Sống chung với mẹ chồng


Theo Gia Đình Trẻ

Chị bạn tôi cảnh báo: "Mẹ chồng em ghê gớm lắm đấy. Em không phát khóc lên với bà ấy thì chị đi đầu xuống đất." Quả là tôi đã mất rất nhiều nước mắt những ngày đầu làm dâu. Nhưng chuyện không dừng ở đó.

Thuở nhỏ ở với cha mẹ tôi vốn được yêu chiều, đi học thì sống trong ký túc xá càng tha hồ tự do. Chẳng bao giờ tôi bị ai xét nét mỗi khi ngủ nướng, để bát đĩa bẩn qua đêm hoặc quá tay khi nêm gia vị vào nồi canh... Vậy mà bây giờ, lúc nào tôi cũng có cảm giác như bị theo dõi, giám sát. Những lời nhận xét, dặn dò rải rác mỗi ngày của bà mẹ chồng khiến tinh thần tôi cứ rã rời.

Ngay lần đầu tiên phải đảm đương bữa cơm cho nhà chồng, tôi đã thất bại với món rau luộc chưa đủ mềm, món sườn chua ngọt vừa dai vừa mặn. Nghe mẹ chồng cằn nhằn: "Nấu thế này làm sao mà ăn được?" Tôi vừa ức vừa ngượng nhưng cũng tự nhủ sẽ để ý sửa sai.

Nhưng càng cố gắng, tôi càng thấy mình vụng về, lóng ngóng. Cơm canh mỗi hôm không ngon một kiểu. Nhiều lúc nhìn vẻ mặt khó chịu, nghe những lời chê bai của mẹ chồng, tôi vừa xấu hổ vừa bực bội và chỉ muốn xách va li bỏ đi luôn cho xong. "Nhưng nghĩ mình là con nhà có giáo dục, mình không thể bỏ đi. Mình được học hành, có hiểu biết, không lẽ mình đầu hàng trước việc này," tôi cứ tự nhủ như vậy để bình tâm lại.

Rồi sau một thời gian tốn vô khối nước mắt, tôi cũng tìm được cách để thích nghi. Tôi đã kiềm chế để không giận dỗi mỗi khi mẹ chồng chê trách, cố bỏ qua âm sắc khó chịu trong giọng nói cũng như vẻ mặt cau có của bà, chỉ chú tâm xem mình sai ở đâu để sửa.

Tôi cũng mạnh dạn hỏi kinh nghiệm làm các món ăn của mẹ chồng. Và bài học đầu tiên mà tôi học được từ bà là bài học muối dưa. Những vại dưa của mẹ chồng tôi muối lúc nào cũng vàng ươm, thơm phức lác đác những lá hành xanh thật là đẹp mắt. Còn khi tôi ra tay, món dưa chưa bao giờ được vinh dự bày lên bàn, vì lần nào thử sức vại dưa cũng bốc lên thứ mùi ung ủng, nồng nồng, lá dưa cứ úa thẫm. Nhờ mẹ chồng chỉ dẫn từng tý một, tôi mới biết cách rửa dưa, pha nước muối sao cho vừa độ và nén dưa thế nào mà không làm nát lá, rồi khi dưa đã gần chín mới thái hành trộn vào... Lần đầu tiên được nhìn thấy vại dưa vàng ươm pha lẫn những lá hành tươi xanh, ngon lành do chính tay mình làm tôi thấy thật vui. Và tôi bắt đầu nhập gia thực sự ở nhà chồng với vại dưa muối đó.

Tự thay đổi mình, càng ngày tôi càng nhận ra rằng, bà mẹ chồng khó tính của tôi thật ra có rất nhiều ưu điểm. Bà là người ngăn nắp, có đầu óc tổ chức. Khi bắt tay vào làm gì bà cũng sắp đặt để không việc nào chồng chéo việc nào, việc làm trước giúp việc làm sau được thuận tiện hơn. Chính vì thế bà vừa đảm đương tốt công việc ở cơ quan lại vừa quán xuyến việc nhà chu đáo mà vẫn có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân.

Tôi thực sự nhận ra những tình cảm sâu sắc, cảm động nơi bà khi tôi sinh đứa con đầu lòng. Những khi con tôi ốm, bà cũng trằn trọc ngủ không ngon. Nửa đêm bà thường thức giấc, lúc đem cái khăn đắp cho cháu, lúc dặn dò việc này việc kia. Nhìn bà âu lo, lúc âu yếm xoa nắn tay chân cho cháu, tôi đã quên hết những lúc bà nổi nóng, mắng mỏ này nọ để chỉ còn lại trong lòng niềm kính yêu với bà.

Càng sống cạnh bà, tôi càng học hỏi được nhiều điều, trong đó có cả chuyện để trở thành một người mẹ biết yêu con đúng cách. Đôi lúc bà vẫn rầy la chuyện này chuyện nọ, nhưng giờ đây tôi đã biết rằng cần phải nhìn vào những việc bà đã làm để hiểu tấm lòng yêu thương rất thiết thực của bà, chứ không nên ấm ức vì những lời nói đôi khi rất cay nghiệt của bà. Và tốt hơn cả là hãy cố gắng làm thật tốt mọi việc để bà không phải mắng.

Sau nhiều năm sống với một bà mẹ chồng khó tính, hình như tôi cũng không còn dễ tính nữa. Tôi thấy mình chu đáo hơn, làm việc hiệu quả hơn, và cũng khó chịu khi nhìn người khác làm việc không đến nới đến chốn. Tuy nhiên, tôi cũng không quên nỗi khổ tâm vì bị chê trách, mắng mỏ hồi mới về làm dâu để không bị nhiễm tính khí nóng nảy của bà. Thậm chí có những lúc vui vẻ, tôi còn lựa lời bày tỏ mong muốn được thấy bà nhẹ nhàng, hòa nhã hơn. Không ngờ, bà không giận, mà lại ngồi trò chuyện rất lâu, kể hết về cuộc đời thăng trầm vất vả của bà cho tôi nghe.

Mới 16 tuổi, do cha mẹ mất sớm, của cải tiêu tan, một mình bà là chị cả, đã phải cáng đáng mọi việc để nuôi bốn đứa em nhỏ (đứa bé nhất mới được hai tuổi). Do phải toan tính trước cuộc sống quá vất vả, phải nghiêm khắc để dạy dỗ các em, tính khí bà đâm ra cũng khó khăn. Bà thừa nhận đôi khi biết quá khắc nghiệt với mọi người, bà cũng muốn sửa lắm, nhưng không được vì nó đã trở thành tính cách.

Những lời tâm sự của bà khiến tôi vừa thương xót, vừa cảm phục. Từ đó, mỗi khi mẹ chồng nóng giận, tôi không còn thấy bực tức trong lòng nữa, vì tôi biết rằng bà cũng không muốn như vậy. Tôi còn kuyên chồng tôi nên hiểu và chiều bà hơn. Và mỗi khi gặp khó khăn, tôi thường nghĩ đến bà, đến những khó khăn lớn nhiều mà bà đã trải qua để có thêm nghị lực cho mình.

Từ một người xét nét nhiều khi nghiệt ngã, mẹ chồng tôi cũng ngày càng vui vẻ, nhẹ nhàng hơn. Tôi cảm thấy rất vui sướng vì sự thay đổi này. Hình như tôi và bà đã tìm thấy con đường để sống hòa hợp và yêu thương nhau. Mẹ chồng tôi cũng hiểu ra rằng, tuy vụng về nhưng tôi luôn mong muốn được chỉ bảo và sẵn sàng học hỏi nơi bà.

Nay tuy đã có tuổi, mẹ chồng tôi vẫn là "người cai quản tối cao" trong nhà. Bà vẫn sắp xếp mọi việc, không quên phân công cho mọi thành viên trong nhà những việc phù hợp. Cả cô cháu gái lớp ba cũng có nhiệm vụ quét nhà bằng cái chổi nhỏ xinh mà bà mua riêng cho. Cháu trai nhỏ hơn thì lon ton giúp chị hót rác, cất đồ chơi khi chị quét nhà.

Tôi cảm thấy cuộc sống mấy thế hệ dưới một mái nhà của chúng tôi thật yên ấm, nhịp nhàng. Nếu chịu khó học hỏi, tìm hiểu để thông cảm với mẹ chồng thì nàng dâu vẫn có thể chung sống ngay cả với những bà mẹ chồng ghê gớm nhất. Tôi rút ra được điều đó từ cuộc sống của chính mình.

PHƯƠNG AN

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments