Truyện Minh Hoạ - Bác Ái

V Vua Th Tư

Hôm nay lễ Ba Vua. Phúc A? chỉ nhắc đến ba vị vua. Thế nhưng văn sĩ Joergernen người Ðan Mạch thì lại tưởng tượng ra một vị vua thứ tư. Vị vua thứ tư này đến chầu Chúa Giêsu sau ba vị vua khác. Triều bái Hài Nhi Giêsu nhưng mặt ông tiu nghỉu bởi vì ông không còn gì để dâng tặng Ngài.

Trước khi lên đường, ông chọn ba viên ngọc quý nhất trong kho tàng của ông, thế những dọc đường gặp bất cứ ai xin, ông cũng mang ra tặng hết. Người thứ nhất mà ông đã gặp là một cụ già rét run vì lạnh. Ðộng lòng trắc ẩn, ông đã tặng cho cụ viên ngọc thứ nhất. Ði thêm một đoạn đường nữa, ông gặp một toán lính đang làm nhục một cô gái. Ông đành mang viên ngọc thứ hai ra thương lượng với chúng để chuộc lại cô gái. Cuối cùng khi tiến vào địa hạt Bêlem, ông gặp một người lính do vua Herôđê sai đi để tàn sát các hài nhi trong một ngôi làng lân cận. Vị vua thứ tư đành phải rút ra viên ngọc cuối cùng để tặng cho người lính và thuyết phục anh từ bỏ ý định gian ác.

Tìm được Hài Nhi Giêsu, vị vua thứ tư chỉ còn hai bàn tay trắng. Ông bối rối kể lại cuộc hành trình của mình.

Nghe xong câu chuyện, Hài Nhi Giêsu mỉm cười đưa bàn tay bé nhỏ ra đón nhận quà tặng của ông. Nó không phải là vàng bạc châu báu, nhưng là tấm lòng vàng được dệt bằng những nghĩa cử đối với tha nhân, nhất là những người túng thiếu, đói khổ, những người cần giúp đỡ.

Sưu tầm


Trả món nợ ân tình

Chuyến đi đầu tiên bà Oanh còn nhớ là cách đây 15 năm. Lần đó, tình cờ đi khám bệnh, bà ngồi cạnh một phụ nữ từ Sóc Trăng lên. Và câu chuyện về cái vùng quê nghèo khổ mà người phụ nữ ấy kể khiến bà thương cảm. Bà về bàn với một vài người bạn, họ đề nghị bà đi xác minh rồi về cùng nghĩ cách giúp đỡ. Bà vẫn nhớ đó là một ngày mưa tầm tã, bà phải xắn quần xách dép lội bì bõm vào cái ấp heo hút đó. Từ đó, miền quê Sóc Trăng trở thành mảnh đất nặng nợ ân tình với bà.

Lần khác, bà đưa mấy người ở Sóc Trăng lên thành phố mổ mắt. Lúc về ngang cầu Mỹ Thuận, họ năn nỉ bà cho họ được hé mắt nhìn cây cầu nổi tiếng. Bà bảo họ nói nghe thương lắm, rằng: “Cả đời tôi chẳng được đi đâu xa nên chắc không còn cơ hội nào qua cầu Mỹ Thuận. Lúc đi mắt chưa nhìn thấy nhưng giờ bác sĩ bảo có thể nhìn được rồi thì cho hé mắt một chút thôi”. Nghe tội quá nên bà làm liều, hé băng ra cho họ nhìn. Và bà thật sự xúc động khi mấy người dân lam lũ đó reo mừng như đứa trẻ khi nhìn thấy chiếc cầu treo. Chỉ một khoảnh khắc ấy cũng đủ an ủi bà cả đời.

Biết bao niềm vui, biết bao nước mắt trong những chuyến đi làm từ thiện. Và nhiều cảnh đau lòng khiến tâm hồn nhạy cảm của bà cứ trăn trở, dằn vặt mãi. Có khi chỉ là hình ảnh những người bệnh tâm thần giành giật nhau chiếc bánh, rồi ăn ngấu nghiến để được xin thêm. Hay những khi đi xuống trại dưỡng lão, mấy bà cụ ôm lấy bà nói những câu tê tái: “Cô là người xa lạ mà còn thường xuyên đến thăm tôi, còn con tôi chẳng bao giờ thấy đến”. Bà rơi nước mắt vì thương và đau cho nhân tình thế thái.

Không chỉ giúp đỡ những người nghèo ở các miền quê heo hút, bà còn cho nhiều sinh viên ở miễn phí trong nhà mình, chỉ lấy tiền ăn và em nào không đủ khả năng thì bà sẵn sàng giúp đỡ. Cứ mỗi mùa tuyển sinh đến, bà lại sửa soạn dọn nhà để đón thí sinh từ các tỉnh vào ở. Mấy năm nay, bao nhiêu thế hệ thí sinh đã được bà giúp đỡ; khi đậu đại học rồi, họ vẫn thường xuyên quay lại nhà bà như một nơi thân thiết và coi bà như người mẹ thứ hai.

Bây giờ, dù tuổi cũng đã nhiều nhưng mỗi năm, bà vẫn tổ chức đi sáu – bảy chuyến và cứ nghe vùng nào bị thiên tai bão lũ là bà lại lên đường. Sau mỗi một việc làm được cho người khác, bà như thấy lại nụ cười của người phụ nữ tốt bụng năm nào...

Hà Dịu


cha maximilien kolbe

Một buổi sáng cuối tháng 7 năm 1941 tại trại tập trung Oswiccim của Đức quốc xã, có một người vượt ngục, 10 người khác bị xử thay vào. Các nạn nhân run rẩy bước ra, đứng không vững, khiếp đảm, không dám kêu la, trừ một người kêu ré lên ”Ôi vợ và các con tôi”.

Hàng trăm dãy tù nhân xếp hàng dài im thin thít, hú hồn vì chưa phải tên mình, không một ai dám cựa quậy. Bỗng từ dãy tù nhân bên trái, một người gầy guộc rời hàng bước về phía viên trưởng trại. Mọi người nín thở : chuyện chưa từng có  ! Viên trưởng trại đặt tay lên súng : 

- Anh muốn gì ? 

- Tôi muốn chết thay một người trong bọn họ.

Viên trưởng trại sửng sốt. Y tưởng mình nghe lầm. Nhưng không, người kia thực sự xin được chết thay cho kẻ có vợ và các con đang đợi ở nhà. Sau mấy câu gượng gạo, viên trưởng trại nhượng bộ, chấp nhận lời yêu cầu. Kẻ tình nguyện đó là Maximilien Kolbe, một linh mục công giáo. Cha đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong thánh ngày 10.10.1082 tại Rôma.

Trích “Phúc”


CÚ SỐC CỦA GANDHI

     Trong quyển Tự Thuật của mình, Mahatma Gandhi có kể về thời sinh viên của ông ở Nam Phi. Đó là thời gian mà ông rất say mê thích thú Thánh Kinh, nhất là với Bài Giảng Trên Núi. Ông xác tín rằng Kitô giáo là câu trả lời cho hệ thống đẳng cấp vốn đã thao túng và làm nhiễm độc xã hội Ấn Độ hàng bao thế kỷ. Và ông nghiêm túc nghĩ đến chuyện cải giáo để trở thành Kitôhữu.

     Ngày kia, ông bước vào một nhà thờ để dự Thánh Lễ và đồng thời để tìm hiểu thêm. Ông bị chặn lại chỗ lối vào. Người ta dịu dàng nói với ông rằng nếu ông muốn tham dự Thánh Lễ thì ông nên đến một nhà thờ dành riêng cho người da đen, ở đó ông sẽ được nồng nhiệt đón tiếp. Gandhi đã quay lưng bỏ đi, và ông không bao giờ trở lại.   

Tác giả Lê Công Đức, Lm. (Dịch)


ÁNH SÁNG THẾ GIAN

Ngày xửa ngày xưa tại một vùng nọ trên trái đất bất ngờ bị thiếu ánh sáng. Mặt trời không mọc lên nơi đó nữa, dân làng liền đổ xô đến nhà của ông Renô để xin diêm quẹt và đèn cầy, vì ai ai cũng biết rõ ông Renô có cả một kho chứa những mặt hàng này. Nhưng dân chúng càng van xin, nài nỉ thì ông Renô càng chối từ, viện đủ mọi lý do.

Ngày qua ngày, dân chúng trong làng trở thành quen thuộc với bóng tối. Họ không còn tuốn đến nhà ông Renô để xin diêm quẹt và đèn cầy nữa. Lúc đó, ông Renô mới ý thức thái độ ích kỷ của mình và bắt đầu mở kho, mời gọi mọi người trong làng đến tự do lấy diêm quẹt và đèn cầy về nhà xài. Nhưng trớ trêu thay, lúc đó, ai ai cũng trả lời cho ông như sau:

- Chúng tôi đã quen sống trong bóng tối rồi. Chúng tôi không cần ánh sáng nữa!

Sưu tầm


Những Vị Thánh Vô Danh

 Có một vị thánh nọ thánh thiện đến độ, không hề dám có ý nghĩ rằng mình là một con người thánh thiện. 

Ngày kia, một thiên thần đến nói với ngài: "Chúa sai tôi đến gặp ngài. Ngài hãy xin bất cứ điều gì ngài muốn. Chúa sẽ ban cho ngài. Vậy ngài có muốn được ơn chữa bệnh không?" 

Vị thánh trả lời: "Không. Thà để cho chính Chúa chữa trị thì tốt hơn". Vị sứ thần đề nghị điều khác: "Ngài có muốn đem những người tội lỗi trở về đường công chính không?" 

Vị thánh cũng lắc đầu từ chối: "Không. Cải hóa tâm hồn không phải là việc của tôi. Ðó là công việc của các thiên thần". Vị sứ giả của Chúa mới gợi ý thêm: "Ngài có muốn trở thành một mẫu gương để thiên hạ luôn đến để bắt chước không?" 

Vị thánh cũng khiêm tốn trả lời: "Không. Bởi vì làm như thế tôi sẽ trở thành trung tâm thu hút sự chú ý". Thiên thần mới hỏi: "Vậy thì ngài mong muốn điều gì?". Vị thánh trả lời: "Ơn Chúa, có ơn chúa, đó là điều tôi hằng khao khát". 

Vị thiên thần được Chúa sai đến vẫn chưa chịu bỏ cuộc, nên đề nghị lần cuối cùng: "Ngài phải xin một phép lạ. Nếu không tôi đành phải để phép lạ xảy ra vậy". Vị thánh của chúng ta đành phải ưng thuận: "Vậy thì tôi xin điều này: ước gì mọi việc thiện được thực thi qua tôi mà tôi không hề hay biết". Thế là để là cho lời ước của vị thánh thành sự thật, Thiên Chúa ban cho cái bóng phía sau của ngài được mọi thứ quyền năng. Nơi nào có cái bóng ngài đi qua, thì nơi đó, người bệnh được lành, đất đai trở thành phì nhiêu, nguồn suối phát sinh sự sống, niềm vui trở lại trên những khuôn mặt sầu khổ. 

Nhưng vị thánh không hề hay biết điều đó, vì dân chúng chú ý đến cái bóng đến độ quên hẳn con người. 

Msgr. Petrus Nguyển Văn Tài 


CÁI LẠNH TRONG TÂM HỒN

Sáu con người, do sự tình cờ của số phận, mắc kẹt vào cùng 1 cái hang rất tối và lạnh. Mỗi người còn 1 que củi nhỏ trong khi đống lửa chính đang lụi dần.
Người phụ nữ đầu tiên định quẳng que củi vào lửa, nhưng đột nhiên rụt tay lại. Bà vừa nhìn thấy 1 khuôn mặt da đen trong nhóm người da trắng.
Người thứ 2 lướt qua các bộ mặt quanh đống lửa, thấy 1 người trong số đó không đi chung nhà thờ với ông ta. Vậy là thanh củi cũng bị thu về.

Người thứ 3 trầm ngâm trong 1 bộ quần áo nhàu nát. Ông ta kéo áo lên tận cổ, nhìn người đối diện, nghĩ thầm: "Tại sao mình lại phải hi sinh thanh củi để sưởi ấm cho tên nhà giàu kia?".

Người đàn ông giàu lui lại 1 chút, nhẩm tính: "Thanh củi trong tay, phải khó nhọc lắm mới kiếm được, tại sao ta phải chia sẻ nó với tên khố rách áo ôm lười biếng đó?"

Ánh lửa bùng lên 1 lần cuối, soi rõ khuôn mặt người da đen đang đanh lại, lộ ra những nét hằn thù: "Không, ta không cho phép mình dùng thanh củi này sưởi ấm những gã da trắng!"

Chỉ còn lại người cuối cùng trong nhóm. Nhìn những người khác trầm ngâm trong im lặng, anh ta tự nhủ: "Mình sẽ cho thanh củi, nếu có ai đó ném thanh củi của họ vào đống lửa trước".

Cứ thế, đêm xuống dần. Sáu con người nhìn nhau căng thẳng, tay nắm chặt những khúc củi. Đống lửa chỉ còn than đỏ rồi lụi tắt. Sáng hôm sau khi những người cứu hộ tới nơi, cả 6 đều đã chết cóng. Một kết cục của những suy nghĩ ...

Sưu tầm


HƠI ẤM CỦA TÌNH NGƯỜI

 Một vị linh đạo Ấn Giáo và các môn sinh ngồi quây quần bên một bếp lửa hồng. Sức nóng của than hồng và hơi nóng của từng người làm cho căn phòng ấm hẳn ra... Nhưng bỗng chốc, vị linh đạo già run lập cập, môi ông bập bẹ không nói ra lời. Các môn sinh lo lắng cho sức khỏe của thầy: "Thưa thầy, chắc thầy yếu trong người, chúng con xin phép được cho thêm củi vào lò sưởi".

Trong cơn thổn thức, vị linh đạo già cố gắng nói từng tiếng: "Lửa và sức nóng trong căn phòng này quá đủ cho ta... Ta cảm thấy lạnh là bởi vì bên ngoài có một người hành khất đang run lập cập".

Quả thật, đúng như lời của vị thầy, các môn sinh đã mở cửa nhìn ra ngoài, và họ đã tìm thấy một người hành khất đang rét run vì đói và lạnh... Họ đưa người đó vào trong căn phòng, săn sóc cho anh và từ giây phút ấy, vị linh đạo già cũng trút bớt được nỗi rét run của mình.

Sưu tầm


CHIẾC ĐỒNG HỒ MẠ VÀNG

       Có một người hành khất già nua nọ, không ai biết ông ta từ đâu đến, áo quần tả tơi bẩn thỉu. Cũng chẳng biết ông bao nhiêu tuổi nhưng trông có vẽ già lắm. Cứ sau thánh lễ Chúa nhật hằng tuần, ông lại xuất hiện với chiếc nón lá cũ kỹ và bộ quần áo rách rưới ngữa tay xin bố thí trước cửa nhà thờ.

      Bỗng có một  hôm, một cậu bé ngạc nhiên hỏi mẹ mình.

      Mẹ ơi, hôm nay sao không thấy ông giá ăn xin hả mẹ?

       “Ừ mẹ cũng chẳng biết, chắc hôm nay ông đi kiếm sống nơi khác rồi đấy con ạ”, mẹ em trả lời. Thôi con cứ giữ lại số tiền con dành cho ông, thế nào rồi ông cũng quay lại mà.

      Một tuần sau, rồi hai tuần, ba tuần, cậu bé vẫn cứ đợi mà cũng chẳng thấy bóng dáng ông lão ăn xin đâu cả.

      Rồi một hôm nọ, đúng vào ngày lễ noel, cậu bé nhận được một món quà rát dễ thương là một chiếc đồng hồ mạ vàng và một lá thư của ông lão ăn xin mà cậu đã trông đợi bấy lâu nay.

       Trong thư ông viết: “Cám ơn cháu nhiều lắm, chút quà này là số tiền ông dành dụm suốt cuộc đời ăn xin của ông. Vì không đủ sức để mang quà đến cho cháu. nên ông mới nhờ người mang hộ. Chúc cháu sống vui và giúp ích được nhiều cho những người bất hạnh chung quanh. Mến chào Cháu”

       Từ đó về sau, cậu không còn nghe tin gì về ông lão nữa cả, mặc dù cậu đã cố đi tìm hết các làng, các chợ,  nơi có nhiều người ăn xin mà cậu vẫn tới đó để tặng chút tiền dành dụm hằng tuần.

       Cậu đã trân trọng giữ mãi chiếc đồng hồ của ông lão và cậu rất hãnh diện với chiếc đồng hồ này. Mỗi khi có ai đến gõ cửa trước nhà cậu, cậu vẫn luôn niềm nỡ tiếp đón, vì cậu tin rằng chia sẻ với người cơ bần không chỉ là thể hiện một tình thương nhưng còn  là trân trọng một tấm lòng. Bài học này cậu đã khắc ghi trong tim từ thuở bé thơ với lời dạy bảo của cha mẹ cậu, và lời nhắn nhủ của cụ già đã khuất năm xưa. 

 Tác giả Thiên Văn, LSH