Truyện Minh Hoạ - Biết Ơn

BÁT CANH HẸ

Xưa có một người bị ngờ là kẻ trộm, phải giam ở trong ngục, không ai được vào thăm hỏi. Một hôm, bà mẹ làm cơm nhờ người canh ngục mang vào. Người kia trông thấy mâm cơm, khóc nức nở, không sao ăn được. Người canh ngục hỏi tại làm sao. Người kia nói:

   - Tôi ở nhà hay ăn canh hẹ; mẹ tôi thường rửa từng cái nõn hẹ, ngắt thật đều, nấu cho tôi ăn. Nay trong mâm cơm có bát canh hẹ, chắc là mẹ tôi đã từ xa lặn lội đến đây, không được giáp mặt tôi, tôi lại không được ra ngoài để hầu hạ mẹ tôi, xót xa biết là dường nào.

   Người canh ngục thương tình, vào bẩm chuyện với quan. Quan nghĩ: “Người có hiếu như thế, tất là người tốt”, bèn đem án xét lại thì quả là bị kẻ thù vu cáo. Lập tức, quan làm tờ thân oan ngay cho. Người kia được tha về."

Sưu tầm


Có những điều...em ghét!

Cô em gái nhỏ của chị! Lớn hơn em bảy tuổi, sống cùng nhau dưới một mái nhà trong sự bảo bọc của ba mẹ, chị biết rằng có rất nhiều thứ làm em “Ghét cay ghét đắng”, có những thứ em ghét có lý do và có những điều em nói là “Tự dưng cảm thấy ghét, thế thôi!”…

Em nói “Em ghét đi đâu vào lúc trời mưa”. Nhưng em có hình dung được trong cơn mưa bất chợt trên phố, giữa dòng người nhốn nháo tìm chỗ trú mưa thì vẫn có bóng một người phụ nữ băng băng trên con đường quen thuộc về nhà. Mặc cho những hạt mưa theo gió như quất vào gương mặt cằn cỗi, nước mưa thấm đẫm trên vai áo, người phụ nữ chỉ kịp vội vàng dừng lại ven đường mua ít rau. Về đến nhà, chưa thay bộ quần áo khô, người phụ nữ ấy liền phải vào bếp nấu nướng trong khi đôi tai lắng nghe theo tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ đang nhích dần những kim giây trên góc bếp. Và mỗi ngày, đúng 11 giờ trưa là em lại rời khỏi chiếc máy tính rồi chạy xuống phòng ăn quen thuộc nơi mâm cơm đã sẵn sàng. Ngày qua ngày như vậy, đó như là một thói quen của em và cho dù có bận bịu thế nào thì chưa bao giờ mẹ về nhà trễ giờ chuẩn bị cơm cho em đi học buổi chiều.

Em nói “Em ghét ngồi trên chiếc xe 50 cũ rích mỗi khi mẹ chở em đến trường”. Nhưng em có biết chiếc xe ấy là tài sản lớn nhất lúc ba mẹ cưới nhau. Chiếc xe đã là bạn đồng hành tin cậy nhất của mẹ những buổi chợ sớm tần tảo bán buôn kiếm thêm thu nhập lúc chị còn nằm trong bụng mẹ và lúc em chưa ra đời. Chiếc xe gắn bó với mẹ một khoảng thời gian còn dài hơn cả quãng đời từ lúc chị em mình được sống bên mẹ. Tuy màu sơn đã phai, tiếng nổ đinh tai nhức óc nhưng chưa bao giờ tự dưng dừng lại giữa đường để chị em mình phải đi bộ về nhà. Thế nên, em đừng hỏi tại sao mẹ vẫn không chịu học thi bằng lái để đi những chiếc xe tay ga đời mới chở em đi học cho giống với chúng bạn như mong ước của em.

Em nói “Em ghét nhất là sự chờ đợi”. Nhưng em có nhớ những ngày cuối đông giá rét, chị thường đi học ngoại ngữ về sớm nên chờ để đón em ở trước ngõ nhà cô giáo dạy thêm. Trời lạnh khiến chị phải xuýt xoa cho hai bàn tay vào túi áo bông. Xung quanh chị toàn là phụ huynh cũng đang chờ con đi học về, có người vừa đi làm về nên trong bụng còn chưa có hạt cơm nào, có người vội đến rồi thở phào nhìn thấy lớp học chưa tan vì sợ con đứng đợi ngoài đường bị cảm lạnh trong khi trên người họ vẫn chưa kịp mặc thêm chiếc áo ấm, có những bà mẹ kĩ càng chuẩn bị cả khăn quàng cổ và găng tay để chốc nữa mang vào cho con. Sương đêm quánh đặc khiến chị khó thở nhưng xung quanh chị dường như ấm dần bởi tiếng trò chuyện râm ran của các bác xen lẫn niềm tự hào vì thành tích học tập của con cái. Thời gian đứng chờ dưới tiết trời khắc nghiệt như ngắn lại phần nào khi sự chờ đợi mang niềm tin và mục đích lớn lao cho tương lai tươi sáng của một thế hệ mai sau.

Em nói “Em ghét ai đụng vào đồ đạc riêng tư của em”. Nhưng em có bao giờ để ý rằng chiếc khăn mặt thơm phức mùi nước xả treo trong phòng tắm là do mẹ đã mang vào. Và sao em vẫn thản nhiên khi chiếc bàn học hôm qua còn đầy vỏ kẹo hay snack hôm nay đã sạch sẽ, tập vở ngăn nắp. Những bộ quần áo xếp gọn gàng trong tủ cũng do một tay của mẹ. Và cả bộ đồng phục phẳng phiu mà em mặc đến trường mỗi ngày cũng nhờ mẹ tranh thủ thức đêm để ủi cho em. Đến những chiếc tất chân em mang có khi không đủ đôi thì em cũng nhốn nháo hỏi từng người rồi nhờ mẹ tìm giúp…

Em nói “Em ghét ăn cá chiên”. Và cả nhà đều biết thế nhưng em có hiểu rằng để bữa ăn hôm ấy có hai món cá kho và cá chiên thì mẹ đã phải nấu làm hai lần. Cho dù hôm ấy cả bữa cơm của chúng ta chỉ có hai con cá thì mẹ cũng chiên một con cho ba và kho một con cho em. Mẹ sợ em ăn cơm không ngon miệng và sợ cả cái tính hay dỗi hờn, không thích là bỏ cơm của em sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe dành cho học tập.

Em nói “Em ghét đi siêu thị với ba khi ba đang mặc trên người bộ quần áo công nhân bạc phếch, mang đôi dép cao cu không quai hậu và đội chiếc mũ công nhân màu vàng cũ kĩ đến mức lúc gửi đồ siêu thị còn không nhận”. Nhưng sao em không nghĩ rằng chiếc mũ ấy đã che mưa nắng cho ba cả ngày trời nơi công trường bụi bặm, bộ quần áo nhàu nát đó đã giúp ba ấm áp những khi phải rời khỏi nhà từ buổi sớm đi làm để kịp tiến độ công trình trong khi chị em mình còn đang ngủ ngon lành bên những chú gấu bông và đôi dép cao su bao năm theo bước chân ba đã che chở cho đôi chân tránh biết bao mũi gai trên những con đường đầy sỏi đá. Lẽ ra, thời gian buổi chiều ba cần được ở nhà nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt nhọc thì ba lại tranh thủ chở con gái cưng đến siêu thị. Em sải bước vòng quanh để tìm món đồ ưng ý nhất trong khi bước chân ba ngày càng rã rời và cuối cùng thì ba cũng tìm được một góc ngồi chờ để em tha hồ chọn lựa mà không một lời hối thúc.

Em của chị còn bé nên những hành động hay lời nói chỉ đơn giản như suy nghĩ của em. Chị nghĩ rằng, khi đọc xong những dòng này có lẽ mặt em sẽ phụng phịu, nước mắt em sẽ rơi với bao suy nghĩ khiến em mệt đầu, nhưng chị tin đến lúc đó em sẽ hiểu được thế nào là “Tình yêu thương thực sự!”. Bởi vì ý nghĩa lớn lao của tình yêu còn nằm trong cả sự chấp nhận, sẻ chia và lo lắng không mong được đền đáp. Người ta có thể làm được những điều mình không thích một cách vui vẻ nếu việc làm đó mang lại lợi ích cho người mà họ yêu quý nhất. Và chắc chắn rằng “Có những sở thích riêng của bản thân đôi khi là ích kỷ” và “Có những niềm hạnh phúc bắt nguồn từ sự hy sinh”.

Bupbekiwi


Hộp bút chì cho mẹ

Chuông điện thoại văn phòng reo vang. Giọng một phụ nữ xa lạ tự giới thiệu mình là mẹ một cậu bé bảy tuổi và bảo rằng bà đang cận kề với cái chết. Vị bác sĩ chữa bệnh khuyên bà hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định nói sự thật đừng để đứa con của bà quá đau buồn. Bà ngỏ ý xin những lời khuyên. Tôi nói với bà là trái tim chúng ta thường "sáng suốt" hơn bộ óc và tôi nghĩ bà biết phải làm gì đó tốt đẹp nhất cho đứa con bà. Tôi mời bà tham dự buổi diễn thuyết của tôi về đề tài trẻ em đối phó như thế nào khi cảm nhân cái chết của người thân. Bà hứa sẽ đến dự.

Hôm tôi diễn thuyết, tôi trông thấy một phụ nữ tiều tụy xanh xao được hai người đàn ông dìu vào phòng. Tôi trình bày sự kiện trẻ em có thể giải quyết sự thật tốt hơn là từ chối nó, ngay cả sự khước từ nhằm tránh làm chúng tổn thương. Tôn trọng trẻ em nghĩa là không che giấu những buồn thảm trong gia đình mà phải kể hết cho chúng nghe. Vào giờ giải lao, bà loạng choạng bước về phía tôi, mắt đẫm lệ : "Điều đó xuất phát từ tận con tim! Tôi biết là mình phải kể cho con nghe sự thật !" Bà nói là sẽ làm điều ấy trong đêm đó.

Sáng hôm sau bà gọi điện đến. Tôi có thể biết rõ câu chuyện qua giọng nói nghẹn ngào. Đêm, khi cả hai mẹ con cùng ở nhà bên nhau, bà đã đánh thức thằng bé dậy trước khi nói khẽ vào tai nó : "Derek, mẹ có chuyện muốn nói với con!". Cậu nhanh nhảu cắt lời bà: "Ôi! Mẹ yêu, mẹ định nói là mẹ sắp từ giã cõi đòi phải không?". Bà ôm chặt cậu vào lòng, cả hai cùng nức nở,bà đáp : "Đúng vậy con ạ!". Vài phút sau, cậu bé đòi bước xuống đất. Cậu nói mình đã để dành sẵn cho bà một món quà. Đằng sau tủ ngăn kéo của cậu là hộp bút chì cũ. Bên trong chứa bức thư với dòng chữ nghệch ngoạc :"Tạm biệt mẹ thân yêu! Con luôn yêu mẹ".

Tôi không rõ đến bao lâu cậu bé mới hiểu được nỗi lòng người mẹ. Tôi chỉ biết hai ngày sau bà mẹ qua đời. Và hộp bút chì cùng bức thư đã nằm gọn trong hộp đựng nữ trang của bà.

Sưu tầm


Mẹ và cuộc hành trình của bạn

Khi bạn bước chân vào thế giới này, mẹ đã ôm bạn trong tay. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách khóc như một nữ thần báo tử.

Khi bạn 1 tuổi, mẹ đút từng miếng ăn và chăm sóc cho bạn. Bạn cám ơn mẹ bằng cách khóc suốt đêm dài.

Khi bạn 2 tuổi, mẹ tập cho bạn đi. Bạn cám ơn mẹ bằng cách bỏ chạy đi khi mẹ gọi.

Khi bạn 3 tuổi, mẹ làm cho bạn tất cả những bữa ăn với tình yêu. Bạn cám ơn mẹ bằng cách quăng đĩa cơm xuống sàn.

Khi bạn 4 tuổi, mẹ cho bạn một vài cây bút màu. Bạn cám ơn mẹ bằng cách tô chúng lên bàn ăn.

Khi bạn 5 tuổi, mẹ diện cho bạn vào những ngày lễ. Bạn cám ơn mẹ bằng cách ngã ùm vào đống bùn gần nhất.

Khi bạn 6 tuổi, mẹ dắt tay bạn đến trường. Bạn cám ơn mẹ bằng cách la lên:” Con không đi”

Khi bạn 7 tuổi, mẹ mua cho bạn quả bóng. Bạn cám ơn mẹ bằng cách ném nó qua cửa sổ nhà bên cạnh.

Khi bạn 8 tuổi, mẹ cho bạn một cây kem. Bạn cám ơn mẹ bằng cách để nó chảy cả vào lòng bàn tay.

Khi bạn 9 tuổi, mẹ cho bạn đi học piano. Bạn cám ơn mẹ bằng cách chẳng bao giờ ngó ngàng đến việc thực hành.

Khi bạn 10 tuổi, mẹ làm tài xế cho bạn suốt ngày, từ đi chơi bóng đến tập thể dục rồi hết tiệc sinh nhật này đến tiệc sinh nhật khác. bạn cám ơn mẹ bằng cách khi đến nơi nhảy ra khỏi xe và chẳng bao giờ quay lại.

Khi bạn 11 tuổi, mẹ dẫn bạn cùng bạn bè đi xi-nê. Bạn cám ơn mẹ bằng cách xin ngồi ở hàng ghế khác.

Khi bạn 12 tuổi, mẹ răn bạn rằng không được xem những chương trình ti vi nào đó. Bạn cám ơn mẹ bằng cách đợi cho mẹ rời khỏi nhà rồi bật lên xem.

Khi bạn 13 tuổi, mẹ đề nghị bạn cắt tóc. Bạn cám ơn mẹ bằng cách bảo mẹ rằng không biết thế nào là sành điệu.

 Khi bạn 14 tuổi, mẹ cho bạn đi trại hè xa nhà một tháng. Bạn cám ơn mẹ bằng cách quên chẳng viết lấy một lá thư.

Khi bạn 15 tuổi, mẹ đi làm về và chờ đợi sự chào đón của bạn. bạn cám ơn mẹ bằng cách khoá cửa phòng ngủ.

Khi bạn 16 tuổi, mẹ dạy bạn lái chiếc xe của mẹ. Bạn cám ơn mẹ bằng cách lấy nó chạy bất cứ lúc nào có thể.

Khi bạn 17 tuổi, mẹ đang đợi một cuộc gọi quan trọng. Bạn cám ơn mẹ bằng cách tán dóc trên điện thoại đến giữa đêm. Khi bạn 18 tuổi, mẹ đã khóc trong ngày tốt nghiệp của bạn. Bạn cám ơn mẹ bằng cách đi chơi với bạn bè đến chiều tối.

Khi bạn 19 tuổi, mẹ trả tiền học phí cho bạn, lái xe đưa bạn đến trường đại học, mang túi sách cho bạn. Bạn cám ơn mẹ bằng cách tạm biệt mẹ bên ngoài dãy phòng tập thể để khỏi lúng túng trước mặt bạn bè.

Khi bạn 20 tuổi, mẹ hỏi bạn gặp gỡ ai chưa. Bạn cám ơn mẹ bằng cách đáp:” Đó không phải là chuyện của mẹ”.

Khi bạn 21 tuổi, mẹ đề nghị bạn những nghề nghiệp nào đó cho tương lai. Bạn cám ơn mẹ bằng cách trả lời :” Con không muốn giống mẹ”.

Khi bạn 22 tuổi, mẹ ôm bạn tại ngày lễ tốt nghiệp. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách hỏi xem mẹ có thể tặng bạn một chuyến du lịch Châu Âu không?

Khi bạn 23 tuổi, mẹ sắm sửa tất cả đồ đạc cho căn hộ đầu tiên của bạn. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách nói rằng những người bạn của mẹ thật xấu xí.

Khi bạn 24 tuổi, mẹ gặp vị hôn phu của bạn và hỏi về những kế hoạch tương lai của bạn. Bạn cám ơn mẹ bằng cách giận giữ và càu nhàu:” Con xin mẹ đấy”.

Khi bạn 25 tuổi, mẹ lo lễ cưới cho bạn, mẹ khóc và bảo mẹ yêu bạn biết bao. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách dọn đến sống ở một nơi xa tít.

Khi bạn 30 tuổi, mẹ gọi bạn và khuyên bảo về việc chăm sóc trẻ con. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách bảo rằng:” Mọi việc giờ đã khác xưa rồi”.

Khi bạn 40 tuổi, mẹ gọi điện để nhắc bạn nhớ một sinh nhật của người thân. Bạn cảm ơn mẹ bằng câu trả lời:” Con thật sự bận mẹ ạ”.

Khi bạn 50 tuổi, mẹ ngã bệnh và cần bạn chăm sóc. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách tìm đọc sách về đề tài :” Cha mẹ trở thành gánh nặng cho con cái như thế nào?”.

Và rồi, một ngày kia, mẹ lặng lẽ ra đi. Tất cả những điều bạn chưa bao giờ làm sụp đổ tan tành.” Hãy ru con ngủ, ru con qua suốt đêm dài. Bàn tay đưa nôi… có thể cai trị cả thế giới.”

Ta hãy dành một giây phút nào đó để báo hiếu và tỏ lòng kính trọng đối với người ta gọi là Mẹ, dù rằng một số người có thể sẽ không nói điều đó thẳng thắn với mẹ mình. Chẳng có điều gì có thể thay thế mẹ được. Hay trân trọng từng giây phút, dầu rằng đôi khi mẹ không phải là người hiểu ta nhất trong những người bạn của ta, có thể không đồng ý với những suy nghĩ của chúng ta, nhưng người ấy vẫn là mẹ bạn!!!

Mẹ sẽ luôn ở bên bạn, lắng nghe những phiền muộn, niềm vui cũng như nỗi thất vọng của bạn. Hãy tự hỏi chính mình:” Mình có dành đủ thời gian cho mẹ để lắng nghe những phiền muộn và buồn chán của người nội trợ suốt ngày ở trong bếp không???”.
Yêu thương và kính trọng mẹ, dù rằng bạn có thể có cách nhìn khác với mẹ. Khi mẹ ra đi, những kỉ niệm yêu mến của qua khứ và cả nuối tiếc sẽ ở lại.

Đừng xem những điều gần gũi nhất với trái tim bạn là hiển nhiên. Yêu mẹ hơn bản thân mình, vì cuộc đời bạn sẽ vô nghĩa nếu không có Người.

Sưu tầm


Khi bố còn khỏe

Khi còn khỏe, sáng nào bố cũng dậy từ rất sớm để quét sân. Tiếng chổi tre trong buổi sớm tinh mơ lướt trên mặt sân ràn rạt, ràn rạt. Nằm trong buồng, con gái trùm chăn kín đầu, càu nhàu: "Trưa không quét, tối không quét, sao bố lại chọn đúng lúc con còn đang ngủ để quét". Bố cười hiền hậu bảo: "Sân cũng như con người, cần được rửa mặt vào buổi sáng. Ngắm cái sân sạch giống như là sự khởi đầu cho cả một ngày tinh tươm con ạ!".

Khi còn khỏe, đến bữa, bố lại "cắp nách" chai rượu thuốc, làm vài chén... đưa cơm. Bố rất thích ăn món chân gà nhắm rượu, nhưng cả nhà thi thoảng mới được ăn gà. Vì vậy bố thay bằng món "đũa tre chấm muối tiêu". Bố bảo, cái đũa cứng từa tựa như... chân gà. Con gái lại càu nhàu, bảo bố chỉ... "khéo vẽ” để tìm cớ uống rượu. Bố cười: "Cứ để cho bố ăn, bố uống. Bố còn ăn còn uống được là còn mừng. Mai kia...".

Khi còn khỏe, bố mong muốn được ra đảo Phú Quốc một lần. Con gái hứa, mai này đi làm, có lương, con sẽ mời bố đi Phú Quốc. Nhưng khi có lương rồi, con lại chần chừ, bố cố chờ, đợi con mua được chiếc xe máy. Rồi bây giờ lại đợi con mua nhà xong đã nhé...

Khi còn khỏe, bố rất hay... giám sát sinh hoạt của con. Cứ độ 10g tối mà chưa thấy con gái về, bao giờ bố cũng bắc ghế ra sân ngồi ngóng. Một lần, con buồn chuyện tình cảm, nằm trong buồng, khóc, bố gõ cửa hỏi: "Có chuyện gì vậy con?". Con gái được thể ầm ĩ: "Có mỗi nhu cầu được ở một mình, buồn một mình, sao bố cứ can thiệp vậy...". Biệt danh "cảnh sát trưởng" được con đặt cho bố từ ngày đó.

Khi còn khỏe, bố làm đủ mọi vai trong gia đình, từ đầu bếp, bảo vệ, thợ giặt... Khi con đi làm thì bố dắt xe ra tận cổng, con chỉ việc ngồi lên phóng ra ngoài đường.

Rồi một ngày, bố đổ bệnh. Góc sân im lìm tiếng chổi tre. Từng lớp lá cứ rơi đầy trên sân. Con thèm được tiếng chổi của bố đánh thức quá.

Con gái mua về cả nửa ký chân gà, đến bữa, mang luôn chai rượu vào tận giường cho bố, giục bố dậy ăn đi. Nhưng, bố đâu thể ăn được. Bố bảo đắng miệng lắm. Bỗng thấy thấm thía câu nói của bố thuở nào: "Bố ăn được là còn mừng. Mai kia...".

Con đi làm về, chẳng còn bóng bố ngồi khắc khoải nơi sân nhà. Con treo chiếc đồng hồ thật to nơi đầu giường "cảnh sát trưởng". Nhưng, bố còn hỏi con gái: "Bây giờ là sáng hay tối rồi...".

Con vội hỏi tour đi du lịch Phú Quốc. Nhưng bố không thể đi được. Bố bảo bố biết tấm lòng con là đủ rồi.

Bố ơi, bố mau khỏe để làm ông gác cổng khó tính, làm người quản vườn tận tụy, người đầu bếp khéo tay và hơn tất cả là làm người bố tuyệt vời của con gái. Hạnh phúc ấy, lâu nay con không nhận ra.

Trung Thu


Giáng sinh ấm

Andy ngồi trên tuyết, cậu bé thấy lạnh hơn từng giây một. Andy không đi ủng - thứ mà người ta vẫn thường đi trên tuyết vào mùa đông. Cậu bé không thích ủng và dù sao cậu bé vẫn không có ủng cơ mà. Đôi giày vải, mỏng dính, mòn vẹt mà Andy đang mang đã có vài lỗ thủng và chúng không thể làm được việc là giữ ấm cho đôi chân cậu bé.

Andy đã ngồi trên tuyết thật là lâu rồi. Và dù cố đến mấy, cậu bé vẫn không thể nghĩ ra được món quà Giáng sinh cho Mẹ. Cậu bé buồn bã lắc đầu " Vô ích thôi, dù rằng mình có nghĩ ra món quà gì, mình cũng không có tiền mà ."

Từ khi bố Andy mất 3 năm về trước, gia đình cậu bé suy sụp nặng nề. Ban đêm Mẹ cậu làm việc ở bệnh viện, nhưng với đồng lương ít ỏi chỉ đủ mấy mẹ con sống tạm qua ngày. Chúng còn nhỏ lắm, chẳng biết có nghĩ ra món quà gì để tặng Mẹ hay không. Thật không công bằng, bây giờ đã là chiều tối đêm Giáng sinh mà cậu bé vẫn ngồi đây, chẳng thể nghĩ được điều gì cả.

Chú chùi những giọt nước mắt, Andy đứng dậy đi xuống phố - nơi có rất nhiều cửa hàng. Cuộc sống thật khó khăn khi mà cậu bé mới 6 tuổi và không có bố, đặc biệt là khi mà người ta cần một người đàn ông để tâm sự. Andy đi từng cửa hàng này sang cửa hàng khác, nhìn vào từng cửa sổ rực rỡ một. Mọi thứ đều đẹp và ngoài khả năng của cậu. Trời đã bắt đầu tối, Andy buồn bã định quay về nhà thì bỗng nhiên cậu bé nhìn thấy một vật gì đó ánh lên trong tuyết. Andy cúi xuống: 1 đồng xu nhỏ bóng loáng dưới đất. Hẳn chưa ai có cảm giác được giàu có như là Andy cảm thấy vào lúc ấy.

Khi Andy nắm chặt "kho tàng mới nhặt được " của mình, cậu bé cảm thấy như có hơi ấm chạy qua cơ thể, và cậu mạnh dạn bước vào cửa hàng đầu tiên, niềm hân hoan của Andy ngay lập tức bị đóng băng lại khi từng nhân viên bán hàng bảo với cậu rằng chẳng thể làm gì với đồng xu nhỏ xíu đó. Cậu bé đi ra, nhìn thấy một của hàng hoa, Andy liều đứng lại xếp hàng

Khi người chủ cửa hàng hỏi Andy cần gì, cậu bé đưa một đồng u và e dè hỏi liệu mình có thể mua được 1 bông hoa tặng Mẹ trong đêm Giáng sinh với đồng xu nhỏ xíu này không, người chủ cửa hàng nhìn Andy, đặt tay lên vai cậu bé và nói :" Đợi một chút, con trai, để ta xem có thể làm gì cho con."

Khi đứng chờ, Andy ngắm những bông hoa tuyệt đẹp và cậu đã hiểu vì sao Mẹ cậu cũng như bao người phụ nữ khác lại thích hoa đến thế.

Tiếng đóng cửa sớm khi người khách cuối cùng rời khỏi cửa hàng đã đưa cậu quay về với hiện thực. Còn lại một mình trong cửa hàng, Andy bắt đầu cảm thấy cô đơn và hoảng sợ. Bỗng người chủ cửa hàng lại đi ra.

Trước mắt cậu bé là 12 bông hồng đỏ thắm, cuống dài, lá xanh cùng với những bông hoa gì đó trắng, nhỏ li ti, được bọc thành một bó có dây nơ màu bạc. Tim Andy ngừng một nhịp khi ông chủ cửa hàng đặt bó hoa vào một chiếc hộp trắng và bảo: "Tất cả là một đồng xu, con trai."

Andy chậm chạp đặt đồng xu vào tay ông chủ cửa hàng. Không thể là thật được! Không ai bán cho cậu cái gì với một đồng xu đâu ! Nhận thấy sự băn khoăn trên mặt cậu bé, ông chủ cửa hàng giải thích: " May mắn là ta có mấy bông hoa bán với giá một đồng xu một bó. Con trai có thích không ? "

Lần này thì Andy không ngần ngại nữa. Ra khỏi cửa hàng, Andy nghe thấy tiếng ông chủ nói với theo :" Giáng sinh vui vẻ, con trai ."

Khi ông chủ cửa hàng quay vào trong nhà, vợ ông hỏi :"ông vừa nói chuyện và đem hoa cho ai thế ?" Nhìn qua cửa sổ và chớp chớp mắt để ngăn không cho nước mắt trào ra, ông chủ cửa hàng khẽ nói :" Một điều thật lạ lùng đã xảy ra. Sáng nay, khi tôi chuẩn bị mở cửa hàng, tôi có cảm giác như ai đang mách bảo mình để sang bên cạnh 12 bông hoa hồng thật đẹp vì đó sẽ là món quà đặc biệt. Tôi đã nghĩ là mình đã tưởng tượng ra, thế nhưng tôi vẫn cứ để 12 bông hồng ra một chỗ. Và ngay lúc nãy, một cậu bé vào cửa hàng và muốn mua hoa để chúc Giáng sinh cho Mẹ chỉ với 1 đồng xu. Nhìn vào cậu bé, tôi thấy tôi của nhiều năm về trước. Tôi đã là một đứa trẻ nghèo khổ không biết mua gì cho Mẹ vào đêm Giáng sinh.

Một người qua đường đã cho tôi 10 dolla không vì lý do gì. Khi tôi nhìn thấy cậu bé tối hôm nay, tôi biết người đã mách bảo tôi là ai....

Tối Giáng sinh ấy, cả gia đình người chủ cửa hàng hoa và cả gia đình Andy nữa, không ai cảm thấy lạnh chút nào....

Sưu tầm


Mẹ tôi

Năm con lên sáu, bố bỏ ra đi. Ngày anh hai con bị bệnh nặng nằm trong bệnh viện là ngày đám cưới của bố. Nghe đâu đám cưới to lắm. Con chỉ tưởng tượng thôi đã nghe lòng quặn thắt. Từ đó, mẹ vừa là mẹ vừa là bố.

Mẹ chăm lo cho chúng con từng miếng ăn giấc ngủ. Ngày nắng hay mưa mẹ cũng chở những bao hàng to gấp hai, ba lần con đem bỏ mối ở các chợ. Từ ngày con vào cấp 2, dù mưa hay nắng, khỏe mạnh hay ốm bệnh gì mẹ cũng đều dậy lúc 5 giờ sáng để kịp chở con đến trường. Nhờ vậy, suốt những năm tháng học trò, con chưa bao giờ trễ học. Dáng mẹ ngày càng hao mòn theo năm tháng. Đêm nào cũng vậy, trong giấc mơ chập chờn, con vẫn nghe tiếng máy may đều đều ngoài nhà trước. Mẹ đang cố may thêm vài cái áo cho kịp đơn hàng của khách. Ngày mai là đến ngày đóng học phí cho con. Con biết rằng mẹ đang rất lo lắng...

Con không có bố hơn 10 năm nhưng chưa bao giờ mẹ để chúng con thiếu thốn thứ gì, cả vật chất lẫn tình thương. Mẹ rất sợ những lời của thiên hạ “con không cha nên”. Mẹ dạy chúng con rất nhiều điều hay lẽ phải ở đời. Dù không có được cái hạnh phúc như bao người phụ nữ, mẹ vẫn khuyên con trân trọng hạnh phúc và người đàn ông nào yêu thương mình thật lòng. Có rất nhiều người đàn ông đã có ý định bước tới với mẹ nhưng mẹ đều từ chối. Con hiểu rằng không phải mẹ khó tính. Mẹ sợ chúng con phải sống với cha ghẻ. Mẹ sợ những người đàn ông kia không thương con như mẹ. Mẹ đã sai lầm một lần nên nhất quyết không thể có sai lầm lần hai. Chuyện này con chỉ biết khi tình cờ nghe cuộc nói chuyện của mẹ với dì của con. Mẹ đã hy sinh cho chúng con cả cuộc đời mẹ.

 Ngày con vào đại học, mẹ đã khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc. Giờ đây con đã có chồng và sắp có con. Mẹ vẫn lặng lẽ bên cuộc đời con, cầu chúc cho con những điều tốt lành nhất. Mẹ lo lắng từng cái áo, cái quần, tã lót cho cháu ngoại sắp chào đời. Mẹ vui mừng khi con bảo em bé hôm nay đạp nhiều trong bụng con. Mẹ nói với con rằng ngày xưa mẹ không có mẹ, người mẹ yêu thương nhất là bà ngoại nên bây giờ mẹ cũng yêu cháu ngoại như bà cố của con ngày xưa. Người ta thường bảo ơn mẹ là trời bể, là đại dương bao la nhưng đối với con, tình mẹ còn rộng lớn hơn cả những thứ đó. Đời con thật hạnh phúc khi có mẹ. Vậy mà có những phút vô tình, con nông nổi làm những chuyện khiến mẹ buồn. Dù mẹ không nói nhưng con thấy được trong mắt mẹ một nỗi buồn vô biên.

Con thật lòng xin lỗi mẹ! Những chiều mùa thu lặng lẽ bước qua, những sáng mùa xuân rộn ràng sắp đến. Mỗi khi nghe tiếng hát ai văng vẳng "Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi, mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần...” là con lại rớt nước mắt. Con lo sợ. Sợ một ngày nào đó, khi thức dậy con phát hiện mẹ không còn bên cạnh con nữa. Lúc đó, con phải một mình lẻ loi giữa dòng xoáy cuộc đời, sẽ chẳng còn ai để con ngả vào lòng khóc nức nở như thời thơ bé nữa. Mẹ ơi, mẹ hãy hứa với con, đừng bao giờ rời xa con.

Con muốn mãi mãi là đứa con gái yêu bé bỏng của mẹ như thuở nào. Đứa con đang tượng hình trong bụng con rất cần có một bà ngoại như mẹ. Mẹ mãi là nguồn sáng soi rọi đường đời của chúng con. Khi viết ra những dòng chữ này, con muốn gửi đến mẹ muôn vạn lời chúc tốt lành và một lời xin lỗi muộn màng. Nếu cuộc đời quả thật có luân hồi thì kiếp sau con vẫn mong được là con gái của mẹ!

Phạm Thị Hoàng Oanh


Ngọt bùi chè kho

Cũng như nhiều gia đình miền Bắc, chè kho là món không thể thiếu trên bàn thờ ngày Tết ở nhà chồng tôi. Năm đầu về làm dâu, mẹ chồng dạy tôi nấu món ấy. Dù đã được thưởng thức, nhưng đó là lần đầu tiên tôi biết chè kho được nấu như thế nào.

Từ trước Tết, mẹ chồng tôi đã chuẩn bị rất kỹ nguyên liệu chính là đỗ xanh. Phải là đỗ xanh lòng vàng, nhặt kỹ hết sạn, hạt sâu, hạt lép, hạt đỗ "nhọn đít" (những hạt này không thể chín, cứ rắn đanh dù nấu kỹ). Đường cát trắng, vừng xát vỏ, chút nước hoa bưởi hay vani cũng được chuẩn bị.

Đỗ xanh được ngâm nước ấm từ đêm 29 Tết, sáng 30 đem đãi sạch vỏ. Đỗ để ráo, rắc chút muối rồi đem thổi hoặc đồ lên cho chín. Chõ đậu chín vàng ươm, bở tơi, bốc hơi thơm ngậy được cho vào cối giã nhuyễn, nắm thành từng nắm. Đứa em thập thò được chị dâu dúi cho một nắm con con, chạy biến.

Mẹ lấy con dao thật sắc, lưỡi mỏng, nhanh tay thái từng nắm đỗ đã nguội. Bột đậu rơi xuống đều đặn tơi mịn.

Nồi chè kho luôn được mẹ chồng tôi nấu vào tối 30 Tết, khi bữa cơm tất niên đã dọn dẹp xong. Mẹ lấy lượng đường ngang bằng lượng đậu, cho vào chút nước rồi đặt lên nấu cho tan. Đun nhỏ lửa thôi, nước đường sôi liu riu đến khi đặc sánh lại gọi là đường "đến". Mẹ luôn đặt bát nước lã bên cạnh, thỉnh thoảng nhúng đầu đũa vào nước đường rồi nhanh tay nhỏ vào bát nước. Khi giọt đường không tan loãng ra mà vo tròn lại ở đáy bát, ấy là đường đã "đến" rồi.

Mẹ bắc nồi nước đường xuống, bóp tơi bột đậu rắc dần vào nồi nước đường, tay kia vẫn không ngừng quấy bằng chiếc đũa cả. Sau đó là công đoạn tốn sức và phải chú ý nhất. Đặt nồi bột lên bếp, đun nhỏ lửa, đều tay quấy liên tục. Bởi nếu ngơi tay quấy hoặc quấy không chú tâm là bột sẽ vón lại, đường bén nồi và khi ấy thì khó chữa lắm. Tay đũa nặng dần, bột đậu quánh lại, càng phải dùng sức nhiều hơn. Khi đường bám quanh thành nồi đã trắng ra là chè đã được. Mẹ cho chút vani hay nước hoa bưởi, hương thơm nhẹ mát tỏa ngát thật quyến rũ.

Rồi mẹ múc chè ra những chiếc đĩa nhỏ xinh xắn được chuẩn bị từ trước, nhẹ tay sửa cho đĩa chè mịn đều. Vừng xát vỏ rang vàng sau đó được rắc lên mặt đĩa chè. Mâm chè vàng thơm hoàn toàn được mẹ đậy lồng bàn rất cẩn thận.

Những năm đầu làm dâu, tôi ngại tiết mục nấu chè kho lắm. Những ngày giáp Tết thường giá rét, để đãi xong chậu đậu, đôi tay người đãi đỏ ửng, lạnh cóng. Có năm quên tí muối, năm thì quá tay nước nên đỗ nát, ướt nhoẹt. Rồi cả mấy chục phút ngồi quậy nồi bột bở hơi tai, mỏi rã cả tay. Nếu vì mỏi tay mà bắc ra sớm, đường chưa "đến" thì chè sẽ bị ướt, chảy nước. Nhớ nhất có năm vì mải khách tới, mẹ lại không có nhà, tôi đã quên nồi chè đang quậy dở. Khi nhớ ra thì bột đã khét, không còn cách nào cứu nổi.

Tôi lo xanh mặt vì đó là món không thể thiếu trên bàn thờ lúc cúng giao thừa. Chỉ còn hơn một giờ nữa là giao thừa, tôi và chồng cuống quýt nấu nước sôi, ngâm đỗ mới, đãi vỏ, thổi chín, giã nhuyễn, nắm lại, thái ra... Rồi vợ chồng thay nhau quấy, vừa làm vừa nhìn đồng hồ. Thật may mắn, những đĩa chè kho xinh xắn đạt yêu cầu hoàn thành vừa vặn trước 0 giờ đúng 5 phút!

Phút sang canh, khi đất trời thiêng liêng trong thời khắc chuyển tiếp, bàn thờ sáng đèn nến, nghi ngút khói nhang thơm, những đĩa chè kho được bố chồng tôi kính cẩn đặt lên dâng tổ tiên. Món chè kho không cao sang nhưng tôi cảm nhận được sự thành kính của mẹ chồng mình trong cách làm thật cẩn thận, kỳ công. Đĩa chè đủ ngọt thơm bùi béo đậm đà mà thanh khiết, được lưu trên bàn thờ suốt mấy ngày Tết. Chè kho để được lâu vì lượng đường nhiều, đủ bảo quản chè không hỏng.

Cúng xong, cả nhà quây quần chúc Tết. Chồng tôi pha ấm trà thật ngon. Tôi cắt đĩa chè hình hoa thị bằng con dao mỏng sắc. Những lát chè mịn màng, cầm không dính tay. Cả nhà nâng chén trà nóng thơm, nhấm nháp lát chè kho mềm mịn. Vị chè kho ngọt thanh quyện với hương trà thơm ngát, khói nhang đầm ấm trong phút giây đầu năm mới, để cả nhà thanh thản trong thương yêu, mong một năm mới với những điều tốt lành... Những ngày Tết, khách quý đến, bố mời dùng lát chè thơm ngọt với chén trà sen, câu chuyện ngày xuân càng đậm đà ý vị...

Đến bây giờ, mẹ chồng tôi vẫn giữ nếp nhà trong đĩa chè kho ngày 30 Tết. Món ăn giản dị nhưng đậm đà ấy ẩn chứa cả sự khéo léo tần tảo của người đàn bà trong gia đình. Sâu xa hơn nữa là để con cháu biết trân trọng thành kính với ông cha. Chè kho cũng trở thành nét riêng trong gia đình nhỏ của tôi, dù ở xa quê, mỗi khi Tết đến...

Minh Thư


Mảnh ghép yêu thương

Cả buổi chiều hôm nay, con gái mẹ đứng trước gương để chuẩn bị cho buổi tiệc sinh nhật một cậu bạn cùng lớp. Con ướm thật lâu nhiều bộ đầm xinh xắn, cuối cùng chọn một chiếc váy ngắn voan hồng.

Con xoay qua xoay lại hồi lâu...

- Mẹ ơi, người con thấp bé quá, mang giày cao gót thì đau chân mà giày búp bê lại thấp quá, thế nào cũng không đẹp mẹ ạ.

Con đi ra, đi vào rồi lại quay về chiếc gương than thở một mình: "Lại thêm cái mũi thấp và cái miệng rộng nữa chứ, mình đúng là sự kết hợp của những "mảnh ghép xấu xí" từ ba mẹ đây mà, chán quá đi thôi..."

Mẹ lặng đi...

- Con đợi mẹ thay đồ rồi lấy xe đưa con đi nhé!

- Thôi mẹ, bạn con tới bây giờ, bọn nó đi xe máy cả mà mẹ, xe cúp 50 của mẹ sao hợp với váy đẹp của con - con gái nháy mắt tinh nghịch với mẹ.

Nhưng mẹ biết, đó là sự thật!

Mẹ vào bếp nấu cho xong bữa cơm tối, không quên nói vọng ra: "Mưa phùn gió bấc, lạnh lắm con à, mặc áo ấm, mang găng tay vào con nhé!"

- Lâu lâu mới có một hôm, con không sao đâu mà.

Nghe tiếng các bạn gọi ríu rít ngoài cổng, mẹ chạy ra, khoác vội cho con chiếc khăn len quàng cổ...

Bữa cơm tối chỉ có mình mẹ vì bố đi công tác xa nhà mấy hôm. Vừa dọn xong chén bát thì trời bỗng dưng mưa to.

- Lại mất điện nữa rồi, mẹ lắc đầu ngao ngán...

Mẹ thắp lên một ngọn nến, ánh sáng màu vàng tỏa một góc phòng xua bớt cảm giác lạnh lẽo lúc này...

Mẹ khoác thêm chiếc áo dài tay, từ cửa sổ nhìn xuống đường loe lét ánh đèn xuyên qua màn mưa u tối.

Cũng một đêm cuối đông lạnh như thế, con gái mẹ đã chào đời...

Khi con vừa cất tiếng khóc, trời mưa to quá nên bệnh viện cũng mất điện, mẹ lo lắng không biết con như thế nào, mẹ chỉ yên lòng lúc nghe tiếng bố gọi tên con và nói khẽ vào tai mẹ: "Con gái mình xinh như một công chúa em ạ!", rồi mẹ thiếp đi trong hạnh phúc...

Khi mẹ tỉnh dậy, thấy con đang nằm bên cạnh mà mẹ ngỡ mình đang mơ. Mẹ cũng thích ngắm trẻ con nhưng chưa bao giờ mẹ thấy trẻ con lại đẹp đến thế, con như giọt sương buổi sớm trong lành và khiết tinh đến lạ.

Con như một thiên thần mà mẹ tưởng chừng chỉ cần đụng nhẹ sẽ bay đi mất, con chính là món quà tuyệt diệu nhất mà thượng đế đã trao cho mẹ. Mắt con to tròn như viên pha lê trong suốt, môi con chúm chím như nụ hoa hồng chớm nở.

Con khẽ cựa mình trong vòng tay ấm áp của mẹ, mẹ nâng niu con như mầm xanh cuộc sống, mẹ tự hứa với lòng sẽ ngày đêm chăm sóc, chở che cho "cây yêu thương" của mẹ ngày một cao lớn, xanh tươi.

Ánh mắt mẹ bất ngờ gặp cái nhìn cũng đang dâng trào hạnh phúc của bố con. Trong khoảnh khắc ấy, hai cặp mắt như hòa chung một niềm tự hào, thắp sáng biết bao ước vọng. Đó là "mảnh ghép" từ niềm tin, ước mơ và hy vọng!

Con gái yêu, con là sự kết hợp "những mảnh ghép hoàn hảo nhất" của cuộc đời bố mẹ!

Một bàn tay lạnh nhỏ nhắn đặt trên tay của mẹ...

- Lúc nãy, con không nghe lời mẹ mang áo ấm nên lạnh quá mẹ ạ.

Mẹ quay mặt đi, lau đôi mắt đang ngấn nước. Kéo ngăn bàn, mẹ lấy thêm một cây nến màu đỏ. Ánh sáng của cây nến vừa thắp lên nhanh chóng hòa vào ánh sáng của cây nến nhỏ, làm ửng hồng khuôn mặt của con. Tay con xoa vào tay mẹ, cùng sưởi ấm trên ngọn nến ấm áp.

- Mẹ ơi, nếu ngọn nến nhỏ tắt đi thì sao?

- Thì mẹ sẽ lại thắp lên một ngọn nến mới.

- Vậy là hai ngọn nến sẽ mãi sáng đúng không mẹ? Như mẹ và con ý! Mẹ biết không, tối nay, các bạn bảo con xinh như một công chúa ấy!

Con ngập ngừng... "Con là công chúa của mẹ mà thôi!"


Một cảm giác thật lạ kỳ

Với mỗi người đàn bà, sinh con ra đã là mẹ rồi, nhưng để làm một người mẹ tốt thực khó! Mẹ cảm thấy trong tim mình luôn có một nỗi thấp thỏm nuôi con, cả khi cho con ăn, cho con đùa giỡn cùng đồ vật lạ, lúc con ngủ hay con thức... Cứ vậy đã gần 8 tháng rồi con yêu ạ.

Ngày con mới lọt lòng, suốt 10 ngày mẹ không ngủ dù chỉ 1 giây, bởi trí óc không thôi nghĩ về con bé bỏng. Tay mắt và mọi xúc giác luôn muốn được chạm và nhìn ngắm con. Cái đứa bé này mẹ nhìn thấy rồi nhé, suốt 9 tháng hơn, nhưng chỉ qua 1 làn máy tính mờ mịt và ngắn ngủi. Chân cái đứa này nhé, bé như củ khoai, củ sắn mà đạp mẹ lung tung. Vậy mà đùng 1 cái, mẹ được nhìn ngắm, sờ nắm nó ngay trực diện, được hôn hít vuốt ve, và hơn hết là mẹ được nhủ thầm: "Con à... con ơi..."

Con là một điều kì diệu, mẹ cứ gọi con là "thiên thần" mãi nhưng thực hai chữ ấy không đủ để nói hết sự lạ kì, đột ngột và hạnh phúc to lớn khi được làm mẹ của con. Nhưng "thiên thần" của mẹ cũng khiến mẹ lúng túng không biết bao lần. Ừ, vì mẹ là mẹ trẻ, và con là đứa con đầu lòng bé bỏng của bố mẹ mà.

 Con mới ra đời, mẹ đẻ mổ và chậm sữa giai đoạn đầu. Gần 1 tuần con chỉ ăn bằng chiếc bình bé tí ti, còn mẹ thì nỗ lực hết mình để có sữa cho con. Lòng nặng trĩu vì thiếu ngủ, kiệt sức vì những ưu tư trầm cảm, lúc nào cổ họng cũng như đắng nghẹn và nước mắt luôn trực trào ra. Rất lo, rất lo là con bé bỏng của mẹ không có sữa bú. Bố động viên mẹ nhiều, rồi khi mọi nỗ lực cuối cùng cũng thành công thì con nhất quyết không chịu ti mẹ nữa. Bao nhiêu cố gắng tự nhiên trào ra thành nước mắt. Mỗi khi con ngủ, mẹ lại lang thang ngồi thần bên máy tính để nghe bố động viên, bố gửi cho mẹ những bài viết rất cảm động để giúp cải tạo sự bướng bỉnh trong thói quen con trẻ, rồi bố dặn mọi người động viên mẹ liên tục.

Bố mắng Voi là "thằng bướng" nhưng thằng bướng nhất quyết bướng không khóc không ti, không cho ăn thì lăn ra ngủ. Bác LA dặn mẹ phải cứng rắn cho con dứt hẳn bú bình và chỉ bú mẹ thôi, con đói cũng kệ, và mẹ cũng làm theo. Nhìn con khóc i i vì đói, bình sữa thì lúc nào cũng sẵn mà con không được ăn, sao mà xót xa thế. Bố thì nhử con ti giả rồi ti thật, thật thật giả giả con khóc ầm lên không chịu. Voi ạ, sau hơn 2 ngày con mới biết ti mẹ lại, dù chỉ ít một thôi nhưng mẹ phấn chấn vô cùng. Vui chảy nước mắt với cảm giác con gần gũi đến thế. Rồi mỗi đêm con ti mẹ một mạch hơn 3 tiếng mới lăn ra ngủ, Voi đúng là Voi tồ mà... Đến giờ thì dính hơi mẹ quá thôi, cứ tí lại dụi đầu vào ngực, mẹ lại nhủ thầm: đấy, xưa không cho bú thì đỡ phải cai sữa không? hihihi... Nhủ là nhủ thế thôi, nhưng trong lòng mẹ thực cảm thấy mãn nguyện vì đã dành cho con những gì là ngọt ngào nhất từ chinh cơ thể mình.

Đã gần 8 tháng - 8 tháng mẹ là người hạnh phúc! Mỗi sáng đưa con đi chợ hay cho con ngồi hóng mát ở sân, cùng con ăn, cùng con chơi và giặt giũ, suốt ngày mẹ ở bên con, để yêu thương, nuông chiều con bé bỏng. Những ngày hè nóng nực nhất, nghe tiếng trẻ con khóc giữa đêm hay buổi trưa oi ả trong những căn nhà cho thuê thấp tí giáp vách, mẹ thấy thương vô cùng. Xưa chưa có con, mẹ không hề để ý những thứ tiếng ấy, nhưng từ khi con bé, mẹ cảm thấy cuộc sống con trẻ đầy xúc động biết bao.

Những đứa trẻ con ở trong những căn nhà trọ lụp xụp, mùa mưa thì sợ dột, nắng thì nóng nực, lúc nào cũng ẩm thấp oi bức, nhưng các em bé ấy vẫn dần từng ngày lớn lên, và sự đáng yêu trên gương mặt em nào cũng có. Như khi mẹ đưa con đi chợ về, mắt con lim dim ngái ngủ, mẹ thấy em bé hàng xóm cũng đang được ngồi xe đẩy ra. Chiếc xe thì cũ thương lắm, nhưng miệng em bé cười rất tươi, đôi mắt rất long lanh và hạnh phúc. Cái sự đáng yêu hồn nhiên ấy sao thật giống con mẹ, và trẻ con là một điều gì đó thật lung linh trong sáng, thật vô tư thánh thiện, và cũng thật khiến lòng người nhẹ dịu thanh bình.

Trẻ con không chê cha mẹ khó, không ngại cha mẹ nghèo và vất vả, chỉ sợ cha mẹ không thương mình, mà mấy người làm cha làm mẹ lại không yêu thương con. Thực ít lắm! Vì con là lúc bình minh của cuộc đời làm cha làm mẹ, con là ngày mai và là bông hoa tươi mát biết hé nở từng ngày, con là cuộc đời, và cha mẹ nào cũng ước ao được làm hoàng hôn ấm áp phủ xuống cuộc đời con. Voi ạ, sau lớn phải ngoan nhé. Mẹ thấy con mẹ hiền lành lắm, cả ngày chả khóc bao giờ, đến nỗi mẹ thích nhìn con dỗi hờn, thích nhìn con méo xệu mồm làm nũng và khó chịu, thích thế để được cưng nựng con hơn.

Con là con trai của bố, và sẽ là anh trai nữa đấy, nên phải ngoan nhiều, cứng cáp hơn nữa, Voi biết không? Đôi khi mẹ còn lo lắng vì lần đầu làm mẹ, còn nhiều lúng túng bỡ ngỡ và dù có là mẹ của 7 đứa con thì cũng không thể thấu tường tận những kẽ ngách nhỏ ao ước trong tâm hồn con, dù có đọc trăm cuốn sách cũng có lúc không hiểu âm thanh trái tim con, nhiều lúc muốn con biết nói, để nói mẹ nghe con nóng, con lạnh, hay con muốn đi chơi. Tất cả mẹ chỉ dám nghe bằng linh cảm từ trái tim người mẹ, và cố gắng hết mình để nghe đạt âm thanh ấy thôi con yêu.

Ước một ngày mai con khôn lớn để hiểu được hai tiếng "yêu thương", mẹ sẽ ngày đêm nhủ thầm vào tai con hai tiếng thiêng liêng ấy, nhủ vào lòng mẹ, lòng con. Chúng ta sẽ cùng sưởi ấm gia đình mình bằng hai tiếng thiêng liêng ấy, nhé con.

Sống là cho

Sống là cho phải không mẹ? Mẹ từng dạy con như thế! Trước khi về mẹ nhắc đi nhắc lại làm như con vẫn là đứa con nít ngày xưa! Vâng, hình như con chẳng lớn lên là bao, vẫn như đứa trẻ bướng bỉnh, lúc nào cũng để mẹ bận lòng và chưa cho cuộc sống được điều gì theo đúng nghĩa...

Sưu tầm