Nếu có một mong muốn hàng đầu
trong cuộc sống lứa đôi thì đó phải là sự thân mật, đồng cảm
giữa hai người. Trong khi, phần lớn các bạn trẻ đều biết tình
yêu thật hết sức cần thiết để chung sống lâu dài thì họ lại ít
khi nhận thấy khía cạnh tình bạn trong hôn nhân: Tình yêu mà
không có tình bạn cũng như một bức tranh đẹp nhưng xa lạ.

Những người không khao khát một
tình yêu bất diệt chỉ vì họ thiếu tình bạn trong hôn nhân. Không
thể tránh khỏi, sự vắng mặt tình bạn sẽ dẫn đến một loạt các đòi
hỏi ích kỷ cuối cùng là sự hiểu lầm, lục đục, thậm chí ghẻ lạnh
trong cuộc sống lứa đôi.
Quan hệ bạn bè giữa chồng và vợ
chỉ có được khi hội tụ hai yếu tố; tình cảm khoan dung, sự hoà
hợp trong chuyện gối chăn và khát vọng. Đây quả thực là một
nhiệm vụ khó khăn. Trong khi nghiên cứu về cuộc sống tâm lý lứa
đôi, chúng tôi rút ra được 5 rào chắn- thủ phạm giết chết tình
bạn trong hôn nhân và xin trình bày với các bạn:
1. Nhìn sai người bạn đời
Một lý do khiến nhiều cặp vợ
chồng không thể thân mật được với nhau là họ – vì vô ý – xem
người bạn đời là mọi thứ trừ… tình bạn. Những cá nhân này xem vợ
(chồng) họ như người yêu, người họ trao thân hay “người bảo hộ
vững chắc” cuộc sống của họ. Đấy là cách nhìn cổ điển, xem hôn
nhân như một loạt những nhiệm vụ và nhu cầu phải thực hiện hoặc
chiếm đoạt, tình bạn muốn có phải tìm bên ngoài, sự hào phóng
chỉ dành cho bạn bè hơn là người bạn đời!
Thu Phương lập gia đình
được 12 năm. Theo ý chị thì cuộc sống lứa đôi không có vấn đề gì
lớn trừ một điểm: Chị và chồng chị thiếu sự thân mật. Khi còn
bé, cha mẹ Phương vì lo toan công việc cũng không hề thân mật
với nhau và chỉ để ý đến con cái. Hãy nghe chị nói: “Trong thâm
tâm tôi thấy Bình như là một trụ cột của gia đình, nhưng tôi lại
thích trò chuyện hoặc tâm sự những khó khăn với bạn bè hơn là
với anh ấy”.
Rõ ràng đối với Thu Phương, sự
hiện diện của Bình trong gia đình nặng tính biểu tượng hơn thực
tế. Chị không thể nào xem chồng như một người bạn tốt và cũng
chưa bao giờ tìm cách xây dựng không khí bạn bè trong gia đình.
2. Thiếu sự chia sẻ
Trong cuộc sống, giai đoạn lãng
mạn của quan hệ lứa đôi, những tình cảm xao xuyến hạnh phúc, vồ
vập, thống trị những tình cảm khác. Tuy nhiên, chính việc chia
sẻ cho nhau những nỗi sợ và khát vọng mới làm cho vợ chồng thêm
thân mật. “Những câu chuyện lãng mạn” chỉ nói về tình yêu, còn
tình bạn đặt tình yêu trong thử thách về “chất”.
Khi bạn cần có vợ (hoặc chồng)
bên cạnh cả lúc vui lẫn lúc buồn tức là bạn đã có được yếu tố
bạn bè trong quan hệ vợ chồng. Bạn bè là chia sẻ cho nhau còn
tình yêu thường nguỵ trang che giấu. Bạn bực bội về căn bệnh
nghiện rượu của cha và bạn không muốn nói với chồng thái độ che
giấu này tự nó hình thành một khoảng cách với người bạn đời, đã
giết chết tình bạn. Bản thân vợ hoặc (chồng) cũng làm hại cho
cuộc sống lứa đôi nếu cứ bận tâm với những lời nói ngon ngọt đầu
môi chót lưỡi. Hãy nghe cả những mối lo của nhau. Thẳng thắn và
chân thành- hai phẩm chất của tình bạn- phải luôn có mặt trong
cuộc sống lứa đôi.
3. Thiếu bình đẳng trong hôn
nhân
Tình bạn sẽ nảy sinh chỉ khi nào
bạn cư xử bình đẳng với người bạn đời. Ngoài việc xem cuộc sống
lứa đôi như “quá trình cho – nhận” bạn cũng cần loại bỏ những
trông đợi ích kỷ và không thực tế của người bạn đời. Đòi hỏi vợ
(hoặc chồng) phải phục tùng, ngợi ca mình quá đáng là một cách
có hiệu lực nhất để giết chết tình bạn. Không cho phép người bạn
đời phê bình mình (mà có ai hiểu về bạn hơn vợ bạn) bạn sẽ mất
cơ hội được thông tin một cách thành thật.
4. Không chấp nhận cá tính của
người bạn đời
Chúng ta thường hay đòi hỏi vợ
(hoặc chồng) phải thay đổi cá tính này hay cá tính nọ. Nếu muốn
xem người bạn đời là bạn thì bạn phải chấp nhận những khác biệt
thuộc về bản chất (dĩ nhiên là những khác biệt này không thiệt
hại cho cuộc sống lứa đôi). Là vợ chồng, chúng ta chỉ có khả
năng “thoả thuận” được hoặc “hợp” nhau 2/3 cá tính. 1/3 cá tính
còn lại luôn luôn là tiền đề cho những cuộc chiến tranh lạnh nếu
chúng ta không chấp nhận thực tế.
5. Cứ nhắc mãi những lỗi lầm cũ
Muốn có tình bạn trong hôn nhân,
những lỗi lầm cũ và thù hận sẽ phải được đặt sang một bên. Phần
lớn những tranh chấp cũ sẽ không bao giờ đạt được giải pháp đầy
đủ. Cố gắng “bới lá tìm sâu” cũng không bao giờ đem lại thắng
lợi cho bạn. Hãy để những tranh chấp cũ sang một bên và cùng
nhau đi hết cuộc đời. Khi chúng ta giữ mãi những tình cảm xấu
trong tim (nỗi hờn ghen cũ…); chúng ta không những làm mất tình
bạn mà còn khiến cho cả vợ và chồng đều đau khổ. Dĩ nhiên là bạn
phải biết tha thứ bằng cả lời nói và hành động, để giữ vững mái
ấm gia đình- một mái ấm mà bạn không thể nào từ bỏ được. |