Truyện Minh Hoạ - Biết Ơn |
“Anh ơi, anh ơi...mình có con rồi” đó là giọng rất vui của mẹ nói với ba, sau khi nhìn thấy kết quả của thử nghiệm thai. Đúng vậy, tôi đã hình thành trong bụng mẹ cách đó hai tuần. Sự hiện diện của tôi đã làm cho cơ thể mẹ thay đổi, tôi cũng thay đổi rất nhiều thói quen và tánh tình của mẹ. Tôi “bắt” mẹ phải ăn trong lúc đêm khuya, khi mọi người đang yên giấc và đôi lúc còn làm cho mẹ nôn ói, cáu gắt với mọi người, chắc mẹ mệt lắm! Nhiều khi tôi nghịch ngợm đá lung tung làm mẹ phải giật mình, tôi mỉm cười khoái chí… Mẹ nói với tôi: “Con à, để cho mẹ yên được không?” Tiếng của mẹ nghe ngọt ngào và êm tai quá. Những lúc như thế tôi cố gắng ngồi yên không phá nữa, nhưng có những lúc vì muốn nhắc nhở mẹ về sự hiện diện của mình, tôi đá “giò lái” mấy cái làm mẹ giật nẩy mình. Ở trong bụng mẹ thật sự rất ấm và an toàn, mẹ ôm chặt tôi ở phía trước và mang tôi đi bất cứ nơi nào mẹ đi qua. Ngày sanh tôi, mẹ quằn quại trong đau đớn. Tôi biết chứ, nhưng vì cứ tưởng sẽ xa mẹ vĩnh viễn nên không chịu ra đời, sự rụt rè của tôi đã làm cho cơn đau của mẹ kéo dài. “Xin lỗi mẹ! Xin lỗi mẹ! Nhưng mà mẹ biết không, vì không muốn xa mẹ và muốn được làm một với mẹ nên con cứ ì ra không đi đâu cả.” Khi vừa lọt lòng mẹ, tôi sợ hãi vì thế lấy hết sức mình khóc thật lớn và nghĩ thầm: “Sao ở ngoài này lạnh thế kia? Đây là thế giới ồn ào, hoàn toàn khác biệt với thế giới mà mình đã từng sống. Liệu mình còn có những ngày an bình như ở trong lòng mẹ không?” Nhưng chỉ vài giây thôi, một vòng tay mềm mại ôm lấy tôi, giọng nói ấm áp quen thuộc vang lên: “Nín đi con…cục cưng của mẹ sao khóc lớn vậy?” Nhờ giọng nói êm ái đó, tôi lấy lại bình tĩnh và mỉm cười. Lần đầu tiên trong đời nhìn thấy mẹ, một cảm giác gần gũi trong tôi vì suốt chín tháng cưu mang mẹ và tôi nối liền nhau, cảm nhận được những niềm vui và nỗi buồn của nhau. Lúc tôi chập chững những bước đi đầu đời, mẹ là người nắm tay dẫn tôi từng bước, đỡ tôi lúc té ngã. Chỉ cần mẹ ôm tôi vào lòng xoa nhẹ lên chỗ đau thì vết thương của tôi như đã lành hẳn, tôi quên mất mình vừa bị té. Nhớ ngày đầu tiên bước vào lớp học, tôi nhút nhát sợ hãi đứng thập thò ở cửa lớp, nhưng mẹ đã giúp tôi thêm can đảm, bước vào lớp với nụ cười gượng gạo để giấu đi giòng lệ đọng trên khoé mắt. Những trưa hè tan học, tôi chui vào lòng mẹ để được nghe những lời vỗ về, được mẹ xoa vào cái lưng bé xíu. Ôi, bàn tay mẹ sao mát lạnh và dễ chịu quá, khiến cho giấc ngủ trưa đến với tôi thật êm đềm. Lúc ốm đau, mẹ là người ngồi cạnh, có lúc đã phải thức trắng đêm vì tôi. Mẹ như muốn gánh đi sự đau đớn mà tôi đang có vì cơn bệnh, mẹ hoàn toàn chia sẻ mọi vui buồn cùng tôi. Khi tôi lầm lỗi, vấp ngã bị mọi người chê cười, ruồng bỏ nhưng mẹ vẫn dang rộng cánh tay đón tôi vào lòng, dùng tình thương để nâng tôi dậy... chỉ có mẹ là người duy nhất có thể làm điều này thôi! đó là bao dung chấp nhận, hy sinh cho con cái của mình cho dù những đứa con của mẹ đã bao lần lạc lối. Khi ở tuổi mới lớn, tôi ngơ ngác, sợ hãi trước những thay đổi của cơ thể, mẹ là người chỉ dẫn cho tôi, giúp tôi hiểu rõ đó là việc tự nhiên của tạo hoá. Lúc tôi trưởng thành, mẹ dạy tôi phải làm gì để luôn là đứa con gái ngoan, ngõ hầu sau này trở thành người mẹ, người vợ tốt trong gia đình. Ngày tôi lên "Xe Hoa", nhìn mắt mẹ rưng rưng ngấn lệ, tôi hiểu phần nào nỗi lo lắng và ưu tư của mẹ… Mẹ lúc nào cũng lo lắng và hy sinh cả tuổi xuân vì tôi cho dù con của mẹ đã lớn, đúng là “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình...” Tôi càng hiểu rõ hơn sự bao la ấy khi tôi thực sự làm mẹ, như người đời thường có câu: “Thức đêm mới biết đêm dài, Nuôi con mới biết công lao mẹ thầy” Đúng thế, tôi cảm nhận tình thương sâu xa của mẹ dành cho tôi nhiều hơn khi lòng mình quặn thắt vì nhìn thấy con tôi té ngã hoặc chảy máu. Tôi mơ hồ như có ai đang cào xé trong lòng vậy. Cũng như mẹ, tôi luôn hướng lòng về con cái của mình, luôn mong những điều tốt đẹp đến với con mình, và cầu mong chúng được hạnh phúc. Cám ơn mẹ đã cưu mang, sinh ra con, cám ơn mẹ đã cho con giòng sữa ngọt, đã dạy dỗ, dìu dắt con trên đường đời. Mẹ ơi! Lắm lúc con và mẹ đã không hiểu nhau vì sự cách biệt về tuổi tác, thay đổi của xã hội nhưng con không cố tình làm mẹ buồn đâu, chỉ mong mẹ luôn vui và sống với chúng con. Đừng để chúng con mồ côi mẹ nhé! Sưu tầm Thuở bé, tôi rất thích bài hát Mẹ là cô giáo, thường nghêu ngao: “Lúc ở nhà, mẹ cũng là cô giáo. Khi đến trường, cô giáo như mẹ hiền…”. Đơn giản vì tôi yêu mẹ. Đơn giản vì mẹ tôi là cô giáo. Mẹ tôi là một cô gái Huế theo chồng vào xứ Quảng. Không biết có phải vì tính cách đặc trưng của người cố đô mà tính mẹ tôi rất kín đáo, dịu dàng nhưng cũng rất kiên cường. Mẹ dạy lớp 1, là giáo viên, cũng là tổ trưởng tổ 1. Cho đến bây giờ, khi đã gần đến tuổi về hưu, mẹ vẫn dạy lớp 1. Tôi nhớ có lần phụ huynh của mẹ đến nhà chơi, bà nội tôi cũng ngồi đó tiếp chuyện. Nội chép miệng: “Cũng tội, Thu (tên mẹ tôi) sinh con thứ 3 nên cứ dạy lớp 1. Nếu không, chắc cũng dạy lớp 4, lớp 5 rồi.”. Thật ra, khi em gái thứ 3 của tôi, Út Tiên, ra đời, vẫn chưa có chính sách hạn chế sinh con thứ 3 của Nhà nước. Chắc là nội nhớ nhầm. Nhưng, mẹ tôi cũng không nói gì. Chỉ sau này, mẹ mới tâm sự với tôi: “ Hồi trước, mẹ từng dạy lớp 4, lớp 5 nhưng lớp 1 vẫn là lớp mẹ gắn bó nhất. Bởi lớp 1 là lớp đầu đời của mỗi người. Trong 5 lớp bậc tiểu học, lớp 1 là khó nhất. Để dạy được lớp 1, không phải là dễ, con à!” Tôi hiểu nỗi lòng của mẹ. Ở quê tôi, không phải ai cũng có điều kiện cho con học mẫu giáo. Vì thế, vào lớp 1, rât nhiều bé vẫn chưa biết cách cầm bút, kẻ thước…Chính mẹ tôi, cô giáo dạy lớp 1, đã kiên nhẫn chỉ cho các bé từng điều nhỏ nhất, đơn giản nhất như cầm bút, đặt thước, ngồi đúng tư thế… Mẹ bảo, vất vả nhưng vui và hạnh phúc lắm. Thời gian đầu, về quê chồng dạy học, mẹ tôi gặp nhiều khó khăn vì giọng nói. Giọng Huế của mẹ khiến bọn học trò không hiểu. Mẹ tôi dặn ngày mai mang “bảng con” lên lớp học, học trò về nói ba mẹ mang “bàn con” lên lớp. Có đứa còn bảo “Cô nói tiếng Pháp, con không hiểu”… Nhiều chuyện nhầm lẫn "cười ra nước mắt". Nhưng bây giờ, hơn 20 năm ở đất Quảng, chất Huế của mẹ đã pha đi ít nhiều… Điều đặc biệt là học trò lớp mẹ dạy rất hiếm khi viết sai chính tả, vì mẹ luôn cố gắng đọc đúng âm chuẩn. Xứ Quảng quê tôi, cái nơi “en không en tét đèn đi ngủ” (ăn không ăn, tắt đèn đi ngủ) ấy, cái nơi không có “xe đạp” mà chỉ có “xe độp” ấy, nhờ mẹ, nhiều thế hệ học trò đã biết phát âm đúng và hạn chế được lỗi chính tả… Hôm nào đi dạy về, tôi cũng thấy mẹ đèo theo học trò, đứa phía trước, đứa phía sau. Mẹ bảo, trời nắng, nhìn mấy đứa đi bộ, không đành…Có lẽ vì tấm lòng nhân hậu, yêu nghề đó mà mẹ được nhiều người quý mến. Tôi cảm nhận được điều đó từ những bậc phụ huynh và những người học trò cũ trở về thăm mẹ. Còn tôi, tôi tự xem mình là người hạnh phúc nhất trên đời vì mẹ là cô giáo đầu tiên và cũng là cô giáo suốt cả cuộc đời tôi. Không chỉ ban tặng cho tôi hình hài, mẹ còn dạy chữ và dạy tôi cách làm người. Cám ơn mẹ nhiều lắm, mẹ yêu của con. Trần Mai Thảo Ngày xưa, con đọc được câu chuyện kể về một đứa con bất hiếu, làm nhiều việc sai trái với bố mẹ. Khi đứa con đó gặp nạn, bạn bè bỏ anh ta đi hết, chỉ có bố mẹ là vẫn dang tay đón anh ta trở về. Con hỏi mẹ: "Sao cha mẹ anh ta lại làm như thế? Họ không giận anh ta sao?". Mẹ đã trả lời: "Vì họ là một gia đình!". Nhà mình ở miền núi, đất đai khô cằn. Anh cả lớn lên, đã bỏ ra thành phố lập nghiệp. Học xong, con cũng đến sống cùng anh. Chỉ còn mình mẹ ở lại quê nhà. Công việc bận rộn, thi thoảng lắm anh mới về thăm mẹ, còn thì chỉ là những cuộc điện thoại hỏi thăm. Nhưng chừng đó cũng khiến anh mệt mỏi, anh giục: "Mẹ bán nhà, dọn xuống thành phố ở với chúng con. Mảnh đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi" đó có gì mà mẹ lưu luyến". Mẹ một mực từ chối. Mẹ bảo, đây là nơi bố mẹ gặp nhau rồi sinh ra các con. Từng viên gạch trên hàng rào đều do bố tự tay chọn đất, đóng khuôn, nung lửa. Cây bưởi ngoài hiên do con trai ăn trái, nhả hạt xuống vườn, giờ đã thành cây cho trái. Mảnh sân con, lỗ chỗ lỗ thủng nhưng in dấu những bước chân lẫm chẫm tập đi của con gái. Mỗi góc nhà đều mang dấu tích của các thành viên trong gia đình nên mẹ không thể xa rời. Tại nơi này, bố đã ra đi mãi mãi nên mẹ sẽ ở lại đây chờ ngày bố đến gọi mẹ đi. Ngôi nhà là phần hồn của mẹ, đừng bắt mẹ phải xa nó. Anh cả là người rất mê tướng số. Anh bảo, có một điểm anh ghét nhất trên cơ thể mình là nước da đen do di truyền của mẹ. Nước da rám khiến anh trông lúc nào cũng khắc khổ, không ra dáng ông chủ. Rồi anh làm ăn thất bát, vỡ nợ, phải nhờ mẹ xuống trông nhà để anh "lánh nạn". Anh sắp xếp cho mẹ vào vai "người giúp việc", nhưng ai trông thấy cũng nhận ra là hai mẹ con vì nước da "đặc trưng". Anh lầm bầm: "Đúng là nước da... phản chủ. Chủ nợ nhận ra mẹ, lại dùng mẹ uy hiếp con mất". Anh cả chưa kịp bỏ trốn thì được tin mẹ đã nhờ người bán xong ngôi nhà. Cầm tay anh, mẹ bảo: "Con cứ yên tâm. Tiền bán nhà, mẹ sẽ đưa cả để con trả nợ. Mảnh đất đó "chó ăn đá, gà ăn sỏi" mẹ cũng không lưu luyến nữa. Mẹ già rồi, con ở đâu thì đó là quê hương của mẹ...". Nghe đến đây, anh cả run rẩy: "Sao mẹ lại bán nhà? Đó là phần hồn của mẹ mà?". Mẹ đáp: "Vì chúng ta là một gia đình...". Giờ tôi cũng đã lấy chồng, sinh con. Vợ chồng tôi suốt ngày đầu tắt mặt tối kiếm tiền nuôi con. Một hôm, con gái tôi lại hỏi: "Sao bố mẹ phải khổ vì con vậy?". Giống như mẹ tôi trước kia, tôi trả lời: "Vì chúng ta là một gia đình". Anh cả bây giờ cũng không còn phàn nàn về nước da "di truyền của mẹ" nữa. Ai chê anh "Hai lúa" quá, anh còn đắc chí bảo: "Gen di truyền đó mà". Đúng rồi, vì chúng ta là một gia đình, lúc nào cũng có nhau và sống vì nhau, phải không mẹ? Linh Chi Hình ảnh ngoại trong con không chỉ là bà ngoại mà còn cả tấm lòng của một người mẹ. Đến bây giờ mọi người vẫn nhắc bảo con rằng: “Lúc nhỏ, nếu mày không có ngoại cũng chết rồi “. Mẹ con lấy chồng khi mới 17 tuổi vì vậy mà khả năng chăm sóc con cái còn yếu, mặc dầu tình thương của mẹ là bao la. Hơn nữa, hoàn cảnh gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Sau khi sinh con một năm, mẹ lại sinh thêm bé Mun. Cái nghèo, cái khó trong thời bao cấp vẫn là nỗi lo cho mỗi gia đình, chỉ cần ăn đủ là khó rồi, nói chi đến bệnh tật. Từ khi sinh ra đến lúc 6 tuổi, con bệnh tật liên miên. Mẹ con phải gửi cháu cho ngoại bồng bế, trông nom. Dẫu ký ức của con về ngoại trong giai đoạn này không hiện hữu, nhưng khi nghe mọi người kể lại, con thấy mình thật hạnh phúc. Bởi ngoại thương con nhất mà. Rồi khi con bắt đầu đi học, thời gian bên ngoại không nhiều, chỉ có những kì nghỉ hè về học Anh văn, học lớp năng khiếu múa. Được sống chung cùng ông bà ngoại, lúc ấy ông ngoại còn sống, cuộc sống mới bình yên biết bao. Hằng ngày sau những giờ đi học, con ở nhà phụ ngoại đập hột mít, món này dùng để ghế cơm. Hè nào cũng vậy, nhà ngoại phải có trên mười ang hột mít. Thích thì mình giữ lại cho con cháu, hoặc bán cho người dân để kiếm thêm tiền. Những bữa cơm quây quần, ấm cúng ngoại nhỉ, làm sao con quên. Làm sao con quên được bếp tro ngày xưa. Con nhúm lửa, ngoại nấu cơm. Lửa tắt con lại loay hoay thổi lửa. Suốt ngày bà cháu quấn quýt bên nhau mới vui làm sao. Thời gian mãi trôi, rồi con cũng lớn. Đi học xa, nhưng những kỉ niệm về ngoại, hơi ấm nhẹ nhàng mỗi lần con húc đầu vào ngoại vẫn không rời xa trong tâm trí. Ngoại còn nhớ không? Hồi đó trước khi vào Sài Gòn nhập học, con có xin ngoại một chiếc áo ấm len, con nghĩ sẽ mang theo trong những tháng ngày sinh viên, những tháng ngày xa ngoại, được mặc nó, được ôm nó, con lại thấy ấm cúng và nhớ ngoại da diết. Con thèm được ở bên ngoại như vậy đó, ngoại ơi. Bây giờ, con lại về với ngoại rồi, nhưng chỉ có hai tháng. Vì con về quê thực tập, rồi lại vác balô vào Sài Gòn. Ngoại thì tuổi cao, sức yếu, bệnh tật, không biết sẽ ra đi lúc nào. Nhưng con sẽ kiếm tìm những hoài niệm ở quê mình, những thời gian vàng bạc được bên ngoại, mà suốt cuộc đời này không bao giờ con quên. Ngoại ạ! Con yêu ngoại nhiều lắm. Thiên Hậu Vậy là gần đến ngày giỗ của bà rồi. Mỗi lần gần đến ngày này con lại thấy nhớ bà vô cùng. . Bà luôn là người con yêu thương, vì bà lúc nào cũng thương yêu con hết. Ngày còn nhỏ, con luôn được bà dành tình cảm nhiều nhất. Nghe mẹ kể, bà là người trông nom, ẵm bồng con từ lúc con nhỏ xíu. Con nhớ mỗi lần xuống ngoại, bà đều nắm tay dắt con vào nhà và lấy những đồ ăn mà bà đã để dành trong một cái lu đất. Khi thì chén bún mà bà ăn nhín lại, lúc thì cái bánh tráng, ly nước đậu. Hồi còn nhỏ con rất thích ngủ chung với bà. Con thích được ôm bà và được bà ôm vào lòng, thích cái cảm giác ấm ấm của chậu than hay để dưới giường của bà mỗi khi mùa lạnh đến. Vậy mà lúc ngủ say con lại hay đạp đá lung tung làm bà ngủ không được, để khi sáng dậy lại bị bà mắng yêu. Con còn thích lúc nhìn bà ngồi giã trầu rồi nhai móm mém, miệng bà đỏ thắm. Tự nhiên lúc đó con thấy bà đẹp thiệt. Con nghĩ chắc còn trẻ bà đẹp lắm. Con cũng nghịch hay lấy đồ ăn trầu của bà bắt chước ngoáy trầu làm bà mắng hòai. Con nghe kể là hồi nhỏ con hay lấy bã trầu của bà bỏ vào miệng nhai. Đến bây giờ mọi người vẫn trêu con là ăn bã trầu của bà mà lớn lên đấy. Mỗi lần con bị mẹ đánh lại trốn xuống chỗ bà khóc thút thít. Vì con muốn được bà an ủi mà. Lúc nào bà cũng hỏi lý do tại sao con bị đánh, rồi trách mẹ chuyện có xíu xiu mà lại đi đánh con. Vậy là con hết khóc, hai bà cháu lại ngồi trên võng đong đưa. Rồi bà ngày càng yếu dần, bà không còn đi được nữa, trí nhớ cũng giảm đi rất nhiều, có khi bà chẳng nhớ ai hết. Còn con, mỗi lần có chuyện buồn lại trốn xuống chỗ bà, con lại khóc thút thít nhưng không còn được bà an ủi nữa. Bà không còn nhớ con là ai nữa. Bà hỏi con là con ai, con nói là cháu bà thì bà lại ừ, ừ nhưng con biết là bà không nhớ con. Nhưng không sao bà à, con với bà lại nói những chuyện không đầu không đuôi một hồi rồi con lại quên khóc mất. Ngày bà mất, con buồn vô hạn. Con sẽ không còn nhìn thấy bà, nhưng trong lòng con bà vẫn sống mãi, bà ơi!. HV Bình Định Thời xưa con người sống thọ đến hai , ba trăm tuổi nên có nhiều thế hệ sống trong một nhà. Có một gia đình nghèo nọ gồm ông , bố và con sống cùng nhau. Người ông sống đã một trăm hai mươi nhăm tuổi và đã già đến nỗi không tự ăn được. Tuy già yếu như vậy nhưng ông vẫn thường kể cho con và cháu nghe những chiến công ngày trước khi còn là người lính , những gì đã kịp làm khi ông còn là chiến binh. Người cháu nghe ông rất say sưa đầy thán phục. Người cha thì lại không bằng lòng khi phải nuôi người ông và lúc nào cũng chỉ muốn tống khứ người ông đi cho rảnh. Một lần người cha nói với con : Một ngày tao chỉ làm ra có một pê-sô mà đã mất một nửa số tiền đó để nuôi ông mày một cách vô tích sự . Thôi , ngày mai trói ông lại đem vứt vào rừng sâu cho chết đi. Được thôi , bố ạ ! Người con đáp. Đến sáng họ trói ông cụ lại , mang vào rừng thẳm , quẳn ông cụ ở đó rồi đi về nhà. Đi một quãng , bỗng nhiên người con nói với cha mình : Đợi con đã , con quay lại lấy sợi thừng ! Mầy cần nó làm gì? Ông bố ngạc nhiên hỏi . À , để khi bố già thì con có dây thừng để trói bố lại . Người con trả lời. Sưu tầm Tại một nghĩa trang ở New Orleans có một bia đá kỷ niệm mang nhiều ý nghĩa. Bia đã diễn tả một con thuyền giữa cơn bão biển một người mẹ và người con gái đang cùng nhau bám vào mạn thuyền. Ở bên dưới có ghi hàng chữ: Họ chết đuối ngày 4 tháng7 năm 1900. Họ có nhiều gia tài, và người ta nêu lên câu hỏi là nên để tên ai trên tờ di chúc. Tên người mẹ hay tên con gái? Toà tuyên bố là tên người con được dùng trong tờ di chúc, lý do là cô là người chết sau cùng vì mẹ cô bao giờ cũng giữ cô ở chỗ an toàn cho đến lúc cuối cùng. Một sự ghi ơn kỳ diện đề cao tình yêu người mẹ." Sưu tầm Người ta kể truyện một người lính trẻ đêm trước ngày ra trận có viết một bức thư về gia đình. Trong thư anh viết có những lời lẽ như sau: “Ba má thân mến, sáng mai con phải xông pha nơi tiền tuyến, có lẽ con sẽ nhớ nhà và nhớ ba má nhiều. Con đã thề hứa cùng Chúa nếu Chúa cho con sống qua trận chiến nguy hiểm này con nguyện sẽ sống cuộc đời tốt lành hơn.” Trận chiến qua đi trong an toàn, chàng thanh niên vội vã viết thư cho anh bạn ở đơn vị khác: “Tèo thân mến, mày có còn sống sót không? Phần tao vừa trải qua một trận chiến thật kinh hãi không thể tưởng, thần chết đã kề sát bên tao trong gang tấc. Nếu mày còn được may phúc sống sót, hai đứa mình sẽ gặp nhau tại Paris, chúng mình sẽ nhuộm đỏ kinh thành này bằng men rượu nồng và chơi bời cho đã đời trai.” Trước khi giáp trận: “Lạy Chúa, xin giúp con sống qua ngày mai”. Trận chiến kết thúc: “Lạy Chúa, trận chiến đã qua, con cóc cần Chúa nữa” "Biết thế nào được ? Cô giáo: Lại ba em giúp em làm bài tập này phải không? Trò: Thưa cô biết thế nào được ạ. Mẹ em lúc nào cũng bận túi bụi cả. Sưu tầm Thi sĩ nổi tiếng người Áo là Rê-nơ Maria Rây-ông qua đời năm 1926, đã sống nhiều năm tại Ba lê, nước Pháp. Mỗi buổi chiều, ông có thói quen tản bộ qua các đường phố gần nơi cư trú. Ngày nào ông cũng thấy một người đàn bà ăn xin bên vệ đường. Người đàn bà ngồi đó đón nhận những đồng xu nhỏ mà khách qua đường bố thí, nhưng không để lộ một cử chỉ biết ơn nào. Ngày kia, thi sĩ cùng với một người bạn gái đi qua con đường ấy. Người bạn gái ngạc nhiên vô cùng bởi vì mặc cho người hành khất chìa tay van xin, ông không hề bố thí cho bà một đồng xu nhỏ nào. Đoán được sự thắc mắc của cô bạn, thi sĩ đã giải thích: “Nếu chúng ta có trao tặng bà ta thì hãy trao tặng vào quả tim hơn là vào lòng bàn tay của bà”. Vài ngày sau, thi sĩ cũng đi dạo qua ngả phố ấy cùng với người bạn. Đến một cửa hàng bán hoa, ông dừng lại mua một bông hoa hồng. Người bạn gái nghĩ rằng đó là bông hoa mà thi sĩ sẽ dành cho cô. Thế nhưng thay vì trao cánh hoa cho cô bạn, thi sĩ đã đến với người đàn bà hành khất một cách trịnh trọng rồi đặt nhẹ bông hoa hồng vào tay bà. Đôi mắt gần như bất động của người hành khất bỗng sáng lên. Bà đứng thẳng dậy chộp lấy bàn tay của thi sĩ và hôn lấy hôn để như muốn tỏ lòng biết ơn. Bà áp bông hoa vào ngực rồi vội vã rời bỏ chỗ ngồi quen thuộc ấy để đi đâu không ai biết. Một tuần lễ sau, người đàn bà hành khất trở lại chỗ cũ. Thi sĩ Rê-nơ- Rây-ông giải thích cho người bạn gái của ông như sau “Suốt một tuần lễ qua, người đàn bà này sống bằng chính bông hoa ấy. Bà cần một chút tình thương hơn là vô số những đồng xu bố thí ”. Sự trao ban chỉ có giá trị khi nó được làm trong ý thức về tính liên đới với tha nhân. Thật thế, tất cả chúng ta đều mắc nợ nhau. Không ai có thể sống mà không sống với người khác. Không ai có thể sống hạnh phúc một mình. Karl Max đã nói chí lý: “Chỉ súc vật mới có thể quay lưng lại với nỗi khổ đau của đồng loại và chăm lo riêng cho bộ lông của mình”. Lời của thánh Phaolô còn đòi hỏi hơn nhiều “Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì ngoài tình thương mến” (I Cor.13,13) Trao ban không là một việc tuỳ tiện. Đó chính là đòi hỏi của ơn gọi làm người. Và dĩ nhiên trao ban không có nghĩa là vất đi của cải thừa thãi hoặc những thứ cũ kỹ mình không còn sử dụng nữa. Trao ban là trao tặng chính mình . Tình thương mến không phải là cái phần thừa mứa của chúng ta, mà phải là phần cao quý nhất. Của cải vật chất mà chúng ta trao tặng cho tha nhân phải là biểu trưng của chính sự tôn trọng, sự quí mến mà chúng ta có đối với họ." Sưu tầm Hai thiên thần được sai xuống trần gian để làm một chuyến công tác chuyên biệt. Mỗi thiên thần đeo một chiếc giỏ lớn. Cả hai đi rảo qua khắp các nơi, tiếp cận hết mọi người, mọi nhà – không phân biệt nghèo giàu, nam nữ, trẻ già… Hai thiên thần đặc biệt chú ý đến những người đang cầu nguyện, trong các nhà thờ cũng như tại những nơi chốn riêng tư. Cuối cùng, cả hai bay trở về trời với những gì mà mình đã thu gom được. Chiếc giỏ của một thiên thần thì đầy cứng và nặng trĩu. Còn chiếc giỏ của thiên thần kia vẫn nhẹ tênh! “Cậu mang gì mà nặng thế?” “Mình được sai xuống thu lượm tất cả những lời cầu nguyện của tất cả những ai nói ‘CON CẦN …’ và ‘XIN CHÚA CHO CON …’ Còn cậu, cậu thu gom thứ gì mà trông eo sèo thế?” “À, mình được sai xuống để thu hoạch những lời ‘CÁM ƠN CHÚA’ của người ta , nhất là của những người mà Thiên Chúa đã tặng ban ơn huệ cách đặc biệt. Nhưng cậu thấy đó, lơi cám ơn của con người hiếm hoi như lá mùa thu !” Sưu tầm |