Truyện Minh Hoạ - Bác Ái

CHỒN HÔI  ĐI CHÚC TẾT GÀ  

 Nghe tin bà gà bị bệnh, lại nhân tiện nhằm ngày tết, chồn hôi chuẩn bị quà cáp đi thăm. Ông gà nhìn thấy nó, lông mũ dựng đứng, cắn răng nghiến lợi nói : _  “Tao biết mày trong lòng không yên, tao đã chuẩn bị tốt, các bạn, lên nào...” Ông gà lên tiếng la lớn, lập tức, từ cửa sau đột nhiên xuất hiện dê núi, chó săn, khỉ, gà tây.v.v...tay cầm dao cầm mác, cầm gậy cầm gộc, nhắm vào chồn hôi mà đánh, đánh cho đến khi chồn hôi thương tích đầy mình, vắt chân lên cổ mà chạy. Thật không thể chạy trốn số mệnh, chưa hoàn hồn, chồn hôi thở hổn hển mặt mày ủ rủ nói : -  “Lần này, tôi muốn gột sạch tiếng xấu ngàn đời, nên mới đặc biệt có chủ ý đi…  

 Suy tư : Một người có bề dày thành tích xấu, muốn làm lại cuộc đời thật khó lắm thay ! Cái khó thứ nhất là chính bản thân họ : Trong thời gian giúp xứ tại một họ đạo nhỏ trung tâm thành phố Saigon, chung quanh nhà thờ là những tụ điểm tệ nạn xã hội, tôi hầu như mỗi ngày đều tiếp xúc, chuyện trò với họ, hiểu rõ hoàn cảnh của mỗi thanh niên thiếu nữ, họ là những người mà xã hội bỏ rơi, chán ghét... Có những cô gái trẻ đẹp làm nghề mãi dâm, họ đã nói với tôi : “Thầy biết không, tụi con cũng muốn bỏ nghề này, nhưng ai cũng nhìn tụi con cách khinh bỉ, hơn nữa tụi con chẳng biết đi đâu cả”. - Các thanh niên bụi đời thì nói : “Ngày hôm nay tụi con không đi  ăn trộm, nhưng bạn bè cứ tới rủ đi, không đi không được, thầy thông cảm cho tụi con”. Cái khó thứ hai là chính xã hội và chúng ta từ chối đón nhận họ hoà nhập với cộng đồng. Cũng tại giáo xứ tôi phục vụ, mỗi lần đi nhà thờ là giáo dân phải đi ngang qua những khu vực tệ nạn trên, thái độ của giáo dân rất dể dàng nhận thấy : người lắc đầu, kẻ đi như chạy cho mau qua khỏi đó, lại có người không thèm nói chuyện với họ...Với hai cái khó trên, quả thật là họ khó trở lại làm người lương thiện. Nhưng cũng có nhiều giáo dân rất có tình người, không những nói chuyện thân tình với họ, mà còn mời họ đến nhà chơi, mời họ đi nhà thờ... ...Vị linh mục chính xứ ở đó cũng làm rất nhiều cách để cho con em của họ hội nhập với xã hội, ngài mở nhà trẻ tình thương, mở lớp dạy nghề cho thiếu niên, các hoạt động vui chơi, thành lập hướng đạo sinh.v.v... và hiệu quả thật khả quan, hoàn cảnh môi sinh càng ngày càng tốt hơn. Chúa Kitô đến không phải để cứu những người công chính, nhưng là để cứu những tội nhân (Mt  9, 13). Người trộm lành, thu thuế Lêvi, một Giakêu lùn, một Maria Magdala... Hãy nhìn thiện chí của họ để mừng vui - Đừng nhìn quá khứ của họ, vì quá khứ như xác chết đã chôn trong nấm mồ, họ không muốn chúng ta đào lên. “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15, 10).

                                                                                                                Lm. Giuse Maria Nhân Tài


ĂN LẦM BÀN

Một câu chuyện có thật đã xảy ra tại Thuỵ sĩ như sau:

Tại một tiệm ăn bình dân, sau khi đã mua thức ăn, một người đàn bà nọ bưng khay của mình đến một dãy bàn trống, Nhưng vừa ngồi xuống bàn ăn, người đàn bà mới chợt nhận ra rằng mình chưa có muỗng nĩa.  Bà liền để chiếc khay xuống bàn và đứng lên đi tìm muỗng nĩa. Nhưng khi trở lại bàn ăn bà ngạc nhiên vô cùng vì một người da đen đang ngồi ngay trước mâm của bà và đang ăn chính thức ăn mà bà đã mua.

Người đàn bà nghĩ bụng đây hẳn phải là một tên du thủ du thực, mặt dầy mặt  dạn.  Nhưng nhìn kỹ người đàn bà nhận thấy kẻ đối diện với mình không hẳn là một kẻ bất lương, trái lại còn có vẻ đàng hoàng và trí thức là khác.

Bà ta ngồi xuống bàn xin phép người đàn ông da đen và dùng phần ăn còn lại trong mâm.  Người đối diện với bà không lên tiếng, nhưng lại nở một nụ cười rất thân thiện.  Ông ta giúp người đàn bà lấy thức ăn bằng một cử chỉ nhẹ nhàng tử tế và đầy tình thân thiện. Thỉnh thoảng ông nhìn người đàn bà rồi mỉm cười.  Cứ thế trong thinh lặng bà dùng hết phần ăn trong khay.

Sau đó, người đàn ông da đen đứng lên ra hiệu cho người đàn bà ngồi yên tại chỗ.  Một lúc sau ông trở lại với một gói khoai tây chiên và đặt trước mặt người đàn bà.  Lần này hai người cũng lặng lẽ chia nhau ăn hết gói khoai tây.  Sau đó người đàn bà rời đi luôn.

Như bừng tỉnh sau một cơn mê, người đàn bà đứng dậy tìm mãi mà không thấy cái xách tay của bà đâu.  “Thì ra cái tên da đen này đã đánh cắp túi xách tay của mình”. Bà định hô lên cho người ta chạy đến và chặn bắt kẻ gian.  Nhưng quay lại dẫy bàn ăn nơi bà vừa đứng dậy, người đàn bà nhận ra một mâm thức ăn còn nguyên vẹn nhưng không có muỗng nĩa và bên cạnh đó có cả túi xách tay của bà nữa.

Ngườì đàn bà bỗng nhận thức được bà đã phạm một lầm lỗi lớn.  Đó là không phải người đàn ông da đen đã ăn phần ăn của bà và đánh cắp cái xách tay của bà mà chính bà đã lầm bàn ăn và đã ăn phần ăn của ông ta."

Sưu tầm


ANH BAC-QUA-LÊ NHÂN HẬU

Anh Bac-qua-lê từ biển trở về nhà sau khi thăm gia đình đang nghỉ hè. Tại nhà ga Milanô miền Bắc Italia, anh phải đợi ba tiếng đồng hồ mới có xe lửa đi tiếp. Trong phòng đợi lớn của nhà ga, anh thấy một gia đình gồm hai vợ chồng, một đứa con gái gầy ốm, bẩn thỉu chừng hai tuổi, và một đứa bé mới sinh chừng hai tháng. Tất cả đang nằm trên thềm nhà ngủ gà gật. Bac-qua-lê không khỏi nghĩ và những đứa con của chàng lúc này đang chạy chơi trên biển.

Tiến lại gần đôi vợ chồng đáng thương đó, chàng hỏi chuyện và được biết: Họ từ thành phố Balanô mãi tận đảo Cicilia ở miền Nam Italia lên đây,  vì nghe người ta nói trên miền Bắc dễ kiếm ra việc làm. Nhưng đã ba ngày ròng rã chẳng tìm được việc, vì các công xưởng đều đóng cửa trong tháng Tám để nghỉ hè. Đã ba ngày ba đêm gia đình họ phải sống trong phòng đợi nhà ga. Chút vốn liếng đem theo đã dùng phần lớn cho việc di chuyển. Từ hai ngày nay, ông chồng phải nhịn ăn để nuôi con.

Nghe đến đây, anh Bac-qua-lê không còn do dự gì. Anh nói:

- Anh chị an tâm, nhà tôi lúc này trống vắng không có ai. Anh chị và hai cháu về nhà tôi ở tạm vài bữa. Vé xe lửa để tôi lo, có lẽ dưới miền tôi ở sẽ dễ kiếm việc hơn ở đây.

Về đến nhà, anh Bac-qua-lê lục lọi trong bếp kiếm đồ cho họ ăn, rồi anh tự tay dọn phòng cho họ ngủ để bù lại những ngày vất vả mệt nhọc. Sau đó, anh tới gặp cha sở và ông trưởng hội thánh Vinh Sơn Phaolô để bàn cách giúp đỡ gia đình ấy tìm việc làm và một căn nhà.

Anh nói: “Chúng ta phải giúp đỡ họ sống xứng đáng là người. Nếu không chúng ta chỉ có cái vỏ Kitô  giáo mà không có thực chất”."

Sưu tầm


CỌNG HÀNH

Một truyện ngụ ngôn của người Nga được kể lại như sau: Một hôm có một người đàn bà khó tính qua đời. bà nổi tiếng là cả đời không làm chi tốt, cũng chẳng yêu thương ai. Những người làng xóm làm  chứng về tính hận thù và hay ghét của bà. Ngay trong giây phút bà hấp hối lũ quỉ nhảy mừng và mỗi tên đã hung hăng tìm cách lôi bà xuống hồ lửa đang cháy hừng hực. Chúng không đợi kết quả của việc phán xét chi cả. Chúng tin là cuộc sống không tình thương của bà, chỉ trầm luân trong lửa đời đời mà thôi. Trong khi đó thiên thần bản mệnh của bà nhất định không chịu thua. Vị thiên thần lăng xăng chạy ngược chạy xuôi, tìm kiếm trong dĩ vãng để lôi ra một chứng cố nào có thể cứu bà khỏi khổ hình. Tìm mãi, loay hoay sổ này sổ nọ vẫn thất vọng. Vị thiên thần còn đi vào cả dĩ vãng của cha mẹ bà để xem có phải vì hoàn cảnh mà bà đã trở thành như vậy không? Nhưng công cuộc tìm kiếm chỉ đem lại thất bại, rất may đúng phút đó, vị thiên thần khám phá ra một cử chỉ Bác ái của bà. Có một lần bà đã cho một người nghèo kia một cọng hành. Thế là thiên thần hộ mệnh mang vội vàng đến trình diện trước tòa Chúa, xin Chúa cứu xét trường hợp của bà. Chúa nhân từ ưng ngay, và khuyên bảo thiên thần hãy kiếm ra cái cõng hành kia. Sau đó vị thiên thần sẽ dùng cọng hành để kéo bà ra khỏi hồ lửa. Mừng quá, vị thiên thần vội thực hành ngay. Vớ được cọng hành bà nắm chặt và được cứu thoát từ từ. Vị thiên thần lo sợ nhiều nên kéo cọng hành rất thận trọng. Mọi sự xảy ra tốt đẹp. Bà kia hớn hở mừng rỡ vì sẽ được cứu thoát. Nhưng bà không ngờ bà còn phải qua một cuộc thử thách cuối cùng. Đang lâng lâng lướt nhẹ, bà chợt cảm thấy sự đụng chạm từ nhiêu nơi: nào là gấu áo, nào là chân, nào là tay và cả lưng áo nữa. Bà vội nhìn lại và thấy nhiêu linh hồn khác đang bám víu vào cả bà để hy vọng được cứu. Dĩ nhiên là bà không chút nào bằng lòng. Với một cử động mạnh bà hất tất cả những bàn tay đó đi. Rủi thay, chính cử động đó đã làm gẫy cọng hành và chính bà cũng cùng số phận với những người khác. Họ rơi thẳng xuống đáy lò lửa. Lạy Chúa, chúng con cảm ơn Chúa vì câu truyện đơn sơ trên. Nhờ nó chúng con hiểu thêm được giới luật thứ hai của Chúa: chúng con phải yêu người như chính mình chúng con vậy . người đàn bà kia vì không bao giờ biết yêu nên khi bị trừng phạt cũng không biết yêu người là gì. Bà chỉ biết đến thân bà. Nhưng tình Chúa thật bao la vô bờ. Một cọng hành nhỏ mà tình cờ bà bố thí cho một người nghèo đã có thể là lý do cứu rỗi của bà. Nhưng tiếc thay, chính tính ích kỷ đã kết án bà trong án phạt đời đời. Xin dạy chúng con biết luôn hướng về kẻ khác. Xin dậy chúng con biết nhìn thấy hình ảnh Chúa trong người bên cạnh để chúng con cảm nhận được rằng: mọi việc thiện dù nhỏ bé đến đâu dù làm cho một em nhỏ cũng chính là làm cho Chúa." 

Sưu tầm


COI CHỪNG...!!!

Ngay bên lối ra vào của cửa tiệm có treo một tấm bảng lớn : “CẨN THẬN ! COI CHỪNG CHÓ” Ông khách rụt rè bước vào, đi một vòng tránh xa chỗ con chó đang nằm. Nhìn kỹ lại, ông khách thấy con chó “kiểng” chỉ bé tí xíu, …chắc chỉ vừa đủ cho một nồi “rượu mận”. ….Ngạc nhiên, ông khách hỏi: -“Ê ông chủ, con chó bé tí xíu mà dữ lắm hả?” -“Hổng có đâu, -ông chủ tiệm đáp-, nó hiền lắm! Chưa bao giờ cắn ai cả! “ -“Zậy chứ sao ông để cái bảng “coi chừng chó ” to tổ chảng như zậy, …làm tui hết hồn” -“ Ay, tui phải để cái bảng đó cho mọi người trông thấy nó, chứ nếu không thì người ta sẽ đạp chết nó mất .” 

VĩnhTrần


CÔNG VIỆC BỔN PHẬN (1)   

- Lòng Trung tín    Vào năm 79, núi lửa Vénuse bất thình lình phun nham thạch chôn vùi toàn thành phố Pompéi dưới một lớp đất sâu 7 mét.  Năm 1748, người ta bắt đầu khai quật thành phố này, và giữa các đồ vật khác, người ta tìm thấy xương của 38 người lính La-mã đang làm nhiệm vụ trong khi xảy ra tai nạn bất ngờ này.    Người lính tuần canh đang còn cầm gươm ở tay, nghĩa là mọi người đang còn ở nhiệm sở mặc dù nguy hiểm đang gần kề.  Đây là 1 gương sáng về sự trung tín trong bổn phận và lương tâm nghề nghiệp !"     

CÔNG VIỆC BỔN PHẬN (2) 

- Lòng trung tín - Vì tình yêu,    Trong 1 tu viện ở núi Sinai, có 1 thầy hoả đầu quân mỗi ngày phải lo ăn cho 200 người.  Cả ngày thầy chỉ quanh quẩn bên mấy cái chảo, mấy cái nồi, thế mà lúc nào thầy cũng vui tươi.  Một bữa kia, vị tu viện trưởng hỏi thầy:    - Làm thế nào mà thầy vẫn luôn vui cười dù với 1 công việc nặng nhọc, đều đều và đơn điệu như thế?    - Như cha thấy đó, thầy trả lời, chính vì con đã làm tất cả vì tình yêu Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, và ý nghĩ này giúp con nhẹ nhàng gánh vác công việc bổn phận."  

CÔNG VIỆC BỔN PHẬN (3)  

- Lòng trung tín - Chăm chỉ,    Ngày kia, thánh Macaire đi thăm vị ẩn sĩ danh tiếng: Thánh Antôn.  Sau khi chào hỏi nhau, 2 người bạn bắt đầu nói những chuyện về Thiên Chúa.  Mặc dù đi đường mệt nhọc, Macaire vừa nói chuyện vừa làm công việc bằng tay mà ngài thường làm trong khi rảnh rỗi:  Đan chiếu, bởi vì ngài không bao giờ chịu ở nhưng 1 giây phút nào.  Khi đến giờ chia tay, thánh Antôn ôm người bạn già của mình và cầm lấy 2 tay bạn mà nói:    “Đây là đôi tay chứa đầy nhân đức!  Ước gì chúng sẽ được tôn vinh, vì chúng là những bàn tay không chịu ở nhưng trong khi đi đường, cũng như trong các cuộc đàm thoại thánh thiện của chúng ta.” Cuối 1 cuộc đời làm việc, không phải thánh Antôn, nhưng là chính Thiên Chúa sẽ khen ngợi chúng ta.  Người còn làm hơn thế nữa: chính Người là phần thưởng của chúng ta!"

Sưu tầm


CÔ GIÁO NĂM XƯA.

Trên tuần báo “Catholic” xuất bản tại Hoa Kỳ, một thương gia nọ đã chia sẻ kinh nghiệm bản thân như sau: Hồi nhỏ tôi kém cỏi tới độ năm học nào tôi cũng đội sổ. Thành tích này đeo đuổi tôi mãi cho tới khi bước vào trung học. Nhưng một ngày kia, một biến cố xảy đến đã thay đổi cuộc đời tôi. Năm đó tôi vừa lên bậc trung học. Nhân một lớp học về giao tế, cô giáo của tôi đã mời bà chị của cô đến tham dự. Vừa bước vào lớp, cô giáo liền hướng dẫn người chị đến thẳng chỗ tôi. Cô đặt tay trên vai tôi và giới thiệu với người chị như sau: “ Đây là cậu học sinh có nụ cười dễ thương nhất lớp”. Cô không nói đây là cậu học sinh học dở nhất lớp mà lại nói đây là cậu học sinh có nụ cười dễ thương nhất lớp. Hôm đó, tôi ra khỏi lớp, tôi cảm thấy như mình cao hơn được một chút. Tôi vừa đi vừa nhảy vừa ca hát và tự tin hơn bao giờ. Từ đó bắt đầu đạt những thành tích khả quan hơn trong việc học. Sau đó, tôi tốt nghiệp cao học, làm  giáo sư và nay đang hăng say trong lãnh vực kinh doanh. Tất cả đều bắt đầu với cô giáo năm xưa của tôi. Cô đã cho tôi thấy rằng tôi cũng là  một người có giá trị. Tôi cũng có một cái gì đó để trao tặng cho người khác. Kinh nghiệm của người doanh nhân Hoa Kỳ trên đây thật là phù hợp với cái nhìn của Ki tô giáo về con người. Trước hết, với cái nhìn đức tin, chúng ta biết rằng mỗi người sinh ra trên cõi đời này là một giá trị có một không hai. Bởi vì mỗi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Giàu sang, nghèo hèn, thông minh lỗi lạc hay ngu đần dốt nát, tất cả mọi người đều không những bình đẳng theo phẩm giá mà còn là những nhân vật khác biệt, độc nhất vô nhị, bất khả xâm phạm. Chúa đã muốn mạc khải cho chúng ta cái giá trị cao cả ấy nơi mỗi một con người qua cung cách đối xử của Ngài với những người nghèo hèn khốn khổ nhất trong xã hội. Dưới ánh mắt của Chúa Giêsu, mỗi người là một giá trị độc nhất, là đối tượng của một sự tôn trọng và yêu thương cá biệt. Đây thực là một cái nhìn cách mạng có giá trị cho mọi thời đại. Không thể cải tạo xã hội, không thể có một cuộc cách mạng đích thực nào nếu không có cái nhìn tôn trọng ấy đối với con người. Từ kinh nghiệm của doanh nhân trên đây, chúng ta cũng có thể rút ra một chân lý khác trong cái nhìn của Ki tô giáo về con người. Đó là giá trị đích thực của con người không hệ tại ở những gì họ có mà chính là ở những gì họ trao tặng. Chân lý này đã được Chúa Giêsu nêu bật qua toàn bộ những lời giảng dạy và trong cuộc sống của Ngài, nhất là qua cái chết của Ngài trên thập giá. Giáo huấn của Chúa Giêsu có thể được tóm tắt trong câu nói của Chúa mà thánh Phaolô ghi lại như sau: “Cho đi thì có phúc hơn nhận lãnh”. Càng cho đi con người càng lớn hơn lên trong nhân cách , người có tư cách đích thực trước tiên là người biết trao ban cho kẻ khác. Và dĩ nhiên, trao ban đích thực không phải là trao ban của cải vật chất, bởi vì của cải tự nó không phải là của con người. Quà tặng đích thực chính là bản thân, trao ban đích thực là trao ban chính mình. Có hiểu như thế thì chúng ta mới thấy rằng dù nghèo hèn đến đâu, ai cũng có một cái gì để trao ban. Và giá trị của quà tặng không tuỳ thuộc ở số lượng của vật chất, mà chính là ở tấm lòng của con người. Một nụ cười nhân ái, một lời nói cảm thông, một cử chỉ tha thứ có giá trị gấp bội phần hơn những vàng bạc châu báu mà một người giàu có chỉ vất ra như của bố thí."      

Sưu tầm


CÔ GÁI BÊN ĐƯỜNG 

Rải rác trên sườn một ngọn đồi tiếng là thơ mộng vào bậc nhất của miền nam nước nhật bản người ta thấy những ngôi chùa cổ kính, những thiền tự trang nghiêm ẩn mình sau những tàng cây lớn bốn mùa xanh tươi mịn màng. Một buổi chiều kia, sau trận mưa đầu mùa, cảnh vật tươi mát hẳn lên, thiên nhiên càng thêm hữu tình, hai nhà sư Tan-đan và E-ki-đô cùng xuống núi, thong dong tản bộ dọc theo con đường dẫn vào một làng quê. Tới một khúc đường quẹo, hai người gặp một cô gái xinh đẹp trong bộ áo Kimônô sặc sỡ và chiếc khăn quàng bằng lụa óng ả. Cô gái đứng bên vệ đường dáng vẻ băn khoăn vì không thể băng qua khúc đường lầy lội với một trang phục như thế. Nhà sư Ta-đan liền bảo; - Đi lối này cô bé. Rồi không để cô gái kịp xoay xở, Tan-đan nhanh tay bồng cô gái, bước qua vũng lầy và đặt cô xuống bên kia đường. Cô gái tỏ dấu cám ơn, còn nhà sư thì mỉm cười đáp lễ rồi tiếp tục cuộc đi dạo. nhưng từ lúc ấy ê-ki-dô không buồn nói với bạn nữa lời. Mãi tới khi hai người dùng chân trước ngôi đền, E ki do không nhịn lâu hơn được, liền nói với Tan đan: - chúng ta là những nhà sư, không được phép gần đàn bà, nhất là những đàn bà trẻ đẹp. Nguy hiểm lắm! Sao anh lại dám làm như thế. Tan-dan mỉm cười và thản nhiên đáp: - Tôi đã bỏ nàng ở chỗ vũng lội rồi. Còn anh, sao anh vẫn mang nàng tới tận nơi đây?* Câu chuyện này có nhiều người kể hơi khác, nhưng đại để là tội tại lòng. Suy diễn: Khi con người thực sự làm chủ được mình, khi họ có được một tâm hồn hoàn toàn siêu thoát, chính là lúc họ không còn bị ràng buộc hay bị chi phối bởi bất cứ điều gì nữa. Đây là một con người tự do đích thực. Cuộc sống làm người, cuộc sống đức tin hay cuộc đời tu hành của họ sẽ không ngừng thăng tiến trong an bình và hân hoan.    Đó cũng chính là cuộc sống mà thánh Phao-lô cầu mong cho mọi người ki tô hữu khi Ngài nói: “Họ có vợ mà như không có, khóc mà như không khóc, vui mà như không vui, mua sắm mà như không có gì, dùng của đời mà như không dùng chi cả”. (xem 1Cr. 7:29-31)"   

Sưu tầm


CHÚA YÊU TA CÁCH TRỌN VẸN.

Một ông mục sư trung thành, đạo đức, đang đau nặng. Anh em tín đồ quỳ cạnh giường bệnh, cầu xin Chúa cứu chữa ông. Họ nhắc với Chúa răng ông coi sóc bầy chiên của Ngài rất tận tâm, và họ lặp đi lặp lại mấy chữ: “Chúa biết răng ông mục sư yêu mến ngài biết bao.” Nghe vậy ông mục sư bèn xoay qua phía họ mà nói:    
- Xin anh em đừng cầu nguyện như thế. Khi Maria và Matha sai người đi mời Đức Giếsu, thì họ không nói: “Lạy Chúa, này kẻ yêu Chúa”, nhưng phải nói: “Lạy Chúa này kẻ Chúa yêu, mắc bệnh.” tôi được an ủi chẳng phải vì tôi yêu Chúa cách bất toàn, nhưng vì Chúa yêu tôi cách trọn vẹn.”"

Sưu tầm


CHÚA NHẬM LỜI AI?

Chỉ còn hai người sống sót sau một vụ đắm tầu. Sáng hôm sau hai người này lên được một hòn đảo hoang. Trước khi bị đắm tầu, họ đã tranh luận với nhau, về việc cầu nguyện, nên giờ đây hai người đánh cá với nhau xem ai sẽ được Chúa nhận lời họ cầu nguyện. Họ chia đảo nhỏ ra làm hai phần mỗi người chiếm cứ một phần đảo để dễ kiểm chứng lời cầu nguyện của ai sẽ được chấp nhận. Sáng hôm sau người thứ nhất thấy nơi phần đảo của mình có những cây ăn trái nặng trĩu những trái thơm ngon. Còn bên phần đất của người thứ hai thì không có gì cả. Một tuần lễ sau, người thứ nhất cầu nguyện cho có người nữ nào đó đển để cưới làm vợ vì anh ta cảm thấy cô đơn. Sáng hôm sau, vì có tầu bị đắm gần đấy, và chỉ có một người sống sót dạt vào bờ bên phần đất của anh. Đó là một người nữ. Thế là người thứ nhất lập gia đình với người nữ ấy và rồi xin cho có con cái, nhà cửa. Anh được như ý. Nhưng bên phần đất của người thứ hai thì vẫn chưa thấy có gì cả. Cuối cùng người thứ nhất cầu nguyện xin cho có tầu đến cứu để đưa anh về đất liền. Anh cũng được tọai nguyện, vì vài hôm sau có tầu hàng đi qua ghé vào đảo. Khi người thứ nhất vui mừng bước lên tầu với vợ  con thì bỗng nghe một tiếng lạ từ trời phán xuống: - Còn người thứ hai kia thì sao? Con bỏ anh ta lại đảo hoang này một mình à? Người thứ nhất nhanh nhẹn trả lời: - Thưa ngài, đây là kết quả những lời cầu nguyện của riêng tôi vì tôi đã cầu nguyện. Anh kia cũng cầu nguyện nhưng không được gì cả thì anh ta đành phải chịu vậy chứ sao? Tiếng từ trời phán tiếp: - Con lầm rồi. Ta đã nhận lời cầu nguyện của anh ta chứ không phải lời cầu nguuyện của con. Người thứ nhất thắc mắc hỏi lại thì được trả lời: - Con muốn biết anh ta cầu nguyện thế nào ư? Phải, ngày đêm anh ta đã không ngừng lập lại với ta rằng: “Xin Chúa nhận lời cầu nguyện của anh bạn con.” Có hai lời cầu nguyện: lời cầu nguyện của những tâm hồn biết nghĩ đến nhu cầu của người khác và lời cầu của người ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình. Biết bao lần chúng ta đã đón nhận được muôn vàn ơn Chúa nhờ lời cầu nguyện của những tâm hồn quảng đại. Họ đã hy sinh cuộc sống, hy sinh bản thân, chấp nhận đau khổ để không ngừng dâng lên Chúa những lời cầu đầy vị tha đầy tình thương ấy. Cho mọi nhu cầu của thế giới cũng như của mỗi người chúng ta. Tấm gương của những tâm hồn quảng đại ấy cũng mời gọi chúng ta ra khỏi chính mình, mở rộng cõi lòng và giang rộng vòng tay trước mọi nhu cầu của anh chị em đang cần đến cuộc sống hy sinh và lời cầu nguyện của ta."       

Sưu tầm


CHÚA ĐẾN VỚI THA NHÂN

 Một tác giả kể câu chuyện ngụ ngôn sau đây: Vào buổi sáng nọ, người thợ giầy thức giấc rất sớm. Anh quyết định chuẩn bị chiếc xưởng nhỏ của anh cho tươm tất rồi vào phòng khách chờ đợi cho bằng được người khách quí. Và người khách đó không ai khác hơn là chính Chúa, bởi vì tối qua trong giấc mơ, Ngài đã hiện ra và báo cho anh biết Ngài sẽ  đến thăm anh trong ngày hôm sau Người thợ giầy ngồi chờ đợi, tâm hồn tràn ngập hân hoan. Khi những tia nắng sớm vừa rọi qua khung cửa, anh đã nghe được tiếng gõ cửa. Lòng anh hồi hộp , sung sướng, hẳn là Chúa đến. Anh  ra mở cửa. Thế nhưng kẻ đang đứng trước mặt anh không phải là Chúa, mà là người phát thư. Sáng hôm đó là một ngày cuối đông, cái lạnh khiến mặt mũi, tay chân người phát thư đỏ như gấc. Người thợ giầy không nỡ để nhân viên bưu điện phải run lẩy bẩy bên ngoài cửa. Anh mời ông ta vào nhà và pha cà phê mời khách. Sau khi đã được sưởi ấm, người phát thư đứng dậy cám ơn và tiếp tục công việc. Người thợ giầy lại vào phòng khách chờ Chúa. Nhìn qua cửa sổ, anh thấy một em bé đang khóc sướt mướt trước cửa nhà. Anh gọi nó lại, hỏi cớ sự. Nó mếu máo cho biết đã lạc mất mẹ và không biết đường  về nhà. Người thợ giầy lấy bút viết vài chữ để lại trên bàn để báo cho người khách quí biết mình phải đi ra ngoài. Nhưng tìm đường dẫn đứa bé về nhà đâu phải là chuyện đơn giản và nhanh chóng. Mãi chiều tối anh mới tìm ra nhà đứa bé, và anh về lại nhà thì phố xá đã lên đèn. Vừa bước vào nhà, anh đã thấy có người đang đợi anh, nhưng đó không phải là Chúa, mà là một người đàn bà với dáng vẻ tiều tuỵ. Bà cho biết đứa con của bà đang ốm nặng và bà đã không thể chợp mắt suốt đêm qua. Nghe thế, người thợ giầy lại hối hả đến săn sóc đứa bé. Nửa đêm anh mới về đến nhà, anh để nguyên quần áo và lên giường ngủ. Thế là một ngày đã qua mà Chúa chưa đến thăm anh. Nhưng đột nhiên trong giấc ngủ người thợ giấy nghe thấy tiếng Chúa nói với anh: -Cám ơn con đã dọn cà phê nóng cho Ta uống. Cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà. Cám ơn con đã săn sóc an ủi Ta. Cám ơn con đã tiếp đón Ta ngày hôm nay. Ý nghĩa câu chuyện quá rõ ràng: mỗi lần chúng ta tiếp đón một trong các người anh em là chúng ta tiếp đón chính Chúa. Hằng năm chúng ta hân hoan đón mừng Chúa Giáng sinh. Hai ngàn năm trước ngài đã đi gõ cửa từng quán trọ, nhưng không một cánh cửa nào đã mở ra đón tiếp , đến nỗi Ngài đã phải Giáng sinh trong hang bò lừa. Từ đó, ngài vẫn không ngừng đi gõ cửa từng tâm hồn. Giáng sinh lại đến mỗi lần có một tâm hồn quảng đại biết mở rộng cửa đón nhận Ngài. Ngài cần một tách cà phê, một chén cơm , một ly nước, một lời khích lệ, một sự cảm thông, tha thứ. Bao nhiêu nghĩa cử là bấy nhiêu lễ Giáng Sinh."    

Sưu tầm