Ở chung, ở riêng


Theo Thế Giới Phụ Nữ

Ở chung hay ở riêng với gia đình nhà chồng vẫn luôn là một vấn đề của nhiều nàng dâu trẻ.

Và câu chuyện xung quanh việc các cặp vợ chồng trẻ thiết lập tổ ấm sau đám cưới có liên quan đến chuyện ở chung, ở riêng vẫn luôn là những bộ phim dài tập. Bởi lẽ, đây hẳn không phải là chuyện đơn giản, nhất là trong thời buổi nhiều vợ chồng trẻ còn e ngại các mô hình gia đình truyền thống “tứ đại đồng đường”, “tam đại đồng đường”…

Sau đám cưới là “bên tình, bên hiếu”

Thân ngồi lặng im trước những lời than khóc của mẹ. Vì anh không biết nói với bà như thế nào. Phản đối vợ thì anh không dám làm rồi mà cãi lại mẹ anh cũng không thể. Sau đám cưới, Thân chưa có ngày nào được yên với chuyện ở chung hay ở riêng. Anh đang ở giữa mẹ và vợ. Cả hai người đó đang không ai chịu ai.

Mâu thuẫn chung, riêng – 1001 nguyên do

Thực ra, Thúy - vợ Thân - không hẳn đã thích dọn ra ở riêng. Bởi cô cũng muốn có thêm người đỡ đần việc nhà cửa và cô cũng sợ cảnh nhà vắng vẻ.

Trước kia, Thúy từng mơ ước khi lấy chồng sẽ được ở chung nhà cùng bố mẹ chồng để có thêm “bố mẹ” nữa. Thế nhưng lúc yêu Thân, Thúy biết rằng mẹ anh không lấy gì làm “ưa” cô lắm nên từ đó Thúy cảm thấy không thích mẹ Thân.

Bị mẹ phản đối lấy Thúy, nhưng Thân vẫn quyết tâm làm đám cưới với cô. Đương nhiên, trong việc này Thúy cảm thấy có “thế thắng” hơn so với mẹ chồng. Thế nên, khi làm đám cưới xong, phần vì Thúy lo không hòa hợp được với mẹ chồng, phần vì Thúy cũng muốn gặm nhấm niềm vui chiến thắng của một người đã “chiếm trọn trái tim”, hơn hẳn một bà già khó tính (tức mẹ Thân). Tự trong lòng Thúy cứ mỗi lúc lại có thêm những ác cảm với mẹ chồng.

Như đoán được thái độ của Thúy, mẹ Thân cũng tỏ vẻ lạnh nhạt ra mặt với con dâu. Bà tìm cách gây sức ép trước với con trai về tội “không chịu dạy dỗ vợ”.

Thúy và mẹ chồng mỗi lúc sáp mặt nhau là cả hai đều “mặt nặng mày nhẹ”. Có nhiều khi mẹ chồng Thúy còn tìm cách “cạnh khóe” con dâu nữa. Những việc đó như “giọt nước tràn ly”, Thúy một mực yêu cầu Thân dọn đi ở riêng.

Mẹ thân dù “làm mình làm mẩy” với con dâu vậy thôi nhưng trong lòng hoàn toàn không muốn vợ chồng Thân ở riêng. Vì bà đã quen với sự chăm sóc của Thân, với lại bà cũng sợ nỗi cô đơn của tuổi già.

Biết tin con dâu “xúi giục” chồng đi ở riêng, mẹ chồng Thúy “nổi máu” quát mắng cô một hồi rồi bắt đầu mở “chiến dịch tấn công” con trai. Ngày nào bà cũng khóc than để làm Thân khó xử, mủi lòng. Bà kể công nuôi nấng, kể tội con dâu. Trong lúc đó, Thúy cũng tìm cách gây sức ép với Thân bằng việc giận dỗi, dọa dẫm đi ở một mình…

Sau đám cưới Thân phải chạy đi chạy lại như “con thoi” giữa vợ và mẹ để nhằm giảng hòa hai bên. Nhưng cả hai chẳng ai chịu “xuống nước”. Thúy một mực đòi ra ở riêng, còn mẹ chồng cô khăng khăng: Nếu Thúy muốn đi thì đi một mình, Thân phải ở lại với mẹ.

Cuộc giằng co ở chung, ở riêng giữa Thúy và mẹ chồng mãi không có hồi kết. Vì Thân không biết nghe theo ai cả. Đến lúc, Thúy bày trò tự dọn đi ở riêng một mình thì Thân càng bị đẩy vào thế bí.

Anh phải dùng phép “phân thân”: Một tuần ở 3 ngày với mẹ, 3 ngày với vợ, ngày còn lại đi nhậu cho quên sầu. Cuộc sống vợ chồng của Thúy cũng chẳng lấy gì làm hạnh phúc vì Thân không thể nghe theo vợ mà “quên mẹ anh đi được”. Anh không thể vì mẹ mà “quên con vợ này đi mà cưới cô vợ khác được”. Anh không ngờ rằng hạnh phúc tổ ấm của anh lại đứng trên bờ vực thẳm chỉ vì câu chuyện ở chung hay ở riêng…

Khác với Thúy, Ngọc đòi chồng ra ở riêng bởi đơn giản cô là người không biết nấu ăn. Cô cảm thấy bị coi thường mỗi lúc vào bữa ăn mẹ chồng lại tự khen tài nấu nướng của bà và ra chiều dạy dỗ cô những điều về “nữ công gia chánh”.

Bà nói nhiều đến nỗi lấn sân sang cả phần dạy dỗ cô về “công dung ngôn hạnh”. Ngọc cảm thấy bị ức chế, bị chèn ép và thế là nằng nặc đòi chồng ra ở riêng.

Chồng Ngọc không thể chiều theo cô được vì mẹ anh có mỗi một mình anh. Với lại, anh tự thấy lý do để vợ đòi đi ở riêng là “vô lý” vì mẹ dạy dỗ thì có sao đâu. Thế là Ngọc vu ngay cho chồng tội “không coi vợ ra gì, lúc nào cũng chỉ có mẹ”.

Cô khăng khăng dọn đồ đi thuê nhà ở. Mẹ chồng Ngọc thấy thái độ của con dâu vậy lấy làm giận lắm. Bà cũng chọn giải pháp mà nhiều bà mẹ khác làm là gây áp lực với con trai. Chồng Ngọc trở thành “cái thùng rác” để mẹ và vợ trút vào đó bao nỗi bực dọc.

Anh chán chường nghiện rượu, bài bạc lúc nào không hay. Đến lúc, Ngọc và mẹ chồng nhận ra mình là nguyên nhân đẩy anh vào chốn chơi bời, lêu lổng thì đã quá muộn.

Chồng Ngọc bây giờ bỏ ngoài tai mọi lời “nhiếc móc nàng dâu” của mẹ, không thèm nghe những trận doạ dẫm bỏ đi của Ngọc. Bởi anh thấy có một tổ ấm lúc nào mẹ con cũng lục đục thì còn có ý nghĩa gì nữa.

Mẹ chồng Ngọc và cô muốn hòa thuận với nhau lắm để cứu vớt chồng cô nhưng có lẽ khó hàn gắn được mối quan hệ đã quá rạn nứt này.

Hòa thuận không phải là chuyện sống chung, riêng

Ngày nay, mô hình gia đình hiện đại không quá nặng nề chuyện con cái ở chung với cha mẹ sau khi kết hôn. Với điều kiện phương tiện đi lại và đời sống vật chất thuận lợi như hiện nay thì việc các cặp vợ chồng trẻ không cần chung sống với bố mẹ cũng có thể chăm sóc và phụng dưỡng được.

Vấn đề ở đây cho thấy nếu thiếu đi sự hòa hợp giữa nàng dâu và gia đình chồng thì dù ở riêng hay ở chung cũng đều có thể gây ra những mối bất hòa.

Vì thế, chuyện ở chung hay ở riêng không phải là điều tiên quyết để xây dựng mối quan hệ nàng dâu với nhà chồng. Và lý do để ở chung hay riêng cũng không nên xuất phát từ những mối hiềm khích trong lòng của cả hai bên.

Để có một tổ ấm hạnh phúc vuông tròn thì chuyện sống chung hay sống riêng cần bắt đầu xuất phát từ sự đồng lòng của hai bên. Cần có sự bàn bạc của đại gia đình về việc này và tuyệt đối không nên đưa ra quyết định khi mỗi bên có sự hiềm khích.

Hơn bao giờ hết, các nàng dâu trẻ cần thấu đáo hơn câu chuyện ở chung, ở riêng và kỹ năng hòa hợp với gia đình nhà chồng. Để chuyện ở chung hay ở riêng chỉ là một vấn đề đơn giản sao cho tiện ích nhất cho cuộc sống của mọi người trong gia đình.

PHƯƠNG MAI

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments