Có thể nói rằng trong cuộc sống lứa đôi, điều ao ước bình thường
và nhỏ nhoi nhất của mỗi cặp vợ chồng là sự tương đồng, hòa hợp;
nếu không được trong tất cả mọi lĩnh vực thì chỉ một vài lĩnh
vực nào đó cũng đủ để cùng nhau tát cạn biển đông. Sau những
trận cãi vã, sau những hiểu lầm nhau do không cùng quan niệm
hoặc quan niệm đối nghịch nhau, một người thường bỏ đi với ý
nghĩ thế là xong, vợ chồng không hợp nhau sớm muộn gì cũng chia
tay thôi. Và trước tòa, không ít cặp đã nhấn mạnh đến sự xung
khắc, đến những "khác biệt không thể nào dung hòa" như lý do
khiến họ phải quyết định ly dị.

Thông thường là vậy thế nhưng trong quyển The New Intimacy, hai
tác giả Judith và Jim đã đưa ra một quan niệm hoàn toàn trái
ngược. Theo họ, vợ chồng không hợp nhau là điều rất bình thường
và vẫn có thể sống chung rất hạnh phúc đến ngày răng long tóc
bạc với điều kiện hãy xem những khác biệt đó như một cơ hội để
cùng trưởng thành, như một chất liệu để bổ sung những thiếu sót
của nhau.
Judith và Jim cho rằng với nỗ lực thay đổi để hòa hợp, với ý chí
muốn trở thành một người khác để thích nghi với cuộc sống chung,
bạn có thể biến những khác biệt giữa vợ chồng thành chất xúc tác
để cùng trưởng thành thay vì những trở ngại đưa đến đau khổ,
chia lỵ Trong quyển The New Intimacy, Judith và Jim đưa ra chín
biện pháp nhằm giúp những cặp vợ chồng "xung khắc nhau như mặt
trời mặt trăng" cùng ngồi xuống bàn thảo để tìm ra cách giải
quyết hài lòng cả hai để hòa hợp nhau hơn,. Chín biện pháp này
được hai tác giả khuyên những cặp không "đồng vợ đồng chồng"
thực hiện với mục đích đối diện và giải quyết mâu thuẫn thay vì
tránh né; vì vậy, mỗi người cần nói với một nửa của mình về các
vấn đề gây ra mâu thuẫn đồng thời nên lắng nghe nhau một cách
tôn trọng và với lòng hiếu kỳ chân thành muốn hiểu rõ ý nghĩ
quan niệm của người kia. Chín biện pháp đó là:
1. Xác định vấn đề: Như đã đề cập trên, vì không hợp tính
tình, ý kiến với nhau nên vợ chồng thường hục hặc, sinh cãi cọ
còn ráng nín nhịn thì ấm ức trong lòng, lâu ngày sinh bất mãn.
Cả hai tình trạng này đều khiến đời sống lứa đôi không êm ấm, dễ
đưa đến xa nhau. Vì thế, hãy tìm hiểu xem bạn và chồng thường
bất đồng ý kiến về vấn đề gì, vào lúc nào để từ đó có thể tránh
chúng ra.
2. Nói lên cảm nghĩ của mình: Đừng che giấu hoặc nói khác
đi cảm nghĩ của mình. Dù nói thật mất lòng nhưng thà mất lòng
trước được lòng sau, huống chi vợ chồng là hai người bạn sẽ cùng
song hành trên một con đường đến hết cuộc đời; nói ra ý nghĩ,
cảm tưởng của mình là cách "dọn cỏ" để đoạn đường trước mắt được
quang đãng.
3. Biết mình đang quan tâm điều gì: Người ta thường không
nhận ra hoặc không quý trọng những gì mình đang có; chỉ đến khi
mất rồi mới cảm thấy tiếc. Những khi va chạm nhau, bạn cần tự
nhắc nhở mình rằng các quan hệ trong đời sống như một chiếc kính
vạn hoa gồm nhiều mảnh ghép lại với nhau và quan hệ hiện tại
giữa bạn và người phối ngẫu quan trọng hơn bất cứ mảnh ghép nào.
4. Đừng tự phá hoại: Suốt thời kỳ quan hệ gặp khó khăn,
bạn cần nhận biết những gì đang xảy ra và đừng để những ý nghĩ,
thái độ hoặc hành vi tiêu cực phá hoại thêm. Hãy tưởng tượng
quan hệ hôn nhân của bạn như một con thuyền đang nghiêng ngã vì
giông bão, nếu khéo chèo chống nó vẫn có thể vào được bến bờ
bình yên nhưng chỉ cần thêm một cơn gió mạnh, nó sẽ bị dòng nước
cuốn chìm.
5. Thay đổi suy nghĩ: Hãy nhận rõ điều thực tế là bất cứ
vấn đề nào cũng có thể được hiểu và được suy diễn theo nhiều
cách khác nhau, nếu không bạn sẽ tiếp tục nghĩ theo lối mòn cũ
và ngày càng đào sâu thêm mâu thuẫn giữa hai người.
6. Nhận trách nhiệm cá nhân: Hãy tự hỏi bạn đã nhúng tay
vào việc gây ra tình trạng xung đột, không hòa hợp này như thế
nào và bằng những cách nào. Không có lửa sẽ không có khói, trong
bất cứ quan hệ tình cảm nào, hiếm khi mâu thuẫn phát sinh chỉ do
một người gây ra.
7. Hãy nhớ mỗi người là một cá nhân hoàn toàn riêng biệt,
Chồng bạn không phải là bạn và ngược lại, vì thế, đừng bắt anh
ấy phải suy nghĩ giống hệt bạn. Cách giải quyết những khác biệt
của bạn chỉ được tôn trọng khi cả hai người cùng tìm cách để
hiểu rõ, thông cảm quan niệm của người kia.
8. Học hỏi và đón nhận thêm kinh nghiệm: hãy chia sẻ kinh
nghiệm của bạn với chồng và học hỏi sự từng trải riêng của anh
ấy. Cần quên đi tính bảo thủ để mở lòng ra đón nhận và quý trọng
những kinh nghiệm khác với kinh nghiệm của bạn.
9. Cùng tìm ra cách giải quyết: khi phải giải quyết một
vấn đề gì, hãy nhớ bạn và chồng là hai người hoàn toàn khác
nhau. Bất cứ biện pháp nào được đưa ra cũng phải thỏa đáng cả
hai và mang lại hiệu quả chứ không chỉ thỏa đáng một người nào.
Giải quyết một vấn đề không có nghĩa là dành phần thắng về ai mà
đó là một tiến trình chứng tỏ sự tôn trọng, thân mật và trưởng
thành.
Tóm lại, đừng suy diễn rằng nếu bạn và ông xã không đồng ý với
nhau nghĩa là quan hệ đang trục trặc. Thật ra điều đó chứng tỏ
quan hệ bạn như một chiếc xe đang tới thời kỳ cần được "bảo trì"
và thay nhớt để chạy tốt hơn. Chỉ những người mơ mộng lãng mạn
mới nghĩ rằng đời sống hôn nhân sẽ trôi qua trong êm đềm, suông
sẻ mà không cần phải quan tâm, chăm sóc và thay đổi.
Trong cuộc sống vợ chồng, nhiều khi vì tính khí khác biệt mà hai
người khó hòa hợp với nhau. Để tránh sự xung đột đi xa, bạn cần
nói lên cảm nghĩ của mình, xác định vấn đề không hòa hợp... để
cùng chồng tìm ra cách giải quyết tốt nhất.