Truyện Minh Hoạ - Cầu Nguyện

Hiến dâng trọn vẹn

Hôm ấy, tại công trường thành phố lớn kia, dân chúng tụ họp đông đảo để xem cuộc đấu giá một chiếc đàn vĩ cầm cũ kỹ, mặt đàn bị méo mó và trầy trụa. Người bán đấu giá thầm nghĩ là chẳng bõ công để tiêu phí nhiều thì giờ về cây đàn violon, tức là cây đàn vĩ cầm cũ kỹ này. Vừa giơ cây đàn vĩ cầm cũ lên ông vừa nói:

- Tôi phải ra giá cho người bạn thân yêu của tôi bao nhiêu đây?

Ông ta lớn tiếng hơn:

-Ai sẽ bắt đầu ra giá giùm tôi? Một đôla, một đôla thôi. Ai sẽ trả hai đôla nào? Hai đôla, ba đôla. Ai sẽ trả ba đôla? Ba đôla lần thứ nhất, ba đôla lần thứ hai… Tiếp tục vẫn chỉ được ba đô mà thôi.

Kế đó, từ cái phòng ở phía sau, một người đàn ông có bộ tóc bạc tiến tới và cầm cây đàn vĩ cầm lên tay. Sau khi phủi bụi bám đầy trên cây đàn và so lại những sợi dây đàn, ông chơi một giai điệu thanh trong và ngọt ngào. Tiếng đàn ngưng lại và người bán đấu giá lên tiếng với giọng nói nhẹ nhàng, trầm trầm:

- Tôi sẽ ra giá cho cây đàn cũ kia bao nhiêu đây?

Vừa nói ông vừa giơ cây đàn vĩ cầm lên cao:

Một ngàn đô, một ngàn đô. Ai sẽ trả hai? Hai ngàn đô. Ai sẽ trả ba? Ba ngàn đô lần thứ nhất, ba ngàn đô lần thứ hai.

Rồi nhất quyết ông nói:

- Thôi !

Đám đông hò reo, nhưng cũng giữa đám đông có mấy người la lên,

- Chúng tôi chẳng hiểu gì cả. Cái gì đã thay đổi giá trị cây đàn vĩ cầm cũ kỹ kia?

Người bán đấu giá đáp:

- Đó là ngón đàn của người bậc thầy.

Thật vậy, họ đã không nhận ra rằng trong đám đông cuộc bán đấu giá ấy có một ông già là tay chơi đàn vĩ cầm rất lão luyện. Cây đàn vĩ cầm không thay đổi điều gì cả, vẫn là cây đàn cũ kỹ, nhưng chính năng khiếu của đôi tay người nhạc công bậc thầy đã có thể làm phát sinh những âm thanh tuyệt vời và đã làm cho cây đàn có giá trị hơn trước cả ngàn đồng.

Mỗi người chúng ta có thể ví như cây đàn vĩ cầm trên đây. Tự nó chẳng có giá trị là bao nhiêu và cũng không thể tự mình phát ra âm thanh hay tiếng nhạc nào cả, nhưng phải có ngón tay của người nghệ sĩ biết gảy vào những dây đàn đó. Người nghệ sĩ càng lão luyện thì tiếng nhạc càng du dương thanh thoát.

Cũng vậy, là thụ tạo, con người chỉ là dụng cụ trong tay Chúa mà thôi. Nhưng nếu chúng ta biết ngoan ngoãn để Chúa xử dụng theo ý Ngài muốn, để cho Ngài tự do hành động, được toàn quyền chủ trị và an bài từng ngày, từng giây phút, Ngài sẽ biến đổi tất cả cuộc sống chúng ta thành bài ca tuyệt diệu và đời sống chúng ta sẽ mặc lấy giá trị rất cao trọng. Vấn đề căn bản là chúng ta biết dâng hiến và phó thác trọn vẹn trong tay Chúa với lòng tin. Có nhiều cách dâng hiến, có người dâng hiến một tay trong khi tay kia sẵn sàng lấy lại điều mình đã hiến dâng. Người khác biết quảng đại hiến dâng cho dù phải rướm máu. Cũng có người sẵn sàng dâng hiến trọn vẹn cho tới khi được tan biến trong người mình hiến dâng. Còn Thiên Chúa, Ngài ưa thích người hiến dâng trong vui vẻ, bởi vì chính khi hiến dâng trọn vẹn là lúc được nhận lãnh trọn đầy.

Đức tin chính là sự hiến dâng trọn vẹn giữa tình yêu và cho tình yêu Chúa mà tôi. Càng xác tín mình được Chúa yêu thương chúng ta sẽ càng mau mắn quảng đại hết tình đáp trả tình yêu Chúa. Điều quan trọng không phải là hiểu biết được chiều cao, chiều sâu và chiều rộng của tình yêu Chúa, nhưng là rộng mở tâm hồn để được Chúa đổ tràn sự sung mãn tình thương của Ngài, để rồi tình yêu Chúa sẽ biến đổi và sẽ thực hiện những điều cao cả mà tự sức riêng chúng ta không thể nào làm được.

Sưu tầm


Tin vào thầy

Một cậu con trai vừa tròn mười ba tuổi đã quyết định đến gặp một võ sĩ để xin thầy luyện cho cậu môn võ Judo, nhưng điều đáng tiếc đã xảy ra, trong một tai nạn cậu đã bị cụt mất cánh tay bên trái, vậy mà một võ sĩ Nhật nọ đã đồng ý nhận cậu làm đệ tử. Cậu con trai rất đỗi vui mừng và ra sức luyện tập, tuân thủ nghiêm ngặt những điều thầy chỉ dạy và anh ta thực hành rất nhuẫn nhuyễn những bài học thầy mình đã truyền.

Thời gian trôi qua, cậu theo thầy đã lâu nhưng cậu thắc mắc tại sao thầy chỉ dạy cho cậu một thế võ, một đường quyền duy nhất và ngày nào cậu cũng chỉ luyện tập có thế thôi, cậu bèn xin thầy truyền thêm cho cậu một vài thế võ nữa, vài đường quyền mà cậu thấy người khác diễn rất đẹp mắt. Võ sư trả lời:

- Con chỉ cần biết đường quyền ấy mà thôi và đó là đường quyền duy nhất cần thiết cho con, nên con phải học biết và tập luyện cho nhuần nhuyễn.

Mặc dù không thích thú gì với lời giải thích của thầy nhưng cậu tin tưởng vào thầy dạy và tiếp tục luyện tập mỗi ngày một trở nên điêu luyện hơn. Vài tháng sau đó, võ sĩ cho cậu tham gia một trận đấu võ. Cậu cảm thấy ngạc nhiên vì mình đã thắng hai trận đấu đầu tiên cách dễ dàng. Trận đấu thứ ba chắc chắn sẽ khó khăn hơn và thử thách cậu nhiều hơn, nhưng rồi cậu cũng đã nhanh chóng khống chế được đối thủ thứ ba của mình. Trọng tài đã thổi còi chấm dứt trận đấu trước sự ngạc nhiên của biết bao người, bởi cậu đã thắng được những đối thủ của mình là những võ sĩ có thân hình cường tráng và mạnh khoẻ hơn, giàu kinh nghiệm hơn trong trường thi đấu. Cậu đã đoạt giải vô địch trong trận đấu.
Trên đường trở về nhà, cậu hỏi võ sư của mình:

- Thưa thầy, tại sao con thắng một cách dễ dàng như vậy với chỉ bằng một đường quyền duy nhất.

Võ sư trả lời:

- Con đã thắng được nhờ hai lý do: thứ nhất là vì con đã thành thạo và nhuần nhuyễn đường quyền khó nhất trong võ đạo Judo, thứ hai là vì đường quyền đó làm cho đối thủ của con phải bối rối vì không bao giờ chụp được cánh tay trái của con.

Sưu tầm


Hình ảnh của Thập Giá

Tương truyền ở Châu Phi, một ông vua nọ có một người bạn đồng trang lứa rất thân và cùng lớn lên tại một mảnh đất. Người bạn của vua này có một thói quen là luôn tìm kiếm trong tất cả những hoàn cảnh, những biến cố điều hữu ích mà ông ta luôn khẳng định là tất cả những hoàn cành đó là rất tốt, ngay cả khi những điều xảy ra mà người khác coi là tệ hại nhất.

Ngày nọ, nhà vua cùng với ông tiến hành một cuộc săn bắn mong sẽ khám phá thêm những điều mới mẻ. Ông ta có bổn phận chuẩn bị và nạp đạn vào súng cho vị vua là bạn của mình. Do một sự bất cẩn nào đó chẳng may ông ta đã làm sai một công đoạn mà ông không hay biết, khi chuẩn bị xong ông trao lại khẩu súng cho vua, nhưng khi vừa nhận khẩu súng từ tay ông vị vua đã bắn vào ngón tay cái của mình. Ngón tay đã lìa khỏi bàn tay của vua. Trước biến cố không hay xảy ra đột ngột như thế nhưng ông bạn vẫn bình thản nói:

- Tốt thôi !

Nhà vua bực tức và hô hoán:

- Chẳng thể nào tốt được. Lính đâu? Bắt hắn nhốt vào ngục cho ta.

Thế là nhà vua hạ lệnh cho quân lính bắt giam người bạn của mình vào ngục. Khoảng một năm sau, nhà vua đi săn ở một khu rừng nguyên sinh. Khu rừng vắng vẻ đến tột độ, tưởng chừng như chưa có ai đặt chân đến. Đang cẩn thận bước đi và rất đổi vui mừng vì vừa khám phá ra một nơi săn bắn mới đột nhiên nhà vua bị một bọn chuyên ăn thịt người bắt giữ và đem về khu làng của họ. Họ cột hai tay vua lại rồi đặt trên đống củi. Sau đó họ dựng một cái sảo và cột chặt nhà vua vào đó cho đứng thẳng trên đống củi để chuẩn bị thiêu sống ngài. Lúc ấy, một gã trong bọn ăn thịt người đã phát hiện ra nhà vua thiếu mất một ngón tay cái, vì bọn người này rất tin dị đoan, họ không bao giờ ăn thịt một người khuyết tật hay bị khiếm khuyết một cơ phận trong thân thể, nên bọn họ đã trả tự do cho nhà vua.

Trên đường về, ngẫm nghĩ lại sự kiện mình đã bị cụt ngón tay cái, nhà vua cảm thấy xót xa cho người bạn thân vì do bất cẩn đã làm mình cụt tay. Vừa về tới hoàng cung, nhà vua liền trở vào ngục và sai quân lính thả người bạn của mình đang bị nhốt trong ngục gần một năm trời. Nhà vua kể lại cho ông bạn nghe biến cố vừa xảy ra cho mình, và xin lỗi người bạn của mình vì đã đối xử tàn tệ với ông trong thời gian qua. Ông bạn nhìn nhà vua và nói:

- Tốt thôi !

Nhà vua bực tức nói:

- Không, làm sao mà tốt được, có gì là tốt khi ta đã bắt giam ngươi vào ngục.

Ông bạn bình tĩnh trả lời:

- Vì ở trong nhà tù mà tôi mới được ở lại đây với bệ hạ.

Chính thói quen tốt lành nơi ông bạn của nhà vua đã làm cho ông luôn có cái nhìn lạc quan với những biến cố xảy ra cho ông, trong những giây phút khó khăn nhất và trong những hoàn cảnh tối tệ nhất. Và đây cũng phải là tinh thần của mỗi Kitô hữu chúng ta khi chúng ta thực sự sống trong niềm vui của Chúa Kitô Phục sinh. Đó cũng là cái nhìn của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu Kitô khi bước vào trần gian. Dưới cái nhìn của Người, thập giá đã trở thành công cụ đem lại niềm vui. Niềm vui có sức cứu độ và giải phóng con người trọn vẹn, để qua đó chúng ta mới nhận ra những giá trị của những đau khổ và những hy sinh chúng ta phải vượt qua hàng ngày, vì yêu thương và để sống yêu thương.

Thật ra, qua kinh nghiệm của cuộc sống, chúng ta thấy bóng dáng của cuộc sống trải dài trong cuộc đời của chúng ta dưới nhiều hình thức. Chính qua những đau khổ và qua những gian nan của cuộc sống mà chúng ta nhìn ra đó là hình ảnh của thập giá, chúng ta nhìn thấy mình như được lớn lên, được trưởng thành hơn bởi có ai mà có thể hưởng niềm vui và hạnh phúc khi chưa một lần dám hy sinh, chưa một lần dám từ bỏ, dám chấp nhận những đau thương đâu. Vì thế, chúng ta vẫn cảm thấy một niềm vui sâu xa trong chính những chặng đường thời gian của cuộc sống mà chúng ta đã trải qua.

Qua Chúa Giêsu, thập giá đã trở thành Thánh Giá bởi Chúa đã trở thành biểu hiện của một tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Vì thế, Người không ở mãi trên thập giá mà Người đã phục sinh sau khi đã treo mình trên thập giá.

Sưu tầm


Lời cầu nguyện chân thành

Là đứa bé nhất trong năm đứa trẻ lớn lên trên đảo Prince Edward thuộc Cannada, tôi cảm thấy cuộc đời thật đẹp. Bố mẹ và anh chị rất yêu tôi, không ai nói nhưng tôi cảm nhận được điều đó. Mẹ lớn lên ở Anh, tất cả các con bà cũng sinh ra tại đó. Trước Thế chiến thứ I, chúng tôi dời sang Cannada, việc này với mẹ hơi khó chấp nhận. Gia đình chuyển về New York khi chiến tranh kết thúc.Mẹ có hai câu rất thích nói: “Việc này cũng sẽ qua thôi.” Bà nói câu này mỗi khi thất vọng hay có ai bị ốm. Câu còn lại là: “Cẩn thận với những gì con yêu cầu. Có thể con phải nhận nó đấy.”

Khi sắp được 11 tuổi, một trong những người bạn của tôi bị tai nạn ô-tô rất nặng. Tôi cầu xin để cô ta không chết. Tôi tự nhủ rồi cô ấy sẽ lại chơi được với mình. Cuối cùng, Jeanie được về nhà và tôi đã đến thăm cô ấy. Khi bước đến cửa phòng ngủ, tôi giật mình dừng lại. Khuôn mặt ấy không còn nguyên vẹn, cô chỉ còn một mắt. Nửa người dưới của Jeanie bị liệt, hai chân không còn cử động được. Tôi mừng vì mẹ bạn ấy đã theo tôi vô phòng vì bây giờ cô ấy đang nói rất nhẹ nhàng: “Đến đây, cậu bé. Lâu thế đủ rồi, Jeanie cần phải nghỉ.” Tôi có cảm giác cắn rứt. Sao tôi lại cầu xin cho Jeanie được sống mà hầu như chẳng còn biết gì nữa? Tôi cảm thấy rất có tội, còn mẹ chỉ cố thuyết phục rằng những gì tôi làm là đúng.

Chưa hết tháng, Jeanie đã qua đời tại nhà. Mọi người, đặc biệt là mẹ cô cảm thấy nhẹ nhõm vì sự chịu đựng đau khổ của Jeanie không còn nữa. Giờ đây tôi mới hiểu rõ lời cảnh báo của mẹ “hãy cẩn thận với những gì con cầu xin.”

Qua nhiều năm, có nhiều biến cố khiến tôi phải cầu nguyện nhưng tôi luôn cẩn thận khi muốn xin điều gì.

Năm 30 tuổi, tôi bắt đầu cuộc sống gia đình. Lời nói của mẹ lại một lần nữa vọng trong tim tôi. Vợ chồng chúng tôi sống ở khu vực dân cư xinh đẹp, phía đông bắc quận Bronx. Người dân nơi đây thân thiện và tốt bụng, mọi người đều quan tâm đến công việc làm ăn của nhau.

Tại đây có một người đàn ông sống cùng mẹ mình đã nhiều năm. Mấy thằng bé vẫn hay trêu chọc ông, các bà mẹ dẫn con gái đi chơi khi gặp ông thường đề phòng như sợ có chuyện gì. Có lẽ ông ấy chỉ mới ngoài 30. Cách nhìn chằm chằm thường khiến phụ nữ không thoải mái nhưng ông chưa bao giờ hại ai. Ngược lại, ông luôn cố tỏ ra là người tốt. Hồi Thế chiến thứ II, ông từng gia nhập Hải quân nhưng chỉ vài tháng sau đã về nhà vì lệnh sa thải “ngoài lý do danh dự”. Họ nói ông ấy không thuộc về Hải quân. Mỗi khi được phép, ông hay giúp đỡ những người hàng xóm làm vườn, ngoài ra ông còn giữ gìn sân bóng chày cho bọn trẻ. Đó là người có cuộc sống trầm lặng. Sau khi các cựu chiến binh trở về, họ muốn xây dựng một bưu điện tại địa phương. Charlie làm việc rất chăm chỉ để lên danh sách các thành viên và tìm một chỗ hội họp. Cuối cùng bưu điện đã được thành lập, anh Joe chồng tôi được bầu làm người đứng đầu nơi đây. Không lâu sau, tư cách thành viên của Charlie bị chất vấn. Lệnh sa thải “ngoài lý do danh dự” khiến ông ta gặp nhiều rắc rối. Joe và mấy người khác phải cố gắng thuyết phục những người khác chấp nhận ông. Charlie rất biết ơn và tự hào là thành viên của bưu điện American Legion.

Một tối nọ, Charlie bị xe đụng khi đi trên một con đường không ánh đèn. Lúc tỉnh lại, ông không còn nhớ gì nữa. Bệnh viện địa phương đã chuyển ông về bệnh viện Bellevue ở Manhattan. Cuộc đời ông giờ chỉ là bóng tối và đau đớn.

Ông có thói quen đến nhà hàng xóm thăm hỏi họ. Những nhà chỉ có phụ nữ thường khóa kín cửa sợ ông vào. Một tối, ông gõ cửa nhà tôi. Chồng tôi ra mở cửa mời ông vào.

Charlie chỉ muốn nói chuyện và cần ai đó để nghe. Ông bảo đôi mắt giờ rất kém, hình ảnh bị nhòa cả. Chúng tôi biết Charlie là người đọc sách nhiều, cách sử dụng từ khi nói chuyện chứng tỏ điều đó. Bây giờ, ông không đọc được nữa. Vợ chồng tôi thấy buồn khi ông chào ra về, cuộc đời sao bất công đến vậy.

Tôi nằm trên giường nghĩ về Charlie, tôi muốn cầu nguyện cho ông… nhưng cầu gì đây? Tôi nhớ lại câu chuyện về Charlie. Tôi tự hỏi mẹ sẽ giải quyết chuyện này thế nào? Tôi điểm qua những nỗi bất hạnh của Charlie trong cuộc sống. Sau khi rời Hải quân ít lâu, mẹ ông ta chết. Người em gái đã đến để chăm sóc ông. Sau tai nạn, Charlie không còn muốn sống, ông chẳng thèm cạo râu, tắm rửa, ủi đồ. Người em thấy không thể chăm sóc cho anh mình nữa.

Tôi nhớ lại tất cả những thông tin về Charlie. Ông rất có tài làm vườn. Sau khi bị chấn thương ở mắt, bác sĩ không cho ông cong lưng hay cúi thấp đầu, vì vậy việc làm vườn cũng chấm hết.

Nằm trong bóng đêm, tôi nhận ra có ai đó trong phòng. Một người hay cái gì đó đang lắng nghe câu chuyện về Charlie. Tôi muốn cầu nguyện cho ông, nhưng nên cầu gì đây? Lần này tôi không thể mắc sai lầm khi cầu xin. Tôi xin Chúa hãy tỏ lòng từ bi với người đàn ông nhiều ưu phiền này. Khi chuông báo thức vang, tôi và Joe đi làm vệ sinh buổi sáng như thường ngày. Joe đi trước, còn tôi khóa chặt cửa dẫn con chó đi tản bộ. Tôi không nghĩ đến những chuyện tối qua đến khi chuông điện thoại reo. Charlie đang gọi.

Tôi hết sức hồi hộp khi nghe Charlie nói: “Tôi không biết mấy bạn làm gì tôi tối qua, nhưng sáng nay mắt tôi nhìn rất rõ. Tôi còn đọc được số điện thoại của chị nữa mà.” Giọng nói ông ta rất rõ: “Tôi chỉ muốn báo cho chị biết.”

Charlie đã dập điện thoại nhưng tôi vẫn im lặng chưa thể nói gì. Tôi khóc và cảm thấy rất hạnh phúc, lời cầu nguyện đã được Chúa thực hiện. Mẹ chắc cũng mừng cho tôi.

Dịch giả: Thế Anh


Sức mạnh của lời cầu nguyện

Ðể hiểu sức mạnh của lời cầu nguyện, chúng ta phải hiểu: Cầu nguyện là gì? Tôi đọc một tờ báo công giáo ngoại quốc, và gặp ở mục hỏi đáp một câu rất hay về cầu nguyện. Ðại khái câu hỏi thế này: "Từ lâu con cầu nguyện với Chúa xin một Ơn, mà chẳng thấy Chúa ban cho. Khong biết Chúa có ở đó hay không? Hay là con cầu nguyện với một khoảng trống phi lí." Tôi nhớ câu trả lời của linh mục phụ trách như sau: "Một điều cần đầu tiên là điều cốt tủy mà bạn cần biết: Cầu nguyện là một ơn của Chúa."

Câu viết trên đọc lạ mắt, âm thanh lạ tai quá! Nhưng lại là một câu viết rất đúng về cầu nguyện. Theo định nghĩa cổ điển: cầu nguyện là nâng hồn lên với Chúa. Nói theo các nhà tu đức mới bây giờ: cầu nguyện là lúc con người gặp Thiên Chúa, cảm nghiệm sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa, lãnh nhận ý của Ngài trong lời Ngài nói thầm kín, đón tiếp sức mạnh của Ngài. Như vậy cầu nguyện đúng là ơn Chúa. Sự gặp gỡ đó chính là điểm hội tụ thân mật gần gũi với Chúa. Ngày từ thời xưa Abraham thật dễ thương: "Ông đứng ra xin tha lỗi cho thành Sôdôma và Gômôra, mặc cả với Chúa từ con số 50 người thành xuống 45, xuống 40, xuốngg 30, xuống 20 rồi xuống 10" (Kn.18:24-32). Kiểu Abraham nài nỉ với Chúa như thế, cho ta thấy rõ sự liên lạc mất thiết giữa Chúa và Abraham.

Vậy tình thân mật với Chúa là đích điểm của sự cầu nguyện, là sợi dây nối liền vào Chúa, qua đó đời sống tâm linh của ta được triển nở tốt đẹp hơn, cũng như bóng điện sáng được là nhờ nối liền với máy phát điện. Có một vị linh mục kia sống trong một trung tâm truyền giáo tại Phi Châu. Ở trung tâm có một máy phát điện nhỏ cung cấp điện cho nhà thờ và nhà xứ. Một hôm có mấy người dân địa phương tới thăm cha. Họ thấy bón điện treo thòng từ trần nhà xuống trong phòng ngài, và họ bỡ ngỡ hết sức , khi thấy ngài chỉ bật một nút nhỏ ở vách thì ngọn đèn đó sáng ngay. Thấy vậy, một người trong họ đã xin ngài một bóng đèn. Vị linh mục tưởng ông ta xin một bóng "đèn cháy" để về chơi, nên ngài lập tức đi lấy cái bóng đã hư đem ra cho ông ta. Ít lâu sau, vị linh mục đến thăm túp lều tranh của ông. Ngài hỏi xem ông ta dùng bóng điện đó làm gì, và ngài bỡ ngỡ khi thấy ông dùng giây thừng treo bóng điện đó lủng lẳng giữa nhà. Ngài buồn cười và cắt nghĩa cho ông ta hay bóng đèn chỉ có thể cháy sáng nếu được gắn liền với máy điện bằng một sợi giây điện. Nhiều lúc chúng ta cũng giống như ông nhà quê đó, treo lủng lẳng cái bóng điện mà không có ánh sáng, tức là các việc làm không cầu nguyện, không vì Chúa, không cắm vào Chúa.

Lời cầu nguyện là sợi dây chạm vào được sức mạnh của Chúa. Sức mạnh của Chúa giúp ta vượt thắng những trở ngại của cuộc sống và thay đổi chính mình. Chạm được sức mạnh thần linh rồi, lòng tin sẽ mạnh vì Chúa thường ban ơn cho những ai biết đặt trọn niềm tin nơi Ngài. Chúa Giêsu vẫn nhắc cho những người được ơn chữa khỏi bệnh tật, khỏi quỉ ám: "Ðức tin của con đã cứu con." được sức mạnh và ánh sáng Chúa soi dẫn, chúng ta sẽ nhận ra rằng: điều cần, và đem lại binh an là Nước Chúa, là sức mạnh nội tâm chứ không phải là những ơn đặc biệt theo ý riêng mình.

Câu chuyện sau đây chứng minh sức mạnh linh thiêng của lời cầu nguyện; Khi thánh Gioan Maria Vianey tới làng Ars nhỏ bé không mấy ai biết tới, một vài người mỉa mai nói với Ngài: "ở đây không có việc gì làm cả." Thánh nhân trả lời: "Như vậy là có mọi chuyện để làm rồi đó." Và Ngài làm ngay. Ngài đã làm gì?

Thức dậy từ 2 giờ sáng. Ngài đến cầu nguyện gần bàn thờ trong ngôi thánh đường tối tăm nhiều giờ. Tràng hạt trong tay, mắt chăm chú nhìn lên nhà Tạm. Với sự miệt mài cầu nguyện của thánh nhân, Chúa Giêsu và Ðức Mẹ Ðồng Trinh dần dần lôi kéo các tâm hồn đền giáo xứ nghèo nàn này, và ngôi nhà thờ nhỏ bé đã trở nên chật chội không đủ chứa đám đông. Nơi tòa giải tội của Cha Sở thánh chen chúc những hàng dài hối nhân không dứt.Cha sở thánh bắt buộc phải giải tội ttừ 10, 15 đến 18 giờ một ngày. Sự biến đổi đã xảy ra như thế nào? Từ một ngôi nhà thờ nghèo nàn, một bàn thờ tư lâu không dùng đến, một nhà Tạm bỏ trống, một tòa giải tội cũ kỹ và một linh mục kém tài bất lực, giờ đây, bộ mặt sinh hoạt của giáo xứ cũng như tâm hồn của các tín hữu đã hoàn toàn thay đổi. Nguyên nhân nào đưa đến sự thay đổi xứ Ars, đến nỗi hàng trăm ngàn, và có lẽ hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới kéo về đây. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm những biến đổi như thế: "Những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có" (1 Cor.1:28). Ta phải hoàn toàn quy hướng về Ngài, qua sức mạnh của lời cầu nguyện, qua sức mạnh thần linh vô biên của phép Thánh Thể và chuỗi Mân Côi.

Mẹ Maria cũng dạy chúng ta đường đi tới nguồn là Cầu Nguyện. Thiếu cầu nguyện nội tâm chúng ta sẽ trống rỗng. Ngày nay, chúng ta cảm tthấy quá bận rộn và không có giờ để cầu nguyện. Càng làm việc nhiều, càng không đủ thời giờ và khả năng để đáp ứng những nhu cầu cần thiết. Chúng ta đã quên rằng Chúa là động lực biến đổi mọi sự.

"Ai biết cầu nguyện là biết sống." Ðó là câu chỉ nam cho mọi hoạt động của chúng ta. Ước gì chúng ta luôn sống gắn bó mật thiết với Chúa qua sự cầu nguyện, là nguồn mạch ơn thánh và sức mạnh, để chúng ta cùng lớn lên trong đức tin và chung sức mở mang nước Chúa.

Sr Maria, LHC


Những buổi tối cầu nguyện chung trong gia đình

Cha Aimé Duval - Linh Mục dòng Tên - chào đời ngày 30-6-1918 tại Val d'Ajol, Vosges (Đông Bắc Pháp) và qua đời ngày 30-4-1984. Xin trích dịch chứng từ của Cha về những buổi tối cầu nguyện chung trong gia đình.

Tôi là con thứ năm trong gia đình có 9 người con. Trước tôi là Lucie, Marie, Hélène, Marcel và sau tôi là René, Raymond, Suzanne và André.

Trong gia đình tôi không có kiểu sống đạo đức mang tính cách thái quá hoặc phô trương. Nhưng hàng ngày có buổi đọc kinh chung vào mỗi tối. Và buổi đọc kinh tối chung này mãi mãi khắc sâu trong tâm trí tôi cho đến ngày tôi nhắm mắt lìa đời.

Chị gái tôi - chị Hélène - là người giữ nhiệm vụ đọc các kinh, hơi dài, khoảng 15 phút, đối với bọn con nít chúng tôi. Vì thế đôi khi chị đọc thật nhanh hoặc đọc tóm tắt cho đến khi Ba tôi cất tiếng la rầy và ra lệnh: ”Đọc lại từ đầu!”

Thế là, ngay từ những giây phút thơ ấu ấy, tôi hiểu rằng, phải thưa chuyện với THIÊN CHÚA Nhân Lành với ngôn từ chậm rãi, đứng đắn và thật trang trọng dễ thương.

Thân phụ tôi - điều làm tôi cảm động nhất mãi cho đến ngày hôm nay - là cung cách của người. Ba tôi - người luôn luôn mỏi mệt vì công việc đồng áng nặng nhọc hoặc vì phải chuyên chở gỗ và không hổ thẹn tỏ ra mình quá mệt - vậy mà, sau bữa ăn tối, người kính cẩn quì gối, chống khuỷu tay trên chiếc ghế, đôi bàn tay ôm lấy trán, người cùng đọc kinh tối chung với gia đình. Suốt trong buổi đọc kinh, người luôn luôn giữ thế quì bất động, không nhúc-nhích không ho-hen, không hề đưa mắt liếc nhìn đàn con đang có mặt chung quanh, cũng không bao giờ tỏ ra nóng-nảy khó-chịu vì buổi đọc kinh tối kéo dài. Và tôi - thằng con nít - tôi thầm nghĩ: ”Xem kìa, Ba mình thật lực lưỡng, người điều khiển gia đình, người có hai con bò lớn, người không hề nao núng trước vận mệnh cuộc đời xem ra đen-đủi, cũng chẳng khiếp sợ khi đứng trước mặt ông trưởng làng hoặc những kẻ giàu có, vậy mà giờ đây trong buổi đọc kinh tối, Ba lại tỏ ra thật nhỏ-bé trước mặt THIÊN CHÚA Nhân Lành! Như vậy có nghĩa là Ba đã có một thái độ thật khác xa khi thưa chuyện với THIÊN CHÚA Nhân Lành. Như vậy cũng có nghĩa THIÊN CHÚA Nhân Lành phải là Đấng Cao Cả lắm-lắm khiến cho Ba phải quì gối, nhưng cùng lúc lại là Đấng vô cùng thân-thiện, cho phép Ba có thể thưa chuyện với THIÊN CHÚA Nhân Lành mà không cần thay bộ đồ làm việc lem-luốt nơi đồng áng!” Về phần Mẹ tôi, tôi không bao giờ trông thấy Mẹ quì gối. Lý do giản dị là vì Mẹ quá mệt! Mẹ ngồi ở giữa phòng, tay ẵm đứa em nhỏ nhất với chiếc áo đen phủ kín tới gót, mái tóc màu hung-hung thật đẹp phủ kín tới cổ và tất cả mọi đứa con lớn nhỏ đều ngồi chung quanh Mẹ, kề sát bên Mẹ hoặc tựa người vào Mẹ. Mẹ theo sát lời kinh chị Hélène đọc và đôi môi Mẹ mấp máy đọc theo, không sót một lời một câu nào. Mẹ đọc như chính đó là lời kinh của riêng Mẹ.

Chỉ có một điều lạ lùng khác xa với thái độ của Ba, đó là Mẹ tôi không rời mắt nhìn chúng tôi. Mẹ nhìn từng đứa một. Cái nhìn Mẹ dừng lại thật lâu nơi các em bé nhất. Mẹ chỉ nhìn chứ không bao giờ nói gì cả hoặc lên tiếng la rầy chúng tôi. Ngay cả khi mấy đứa nhỏ cựa-quậy xì-xầm, ngay cả lúc sầm chớp ầm-vang xuyên qua mái nhà hoặc khi con mèo làm đổ nắp đậy cái nồi!

Và tôi - thằng con nít - tôi thầm nghĩ: ”THIÊN CHÚA quả thật tốt lành mới cho phép người ta thưa chuyện với Ngài khi bồng con trong tay và mình khoác tấm áo làm việc (tablier de travail)! Quả thật THIÊN CHÚA Nhân Lành là Đấng vô cùng quan-trọng khiến cho sấm-sét hoặc con-mèo trở thành chuyện không đáng quan tâm!”

Đôi tay của Ba, đôi môi mấp máy của Mẹ là những cử điệu dạy tôi bài học tôn giáo đầu đời quan trọng gấp bội lần những bài học giáo lý. THIÊN CHÚA Nhân Lành là Đấng Tối Cao. THIÊN CHÚA Nhân Lành là Đấng thật thân thiện gần gũi. Và người ta chỉ có thể thưa chuyện thân tình với THIÊN CHÚA Nhân Lành sau khi chu toàn bổn phận một ngày sống trọn vẹn, một ngày lao động vất vả... ”Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy. Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Isaia 55, 9-11).

Sưu tầm


Yêu trong sạch và thích cầu nguyện

Emmanuel de la Roncière chào đời tại Saint-Mandé (Nam Pháp) ngày 25-3-1954, trong một gia đình Công Giáo đạo đức. Emmanuel là anh cả của 6 em, vừa trai vừa gái.

Ngay từ thơ ấu, Emmanuel tỏ ra nhanh nhẹn, vui tươi, thích tung tăng nô đùa với các em và anh chị em họ hàng. Emmanuel thường nghĩ ra các trờ chơi giải trí nghịch ngợm, lôi cuốn các trẻ khác nhập cuộc. Cậu bé luôn tỏ ra dễ thương với mọi người thân trong gia đình. Emmanuel cũng sớm yêu chuộng các đức tính: ngay thẳng, trong sạch và quảng đại. Cậu bé thích cầu nguyện và tránh xa những gì cộc cằn, thô lỗ. Vào dịp rước lễ lần đầu, Emmanuel biểu lộ lòng nhiệt thành sốt sắng. Cậu bé như bị thu hút bởi Tình Yêu bao la của Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

Bước vào bậc trung học, Emmanuel bắt đầu yêu thích ca nhạc và thơ văn. Cậu sáng tác những bài thơ ngắn, nói lên tâm tình mộng mơ hoặc khao khát tìm kiếm của tuổi dậy thì. Ngoài ra, cậu gởi gấm vào thi văn lòng yêu thương trìu mến người yếu đuối, kẻ bị bỏ rơi và người kém may mắn mà cậu tự đặt vào địa vị của họ. Năm 16 tuổi, Emmanuel bị dằn co bởi hai tâm tình đối nghịch nhau. Một đàng là nhu cầu vui sống, hưởng nếm sự đời và biểu lộ tư tưởng. Một đàng, như bị va chạm với một thế giới phũ phàng, lạnh lùng và vắng bóng tình thương. Cậu tâm sự với người em họ cùng tuổi:

- Hoặc anh sẽ trở thành tên chủ nhà điếm. Hoặc anh sẽ là vị thánh mang tên Emmanuel! Anh không thích sống nửa vời!

Emmanuel bắt đầu để ý đến sự hiện diện của các cô gái trong môi trường sống. Nhưng cậu giữ thái độ hết sức tự do, thẳng thắn và trong sạch, để khỏi bị các cô gái chạy theo lôi cuốn. Sau khi đậu tú tài, Emmanuel thi hành nghĩa vụ quân sự trong ngành hải quân. Chàng bị đau khổ nhiều vì phải sống trong kỷ luật sắt của quân đội. Cứ mỗi lần về phép, chàng sung sướng sống khung cảnh đầm ấm của gia đình, vui đùa với các em và anh chị em họ hàng. Chàng hãnh diện thuộc về một gia đình có đông anh chị em.

Thời gian quân ngũ đã tinh luyện khiến chàng thanh niên như trưởng thành hơn, suy tư và già dặn khôn ngoan hơn. Chàng bắt đầu sống tinh thần từ bỏ, quên mình để nghĩ đến tha nhân và nhất là, dành một tình yêu rộng lớn cho THIÊN CHÚA. Chàng như ý thức sâu xa:

- Điều chính yếu không phải sống cho riêng mình nhưng sống cho Đấng dựng nên mình. Nhờ ý thức này chàng tìm thấy trong cầu nguyện câu giải đáp cho vấn nạn về ý nghĩa của cuộc đời.

Mùa hè năm 1973, Emmanuel ghi danh vào đại học theo ngành y khoa. Chàng như tìm được mức quân bình cho tư tưởng và nhận định đối với thế giới chung quanh. Chàng có cái nhìn khách quan và rộng lượng hơn với chính mình và xã hội. Riêng về Đức Tin, Emmanuel dành chỗ đứng rộng lớn và trọng yếu. Chàng cảm nghiệm sự hiện diện của THIÊN CHÚA đầy yêu thương, toàn năng và toàn thiện. Nơi THIÊN CHÚA, chàng tìm thấy lý tưởng tuyệt hảo mà chàng không tìm được trong cuộc đời. Emmanuel còn biết chiêm ngắm sự hiện diện của THIÊN CHÚA qua cảnh đẹp thiên nhiên như: núi đồi, biển cả và trời cao.

Nhưng cuộc đời kết thúc thật nhanh vào năm chàng bước vào tuổi 22. Ngày 7-1-1975, trên chiếc xe đạp dạo quanh các đường làng, Emmanuel de la Roncière bị một chiếc xe hơi đụng và chết ngay tại chỗ. Sau khi Emmanuel tử nạn, người ta tìm thấy một băng cassette thu lời kinh do chính chàng sáng tác và đọc như sau:

- Vì nỗi buồn sầu đốt cháy đôi mắt và tư tưởng, con xin chúc tụng Chúa, lạy THIÊN CHÚA của con.. Xin chúc tụng Chúa ngàn lần, hỡi Vị Vua tình yêu. Ôi, con xin chúc tụng Chúa, hỡi Đức Chúa GIÊSU KITÔ dịu hiền dấu ái của lòng con! Xin chúc tụng Chúa vì tất cả những gì Chúa ban cho chúng con.. Ước gì Chúa được chúc tụng, vinh danh và thờ lạy, lạy Đấng là Tất Cả, là Vị Vua và là Tình Yêu của con... Bấy giờ tôi thấy trời rộng mở: kìa một con ngựa trắng, và người cỡi ngựa mang tên là ”Trung Thành và Chân Thật”, Người theo công lý mà xét xử và giao chiến. Mắt Người như ngọn lửa hồng, đầu Người đội nhiều vương miện, Người mang một danh hiệu viết trên mình, mà ngoài Người ra chẳng ai biết được. Người khoác một áo choàng đẫm máu, và danh hiệu của Người là “Lời của THIÊN CHÚA”. Các đạo quân thiên quốc đi theo Người, họ cỡi ngựa trắng, mặc áo vải gai mịn trắng tinh. Từ miệng Người phóng ra một thanh gươm sắc bén để chém muôn nước. Chính Người sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt chúng (Sách Khải Huyền 19,11-15).

Sưu tầm


Đức tin

câu chuyện về nhà hiền triết nọ thích suy tư về đề tài này. Ông luôn lập đi lập lại câu hỏi: đâu là ý nghĩa cuộc sống. Nghe vậy một em Hoạ Mi bay tới và nói:

- Ý nghĩa cuộc sống ư ? Chỉ là vui ca nhảy múa. Rồi nó bay đi trong tiếng hót véo von.

- Chú chuột chũi thì gầm gừ phản đối: Đời là một cuộc chiến đấu không ngừng với bóng tối.

- Còn chị Bướm Bảy Mầu lại lắc đầu: Cuộc sống là gì, nếu không phải là hưởng thụ những thú vui ?

- Bấy giờ bác Ong Mật mới trịnh trọng tuyên bố: Đời sống không phải là hưởng lạc mà là lao động, lao động và lao động.

- Tất cả đều phi lý! Đời sống chỉ là tự do, là tung cánh trên ngàn mây- Anh Phượng Hoàng ngất ngư trên trời xanh dõng dạc phán.


- Tuy nhiên chị Tùng Bách chậm rãi khẳng định: Đời sống là một nỗ lực không ngừng để vươn cao.

- Cô Hồng Nhung cũng chẳng chịu: Đời sống chỉ là trao chuốt cho vẻ đẹp thêm duyên dáng.

- Chàng lãng tử mây lang thang lại thở dài ngao ngán: Cuộc đời chỉ là chia ly và đau khổ, đắng cay và nước mắt.

- Chị suối nhỏ thì thầm: Đời là sắc sắc không không, thế nên thay đổi, đổi thay không ngừng.

Cứ thế mọi sinh vật lần lượt nói lên tiếng nói của mình về ý nghĩa cuộc đời, còn nhà hiền triết thì gục xuống tắt thở, trên môi vẫn hé mở như muốn lập lại câu hỏi vì chưa tìm ra được câu trả lời.

sưu tầm


Cầu nguyện và lao động

Một ông thuỷ thủ già dẫn một chàng trai trẻ xuống chèo xuồng của ông. Mái chèo bên phải mang chữ Prie (cầu nguyện), mái chèo bên trái mang chữ Travailler (lao động). Chàng trai chế nhạo ông già:

- Bố già ơi! Lẩm cẩm chậm tiến quá! Đã lao động thì cần gì phải cầu nguyện nữa.

Ông thuỷ thủ già không nói gì cả, ông gác cái mái chèo cầu nguyện lên xuồng và chỉ chèo với cái mái chèo lao động. Ông chèo, chèo mãi … nhưng cái xuồng cứ quay tròn chứ không chịu tiến lên phía trước. Chàng trai trẻ mới nghĩ ra phải có cái mái chèo cầu nguyện cùng với mái chèo lao động kết hợp mới điều khiển được chiếc xuồng.

Phaolô Phạm Xuân Khô