao lại phải vừa làm việc vừa cầu nguyện?”

Ông lão không trực tiếp trả lời thắc mắc của người bạn trẻ. Thay vào đó ông gác mái chèo có ghi 2 chữ “Cầu nguyện” và dùng mái chèo còn lại để chèo chống.  Mặc cho ông hết sứ cố gắng xoay xở, chiếc ghe vẫn tròng chao đảo mà không thể tiến lên được chút nào. Chờ cho người thanh niên chóng mặt và la ơi ới, ông lão mới để mái chèo có ghi hai chữ “Cầu nguyện” xuống nước. Nhờ có 2 mái chèo “Cầu nguyện” và “Làm việc” cùng nhịp nhàng khua nước, chiếc ghe lấy lại thế quân bình rồi rẽ sóng lướt tới.

***

Cầu nguyện và hoạt động phải đi đôi với nhau và luôn được liên kết với nhau, thì đời sống mới sung mãn."

Sưu tầm


Cầu nguyện và truyền giáo  

Có năm chàng thanh niên đi tìm vàng ở Ohio. Miền này trước kia hoang vu thiếu thốn đủ thứ và đầy những gian nan thử thách. Khi trở về thì bốn người trong bọn họ đã trở nên cộc cằn dữ tợn. Tuy nhiên, có một người là đã trở về với tinh thần minh mẫn vui vẻ như trước. Người ta hỏi anh: “Làm sao anh tránh được những lầm lỗi của bốn người kia?” Anh trả lời:

   - Vì một hình ảnh tôi đã mang theo là hình ảnh trong tâm hồn tôi. Đó là hình ảnh gia đình tôi trong buổi sáng khi lên đường. Chúng tôi ăn sáng với nhau. Cha mẹ và anh chị em tất cả chúng tôi đều nghẹn ngào, vì tôi là người thứ nhất lìa xa gia đình. Cha tôi nói đôi lời và bảo mọi người quì xuống cầu nguyện cho tôi được thượng lộ bình an. Hình ảnh đó theo tôi trong suốt cả chuyến đi."

Sưu tầm


Câu chuyện đêm Noel 

   Để hiểu rõ câu chuyện hơn, chúng ta nên biết qua 1 chút phong tục của người Âu Châu vào dịp lễ Noel và ngày đầu năm tới. Đây là thời điểm để các gia đình mua sắm các thứ để 'ăn tết', và riêng đối với các trẻ em chưa đến tuổi khôn, những món quà mà cha mẹ các em mua sắm cho gia đình, và nhất là cho các em trong dịp này đều được gán cho ông già Noel hoặc Chúa Hài Đồng đã mang đến tặng cho các gia đình đạo hạnh hoặc cho các trẻ em ngoan ngoãn, vâng lời trong suốt năm qua.

   Câu chuyện sau đây xẩy ra đêm 24 tháng 12 năm ấy. Vì em còn nhỏ, nên ba má bắt em ở nhà ngủ, chờ khi lễ xong, ba má sẽ về và rồi cả nhà sẽ cùng vào lò sưởi nhà bếp nhận quà Noel. Đang nằm thiêm thiếp trên tầng gác -ai mà ngủ say được trong đêm Noel như thế này. Em bỗng nghe có tiếng động ở tầng dưới. Vì tò mò và vì muốn bắt gặp tại trận Hài Đồng Giêsu đến tặng quà, em rón rén bước xuống cầu thang. Đèn sáng trong nhà bếp bỗng tắt ngủm. Em nhanh tay bật công tác đèn, và ánh đèn sáng choang đã soi rõ khuôân mặt của 1 người lớn tuổi đang đứng sững trước lò sưởi. Trên bàn có 1 chiếc bị căng phồng, và trong tay người lạ là một quả cam và một hộp sôcôla khá nặng. Em reo lên:

   - Thì ra không phải là Hài Đồng Giêsu. A, mà phải rồi, cháu hiểu ra rồi. Ông là thánh Yuse phải không ? Có lẽ vì trời lạnh lẽo thế này nên bé Giêsu bất ngờ bị cảm và ông đi thay có phải không ? Ông có buồn khi cháu đến quấy rầy ông không? Ông đang soạn cam và sôcôla cho cháu đấy phải không ?

   - Ông 'đạo chích' yên tâm. Phải, ông ta chính là 1 tên ăn trộm, nhưng em bé kia không hề biết điều đó. Càng lúc ông đạo chích càng cảm thấy có thiện cảm với em bé vì em đã gán cho ông ta tước hiệu 'Thánh Yuse của đêm Noel!

   Trong khi đó em vẫn say sưa phỏng vấn:

   - Thưa thánh Yuse, ngài đem gì cho ba má đây ?

   Ông đạo chích liền điềm tĩnh đặt thỏi sôcôla và trái cam vào chiếc giầy của em, rồi rút từ chiếc bị căng phồng trên bàn ra 1 ống điếu và 1 lon thuốc lá đặt vào chiếc giày của người cha, rút chiếc khăn trùm đầu đặt vào chiếc giày của người mẹ.

   - Ồ, thánh Yuse quả là tuyệt diệu!  Ba cháu đang cần 1 cái ống điếu mới, vì hôm kia, cái ống điếu cũ đã bị vỡ, còn má cháu thì vẫn ao ước 1 chiếc khăn trùm đầu như thế này. Vậy mà thánh Yuse lại biết hết tất cả đấy!

   Sau khi ông thánh Yuse đạo chích đã phân phát quà xong, em chạy lại nắm tay ông. Ông ta cảm thấy lòng êm ái, nhẹ nhàng vì cái nắm tay ấy, xưa nay ông vẫn quen mùi xích sắt với còng Inox thôi!  Và đôi dòng lệ bắt đầu tuôn chảy nơi khoé mắt ông. Em bé nói:

   - Khi nào ba má về, con sẽ khoe rằng con đã được gặp ngài!

   - Đừng con!  -ông đạo chích căn dặn, mặt ông bỗng đanh lại khi nghĩ đến lúc người lớn trở về. Ông dợm bước đi-.

   - Đã đến lúc ngài phải đi rồi sao ? Vậy xin ngài cho phép con hôn từ biệt ngài. Mà sao râu của ngài dài và rậm thế ?

   - Ông không có giờ cạo con ạ. Con cũng biết đấy, mấy hôm nay ông đâu có rảnh!

   - Vâng, con biết. Con thương ông lắm ông ạ.

   - Thôi, con đi ngủ lại đi, ba má con sắp về rồi đấy. Đừng để người lớn trông thấy ông. Con hãy ngoan lên, ông cũng thương con lắm.

   Sau khi liếc nhìn lần cuối xem các thứ đã đâu vào đấy như cũ chưa, ông đạo chích khoác chiếc bị xẹp lép lên vai, mở cửa bước vào đêm đen, trên đôi mắt vẫn còn đọng lại 2 hàng lệ. . . Lòng ông bỗng ấm hẳn lại, mặc dù trời lạnh cứng và bụng ông đang xẹp lép như chiếc bị trên vai ông. Xa xa, vẳng tiếng hồi chuông tan lễ đem đang reo vui. . . Noel là phần cuối của tiếng Emmanuel, một từ ngữ Do thái, hàm nghĩa”Chúa ở cùng chúng tôi”. Năm 353, ĐGH Libère chính thức thành lập lễ này tại Roma và ấn định việc cử hành vào ngày 25/12 mỗi năm."

Sưu tầm


Câu chuyện Cha Marcô

Hồi xưa, trong đan viện cổ kính ở Octo Boygen (?) bên Đức, có 1 vị Linh mục già rất được các giáo hữu lân cận và các đan sĩ quí mến, vì cha không bao giờ gắt gỏng với bất cứ một ai. Cha tên là Marcô.

Ngày kia, cha đi thăm 1 vị linh mục bị đau ở một làng gần đó. Lúc rời nhà vị Linh mục bạn trở về ngài gặp một bà ở gần đó đón đường và xin cùng đi với ngài. Cha Marcô vui vẻ nhận lời. Đi được 1 quãng, người đàn bà lên tiếng nói:

- Thưa cha, cha biết không? Cái bà láng giềng của con thật là 1 người gian ác.

Nghe đến đây, cha Marcô liền ngắt lời:

- Có thật vậy không ? Chúng ta hãy mau đọc kinh Mân côi để cầu cho bà ấy. Xin Chúa và Mẹ Maria cho bà ta biết sớm sửa mình.

Rồi không để cho người phụ nữ mách lẻo kia nói thêm câu nào, cha Marcô làm dấu thánh giá và đọc với 150 kinh Kính mừng. Đi được 1 phần 3 quãng đường, người đàn bà kia lại nói:

- Thưa cha, con không thể nào chịu được bà láng giềng xấu xa đó.

- Quả thật -Cha đáp- tập được nhân đức kiên nhẫn là điều khó khăn. Nào, chúng ta cũng đọc kinh xin Chúa cho bà được thêm kiên nhẫn. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần . . .

Thế là thêm 150 kinh Kính Mừng nữa được vị linh mục và người đàn bà kia đọc lên. Khi lời kinh cuối cùng vừa dứt, người đàn bà kia lại nói:

- Thật con nghĩ, giá mà cha tận mắt trông thấy cái bà láng giềng của con hành hạ chồng như thế nào ?

-Thế hả ? -Cha Marcô tiếp ngay-. Tội nghiệp ông chồng đó quá!  Vậy chúng ta đọc tiếp một chuỗi Mân côi cho ông ta nhé. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần . . .

Khi tràng 150 kinh Kính Mừng vừa chấm dứt thì hai người cũng vừa đi tới trước cổng đan viện . . .

*   Câu chuyện trên đây cho chúng ta thấy lòng Bác ái sâu xa và lòng tôn trọng danh dự của tha nhân vốn có nơi cha Marcô. Cha đã khéo léo không trở thành dịp khuyến khích người đàn bà kia làm hại tới danh dự của người khác."

Sưu tầm