Truyện Minh Hoạ - Bác Ái

Hoàng hậu Matsya

Đến những tia nắng mặt trời rực rỡ cũng thấy xấu hổ trước vẻ đẹp lung linh huyền ảo và trí tuệ tuyệt vời của nàng. Làn da mềm mại như dòng nước êm đềm hoàn mỹ, đôi môi đỏ mọng và mắt đen láy tràn đầy sức sống. Nàng được ví như cánh tay phải của nhà vua, luôn giúp đỡ ông trong các cuộc phân xử và đưa ra những quyết định sáng suốt cho đất nước. 

Không ai có thể thoát khỏi đôi mắt sâu thẳm của nàng khi làm việc tội lỗi và nàng luôn biết ai là nạn nhân, ai là thủ phạm. Sự khoan hồng và uy tín của nàng đã vang dội khắp vương quốc. Mọi người trong vương quốc luôn tôn kính nàng vì những điều nàng làm cho thần dân, nhất là những người nghèo. Cách cung điện không xa có một người đàn ông sống trong cảnh nghèo nàn không một xu dính túi. Ông đã bị địa chủ chiếm hết đất, mà tuổi tác của ông chỉ cho phép làm những công việc nhỏ nhặt, chẳng đủ nuôi vợ và những đứa con nhỏ. Mỗi buổi sáng ông đi đến từng nhà để xin thức ăn, tiền hoặc công việc nào phù hợp. Lòng tốt của mọi người cũng tạm đủ cho ông và gia đình sống qua ngày. Nhưng lòng ích kỷ bắt đầu nhen nhóm trong lòng người đàn ông, và ông thường xuyên ăn uống cho thoả thích rồi mới quay trở về nhà với những đồ thừa còn lại. Tất nhiên ông ta khôn khéo không để ai khám phá ra cái bí mật đó và thường trở về nhà với bộ mặt rầu rĩ. Một ngày sau khi được một ngôi nhà tử tế cho đồ ăn và gạo, người đàn ông nghèo ích kỷ nghe kể rất nhiều về sự rộng lượng của hoàng hậu Matsya. Nàng sẽ đi qua vùng này để thăm người dân. Ông ta đã nghĩ ngay đến một cách rằng, nếu khuôn mặt của ông thể hiện sự đói khổ nghèo hèn, chắc sẽ được hoàng hậu cho hẳn một túi đầy tiền vàng chứ không ít. Chỗ đó đủ cho ông ta lo được phần còn lại của cuộc đời mình, đủ mua thức ăn và cung cấp cho gia đình. Ông ta nghĩ ngay đến việc giữ cho mình một khoản riêng và chỉ đưa cho vợ một ít tiền, như vậy ông ta có thể thực hiện được những ước muốn của mình. Nghĩ xong ông ta liền chạy đến chỗ xe ngựa của hoàng hậu và van nài lính canh cho phép ông ta được nói chuyện với nàng. Nghe tiếng cãi cọ bên ngoài, hoàng hậu Rani Matsya liền mở rèm xe và hỏi người lính xem ông ta muốn nói cái gì. Người đàn ông bắt đầu quỳ xuống và lê gối đến gần nữ hoàng với những lời ca tụng nàng, cầu xin nàng ban cho ít của bố thí. Hoàng hậu nhíu mày rồi hỏi người đàn ông rằng ông ta có thể đưa cho nàng một thứ gì đấy để trao đổi lại không. Ngạc nhiên trước câu hỏi, người đàn ông liền nhìn xuống bát đầy gạo vừa xin được ở nhà nọ. Với sự khó chịu trong lòng, ông ta chỉ nhặt lên vài hạt gạo và đưa nó cho hoàng hậu. Rani Matsya đếm được 5 hạt gạo và nhìn vào bát đầy gạo của ông ta rồi nói: “Ông sẽ nhận được nhiều hay ít là do bản thân ông”. Nói rồi nàng cho xe ngựa chạy đi. Người đàn ông bắt đầu giận dữ và lăng mạ hoàng hậu. Ông ta chưa bao giờ nghĩ trường hợp đó sẽ xảy ra. “Cô ta có thể yêu cầu mình trao đổi lại như thế nào đây trong khi cô ta chẳng cho một thứ gì?” - người đàn ông nghĩ. Ông ta giận run người, lao về nhà đưa cho vợ cái bát đựng gạo, chợt nhìn thấy một bao tải ở lối ra vào. Vợ ông ta liền thuật lại rằng có một số người đã đến và để nó lại ở đây. Ông ta liền mở bao tải ra và thấy đầy một tải gạo. Đặt bàn tay xù xì lên những hạt gạo, ông phát hiện thấy có một đồng tiền vàng nằm lẫn trong đó. Tức tốc ông đổ hết gạo ra và chỉ tìm thấy 5 đồng tiền vàng - đúng với 5 hạt gạo ông ta đã đưa cho hoàng hậu. Sự hối tiếc len lỏi trong đầu người đàn ông: “Giá như mình đưa cả bát gạo đó cho nữ hoàng thì bây giờ đã có thể có một tải đầy vàng”.

Sưu tầm


Một cốc sữa

Có một cậu bé nghèo hàng ngày thường đi đến từng nhà gõ cửa để bán báo trên đường tới trường học. Một hôm, chiếc dạ dày lép kẹp của cậu đột nhiên dở chứng. Cậu bé thò tay vào túi, chỉ còn lại duy nhất một đôla cuối cùng. Cậu định dành dụm 1 đôla để mua thức ăn cho mấy đứa em ở nhà. Tần ngần một lát, cậu bé quyết định đi đến một ngôi nhà phía trước để xin chút đồ ăn. 

Thế nhưng cậu hầu như mất hết can đảm khi mở cửa cho cậu là một cô bé xinh đẹp, dễ thương. Bối rối và ngập ngừng, nên thay vì hỏi xin thức ăn, cậu bé chỉ dám xin một cốc nước. 

Cô bé trông thấy dáng vẻ nghèo khổ và đói lả đi của cậu, nên thay vì mang nước cô đã đem lại cho cậu bé nghèo một cốc sữa lớn. 

Cậu bé uống một cách ngon lành và chậm rãi. Sau đó, cậu mới rụt rè hỏi cô gái: “tôi nợ cô bao nhiêu?”  

“Bạn không nợ tôi cái gì cả”- cô gái trả lời. “Mẹ đã dạy chúng tôi là không bao giờ được chấp nhận trả cho một lòng tốt”. 

Cậu bé cảm động nói “từ sâu thẳm trái tim, tôi thành thực biết ơn cô”. Sau đó, Howard Kelly - tên của cậu bé, rời khỏi ngôi nhà cô bé tốt bụng đó, nhưng cậu không chỉ cảm nhận được sự khỏe khoắn trở lại của cơ thể, mà cậu còn có lòng tin tưởng hơn vào lòng tốt của con người. Điều đó giúp cậu mạnh mẽ hơn, không chịu khuất phục và từ bỏ số phận.  

Nhiều năm sau đó, cô gái trẻ tốt bụng mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Các bác sĩ địa phương đã cố gắng nhưng cũng không thể làm thuyên giảm bệnh. Cuối cùng họ quyết định chuyển cô gái lên bệnh viện thành phố - nơi các chuyên gia có thể chữa khỏi cho cô.

Trong số các bác sĩ, bác sĩ Howard Kelly cũng được mời hội chẩn. Khi anh nghe tới cái tên địa danh nơi mà cô gái sống, có một tia sáng chợt lóe lên trong mắt anh. Ngay lập tức anh đứng bật dậy. Chạy xuống đại sảnh bệnh viện và bước vào phòng cô gái. 

Trong chiếc áo choàng bác sĩ, anh bước tới gần giường bệnh cô gái. Và ngay lập tức anh đã nhận ra cô. Sau một thoáng, anh quay trở lại phòng hội chẩn và đề nghị được là người phụ trách ca bệnh đó, và anh sẽ làm hết sức mình để cứu sống cô gái. Kể từ hôm đó, anh luôn có một sự quan tâm đặc biết tới ca bệnh của cô gái. 

Sau một thời gian chống chọi, cô gái thuyên giảm bệnh và cuối cùng khỏi hoàn toàn. Trước ngày cô gái xuất viện, bác sĩ Kelly đã yêu cầu nhân viên quầy thu ngân chuyển hóa đơn tới phòng của anh. 

Vị bác sĩ nhìn lên tờ hóa đơn, sau đó, anh viết lên mặt hóa đơn trước khi nó được gửi tới phòng bệnh của cô gái. 

Cố gái e dè mở ra đọc, và cô chắc mẩm rằng có lẽ cô sẽ phải làm việc cật lực cả đời mới trả hết hóa đơn này. 

Cuối cùng, cô cũng cam đảm nhìn thẳng vào tờ hóa đơn, nhưng cô thật sự ngỡ ngàng khi trên phần đầu hóa đơn ghi dòng chữ: “Hóa đơn đã được thanh toán bằng một cốc sữa. Ky' tên, Bác sĩ Howard Kelly”.

Sưu tầm


Dây Chuyền Của Liên Ðới

Một người Ả Rập nọ có một con ngựa rất đẹp... Ai thấy cũng gợi lòng tham muốn. Một người láng giềng tìm đủ mọi cách để mua cho kỳ được con ngựa, nhưng chủ nhân vẫn một mực từ chối. Không còn biết làm cách nào để thuyết phục chủ nhân, người đó đành phải nghĩ ra mưu kế để chiếm đoạt.

Biết người chủ ngựa thường hay đi qua sa mạc, hắn mới cải trang thành một người hành khất nằm rét run bên vệ đường. Người chủ ngựa là một người tốt bụng, gặp bất cứ ai hoạn nạn cũng đều ra tay cứu giúp. Vừa thấy người hành khất, người đó cảm thấy thương hại, mới đề nghị trở về một quán trọ để săn sóc.

Khi người chủ ngựa vừa mở miệng đề nghị, thì tên bất nhân mới than thở: "Ðã mấy ngày nay, tôi không có được một hạt cơm trong bụng, lấy sức đâu để leo lên ngựa". Nghe thế, con người tốt bụng xuống ngựa để giúp người hành khất leo lên lưng ngựa. Nhưng vừa leo lên lưng ngựa, tên bất lương hiện nguyên hình... Hắn giựt dây cương và thúc vào hông ngựa mà chạy... Người chủ ngựa đáng thương chỉ còn biết nhìn theo mà hối tiếc! Nhưng ông cũng cố gắng chạy theo và nói với tên bất lương như sau: "Ngươi đã ăn cắp con ngựa của ta. Nhưng ta sẵn sàng bỏ qua cho. Ta chỉ xin ngươi một điều là đừng bao giờ kể cho bất cứ ai nghe mưu mẹo ngươi đã dùng để cưỡng chiếm con ngựa của ta. Một ngày nào đó, sẽ có những người bệnh thật sự nằm rên rỉ bên vệ đường và kêu cầu sự giúp đỡ. Ta e ngại rằng sẽ không còn ai dám dừng lại để cứu giúp kẻ hoạn nạn nữa".

Sưu tầm


Bơ gạo

Tại một xa xôi hẻo lánh, có nhiều lời đồn đại rằng hoàng tử của đất nước sẽ đến thăm làng. Những người luôn được coi là dân đen, tầng lớp thấp trong làng đều vui mừng, vì họ tưởng như ngôi làng này đã bị lãng quên rồi.

Dân đen làm huyên náo hằng ngày kể từ khi họ nghe tin đó. Nhưng không có ai vui mừng và "kích động" bằng một người ăn xin trong làng. Vì không biết ngày hoàng tử đến, nên ngày nào ông cũng ngồi bên vệ đường, hy vọng hoàng tử sẽ cho ông ta nhiều tiền, ít nhất là để mua gạo đủ ăn.

Thực ra, người ăn xin có hai cái bơ sắt. Một cái để đựng tiền xin được, và một cái để đựng ít gạo của ông ta. Hằng ngày, người ăn xin vẫn ăn mặc rách rưới, tả tơi với hai cái ống bơ ngồi đó.

Và cuối cùng, không uổng công mong đợi, hoàng tử đã đến và đi vào làng. Khi thấy hoàng tử đi qua, người ăn xin vội chìa tay ra kêu lên:

- Xin bố thí cho kẻ hèn này!

- Hãy cho tôi bơ gạo của ông - Đó là những lời duy nhất hoàng tử nói.

Người ăn xin không thể tin được vào tai mình. Không có một lý do gì để một người giàu có nhất đất nước lại đi xin bơ gạo của một người ăn xin. Người ăn xin định từ chối, nhưng rồi sau khi xem xét lại, ông đổ bớt gạo ra khỏi bơ, chỉ đưa cho hoàng tử nửa bơ gạo. Hoàng tử đổ gạo vào túi mình, rồi cho tay vào túi và lấy ra một nắm vàng, bỏ vào đúng nửa bơ, bằng với số gạo mà hoàng tử nhận được, rồi lại đưa cho người ăn xin.

Hoàng tử không bao giờ quay lại, còn người ăn xin thì suốt cuộc đời cứ băn khoăn tự hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu ông ta đưa cho hoàng tử cả bơ gạo.

Chúng ta không bao giờ biết là chúng ta sẽ nhận được gì khi chúng ta cho đi, nhưng hãy tin rằng cuộc sống là công bằng, và đừng chỉ giữ chặt nửa bơ gạo mà bỏ lỡ cả nắm vàng cuộc sống trả lại cho bạn.

Sưu tầm


Trái tim hoàn hảo

Có một chàng thanh niên đứng giữa thị trấn và tuyên bố mình có trái tim đẹp nhất vì chẳng hề có một tì vết hay rạn nứt nào. Đám đông đều đồng ý đó là trái tim đẹp nhất mà họ từng thấy.

Bỗng một cụ già xuất hiện và nói: "Trái tim của anh không đẹp bằng trái tim tôi!". Chàng trai cùng đám đông ngắm nhìn trái tim của cụ. Nó đang đập mạnh mẽ nhưng đầy những vết sẹo. Có những phần của tim đã bị lấy ra và những mảnh tim khác được đắp vào nhưng không vừa khít nên tạo một bề ngoài sần sùi, lởm chởm; có cả những đường rãnh khuyết vào mà không hề có mảnh tim nào trám thay thế. Chàng trai cười nói:

- Chắc là cụ nói đùa! Trái tim của tôi hoàn hảo, còn của cụ chỉ là những mảnh chắp vá đầy sẹo và vết cắt.

- Mỗi vết cắt trong trái tim tôi tượng trưng cho một người mà tôi yêu, không chỉ là những cô gái mà còn là cha mẹ, anh chị, bạn bè... Tôi xé một mẩu tim mình trao cho họ, thường thì họ cũng sẽ trao lại một mẩu tim của họ để tôi đắp vào nơi vừa xé ra. Thế nhưng những mẩu tim chẳng hoàn toàn giống nhau, mẩu tim của cha mẹ trao cho tôi lớn hơn mẩu tôi trao lại họ, ngược lại với mẩu tim của tôi và con cái tôi. Không bằng nhau nên chúng tạo ra những nếp sần sùi mà tôi luôn yêu mến vì chúng nhắc nhở đến tình yêu mà tôi đã chia sẻ. Thỉnh thoảng tôi trao mẩu tim của mình nhưng không hề được nhận lại gì, chúng tạo nên những vết khuyết. Tình yêu đôi lúc chẳng cần sự đền đáp qua lại. Dù những vết khuyết đó thật đau đớn nhưng tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tim của họ, lấp đầy khoảng trống mà tôi luôn chờ đợi.

Chàng trai đứng yên với giọt nước mắt lăn trên má. Anh bước tới, xé một mẩu từ trái tim hoàn hảo của mình và trao cho cụ già. Cụ già cũng xé một mẩu từ trái tim đầy vết tích của cụ trao cho chàng trai. Chúng vừa nhưng không hoàn toàn khớp nhau, tạo nên một đường lởm chởm trên trái tim chàng trai. Trái tim của anh không còn hoàn hảo nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết vì tình yêu từ trái tim của cụ già đã chảy trong tim anh.

Sưu tầm


Một cách xử sự

Mr.Thomas là một chủ nông trại giàu có. Ông và vợ mình đối xử rất thân thiện với mọi người nên ai cũng yêu mến họ cả.

Một hôm ông thấy vợ mình, bà Thomas sai người giúp việc đến cuối làng, nhà bà John - một tá điền của ông - để mượn một cái bào rau củ. Sau khi người này đi khỏi, ông hỏi vợ :

- Anh không nghĩ rằng nhà ta lại không có một cái bào hay không đủ khả năng mua mà em lại sai người đi mượn cho thêm phiền phức như thế.

Bà Thomas từ tốn trả lời :

- Đây, anh xem, cái bào của nhà ta vẫn còn rất tốt. Em biết mọi người ở vùng này đều yêu quí chúng ta vì chúng ta đem lại nhiều vật chất cho họ hơn các ông chủ khác; nhưng em không muốn như vậy. Em muốn được yêu mến bằng một thứ tình cảm cao hơn, tình làng xóm. Mà điều đó chỉ có thể khi nào chúng ta và họ không có khoảng cách giữa chủ và tớ, giữa giàu và nghèo. Như vậy chuyện cái bào rau củ chỉ là cái cớ để anh và em đến gần với mọi người hơn mà thôi.

Sưu tầm


Có ý nghĩa

Ngày xưa có một nhà thông thái thường hay ra bờ biển để viết những bài viết của mình. Ông có thói quen đi dạo trên bãi biển trước khi bắt đầu công việc.

Một ngày nọ cũng như thường lệ ông đi bộ dọc theo bờ biển. Khi nhìn xuống bãi biển, ông thấy một một người ở phía xa như đang nhảy múa. Ông mỉm cười khi nghĩ đến việc một người nào đó có thể lấy nhảy múa làm điều thoả mãn cuộc sống. Ông bắt đầu bước nhanh về phía người đó.

Khi đến gần hơn, ông nhận ra đó là một chàng thanh niên trẻ tuổi và không phải chàng đang nhảy múa, mà chàng đang nhặt nhạnh cái gì đó trên bãi biển và nhẹ nhàng ném vật đó xuống biển.

Đến gần chàng thanh niên hơn ông nói, "Xin chào! Anh đang làm gì thế?" Chàng thanh niên dừng lại một lúc, khẽ ngước nhìn lên và trả lời, "Đang thả Sao biển trở về với biển."
"Tôi xin mạn phép hỏi, tại sao anh gọi là thả Sao biển về với biển?"

"Mặt trời sẽ lên cao và thủy triều rút xuống. Nếu tôi không ném chúng xuống biển, chúng sẽ chết hết."

Nhưng chàng trai trẻ ạ, anh không nhận thấy rằng bãi biển dài hàng dặm và Sao biển thì đầy dẫy khắp nơi sao? Anh làm vậy cũng không có ý nghĩa gì đâu!"

Chàng thanh niên khẽ nghiêng người lịch sự. Sau đó anh cúi xuống, nhặt một con Sao biển khác và nhẹ nhàng ném nó ra khỏi đầu ngọn sóng lớn và nói, "Nó có ý nghĩa với con tôi vừa ném."

Sưu tầm


Một cử chỉ đẹp

Bà Foreman dừng chiếc xe hơi của mình ngay một trạm thu phí giao thông trên xa lộ cao tốc. Liếc mắt qua kính chiếu hậu, bà thấy cả một dãy dài xe hơi ngay sau mình. Bà chợt nãy ra một ý vui vui, bà quay kính xe xuống, đưa ra cho người bán vé một tờ 50 USD và bảo: "Tôi mua một vé cho tôi, và còn lại tôi mua thêm năm vé nữa cho năm chiếc xe sau tôi, chỗ tiền dư tôi xin biếu hết cho ông!"

Không kịp để cho người bán vé thắc mắc vì sửng sốt, bà Foreman quay kính xe, đạp ga và lái xe đi ngay. Bà hình dung ra trong đầu cùng sự ngạc nhiên đầy thú vị ấy nơi năm người lái xe theo sau mà bà không hề quen biết. Bà không cần những lời cảm ơn, chỉ là một 'cử chỉ đẹp' nho nhỏ thôi mà, có đáng gì đâu!

Về đến nhà, bà Foreman vừa làm bếp vừa tủm tỉm cười một mình vì nhớ lại chuyện sáng nay trên đường. Ông chồng để ý thấy làm lạ, đến bữa ăn trưa, ông lựa lời hỏi, bà mới kể lại đầu đuôi. Đến phiên ông chồng cũng cảm thấy vui lây niềm vui nho nhỏ ấy...

Buổi chiều đến trường dạy môn giáo dục công dân, ông Foreman quyết định làm một 'cử chỉ đẹp' bằng cách dùng chính câu chuyện về cử chỉ đẹp của bà vợ để dẫn nhập vào bài học. Các học sinh trung học của ông lặng đi một thoáng rồi đồng loạt vỗ tay hoan hô sau lời kết thúc của thầy giáo: "Các em hãy nhớ niềm vui sống khởi đi từ những câu chuyện bình thường nho nhỏ như thế, mỗi ngày ước gì mỗi người trong chúng ta đều làm được ít nhất một 'cử chỉ đẹp' tương tự các em nhé!"

Ở lớp hôm ấy, có cô bé Mary vốn là một học sinh cá biệt, luôn bướng bỉnh, lì lợm, cũng như một đứa bé lười biếng trong gia đình. Cô về nhà trong tâm trạng hết sức hân hoan phấn khởi và quyết định sẽ làm một 'cử chỉ đẹp' với cha mẹ. Cô lặng lẽ thu dọn, lau chùi, quét tước, nấu nướng và giặt giũ xong xuôi mọi việc trước khi mẹ cô ở xưởng và cha cô ở toà báo trở về. Sập tối, hai ông bà bước vào nhà và hiểu ra ngay đã có một sự thay đổi kỳ lạ nơi cô con gái đang tuổi dậy thì! Hỏi mãi cô bé mới kể lại câu chuyện về 'cử chỉ đẹp' cô đã nghe thầy giáo Foreman kể ở lớp. Cô hứa với bố mẹ mọi chuyện hôm nay cô đã làm ở nhà sẽ không phải là một cử chỉ đẹp duy nhất cô sẽ cố gắng thực hiện.

Sau buổi cơm chiều thật vui và đầm ấm, ông Alfonse, cha của Mary, vốn là phóng viên của một tờ báo địa phương, khoan khoái ngồi vào bàn làm việc. Ông quyết định phải viết ngay một bài báo về câu chuyện 'cử chỉ đẹp'... Chỉ đến chiều ngày hôm sau thôi, cả miền đều xôn xao rộn rã khi đọc được bài báo. Người ta bảo nhau ít nhất mỗi ngày hãy nhớ làm một 'cử chỉ đẹp' nho nhỏ cho nhau, cho cuộc sống...

Sưu tầm