Vài chứng bệnh thường gặp ở tuổi vị thành niên


Theo Viện Thông tin Thư viện Y học Trung Ương

1. Trứng cá ở tuổi vị thành niên

Từ tuổi vị thành niên, cùng với sự phát triển nhanh về cơ thể, các tuyến mồ hôi và tuyến bã ở các em phát triển và bài tiết mạnh hơn. Tuyến bã là các tuyến nằm dưới da, cạnh lỗ chân lông, bài tiết chất nhờn giúp cho da mềm mại và có độ ẩm nhất định. Khi các tuyến này chế tiết nhiều, lỗ tuyến thông thành một nhân nhỏ nằm dưới da, cứng lại thành mụn trứng cá. Mụn trứng các đều gặp ở các em trai cũng như gái nhưng các em gái bị nhiều hơn và thường được quan tâm đến nhiều hơn. Mụn trứng cá có thể ở trên da mặt, hay gặp nhất ở trán, má, cằm; đôi khi ở vai, lưng, ngực nhưng không thấy ở các chi hoặc vùng thắt lưng. Mụn trứng cá ảnh hưởng đến thẩm mỹ làm các em rất khó chịu. Người có lớp da nhờn thường có mụn trứng cá nhiều hơn người có da khô, người da trắng bị nhiều hơn người da màu, người phương Đông bị ít hơn người phương Tây.

Mụn trứng cá có nhiều dạng khác nhau: Có thể là những sẩn nhỏ hơi lồi lên mặt da có đầu màu nâu hay đen; có thể là những sẩn nhỏ hơn, chìm dưới da, khó nhìn thấy đầu nhân trứng cá. Nếu mụn trứng cá bị nhiễm khuẩn (do không chú ý giữ gìn da sạch sẽ và nhất là do nặn nhân trứng cá, vi khuẩn sẽ từ các ngón tay hay do đã có sẵn trên da hoặc tại chỗ chân lông xâm nhập), các mụn sẽ sưng lên, mưng mủ có khi trở thành nhọt rất nguy hiểm. Đặc biệt nếu nhọt xuất hiện ở vùng quanh miệng (thường gọi là đinh râu) thì bệnh cảnh sẽ diễn biến rất nặng, dễ dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, nếu không được điều trị đúng và kịp thời có thể tử vong. Trứng cá càng nặn thì càng dễ bị viêm nhiễm, mụn trở nên to, rộng ra ở dưới da tạo thành các “trứng cá bọc”, nếu nặn ra hoặc vỡ mủ sẽ để lại sẹo, càng làm da trở nên xù xì, mất thẩm mỹ.

Các em bị trứng cá nên biết rằng sự bài tiết của các tuyến bã là hiện tượng sinh lý bình thường của da. Để hạn chế mụn trứng cá, phải lluôn giữ cho da sạch sẽ, không để bụi bẩn bám vào làm lấp các lỗ chân lông; cần thường xuyên rửa mặt bằng nước mát, sạch và nếu có thể thì rửa với xà phòng, tốt nhất với các loại sữa rửa mặt thích hợp đối với từng loại da. Nên hạn chế việc xoa kem, đánh phấn (đặc biệt với các em gái) vì các chất này bôi lên da càng dễ bám bụi, có thể làm tắc lỗ chân lông và các ống tuyến bài tiết không kể còn có khi bị ứng với các loại mỹ phẩm không thích hợp.

Hàng ngày, các em có thể xoa bóp da mặt 2-3 lần (lúc mới ngủ dậy buổi sáng, buổi tối và có thể cả buổi trưa), mỗi lần 5-10 phút bằng cách sau khi rửa sạch tay với xà phòng, dùng hai bàn tay xoa nắn da mặt bắt đầu từ gốc mũi lan rộng ra xung quanh như hình nan hoa xe đạp. Kiên trì xoa nắn đều đặn hàng ngày sẽ giúp cho các tuyến bã hoạt động, đỡ ứ đọng các chất bài tiết của nó trong các nang lông do đó hạn chế phát sinh trứng cá. Không nên nặn trứng cá, nhất là các mụn trứng cá ở xung quanh miệng.

Nếu trứng cá quá nhiều, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của làn da, khuôn mặt, các em nên đến khám tại các chuyên khoa da liễu để được các thầy thuốc chuyên khoa da liễu tư vấn và dùng thuốc cho phù hợp. Tuyệt đối không tự động tìm mua thuốc này, thuốc kia hoặc qua mách bảo của bạn bè đã được dùng thuốc chữa trứng cá vì không phải ai cũng được dùng các loại thuốc như nhau.

Có thể với người này thì thuốc có tác dụng tốt, nhưng với người khác lại không dùng được. Đặc biệt chú ý là có một số loại thuốc chữa trứng cá rất hiệu nghiệm nhưng lại đòi hỏi người dùng phải tuyệt đối tránh nhất là đối với phụ nữ đang có thai, không những chỉ vào lúc đang dùng thuốc mà còn phải hàng năm sau khi đã ngừng sử dụng vì loại thuốc đó có khả năng gây dị dạng cho thai. Tóm lại, các em chỉ nên dùng các thuốc bôi ngoài da hay uống khi đã được bác sĩ chuyên khoa da liễu thăm khám, tư vấn và chỉ định cho dùng.

2. Tại sao nhiều em gái sau khi dùng mỹ phẩm lại bị ngứa, sưng mặt, phù nề, có khi rất nặng?

Quả có đúng như vậy. Nhu cầu chính đáng của các em gái và phụ nữ nói chung là muốn trang điểm cho thêm đẹp. Từ xưa đến nay đã có không biết bao nhiêu các loại mỹ phẩm được chế tạo nhằm phục vụ nhu cầu trên của phụ nữ. Không kể đến những loại mỹ phẩm kém phẩm chất hay được làm giả, làm nhái, chất lượng không ra gì; ngay cả các loại mỹ phẩm có tiếng hàng đầu thế giới cũng vẫn có thể gây nên bất trắc cho người sử dụng vì nguyên nhân dị ứng.

Dị ứng là một phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với một chất nào đó. Chất tác động lên cơ thể có thể qua da (thuốc bôi ngoài da, mỹ phẩm), qua đường ăn uống (thức ăn, đồ uống), hoặc qua đường thở, hít (mùi, phấn hoa), qua đường tiêm chích (thuốc tiêm).

Biểu hiện của dị ứng cũng rất khác nhau, thường thấy là tình trạng mẩn ngứa ngoài da, phù nề ở mặt; có khi biểu hiện bằng đau bụng, tiêu chảy; có khi lại biểu hiện bằng tình trạng khó thở, co thắt khí phế quản (cơn hen)...Mức độ nặng của dị ứng là tình trạng choáng phản vệ, có thể gây tử vong trong khoảnh khắc (thường gặp khi dùng thuốc tiêm).

Chất gây nên dị ứng không phải là chất độc hại đối với mọi người mà chỉ tác động lên cơ thể một số người bị mẫn cảm với chất đó. Ví dụ tôm, cua, cá là những thực phẩm thông dụng, nhưng ở những người bị dị ứng với chúng thì khi ăn vào sẽ có các biểu hiện của dị ứng ở ngoài da, ở đường tiêu hoá hay ở đường hô hấp. Đúng như câu phương ngôn của ta ”Sơn ăn từng mặt”.

Quả là với rất nhiều người khi tiếp xúc với sơn ta không sao cả, nhưng với người bị dị ứng với chất này thì khi làm việc ở nơi có sơn, hoặc chỉ vô tình đi qua nơi bán sơn hoặc nơi có cây sơn mọc là mặt mũi đã bị sưng phù, có khi lở loét, chảy nước vàng gọi là “lở sơn”. Với thuốc men cũng vậy, hàng trăm ngàn người tiêm pênixillin không sao, nhưng có người chỉ tiêm một liều thấp, thậm chí mới chỉ thử phản ứng xem có thể tiêm được hay không, thế mà vừa rút kim ra đã bị choáng phản vệ và tử vong đột ngột.

Với các chất mỹ phẩm bôi trên da cũng có đặc điểm như vậy; vì thế cũng là loại phấn, son hay kem được mọi người ưa dùng và đều không sao, nhưng với một người nào đó sử dụng nó thì bị dị ứng. Vì thế lời khuyên cho tất cả mọi người là phải thận trọng khi lần đầu dùng mỹ phẩm hay khi sử dụng một loại mỹ phẩm mới. Tốt nhất là không bao giờ được sử dụng ngay mà nên thử bằng cách bôi một chút mỹ phẩm đó lên vùng da sau tại hoặc ở mặt trong cánh tay rồi theo dõi ít nhất trong vài ba giờ; khi cần (với người có cơ địa dị ứng) thì trong 1-2 ngày (vì có những chất gây dị ứng muộn). Nếu da vùng được bôi lên đó vẫn bình thường thì mỹ phẩm này có thể dùng được, còn nếu thấy da nơi đó đỏ lên, nổi mẩn hay ngứa ngáy thì không nên dùng các loại mỹ phẩm đó nữa.

3. Bệnh thấp tim là gì? Nguyên nhân, mức độ nguy hại và cách phòng ngừa?

Thấp tim là một bệnh thường bắt đầu ở lứa tuổi vị thành niên (11-15 tuổi). Tuy gọi là bệnh thấp tim, nhưng ban đầu bệnh không bắt đầu ở đó mà lại là tình trạng viêm họng do một loại vi khuẩn có tên là liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, nhiều khi triệu chứng cũng chỉ thoáng qua không gây nên khó chịu gì đối với trẻ nhưng sau đó khoảng 1-5 tuần thì có biểu hiện đau ở khớp với đặc điểm là đau “chạy” từ khớp này sang khớp khác. Khớp bị sưng, đau, nóng đỏ thường là các khớp lớn như khớp gối, khớp khuỷu, khớp cổ chân, cổ tay làm cho người bệnh đi lại và cử động rất khó khăn; ít khi thấy sưng đau ở các khớp cốt sống hoặc khớp ngón tay, ngón chân. Khi khớp sau bị sưng đau thì các khớp bị sưng đau trước đó lại khỏi và trở lại hoạt động bình thường, không bao giờ có biến dạng khớp và bị hạn chế cử động như các loại viêm khớp khác. Chính vì biểu hiện ở khớp ồn ào như vậy nên đã có thời gian khá dài bệnh được mang tên là bệnh “thấp khớp cấp”.

Tuy vậy từ xa xưa, các thầy thuốc có kinh nghiệm đã nói rằng bệnh chỉ “liếm” qua khớp nhưng lại “đớp” vào tim. Thực ra ngay khi người bệnh có cơn đau ở khớp thì ở tim cũng có tổn thương (cơ tim, các màng tim và các van tim) làm cho người bệnh mệt mỏi, đau tức ngực, khó thở. Cũng có khi còn kèm các dấu hiệu thần kinh biểu hiện bằng triệu chứng múa vờn. Nếu không được điều trị, đợt cấp tính này kéo dài khoảng 2-3 tuần rồi khỏi hẳn, nhưng sau đó một thời gian bệnh lại tái phát và mỗi lần tái phát như vậy các tổn thương ở tim càng nặng hơn dẫn đến các chứng hẹp hay hở van tim hoặc hở hay hẹp các van động mạch tại tim là những bệnh tim thực thể trầm trọng. Những bệnh tim này đối với nam hay nữ đều nguy hại nhưng với các em gái sau này còn có chức năng sinh đẻ thì các bệnh tim này lại càng nguy hiểm, có thể gây tử vong đột ngột khi mang thai và sinh nở do bị suy tim, phù phổi cấp.

Ngày nay bệnh thấp tim hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Ngoài việc gìn giữ vệ sinh răng miệng và hô hấp, giữ ấm cổ ngực để tránh bị cảm, bị viêm họng, viêm khí-phế quản là những bệnh khởi đầu của thấp tim, trường hợp các em đã bị viêm họng do loại vi khuẩn đặc hiệu nói trên, nên được khám và được áp dụng chế độ dùng thuốc dự phòng trong nhiều năm liền để không bị biến chứng vào tim. Nhờ có chế độ dự phòng này, nhiều nước phát triển trên thế giới ngày nay hầu như đã thanh toán được các bệnh tim thực thể như hẹp hở các van tim hoặc các van động mạch ở tim. Tại hầu hết khoa nhi của các bệnh viện nước ta hiện nay cũng đã có chế độ dự phòng thấp tim cho các cháu.

Trang chính | Trang nhà