Má tôi về làm dâu bà nội vào thời hôn nhân ở
nông thôn còn bị trói chặt trong cổ tục mà cùng lúc đạo lý cổ
truyền được trân trọng, tôn vinh. Lần này kén vợ cho cha tôi,
người con trai duy nhất còn ở lại bên mẹ già góa bụa, bà nội
càng quyết đoán chặt chẽ hơn.
Do 4 người con của bà nội đã có chồng, vợ và
đều ra ở riêng. Bà nội chọn má tôi - một cô gái miền quê mộc
mạc, nết na cần mẫn thuộc gia đình thanh bạch lễ giáo. Phải kể
dáng hình má tôi khá thanh tú nhờ vào cái eo thon thả xinh xắn,
được gọi là... cái lưng ong, đã thu hút được bà nội. Bà rất tin
vào câu ca dao: “Đàn bà thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng
vừa khéo nuôi con”.
Khi về nhà chồng má tôi luôn nhớ lời dặn dò
đạo nghĩa thâm sâu của bà ngoại: “Hãy yêu thương mẹ chồng như mẹ
ruột của mình, nghe con”.
Bữa ăn của bà nội được má tôi dành riêng cho
bà khúc cá ngon, miếng thịt mềm, tô canh nóng. Chọn gạo thơm đầu
mùa cho chén cơm của bà thêm ngon. Tối đến, má dọn mùng mền, soi
đèn bắt muỗi, quạt đều tay khi trời nóng, đốt than sưởi cho bà
khi trời lạnh, cố tạo cho bà giấc ngủ yên lành.
Hằng ngày má nấu nước lá sả, lá bưởi tắm gội,
nhổ tóc ngứa, săm soi cắt móng tay, chân cho bà. Bơi xuồng luồn
qua con rạch nhỏ đưa bà đi cúng lễ, vãn cảnh đình chùa. Má thức
thâu đêm tận tụy chăm sóc thuốc men, sữa cháo khi bà đau yếu
trên giường bệnh.
Thấy má tôi quá vất vả gánh vác hết mọi việc
trong nhà, ngoài đồng, chợ búa v.v... mà còn phụng dưỡng mẹ
chồng nặng nhọc, có người hỏi: “Sao không ra riêng như các ông
bà kia cho sướng thân?”. “Dẫu cực nhọc bao nhiêu mà còn có mẹ
già để phụng dưỡng, cho bà sống khỏe sống lâu vui vầy bên con
cháu là hạnh phúc cho tôi lắm rồi”. Má tôi cười đáp.