Nàng dâu và mẹ chồng đều cần phải hiện đại


Theo Hạnh Phúc Gia Đình

Từ xưa đến nay, trong xã hội ta dường như mối mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu luôn tồn tại. Ngày xưa thì nàng dâu không chịu nổi mẹ chồng khắc nghiệt còn ngày nay thì nhiều bà mẹ chồng cũng ngán ngẩm, thậm chí sợ lại những nàng dâu quá “chảnh”. Tại sao?

Trước đây, những cô dâu trẻ sợ mẹ chồng là chuyện thường xảy ra. Vì những phụ nữ thời xưa bước chân về nhà chồng khi còn rất trẻ, với hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp, không thu nhập và nhiều khi còn rất non dại, vụng về... nên họ bị mẹ chồng “ăn hiếp” hoặc cư xử rất cay nghiệt. Một phần nào đó do những bà mẹ chồng thời ấy ít học, cuộc sống quanh quẩn, khó khăn nên cũng sinh ra hẹp hòi và nhiều khi cố ý hoặc vô tình mà họ trở nên độc ác với người vợ của con trai mình...

Còn ngày nay, nhiều bà mẹ chồng không còn gây khó khăn, cay nghiệt với nàng dâu nữa, trái lại họ đâm ra... sợ lại con dâu của mình! Không ít bà còn cho rằng tất cả những “tai nạn” ấy đều xuất phát từ một nguyên nhân, đó là do con dâu họ “hiện đại” quá.

Có thể nói người con gái ngày nay khi lớn lên, họ chuẩn bị cho sự nghiệp và việc làm vợ, làm mẹ hơn là... làm dâu. Mà “làm dâu” hiểu theo cách truyền thống là phải phục tùng gia đình chồng, quan tâm chăm sóc cha mẹ chồng lúc bình thường cũng như lúc đau ốm hoặc hầu hạ cơm nước hàng ngày, nếu ở riêng thì phải thường xuyên về thăm nom, hỏi han, lo tròn bổn phận... Điều đó nhiều khi quá sức với người phụ nữ hiện đại luôn bận rộn và căng thẳng nếu không muốn bị tụt hậu trong công việc và cuộc sống.

Chưa kể là người phụ nữ hiện đại ngoài sự nghiệp riêng họ còn có những thú vui riêng hay bạn bè riêng nên họ khó mà “quên mình” để chăm lo cho gia đình chồng như những phụ nữ truyền thống.

Chị M.N. là một nhà báo giỏi giang và năng động nhưng khi lấy chồng chị không lường được rằng việc làm dâu của mình lại nặng nề đến như thế. Vì chồng chị là con trai một nên gia đình yêu cầu chị dù làm đến “bà gì” thì hàng ngày vẫn phải lo cơm nước ít nhất đủ hai bữa, cha chồng ốm thì chồng chị phải túc trực còn mẹ chồng ốm thì chị không được vắng mặt...

Nhưng là người quá say nghề và giờ giấc thất thường của một nhà báo nên chị không thể hoàn thành sứ mệnh ấy, vì thế mâu thuẫn giữa chị và gia đình chồng ngày càng căng thẳng, các bà chị chồng lên án chị là “vô đạo” và “không thể chấp nhận” nên họ gây sức ép bắt chồng chị phải làm đơn ly dị.

Hiện nay nhiều bà mẹ chồng từ quê lên sống với con ở thành phố, họ được hưởng một cuộc sống sung túc, đầy đủ tiện nghi với con cái thành đạt... Thế nhưng chỉ sau một thời gian các bà mẹ ấy đâm ra buồn bã, chịu đựng và nằng nặc đòi về quê, dù có bà không nói ra nhưng nhiều người cũng hiểu rằng tại cô con dâu “hiện đại”.

Chữ “hiện đại” ở đây được hiểu theo ý tiêu cực. Đó là những phụ nữ không còn giữ những phẩm chất truyền thống của người phụ nữ Việt Nam như chăm chút việc nhà, chịu thương chịu khó, không biết khiêm tốn nhún nhường hoặc có lối sống quá Tây, xa lạ với phong tục tập quán của người Việt...

Như bà Hiền từ Quảng Ngãi vào Tp. HCM. sống với gia đình con trai theo sự yêu cầu tha thiết của họ, chính hai vợ chồng về quê đón bà vào an hưởng tuổi già trong ngôi nhà mới xây rộng rãi, khang trang của họ. Thế nhưng chỉ ở được một tuần bà bắt đầu thấy buồn bực vì con dâu bà đi ra ngoài thì thôi chứ về nhà là đóng cửa phòng để xem “tivi”... một mình (thực chất là chị làm việc trên máy vi tính) hoặc “nấu cháo” điện thoại hay chúi mũi vào đống báo chí... Theo bà đó là chị “ham chơi” mà ít khi quan tâm đến chuyện đi chợ nấu ăn, chăm con và trò chuyện với bà.

Chủ yếu công việc nhà chị giao cho chồng, một giảng viên đại học có nhiều thời gian làm việc ở nhà và người giúp việc đến làm theo giờ. Bà mẹ đau khổ vì thấy con trai mình bị vợ “xỏ mũi”, học hành cao nhưng phải làm “đầy tớ” vợ...

Bà không hiểu sao con dâu mình lại có “quyền lực” đến như vậy và ngày càng tức bực chị, những việc làm của chị thật “chướng tai gai mắt”... Bà đâu biết rằng con dâu mình là một chuyên gia trong ngành quảng cáo, mới trở thành phó giám đốc một công ty tổ chức sự kiện với thu nhập khá cao, gấp 5, 7 lần thu nhập của chồng. Vì thế chị cũng phải làm việc căng thẳng, hết mình để giữ được vị trí đó...

Người chồng rất thông cảm công việc của vợ nhưng bà mẹ chồng thì không, chủ yếu vì bà không thể nào hiểu nổi tham vọng của một phụ nữ như chị. Bà rất muốn về lại quê nhưng không về được vì nhà đã bán, cứ mỗi lần gọi điện về quê thăm hỏi bà con, bà lại có dịp than thở, kể lể về cô con dâu “hiện đại” của mình, “ghiền” vi tính hơn là bếp núc.

Những người ở quê nghe vậy cũng thấy tội nghiệp con trai bà và đâm ra cũng ghét luôn cô con dâu của bà dù họ chưa một lần gặp mặt! Thật là oan cho chị. Đành rằng niềm vui của tuổi già là con cháu, thế nhưng không ít người bà mẹ chồng có cuộc sống quá đơn điệu, họ không có niềm vui nào khác nên quá quan tâm đến cuộc sống của con cháu và từ đó can thiệp sâu vào cuộc sống riêng tư của con để rồi làm khổ con dâu lẫn chính mình.

Bà Yên là công chức về hưu, ngoài việc nhà ra bà chẳng còn biết làm gì cho hết ngày, nhà riêng của con trai cách đó chừng vài cây số nên ngày nào bà cũng đạp xe sang xem con dâu bà chăm sóc chồng và nhà cửa ra sao.

Bà chê cô dâu đủ điều, nào nhà cửa bề bộn, quần áo ngâm đến thối không chịu giặt, chủ nhật cũng ít khi về thăm ông bà... Bà đâu hiểu rằng con trai bà là chủ một doanh nghiệp vốn đã bận rộn, con dâu bà còn bận hơn.

Là bác sĩ mới ra trường cô phải chịu khó rất nhiều để khẳng định mình, rồi phải đi học thêm ngoại ngữ vì cô muốn được ra nước ngoài tu nghiệp để nâng cao tay nghề... Muốn vậy cô phải chứng tỏ năng lực và lòng yêu nghề. Trước mắt cô tạm hoãn việc có con lẫn chăm chút cái tổ ấm như mơ ước. Cô được chồng chia sẻ, động viên nhưng khi anh nói ra điều đó với mẹ để bà thông cảm thì bà bảo rằng anh bênh vợ và càng thành kiến với con dâu hơn.

Cũng có người may mắn, như chị Kim Duyên là một nhà nhiếp ảnh trẻ, năng động, tuy mới vào nghề nhưng những tấm ảnh của chị chụp rất chuyên nghiệp, thế mà trong gia đình chị tự xưng là một bà “nội trợ nghiệp dư”.

Không phải chị vụng nhưng gần như chị dành hết thời gian, tâm trí cho việc đi sáng tác ảnh nên bất ngờ nếu ai bảo chị đi chợ, nấu một bữa ăn đãi khách là chị lúng túng như gà mắc tóc.

Vì có ít thời gian gần con nên mỗi khi ở nhà chị đâm ra chiều con quá. Chị lại ở chung với gia đình chồng, bạn bè đều ngại với một người quá mê nghề lại hơi vụng về như chị chắc là bị mẹ chồng... ghét lắm. Nghe vậy chị bảo trái lại là đằng khác.

Bà mẹ chồng chị vốn là một họa sĩ nhưng không theo được nghề nên rất khuyến khích con dâu theo đuổi sự nghiệp, xem đó như một hạnh phúc không thể thiếu của người phụ nữ bên cạnh gia đình. Bà sẵn sàng giữ cháu nội để dâu đi sáng tác xa nhà.

Những ngày giỗ tết bà “tha” cho chị việc đi chợ nấu ăn mà chỉ giữ phần trang trí nhà cửa, bày biện món ăn cho đẹp mà thôi. Bà cũng cho rằng người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” là rất tuyệt vời nhưng để có cả hai là điều rất khó, như bà đã phải hy sinh sự nghiệp vì gia đình nhưng bây giờ bà muốn con dâu mình không phải có sự hy sinh quá lớn như thế.

Bà sẵn sàng thông cảm, hỗ trợ con dâu để cô có cả hai... Cho nên mỗi khi có dịp nói về mẹ chồng, mắt chị Kim Duyên lại sáng lên “Mẹ chồng em rất hiện đại, nếu không gặp được một bà mẹ chồng “thoáng” như thế chắc em chết mất.”

Vừa rồi chị đã có vài cuộc triển lãm ảnh khá thành công, ảnh chị được nhiều công ty quảng cáo đặt hàng. Những gì đạt được chị chưa khoe với chồng mà luôn khoe với mẹ chồng trước tiên.

Cho nên không chỉ những nàng dâu mới phải cố gắng tìm cách hội nhập với gia đình chồng, giữ gìn nền nếp gia phong mà những bà mẹ chồng cũng cần phải “hiện đại hóa” chính mình để hiểu được tâm tư tình cảm lẫn những khó khăn vất vả của những phụ nữ trẻ, hiện đại. Chỉ trên cơ sở thương yêu, thì những bà mẹ chồng mới cảm hóa được con dâu, uốn nắn họ theo chiều hướng tốt và mới vượt lên được những mâu thuẫn hẹp hòi muôn đời giữa mẹ chồng, nàng dâu.

VỆ GIANG

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments