Khi đứa trẻ là "vũ khí"


Theo Phụ Nữ

Không thuyết phục được chồng ra ở riêng, Liên chấp nhận cuộc sống ở chung với gia đình nhà chồng trong nỗi ấm ức. Khi đứa con chào đời, Liên biết mình có “vũ khí” để làm cho ông bà nội biết thế nào là vị trí của con dâu…

Muốn yêu cháu nội phải qua con dâu

Cũng không ghét bỏ gì Liên cả, nhưng từ ngày cô về làm dâu ông bà Thông cũng có chút để ý cung cách ăn ở và thi thoảng có góp ý với vợ chồng Liên đôi điều.

Công bằng mà nói thì mối quan hệ giữa Liên và bố mẹ chồng không có gì lấy làm căng thẳng cả. Thế nhưng, Liên lại luôn thấy gò bó khi ở chung với bố mẹ chồng.

Cô thường tìm cách lẩn trốn mỗi lần bố mẹ chồng có ý trò chuyện. Tại Liên cứ kéo dài khoảng cách giữa mình và ông bà Thông. Rồi dần dần, những khoảng cách ấy đã tạo điều kiện cho những mâu thuẫn nẩy sinh.

Ông bà Thông không chịu được thái độ vô lễ của con dâu và Liên cũng cảm thấy mình đang bị bố mẹ chồng bắt nạt. Thế là Liên nằng nặc đòi chồng đi ở riêng.

Chồng Liên vốn là một người rất nặng tình nghĩa với họ hàng, anh lại là con trưởng nên lúc Liên đề nghị ra ở riêng anh đã gạt phăng đi khiến cho Liên cảm thấy mình đang bị chồng đặt ở vị trí thấp hơn so với bố mẹ.

Mối ghen tức, hờn giận ông bà Thông trong lòng Liên ngày một nhiều lên. Nhưng cô không dám làm trái ý chồng vì cô biết cá tính của anh. Nếu cô cứ nằng nặc ra ở riêng thì chỉ có nước là cô bỏ chồng.

Cô sống chung với bố mẹ chồng với nỗi ấm ức khôn nguôi. Liên luôn cố tình tỏ thái độ “không hợp tác” với bố mẹ chồng, điều đó khiến cho ông bà Thông trở nên khó chịu. Những cuộc va chạm, cãi vã, xích mích giữa Liên và bố mẹ chồng ngày một nhiều hơn.

Khi Liên mang thai, ông bà Thông cũng giảm bớt những căng thẳng với con dâu, chuyển sang thái độ hòa nhã hơn. Phần vì nghĩ đến cháu nội, phần cũng muốn nhà cửa “trong ấm ngoài êm”. Thế nhưng, cũng bắt đầu từ khi mang thai Liên biết mình đang nắm giữ một thứ “vũ khí lợi hại” để chi phối bố mẹ chồng.

Nếu ông bà Thông tỏ vẻ muốn quan tâm đến cái thai trong bụng, thì Liên tìm cách tảng lờ hoặc đáp lại bằng thái độ vô lễ. Ngày Liên vào bệnh viện sinh, ông bà Thông hấp tấp đến. Vừa nhìn thấy bố mẹ chồng, Liên như muốn giấu nhẹm đứa bé đi để không cho ông bà nội tới gần. Hiểu được tính khí của con dâu nên ông bà Thông cố nhẫn nhịn và hy vọng rằng đứa cháu sẽ là cầu nối cho mối hòa hoãn giữa mình và nàng dâu.

Thế nhưng niềm hy vọng của ông bà Thông đã đặt nhầm chỗ. Từ ngày có đứa con, Liên càng tỏ ra lạnh nhạt và “làm mình làm mẩy” với bố mẹ chồng hơn.

Mỗi lần ông bà Thông định bế cháu lên Liên thường kiếm lý do phải tắm cho đứa nhỏ hoặc giằng lấy cho con bú. Ông bà Thông rất giận con dâu nhưng nỗi lòng người già muốn có đứa cháu để nựng nịu nên ông bà vẫn cố làm hòa với con dâu bằng mọi cách.

Ông bà Thông chiều chuộng Liên nhiều hơn và gần như không dám có phản ứng gì khi Liên bực dọc. Dần dần, sự nhẫn nhịn của ông bà Thông đã được “bù đắp” phần nào khi Liên tỏ ra “thoáng” hơn trong việc cho ông bà tiếp cận với cháu nội.

Cũng từ đây, ông bà Thông hiểu rằng muốn yêu cháu nội thì phải qua con dâu trước đã. Thế nên, ông bà Thông ngày một “nể vì” con dâu. Liên tự thấy đó là một “chiến thắng” của mình trong “cuộc chiến” ở nhà chồng.

Cái lỗi vẫn là ở định kiến

Có không ít những cô con dâu sử dụng đứa con như một thứ “vũ khí” để điều khiển bố mẹ chồng. Và nhiều ông bà nội đang thực sự phải “lụy” con dâu để bắc được cây cầu sang với cháu nội.

Điều đó cho thấy, tiếng nói của người già trong một số gia đình trẻ hiện nay đang bị mất dần đi uy thế, trọng lượng của mình. Ngay cả trong câu chuyện ở chung, ở riêng nếu xảy ra “cuộc chiến” giữa nàng dâu và bố mẹ chồng thì dường như phần thắng thuộc về nhiều nàng dâu. Chính vì thế mà không chỉ có các nàng dâu mà nhiều cha mẹ khi cho con cái kết hôn rất e ngại chuyện ở chung, ở riêng.

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng các cặp vợ chồng trẻ ngày nay không hẳn đã sợ chuyện ở chung với bố mẹ như những gì người ta đồn thổi. Ngược lại, có một số người muốn ở chung với bố mẹ để có thể cậy nhờ và chia sẻ với nhau.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây thuộc về cái nhìn định kiến của xã hội, nhiều người vẫn quá nặng nề chuyện ở chung, ở riêng nên mới có chuyện ngay từ những ngày đầu chung sống giữa cha mẹ và con cái thiếu sự cảm thông, thống nhất được với nhau.

Mâu thuẫn thế hệ sẽ nẩy sinh bất cứ lúc nào nếu thiếu đi sự hòa hợp ngay từ những lúc đầu tiên. Và không hẳn ở chung đã có mâu thuẫn và chưa chắc ở riêng đã tránh được bất hòa. Cần xóa bỏ định kiến về chuyện ở chung, ở riêng thì mới có thể thiết lập được các mô hình gia đình hiện đại thuận hòa như mong muốn của mọi người...

THU GIANG

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments