Truyện Minh Hoạ - Biết Ơn |
Lòng biết ơn mở ra sự trọn vẹn của cuộc sống. Nó biến những thứ ta đang có thành đủ và nhiều hơn. Nó biến sự từ chối thành sự chấp nhận, sự hỗn độn thành trật tự, mơ hồ thành rõ ràng... lòng biết ơn biến quá khứ thành có ý nghĩa, mang lại an bình cho hiện tại, tại viễn cảnh tương lai cho tươi sáng' (Melody Beattie). Có rất nhiều điều mà cuộc sống bận rộn này làm cho ta quên đi sự biết ơn. Chúng ta sống, làm việc, quay cuồng tận hưởng mọi thứ nhưng có thể như thế là chưa đủ, đó vẫn chưa phải là một cuộc sống trọn vẹn, đủ đầy. Tất nhiên không phải ai cũng phát hiện ra điều đó. Nhưng nếu một ngày nào đó ta nghe luật sư tư vấn của mình nói rằng: có bao giờ bạn tưởng tượng một ngày khi cả gia đình bạn đang quây quần bên ngọn lửa ấm cúng, bỗng nhiên bếp lò nổ tung... và tất cả tan tành. Vậy gia sản của gia đình bạn sẽ dành cho ai? Chúng ta sẽ không khỏi băn khoăn suy nghĩ. Thật ra trong cuộc đời ngắn ngủi này có hàng triệu con người, hàng tỷ thứ bạn tiếp xúc hàng ngày khiến bạn quan tâm, chúng làm gì đó cho bạn nhưng có thể bạn sẽ quên lãng... Nhưng bạn nên biết rằng nếu bạn quên một ai đó, thì nguy cơ bạn bị người đó quên lãng cũng rất cao. Vậy nên hãy bắt đầu nhớ, suy nghĩ, và biết ơn vì những cuộc gặp gỡ, vì những mối quan hệ, vì công việc được làm, vì những người bạn tốt, vì những đứa con thân yêu, vì ánh mặt trời ấm áp, vì một ngày mưa để bạn được thư giãn, vì cuộc đời cho bạn một cuộc sống, một cuộc sống đầy ý nghĩa, đầy khát khao. Trong từng ngày sống của mình, bạn phải thấy rằng: Không phải vì được sống hạnh phúc mà bạn mới biết ơn cuộc sống, mà chính thái độ biết ơn cuộc sống mới khiến cho bạn cảm thấy hạnh phúc. Vậy thì biết ơn thực sự là một phép màu, bởi vì nó làm cho cuộc sống của chúng ta luôn cần, luôn muốn, luôn vươn tới hạnh phúc... Chính lòng biết ơn mang lại cho chúng ta hạnh phúc mà cả đời này chúng ta tìm kiếm. Và cũng không có lí do gì để bạn không biết ơn những người mang cho mình một tách cà phê, một câu góp ý, một lời khen ngợi, một niềm vui, một chút ngậm ngùi, một sự tiếc nuối.. để cuộc sống của chúng ta thêm màu sắc, thêm rộn ràng. Bày tỏ lòng biết ơn là một "bữa tiệc" thú vị của những quan điểm tinh thần sâu sắc. Những câu trích dẫn mở đầu của mỗi mục thật đáng chú ý. Những đoạn tâm sự riêng tư thật sâu sắc và tràn đầy tình yêu thương trong mỗi dòng chữ. Đây là cuốn sách để nhâm nhi thưởng thức chứ không phải để đọc lướt. Thật dễ chịu khi đọc đi đọc lại cuốn sách này và nó giúp chúng ta sẵn sàng nói lời "cảm ơn" mỗi bước đi trên hành trình của mình. (Gerald G.Jampolsky). Bạn nên bày tỏ lòng biết ơn với mọi thứ xung quanh ngay bây giờ, ngay hôm nay, bởi biết đâu ngày mai lại là ngày đầu tiên của 30 năm bại liệt toàn thân do một tai nạn kinh hoàng, bởi biết đâu ngày mai một ai đó bạn muốn cảm ơn rời xa bạn mãi mãi. Không có lí do gì để phải trì hoãn hạnh phúc để rồi phải hối tiếc trong suốt quãng đời còn lại. Hãy biết ơn, và biết ơn cuộc sống vì đã cho bạn một cơ hội để cảm ơn mọi thứ. Và hãy cảm ơn M.J. Ryan vì những gì bà đã chia sẻ qua cuốn sách Bày tỏ lòng biết ơn bé nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa và cần thiết này. Cảm ơn vì hôm nay tôi có thể ngồi đây, đọc cuốn sách này và viết lên những suy nghĩ của chính mình, để sẻ chia, hi vọng và hạnh phúc. Hạnh Lê Cuộc sống là một chuỗi những ân huệ nối tiếp nhau. Những ân huệ này đan xen với những ân huệ khác. Có những ơn do nơi Thiên Chúa, và cũng có những ơn đến từ con người. Vậy nếu cuộc sống là lãnh nhận thì người ta sẽ như thế nào nếu không hề biết nói hai tiếng “cám ơn”, hoặc chẳng bao giơ bầy tỏ tấm lòng tri ân.
Chúa cho con đôi mắt, con nhìn bao kỳ công, Chúa cho con đôi tai, con nghe đủ âm thanh, Chúa cho con đôi môi, con hé mở nụ cười, Chúa cho con hai tay, bưng chén cơm, cầm bút, Chúa cho con đôi chân, dẫn con khắp nẻo đường, Chúa cho con khối óc, phân biệt điều thực hư, Những điều con có đó, tưởng tầm thường nhưng thật vĩ đại, thật cao cả. Mà đã lần nào con nhớ đến những thứ ấy để cám ơn Chúa. Chắc đợi đến khi mắt mù, tai điếc, chân què, con mới nhận ra những thứ ấy thật cao quí. Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con nhiều điều. Nhưng xin ban cho chúng con một điều nữa là cho chúng con biết luôn nhận ra những ân huệ Chúa mà không ngừng cảm tạ tri ân. Amen . (Hosanna) Tân Mục Công đi săn ở núi Lương Sơn. Đang đêm bị quân gian vào lấy cấp mất con ngựa. Mục Công sai người đi tìm. Tìm đến chân núi Kỳ Sơn, thấy có một bọn hơn 100 người đang tụ tập nhau lại ăn thịt con ngựa của Mục Công, quân sĩ về báo với Tân Mục Công và xin đem người đến vây bắt cả bọn. Tân Mục Công nói: Không nên. Ngựa đã chết mất rồi, nay ta đem quân đến giết người nữa, dân bảo ta quí ngựa hơn người. Nói xong, truyền đem mấy hủ rượu ngon đến cho bọn ăn trộm ngựa và bảo quân lính nói rằng: “Chúa Công chúng tôi thấy các người an thịt ngựa mà thiếu rượu sợ kém ngon, nên cho chúng tôi mang rượu đến cho các người dùng”. Bọn ăn trộm ngựa thấy vậy bảo nhau: Biết là chúng ta ăn trộm ngựa, chúa công đã không trừng phạt mà còn đem rượu nữa, bao giờ chúng ta mới đền được ơn này? Ít lâu sau, Tân Mục Công cất quân di đánh nước Tấn, bị quân Tấn vây khốn. Bỗng có một nhóm dũng sĩ hơn ba trăm người kéo đến giải vây. Hỏi ra mới biết đó là bọn ăn trộm ngựa năm xưa. Lấy lòng tốt cư xử với mọi người không bao giờ thiết thòi cả. Việt Nam mình có câu: “Lấy oán trả oán, oán sẽ không bao giờ hết, chỉ khi lấy ân trả oán, oán mới tiêu tan”. Tất cả mọi phản ứng trên đời dường như đều theo một định luật chung như thế cả. Thử cầm một quả bóng bàn ném xuống một vật cứng như gỗ đá chẳng hạn, bóng sẽ tưng lên rất mạnh sau một tiếng kêu to và khô khan. Nhưng nếu ném vào một vật mềm, quả bóng sẽ êm ái nằm yên tại chỗ. Trong câu chuyện, lòng nhân từ của Tần Mục Công còn có sức cảm hóa được những người gọi là đầu trộm đuôi cướp, trở thành những người mang ơn ông và không ngần ngại tìm dịp giúp đỡ ông. Chúng ta hãy cầu nguyện cho chúng ta biết noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã dạy: Hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình. Hãy cầu nguyện cho những kẻvu khống mình. Và chính Người trên thánh giá đã cầu nguyện cho các lý hình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Lạy Chúa. Xin cho con luôn tránh xa bất cứ điều gì có thể gây thiệt hại cho tình thân giữa chúng con. Xin gìn giữ miệng lưỡi con, để con không bao giờ nói điều gì lỗi đức bác ái, hoặc gâu oán thù, nhưng chỉ nói những lời mang lại hạnh phúc bình an. Xin gìn giữ đôi mắt con, để con chỉ biết có những cái nhìn thân thiện, dịu dàng. Xin gìn giữ tôi tai con, để con đừng thích nghe những lời dèm pha người khác. Xin gìn giữ tư tưởng con, để con chỉ biết nghĩ đến những điều tốt đẹp xậy dựng. Xin gìn giữ con tim con khỏi những ích kỷ, để con biết quảng đại yêu thương mọi người. Xin Chúa ban cho con khả năng chịu đựng những gánh nặng của người khác gây ra cho con và luôn luôn biết tha thứ cho họ. Nhất là xin cho con dừng bao giờ là gánh nặng cho người khác, nhưng biết luôn yêu thương, tha thứ, sống bình an với tất cả mọi người. Con hết lòng cầu xin Chúa. Xin Chúa nhậm lời con. Sưu tầm Một bác sĩ nọ rất thích vạn vật học, nên ông thường đi vào rừng tìm những con vật để nghiên cứu. Trong một ngày hè, ông đi vào rừng để tìm những con vật, nhưng vì say mê tìm kiếm nên ông đã đi quá xa rồi khát nước, nhưng ông không biết tìm đâu ra nước để uống. Khi ông thấy xa xa có một ngôi nhà nhỏ, ông liền tới xin một ly nước. Đến nơi, một em bé gái khoảng 7-8 tuổi ra mở cửa tiếp ông, rồi em liền chạy vào nhà thưa với mẹ là có người xin nước. Mẹ nói với cô bé đem cho ông một ly sữa. Ông đã uống hết ly sữa và rất cảm động, vì đang lúc quá khát chỉ mong được ly nước để uống mà bây giờ được ly sữa. Sau đó, ông đưa cho cô bé một danh thiếp có ghi địa chỉ, tên tuổi nơi bệnh viện, nhà của ông và ông dặn cô bé: “Khi nào nhà cô có người bệnh hãy đem đến địa chỉ này, sẽ được chữa một cách tận tình”. Khoảng ba tháng sau, mẹ cô bé bị chứng bệnh ung thư rất khó trị và theo địa chỉ của bác sĩ đó, mẹ cô được đem đến bệnh viện nơi mà ông bác sĩ làm việc, và được ông tận tình săn sóc, nhưng phải mất một thời gian chữa trị khá lâu mới khỏi. Khi xuất viện, ông đưa một tờ giấy có ghi các khoản tiền chi phí thuốc thang và các thứ cần thiết lên tới khoảng một triệu Dollar, nhưng bên dưới tờ giấy có đề “tất cả số tiền trên đây được trả bằng một ly sữa”. Chúng ta thấy con người mà còn biết ban ơn, trả ơn như vậy, huống chi là Thiên Chúa, như Chúa nói: “Dù chỉ cho một người bé mọn một ly nước lã mà thôi thì cũng được thưởng”. Mỗi ngày chúng ta đã hy sinh dành bao nhiêu thời giờ lo cho công việc của anh chị em; chúng ta vâng lời giữ kỷ luật….. mà không ai trả cho chúng ta đồng Dollar nào cả, nhưng chính Thiên Chúa đã trả công cho chúng ta. Vậy chúng ta hãy cám ơn Chúa, không phải chúng ta lấy phần thưởng ở đời này, nhưng Chúa dành cho phần thưởng đời đời. Hằng ngày chúng ta dâng những hy sinh đau khổ, thực ra mà nói, đau khổ của chúng ta không có là gì so với các thánh, nhưng nếu biết dâng những hy sinh bác ái với anh em, vui chịu đau khổ vì lòng mến Chúa thì phần thưởng Chúa dành cho chúng ta rất lớn lao." Sưu tầm Arittit là một thủ lãnh và chính trị gia nổi tiếng của Hy Lạp vào khoảng thế kỷ thứ V trước công nguyên. Ông thanh liêm tới nỗi dân chúng đã tặng ông biệt hiệu: “Arittit người công chính”. Nhưng càng được người đời khen tặng ông lại càng có nhiều kẻ thù. Và các đối thủ của ông đã cấu kết với nhau để kết án ông 10 năm lưu đày. Sau đó, theo thói quen của người Hy Lạp thời ấy, người ta phát cho mỗi công dân một vỏ sò để những ai đồng ý bắt Arittit đi đầy thì viết tên ông vào đấy. Có một thị dân không biết chữ, vừa khi thấy Arittit đứng ở một góc phố mà chẳng biết là chính kẻ mới bị kết án, người ấy bèn đến nhờ ông viết tên Arittit vào vỏ sò. Sau khi đã viết xong và trao cho người ấy, Arittit mới hỏi: - Tại sao ông viết phiếu ủng hộ việc bắt Arittit đi đày? Người ấy trả lời: - Tạo sao ư? Bởi vì tôi không thể nào chịu được khi nghe thiên hạ cứ gọi ông ta là người công chính, thế thôi. Không chịu được sự hiện diện của người công chính có thể là vì ghen tương mà cũng có thể là tại không muốn cải thiện cuộc đời. Trong sách Khôn Ngoan có thuật lại việc kẻ gian ác về hùa với nhau và bàn tính tiêu diệt người công chính. Vì nếp sống của người công chính làm cho chúng bực mình. nhất là nếp sống ấy luôn luôn đập vào mắt chúng như một lời khiển trách. Và thế là chúng hết chịu nổi. Thay vì nhìn vào những anh em có cuộc đời gương mẫu để tự kiểm điểm và tu chỉnh, phải chăng có khi chúng ta lại bỉu môi dèm pha, hoặc công kích? Ai lại không hiểu rằng một thái độ như thế chỉ có thể là biểu hiệu của tính tự ái, hẹp hòi và cố chấp." Sưu tầm Có 3 người hành khất kia rất nghèo và bất hạnh thay, cả 3 người đều mang tật: một người bị cùi, người thứ hai bị mù và người thứ 3 mắc bệnh đầu có gầu. Một ngày kia, để thử lòng 3 người, Thiên Chúa sai Thiên thần đến gặp họ và hỏi từng người một xem anh ta mơ ước điều gì. - Tôi muốn có một làn da thật tươi mát, mịn màng và không hoen chút tỳ ố nào. Người hành khất bị cùi thưa với Thiên thần Chúa như thế, khi ngài đến gặp anh ta trước tiên và hỏi anh điều anh mơ ước. Thiên thần Chúa đưa tay chạm vào người anh ta, tức thì da dẻ của anh cùi liền trở nên nhẵn nhụi, hồng hào. Tiếp đó, thiên thần Chúa lại hỏi anh ta có muốn được giầu có không và muốn giầu như thế nào. Người hành khất cùi trả lời: “Tôi muốn có một đàn lạc đà.” Anh ta liền được Thiên thần Chúa trao cho một con lạc đà cái sắp đẻ. Nhờ đó, chẳng bao lâu, đàn lạc đà sinh sôi nảy nở thêm nhiều và anh ta trở thành một trong những người giầu có nhất vùng. Kế đó, Thiên thần Chúa tìm đến với người hành khất mắc bệnh đầu có gầu. Da đầu anh bị nứt nẻ và gầu dính bê bết vào tóc làm anh ta vô cùng ngứa ngáy, khó chịu. Nghe Thiên thần Chúa hỏi đến điều mơ ước, anh đáp ngay, không một chút do dự: - Tôi chẳng có mơ ước nào khác hơn là được thoát khỏi cái căn bệnh gầu đầu quái quỉ này. Cầu cho da đầu tôi được sạch sẽ là quí hóa lắm rồi! Và anh này đã được toại nguyện. Anh ta còn được ban cho làm chủ đàn bò đông đúc theo như ý muốn, khi thiên thần Chúa hỏi anh có muốn giầu có như thế nào không. Cuối cùng, thiên thần Chúa đến gặp người hành khất mù, và cũng giống như 2 người kia, anh ta liền được trao ban cho một đôi mắt thật đẹp và được trở thành một ông chủ có nhiều chiên nhất vùng ấy, đúng như điều mơ ước của anh ta. Nhiều năm đã trôi qua sau các biến cố ấy . . . Thiên thần Chúa giờ được sai trở lại để hoàn tất cuộc thử thách. Trong hình dạng một người cùi, thiên thần Chúa tìm đến nhà người hành khất cùi trước đây và cất lời van xin ông ta: - Thưa ngài, tôi là một khách bộ hành quá nghèo khổ, xin ngài giúp cho tôi một con lạc đà để tôi cưỡi . . . - Lạc đà ở đâu ra mà cho anh ? -người kia vội ngắt lời- Người cùi -thiên thần Chúa- từ tốn nói với ông chủ: - Tôi nhớ dường như ngày xưa ngài cũng đã từng bị cùi như tôi bây giờ, nhưng Thiên Chúa đã thương tình chữa ngài lành lặn và còn cho ngài trở nên giầu có. - Anh đừng có láo lếu! -ông chủ giận dữ quát lên-. Tôi chẳng có giống như anh bao giờ cả, và của cải tôi có đây là gia tài ông bà tôi để lại! - Có phải ngài vừa mới nói dối lần thứ 2 không ? Người cùi -thiên thần Chúa- vừa dứt lời, Thiên Chúa liền biến người kia trở về trạng thái cũ trước đây. Thế là chỉ trong nháy mắt, ông chủ đàn lạc đà đã trở lại nguyên hình một người hành khất cùi! Một sự kiện tương tự cũng đã xẩy ra cho người hành khất mắc bệnh đầu có gầu trước đây. Vì đã từ chối không chịu giúp đỡ theo lời khẩn cầu của thiên thần Chúa trong hình dạng 1 người bị bệnh gầu đầu -hình ảnh đáng thương của mình trước kia, ông chủ đàn bò đông đúc đã bị Thiên Chúa biến trở lại nguyên hình 1 người hành khất mắc bệnh gầu đầu! Sau cùng, giả dạng một người mù, thiên thần Chúa lại tìm đến với anh nhà giàu thứ 3 vốn là người hành khất mù trước đây và ngỏ lời xin anh ta giúp đỡ. Anh này nhìn người khách mù lộ vẻ trìu mến và thương cảm. Anh nói với khách: Ngày xưa tôi cũng giống như anh bây giờ đây, nhưng Thiên Chúa, Người đã dủ lòng thương tôi, ban cho tôi được như hôm nay. Vậy để tỏ lòng biết ơn đối với Người, tôi mời anh hãy quá bộ đến tệ xá, chia sẻ cuộc sống và của cải với tôi. Tôi sẽ đích thân săn sóc cho anh. Vừa nghe xong những lời ấy, thiên thần Chúa bảo anh: - Anh vừa đạt đến kết quả thật tốt đẹp trong cuộc thử thách của Thiên Chúa. Anh thật sự xứng đáng được khen ngợi và được lãnh nhận phần thưởng mà Thiên Chúa đã và đang trao ban cho anh, nói rồi, thiên thần Chúa từ biệt ra đi." Sưu tầm Cậu bé Vidal và tướng Bonaparte Năm 1796, chiến tranh giữa Pháp và liên minh Ý Áo. Đại tướng Pháp: Bonaparte đưa quân đến một địa điểm, có cái cầu bắc qua trận tuyến địch. Trong lúc trận chiến đang nguy, Bona hô tiến qua cầu. Không một ai qua. Bona xuống ngựa, giựt lá cờ quân đoàn, chân bước qua cầu, miệng hô: “Ai yêu tổ quốc thì theo ta.” Ngó lại, trên cầu chỉ có một mình mà lá cờ đã rách nhiều mảnh vì đạn của quân địch. Khi ấy có cậu bé mới 13 tuổi đánh trống thúc quân. Hai tay đập mạnh vào trống, chân bước qua cầu theo đại tướng, quân sĩ tràn theo qua cầu.. Bona toàn thắng và cũng chấm dứt cuộc chiến tranh ấy. Tám năm sau, Bona đã là hoàng đế Napoleon, trở lại chỗ cũ, có nghi lễ nghinh tiếp rất linh đình. Napoleon muốn bắt tay cậu bé Vidal đã 21 tuổi hiện ở trong quân đoàn tại đó. Hỏi đến Vidal thì cậu đã nghỉ phép để đưa đám tang mẹ. Napoleon bãi bỏ tất cả nghi lễ quân cảnh, đi thẳng đến làng Vidal, theo sau đám tang đến huyệt, đọc bài điếu văn rồi đi bộ với Vidal trở về. Vidal từ chối và mời Hoàng đế lên xe. Hoàng đế Napoleon đáp: - Tám năm trước con đã liều chết theo ta trên con đường chết, nay trên con đường đau khổ, con cho ta theo con, cho có bạn. Ai đã liều chết mà theo Chúa sẽ nghe tiếng Chúa: “Ta sẽ ở với các ngươi cho đến tận thế.”" Sưu tầm Bông hồng trao người hành khất Cho vào tim hơn là bàn tay. Thi sĩ nổi tiếng người Áo là Rê-nơ Maria Rây-ông qua đời năm 1926, đã sống nhiều năm tại Ba lê, nước Pháp. Mỗi buổi chiều, ông có thói quen tản bộ qua các đường phố gần nơi cư trú. Ngày nào ông cũng thấy một người đàn bà ăn xin bên vệ đường. Người đàn bà ngồi đó đón nhận những đồng xu nhỏ mà khách qua đường bố thí, nhưng không để lộ một cử chỉ biết ơn nào. Ngày kia, thi sĩ cùng với một người bạn gái đi qua con đường ấy. Người bạn gái ngạc nhiên vô cùng bởi vì mặc cho người hành khất chìa tay van xin, ông không hề bố thí cho bà một đồng xu nhỏ nào. Đoán được sự thắc mắc của cô bạn, thi sĩ đã giải thích: “Nếu chúng ta có trao tặng bà ta thì hãy trao tặng vào quả tim hơn là vào lòng bàn tay của bà”. Vài ngày sau, thi sĩ cũng đi dạo qua ngả phố ấy cùng với người bạn. Đến một cửa hàng bán hoa, ông dừng lại mua một bông hoa hồng. Người bạn gái nghĩ rằng đó là bông hoa mà thi sĩ sẽ dành cho cô. Thế nhưng thay vì trao cánh hoa cho cô bạn, thi sĩ đã đến với người đàn bà hành khất một cách trịnh trọng rồi đặt nhẹ bông hoa hồng vào tay bà. Đôi mắt gần như bất động của người hành khất bỗng sáng lên. Bà đứng thẳng dậy chộp lấy bàn tay của thi sĩ và hôn lấy hôn để như muốn tỏ lòng biết ơn. Bà áp bông hoa vào ngực rồi vội vã rời bỏ chỗ ngồi quen thuộc ấy để đi đâu không ai biết. Một tuần lễ sau, người đàn bà hành khất trở lại chỗ cũ. Thi sĩ Rê-nơ- Rây-ông giải thích cho người bạn gái của ông như sau “Suốt một tuần lễ qua, người đàn bà này sống bằng chính bông hoa ấy. Bà cần một chút tình thương hơn là vô số những đồng xu bố thí ”. Sự trao ban chỉ có giá trị khi nó được làm trong ý thức về tính liên đới với tha nhân. Thật thế, tất cả chúng ta đều mắc nợ nhau. Không ai có thể sống mà không sống với người khác. Không ai có thể sống hạnh phúc một mình. Karl Max đã nói chí lý: “Chỉ súc vật mới có thể quay lưng lại với nỗi khổ đau của đồng loại và chăm lo riêng cho bộ lông của mình”. Lời của thánh Phaolô còn đòi hỏi hơn nhiều “Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì ngoài tình thương mến” (I Cor.13,13) Trao ban không là một việc tuỳ tiện. Đó chính là đòi hỏi của ơn gọi làm người. Và dĩ nhiên trao ban không có nghĩa là vất đi của cải thừa thãi hoặc những thứ cũ kỹ mình không còn sử dụng nữa. Trao ban là trao tặng chính mình . Tình thương mến không phải là cái phần thừa mứa của chúng ta, mà phải là phần cao quý nhất. Của cải vật chất mà chúng ta trao tặng cho tha nhân phải là biểu trưng của chính sự tôn trọng, sự quí mến mà chúng ta có đối với họ." Sưu tầm Vị linh mục dừng lại ghé thăm một gia đình nghèo ở vùng núi Kentucky. Vừa khi linh mục cất lời chào, người mẹ gia đình vội ứa nước mắt kêu lên: “Ôi, thưa cha, con vừa được biết cha đến thăm hôm nay. Con tin cha có thể gíup con”. Nói rồi, bà dốc hết bầu tâm sự, bao lo âu, bao rắc rối. Vừa lắng nghe vị Linh Mục vừa thỉnh thoảng châm vào một vài lời khích lệ, nhưng ngài cảm thấy hoàn toàn bất lực trước nỗi khổ tâm của bà. Kể xong, bà dừng lại một lát rồi kêu lên: “Ôi, thưa cha, cha giúp con nhiều quá. Cha đã giải quyết cho con mọi vấn đề”. Vị linh mục bối rối. Ngài có giải quyết vấn đề nào đâu! Nhưng rồi! ngài chợt hiểu ra: Người đàn bà này chỉ cần và chỉ mong được thông cảm." Sưu tầm Trên tuần báo “Catholic” xuất bản tại Hoa Kỳ, một thương gia nọ đã chia sẻ kinh nghiệm bản thân như sau: Hồi nhỏ tôi kém cỏi tới độ năm học nào tôi cũng đội sổ. Thành tích này đeo đuổi tôi mãi cho tới khi bước vào trung học. Nhưng một ngày kia, một biến cố xảy đến đã thay đổi cuộc đời tôi. Năm đó tôi vừa lên bậc trung học. Nhân một lớp học về giao tế, cô giáo của tôi đã mời bà chị của cô đến tham dự. Vừa bước vào lớp, cô giáo liền hướng dẫn người chị đến thẳng chỗ tôi. Cô đặt tay trên vai tôi và giới thiệu với người chị như sau: “ Đây là cậu học sinh có nụ cười dễ thương nhất lớp”. Cô không nói đây là cậu học sinh học dở nhất lớp mà lại nói đây là cậu học sinh có nụ cười dễ thương nhất lớp. Hôm đó, tôi ra khỏi lớp, tôi cảm thấy như mình cao hơn được một chút. Tôi vừa đi vừa nhảy vừa ca hát và tự tin hơn bao giờ. Từ đó bắt đầu đạt những thành tích khả quan hơn trong việc học. Sau đó, tôi tốt nghiệp cao học, làm giáo sư và nay đang hăng say trong lãnh vực kinh doanh. Tất cả đều bắt đầu với cô giáo năm xưa của tôi. Cô đã cho tôi thấy rằng tôi cũng là một người có giá trị. Tôi cũng có một cái gì đó để trao tặng cho người khác. Kinh nghiệm của người doanh nhân Hoa Kỳ trên đây thật là phù hợp với cái nhìn của Ki tô giáo về con người. Trước hết, với cái nhìn đức tin, chúng ta biết rằng mỗi người sinh ra trên cõi đời này là một giá trị có một không hai. Bởi vì mỗi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Giàu sang, nghèo hèn, thông minh lỗi lạc hay ngu đần dốt nát, tất cả mọi người đều không những bình đẳng theo phẩm giá mà còn là những nhân vật khác biệt, độc nhất vô nhị, bất khả xâm phạm. Chúa đã muốn mạc khải cho chúng ta cái giá trị cao cả ấy nơi mỗi một con người qua cung cách đối xử của Ngài với những người nghèo hèn khốn khổ nhất trong xã hội. Dưới ánh mắt của Chúa Giêsu, mỗi người là một giá trị độc nhất, là đối tượng của một sự tôn trọng và yêu thương cá biệt. Đây thực là một cái nhìn cách mạng có giá trị cho mọi thời đại. Không thể cải tạo xã hội, không thể có một cuộc cách mạng đích thực nào nếu không có cái nhìn tôn trọng ấy đối với con người. Từ kinh nghiệm của doanh nhân trên đây, chúng ta cũng có thể rút ra một chân lý khác trong cái nhìn của Ki tô giáo về con người. Đó là giá trị đích thực của con người không hệ tại ở những gì họ có mà chính là ở những gì họ trao tặng. Chân lý này đã được Chúa Giêsu nêu bật qua toàn bộ những lời giảng dạy và trong cuộc sống của Ngài, nhất là qua cái chết của Ngài trên thập giá. Giáo huấn của Chúa Giêsu có thể được tóm tắt trong câu nói của Chúa mà thánh Phaolô ghi lại như sau: “Cho đi thì có phúc hơn nhận lãnh”. Càng cho đi con người càng lớn hơn lên trong nhân cách , người có tư cách đích thực trước tiên là người biết trao ban cho kẻ khác. Và dĩ nhiên, trao ban đích thực không phải là trao ban của cải vật chất, bởi vì của cải tự nó không phải là của con người. Quà tặng đích thực chính là bản thân, trao ban đích thực là trao ban chính mình. Có hiểu như thế thì chúng ta mới thấy rằng dù nghèo hèn đến đâu, ai cũng có một cái gì để trao ban. Và giá trị của quà tặng không tuỳ thuộc ở số lượng của vật chất, mà chính là ở tấm lòng của con người. Một nụ cười nhân ái, một lời nói cảm thông, một cử chỉ tha thứ có giá trị gấp bội phần hơn những vàng bạc châu báu mà một người giàu có chỉ vất ra như của bố thí." Sưu tầm |