Truyện Minh Hoạ - Cầu Nguyện |
Linh mục nọ truyền cho thầy phó tế của mình huy động 10 người đến cầu kinh xin ơn hồi phục cho một bệnh nhân. Khi tất cả đã đến, có người rỉ tai nói thầm với linh mục: “Trong số những người này, có vài tên trộm rất tai tiếng đó, thưa cha.” “Càng tốt” - linh mục trả lời - “Nếu các cánh cổng ơn Chúa bị đóng lại, thì họ sẽ là chuyên viên mở chúng ra.” Lê Công Đức Một học viên của trường Tendai - trường phái Triết học Phật giáo - đến viếng GASAN như một đệ tử với thầy. Ít năm sau, khi anh ta ra đi, Gasan cảnh cáo: -Suy cứu chân lý thì cũng hữu ích như là cách góp nhặt lời giảng dạy cụ thể. Nhưng hãy nhớ rằng: ánh sáng chân lý của anh vẫn có thể tắt mất, trừ phi anh thiền định không ngừng. Cũng vậy đối với tất cả những ai trong chúng ta không luôn sống trong ơn Chúa và trong sự cầu nguyện." Sưu tầm Một hôm Anne de Guignes hỏi Mẹ: - Thưa mẹ, mẹ có thể cho phép con cầu nguyện mà không dùng sách khi dự lễ không? - Để làm gì? - Bởi vì con thuộc hết các kinh và con thường chia trí. Còn khi con nói chuyện với Chúa Giêsu con không lo ra tí nào cả. Mẹ ạ! Giống như khi nói chuyện với một người nào, mình biết rõ điều mình nói.” - Thế con nói gì với Chúa Yêsu nào? - Con nói rằng con yêu mến Ngài. Rồi con nói với Chúa về Mẹ, về những người khác, để xin Chúa biến tất cả nên trọn lành. Con nói với Ngài nhất là về những người tội lỗi. Rồi, đỏ mặt một chút cô bé nói thêm: “Rồi, con nói với Ngài con muốn được gặp Ngài lắm!”" Sưu tầm Lucia là một cô bé ngoan hiền và đạo hạnh sống tại thành Nana nước ý, từ thuở nhỏ cô đã tỏ lòng yêu Chúa đặc biệt. Hồi 5 tuổi, một hôm bé tới nhà thờ, quì trước tượng Đức Mẹ bồng Chúa Hài Nhi, Lucia nói với Đức Mẹ một cách chân thành. Mẹ ơi! con yêu mẹ lắm. con cũng thương chúa hài đồng lắm. con ước ao được ẵm bế chúa hài nhi trên tay con, cũng như mẹ đang ẵm chúa vậy. mẹ ơi, mẹ trao chúa cho con đi. sau đó, Lucia liền giơ đôi cánh tay nhỏ bé và nũng nịu nói với Đức Mẹ: Mẹ cho con bế Chúa một tí đi Mẹ. Đức tin và lời cầu nguyện đơn sơ của Lucia đã làm nên phép lạ: mẹ đã bước xuống khỏi toà, đặt Chúa Hài Nhi thực thụ và sống động trong vòng tay nhỏ bé của Lucia. Phần bé thì sung sướng vô cùng, ôm ghì Chúa vào lòng, bé hôn lấy hôn để và thỏ thẻ với Chúa những lời yêu thương. thế rồi Đức Mẹ phán: Lucia, mẹ cho con bế Chúa Hài nhi về nhà 3 ngày để con chiêm ngắm và tỏ lòng yêu thương đó. Lucia đã hớn hở bế Chúa về nhà, và trong 3 ngày, Lucia đã để hết tâm chăm sóc đến Chúa Hài Nhi." Sưu tầm Thầy Silôen là một tu sĩ đơn sơ, thánh thiện, người Nga thuộc chính thống giáo tu tại dẫy núi U-ran từ năm 20 tuổi đến khi qua đời lúc 70 tuổi. Giáo chủ Antôn đại diện Chính Thống Giáo Âu Châu kể về thầy như sau. Suốt nhiều năm, thầy đáng kính Silôen coi sóc sưởng làm việc của tu viện. Trong xưởng có một số thanh niên nghèo từ miền quê tới làm để kiếm sống cho gia đình. Một ngày kia có tu sĩ hỏi thầy. - Thưa thầy, thầy có bí quyết gì mà khiến những người thợ kia làm việc chăm chỉ đến thế, chẳng cần canh chừng họ. Trong khi mắt chúng con không rời họ mà họ vẫn đánh lừa chúng con . Thầy Silôen trả lời: - Tôi cũng không rõ. Chỉ biết rằng mỗi buổi sáng tôi không bao giờ đến mà trước tiên không cầu nguyện cho họ. Tôi đến với họ bằng quả tim yêu thương. Khi tôi bước vào xưởng, tôi yêu thương họ với tình yêu dạt dào của tôi. Tôi phân công cho họ rồi ra về với quyết định sẽ cầu nguyện cho họ. Trong suốt thời gian họ làm việc thì tại phòng riêng tôi đặt mình trước nhan Chúa và cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương nhớ đến Nicôla anh ta còn trẻ, mới 20 tuổi, anh ta để vợ và con đầu lòng ở quê nhà, chắc anh ta đau khổ lắm khi phải xa vợ con để đi làm một mình. Xin Chúa gìn giữ gia đình anh khỏi mọi tai họa. Rồi tôi cầu nguyện cho những người khác nữa. Tôi sống mỗi ngày như vậy đó. Tôi cầu nguyện cho từng người thợ, anh này rồi đến anh kia. Cuối cùng tôi đến trao đổi với họ vài câu truyện. Chúng tôi cầu nguyện chung với nhau, rồi họ ra về. Phần tôi, tôi trở lại đan viện để chu toàn bổn phận một đan sĩ. Một tâm hồn yêu mến Chúa đích thực và có tương quan mật thiết với Ngài cũng tất nhiên là một tâm hồn chan hòa tình thương yêu tha nhân. Tình thương chan hòa ấy có sức mạnh chinh phục lòng người hơn mọi thứ uy quyền hay luật lệ. Đây là điều của thầy Silôen đã hiểu được. Kitô hữu chúng ta được mời gọi yêu thương như Chúa Kitô đã và vẫn không ngừng yêu thương. Nhận đức tin là nhận sứ mệnh trao tặng tình thương của Thiên Chúa cho mọi người. Đó là tình thương mà thánh Phaolô quả quyết “đã được tràn đổ vào lòng những kẻ tin nhờ Thánh Thần”." Sưu tầm Ðức Hồng Y Cardjin, vị sáng lập của phong trào Thanh Lao Công, đã tự thuật như sau: "Tôi là con của giai cấp công nhân. Nếu tôi đã có thể trở thành linh mục, là cũng nhờ cha tôi". Cha tôi là một công nhân nghèo. người đã phải hy sinh để nuôi dưỡng những đứa con mà hẳn người đã hãnh diện. Tôi còn nhớ, khi lên 13 tuổi, một buổi tối nọ, khi các anh chị của tôi đã lên giường đi ngủ, tôi rón rén bước xuống nhà bếp. Tôi đến gần cha tôi. Người đang ngồi trầm ngâm với chiếc ống điếu. Còn mẹ tôi thì đang khâu giày cho chúng tôi. Tôi rụt rè thưa với cha tôi: "Thưa ba, con có thể tiếp tục học không?". Cha tôi trả lời: "Con ơi, ở tuổi con ba đã phải đi làm rồi. Nay thì ba đã già và sức ba cũng đã mòn". Tôi lấy hết can đảm để thuyết phục cha tôi: "Ba ơi, con nghĩ là Chúa đã gọi con, con muốn tở thành linh mục". Bình thường cha tôi là một người ít biểu lộ tình cảm. Nhưng tối hôm đó, khi vừa nghe tôi cho biết ý định làm linh mục, nước mắt người bỗng từ từ lăn trên gò má... Và đôi tay của mẹ tôi cũng run lên vì xúc động. Cuối cùng, khi làm chủ được cơn xúc động, cha tôi mới thốt lên với tất cả cương quyết: "Ba má đã hy sinh quá nhiều... Nhưng để cho một người con làm linh mục, ba má nguyện sẽ tiếp tục hy sinh". Mà quả thực, cha mẹ tôi đã tiếp tục làm việc nhiều hơn nữa để tôi có thể tiếp tục học. Vừa mãn trung học, 8 ngày trước khi lãnh thưởng cuối năm, tôi nhận được điện tín nhắn tin cha tôi đau nặng. Trên giường hấp hối, cha tôi nhìn tôi mỉm cười: đó là chúc lành cuối cùng mà người dành cho tôi. Người cha đáng thương, hy sinh cho đến chết để người con được trở thành linh mục. Sau khi vuốt mắt người, tôi đã thề hứa sẽ hy sinh để trở thành linh mục, nhất là linh mục cho giới công nhân. Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài muốn. Nhưng tiếng gọi ấy luôn được ngỏ với con người trong một khung cảnh sống cụ thể. Khung cảnh ấy có thể là gia đình, là chợ búa, là trường học, là chỗ làm việc... Có những khung cảnh thuận tiện, mà cũng có những khung cảnh không thuận tiện. Có những nơi hạt giống ơn gọi được nảy mầm, vun xới. Có những nơi hạt giống ấy bị bóp nghẹt... Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài muốn, nhưng kẻ được gọi luôn là người đang sống cùng và sống với những người khác. Do đó, nếu không có sự nâng đỡ của những người xung quanh, hạt giống ơn gọi cũng sẽ mai một dễ dàng... Chúng ta hãy cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Ý thức đầu tiên của chúng ta trong ngày hôm nay phải là: ơn gọi là vấn đề của mọi người Kitô. Từ gia đình, đến trường học, công sở... mọi người chúng ta đều có trách nhiệm nâng đỡ và bảo vệ hạt giống ơn gọi mà Chúa muốn gieo vào lòng những người anh chị em của chúng ta. Thánh Gioan Bosco đã nói: phần thưởng quan trọng nhất mà Chúa có thể dành cho mọi gia đình Kitô, đó là kêu gọi một người con làm linh mục. Phần thưởng trọng đại ấy, Chúa dành cho các gia đình có con cái tận hiến cho Chúa, nhưng Ngài cũng dành cho tất cả những ai cách này hay cách khác biết cổ vũ, nâng đỡ và giúp phát triển ơn kêu gọi... Sưu tầm Máy bay hạ cánh khẩn cấp vì chuyện cầu nguyện Thiếu niên 17 tuổi trên chuyến bay 3079 của hãng US Airways Express đã lôi ra những chiếc hộp nhỏ chứa kinh thánh để cầu nguyện, cảnh sát Philadelphia Frank Vanore cho biết. Khi cậu cầu nguyện, một hộp được buộc vào tay, còn hộp kia thì buộc trên đầu. "Đó là điều mà một người bình thường hiếm khi nhìn thấy", AP dẫn lời phát ngôn viên FBI J.J. Klaver nói. Cậu bé đã giải thích nghi thức cho các tiếp viên khi được chất vấn, nhưng họ vẫn cảm thấy chưa nhận được câu trả lời rõ ràng. "Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho mọi hành khách, phi hành đoàn đã quyết định cho máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống Philadelphia để các quan chức có thể điều tra rõ hơn", phát ngôn viên của hãng hàng không tuyên bố. Máy bay hạ cánh tại Philadelphia trước sự tiếp đón của hàng loạt cảnh sát, chó nghiệp vụ, đặc vụ FBI và nhân viên cơ quan an ninh giao thông. Các quan chức cho biết máy bay đã được lục soát và các hành khách được thẩm vấn. Cậu bé đến từ White Plains, New York, đi cùng em gái 16 tuổi và cả hai rất hợp tác. Sau đó họ đã được thả ra để tiếp tục hành trình. Về sau bà của cậu thiếu niên cho biết do cậu phải lên máy bay sớm nên không có thời gian cầu nguyện trước khi rời New York. Việc cầu nguyện buổi sáng thường diễn ra trong vài giờ khi bình minh lên, vì vậy cậu phải làm việc này ở trên máy bay. Còn nghi thức buộc các cuốn kinh thánh lên tay và đầu là để nhắc nhở người đó rằng "mọi hành động họ làm trong ngày, và những gì họ suy nghĩ trong ngày, sẽ phải trong sáng, cao cả, thúc đẩy họ làm những việc tốt, có ý nghĩa". Diệu Minh Một gã si tình đeo đẳng trong nhiều tháng trời, để rồi thất bại vì bị khước từ đau đớn. Cuối cùng, người yêu đã nhượng bộ và nói: "Anh hãy đến chỗ đó, vào ngày giờ đó." Vì vậy cuối gã si tình được ngồi bên cạnh người yêu. Chàng lấy ra một chồng thư tình đã viết cho nàng trong nhiều tháng qua. Đó là những lá thư nồng cháy, nói lên nổi đau đớn ê chề và sự ao ước nồng nàn. Chàng bắt đầu đọc lớn tiếng. Nhiều phút trôi qua và chàng cứ đọc, đọc mãi. Cuối cùng, cô gái la lớn: "Anh đần độn đến mực nào? Các thư tình đó nói về nổi lòng mong ước của anh. Được lắm, nầy đây, cuối cùng em đang ngồi với anh mà anh cứ mải miết đọc những bức thư nhảm nhí đó." Chúa nói: "Nầy Cha đang ở trong con mà con cứ suy tưởng về Cha ở trên trời xa thẳm.. Sao con cứ năn nỉ ỉ ôi xin hết ơn này tới ơn khác trong khi có ơn nào vĩ đại bằng ơn Cha thực sự sống trong con không?? Sao con cứ bỏ mặc Cha cô đơn trong con rồi hăm hở đi tìm Cha qua những bài Thần học cao siêu đầy suy tưởng xa vời. Chừng nào con mới lặng thinh để thấy được Cha đang hiện diện sống động ngay trong lòng con?" Sưu tầm Một con cá sống ở đại dương hỏi một con cá khác: "Xin lỗi bác, bác già hơn cháu, hẳn bác có thể nói cho cháu biết tìm thấy ở đâu điều mà người đời thường gọi là Đại Dương?" Cá già nói: "Đại Dương là cái mà cháu đang lội trong đấy!" "Cái nầy ư? Nhưng chỉ là nước thôi mà. Cái mà cháu tìm kiếm là Đại Dương kìa." Con cá bé tí rất thất vọng đã nói như thế rồi lội đi xa tìm kiếm ở nơi khác. Có một người mặc bộ đồ khất-sĩ tìm tới Minh Sư và đã dùng ngôn ngữ nhà khất-sĩ mà thưa: "Từ nhiều năm nay, tôi đã tìm kiếm Thượng Đế. Tôi tìm kiếm Ngài ở bất cứ đâu đâu mà người ta nói có Ngài: ở trên các đỉnh núi cao, ở trong sa mạc mênh mông, ở nơi tu viện thanh vắng và ở trong các khu ổ chuột của người nghèo." Minh Sư hỏi: "Bạn có gặp Ngài không?" "Dạ không, tôi không gặp Ngài. Còn thầy?" Minh Sư có thể nói được gì đây? Những tia nắng vàng chói chang của buổi chiều tà đang tràn ngập căn phòng. Từng đàn chim sẻ đang khe khẽ líu lo trên cây đa gần đó. Xa xa, người ta có thể nghe tiếng động cơ của xe cộ qua lại trên xa lộ. Một con muỗi bay vù vù bên tai, chỉ muốn chích muốn đốt… Tuy nhiên, chàng thanh niên chỉ biết ngồi trân ra đó và quả quyết rằng đã không gặp Thượng Đế. Vì chàng có mắt như mù, có tai như điếc, không nhận ra sức sống của Thượng đế hiển hiện khắp nơi Một lúc lâu, chàng đã bỏ ra đi, chán nản, thất vọng. để tìm kiếm ở nơi khác. Chú cá bé tí ơi, đừng đi tìm kiếm mất công. Không có gì để kiếm tìm cả. Tất cả những gì chú phải làm là mở mắt ra mà xem thôi. Sưu tầm Một nhà thần bí từ rừng sâu trở về. Người ta hỏi ông: "Xin nói cho chúng tôi biết Thượng Đế như thế nào?" Nhưng làm thế nào để vị đó có thể nói cho họ điều mà ngài đã chứng nghiệm tự trong sâu thẳm nội tâm? Thượng Đế có thể gói ghém trong vài từ ngữ được sao? Cuối cùng, nhà chiêm niệm đã cho họ một công thức - vụng về và khiếm khuyết - với hy vọng rằng vài người trong bọn họ có thể được thôi thúc để tự họ chứng nghiệm điều đó. Họ đã vội chớp lấy công thức. Họ đã biến công thức thành một văn bản linh thánh. Họ đã áp đặt công thức đó trên người khác như là một tín lý thần thiêng. Họ đã khó nhọc ra đi phổ biến tài liệu đó ở nước ngoài. Thậm chí có người đã hy sinh cả mạng sống mình cho lý tưởng đó. Nhà thần bí rất đổi đau buồn. Phải chi ông ta đừng nói với họ điều gì thì hơn. Biết bao người công giáo chúng ta hiện nay đã thúc giục nhau Dấn thân ra khơi Loan Báo Tin Mừng. Nhưng chúng ta đã dấn thân rất khơi khơi khi tưởng rằng Loan báo Tin Mừng là lùng sục hang cùng ngõ hẻm để dụ người khác vào cộng đoàn mình cho ngày càng đông. Cứ tưởng Loan báo Tin Mừng là nhắc lại y chang những gì người ta dạy mình như nhai một một miếng kẹo cao su đã mất chất ngọt. Trong khi đó ta rất tự hào là đã hy sinh cả đời mình cho CÔNG TRÌNH CỦA CHÚA, - còn việc sống kết hợp với Chúa thì ta chẳng hề quan tâm. Sưu tầm |