Nghệ thuật chinh phục mẹ chồng


Theo Cẩm Nang Mua Sắm

Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu luôn là đề tài muôn thủa. Làm thế nào có thể làm hài lòng gia đình nhà chồng, đặc biệt là mẹ anh ấy? Những cách đơn giản sau phần nào sẽ giúp bạn.

1. Nhập gia tuỳ tục

Khi lấy chồng, cũng có nghĩa là bạn bước vào một môi trường sống với phong tục, nề nếp gia phong khác nhiều so với gia đình cha mẹ đẻ. Ví dụ: khi chưa lập gia đình, bạn có thể  ngủ nướng mà vẫn có mẹ làm đồ ăn sáng cho, nhưng bây giờ bạn lại là người thực hiện điều đó. Hay bạn là người không theo một tôn giáo nhất định nào, nhưng anh ấy theo đạo Thiên chúa, và một điều chắc chắn là bạn phải đi lễ vào chủ nhật hàng tuần cũng như học nhiều giáo lý phức tạp khác.

2. Yêu quý mẹ chồng như mẹ ruột

Hãy giúp đỡ mẹ anh ấy làm bếp, dọn dẹp nhà cửa, sách túi đồ nặng, hay đơn giản chỉ là mời mẹ ly nước sau khi ăn cơm xong. Và trong những lúc mẹ đau ốm, bạn dành nhiều thời gian hơn để quan tâm, săn sóc mẹ. Ví dụ: nấu những món ăn mẹ thích, lấy thuốc cho mẹ uống, hoặc giúp đỡ mẹ vệ sinh thân thể… Những việc làm đó hết sức đơn giản nhưng cũng có thể “chinh phục” được người khắt khe nhất trong gia đình.

3. Tiền bạc không mua được tình yêu thương

Đừng để ý đến cô bạn thân mua tặng mẹ cô ấy chiếc dây chuyền vàng 5 chỉ, một người bạn khác lại mua tặng mẹ một chiếc ti vi plasma, khi kinh tế không cho phép bạn thực hiện điều đó.

Bạn và chồng đang băn khoăn không biết tặng mẹ món quà gì trong lễ mừng thọ sắp tới của bà, liệu tình cảm có được cân đo đong đếm bằng lượng tiền bạn chi vào món quà đó? Câu trả lời chắc chắn là không. Bạn tặng mẹ món quà đắt tiền nhưng chưa chắc tình cảm bạn dành cho mẹ lại tỷ lệ thuận với số tiền trên. Và ngược lại, bạn tặng mẹ những món quà nhỏ, một xấp vải, lọ dầu gió… với lòng trân trọng biết ơn, thì chúng sẽ là vô giá.

4. Hãy thận trọng khi đưa ra những lời nhận xét

Ngày chủ nhật tuần vừa qua, chồng bạn mời đồng nghiệp về nhà ăn uống. Bạn tất bật chuẩn bị thức ăn, thấy vậy mẹ vào bếp phụ giúp bạn nấu một số món. Nhưng bà không phải là người nấu được cơm dẻo, canh ngọt… Bạn sẽ phản ứng thế nào  khi mẹ chồng hỏi bạn về những món bà nấu? Bạn khen hết lời? Nếu bạn làm thế, bà sẽ nghĩ bạn không thực lòng. Hay bạn nói thẳng ra là món đó rất dở? Tất nhiên là không được rồi. Do đó bạn hãy khen, động viên bà nhưng đừng tâng bốc là được.

5. Bạn nên học cách nấu nướng trước khi về nhà chồng

Trọ cùng nhau trong suốt 4 năm đại học, Hảo nổi tiếng khắp khu nhà trọ là người “chém to, kho mặn”, và cô không muốn học nấu ăn, kể cả những món đơn giản nhất, và vì vậy Hảo luôn đảm nhận chân rửa bát.

Có lúc tôi hỏi Hảo: Sau này lấy chồng ai sẽ là người nấu ăn? Cô bình thản trả lời: “Mình sẽ tham gia học lớp nấu ăn trước khi lấy chồng. Sẽ ổn cả thôi”. Nhưng công việc ở công ty bận rộn, cũng như phải chuẩn bị cho đám cưới nên Hảo đã không thực hiện được ý định của mình.

Thay vì mẹ đẻ dạy cô nấu ăn, bây giờ mẹ chồng lại là người làm điều đó. Tất nhiên về khoản này, mẹ chồng cô không mấy hài lòng. Một lời khuyên cho những cô gái có quan điểm như Hảo là bạn hãy là người biết nấu ăn. Nấu ăn ngon không phải cho ai khác mà là cho chính bản thân, và cho những người thân yêu nhất của bạn.

6. Bạn có nên âu yếm chồng trước mặt mẹ anh ấy?

Trong xã hội Việt Nam, điều này vẫn chưa được nhiều người ủng hộ, nhất là những người ở độ tuổi ông bà, cha mẹ: Gần đây cô bạn thân trong công ty tôi tâm sự: “Mặc dù không nói ra nhưng tôi thấy mẹ anh ấy có vẻ không hài lòng khi chúng tôi làm điều đó trước mặt cụ. Tôi đã thổ lộ chuyện này cùng chồng. Và chúng tôi nhất trí là sẽ chú ý hơn khi thể hiện những cử chỉ tương tự”.

7. Hãy dành nhiều thời gian hơn cho mẹ

Từ khi nghỉ hưu, tôi thấy mẹ buồn đi rõ rệt. Nhiều lúc mẹ thẫn thờ và không hăng hái như lúc còn đi làm nữa. Là con, tôi hiểu được phần nào tại sao mẹ lại lâm vào hoàn cảnh đó nên thấy thương mẹ vô cùng.

Tôi tranh thủ những lúc rảnh rỗi để tâm sự cùng mẹ như chuyện mua sắm, hỏi han những thứ mà mẹ thích, nghe mẹ kể chuyện ngày xưa về gia đình cũng như tuổi thơ của chồng mình. Và tôi biết mẹ là người rất sùng đạo, nên thỉnh thoảng rủ mẹ đi chùa khi hai mẹ con có thời gian. Không hiểu từ lúc nào, hai mẹ con tôi lại quyến luyến nhau đến vậy.

8. Hãy là người ngăn nắp hơn

Khi được hỏi về mối quan hệ giữa mẹ chồng, nàng dâu, Phương Thảo, nhân viên bán hàng giãi bày: “Tôi là người hơi … thoải mái” về chuyện ăn mặc và vệ sinh nhà cửa.

Vì được chồng cưng chiều nên tôi thường xuyên dồn bát đĩa bẩn vào bồn và chỉ rửa chúng khi không còn cái bát đĩa nào sạch. Và quần áo của hai vợ chồng cũng trong tình trạng tương tự.

Vốn là người kỹ tính, mẹ anh đã đôi lần nhắc khéo tôi: “Con ạ, nhà mình nhiều gián, chuột. Nếu con để đồ như vậy thì chúng sẽ bò vào và gây bệnh cho người”. Tôi hiểu ý mẹ muốn gì. Và dần dần, tôi trở thành một người ngăn nắp hơn.

9. Thường xuyên thăm hỏi cha mẹ

Vì môt lý do nào đó, gia đình bạn phải sống xa cha mẹ, nên việc thăm hỏi thường xuyên là điều không thể. Hằng tuần, bạn nên gọi điện về hỏi thăm, động viên cha mẹ, nhất là những dịp lễ, tết. Ngoài ra, bạn nên sắp xếp thời gian để cho cháu về thăm ông bà những lúc có thể.

10. Bài học từ một người đã từng đi làm dâu

Vào một buổi chiều mưa, tôi gặp bác Minh khi bác cùng đứa cháu gái đến nhà thăm mẹ tôi. Trong lúc chờ bà đi chợ về, tôi đã có cuộc nói chuyện ngắn với bác về kinh nghiệm làm dâu của mình.

Bác chậm rãi kể: “Bác lấy chồng và sống trong gia đình tứ đại đồng đường, nên để làm hài lòng tất cả mọi người nhất là cha mẹ chồng, không hề dễ chút nào. Bác đã phải tốn rất nhiều thời gian để làm được điều này và rút ra được bài học: “Nếu là người chân thật, yêu thương chồng hết mực, chăm chỉ, lịch sự, và biết kính trên, nhường dưới, chúng ta sẽ “đắc nhân tâm”. Còn những cái khác không quan trọng lắm”

HẠNH NGUYỄN

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments