Kinh nghiệm mẹ chồng nàng dâu


Theo Đẹp

Hầu hết các ông chồng đều sung sướng, hạnh phúc khi vợ thầm thì loan tin “Em đã có bầu!”. Niềm vui đó nhanh chóng lan sang gia đình hai bên nội ngoại.

Một thành viên bé bỏng chào đời lẽ ra phải khiến mọi người đoàn kết, gần gũi nhau hơn, nhưng những bất đồng ngoài dự kiến, cảnh "trời" không chịu "đất", "đất" nhất định chẳng chịu "trời" lại là chuyện dài nhiều tập, không có đoạn kết. Và trong nhiều gia đình không chỉ em bé, mà có khi người lớn cũng... khóc.

Bà và mẹ, ai đúng - ai sai?

Giữa những cặp vợ chồng trẻ, lần đầu có con, dễ xảy ra xung đột, song cũng dễ hàn gắn, bởi họ còn có chung một “tài sản” vô giá. Song  cuộc chiến giữa các bà mẹ chồng và con dâu mới đích thực là gian nan. Ai cũng tìm cách chứng tỏ là mình có vai trò quan trọng đối với đứa bé. Bà mẹ chồng thì dựa vào kinh nghiệm nuôi trẻ còn cô con dâu ỷ vào thế sinh ra đứa trẻ và đang cập nhật phương pháp nuôi dưỡng trẻ hiện đại.

Có vẻ như mâu thuẫn này là "tất - lẽ - dĩ - ngẫu". Cứ theo Triết học mà nói, có sở hữu cá nhân ắt nảy ra mâu thuẫn. "Hoà bình" có vẻ như rất quý hiếm khi hai người cùng "sở hữu" một tài sản. Chủ “sở hữu 1” là: “Ngày xưa mẹ toàn thế này, thế kia, có sao đâu...”, thì "Chủ sở hữu 2" lại "bật": “Bây giờ khác rồi, khoa học hiện đại thế này, thế kia...”

Thấy thằng cu chào đời mạnh khoẻ, gương mặt sáng sủa, bà nội mừng lắm. Bố mẹ nó đã chọn cho nó một cái tên rất oách: Bảo Kiếm. Bà nội giành đặt cho cái tên ở nhà. Theo bà, phải chọn cái tên nào thật xấu để dễ nuôi. Nhưng mẹ nó nhất định không chịu gọi nó là "cu Sứt" mà bà nội đã vắt óc nghĩ ra.

Mẹ nó nói: “không có Sứt mẻ nào hết, tên gì nghe mà ghê”. Vậy là bà nội khóc rấm rứt, mách với bố nó. Mẹ nó gặp ba nó cũng cằn nhằn: “bây giờ là thời nào rồi, mà mẹ sợ tên đẹp, ma quỷ sẽ bắt thằng nhỏ”.

Mẹ chồng nàng dâu đang “tình thương mến thương”, bây giờ như nước với lửa. Mẹ thằng nhỏ độc quyền “ôm” nó, làm cho bà nội càng thêm giận. Khi Bảo Kiếm được gần 3 tháng, còn chưa mang nổi đầu, bà nội đã bế dựng lên. Nhìn thằng bé cứ ngặt ngà ngặt nghẹo mà nó kêu lên sợ gãy đốt sống cổ hoặc sẽ làm cổ rụt sau này. Bà hờn dỗi nói: “tao nuôi 3 đứa con khôn lớn, khoẻ mạnh, đâu phải là ngu dốt không biết gì”. Ông chồng trẻ dứng giữa lòng rối bời: “Giá như vợ sinh đôi, giao cho mẹ một đứa chắc mình đỡ khổ”.

Chưa hết, mâu thuẫn bùng nổ khi thằng cháu đích tôn 4 tháng tuổi đã ăn bột, tập bú sữa ngoài để mẹ nó rảnh rang đi làm. Bà tấm tức kể: “thằng cha nó bú sữa mẹ đến năm 3 tuổi, nhờ vậy mà không mắc bệnh, lại còn thông minh và quan trọng hơn là tình mẫu tử mới sâu đậm. Vậy mà, cháu nội lại không được hưởng những quyền lợi đó, tội nó quá!”.

Bà sưu tầm tất cả các bài báo khuyến cáo sữa bột giả, không đủ chất dinh dưỡng, đưa cho con trai. Theo bà, vì con dâu lười biếng, sợ hỏng dáng nên mới cai sữa sớm. Nhưng cô con dâu thì cho rằng bà nội quá lạc hậu, ở nhà ôm con cho bú suốt 3 năm thì còn đâu sự nghiệp, công danh. Phụ nữ thời nay đâu chỉ lo gia đình. Vậy là bà ra lườm, vào nguýt, thấy con dâu váy áo xốn xang đi sớm về muộn bà càng ngứa mắt, càng xót cháu.

Từ hồi về làm dâu đến khi chưa sinh con, chị Quỳnh Hoa với mẹ chồng rất hoà hợp, nhưng từ khi bé Kitty ra đời mẹ chồng nàng dâu thành ra lục đục. Chung quy cũng chỉ vì quan điểm nuôi dưỡng trẻ.

Bà có kinh nghiệm nên rất tin vào cách nuôi con của mình, còn chị, với trình độ sau đại học chị cũng tin vào những kiến thức tiên tiến mình “update” được. Vậy cuộc chiến giữa hai thế hệ xoay quanh một cục cưng bắt đầu.

Thoạt đầu là việc hễ cháu khóc là bà dỗ cháu bằng cách bật ti vi, bật đĩa. Con bé dần dà nghiện, im bặt. Chị Hoa sợ hại mắt con nên góp ý với bà, lại mang cả sách ra đọc cho mẹ chồng nghe. Ai dè bà nổi đoá rồi hờn mát, nói xa nói gần chuyện nàng dâu nhiều chữ về bắt bẻ mẹ chồng.

Việc cho bé ngủ cũng không đơn giản. Trẻ con cần ngủ rất nhiều, nhưng bà chẳng quan trọng đến việc nó ngủ. Hôm nào bà cũng thức đến 12h lướt đủ các kênh, đến khi cô phát thanh viên chúc ngủ ngon, bà mới chịu cho nhà đài nghỉ và cũng mới cho cháu ngủ.

Chị Hoa xót con thì bà gắt: “Nó muốn ngủ bao nhiêu nó ngủ, không việc gì phải lo. Trẻ buồn ngủ, khắc ngủ, không nên ép”. Chưa kể đến chuyện chị Hoa quán triệt quan điểm là không bế con nhiều kể cả lúc đi ngủ, cho bé quen, nhưng bà nội thì lúc nào cũng khư khư bế cháu. Nói ra thì bà trách là không muốn cho bà bế cháu.

Kinh nhất là trong vốn kiến thức của bà có cả mớ kiến thức những bài thuốc dân gian, mỗi lần cháu ốm là bà lập tức ra tay. Cháu mọc răng, sốt, đau bụng, đi ngoài, viêm họng...là bà bôi, đắp hết là nọ, lá kia. Bà nhất định không cho uống kháng sinh với lý do sẽ còi cọc người đi, không lớn được trong khi nàng dâu như ngồi đống lửa vì muốn cho con đi khám để xem bệnh tình thế nào cho an tâm. Có những bài thuốc của bà khiến y học bó tay, nhưng bà vẫn đúng vì bà “đã nuôi thằng bố nó khoẻ mạnh, lực lưỡng đấy thôi”!

Chuyện nhà chị Phương Dung ở Lý Chính Thắng, Q3 - TP.HCM còn phức tạp hơn. Từ khi trong nhà có thêm “tý nhau”, mẹ chồng nàng dâu lúc nào cũng căng như dây đàn. Chị Dung ở cùng mẹ chồng chăm sóc cục cưng nên ra đụng vào chạm.

Riêng chuyện tắm nước 35o hay 37o cũng trở thành vấn đề không nhỏ. Chuỵện cho bé ăn gì mới là phức tạp. Chị Dung muốn ép con ăn thì bà nội gạt đi. Với bà, ngày xưa ba đứa con tranh nhau ăn, lớn lên như cỏ, chẳng bênh tật gì. Chị Dung cãi: “thời xưa nghèo khổ, cơm không đủ ăn thì chẳng tranh nhau thì sao. Bây giờ không ép chỉ có suy dinh dưỡng”.

Mỗi lần cho con ăn là một lần trong nhà như có đám cháy. Người hò hét, người can ngăn. Khi thằng bé lên 4 tuổi, mẹ quát thì bà can. Mẹ nghiêm khắc, bà chiều chuộng, khiến thằng bé ỉ thế mình có “ô dù” nên càng làm phách. Nhưng khổ nhất có lẽ chính là chồng chi Dung mỗi tối bước chân về nhà phải làm quan toà phân xử mấy vụ “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Giải quyết xung đột

Theo các chuyên gia tâm lý, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu luôn...mong manh. Vì thế, khi có cháu nội, thì bé phải làm cầu nối cho hai người phụ nữ này gần nhau hơn, chứ không phải vì bé mà bất hoà. Đây là xung đột giữa các quan điểm xưa - nay, cũ - mới.

Để giải quyết các xung đột này, vai trò của người chồng cũng rất quan trọng. Tốt nhất hai vợ chồng hãy cùng bàn bạc với nhau để tìm ra hướng giải quyết. Đôi khi kinh nghiệm của các cụ rất quý báu, không nên cái gì cũng quy là lạc hậu. Các bà cũng có kinh nghiệm, có cái đúng có cái sai.

Vậy, nàng dâu nên khách quan nhìn nhận mẹ chồng có gì đúng. Nếu có thì nên khen, nên bắt trước, để bà thấy mình được đánh giá cao một số mặt. Như vậy nàng dâu sẽ thuận lợi những khi đề nghị bà làm theo ý mình. Trong trường hợp mẹ chồng “sai lè lè”, tốt nhất hai vợ chồng hãy trao đổi trước khi đến một bác sĩ nào đó, ở một chỗ có uy tín, rồi thì đưa cả bà lẫn cháu đến gặp bác sĩ ấy, nói là khám định kỳ cho bé. Mẹ chồng có thể không “chịu” con dâu, nhưng nhất định phải “chịu” bác sĩ.

Nếu nàng dâu đã trang bị cho mình kiến thức thật chặt chẽ và khoa học, thì tốt nhất  hãy chọn cách diễn đạt dễ nghe, thấu tình đạt lý để mẹ chồng hiểu. Đừng hậm hực lừ lừ làm theo ý mình dễ khiến mẹ chồng cảm thấy bị coi thường. Bạn cũng có thể nhờ người thứ ba như chồng, họ hàng nhà chồng góp ý với mẹ chồng.

Khi có dịp hợp lý, cả mẹ và bà nội cần ngồi với nhau, thảo luận và thuyết phục lẫn nhau. Mọi chê bai, chỉ trích, và cố chứng tỏ mình đúng chỉ làm hại cho đứa bé bởi nó cần cả hai người: Bà và Mẹ.

PHƯỚC CHUNG

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments