Truyện Minh Hoạ - Bác Ái

Nhìn nhầm

Một tay cao bồi cưỡi ngựa băng qua sa mạc. Thình lình anh gặp một người da đỏ nằm sóng soãi trên đường, đầu trẹo nghiêng, úp một tai xuống đất.

“Làm chi đó, sếp?” Chàng cao bồi hỏi.

“Da trắng, to cao, tóc hung, lái một chiếc Mercedes-Benz, trên xe có một con chó bẹc-giê Đức, bảng số SDT965, chạy về hướng tây.”

“Hử, chỉ úp tai xuống đất mà sếp nghe được tất cả những thông tin đó à?”

“Tui có nghe gì dưới đất đâu! Tên chó đẻ ấy đã cán tui.”

Sưu tầm


Bố thí

Một người ăn mày đứng trước cửa văn phòng của ông trọc phú nọ để xin của bố thí.

Ông trọc phú gọi người thư ký của mình và nói: “Cậu có thấy người đàn ông tội nghiệp đứng đàng kia không? Nhìn kìa, mấy ngón chân của ông ta thòi ra khỏi giày, quần ông ta xơ xác, áo rách bươm. Tôi dám chắc ông ta không có dao cạo râu, không có nước tắm rửa – và chắc khá lâu rồi ông ta không có được bữa ăn nào ra hồn. Tôi thật đau lòng khi phải nhìn một tình cảnh khốn khổ như thế. Vậy, nào, anh hãy đưa anh ta đi khuất mắt tôi. Mau!”

-Một người đàn ông cụt hai tay hai chân đang ăn xin bên vệ đường. Lần đầu tiên gặp anh ta, tôi quá động lòng – và tôi đã bố thí cho anh một ít tiền. Lần thứ hai, tôi cũng cho tiền, nhưng ít hơn. Lần thứ ba, tôi lạnh lùng giải anh ta tới cảnh sát vì anh ta ăn xin nơi công cộng và gây phiền toái cho người ta.

Sưu tầm


Làm rồi hãy nói

Một anh lính nhảy dù nhảy ra khỏi máy bay gặp bữa có gió lớn. Anh bị thổi tạt đi xa đến hàng trăm dặm. Rồi, chiếc dù vướng vào một tàng cây. Bị treo lửng lơ ở đó trong mấy giờ liền, anh cố sức kêu cứu.

Cuối cùng, có người đi ngang qua, ngước nhìn lên, hỏi anh: “Làm sao anh lại leo lên đó được vậy?”

Anh lính nhảy dù kể lại cho người kia nghe sự việc. Rồi anh hỏi: “Tôi đang ở đâu đây?”

“Trên một ngọn cây.” Người kia trả lời.

“Chà, chắc ông là một giáo sĩ, phải không?”

Người đứng dưới đất giật bắn mình. “Vâng, tôi là giáo sĩ. Nhưng làm sao anh biết?”

“Vì điều ông nói hoàn toàn đúng nhưng cũng hoàn toàn vô dụng.”

Sưu tầm


Ăn trộm trở thành đệ tử

Buổi chiều, khi Shichiri Kojun đang tụng kinh, một tên trộm, tay cầm 1 lưỡi gươm bén bước vào bảo Shichiri đưa tiền cho hắn, nếu không, hắn sẽ giết chết. Shichiri nói với hắn

- Đừng có làm phiền ta. Tiền để trong ngăn kéo kia, anh có thể lấy đi.

Rồi Shichiri tiếp tục đọc kinh. Một lát sau, Shichiri dừng lại, gọi:

- Này, đừng có lấy hết nghe. Ta cần một ít để mai đóng thuế đó!

Tên trộm nhặt gần hết số tiền và bắt đầu chuồn.

- Hãy cảm ơn người ta khi anh nhận quà chứ, -Shichiri nói thêm. Tên trộm cám ơn ông rồi đi.

Ít hôm sau, tên trộm bị bắt. Giữa đám đông, hắn xưng đã phạm tội với Shichiri. Khi Shichiri được mời đến làm chứng, ông nói:

- Người này không phải ăn trộm, Ít nhất là về phần tôi."

Sưu tầm


ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI

Ngày kia, một vị linh sư gọi các đệ tử lại và hỏi: “Khi nào thì ta biết đêm chấm dứt và ngày bắt đầu?” Các đệ tử liền lần lượt trả lời: “Khi ta có thể thấy sự khác biệt giữa con trâu và con bò;” “Khi ta thấy được sự khác biệt giữa con vịt và con ngan;” “Khi ta có thể nhìn ra sự khác nhau giữa trái cam và trái táo.”

Vị linh sự gật gù và nói: “Các con đang nói về ánh sáng tự nhiên như yếu tố phân biệt ngày đêm, nhưng làm sao nhận ra ánh sáng tâm linh giữa bóng tối?” Chỉ khi nào tâm hồn chúng ta nhận ra người sống chúng quanh thực sự là  anh chị em mình để yêu thương giúp đỡ."

Sưu tầm


BẮT TAY

Guido Fontgalland, nổi tiếng thế giới vì có một cuộc sống đơn sơ và đầy tình yêu cao thượng đã bay về trời vào năm 1925 khi mới 2 tuổi.

Từ lúc lên 5, mỗi lần bố thí cho người nghèo, Giudo luôn bắt tay họ.

Có người hỏi lý do của cử chỉ này, ông đã trả lời rằng: “Tôi muốn cho người nghèo một chút gì của chính tôi. Tiền của thuộc về ba má tôi, nhưng bắt tay là thuộc về tôi. Tôi thấy rằng những người nghèo rất thích được bắt tay như vậy.”

Sưu tầm


BÀ CỤ GIÀ DẸP KHÚC GỖ

- Phục vụ, sống thực hành

Xanphơ (Ông chủ) sai Êlốp đi dò xem đám cưới của người hàng xóm có nhiều người đến dự không. Êlốp đến nhà người hàng xóm, ném một khúc gỗ xuống ngưỡng cửa nhà ông ta, rồi ngồi bên cạnh chờ khách ra về. Tiệc tan, ai ra khỏi nhà cũng đều vấp phải khúc gỗ nhưng chỉ bực bội nhìn khúc gỗ rồi đi đường mình. Chỉ có một bà cụ già sau khi vấp đã quay lại đẩy khúc gỗ sang bên để người khác không bị cản trở. Êlốp hài lòng trở về gặp chủ.

- Thế nào, ở đấy có nhiều người không? Xanphơ vốn tò mò hỏi.

- Tất cả chỉ có một con người, mà đấy lại là một bà già, Êlốp trả lời.

- Sao lại thế? Người chủ ngạc nhiên.

- Tất cả đều vấp phải khúc gỗ; Êlốp nói, mà không ai dẹp nó đi. Thế mà lũ cừu cũng làm như vậy. Riêng bà cụ già dẹp khúc gỗ đi để người khác không bị ngã. Chỉ có con người mới làm như vậy.

“Một mình bà cụ là người!"

Sưu tầm


BÀI GIẢNG BIẾT ĐI

Một buổi chiều của năm 1953, các ký giả và một số nhân viên chính phủ tập trung tại một nhà ga xe lửa ở Chicago, Hoa Kỳ để chào đón người được giải thưởng Nobel Hoà Bình 1952.

Người vừa xuống khỏi xe lửa là một người đàn ông to lớn, tóc ngắn và mang một chòm râu cắt gọn ghẽ. Các máy ảnh chóp liên hồi. Các nhân vật cao cấp của thành phố dang rộng tay để đón chào vị thượng khách.

Người được giải Nobel Hoà Bình cám ơn mọi người rồi bỗng đưa mắt nhìn vào một chỗ nào đó trên sân ga. Ông xin kiếu vài phút để đi thẳng về hướng ấy. Mọi người đều tưởng ông đã để quên một hành lý nào chăng.

Ông băng qua đám đông đi thẳng tới một người đàn bà có tuổi đang khệ nệ với hai va li nặng. Ông giơ tay đỡ lấy một chiếc va li, mỉm cười với bà rồi dẫn bà ra một chiếc xe buýt gần đó. Khi giúp người đàn bà lên xe, ông không quên chúc bà thượng lộ bình an. Quay lại với đám đông đang chờ đợi, ông nói : “Xin lỗi quí vị vì đã bắt quí vị chờ”.

Người được giải Nobel Hoà Bình năm ấy, không ai khác hơn là Bác sĩ Anbert Schweiser, nhà truyền giáo nổi tiếng đã hy sinh cả cuộc đời cho những người nghèo tại Phi Châu. Chứng kiến cử chỉ của ông, một người trong ban tổ chức đón tiếp ông hôm đó, đã nói với các ký giả: “Đây là lần đầu tiên tôi thấy một bài giảng biết đi”.

Lời của Thiên Chúa luôn được thể hiện bằng hành động.

Lời Ngài nói ra liền có trời đất muôn vật , Thiên Chúa không chỉ nói yêu thương con người bằng những lời nói suông. Lời nói yêu thương cửa Ngài đã hoá thành nhục thể để chia sẻ toàn vẹn thân phận con người. Và cuối cùng, có lẽ không còn ngôn ngữ nào diễn tả được tất cả tình yêu của Ngài đối với con người, nên lời yêu thương ấy đã âm thầm đón nhận cái chết trên thập giá.

Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá chính là lời tỏ tình trọn vẹn và cuối cùng mà Thiên Chúa ngỏ với con người. Đó là chân lý của Giáo Hội mời gọi con người không ngừng suy niệm trong suốt cuộc đời của mình. Thiên Chúa yêu thương con người và dùng chính cái chết của Con một Ngài để tỏ bày tình yêu ấy với con người.

Bài học yêu thương này chỉ có thể được hiểu và đón nhận bằng tất cả cuộc sống của chúng ta mà thôi. Tình yêu luôn mời gọi và đáp trả bằng tình yêu. Một tình yêu đích thực không chỉ được nói lên bằng những hành động cụ thể, bằng cả cuộc sống.

Cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa qua cái chết của Chúa Giêsu, người Ki tô hữu cũng được mời gọi loan báo và san sẻ tình yêu ấy cho mọi người. Họ không chỉ loan báo bằng những lời nói suông , mà bằng cả cuộc sống yêu thương của họ. Họ phải là những bài giảng sống động và biết đi về tình yêu của Thiên Chúa."

Sưu tầm


MỘT BÀI GIẢNG HAY

Một Xếp nông dân người Anh có dịp nghe John Wesley, một nhà thuyết giáo nổi tiếng, giảng trong một buổi lễ.  Các lời của ngài nói thu hút Xếp ta và Xếp chăm chú lắng nghe cả bài, không bỏ sót câu nào, ý nào.

Wesley giảng về việc sử dụng của cải.  Trong điểm thứ I, ngài quảng diễn tư tưởng: “Hãy thu hoạch (làm giàu) tối đa”.  Người nông dân thúc cùi chỏ người đứng bên cạnh và nói: “một bài giảng tuyệt vời. Tôi chưa hề nghe một bài nào như thế từ toà giảng.  Vị này hoàn toàn nói đúng!”

Wesley khai triển tiếp điểm thứ II: “Hãy tiết kiệm tối đa”.

Xếp nông dân nhà ta khoái chí lắm, những gì Xếp nghe  đều rất ăn ý với Xếp.”Chưa bao giờ mình nghe một bài giảng hay như vầy”, Xếp tự nói thầm. Wesley đang lên án sự xa xỉ, các chi tiêu quá đáng và chỉ trích tinh thần ăn chơi phung phí.  Xếp nông dân càng nghe càng thấy thích và Xếp nghĩ trong trí: “Cám ơn Chúa,  xưa nay mình luôn làm và sống như thế mà!”

Cuối cùng, nhà thuyết giáo đi đến điểm thứ III của bài giảng: “Hãy chia sẻ tối đa”. Nghe vậy, bất thình lình nỗi hứng thú của Xếp nông dân xẹp lẹ xuống và Xếp bỏ ra khỏi nhà thờ, dáng tư lự thinh lặng và ... thất vọng!"

Sưu tầm


GIÚP ĐỠ

Một ngày mùa đông giá lạnh, Lady Grey, một phụ nữ quí tộc người Anh, rất giàu có, đã cải Trang làm một người hành khất đi ăn xin từng nhà trong thành phố Luân Đôn. Đến một số nhà, bà đã bị xua đuổi một cách tàn nhẫn. Ở một số nhà khác, bà chỉ được bố thí cho những thứ đáng vất đi.  Hầu như tất cả những nơi ấy đều là những gia đình giàu có dư giả. Thế rồi, bà lại tìm đến những khu nhà lụp xụp nghèo nàn.  Tại một túp lều xiêu vẹo, bà đã được một ông lão tàn tật ân cần mời vào sưởi ấm bên bếp lửa và cùng chia nhau một miếng bánh mì đen.

Hôm sau, người phụ nữ quí tộc ấy cho người đến mời tận nhà những người bà đã đến xin ăn tối hôm trước.  Tất cả được mời vào căn phòng chiêu đãi sang trọng trong dinh thự của bà, mỗi người có chỗ ngồi riêng được dọn sẵn.  Họ trông thấy trước mặt mình là những món ăn y như những thứ họ đã đem bố thí cho bà hành khất: người thì của khoai thối, người thì một miếng bánh đen mốc meo không thể ăn nổi, người thì một cốc nước lã bẩn thỉu, lại   có một số đĩa trống không, chẳng có gì.  Duy chỉ có chiếc đĩa trước mặt ông lão tàn tật nghèo là đầy ắp những món ăn ngon lành sang trọng.  Mọi người chưa hết ngẩn ngơ thì lúc ấy, người phụ nữ quí tộc xuất hiện và bà tuyên bố:

“Hôm qua, tôi đã đích thân đi ăn xin từng nhà để hiểu biết hơn về lòng nhân ái của quí vị.  Hôm nay, tôi chỉ đáp lễ bằng cách dọn ra mời các vị đúng những thứ mà các vị đã cho tôi. Tôi tin rằng các vị cũng sẽ được tiếp đãi như vậy trong bữa tiệc mai sau, trước mặt Thiên Chúa là Đấng bây giờ đang đứng trước cửa nhà của các vị để trông chờ tấm lòng nhân ái của các vị... “

Sưu tầm