Truyện Minh Hoạ - Bác Ái

SỰ KHÓ KHĂN NƠI NHÀ TRỌ

Thời đó, tôi đang dạy lớp 2 tại thành phố London, tỉnh bang Ontario, Canada, và được yêu cầu dựng một hoạt cảnh Giáng Sinh cho mùa Giáng Sinh năm đó. Một số người đã cho rằng những gì xảy ra trong hoạt cảnh đã làm hỏng buổi trình diễn, nhưng có một số người khác lại cho rằng, đây lại là một câu chuyện về Giáng Sinh chân thật nhất mà họ được xem.

Bây giờ, mời bạn làm quan tòa, phân xử xem sao nhé!

Sau một thời gian suy nghĩ và tính toán, tôi cũng thực hiện xong bảng phân vai cho hoạt cảnh. Nhưng cũng gặp phải một điều phiền phức, đó là cậu học sinh, tên là Ralph. Em là một chú bé rất mập, đã được 9 tuổi, mà lẽ ra phải đang học ở lớp 4 cơ đấy. Ngoài sự mập mạp quá đáng, em còn là một chú bé rất vụng về, làm cái gì, hay nghĩ điều gì cũng rất chậm, chậm quá thể. Tuy nhiên, đám trẻ lại rất thương quý em, đặc biệt là những đứa còn bé – Em lúc nào cũng tỏ ra như là người anh lớn tự nhiên phải bênh vực, bảo vệ các em nhỏ.

Ralph muốn là một chú bé chăn chiên với ống sáo trên tay. Tôi mới bảo em, là tôi có được một vai rất quan trọng và rất hợp vối em. Em sẽ là quản lý nhà trọ. Lý do của tôi là: vì bản chất chậm chạp, em sẽ không phải nhớ nhiều lời đối thoại. Thêm nữa, cái khổ người dềnh dàng của em, sẽ làm cho sự từ chối gia đình ông Giuse về chỗ ở trọ, gây nhiều ấn tượng hơn.

Chúng tôi tập đi tập lại hoạt cảnh nhiều lần, mỗi em đều cố gắng và cảm thấy sự quan trọng đóng góp cho sự thành công của buổi trình diễn. Hội trường tràn ngập những người thân và bạn bè cho buổi văn nghệ rực rỡ mỗi năm và trên sân khấu đầy những đứa bé mặt mày hớn hở, vui tươi chờ đợi đến phiên mình diễn, tràn đầy hưng phấn.

Nhưng không ai trong đám đông khán giả hay ở trên sân khấu, lại gặp được những phút giây kì diệu trong đêm trình diễn hoạt cảnh Giáng sinh hơn là Ralph.

Buổi diễn tiến hành rất suông sẻ, không có xẩy ra điều rủi ro nào đáng kể – cho tới khi ông Giuse xuất hiện, với những bước đi chậm chậm, nhẹ nhàng dìu bà Maria đến cửa quán trọ. Ông gõ thật mạnh lên cánh cửa gỗ của quán trọ.

Từ nãy giờ, Ralph chỉ chờ có thế. Em mở tung cánh cửa với một thái độ rất thô lỗ, và la toáng lên:

- "Mấy người muốn gì, hả?"

Ông Giuse nhỏ nhẹ:

- "Dạ, chúng tôi đang cần một chỗ trọ ạ."

- "Đi kiếm chỗ khác đi."

Ralph nhìn thẳng về phía trước, nói thêm với giọng cứng rắn:

- "Quán trọ đầy người rồi."

- "Xin ông thương dùm cho, chúng tôi đã hỏi khắp nơi mà cũng chẳng được gì. Chúng tôi đã đi từ xa đến và đã rất mệt mỏi, thưa ông."

- "Không còn phòng nào cho các người đâu."

- "Thưa ông quản lý nhân lành, xin làm ơn, đây là Maria, vợ tôi. Cô ấy đang có thai gần đến ngày sinh và cần một chỗ để nghỉ qua đêm. Cô ấy đã mệt mỏi quá rồi. Chắc là ngài có một góc nhỏ nào đó, chỗ nào cũng được, cho cô ây nghỉ đỡ."

Ralph nhíu mày, cúi nhìn Maria, im lặng một lúc lâu. Bên dưới, khán giả trở nên căng thẳng và bắt đầu bối rối.

Tôi vội nhắc khẽ từ phía cánh gà:

- "Không năn nỉ ỉ ôi gì cả, xéo ngay, xéo."

Ralph cứ đứng đờ người ra, cau trán như đang cố suy nghĩ điều gì!

Từ sau cánh gà sân khấu, tôi đã nhắc ba lần, lần sau nhắc to hơn lần trước. Ralph cứ đứng như trời trồng không tỏ một dấu hiệu nào cả. Đám thiên thần đứng sau hậu trường với tôi, cũng bắt đầu bối rối, bồn chồn.

Sau cùng, Chắc Ralph cũng nhớ ra, tự động lập lại nhưng chữ mà em đã học thuộc lòng trong những tuần lễ dài diễn tập:

- "Không năn nỉ ỉ ôi gì cả, xéo ngay, xéo."

Ông Giuse buồn rầu, quàng tay dìu bà Maria và chuẩn bị rời đi.

"Ông" quản lý nhà trọ, Ralph, lại không chịu đóng cửa trở vào trong nhà trọ như đã được hướng dẫn. Em đứng bất động, nhìn theo cặp vợ chồng cô đơn, bất hạnh. Trông em có vẻ lúng túng khó xử, miệng em há to, trán cau lại có vẻ đăm chiêu suy nghĩ, và mắt em long lanh đầy nước mắt.

Đột nhiên, toàn bộ hoạt cảnh Giáng sinh, phần còn lại thay đổi hoàn toàn.

Ralph gào lên:

- "Ông Giuse ơi, đừng đi vội. Làm ơn đừng bỏ đi. Đưa cô Maria trở lại đây."

Mặt em đột nhiên hân hoan với nụ cười rộng mở. Em giang rộng vòng tay:

- "Các bạn có thể ở trong phòng của tôi mà."

Và lạy Chúa tôi, mắt tôi đầy lệ. Tôi bật khóc lúc nào không biết! Hồng ân Chúa đổ xuống trên mọi người, và trong giây phút linh thiêng ấy, ca đoàn thiên sứ bé nhỏ hòa vang khúc ca:

"Vinh Danh Thiên Chúa Trên Trời. Bình An Dưới Thế Cho Người Chúa Thương."

Phạm Vinh Sơn


Nỗi buồn mùa thi

Có một nỗi đau mà hằng ngày vẫn canh cánh trong lòng tôi, nhất là mỗi khi đến dịp hè về.

Nhà tôi ngày ấy rất nghèo: ba tôi làm công nhân, mẹ buôn bán nhỏ, vì thế số tiền hằng ngày ba mẹ kiếm được không trang trải nổi cho bốn miệng ăn của anh chị em tôi. Lúc đó chị tôi đang học lớp 12, tôi học lớp 10, còn hai em trai đứa học lớp 7, đứa học lớp 2. Chị em chúng tôi hằng ngày đều phải nhịn ăn sáng để đi học, bữa cơm trưa nhiều khi chỉ vỏn vẹn vài vắt mì ăn lót dạ. Vật dụng trong nhà, những gì có thể bán được mẹ cũng đã bán hết để lấy tiền mua gạo cho các con ăn học, đến những bộ đồ mới của mẹ cũng “đội nón” ra đi để đóng học phí cho chị em tôi.

Một hôm, mẹ đem đi cầm mấy bộ đồ được hai, ba chục ngàn đồng gì đó, rồi gom góp trong nhà cũng được vài chục ngàn để đưa chị tôi đóng tiền học vì chị sắp tốt nghiệp THPT. Tôi không dám nói với mẹ mình vẫn còn thiếu nhà trường hai tháng tiền học vì sợ mẹ không biết phải tìm ở đâu ra. Tôi chỉ biết tâm sự với chị của mình. Tôi nói với chị là nếu không đóng đủ tiền học cô giám thị sẽ không cho vào phòng thi (lúc đó là kiểm tra học kỳ 2). Chị cầm 43.000 đồng đưa cho tôi và bảo đem đóng học phí trước một tháng, tháng còn lại đợi vài bữa chị nói với mẹ kiếm tiền đóng cho tôi. Tôi hỏi còn chuyện học hành của chị thì sao, chị nói sẽ đi kiếm việc làm phụ ba mẹ. Tôi cầm tiền của chị đi đóng học phí mà nước mắt không biết sao cứ chảy dài trên mặt.

Sau khi đóng trước một tháng học phí, cô giám thị nói vẫn còn thiếu một tháng nữa, trong thời hạn trước ngày thi hai môn cuối nếu không đóng đủ tôi sẽ không được vào phòng thi. Kỳ hạn cũng đã đến. Tôi có nói với chị về chuyện học phí của mình nhưng chị cũng bất lực, ba mẹ đi vay cũng không được. Tôi đành bặm gan đến trường và vào phòng thi, trong lòng cứ hồi hộp cầu xin cô giám thị đừng đi ngang qua. Nhưng rồi cô giám thị vẫn đọc tên tôi và yêu cầu phải rời bàn thi cho đến khi đóng đủ tiền học phí mới được tiếp tục vào thi.

Tôi lê từng bước nặng trĩu về nhà và hiểu rằng tương lai mình đã khép lại từ ngày ấy. Ước mơ được đứng trên bục giảng để dạy học cho những trẻ em nghèo khổ tan vỡ. Nước mắt tôi vẫn cứ mãi rơi mỗi khi mùa hè đến. Những khi xem chương trình có sinh viên, học sinh nghèo được sự giúp đỡ của mọi người để tiếp tục học, tim tôi lại rộn lên niềm vui và luôn thầm mong mọi học sinh được cắp sách đến trường, không phải bị gián đoạn việc học vì không có tiền đóng học phí như mình 13 năm về trước.

DƯƠNG NGỌC BẢO


Kẻ Ăn Cắp Một Ổ Bánh Mì

Người ta thường kể về một trong những ông thị trưởng đầu tiên của thành phố New York bên Hoa Kỳ giai thoại như sau: một ngày mùa đông lạnh buốt nọ, ông thị trưởng phải chủ tọa các phiên tòa. Người ta điệu đến trước mặt ông một ông lão quần áo tả tơi. Người đàn ông này bị tố cáo là đã ăn cắp một mẩu bánh mì. Lời tự biện hộ duy nhất mà người đàn ông khốn khổ đưa ra là: "Gia đình tôi đang chết đói".

Nghe xong lời cáo buộc của cử tọa cũng như lời biện bạch của ông lão, viên thị trưởng đưa ra phán quyết như sau: "Luật pháp không tha thứ cho bất cứ một hành động xấu nào. Tôi thấy cần phải trừng phạt ông, và hình phạt cho tội ăn cắp là ông phải đóng 10 đô la". Vừa công bố bản án, ông thị trưởng rút trong túi của mình ra 10 đô la và trao cho người đàn ông khốn khổ. Quay xuống cử tọa ông nói tiếp: "Ông lão đã bồi thường vì tội ăn cắp của ông. Còn phần quý vị, tôi yêu cầu mỗi người phải đóng 50 xu tiền phạt vì sống dửng dưng đến độ để cho trong thành phố của chúng ta còn có một người nghèo phải đi ăn cắp". Nói xong, ông ra lệnh cho viên biện lý đi thu tiền và trao tất cả cho ông lão.

Khi chiếc mũ đã được truyền một vòng tòa án và trở về tay mình, ông lão đếm được tất cả 47 đô la 50 xu.

Sưu tầm


Cánh Diều

Người Rumani nói về nguồn gốc của trò chơi thả diều bằng mẩu chuyện như sau:

Tại một làng kia, có một người nghèo mà ai cũng gọi là Cob. Cob là một tên gọi không mấy thanh cao trong ngôn ngữ Rumani. Người ta gọi ông bằng tên ấy vì cái miệng sún răng cũng như đôi chân khập khiễng của ông. Con người có dáng vẻ xấu xí ấy lẽ dĩ nhiên chỉ có thể là một người nghèo mà thôi. Không vợ, không con, ông Cob lầm than như tất cả những người nghèo khác. Ði đến đâu, ông cũng trở thành trò đùa cho mọi người. Vậy mà con người ấy không hề than thân trách phận hoặc tỏ ra giận dữ, buồn phiền mỗi khi bị chọc ghẹo.

Cả đời, ông chỉ có mỗi một băn khoăn: là chưa hề làm một việc thiện cho người khác. Ông yêu người, ông muốn tặng thật nhiều quà cho mọi người. Nhưng ông cảm thấy mình quá nghèo để có thể thực hiện được giấc mơ ấy. Ông thường tự nhủ: "Bệnh tật, đau yếu, khốn khổ, chết chóc, đó là số phận chung của mọi người. Ai không nhỏ lệ thì cũng khóc thầm trong lòng. Nước mắt là cơm bữa của loài người. Do đó, cần phải làm cho con người phấn khởi, vui tươi". Nghĩ thế, ông trình bày lên Chúa ước nguyện như sau: "Xin Chúa cho con có thể mang lại cho những người đau khổ một quà tặng".

Một quà tặng cho nhân loại đau khổ, nhưng ông Cob vẫn không biết món quà đó phải như thế nào. Trong khi chờ đợi, mỗi lần bị cười chê, mỗi lần bị đem ra làm trò cười, ông vẫn tươi cười với ý nghĩ rằng: "Ít ra mình cũng làm cho người vui".

Sau một thời gian suy nghĩ, cuối cùng ông Cob mới tìm ra được món quà tặng mà ông sẽ mang lại cho nhân loại đau khổ: đó là một cánh diều bay lơ lửng trên không.

Nghĩ đó là sự linh ứng của Chúa, ông Cob đi nhặt tất cả những gì cần thiết để làm một cánh diều. Ông miệt mài cắt xén, sơn vẽ để hoàn thành được một cánh diều óng ả, sáng chói như một đĩa bay.

Khi cánh diều gặp gió bay cao, cả dân làng kéo nhau ra cánh đồng để nhìn ngắm cánh diều của ông Cob. Mọi người đưa mắt nhìn lên không trung và quên hẳn những nhọc nhằn của cuộc sống. Ðó là quà tặng mà người khốn khổ nhất của ngôi làng đã mang lại cho người đồng loại của mình.

Một tác giả nào đó đã nói: "Trái tim không phải là một món hàng để mua bán, mà là một món quà để trao tặng". Một trái tim không biết trao tặng là một trái tim chết.

Sự giàu có và nghèo nàn có thể phân biệt con người thành giai cấp thứ bậc. Có người tiền rừng bạc biển, có người nghèo rớt mòng tơi. Nhưng mỗi người chỉ có một quả tim, và quả tim đó lẽ ra phải giống nhau, bởi vì người ta không thể cân lường được quả tim. Do đó, quà tặng xuất phát từ quả tim đều vô giá. Giá trị của món quà không hệ tại ở số lượng của tiền của, mà ở quả tim được gói gém trong món quà.

Chúa Giêsu đã nhìn thấy qủa tim mà một người đàn bà góa đã gói trọn trong một đồng xu nhỏ dâng cúng đền thờ. Nhân vật Cob trong câu chuyện của người Rumani trên đây đã đặt tất cả con tim của mình vào cánh diều để làm vui cho con người.

Một ánh mắt, một nụ cười, một lời nói an ủi, một bàn tay nâng đỡ, đó là bao nhiêu quả tim mà con người có thể trao tặng cho nhau. Và có thể là những món quà cao quý nhất mà những người xung quanh đang chờ đợi nơi chúng ta.

Sưu tầm


Hương Vị Của Khói

Ðể đả phá tính ích kỷ, người Ả Rập thường kể câu chuyện như sau:

Tai một khu phố nọ, có không biết bao nhiêu cửa hàng ăn uống mọc lên. Hương vị bốc lên từ các cửa hàng này thu hút những người giàu lẫn kẻ nghèo. Những người giàu đến đây để thưởng thức những của ngon vật lạ, còn những người nghèo thì chỉ mong ăn được chút cơm thừa canh cặn hay cùng lắm là chỉ để hít thở được hương vị thơm ngon bốc lên từ các nhà bếp...

Một hôm, có một người nghèo mon men đến một cửa hàng. Trên tay anh cầm một ổ bánh mì. Anh người nghèo này có ý nghĩ độc đáo: thay vì chầu chực hưởng phần ăn thừa của thực khách, anh bèn leo lên mái nhà, rồi ngồi cạnh ống khói của nhà bếp. Anh vừa nhai bánh mì vừa hít thở làn khói bốc ra từ nhà bếp, anh nhai ngấu nghiến ổ bánh mì mà tưởng tượng như mình đang thưởng thức những của ngon được dọn trên bàn thượng khách.

Nhưng không may cho anh, vì hôm đó người chủ nhà hàng gặp nhiều rắc rối trong công việc làm ăn cho nên không có được bộ mặt vui tươi cho mấy. Thế là ông sai những người hầu bàn lôi cổ người ăn xin xuống khỏi mái nhà và yêu cầu trả tiền. Ông lý luận với người ăn xin như sau: "Khói bốc ra từ nhà bếp của ta không phải là khói chùa, nhà ngươi đã thưởng thức làn khói đầy hương vị đó, yêu cầu nhà ngươi trả tiền cho ta".

Người ăn xin không chịu trả tiền. Nội vụ đã được đem ra trước tòa án. Quan đầu tỉnh phải nhức đầu vì vụ án này. Ông cho triệu tất các bực thức giả trong toàn tỉnh để giúp ông giải quyết vụ án. Những người này đưa ra hai ý kiến xem ra đều có lý cả: một bên nói rằng khói bốc ra từ cửa hàng, do đó nó là chủ hữu của ông chủ cửa hàng. Những người khác thì cho rằng khói cũng như không khí là của mọi người, thành ra người ăn xin có quyền hưởng mà không phải trả đồng xu nào.

Sau khi đã bàn bạc và cân nhắc, quan đầu tỉnh mới đưa ra phán quyết như sau: "Người nghèo đã hưởng khói mà không đụng đến thức ăn, cho nên anh ta hãy lấy một đồng bạc, ra giữa công viên, gõ đồng bạc vào ghế đá, âm thanh của đồng bạc sẽ lan ra. Người chủ cửa hàng muốn đòi tiền của khói, ông hãy lắng nghe âm thanh ấy".

Người kể câu chuyện ngụ ngôn trên đây có lẽ muốn nói với chúng ta rằng sự ích kỷ không mang lại cho chúng ta một lợi lộc nào.

Nhưng sự ích kỷ không bao giờ mang tính chất trung lập. Nghĩa là khi tôi khép kín tâm hồn, khi tôi chỉ biết nghĩ đến mình, không những tôi làm cho người khác bớt hạnh phúc, mà chính tôi cũng chết đi một phần trong tôi. Tình liên đới không phải là một thứ xa xỉ phẩm được thêm vào tương quan giữa người với người hoặc như một thứ tô điểm phụ thuộc cho nhân cách của tôi, mà là đòi hỏi thiết yếu của ơn gọi làm ngưòi. Tôi càng nên người hơn khi tôi sống cho tha nhân. Tôi càng trở nên phong phú hơn khi tôi trao ban...
Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta ơn gọi đích thực của con người: đó là sống trọn vẹn cho tha nhân. "Này là Người, này là con người với đầy đủ tính người". Ðó phải là ý nghĩa của lời tuyên bố của Philato khi ông cho trình diện trước đám đông một Chúa Giêsu với tấm thân không còn hình tượng của con người nữa và nói: "Này là người...". Con người chỉ thể hiện được trọn vẹn tính người khi con người tiêu hao hoàn toàn vì người khác, khi con người sống hoàn toàn cho người khác...

Ðó là định luật của Tình Yêu mà Chúa Giê su đã mạc khải cho chúng ta: Ai đi tìm mạng sống mình, người đó sẽ mất. Ai mất mạng sống mình, người đó sẽ tìm gặp lại.

Sưu tầm


Chữ Thập Ðỏ

Buổi sáng ngày 24/6/1859, Henri Dunant, một thương gia trẻ tuổi người thụy Sĩ, thức giấc với nhiều bận tâm. Từ mấy ngày nay, anh đang trọ tại một lữ quán nghèo thuộc miền Castiglione delle Stiviere bên Italia. Anh đến italia với một công tác rất táo bạo, đó là gặp cho kỳ được Hoàng Ðế Napoleon đệ tam của nước Pháp để xin cấp cho anh giấy phép được thiết lập một số nhà máy xay lúa tại Algerie, lúc bấy giờ đang là thuộc địa nước Pháp...

Từ trong quán trọ nhìn ra, anh thấy từng đoàn binh sĩ Pháp di chuyển về cánh đồng Solferino... Và những gì phải xảy ra đã xảy ra... 300 ngàn con người từ hai phía đã giáp chiến. Tiếng súng nổ, tiếng người la hét giãy giụa. Khi màn đêm xuống, tiếng súng thưa dần, người ta chỉ còn nghe thấy tiêng rên la của các thương binh từ hai phía... Giờ phút này Henri Dunant không còn nghĩ gì đến dự án thiết lập các nhà máy xay lúa tại Algerie nữa. Thay vào đó, nỗi oán ghét chiến tranh và sự cảm thông với các thương binh mỗi lúc một xâm chiếm tâm hồn anh, nhất là khi người ta bắt đầu di chuyển các thương binh vào các làng mạc...

Một người lính Pháp vừa lê lết vừa xin nước uống. Nguyên một bàn chân đã bị cắt đi khỏi thân thể. Dunant dìu anh vào quán trọ. Cùng với các y sĩ của các phe đang tham chiến, Henri Dunant đã động viên tất cả dân làng để mang thực phẩm và thuốc men đến cho các thương binh, bất kể họ thuộc bên nào.

Trong những ngày ấy, thay cho dự án kinh doanh, Henri Dunant đã dành thời giờ đê viết lại hồi ký về trận Solferino. Anh mô tả lại tất cả những gì anh đã chứng kiến và kêu gọi tất cả những người thiện chí trên thế giới hãy giúp anh để chấm dứt thảm cảnh ấy. Không mấy chốc, cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được gửi đến các Chính Phủ trên thế giới. Ngay tức khắc, một tổ chức nhân đạo tại Génève đã thỏa thuận trợ giúp cho công tác của Dunant. Anh đi khắp các thủ đô Âu Châu để thuyết phục các nhà cầm quyền ký vào một quy ước nhìn nhận quyền bất khả xâm phạm của các thương binh, các y tá và tất cả những ai phục vụ trong ngành quân y...

Ngày 26/10/1963, đại diện của 16 nước đãgặp nhau tại Génève. Tổ chức do Henri Dunant khai sinh được chính thức chào đời ngày hôm đó. Người ta gọi tổ chức này là Hội Chữ Thập Ðỏ, do biểu tượng của một chữ thập đỏ in trên nền trắng... Dấu hiệu này đã được treo trên các lều, các nhà cửa thuộc về phong trào này... Ðó là món quà lớn nhất mà Henri Dunant đã tặng cho nhân loại.

Trong tập hồi ký trận Solferino, Henri Dunant đã ghi lại như sau: Có nhiều binh sĩ Áo dưới quyền chỉ huy của Hoàng Ðế Prancois Joseph bị bắt làm tù binh. Henri Dunant đã săn sóc họ tận tình. Thấy thế, một bà cụ già trong làng đã phản đối vì cho rằng người Áo là kẻ thù. Henri Dunant đã nói với bà cụ già như sau: "Trong sự đau khổ, không còn khác biệt giữa bạn và thù nữa.. Tất cả chúng ta đều là anh em với nhau".

Nhìn mọi người như anh em của mình, một cái nhìn như thế hẳn phải xuất phát từ một niềm tin rất sâu sắc...
Năm 1901, lần đầu tiên, giải thưởng Nobel hòa bình đã được trao tặng và người được danh dự ấy chính là vị sáng lập ra Hội Chữ Thập Ðỏ. Mười năm sau, con người đã trao tặng cho thế giới một món quà cao quý như thế đãqua đời trong một bệnh viện dành cho những người hành khất nghèo nàn bên Thụy Sĩ. Gia tài của ông đẻ lại là vài cuốn sách, năm ba lá thư và một di chúc thiêng liêng như sau: "Hoặc tôi là một môn đệ của Ðức Kitô giống như các tín hữu của những thế kỷ đầu hoặc tôi không là gì hết".

Ðặc biệt của các tín hữu sơ khai và cũng là lý tưởng của Henri Dunant chính là lòng mến, lòng mến đã biến họ nhận ra mọi người như là anh em, con cùng một Cha trên Trời... Mỗi người Kitô chúng ta cũng có thể lập lại lời di chúc của vị sáng lập Hội Chữ Thập Ðỏ: "Hoặc tôi tôn trọng và yêu thương tha nhân hoặc tôi không là gì hết".

Sưu tầm