Hóa giải căng thẳng giữa mẹ chồng - nàng dâu


Theo VTV

Hai vợ chồng lấy nhau nhưng mẹ chồng ngay từ đầu đã không tán thành sự hợp đôi ấy. Khi không có thiện cảm với nhau thì con dâu làm việc gì mẹ chồng cũng thấy không vừa lòng, hay chì chiết, còn con dâu lại tỏ ra bất cần, chống đối.

Dần dần, mối quan hệ trở nên vô cùng căng thẳng và ảnh hưởng đến tâm lý của những đứa trẻ ngây thơ. Do vậy, việc tìm ra một cách giải quyết ổn thoả là cách tối ưu nhất trong tình huống này.

Đúng vậy, trẻ con rất mẫn cảm với những căng thẳng trong gia đình kể cả khi nó không được thể hiện rõ ràng. Tuy nhiên, chúng không biết nguyên nhân của sự căng thẳng ấy và vì chúng luôn coi mình là trung tâm nên thường đổ lỗi cho chính mình. Chúng có thể nghĩ "Hành vi không tốt của mình đã gây ra tất cả những vấn đề trục trặc giữa những người lớn".

Chúng ta đều biết rằng những cảm giác thực cho dù muốn giữ bí mật cũng khó. Một lời thì thầm to nhỏ, sự thay đổi nét mặt, ngôn ngữ cơ thể hay nghe lỏm đôi chút từ cuộc đối thoại của người lớn hoặc những câu trả lời ngập ngừng, thoái thác sẽ dễ khiến trẻ tự tìm lời giải thích cho riêng mình. Đôi khi chúng làm mọi việc trở nên căng thẳng hơn thực tế. Để đảm bảo một mối quan hệ lành mạnh, vui vẻ với các thành viên trong gia đình, bạn nên cố gắng chấm dứt tranh cãi nếu có thể.

Còn mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu nếu quá căng thẳng thì chỉ có thể hoà giải được khi cả hai cùng có thiện chí. Nếu nó đã diễn ra khá lâu thì việc khôi phục nó chắc sẽ mất một khoảng thời gian không ngắn. Mẹ chồng bạn có thể khắt khe, khó tính thái quá nhưng bạn có thể cố gắng hiểu bà, hiểu những nỗi lo lắng, sợ hãi và tâm lý dễ xúc động của bà. Làm được như vậy, bạn mới có thể cởi mở hơn khi nhìn nhận nguyên nhân gây ra căng thẳng giữa hai mẹ con. Trường hợp bạn tự nhận thấy trước đây đã làm tổn thương mẹ, bạn cần xin lỗi và cố gắng xoá tan bầu không khí thiếu thân thiện trong nhà.

Khi bạn đã làm hết sức mình để cải thiện mối quan hệ là lúc chồng bạn nên tham gia. Thực tế, ông xã là nhân tố chủ chốt trong việc hàn gắn khoảng cách vô hình giữa vợ và mẹ. Nhiệm vụ của anh ấy là đứng về phía vợ khi mẹ chỉ trích sai hoặc xúc phạm bạn. Anh ấy cần giải thích với bà khi chỉ có hai mẹ con rằng bạn là sự lựa chọn của anh ấy và nếu bà yêu con thì ít nhất bà nên tôn trọng sự lựa chọn bạn đời của con. Khi mối căng thẳng đã dịu đi, cả ba người - mẹ chồng, chồng và bạn cần ngồi lại và chỉ ra những việc không đúng và nguyên nhân của chúng. Nếu không thể tự giải quyết, mọi người nên tìm đến các chuyên gia tư vấn gia đình - người có thể giúp giải mã những hành động và phản ứng của từng người để kịp thời hàn gắn vết nứt tình cảm.

Tuy nhiên, nếu sau mọi nỗ lực, bạn vẫn cảm thấy chưa thể hoà hợp được với mẹ chồng thì cũng không nên truyền nó cho con. Bà nào cũng quý cháu và con bạn cũng cần có mối quan hệ tốt với bà nội. Bạn hãy cố gắng trả lời các câu hỏi của con để loại bỏ những ý nghĩ không tốt về bà trong đầu chúng. Bạn cũng nên cẩn thận đừng dùng bọn trẻ như một con tốt trong bất kỳ cuộc chiến nào: đừng yêu cầu con "điều tra" mẹ chồng bạn và cũng không nên bơm vào đầu con những thông tin một chiều để chúng nói với bà khi đến thăm.

Mặt khác, nếu cảm thấy có gì không ổn như bà nói xấu mẹ với cháu, xui cháu chống đối mẹ thì hai vợ chồng bạn cần can thiệp và nói để bà hiểu rằng tâm hồn trẻ như một tờ giấy trắng, vì thế người lớn không có quyền làm tổn thương nó. Đồng thời chồng bạn cũng nên nói thẳng với bà nếu việc đó vẫn tiếp tục xảy ra thì chắc chắn cháu sẽ không được phép đến chơi với bà nữa.

MAI HÀ

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments