Truyện Minh Hoạ - Cầu Nguyện

Cầu nguyện

Tối hôm ấy, khi thầy Bruno đang cầu nguyện, thầy bị chia trí bởi tiếng kêu ôộp ôộp của một con ễnh ương. Thầy cố hết sức để không nghĩ đến mớ âm thanh quấy rầy đó, nhưng bất lực. Vì thế, thầy thò đầu ra cửa sổ và quát: “Này, chúng bay câm mồm đi! Tao đang cầu nguyện đây.”

Thầy Bruno là một bậc thánh, vì thế lệnh của thầy có hiệu lực ngay tức khắc. Tất cả các sinh vật trong khu vực lân cận đó đều im thin thít. Bầu khí bỗng nhiên vắng lặng – tha hồ mà cầu nguyện ...

Nhưng liền tức thì, một âm thanh khác nổi lên quấy rầy tâm tình thờ phượng của Bruno – một âm thanh phát ra từ trong lòng thầy: “Ồ, biết đâu tiếng kêu của con ễnh ương kia cũng làm vui lòng Chúa không kém chi các bài Thánh Vịnh của mình đấy chứ?” “Mà này, làm sao tiếng kêu của con ễnh ương có thể làm vui tai Chúa được nhỉ?” Thầy tự hỏi rồi tự trả lời. Và tiếng nói trong lòng thầy vẫn tiếp tục mè nheo: “Nhưng Chúa tạo ra thứ âm thanh ấy chắc hẳn phải có một mục đích?”

Bruno quyết định khám phá xem đó là mục đích gì. Thầy lại thò đầu ra cửa sổ và ra lệnh: “Hãy hát lên đi!” con ễnh ương bắt đầu kêu inh ỏi, và tất cả đám ễnh ương trong khu vực đó cùng xôn xao phụ họa. Thật lạ, khi thầy Bruno chăm chú lắng nghe bầu âm thanh ấy, nó không còn quấy rầy nữa. Thầy nhận ra rằng nếu thầy không phản kháng chúng, quả thực chúng làm cho cái yên tĩnh của đêm tối nên phong phú đến không ngờ.

Khám phá được điều đó, lòng thầy Bruno bỗng hoà nhập với vũ trụ. Chưa bao giờ thầy thấu hiểu ý nghĩa của cầu nguyện bằng tối nay.

Anthony De Mello, S.J


Câu trả lời của Rabbi

Những người Do Thái tại một thị trấn nhỏ ở Nga đang nóng lòng chờ đợi một Rabbi đến với họ. Đây là một biến cố hiếm hoi, vì thế họ dành nhiều thời gian chuẩn bị trước các câu hỏi để trình bày với bậc thầy thánh thiện ấy.

Cuối cùng vị Rabbi đến và họ đón tiếp ông tại thị sảnh. Ông cảm nhận được sự căng thẳng trong bầu khí khi tất cả mọi người chăm chú đón nghe lời phát biểu của ông.

Thế nhưng, ông chẳng nói gì cả. Ông chỉ nhìn chằm chằm vào mắt họ, và e hèm qua mũi. Mọi người bắt đầu e hèm theo ông. Rồi ông cất tiếng hát. Họ cất tiếng hát theo ông. Ông lắc lư nhảy múa... Chẳng mấy chốc mọi người đều nhảy múa. Họ nhảy múa nhiệt tình đến nỗi như quên hết mọi sự trên đời;  tất cả họ hoàn toàn nên một, và họ không còn bị phân rã bên trong nữa. Chính sự phân rã này kìm hãm không cho người ta tiếp cận Chân Lý.

Gần một tiếng đồng hồ trôi qua. Vũ khúc của họ chậm dần lại và ngừng hẳn. Sự căng thẳng bên trong đã hoàn toàn tan biến, mọi người ngồi xuống với bầu khí an tĩnh tràn ngập căn phòng. Bấy giờ, vị Rabbi mới lên tiếng. Và ông chỉ nói vỏn vẹn có một câu: “Tôi tin rằng tôi đã trả lời tất cả các vấn đề của quí vị.”

 -Một tu sĩ Hồi giáo được hỏi tại sao ông tôn thờ Thiên Chúa bằng cách nhảy múa. Ông trả lời: “Bởi vì tôn thờ Thiên Chúa nghĩa là chết đi chính mình; việc nhảy múa giết chết bản ngã người ta. Khi bản ngã chết, mọi vấn đề sẽ cùng chết với nó. Ở đâu không có cái tôi, ở đó có Thiên Chúa, có Tình Yêu.”

 -Thầy ngồi với các đệ tử trong khán phòng. Thầy nói: “Các anh đã nghe nhiều lời cầu nguyện và cũng đã đọc nhiều lời cầu nguyện. Tối nay, Thầy muốn các anh nhìn thấy một lời cầu nguyện.”

Lúc ấy, màn được kéo lên và vở ba-lê bắt đầu.

Anthony De Mello, S.J


Nơi nào không có Chúa?

Một Sufi lên đường đi hành hương thánh địa Mecca. Khi đến ngoại ô thành phố Mecca, ông nằm xuống bên đường, kiệt sức vì cuộc hành trình. Chưa kịp ngủ, ông bị kéo giật dậy bởi một khách hành hương trông tướng rất quạu quọ. “Giờ này tất cả các tín đồ trên thế giới đều đang cúi đầu về phía Mecca. Còn ông, ông lại đang duỗi đôi bàn chân của ông về Đền Thờ. Ông là loại tín đồ nào vậy?

Vị Sufi vẫn nằm im, chỉ mở mắt nhìn và nói: “Này người anh em, xin làm ơn giúp tôi hướng đôi bàn chân về một phía nào đó không có Chúa!”

 -Lời nguyện của một tín đồ với Thần Vishnu:

“Kính lạy Thần, con xin ngài tha thứ cho con vì ba tội trọng: thứ nhất, con đã đi hành hương tới nhiều đền đài thánh thất, con quên mất rằng ngài hiện diện khắp mọi nơi; thứ hai, con thường kêu xin ngài giúp đỡ, con quên mất rằng ngài quan tâm đến những điều tốt lành cho con hơn cả con quan tâm đến bản thân mình; và cuối cùng, con đang van xin ngài tha thứ cho con, dù con biết rằng ngài tha tội cho con trước cả khi con phạm tội.”

Anthony De Mello, S.J


Phát minh

Sau nhiều năm cần mẫn làm việc, một nhà phát minh khám phá được cách tạo ra lửa. Ông mang các dụng cụ của ông đến những vùng miền bắc đầy băng giá và giới thiệu cho một bộ lạc ở đó cách tạo ra lửa - đồng thời ông giải thích cho họ những tiện ích của lửa. Người ta thích thú quan tâm tới phát minh mới mẻ này đến nỗi không ai nhớ cám ơn ông. Rồi một hôm, ông lặng lẽ rời họ ra đi. Là một con người cao thượng, ông không mơ ước được người ta tưởng nhớ hay tôn sùng mình. Ông chỉ tha thiết một điều, đó là người ta tận dụng được phát minh của ông.

Dân chúng ở bộ lạc thứ hai cũng sốt sắng nghe ông chỉ dạy. Nhưng các giới chức tôn giáo ghen tị với ảnh hưởng của ông và họ đã thủ tiêu ông. Để lấp liếm tội ác của mình, họ đã cho làm một bức chân dung của Nhà Phát Minh Vĩ Đại và đặt nó lên bàn thờ chính của Đền Thờ. Họ lập ra một phụng vụ để tưởng nhớ Nhà Phát Minh và tôn sùng danh của ông. Người ta chú ý từng li từng tí đến nỗi không một chấm hay phẩy nào trong phụng vụ có thể bị thay đổi hay bỏ sót. Khí cụ làm ra lửa được cung kính cất giữ trong một chiếc hòm – và người ta nói rằng nó sẽ chữa lành bất cứ ai đau yếu mà đặt tay lên nó trong niềm tin.

Chính vị Thượng Tế đảm nhận công việc biên soạn một Tiểu Sử Của Nhà Phát Minh. Nó trở thành Sách Thánh, trong đó tấm lòng nhân ái của Nhà Phát Minh được đưa ra như một ví dụ cho mọi người phấn đấu bắt chước, những việc làm của ông được ca ngợi, tính cách siêu phàm của ông được ấn định thành một tín điều. Quyển Sách được truyền cho các thế hệ tương lai, và các vị tăng lữ có thẩm quyền giải thích ý nghĩa những lời Nhà Phát Minh nói và ý nghĩa của cuộc sống thánh thiện cũng như cái chết của ông. Họ kiên quyết xử tử hay tuyệt thông bất cứ ai đi trệch ra khỏi giáo lý của họ.

Vì quá bận rộn với những công việc đầy ý nghĩa ‘tôn giáo’ như thế, họ hoàn toàn quên mất cách ... làm ra lửa!

 Tu viện trưởng Lot đến gặp Tu viện trưởng Joseph và nói: “Thưa Cha, theo khả năng của con, con giữ những luật nho nhỏ, chay tịnh thì cũng chút chút thôi, con cầu nguyện, suy tư và chiêm niệm trong thinh lặng, và trong khả năng mình, con giải phóng được tâm hồn mình khỏi những ý tưởng xấu. Giờ đây, thưa Cha, con phải làm gì nữa?” Vị tu sĩ cao niên đứng lên để trả lời. Ông đưa hai tay lên trời và các ngón tay của ông trở nên giống như mười ngọn lửa. Ông nói: “Hãy chuyển tất cả thành lửa.”

Anthony De Mello, S.J


Anh thợ đóng giày

Một anh thợ đóng giày đến với Rabbi Isaac và nói:“Thưa ngài, tôi gặp khó khăn với việc cầu nguyện buổi sáng. Các khách hàng của tôi là những người nghèo và họ chỉ có một đôi giày. Họ đưa giày đến cho tôi vào chiều tối, tôi nhận và phải làm hầu như suốt đêm. Đến sáng sớm, tôi vẫn còn phải làm quần quật vì khách hàng cần giày để đi làm. Vậy tôi xin hỏi: “Làm sao tôi có thể đọc kinh sáng được?”

“Thế cho tới nay việc cầu nguyện ban sáng của anh  thế nào?” Vị Rabbi hỏi.

“Đôi khi tôi cầu nguyện ‘hỏa tốc’, rồi vội vã quay trở lại làm việc. Và tôi cảm thấy áy náy về điều đó. Nhiều bữa khác, tôi bỏ luôn, không thực hiện giờ cầu nguyện của mình. Dĩ nhiên là trong những ngày đó tôi càng cảm thấy trống rỗng hơn. Tay tôi loay hoay với những chiếc giày nhưng lòng tôi thì trĩu nặng một nỗi dằn vặt và xấu hổ. Ôi, thật tệ hại, một kẻ không cầu nguyện buổi sáng!”

Vị Rabbi trả lời: “Nếu tôi là Thiên Chúa, tôi sẽ đánh giá nỗi xấu hổ của bạn cao hơn nhiều so với các kinh nguyện.”

Anthony De Mello, S.J


Xá giải

Người Công Giáo thường đến thú tội của mình với một linh mục; linh mục sẽ xá giải cho đương sự như dấu chỉ sự tha thứ của Thiên Chúa. Cũng rất thường có mối nguy là các hối nhân sử dụng sự xá giải này như một thứ ‘giấy chứng nhận” bảo đảm cho mình khỏi bị Chúa trừng phạt; vì thế họ tin tưởng vào sự xá giải của một linh mục hơn là vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Đây là câu chuyện kể về khoảnh khắc hấp hối của Perugin, một họa sĩ người Ý thời Trung Cổ. Ông quyết định rằng ông sẽ không đi xưng tội nếu chỉ vì sợ bị Chúa phạt. Ông cho việc xưng tội như vậy là một sự báng bổ xúc phạm đến chính Thiên Chúa.

Không hề biết những gì ông đang nghĩ trong lòng, vợ ông nhắc nhở: “Bộ anh không sợ chết mà chưa kịp xưng tội sao?” Perugin trả lời: “Hãy nghĩ đi, em yêu. Nghề chuyên môn của anh là vẽ tranh, và anh đã vẽ tranh một cách rất lành nghề. Còn nghề của Thiên Chúa là tha thứ; nếu Ngài cũng lành nghề không kém anh, thì anh không thấy có lý do gì để mình phải sợ.”

Anthony De Mello, S.J


Cha sở

Cha sở của làng là một con người thánh thiện, vì thế mỗi khi dân làng gặp khó khăn, họ đều chạy đến với ngài. Ngài sẽ lặng lẽ đi đến một nơi đặc biệt trong rừng và dâng lên Chúa một lời cầu nguyện cũng rất đặc biệt. Chúa luôn luôn nghe lời cha sở, và dân làng được Chúa cứu giúp.

Cha sở qua đời. Gặp khó khăn, dân làng lại chạy đến với vị kế nhiệm. Vị này không thánh thiện, nhưng biết rõ cả nơi chốn đặc biệt kia trong rừng lẫn lời cầu nguyện đặc biệt nọ. Ngài thưa: “Lạy Chúa, Chúa biết con không thánh thiện gì. Nhưng chắc chắn sẽ không vì thế mà Chúa đoán phạt dân chúng, phải không? Vậy xin Chúa nghe lời con và cứu giúp họ.” Thế là, Chúa nghe lời cha sở, và dân làng được cứu giúp.

Rồi ngài qua đời. Dân làng lại chạy đến với cha sở thứ ba khi họ gặp khó khăn. Vị này biết lời cầu nguyện đặc biệt kia nhưng không biết nơi chốn nọ trong rừng. Vì thế, ngài thưa: “Lạy Chúa, chỗ nào với Chúa cũng vậy thôi, phải không?” Bất cứ chỗ nào có Chúa hiện diện cũng là nơi thánh. Vì thế, xin Chúa nghe lời con cầu nguyện và ra tay cứu giúp chúng con.” Một lần nữa, Chúa nghe lời và cứu giúp dân làng.

Đến đời cha sở thứ tư, dân làng lại gặp khó khăn và chạy đến cầu cứu. Vị này không biết cả lời nguyện kia lẫn nơi chốn nọ. Vì thế ngài nói với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa không quan tâm đến những công thức có tính rập khuôn máy móc, nhưng Chúa quan tâm đến tiếng kêu từ đáy lòng những người khốn khổ. Xin Chúa lắng nghe lời con cầu nguyện và ra tay cứu giúp dân chúng.” Chúa lại nhận lời và cứu giúp dân làng.

Chuyện tương tự lại xảy ra với cha sở thứ năm. Vị linh mục này quan tâm đến tiền bạc nhiều hơn chuyện cầu nguyện. Ngài nói: “Lạy Chúa, Chúa là loại Chúa nào vậy? Chúa hoàn toàn có thể giải quyết những vấn đề mà chính Chúa gây ra, thế tại sao Chúa vẫn ngồi im, không động đậy một ngón tay, để chờ cho đến khi người ta quị lụy van xin? Nào, Chúa hãy làm cho họ điều gì Chúa muốn.” Rồi, vị linh mục hối hả quay lại với công việc làm ăn của mình. Một lần nữa, Chúa nghe lời cầu nguyện ấy và ra tay cứu giúp dân làng.

Anthony De Mello, S.J


Thần Hari

Narada, một nhà hiền triết Ấn Độ, rất sùng ngưỡng Thần Hari. Lòng sùng ngưỡng ấy lớn đến nỗi bữa nọ ông nghĩ rằng trên cả thế giới này không ai yêu mến Thần Hari hơn ông. 

Hiểu được ý nghĩ của ông, Thần nói: “Này Narada, con hãy đi đến thị trấn trên bờ sông Hằng, vì có một tín đồ của Ta ở đó. Sống với tín đồ ấy sẽ ích lợi rất nhiều cho con.”

Narada ra đi và cuối cùng tìm gặp một bác nông dân. Mỗi sáng sớm thức dậy, bác nông dân này kêu tên Thần Hari chỉ một lần, rồi vác cày ra ruộng. Bác làm việc suốt ngày ngoài ruộng. Tối, trước khi ngủ, bác  kêu tên Thần Hari lần nữa. Narada nghĩ: “Làm sao có thể gọi ông nông dân quê mùa này là một tín đồ của Thần được nhỉ? Mình thấy ông ta suốt ngày chỉ chìm đắm trong công việc làm ăn.”

Thần Hari nói với Narada: “Hãy rót sữa vào một tô, đầy đến miệng, và hãy bưng tô sữa ấy đi một vòng quanh thành phố. Hãy cố sao để khi con trở về đây, không một giọt sữa nào bị tràn đổ ra ngoài.” Narada làm y lời.

Khi Narada đã đi xong một vòng thành phố và trở về, Thần Hari hỏi: “Trong cả chuyến đi vừa rồi, con đã nhớ đến Ta mấy lần?”

“Chẳng có lần nào cả, thưa Ngài.” - Narada trả lời - “Làm sao con có thể nhớ đến Ngài khi con còn phải chú ý đến tô sữa này?” 

Thần nói: “Tô sữa đó chiếm hết sự quan tâm của con đến nỗi con hoàn toàn quên Ta. Nhưng hãy nhìn người nông dân kia: dù bao nhiêu gánh nặng nuôi sống gia đình đè trên vai, anh ta vẫn có thể nhớ đến Ta hai lần mỗi ngày!”

Anthony De Mello, S.J


Lời cầu nguyện

         Không ích gì nếu lời cầu nguyện của chúng ta được đáp lại không đúng lúc: Ở Ấn Độ ngày xưa, các nghi lễ Vedic được gán cho một tầm quan trọng rất lớn. Người ta nói rằng những nghi lễ ấy có tính hiệu năng đến nỗi, chẳng hạn, hễ các hiền nhân cầu khẩn trời mưa thì nhất định mưa sẽ đổ xuống tràn trề. Một người đàn ông đã cầu nguyện theo nghi lễ ấy, xin Thần Lakshmi, nữ thần của cải, cho mình được nên giàu có.

Anh cầu xin như thế ròng rã mười năm mà không có kết quả gì. Sau đó anh bất chợt nhận thấy bản chất phù du của của cải và quyết định bắt đầu sống một đời sống thoát tục trong dãy Himalayas.

Ngày nọ, anh đang ngồi thiền, bỗng mở mắt ra và trông thấy trước mặt mình là một phụ nữ cực kỳ xinh đẹp, nàng chói sáng rực rỡ cơ hồ như toàn thể con người nàng được làm bằng vàng vậy.

“Cô là ai và cô đến đây làm gì?” Anh hỏi.

“Ta là Nữ Thần Lakshmi mà anh đã khẩn nguyện trong 12 năm nay,” - người phụ nữ xinh đẹp ấy trả lời - “Ta hiện ra đây để thỏa mãn điều anh ao ước.”

“Ồ, thưa Nữ Thần,” - anh thốt lên - ”Tôi đã chuyển sang sống cuộc sống chuyên chăm thiền định và không còn tơ tưởng gì về của cải nữa. Ngài đến quá muộn. Tại sao ngài lại chậm chạp như thế nhỉ?”

“Nói thật,” - Nữ Thần trả lời - “Xét vì anh đã thực hành các lễ nghi ấy một cách trung thành bền bĩ, nên anh đã được ban cho của cải dư dật từ lâu rồi. Nhưng, vì Ta yêu mến anh và muốn điều tốt đẹp cho anh, Ta đã quyết định giữ chúng lại.”

Nếu bạn có quyền chọn lựa, bạn sẽ chọn điều nào: một là, được ban cho những điều mình xin; hai là, ơn an bình sâu thẳm bất chấp mình có nhận được những điều mình xin hay không?

Anthony De Mello, S.J


Kinh nguyện

Chiều muộn, một anh nông dân nghèo trên đường từ chợ phiên về nhà chợt nhận ra rằng mình không đem theo sách kinh nguyện. Chiếc xe kéo của anh đang lăn bánh giữa một khu rừng và anh lo âu rằng ngày hôm nay của mình sẽ trôi qua mà chẳng có kinh nguyện nào cả.

Vì thế, anh thưa lên với Chúa: “Lạy Chúa, con đã làm một điều thật tệ hại. Sáng nay con ra khỏi nhà mà không nhớ mang theo sách kinh nguyện, trí nhớ con lại tồi đến nỗi con chẳng có thể đọc suông một kinh nào nếu không có sách. Vậy, con chỉ còn có cách này: Con sẽ đọc chậm rãi bảng chữ cái ABC... năm lần, và vì Chúa biết rõ hết mọi kinh, xin Chúa tự xếp các chữ ấy thành những kinh mà con không thể nhớ. Vậy nhé!”

Và Chúa nói với các thiên thần của Ngài: “Trong số tất cả những kinh nguyện mà Ta nghe hôm nay, rõ ràng đây là lời cầu nguyện tuyệt vời nhất, bởi vì nó đến từ một tấm lòng đơn sơ chân thành.”

 Anthony De Mello, S.J