Truyện Minh Hoạ - Bác Ái

 Chơi trò nào?

 Ngày kia, ông Mac-sa, một nhà văn người Nga, đi ngang qua một sân chơi, ông dừng lại quan sát một đám trẻ em trạc tuổi lên sáu lên bảy đang chơi đùa với nhau. Thấy chúng chơi trò gì là lạ, ông cất tiếng hỏi: - Này các cháu, các cháu chơi trò gì thế? Đám trẻ nhốn nháo trả lời: - Chúng cháu chơi trò đánh nhau. Nghe thế Ông Mac-sa hơi cau mày, rồi gọi các em đến, ông ôn tồn giải thích: - Tại sao các cháu chỉ chơi trò đánh nhau mãi. Các cháu biết chứ, đánh nhau hay chiến tranh có gì là đẹp đâu. Các cháu hãy chơi trò hoà bình xem nào. Ông vừa dứt lời, một em bé reo lên: - Phải rồi, tụi mình thử chơi trò hoà bình một lần xem sao. Thế là cả bọn kéo nhau ra sân, chụm đầu vào nhau bàn tán. Thấy chúng chấp nhận ý kiến của mình, nhà văn hài lòng mỉm cười tiếp tục đi. Nhưng chưa được mấy bước ông nghe có tiếng chân chạy theo. Và chưa kịp quay lại, ông đã nghe giọng một em bé hỏi: - Ông ơi, trò chơi hoà bình làm sao? Chúng cháu không biết. Làm sao trẻ em biết chơi trò chơi hoà bình, khi chúng vẫn thường thấy trên ti vi, tranh ảnh, những cảnh chiến tranh khốc liệt, chém giết dã man? Chừng nào thế giới của người lớn biết sống quảng đại yêu thương, biết giải quyết những tranh chấp không thể tránh được bằng đường lối ôn hoà, thông cảm và tha thứ, chừng ấy thế giới trẻ thơ mới triển nở được trong bầu khí hồn nhiên tươi sáng, hứa hẹn một tương lai huy hoàng cho gia đình và xã hội."    

Sưu tầm


Chữa trị lưng gù

Có một người ở đồng bằng, tự xưng mình là biết chữa trị lưng gù, công hiệu một trăm phần trăm. Có một người lưng gù nghe như thế rất là phấn khởi, bèn đưa cho ông ta rất nhiều tiền mời ông ta chữa trị. Người đồng bằng kêu người lưng gù nằm sát trên giường, sau đó tự mình đứng lên trên, dùng chân đạp chổ bị lồi trên lưng của người gù. Người gù thấy tình trạng như thế, sợ hãi la to:   -  “Ông muốn đạp chết tôi à ?”  

Người đồng bằng nói: - “ Tôi chỉ bảo đảm lưng của anh thẳng lại, còn anh sống hay chết tôi không bảo đảm !  

 Suy tư :Thời nay có rất nhiều thanh niên nam nữ thích học làm Bác sĩ, cũng đúng thôi, vì Bác sĩ vừa có danh vị trong xã hội, vừa có tiền, vừa... oai ra phết, ai lại không thích chứ ? Bác sĩ , là người đem lại hạnh phúc cho nhiều người, biết bao con bệnh thập tử nhất sinh đã được Bác sĩ cứu thoát, biết bao gia đình bất hạnh vì con cái, cha mẹ bệnh hoạn triền miên đã được các Bác sĩ chữa khỏi. Chúng ta phải cúi mình tri ân các Bác sĩ của chúng ta, vì chính họ đã được Thiên Chúa uỷ thác cho một trách nhiệm: Thay mặt Ngài đem lại niềm vui và hạnh phúc cho nhân loại, chữa lành các bệnh tật cho mọi người. Nhưng cũng có những Bác sĩ chỉ có “Xếp” mà không có “sĩ” , nghĩa là họ chỉ biết bắt chẹt các con bệnh nghèo, làm ngơ trước nỗi đau khổ của người nghèo bị bệnh, không tiền thì không chữa trị, đó là nguyên tắc của họ. Họ chỉ có  “Xếp” mà không có “sĩ”, nghĩa là họ bôi Xếp danh nghĩa “Bác sĩ” cao quý của họ, họ không có “sĩ “ vì họ không có lương tâm của một Bác sĩ chân chính, bởi vì họ chỉ tìm sĩ diện cho mình hơn là cứu sống bệnh nhân của họ, “sĩ” của họ là tiền và chức vị. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban cho các Bác sĩ của chúng ta có tấm lòng nhân ái trước cảnh đau khổ của mọi người như Chúa Giêsu ; chúng ta cầu xin Chúa ban cho các Bác sĩ biết nhận ra Chúa Giêsu trong những người bệnh, để họ ưu ái, an ủi và hết lòng phục vụ Chúa trong các bệnh nhân của mình. 

Sưu tầm


Bác sĩ Albert Schvveitzer.

  Trong một mẩu chuyện tự thuật, nhà truyền giáo và đồng thời cũng là 1 Bác sĩ, ông Albert Schvveitzer, đã ghi lại những tư tưởng và lịch khúc quanh cuộc đời mình như sau:

   Tôi đã bỏ địa vị giáo sư tại Đại học Strabourg, bỏ công việc tìm tòi khảo cứu khoa học của tôi, bỏ thú tiêu khiển ưa thích nhất của tôi là chơi đàn đại phong cầm, để ra đi hành nghề Bác sĩ tại các vùng nhiệt đới Phi Châu.

   Câu chuyện xẩy ra như thế nào ?

   Khi đã vào lứa tuổi 30, tôi quyết định theo học ngành Y khoa để có thể đem thử nghiệm những ý tưởng của tôi. Bởi lẽ tôi đã đọc nhiều về những nỗi đau khổ vì bệnh tật của những sắc dân sinh sống trong các khu rừng già, cũng như tôi đã từng nghe những nhà truyền giáo nói về cuộc sống bán khai của họ. Càng nghĩ về họ, về những nỗi thống khổ của họ, tôi càng lấy làm lạ là những người Âu Châu không chút bận tâm về những bổn phận nhân đạo to lớn mà những dân tộc sinh sống tại những vùng hẻo lánh đó cống hiến cho họ. Rồi bài Dụ ngôn Người Phú hộ và Anh ăn mày Lazarô hình như trực tiếp nói với tôi.

   Tội lỗi của người phú hộ đối với anh ăn mày là không mảy may bận tâm về số phận của 1 người hành khất hằng ngày bị đói khổ nằm trước dinh thự của mình. Ông ta không để ý cho con tim và lương tâm nói cho mình biết phải làm gì đối với anh ăn mày. Cũng thế, chúng ta đang phạm tội đối với người nghèo khổ đang nằm trước ngưỡng cửa nhà chúng ta.

   Những tư tưởng trên đã hướng dẫn ông Albert Schvveitzer từ bỏ tất cả để ra đi dấn thân chăm sóc và chữa lành cho các bệnh nhân sinh sống tai các vùng rừng già Phi Châu. Qua đó, ông đã rao giảng về Nước Trời, cũng như góp tay xây dựng hòa bình giữa các dân tộc.

   Vào năm 1952, nhà truyền giáo và Bác sĩ Albert Schvveitzer đã nhận được giải thưởng Nobel về Hòa Bình. Nhưng đáng chú ý hơn là sự dấn thân và cuộc sống của ông phản ảnh phần nào ý nghĩa của những lời Đức Giêsu căn dặn các môn đệ của Ngài trước khi sai họ đi rao giảng Tin Mừng. (Mt. 10,7-15)"

Sưu tầm


Bản chất con người là cứu vớt

Một tín đồ Ấn Giáo xuống tắm dòng sông Hằng để thanh tẩy và cầu nguyện.

Ông đang ngụp lặn giữa dòng sông, thì bỗng đâu có rác rưới tụ đến. Trong  đống rác có con bọ cạp đang chao đảo, chới với giữa dòng nước. Sẵn lòng khoan dung, ông chìa tay ra để cứu vớt con vật. Cánh tay ông vừa đua ra đã bị con vật chích. Nhưng không mất kiên nhẫn, con vật càng hung hăng, ông càng chịu đựng để cho nó chích liên tiếp, miễn là cứu sống được nó.

Có người theo dõi cảnh tượng đó mới trách ông:

-Ông thật là mất giờ vô ích. Nó là con bọ cạp , bản chất của nó chỉ là dùng nọc độc để chích thôi.

Người tín đồ điềm nhiên trả lời:

-Bản chất của bọ cạp là dùng nọc độc để chích, nhưng bản chất của con người là cứu vớt.

Chúng ta dễ có khuynh hướng phân biệt xã hội thành hai loại người, tốt và xấu. Bạn và thù, kẻ xấu là hạng người đáng phải xa lánh, kẻ thù thì phải bị ghét bỏ. Sự phân biệt ấy khiến xã  hội chúng ta ra ngột ngạt khó thở.

Sống mà phải thanh trừng gạn lọc nhau, sống mà phải dòm trước ngó sau để đề phòng kẻ xấu, người thù, sống  như thế quả thực không khác gì một thứ sống dở chết dở, bởi vì khi chúng ta loại bỏ người, thì cũng là lúc chúng ta tự giam hãm mình trong cô đơn sợ hãi.

Chúa Giêsu đã đến để đánh đổ óc biệt phái. Những kẻ bị xã hội cho là xấu xa, tội lỗi đã trở thành bạn hữu của Ngài. Ngài đã nhìn người bằng đôi mắt thông suốt và yêu thương, để chỉ thấy con người là hình ảnh cao quí của Thiên Chúa, trong cái nhìn ấy, hàng rào của thù hận và bạn, của xấu và tốt đều bị tháo gỡ. Trong cái nhìn ấy, mọi người đều có chung một danh xưng, đó là anh em của nhau.

Hơn ai hết, Kitô hữu chúng ta được mời gọi để nhìn người bằng chính cái nhìn của Chúa. Giữa một xã hội luôn lấy sự phân biệt tốt xấu, bạn thù làm nguyên tắc sống chúng ta cần thể hiện bản chất cứu sống của con người Ấn Giáo trong câu chuyện trên.

Dù người ta có lừa lọc, cắn xé, phản bội chúng ta, thì bàn tay chúng ta vẫn phải là bàn tay được chìa ra để giải hòa, san sẻ, và cái nhìn của chúng ta phải là cái nhìn của khoan dung tha thứ."

Sưu tầm


Bản chúc thư

   Trong quyển nhật ký của ông, mục sư Martin Luther King người đã xả thân tranh đấu cho dân da đen tại Hoa Kỳ, đã viết những dòng sau đây:

   “Tôi rất hãnh diện, nếu ngày tôi qua đời ai đó sẽ kể lại rằng Martin Luther King là người đã cố gắng sống và yêu thương.

   Ngày đó tôi mong muốn các bạn sẽ có thể nói rằng tôi đã cố gắng sống cho công lý, rằng tôi đã đồng hành với những ai thực thi công lý, rằng tôi đã dấn thân để mang lại cơm bánh cho người đói khổ, rằng tôi đã cho kẻ rách rưới áo mặc. Tôi ước mong ngày đó các bạn sẽ nói rằng tôi đã ân cần thăm viếng những người tù tội và yêu thương phục vụ mọi người.

   Nếu các bạn muốn, các bạn hãy nói rằng tôi là người đã tranh đấu cho công lý, hoà bình và bình đẳng. Còn tất cả những thứ khác, như giải thưởng Nobel  hoà bình năm 1964 chẳng hạn, đều không có gì quan trọng cả. Tôi không có tiền bạc để lại khi tôi ra đi. Tất cả những gì tôi muốn để lại chỉ là một cuộc sống hy sinh.

   Nhưng đây là điều tôi muốn nói với các bạn: Nếu tôi đã có thể giúp đỡ một người nào đó, nếu tôi đã chứng tỏ cho một người nào đó thấy rằng người ấy đang làm một chọn lựa sai lầm, thì lúc đó cuộc sống của tôi không vô ích. Nếu tôi chu toàn được những bổn phận của một Tín hữu Kitô , nghĩa là mang lại ơn cứu rỗi cho trần gian, quảng bá sứ điệp của Thầy chí thánh, thì quả thực tôi đã không sống một cuộc đời vô ích”."

Sưu tầm


Chỉ tình yêu mới đáng kể

Một chuyện hoang đường của Nga kể rằng. Một ông phú hộ kia khi gần chết, lòng trí chỉ nghĩ đến tiền của, thứ đã làm ông ta bận rộn suốt đời. dùng chút sức lực còn lại, ông cỗ gỡ chiếc bao nhỏ đeo ở cổ và lấy ra chiếc chìa khoá trao cho người đầy tớ gái. Oâhằng chỉ chiếc rương nằm trong góc nhà và ra lệnh cho cô ta lấy bọc tiền ở trong đó bỏ vào quan tài.

Khi chết xong, ông lên trời và bắt đầu cuộc sống mới. Đứng trước chiếc bàn dài bày đủ thứ cao lương mỹ vị, ông hỏi:

Món này giá bao nhiêu?

Một xu. Người bán hàng trả lời.

Hộp cá mòi kia bao nhiêu?

Cũng thế. Một xu thôi.

Còn miếng bánh này?

Tất cả đều một xu.

Ông phú hộ mỉm cười:

Rẻ thật! Ông nghĩ thầm

Sau một hồi ngắm nghía, ông chọn một đĩa đồ ăn. Nhưng khi ông lấy đồng tiền vàng ra trả, cô tha ngân không nhận. Cô vừa lắc đầu vừa nói với ông rằng:

Ông đã học được quá ít trong cuộc sống!

Thế nghĩa là gì? Ông phú hộ càu nhàu và gặng hỏi, đồng tiền vàng của tôi không đủ sao?

Bấy giờ người thu ngân trả lời ông ta rằng:

Ở đây chúng tôi chỉ nhận những tiền mà trước đây đã được dùng vào việc giúp  đỡ người khác thôi."

Sưu tầm


Cho đi & nhận lại

   Thánh Yoan TC (1495-1550), vị sáng lập Dòng Bác ái với 4 lời khấn: Khó nghèo, Vâng lời, Khiết tịnh và Trợ thế, có xây dựng ở tỉnh Grenade một bệnh viện. Một hôm, có một vị bá tước gởi đến cho ngài số tiền 25 đồng vàng Ducats để Ngài giúp các bệnh nhân đau khổ nghèo khó. Ngay chiều hôm ấy, ông ta giả Trang làm một người ăn xin đến tận bệnh viện kêu gọi sự bố thí của thánh nhân. Thấy tình trạng thê thảm của người hành khất, thánh Gioan TC động lòng thương, lấy cả số tiền 25 ducats đem cho người ấy với những lời khích lệ an ủi. Ngày hôm sau, vị bá tước đích thân đến và thú nhận tất cả. Ông xin lỗi thánh nhân vì đã dám thử lòng Bác ái của ngài. Khi từ giã, ông đưa tặng thêm 150 ducats ngoài số 25 ducats xin hoàn trả lại. Từ đó, cứ mỗi tuần, ông lại gởi tới bệnh viện một số tiền lớn, một số thuốc men, lương thực và quần áo để thánh nhân giúp đỡ cho các bệnh nhân nghèo."

Sưu tầm


Giấc mơ mong tìm thấy

Hoàn cảnh sáng tác: Bằng tất cả tình yêu thương và sự đồng cảm trước những mảnh đời bất hạnh, tôi viết lên bằng chính con tim mình.

Thế là trời đổ mưa. Cơn mưa đầu mùa luôn khiến con người ta cảm thấy khó chịu. Tôi vốn là một con bé vô cùng ghét mưa. Vì thế đi dưới trời mưa, đó là điều tôi không bao giờ muốn cả. Lúc này mà ở nhà đọc truyện thì sướng biết mấy! Nhưng vì chiều nay là sinh nhật nhỏ bạn, đành phải “ hi sinh” bản thân này đi tìm cho nhỏ món quà thật ý nghĩa.

Cơn mưa như nặng hạt hơn. Mọi vật trước mắt tôi dường như trắng xóa. Tôi cố giương to đôi mắt sau cặp kính cận đã bị nước mưa bám đầy để quan sát xe cộ, chợt nhìn thấy bóng dáng nhỏ nhắn đang lang thang đi dưới mưa. Con bé đi lủi thủi đi về phía trước với cái đầu trần, chân đất cùng bộ quần áo mỏng manh, ngắn ngủn. Đột nhiên tôi thắng xe lại khi đã đi qua con bé một đoạn, ngoảnh đầu lại nhìn tôi thấy nó vẫn cúi gầm đầu nhìn xuống và lặng lẽ bước đi như chú gà con lạc mẹ. Lòng tôi chợt dấy lên niềm thương cảm xót xa. Bước đến gần, tôi hỏi: “ Bé ơi, em có làm sao không? Đi dưới trời mưa thế này dễ bị bệnh lắm đó”. Con bé nhìn tôi dưới đôi mắt mệt mỏi, u buồn. Nó không trả lời. Người nó gầy còm với nước da ngăm đen và gương mặt xanh xao, hốc hác. Trông nó đến tội nghiệp! Tôi đoán độ nó chừng tám, chín tuổi. Vì sợ đứng dưới mưa lâu thế này nó sẽ bị cảm mất, tôi liền dắt nó vào một quán ăn cạnh đó. Tôi kêu cho nó tô hủ tiếu mì. Chắc là nó đang đói bụng lắm, tôi thấy chỉ vài phút sau là nó đã ăn hết sạch. Đặt cái tô gần như là chẳng còn gì cả xuống bàn, nó ngước nhìn tôi và nói: “Cảm ơn chị. Lần đầu tiên em được ăn ngon thế này! Ngày nào em cũng đi vô quán này hết nhưng chỉ nhìn người ta ăn thôi chứ đâu dám ăn”. Nói rồi con bé rút trong người ra một cọc vé số đã được gói kĩ trong cái bọc ni lông. Lúc này tôi mới hiểu, nó còn nhỏ như thế mà đã phải đi bán vé số phụ giúp gia đình. Tôi thầm trách ba mẹ nó sao mà vô trách nhiệm quá, đành lòng để một đứa trẻ đang tuổi ăn học thế này lang thang dưới trời mưa đi bán vé số. Tôi liền hỏi: “ Vậy em không đi học hay sao mà đi bán vé số?” Ngước đôi mắt non nớt nhìn tôi nó nói: “ Dạ… không. Đi học chắc là vui lắm hả chị?” “Thế ba mẹ em đâu?” – Tôi lo lắng hỏi. Nó ngừng một hồi lâu rồi nói: “ Em không có ba mẹ. Từ nhỏ em đã sống với nội rồi. Em thương nội lắm! Nội em bệnh đã mấy tháng nay, em phải đi bán vé số kiếm tiền mua thuốc cho nội uống”.Tự dưng tôi thấy lòng mình đau thắt lại, sống mũi mình cay cay khi nghe những lời nói của trẻ con mà không hề trẻ con chút nào. Tôi thấy mà thương con bé quá! Nắm lấy bàn tay nhỏ bé của nó mà tôi nghẹn ngào hỏi: “ Ước mơ của em là gì nào?”Con bé nhìn cọc vé số trên tay và nói: “ Em ước …ngày nào cũng bán hết vé để có tiền chữ bệnh cho nội. Em ước… được có ba mẹ để dắt em đi chơi công viên và em ước… mình được đi học như những đứa trong xóm…” Những ước mơ rất đổi bình thường, giản dị, những điều mà lẽ ra một đứa trẻ khi vừa mới sinh ra đã có. Nhưng với con bé thì lớn lao và xa vời quá! Từng lời nói như từng mũi kim đâm vào trái tim tôi. Tự nhiên tôi thấy đau lòng khi biết rõ sự bất hạnh của con bé. Mắt tôi nhòe đi và nhận ra rằng mình đã may mắn hơn con bé biết chừng nào! Được đến trường như bao người khác, có ba mẹ yêu thương, chiều chuộng, có bạn bè vui chơi, học tập. Những điều đó tôi nghĩ hiển nhiên ai cũng có cả. Khi gặp con bé rồi tôi mới biết xung quanh mình còn biết bao mảnh đời bất hạnh. Nhiều trẻ thơ đã phải sớm va chạm với đời vì miếng cơm, manh áo, vì giấc ngủ chưa được tròn. Hạnh phúc gia đình với con bé sao mà khó tìm quá!? Tương lai con bé rồi sẽ ra sao? Cuộc đời con bé rồi sẽ như thế nào? Có ai bảo đảm cho con bé có được cuộc sống no ấm, đủ đầy như bao trẻ khác? Làm sao biết đến ngày mai khi hôm nay con bé vẫn còn là một đứa trẻ thơ dại lang thang giữa chợ đời, chưa tìm thấy điểm tựa vững chắc của cuộc đời.

Nhìn sâu vào đôi mắt ngây thơ đang ngơ ngác nhìn đời, tôi như thấy được cả một vùng trời mơ ước của con bé. Có điều gì lớn lao đâu nhưng sao con bé tìm hoài không thấy? Em như chú chim non bé nhỏ lạc vào khu rừng rộng lớn. Nhưng bằng sức lực bé nhỏ ấy, con bé cố gắng vượt qua, tự tạo cho mình tấm áo giáp bề ngoài cứng rắn để vươn lên bằng cả sự quyết tâm. Con bé không hề chán nản, than thân trách phận mà ngược lại nó sống rất lạc quan và mạnh mẽ.

Nó nhoẻn miệng cười như muốn cảm ơn tôi thêm một lần nữa vì đã cho nó ăn tô hủ tiếu rồi vội vã lao nhanh ra khỏi quán để bán cho kịp số vé còn lại. Trời đã tạnh mưa từ lúc nào.

Dáng nó nhỏ bé chen vào dòng người qua lại. Với những bước đi tập tễnh, chông chênh giữa cuộc đời còn nhiều ngổn ngang ghềnh đá, rồi có lúc em vô tình vấp ngã, có ai dang rộng vòng tay để nâng đỡ em? Tự chống chọi với đời, con bé sẽ đứng lên bằng đôi chân của chính mình và bước tiếp trên con đướng phía trước với bao gập ghềnh sỏi đá.

Nghĩ lại mình, tôi thấy mình tệ quá! Có những lúc gặp chút ít khó khăn trong việc học, tôi đã bắt đầu nản chí như muốn buông xuôi tất cả. Giờ thì tôi biết cuộc sống này ý nghĩa biết bao vì “ mỗi cuộc đời là một con đường. Con đường mở ra không phải để ta an giấc hay nghỉ ngơi mà để ta bước đi trên đó”.

Mải mê với những dòng suy nghĩ, chợt nhìn về phía cuối đường, tôi chẳng thấy con bé đâu nữa, chỉ còn nghe văng vảng bên tai tiếng rao ngày một xa dần: “ Vé số đây! Vé số chiều sổ đây!…”

Sưu tầm


Một câu chuyện đẹp

Đây là một câu chuyện mà mẹ Teresa kể lại trước khi mẹ đi vào thế giới vĩnh hằng.

Khi tôi dám nhận một người từ hè phố, họ đói, tôi cho họ bánh mì. Nhưng một người đang cảm thấy chán nản, cô đơn, mặc cảm, lại là người muốn bước ra hè phố. Đó là một người thiếu nghị lực. Nghèo về tinh thần là điều khó khăn hơn để vượt qua những ngịch cảnh của cuộc đời.

Có thể những người nghèo không của cải, nhưng họ lại thấy cuộc đời đầy thú vị và ấm áp biết bao.

Một buổi tối nọ, tôi ra ngoài và đón nhận bốn người ăn xin, một trong số họ đang trong tình trạng nguy kịch. Tôi báo với người cùng đi là hãy chăm sóc ba người kia, còn tôi sẽ mang người đó về nhà, đặt lên giường, nhưng mắt người đó đã nhắm nghiền, tuy vậy nụ cười vẫn trên môi, nắm lấy bàn tay tôi và cô ta thốt lên “cảm ơn”, sau đó nhắm mắt và ra đi vĩnh viễn. Tôi không thể làm gì hơn nhưng tự hỏi lòng mình: “Tôi sẽ nói gì nếu như tôi trong tình trạng giống như cô ta?”. Và tôi cũng tự trả lời rất đơn giản: Tôi sẽ phải cố gắng làm mọi cách để mọi người chú ý đến mình và cho tôi ăn, tôi sẽ nói tôi lạnh, đau đớn…”.

Nhưng cô ta đã cho tôi thấy nhiều hơn nữa, đó là tình yêu, sự cảm kích của mình. Cô ta chết với một nụ cười sung sướng.

Sau đó, có lần tôi đón nhận một người đàn ông từ một ống cống, nửa người của anh ta đã bị ruồi nhặng phá hoại. Sau khi mang anh ta về nhà, anh ta chỉ nói: “Tôi đã sống như một con thú và tôi sắp chết như một thiên thần, đã được yêu mến và chăm sóc”, sau đó anh chết vẫn với nụ cười trên môi.

Điều đó quả thật tuyệt vời, anh ta đã không đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho bất cứ ai hay so sánh với điều gì. Như một thiên thần - giàu có về lòng thương, tình nhân ái ngay cả khi nghèo khổ về của cải.

Cuộc sống như một cơ may, hãy nắm lấy nó.

Cuộc sống rất đẹp, hãy chiêm ngưỡng nó.

Cuộc sống như một giấc mơ, hãy đón nhận nó.

Cuộc sống như một thử thách, hãy đáp ứng nó.

Cuộc sống như một trò chơi, hãy chơi với nó.

Cuộc sống như một gia tài, hãy giữ gìn nó.

Cuộc sống như một tình yêu, hãy thưởng thức nó.

Cuộc sống như một nỗi buồn, hãy vượt qua nó.

Cuộc sống như một lời hứa, hãy cố thực hiện.

Cuộc sống như một bí ẩn, hãy khám phá nó.

Cuộc sống như một cuộc tranh đấu, hãy chấp nhận nó.

Cuộc sống như một sự phiêu lưu, hãy can đảm lên.

Cuộc sống như một bài ca, hãy reo hò cùng với nó.

Và cuộc sống vô cùng tuyệt vời, đừng bao giờ phá huỷ nó.

Sưu tầm


Chết vì con chiên

   Vào  buổi chiều ngày 5 tháng 9 năm 1793 một người khách qua đường dừng chân  hỏi một cô bé chăn chiên:

   - Em người làng nào?

Cô bé nhanh nhẹn đáp:

   -Em người làng Mayer.

Người khách nói tiếp:

   - Em là người làng Mayer hả? Chú vừa chứng kiến cuộc hành quyết cha sở của em. Ngài đúng là một vị thánh.

   Cha sở ấy chính là cha Joseph Herbert. Ngài bị chém đầu vì cương quyết không chịu thi hành các chỉ thị của hiến pháp cách mạng 1789 tại Pháp. Cuộc đời của cha Herbert quả là cuộc đời của vị mục tử gương mẫu. Cha là vị chủ chăn của hết mọi người không trừ ai. Cha chia sẻ những lo âu cũng như niềm vui của các con chiên bổn đạo. Vào các năm đói kém cha để ý giúp đỡ cách riêng những gia đình nghèo. Những người dân trong làng đều hết mực khen ngợi cha.

   Khi cuộc cách mạng năm 1789 xảy ra, nhà nước cách mạng ban hành những chỉ thị chống lại Đức Giáo hoàng và Giáo hội Công giáo, cha Herbert cương quyết không thề hứa tuân theo các chỉ thị này. Cha nói: “Tôi chỉ thề hứa trung thành với tổ quốc trong những gì thuần tuý thuộc lãnh vực trần gian mà thôi. Tôi chỉ thề hứa trung thành với luật pháp quốc gia, khi nào luật pháp này chính đáng, công bình và không trái với luật của Thiên Chúa cũng như luật của Giáo hội hoặc luật tự nhiên”.

   Cha nói: “Tôi xin thề hứa trung thành với nước Pháp tổ quốc thân yêu của tôi, nhưng tôi từ chối thề hứa cho phép nhà nước xen mình vào những việc thuộc  lãnh vực tinh thần và thiêng liêng. Đó là hai lãnh vực vượt trên quyền hạn của mọi vua chúa trên trần gian này. Các việc thiêng liêng và tinh thần chỉ thị thuộc quyền hạn của Giáo hội Chúa Ktiô mà thôi”.

   Giống như tất cả các linh mục chân chính của Giáo hội Công giáo Pháp thời bấy giờ cha Herbert nhận định rõ ràng hiến pháp cách mạng 1789, trong điều khoản nói về hàng giáo sĩ, chỉ nhằm tiêu diệt hàng giáo sĩ bằng cách cắt đứt mối giây liên hệ giữa linh mục Pháp với Đức Giáo hoàng Rôma. Do đó, cha Herbert không thể nào giơ tay thề hứa tuân theo hiến pháp. Vì làm như thế là cha phản bội lương tâm của mình. Trong một lá thư viết cho Đức giám mục giáo phận Lucon, Cha Herbert tuyên xưng lại lòng tin như sau:

   “Là con của tổ quốc và là công dân của xứ sở con luôn luôn trả lại cho César những gì thuộc về César. Nhưng con không từ chối trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Con không hề nao núng sợ hãi. Trong các bài giảng con không hề giảng dậy điều gì trái với trật tự công cộng. Con chỉ giảng những gì Chúa Giêsu đã dậy chúng ta trong Phúc âm của Ngài, cũng như chỉ lặp lại các giáo huấn của Hội thánh truyền dậy trong các công đồng.

   Với tất cả những điều đó, con cảm thấy lương tâm được bằng an. Và con tin tưởng rằng Thiên Chúa là vị thẩm phán chí công sẽ ban cho con ơn can đảm để con quảng đại chết vì đức tin, nếu chính Ngài truyền cho con phải làm như thế.”

   Rồi truyện gì phải đến đã đến. Cha Herbert bị vài bổn đạo của cha tố cáo nên cha bị bắt giam. Cùng với việc bắt giam cha mất tất cả, mất quyền công dân, mất quyền thi hành chức vụ linh mục và mất sức khoẻ. Cha bị ngược đãi, Cha đã khẩn thiết xin những tên đao phủ của cha hãy hành quyết cha ngay trước nhà thờ xứ đạo của  cha.

   Vài giờ trước khi bị chém đầu, cha Herbert đã viết là thư cuối cùng cho người cháu gái của cha sống tại họ đạo Mayer. Cha viết:

   “Cậu hoàn toàn vô tội. Cậu chỉ chết vì đức tin. Cậu chết cho các bổn đạo và chết vì các bổn đạo của cậu. Nhưng cậu thật lòng tha thứ cho những người đã tố cáo cậu”.

   Cuối thư cha còn viết thêm:

   “Cháu hãy chuyển lời cậu chào thăm tất cả bổn đạo của cậu. Cậu đã chu toàn phận vụ một chủ chăn. Cậu đã dâng hiến mạng sống mình vì đoàn chiên. Hy vọng cái chết của cậu sẽ mang lại cho mọi người những hoa trái tốt đẹp dồi dào. Hôm nay thứ năm cậu sẽ bị xử tử, nghĩa là chút nữa đây cậu sẽ chết”.

   Chấp nhận bị con chiên phản bội và sẵn lòng chết vì đoàn chiên, gương cha sở họ Mayer là phản ánh trung thực tình yêu của Chúa Kitô . Đấng đã tự hiến mạng sống mình cho đoàn chiên qua cái chết trên thập giá.

   Là những con chiên trong đoàn chiên Chúa, có lẽ đôi khi chúng ta không khỏi buồn lòng và hoang mang ngán ngẩm trước cái cảnh mà có lần Chúa đã mô tả trong sách tiên tri: người chăn chiên chẳng lo chăm sóc chiên mà chỉ tìm tư lợi, chẳng bênh vực chiên mà khi đoàn chiên lâm nguy thì lại bỏ trốn... Tuy nhiên chúng ta vẫn tạ ơn Chúa vì biết bao mục tử chân chính là những hình ảnh sống động của Đấng Chăn chiên nhân lành, người đã đến cho chiên được sống và được sống dồi dào."

Sưu tầm