Nếu định nghĩa rộng, có lẽ không ai trên cõi đời thoát khỏi hai
chữ tình yêu. Đặt định nghĩa tình yêu trong phạm vi rung động
giới tính, có lẽ cách này cách khác người nào cũng vướng lưới
tình ngay cả các bậc chân tu. Nếu bậc chân tu nào lỡ vướng mà
vượt thắng thì thành chân chân tu, còn thua ngã thì thành
giả chân tu. Nếu thua cuộc luôn thì từ biệt nhà Chúa nhà
Phật, “con về cõi tục con theo tiếng đời”.
Tình yêu giới tính gồm một chủ thể và một khách thể, hoặc có khi
nhiều khách thể. Nếu khách thể không biết chủ thể đang để ý đến
mình thì gọi là tình đơn phương. Dĩ nhiên đã là đơn phương thì
không mong có đáp trả. Nếu không đơn phương, nghĩa là chủ thể
cách nào đó cho khách thể biết mình đang “ngắm nghía” đối tượng
thì khách thể sẽ có hai thái độ, hoặc chấp nhận hoặc không chấp
nhận. Nếu tự ý không chấp nhận, hoặc không thể chấp nhận do trở
lực bên ngoài, thì mối tình của hai người thành tình tuyệt vọng:
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay.
(Khái Hưng, Tình
tuyệt vọng)
Hai thứ tình đơn phương và tuyệt vọng thường gây đau đớn cho chủ
thể, lắm khi đến chủ thể tự hủy hoại bản thân. Tình không thể
chấp nhận do trở lực bên ngoài còn gây đau đớn nhiều hơn, cho cả
đôi bên chủ cũng như khách thể. Thứ tình đau đớn này thường lại
là chủ đề của biết bao bài thơ sầu cảm.
Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai.
(Vũ Hoàng Chương, Đời vắng em rồi say với ai)
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm chưa dễ đã ai quên.
(Thế Lữ, Lời than thở của nàng mĩ thuật)
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt chị không nhìn
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.
(Hoàng Cầm, Lá diêu bông)
Nhạc sĩ Vũ Thành An trước khi bước chân lên bàn Thánh lãnh nhận
chức Phó tế vĩnh viễn đã sửa lại lời một ca khúc của ông, từ
“Con đường em đi đó… đúng hay sai em ơi?” thành “Con đường em đi
đó… đúng đấy em ơi!” Điều kỳ lạ không thấy ai bàn tới là, nếu
“con đường” “người ấy” đi là đúng thì đâu cần nhạc sĩ phải vất
vả ca hát lên làm gì! Phải có cái gì “không đúng” thì nhạc sĩ
mới phải đau buồn nhỏ lệ than khóc. Do đó, dù sửa hay không, tâm
sự của nhạc sĩ cũng đã quá rõ ràng. Và việc sửa chữa lời ca khúc
sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống chứng tỏ tận đáy lòng,
nhạc sĩ vẫn chưa quên được chuyện cũ người xưa, vẫn “cầm chiếc
lá đi đầu non cuối bể” như thi sĩ Hoàng Cầm. Đồng thời, người
thưởng ngoạn vẫn không cho chuyện sửa lại là đúng, vì sửa làm
sao được một cuộc tình đã đổ vỡ, hốt làm sao được chén nước đã
đổ đi?
Nếu giữa chủ thể và khách thể, hay nhiều khách thể như trường
hợp của ông già sáng lập báo Playboy với ba cô tình nhân chưa
đáng tuổi con ông, rồi với hai cô khác chỉ đáng tuổi cháu, thoả
thuận trao đổi tình yêu và đi đến hoà hợp chung sống, lại xảy
ra hai trường hợp: chung sống hạnh phúc và không hạnh phúc.
Chẳng có vấn đề gì để thảo luận khi cuộc tình chung sống hạnh
phúc đến đầu bạc răng long. Có vấn đề để nói đến là ở chỗ tại
sao cuộc tình thoả thuận đến chung sống lại không có hạnh phúc
để phải chia tay tan vỡ? Thống kê cho thấy con số ly dị của xã
hội Mỹ khá cao. Theo tạp chí divorcemagazine.com trên mạng, năm
2005 tại Mỹ đã có 2.230.000 người ly dị, tức là 3,6% dân số. Tỉ
lệ này giảm xuống so với trước đó, có thể vì tỉ lệ hôn nhân cũng
giảm từ 7,8% theo mỗi ngàn người xuống còn 7,5% trong năm đó.
Những vụ ly dị ầm ĩ nhất thường xảy ra trong giới tài tử ca sĩ
tại Holywood gọi chung là giới celebrities (tài danh),
như vụ của Britney Spears, hoặc trong giới chính trị có danh
phận, gần đây nhất là của cựu Thống đốc California
Schwarzenegger. Tại sao những người tài danh này yêu nhau đắm
say đến thế mà khi chia tay nhau cũng đau đớn đến thế?
Không phải chỉ trong cuộc sống có văn minh mới có tình yêu. Một
chương trình về một bộ lạc Nam Mỹ Amazon trên kênh Discovery
trình bày một cô dâu tóc xoắn da màu đồng đất 16 tuổi cho biết
cô bị mẹ cô buộc phải lấy một người anh em con bạn dì ruột ở
làng kế cận, trong khi cô đã có người yêu “có thể xem như là
chồng” tại quê quán cô. Anh chồng tương lai 17 tuổi của cô dâu
đó, chẳng yêu thương gì cô em họ anh ta sắp cưới, cũng nói: “Cứ
nghe lời mẹ lấy cô ta đi rồi sau này hẵng kiếm người yêu khác!”
Như thế cho thấy chuyện yêu đương không phải chỉ là sản phẩm của
thế giới văn minh mà có lẽ là căn tính của con người. Khi đến
tuổi, hai người khác phái nào đó gặp nhau tự nhiên cảm thấy rung
động muốn xáp lại gần nhau. Đó cũng là một đặc tính phân biệt
tình yêu con người với việc truyền giống của các loài khác. Tình
yêu của con người không hoàn toàn chỉ để truyền giống. Nó là một
sự rung động mà không ai định nghĩa được, như câu thơ của Xuân
Diệu, quen thuộc trở thành gần như ca dao, “làm sao định
nghĩa được tình yêu”.
Trong các ngôn ngữ mà tôi được biết, có lẽ không có từ ngữ nào
nói đến sự tương quan giữa hai người yêu nhau và chung sống với
nhau chứa đựng nhiều ý nghĩa cho bằng cụm từ tình nghĩa vợ
chồng của tiếng Việt chúng ta. Tình là tình yêu đôi lứa;
nghĩa là nghĩa vợ chồng. Hai thứ tình và nghĩa trộn lẫn lại làm
thành phân bón, làm thành lương thực nuôi sống cuộc sống hôn
nhân. Hôn nhân không tình yêu không thực sự là hôn nhân vì đã
thiếu yếu tố không thể thay thế khi tuyên lời hôn ước: yếu tố tự
do. Nếu có tự do, không hai người nào chẳng hề có chút tình ý
với nhau lại có thể thành hôn với nhau. Nếu thành hôn không vì
tình yêu, chắc chắn cuộc hôn phối đó chỉ vì một lý do nào khác:
tư lợi, tiền bạc, cưỡng bức… Những cuộc hôn nhân cưỡng ép ngày
xưa, và bây giờ thỉnh thoảng vẫn còn, có thể tồn tại vì những
ràng buộc khác: tai tiếng như khi có thai với nhau ngoài chủ ý,
uy thế của gia đình đôi bên, uy lực của xóm làng… Không có những
ràng buộc ngoại tại đó, chắc chắn người ở phía bị cưỡng bức sẽ
vùng thoát khỏi cuộc hôn nhân ngay từ lúc ban đầu.
Hôn nhân giữa đối thể và khách thể trong văn hoá Việt Nam chúng
ta như thế khởi đầu bằng “tình” và gắn bó bằng “nghĩa”. Nàng
Kiều khi phải bán mình chuộc cha biết “tình” nàng với chàng Kim
giờ đây đã dứt, chỉ còn lại chút “nghĩa” cũng phải phụ phàng,
nên đã nhờ cha nàng trả nghĩa:
Lạy thôi, nàng lại thưa chiềng,
Nhờ cha trả
được nghĩa chàng cho xuôi.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Chút “nghĩa” đó chính là nét đặc trưng trong nền văn hoá dân
tộc chúng ta. Cha mẹ chúng ta thường khuyên bảo con cái: “Vợ
chồng sống với nhau phải có tình có nghĩa”. Khi bình thường, an
vui cũng như sầu khổ, vợ chồng sống với nhau bằng “tình”. Khi
một trong hai người bệnh hoạn tai ương, hoặc gây nên lầm lỗi,
nếu tình yêu phôi pha hoặc không còn nữa, vợ chồng vẫn sống bên
nhau bằng “nghĩa”. Nói cách khác, tình là phần việc của con tim,
nghĩa là phần việc của lý trí. Con tim và lý trí đi chung với
nhau để cuộc sống vợ chồng bền chặt. Cũng vì thế, mức độ ly dị
ngày trước trong hôn nhân Việt Nam gần như không có. Người chồng
có thể hời hợt khi gặp người vợ không như ý bằng cách chung chạ
với người khác, vợ lẽ nàng hầu, nhưng vẫn không bỏ bê người vợ
đang làm buồn lòng mình. Người vợ khi gặp phải chồng không ưng
ý, vẫn sống chung trong một mái nhà, cho dẫu nhiều khi không còn
chung chăn chung gối, để gia đình không bị đổ vỡ, nhờ vào chút
“nghĩa phu thê”.
Chàng ơi phụ thiếp làm chi,
Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng.
(Ca dao)
Tình nghĩa vợ chồng Việt Nam là thế đó. Người vợ bị chồng bỏ bê,
mang lấy chút nghĩa cùng chồng, đành cam chịu số phận làm “cơm
nguội” chỉ để chờ khi chồng “đói lòng” ngó ngàng đến. Dĩ nhiên,
trong thời đại nam nữ bình quyền này, không còn ai chấp nhận cực
đoan “chồng chúa vợ tôi” này nữa. Thay vào đó, người ta dùng
sách lược “ông ăn chả, bà ăn nem”, cũng là một cực đoan khác.
Khi một trong hai người của một đôi vợ chồng gây nên bất cứ điều
gì không thuận ý cho người kia, hai người hết “tình” nhưng lại
không chút ràng buộc nào về “nghĩa” để cùng nhau tìm một bài
thuốc dù tạm bợ hầu nuôi dưỡng cuộc sống gia đình. Mà cho dẫu
hai người có muốn hoà giải để sống với nhau vì “nghĩa”, xã hội
cũng không cho họ có thì giờ suy nghĩ để giải quyết với nhau.
Xem trường hợp gần nhất của gia đình vợ chồng Schwarzenegger thì
rõ. Khi đổ bể chuyện lăng nhăng của người chồng, truyền thông
không để cho người vợ, bà Maria Shriver, kịp thì giờ tính toán
chuyện gia đình riêng tư. Báo chí, phát thanh, truyền hình đã
nhao nhao đặt “cày trước trâu”, thi nhau đưa ra câu hỏi liệu họ
có đem nhau ra toà ly dị hay không? Chẳng một ai thắc mắc liệu
họ có làm hoà với nhau được không, có tha thứ lỗi lầm cho nhau
được không, có giữ với nhau chút “nghĩa” dù nay “tình” có thể đã
hết rồi không? Cùng một hoàn cảnh như vậy với vụ việc hai vợ
chồng Dân biểu Weiner.
Khác biệt giữa văn hoá Tây và Đông một phần ở chỗ đó. Cha mẹ
chúng ta phần lớn đều hết sức ngăn chặn các cuộc tình đổ vỡ bằng
lời khuyên, “thôi thì một sự nhịn, chín sự lành, nhường
nhịn nhau đôi chút để phúc lại cho con cho cháu”. Con cháu chúng
ta sống tại quê hương thứ hai này ngày nay chỉ biết chữ “tình”
mà không hề biết đến chữ “nghĩa”. Vì thế, khi không còn vui vẻ
chung sống với nhau, họ ly dị nhau dễ dàng không một chút xót
xa. Văn hoá Việt Nam không nằm ở chỗ gặp khi con gái gốc Việt
lập gia đình với con trai gốc Mỹ hay ngược lại, cha mẹ người
gốc Việt buộc phía bên kia phải mặc trang phục Việt cũng áo
thụng khăn đóng, mang lễ vật kiểu Việt mâm lớn mâm nhỏ, cau
trầu, trà rượu, heo quay. Văn hoá cũng không nằm ở chỗ buộc
phía bên kia phải “lạy giàng thờ” để chứng tỏ phía bên kia đã
thuận lấy phía Việt làm mực thước. Nó nằm ở chỗ làm sao cho cả
đôi bên biết được hôn nhân theo văn hoá Việt Nam chúng ta là vợ
chồng lấy nhau vì “tình”, chung sống vì “nghĩa”. Hiểu được hai
chữ này theo ý nghĩa thâm sâu của nó là sống trọn vẹn tình vợ
chồng theo văn hoá chúng ta. Một khi đã có “tình” và có
“nghĩa”, các cuộc hôn nhân sẽ không bao giờ “hết thuốc chữa” đến
nỗi phải chia tay không hề quay mặt lại. Mà cho dẫu tệ hại đến
chỗ phải chia tay, hai người đã một thời chung chăn chung gối
chắc chắn cũng không đến nỗi trở nên hai kẻ thù “không đội trời
chung”, “nhìn mặt nhau không thẳng”, mà vẫn còn giữ với nhau một
chút “nghĩa” nào đó, không thể “cạn tàu ráo máng” với nhau.
Tay bưng đĩa muối chấm gừng,
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau.
(Ca dao)
Thế đấy, vợ chồng như “gừng cay muối mặn” luôn luôn khắng khít
bên nhau, như chim với rừng không thể có bên này không có bên
kia:
Chim xa rừng thương cây nhớ cội,
Người xa người tội lắm người ơi,
Thà rằng không biết thì thôi,
Biết nhau mỗi đứa một nơi sao đành.
(Ca dao)
Chất keo gắn bó cuộc sống vợ chồng trong nền văn hoá Việt Nam
chúng ta chính là hỗn hợp “tình” và “nghĩa”. “Tình” để yêu
thương nhau và “nghĩa” để chịu đựng nhau. Mất đi một hợp chất,
keo không còn dính nữa, khác gì xi măng không có nước.
Nhưng, làm sao giải thích được ý nghĩa thâm sâu của hai chữ
“tình” và “nghĩa” cho thế hệ trẻ đang quay cuồng như thác đổ
trong bão tố của chủ thuyết vật chất và thế tục đang tìm cách
chế ngự mọi ngóc ngách của cuộc sống ngày nay trên toàn thế
giới, cách riêng trên đất nước Mỹ quê hương thứ hai này?