Truyện Minh Hoạ - Bác Ái

Bác ái với người chết

Ở Thiên đàng chỉ nhận tiền mà trước đó đã được dùng vào việc giúp người khác

Một câu chuyện hoang đường của Nga kể lại rằng:

Một phú hộ kia khi gần chết chỉ suy nghĩ đến tiền của, thứ đã làm cho ông bận rộn suốt đời. Dùng chút sức lực còn lại, ông cố gỡ chiếc bọc nhỏ ở cổ và lấy chiếc chìa khóa  trao cho người đầy tớ gái.  Ông chỉ cái rương nằm trong góc nhà và ra lệnh cho cô ta lấy bọc tiền ở trong đó bỏ vào quan tài.

Khi chết đi, ông bắt đầu một cuộc sống mới ... Đứng trước chiếc bàn đủ thứ cao lương mỹ vị, ông hỏi:

- Món này giá bao nhiêu vậy?

- Người bán hàng trả lời: một xu!

Ông phú hộ chỉ món khác và hỏi:

- Còn cái ngoài kia bao nhiêu?

- Cũng một xu thôi! - Người bán hàng nhã nhặn trả lời-

Thấy người bán hàng vui tính, ông tiếp tục hỏi:

- Còn miếng bánh này?

- Tất cả mọi thứ đều chỉ một xu.

Ông phú hộ mỉm cười: Rẻ thật!

Sau một hồi ngắm nghía, ông chọn một đĩa ăn lớn. Nhưng khi ông lấy một đồng vàng ra trả, cô thu tiền không nhận.

Cô vừa lắc đầu vừa nói với ông:

- Ông đã học được quá ít trong cuộc sống.

Người ta thấy ông phú hộ càu nhàu và gặng hỏi:

- Cô nói thế có nghĩa gì?  Đồng tiền vàng của tôi không đủ sao?

Bấy giờ, người thu tiền cho ông biết:

- Ở đây chúng tôi chỉ nhận những tiền mà trước đây nó được dùng vào việc giúp đỡ người khác."

Sưu tầm


Bác sĩ Albert Schvveitzer

Trong một mẩu chuyện tự thuật, nhà truyền giáo và đồng thời cũng là 1 Bác sĩ, ông Albert Schvveitzer, đã ghi lại những tư tưởng và lịch khúc quanh cuộc đời mình như sau:

Tôi đã bỏ địa vị giáo sư tại Đại học Strabourg, bỏ công việc tìm tòi khảo cứu khoa học của tôi, bỏ thú tiêu khiển ưa thích nhất của tôi là chơi đàn đại phong cầm, để ra đi hành nghề Bác sĩ tại các vùng nhiệt đới Phi Châu.

Câu chuyện xẩy ra như thế nào ?

Khi đã vào lứa tuổi 30, tôi quyết định theo học ngành Y khoa để có thể đem thử nghiệm những ý tưởng của tôi. Bởi lẽ tôi đã đọc nhiều về những nỗi đau khổ vì bệnh tật của những sắc dân sinh sống trong các khu rừng già, cũng như tôi đã từng nghe những nhà truyền giáo nói về cuộc sống bán khai của họ. Càng nghĩ về họ, về những nỗi thống khổ của họ, tôi càng lấy làm lạ là những người Âu Châu không chút bận tâm về những bổn phận nhân đạo to lớn mà những dân tộc sinh sống tại những vùng hẻo lánh đó cống hiến cho họ. Rồi bài Dụ ngôn Người Phú hộ và Anh ăn mày Lazarô hình như trực tiếp nói với tôi.

Tội lỗi của người phú hộ đối với anh ăn mày là không mảy may bận tâm về số phận của 1 người hành khất hằng ngày bị đói khổ nằm trước dinh thự của mình. Ông ta không để ý cho con tim và lương tâm nói cho mình biết phải làm gì đối với anh ăn mày. Cũng thế, chúng ta đang phạm tội đối với người nghèo khổ đang nằm trước ngưỡng cửa nhà chúng ta.

Những tư tưởng trên đã hướng dẫn ông Albert Schvveitzer từ bỏ tất cả để ra đi dấn thân chăm sóc và chữa lành cho các bệnh nhân sinh sống tai các vùng rừng già Phi Châu. Qua đó, ông đã rao giảng về Nước Trời, cũng như góp tay xây dựng hòa bình giữa các dân tộc.

Vào năm 1952, nhà truyền giáo và Bác sĩ Albert Schvveitzer đã nhận được giải thưởng Nobel về Hòa Bình. Nhưng đáng chú ý hơn là sự dấn thân và cuộc sống của ông phản ảnh phần nào ý nghĩa của những lời Đức Giêsu căn dặn các môn đệ của Ngài trước khi sai họ đi rao giảng Tin Mừng. (Mt. 10,7-15)"

Sưu tầm


BÁC SĨ TOM DOOLEY

Tom Dooley sinh trưởng trong một gia đình giàu có ở St. Louis, Missouri. Khi còn nhỏ, Tom có mọi sự Tom muốn.

Tom muốn làm Bác sĩ. Đó có thể là một cách bảo đảm có tiền để hưởng thụ cuộc sống. Tom đã có thể chăm chỉ học hành hơn, nhưng thực ra anh chỉ học đủ để thi đậu. Cuối cùng anh cũng đã thật sự trở thành Bác sĩ. Rồi Tom gia nhập Hải quân và được gởi sang Việt nam để phục vụ.

Đến Việt nam, Tom thấy hàng ngàn người nghèo đói, đau khổ và rất nhiều người bệnh tật. Họ đã bỏ nhà cửa đi tìm tự do. Là một Bác sĩ. Tom cũng biết được rằng có nhiều người chưa từng bao giờ đi Bác sĩ, vì những nơi đó không có Bác sĩ.

Kinh nghiệm làm việc ở Việt nam đã biến đổi đời sống của Bác sĩ Tom. Ông bỏ ý định làm giàu. Sau khi nghỉ làm việc cho  Hải quân, Bác sĩ Tom trở lại vùng Đông Nam Á và mở một bệnh viện nhỏ ở Lào. Ông học tiếng Lào. Ông yêu mến người Lào. Người Lào tin tưởng và yêu mến ông. Ông huấn luyện một số người làm y tá và điều dưỡng viên để chăm sóc bệnh nhân.

Một ngày kia Bác sĩ Tom khám phá ra ông bị bệnh ung thư. Ông biết mình không còn sống được bao lâu nữa. Ông làm việc nhiều hơn để giúp những người đau ốm. Ông dâng hiến đời mình cho Chúa Kitô. Ông mất năm 1961 khi được 34 tuổi.

Nhân dân Lào và Việt nam ca ngợi lòng can đảm và thương người của ông. Hải quân và Quốc hội Hoa Kỳ đã tưởng thưởng huy chương đặc biệt cho ông. Ông là người Hoa Kỳ cao thượng và là một người Công giáo cao cả. Ngày nay Giáo hội Hoa kỳ đang vận động để xin phong thánh cho ông."

Sưu tầm


BÁC SĨ TRỞ THÀNH NỮ TU

Cô Bác sĩ Sheila Cassidysau 4 năm hành nghề tại Chí Lợi, Nam Mỹ và sau 2 tháng bị tù, bị tra tấn dã man, đã tìm được ý nghĩa cuộc đời phục vụ và quyết định vào tu dòng Thánh Tâm

Cô năm 1971 từ giã Anh quốc tới lập nghiệp tại Chí Lợi. Theo cô, mục đích là để nổi danh, nhưng những thối nát của chính phủ, cảnh đói khổ, thiếu thốn thuốc men… của dân chúng, những kinh nghiệm cuộc sống đã biến đổi cô. Cô không hám danh nữa chỉ còn muốn phục vụ

Đêm 31.10.1975 cô bị cảnh sát Chí Lợi bắt khi cô đang săn sóc cho một sơ đang ốm. Bị buộc tội cấp cứu cho cộng sản, cô bị tra tấn dã man, bị điện giật… cô đã suy nghĩ nhiều: đời tu sẽ là đời cho đi tất cả, giống như một tấm ngân phiếu trống đã được ký tên. Tôi dâng đời tôi cho Thiên Chúa. Tôi nhận tất cả những gì Chúa muốn tôi làm. Tôi chỉ muốn  theo ý ngài. Không điều kiện. Nếu tương lai Chúa muốn tôi tiếp tục nghề Bác sĩ, tôi rất thích. Nếu Chúa muốn khác, tôi vui nhận."

Sưu tầm


DA TRẮNG DA ĐEN

Tối hôm ấy, một người da đen đang đi bộ dọc theo phố 42 ở New York, trên đường từ nhà ga về khách sạn. Anh ta tay mang tay xách hai chiếc va ly hành lý khá nặng.

 Bất chợt, một giọng nói đàn ông từ phía sau anh:

“Này người anh em, nếu không ngại, hãy cho phép mình phụ mang một chiếc va ly. Mình cũng về cùng đường với bạn đây.”

Anh chàng da đen hơi ngần ngừ trong chốc lát, nhưng cuối cùng đã trao cho người đàn ông da trắng ấy một trong hai chiếc va ly của mình. Hai người sánh bước qua mấy dãy phố, chuyện trò râm ran như hai bạn cố tri.

 “Và thế đó” – Booker T. Washington kể – “Đó là câu chuyện gặp nhau lần đầu tiên giữa tôi và Theodore Roosevelt.”

Lê Công Đức, Lm


NGƯỜI ĐẸP NHẤT

Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập, một công ty mỹ phẩm nổi tiếng tổ chức cuộc thi: “Người phụ nữ quanh tôi”. Theo đó, người dự thi phải gửi đến những lá thư ngắn nói về người phụ nữ đẹp nhất mà mình đã gặp, đã quen biết và đã cùng sống. Kèm theo là chân dung của người đẹp này. Trong vài tuần lễ, công ty đã nhận được hàng ngàn lá thư gửi về.

Trong số này có một lá thư gây được sự chú ý đặc biệt. Tác giả lá thư là một cậu bé 9 tuổi, sống trong ngôi nhà ở một ngõ cụt của khu xóm ven kênh rạch. Lá thư còn đầy lỗi chính tả, có đoạn viết:

“Người phụ nữ đẹp nhất đó ở cách nhà cháu một dãy phố. Cháu đến thăm bà mỗi ngày. Bà làm cháu cảm thấy mình là một đứa trẻ có giá trị và quan trọng nhất trên đời. Bà cùng chơi cờ với cháu và chăm chú lắng nghe những câu hỏi của cháu. Bà hiểu cháu rất rõ, và khi cháu ra về bà luôn nói to lên là bà rất hãnh diện về cháu.

Bức ảnh đó cho các ngài thấy bà quả là người phụ nữ đẹp nhất. Cháu hy vọng sau này sẽ có một người vợ đẹp như bà”.

Bị hấp dẫn bởi lá thư, ông giám đốc công ty muốn xem ngay hình người phụ nữ đó. Cô thư ký đưa ra tấm hình của một bà cụ tươi cười nhưng đã rụng hết răng! Mái tóc muối tiêu của bà được búi gọn sau gáy, và những nếp nhăn hằn sâu hai bên má dường như lu mờ đi phần nào dưới vẻ lấp lánh của đôi mắt sáng trong xanh đầy tự tin.

Cuối cùng, ông giám đốc mỉm cười:

- Rất tiếc là chúng ta không thể dùng chân dung người phụ nữ này để quảng cáo cho công ty được vì bà chứng tỏ cho mọi người biết: để trở nên người phụ nữ đẹp, chẳng cần đến những mỹ phẩm của công ty chúng ta! Thật tiếc!

Sưu tầm


BÀN TAY DỊU DÀNG  

Phòng cấp cứu chuyển ông xuống khoa tim mạch . Tóc dài, râu tua tủa, dơ bẩn và béo ị một cách bệnh tật, ông khoác hờ hững một chiếc áo jacket bằng da cáu bẩn và rách tươm . Toàn thân ông bốc mùi nồng nặc của rượu, của mồ hôi đã lâu không tắm giặt, và nhất là cái mùi của những bãi rác mà ông thường lê la .

Thoạt nhìn thấy ông được đẩy vào phòng, những nữ y tá đã giật mình và bối rối nhìn nhau . "Đừng, tôi không muốn chăm sóc người này", dường như y tá đang nói với nhau bằng ánh mắt . Họ lấm lét nhìn Bonnie, người y tá trưởng vốn nổi tiếng nghiêm khắc và nguyên tắc . Ai cũng sợ bị phân công tắm rửa cho người đàn ông mới được chuyển vào .

Bonnie nhìn quanh một lượt rồi quyết định một điều mà không ai có thể nghĩ đến: "Đây sẽ là bệnh nhân của tôi". Bonnie nhanh nhẹn mang găng tay cao su và một mình chuẩn bị xà hpòng, thuốc sát trùng, dao cạo ...

Dịu dàng, dè dặt, Bonnie vừa tẩy rửa vừa giúp người đàn ông không còn cảm thấy sợ sệt nữa . Cô nhẹ nhàng nói: "Vào những ngày lễ chúng tôi rất bận bịu . Nhiều khi việc vệ sinh cho các bệnh nhân cũng được làm một cách qua loa . Ông hãy thư giãn cơ thể và cảm nhận làn nước mát này . Nó sẽ làm ông cảm thấy dễ chịu vì bệnh viện là nơi người ta thấy yêu cuộc sống hơn".

Thân thể người đàn ông đầy những vết sẹo nham nhở . Có thể ông đã nghiện rượu, ma túy, đã từng tham gia thanh toán trong các băng đảng ... Bonnie vừa chùi rửa vừa cầu nguyện cho một linh hồn bị vùi dập trong cuộc đời khắc nghiệt .

Công đoạn cuối cùng của Bonnie là xoa sữa làm ấm cơ thể và thoa phấn trẻ em lên người bệnh nhân . Ngược với vóc dáng dữ tợn, khi úp mặt vào gối để được xoa bóp ở lưng, người đàn ông tấm tức khóc . Khi quay lại, đột nhiên ông ta nhìn Bonnie với một ánh mắt xanh lơ đẹp kỳ dị:

"Cám ơn cô . Đã lâu lắ rồi không có ai chạm vào người tôi một cách dịu dàng thế này! Dường như trái tim tôi cũng đang liền sẹo!".

Từ Chicken soup for the soul


CÂU CHUYỆN CHA MARCÔ

Hồi xưa, trong đan viện cổ kính ở Octo Boygen (?) bên Đức, có 1 vị Linh mục già rất được các giáo hữu lân cận và các đan sĩ quí mến, vì cha không bao giờ gắt gỏng với bất cứ một ai. Cha tên là Marcô.

Ngày kia, cha đi thăm 1 vị linh mục bị đau ở một làng gần đó. Lúc rời nhà vị Linh mục bạn trở về ngài gặp một bà ở gần đó đón đường và xin cùng đi với ngài. Cha Marcô vui vẻ nhận lời. Đi được 1 quãng, người đàn bà lên tiếng nói:

- Thưa cha, cha biết không? Cái bà láng giềng của con thật là 1 người gian ác.

Nghe đến đây, cha Marcô liền ngắt lời:

- Có thật vậy không ? Chúng ta hãy mau đọc kinh Mân côi để cầu cho bà ấy. Xin Chúa và Mẹ Maria cho bà ta biết sớm sửa mình.

Rồi không để cho người phụ nữ mách lẻo kia nói thêm câu nào, cha Marcô làm dấu thánh giá và đọc với 150 kinh Kính mừng. Đi được 1 phần 3 quãng đường, người đàn bà kia lại nói:

- Thưa cha, con không thể nào chịu được bà láng giềng xấu xa đó.

- Quả thật -Cha đáp- tập được nhân đức kiên nhẫn là điều khó khăn. Nào, chúng ta cũng đọc kinh xin Chúa cho bà được thêm kiên nhẫn. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần . . .

Thế là thêm 150 kinh Kính Mừng nữa được vị linh mục và người đàn bà kia đọc lên. Khi lời kinh cuối cùng vừa dứt, người đàn bà kia lại nói:

- Thật con nghĩ, giá mà cha tận mắt trông thấy cái bà láng giềng của con hành hạ chồng như thế nào ?

-Thế hả ? -Cha Marcô tiếp ngay-. Tội nghiệp ông chồng đó quá!  Vậy chúng ta đọc tiếp một chuỗi Mân côi cho ông ta nhé. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần . . .

hi tràng 150 kinh Kính Mừng vừa chấm dứt thì hai người cũng vừa đi tới trước cổng đan viện . . .

Câu chuyện trên đây cho chúng ta thấy lòng Bác ái sâu xa và lòng tôn trọng danh dự của tha nhân vốn có nơi cha Marcô. Cha đã khéo léo không trở thành dịp khuyến khích người đàn bà kia làm hại tới danh dự của người khác."

Sưu tầm


CÁI VÍ ĐÁNH RƠI

Phúc cho kẻ nghèo khó.

Trong bài giảng số 178, Thánh Autinh có kể lại câu chuyện xảy ra lúc Ngài sống tại Millaro bắc nước Ý như sau:

Ngày kia có một người nghèo nhặt được một cái ví, trong đó có hai trăm  đồng vừa vàng vừa bạc. Nhớ lại lời Chúa, người đó muốn trả lại cái ví cho người chủ. Nhưng không biết tìm đâu ra người chủ. Người nghèo liền viết một tấm bảng kêu gọi người mất ví tìm đến nhà mình để nhận lại.  Đọc được tấm bảng người mất ví tìm vào nhà người nghèo để xin nhận lại cái ví. Sau khi tra hỏi kỹ càng, người nghèo liền trao cái ví cho người chủ.  Người này cảm ơn rối rít và tặng cho người nghèo hai mươi đồng, tức là mười phần trăm số tiền có trong ví, theo như qui định thời bấy giờ.  Nhưng người nghèo nhất quyết không nhận món quà. Người chủ liền trao cho mười đồng, nhưng ông cũng từ chối. Cuối cùng người chủ nài nỉ ông nhận cho năm đồng, người nghèo cũng một mực không nhận.  Khổ tâm vì không thể nói lên được lòng biết ơn của mình, người chủ đành ném cái ví xuống đất rồi nói như sau: “Bởi vì ông không chịu nhận cho một đồng nào, nên tôi tuyên bố là tôi cũng không hề mất một đồng nào”. Nghe thế, người nghèo đành phải nhận món quà của người giầu.  Nhưng tức khắc ông đem chia sẻ tất cả cho những người nghèo khổ hơn ông."

Sưu tầm


CẢM TẠ CHÚA

Một ngày cuối năm 1965, trên một chuyến bay từ Ý về Mỹ chở một số giám mục Mỹ mới đi dự Công đồng Vaticanô II về, có một nữ chiêu đãi viên hàng không rất xinh đẹp, tận tình phục vụ hết sức nhã nhặn đối với mọi hành khách.  Đặc biệt trong chuyến bay này, cô cảm thấy bực mình và mất tự nhiên trước một đôi mắt cứ chăm chú nhìn mãi vào khuôn mặt và vóc dáng của cô mỗi khi cô xuất hiện.  Cô lại càng bất bình hơn nữa khi biết rằng đôi mắt ấy là của một vị tu sĩ đáng kính: Đức Cha Fulton Sheen, vị Giám Mục tông đồ lừng danh của nước Mỹ.  Khi phi cơ hạ cánh, Đức Cha đợi các hành khách xuống hết rồi mới tiến đến trước mặt cô gái ngỏ ý một cách đứng đắn Trang trọng, nhưng không kém phần trìu mến: “Hỡi cô bé, cô đẹp lắm.  Cô hãy cảm ơn Thiên Chúa vì Người đã ban tặng cho cô một sắc đẹp tuyệt vời... “

Thế rồi, chỉ vài ngày sau có tiếng gõ cửa văn phòng làm việc của ĐC Fulton Sheen ở New York.  Cô chiêu đãi viên hàng không vào đề ngay khi vừa ngồi xuống ghế: “Thưa Đức Cha, câu nói của ĐC, con phải cám ơn Thiên Chúa như thế nào cho xứng đáng với những gì Người đã ban cho con?” Thay vì trả lời, Đức Cha điềm đạm đặt lại một câu hỏi: “Cô có bao giờ nghe nói về một trại cù mang tên Di Linh ở Việt nam không?” Cô gái ngước đôi mắt xanh như dò hỏi: “Thưa Đức Cha, con có lần đọc báo và nghe nói đến”.  Đức Cha dõi mắt nhìn xa xăm qua khung cửa sổ: Thiên Chúa, hiểu theo một nghĩa nào đó, đã dành tất cả những vẻ đẹp của những người cùi ở đó mà ban cho cô.  Nếu cô thành tâm muốn cảm tạ Thiên Chúa, cô hãy sang Việt nam và tìm cách an ủi họ bằng đời sống phục vụ”.

Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để cho sau đó cô chiêu đãi viên đã trút bỏ tất cả tương lai huy hoàng, tự nguyện khoác áo nữ tu.  Và sau một thời gian tập sự học hỏi, cô đã xin được sang Việt nam để phục vụ những người bất hạnh ở Di Linh."

Sưu tầm